Đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển KTXH địa phương
06/12/2024 | 08:01 AM
|
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã đưa tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn Hà Nội - Ảnh: VGP/HM
Đây là một trong những yêu cầu của UBND Thành phố Hà Nội đối với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tại Kế hoạch số 352/KH-UBND vừa được ban hành.
Kế hoạch này nhằm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 16/8/2024 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về vai trò của an ninh, an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội, đồng thời nắm vững nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Chỉ thị 34-CT/TU.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đối với công tác an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã phân định rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm. xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
Đồng thời, đưa tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện học tập quán triệt Chỉ thị 34-CT/TU, gắn với học tập các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đi sâu chỉ đạo việc xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch về đảm bảo an toàn thực phẩm của địa phương, đơn vị.
Triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về an toàn thực phẩm đến toàn dân trên địa bàn, giúp người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cũng tại Kế hoạch này, UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Thành phố tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với các quy định của Đảng và nhà nước.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách…
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ, đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, kế hoạch cũng đặt mục tiêu, 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm toàn Thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch.
100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo, điều tra, xử lý kịp thời; khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân/năm.
Đặc biệt, 100% thông tin phản ánh về không bảo đảm an toàn thực phẩm được kiểm tra xác minh và xử lý kịp thời.
Nguồn: chinhphu.vn
Related news
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày