Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch sởi
04/04/2025 | 08:57 AM



Bệnh sởi tại Đà Nẵng hiện có chiều hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Ngành y tế Đà Nẵng hiện đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch sởi, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi và tăng cường thu dung, điều trị, không để dịch sởi bùng phát.
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa Y học nhiệt đới Nhi-Hồi sức tích cực và bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Hiện nay, tại các bệnh viện, cơ sở y tế, số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sởi tăng đột biến. Trước tình trạng này, ngành y tế Đà Nẵng triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, không để bùng phát thành dịch.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC) Nguyễn Đại Vĩnh, cho biết: Hiện ngành y tế đang triển khai cùng lúc 5 biện pháp phòng, chống dịch sởi.
Căn cứ rà soát đối tượng và dự trù vaccine, tiếp nhận vaccine phòng bệnh sởi từ Bộ Y tế, tiến hành cấp phát kịp thời cho các địa phương để triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm và tiêm chủng đầy đủ vaccine trên địa bàn các phường, xã theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục khẩn trương đánh giá tình hình diễn biến bệnh sởi tại thành phố và các phường, xã để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo hướng dẫn, không để bùng phát dịch sởi trong thời gian tới.
Ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, những ngày qua, số ca bệnh nhi đến khám tại đây liên quan đến bệnh sởi tăng. Bệnh viện đã tiến hành phân khu hướng dẫn người dân đến khám sởi theo lối đi riêng tránh lây chéo.
Theo đại diện bệnh viện, từ tháng 11/2024 đến ngày 27/3/2025, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã thu dung điều trị nội trú 1.921 ca bệnh sởi.
Hiện, bệnh viện có bốn khoa đang điều trị sởi gồm: Khoa Y học nhiệt đới điều trị sởi mức độ nhẹ, trung bình, cần hỗ trợ thở oxy; Khoa Nhi tự nguyện chuyển sang điều trị sởi mức độ nhẹ; Hồi sức Nhi điều trị các ca bệnh sởi nặng, bệnh suy hô hấp cần can thiệp thở máy, thở CPAP và Khoa Nhi sơ sinh hồi sức tích cực và bệnh lý điều trị trẻ bệnh sởi dưới 29 ngày tuổi từ nhẹ đến hồi sức tích cực.
Phòng bệnh ICU điều trị những trẻ bị sởi biến chứng nặng ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Tại Khoa Y học nhiệt đới-hồi sức tích cực và bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sởi tăng cao đột biến so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chỉ trong tháng 2/2025 ghi nhận 669 ca và đến nay ghi nhận khoảng 1.000 ca bệnh sởi. So với thời điểm này các năm trước, số ca bệnh tăng cao đột biến.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới nhi-hồi sức tích cực và bệnh lý cho biết, số lượng bệnh sởi đang ở mức cao. Tổng số bệnh sởi toàn viện ghi nhận trung bình gần 300 ca một ngày.
Hiện nay, bệnh viện đang phải phân tán bệnh nhân ra cả bốn khu vực điều trị theo từng giai đoạn bệnh. Về thuốc thì hiện tại đáp ứng đầy đủ với các loại thuốc phục vụ cho điều trị sởi như vitamin A liều cao, kháng sinh, miễn dịch bệnh viện đáp ứng được, đủ thuốc điều trị cho các trường hợp nặng.
Chị Hoàng Thị Hạnh có con mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, con trai chị chưa được tiêm phòng bệnh sởi nên việc cháu mắc bệnh cũng một phần do lỗi chủ quan. Vì bé có bệnh nền từ nhỏ nên ốm đau liên tục và không được đi tiêm. Đến khi cháu khỏe thì gia đình lại quên đưa cháu đi tiêm.
Đà Nẵng đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi cho các đối tượng trong độ tuổi và đang lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 15 tuổi và người lớn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Theo CDC Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm, toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận trên 3.000 ca sởi, trong đó nhiều nhất là quận Liên Chiểu và Thanh Khê. Đặc biệt, trong tổng số ca mắc sởi, có 56% là trẻ đi học. Trong đó, Đà Nẵng ghi nhận 1 ca bệnh nhi tử vong nghi mắc sởi.
Trước tình hình số ca mắc tăng cao đột biến, ngành y tế thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế triển khai các khu vực cách ly, điều trị và tập trung nhân lực, thuốc men, máy móc để đáp ứng khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân.
Ngày 25/3, Bộ Y tế cấp cho Đà Nẵng 27 nghìn liều vaccine sởi để tiêm chủng mở rộng. Ngay sau đó, toàn thành phố triển khai tiêm chủng số vaccine mới tiếp nhận này.
Theo CDC Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch tiêm vaccine sởi từ ngày 25-31/3, toàn thành phố Đà Nẵng tiêm được 21.542/22.387, đạt tỷ lệ: 96,23%. Trong đó, nhóm tiêm đạt tỷ lệ cao nhất là trẻ từ 6-10 tuổi với 12.126/12.550; tỷ lệ: 96,62%, nhóm tiêm đạt tỷ lệ thấp nhất là nhóm từ 6-9 tháng tuổi với 1.303/1.410; tỷ lệ: 92,41%.
Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành y tế Đà Nẵng khuyến cáo người dân không chủ quan, cần phối hợp với y tế địa phương để đưa con trong độ tuổi đi tiêm vaccine.
Ngành Y tế Đà Nẵng cũng khuyến cáo, hiện có một bộ phận người dân không đồng ý tham gia tiêm chủng dù đã được chính quyền và ngành y tế tuyên truyền, vận động nhiều lần. Có không ít phụ huynh không nhớ tiền sử tiêm chủng của trẻ, làm mất sổ tiêm nên kết quả rà soát khó chính xác. Thậm chí, nhiều trường hợp đã tiêm chủng đủ 2 mũi nhưng không có thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Hiện, CDC Đà Nẵng tiếp tục tham mưu Sở Y tế thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát các đối tượng, đề xuất nhu cầu vaccine, vật tư, kinh phí phục vụ tiêm vaccine phòng sởi cho các nhóm đối tượng ngoài chiến dịch, bao gồm cả người lớn.
Nguồn: Nhandan.vn
Related news
- Cần Thơ tăng tốc đưa chiến dịch tiêm chủng phòng sởi về đích
- Thách thức phẫu thuật cắt bỏ phần dạ dày ung thư cho người gù vẹo cột sống nặng
- Ngành Y tế Hà Nội tăng cường giám sát, phát hiện các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn
- Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis
- Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
- Đột phá trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch nguy hiểm