Thông tin y tế 27 – 29/02/2020

29/02/2020 | 10:37 AM

 | 

1. Từ 0h ngày 29/2, người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý phải khai báo y tế

Bộ Y tế vừa gửi Công văn số 987/BYT-DP đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế phòng chống bệnh COVID-19 đối với khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý, thời gian áp dụng kể từ 0 giờ ngày 29/2/2020.

Theo đó, công văn nêu, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc tăng nhanh tại Cộng hòa Hồi giáo Iran (Iran) và Cộng hoà Ý (Ý). Hiện Việt Nam có số lượng lớn hành khách nhập cảnh đến từ hai quốc gia trên, nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam là rất lớn.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, căn cứ Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với COVID-19, cụ thể:

Quy trình thực hiện:

- Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách đến từ hoặc đi qua Iran và Ý. Tại đây kiểm dịch viên y tế và cán bộ phiên dịch có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định.

- Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do COVID-19, kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định.

Các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có hoạt động kiểm dịch y tế:

- Tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế

- Cung cấp miễn phí tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu.

- Triển khai khu vực dành cho khai báo y tế tại khu vực cửa khẩu đến (bố trí biển chỉ dẫn, bàn, ghế, bút, tờ khai, người hướng dẫn...).

- Trang bị con dấu liền mực cho kiểm dịch viên y tế để xác nhận vào tờ khai y tế (con dấu nhảy được ngày, tháng, năm; có dòng chữ ĐÃ KIẾM TRA).

- Thông báo cho các bên liên quan tại cửa khẩu để phối hợp trong quá trình triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh.

- Kết thúc ngày làm việc, lập danh sách các trường hợp phải khai báo y tế gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các địa phương nơi các trường hợp này đến cư trú, tạm trú hoặc lưu trú để theo dõi sức khoẻ hàng ngày (trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với kiểm dịch viên y tế:

- Kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách theo quy định.

- Đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế.

- Lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.

- Khi phát hiện hành khách khai báo có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm long đường hô hấp thì yêu cầu hành khách vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời theo quy định.

Nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị liên hệ về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, điện thoại: 0989671115 hoặc 0963851919) để được hướng dẫn giải quyết. (29/2/2020, 712 từ)

2. Cả nước tôn vinh người thầy thuốc, những chiến sĩ áo trắng!

Đó là những lời phát biểu chân thành của đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, tại hội nghị “Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019; triển khai công tác năm 2020” của Đảng bộ Khối Cơ sở Bộ Y tế, Đảng bộ TP.HCM, ngày 28/2/2020.

“Nhân 65 năm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhân dân TP.HCM cũng như cả nước đã tôn vinh những người thầy thuốc, những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chăm lo sức khỏe, chăm lo cho tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh cả nước kiên quyết phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đảng bộ Khối Cơ sở Bộ Y tế có nhiều loại hình của ngành y, trong đó có khối bệnh viện, khối viện nghiên cứu, trường đại học, công ty sản xuất dược phẩm…, tất cả đều vào cuộc, đồng bộ, trách nhiệm cao với tinh thần của những người mang sứ mệnh chăm lo sức khỏe cho người dân. Chúng ta đã gặt hái được những kết quả bước đầu vô cùng tự hào,” đồng chí Võ Thị Dung phát biểu.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019, đồng chí Ngô Đồng Khanh, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy Khối Cơ sở Bộ Y tế, chủ trì hội nghị, phát biểu, ngành y tế gặp không ít khó khăn, vẫn còn tình trạng quá tải bệnh nhân ở một số bệnh viện, mặc dù đã có nhiều cải thiện; một số bệnh tiềm ẩn, kháng thuốc hoặc nguy cơ trở lại thành dịch…; thị trường thuốc và dược phẩm cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

“Tuy nhiên, khối bệnh viện vẫn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đưa vào ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám, chữa bệnh; cập nhật và thực hiện nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng cao.

Khối viện đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn về dự phòng, xét nghiệm, chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực và kỹ thuật chuyên môn, đảm bảo chất lượng của mạng lưới y tế dự phòng, phòng chống dịch hiệu quả; là hậu phương vững chắc của công tác điều trị của khối bệnh viện…,” đồng chí Ngô Đồng Khanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, đồng chí Khanh cũng đã khẳng định vai trò của khối đào tạo, sản xuất kinh doanh… trong tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu, nâng cao thực hành cũng như những tập trung phát triển các mặt hàng mới, xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực, các mặt hàng đặc trị, hợp tác trồng trọt dược liệu theo tiêu chí VietGap…

Ngoài ra, các đơn vị hành chính sự nghiệp Chi nhánh Nhà Xuất bản Y học, báo Sức khỏe &Đời sống đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, công tác phục vụ các hoạt động của Bộ Y tế tại khu vực phía Nam… và là đầu mối thông tin với lãnh đạo Bộ Y tế ở phía Nam.

Trong công tác xây dựng Đảng, tình hình tư tưởng của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối nhìn chung ổn định, tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đảng ủy Khối còn triển khai các chương trình về nguồn, từ thiện, an sinh xã hội… nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, nâng cao nhận thức chính trị, khơi gợi tinh thần yêu nước, tiên phong trong học tập, lao động, sáng tạo.

Trọng tâm 2020, các đơn vị trong Đảng ủy Khối nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bệnh, giảm quá tải, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, đảm bảo thuốc điều trị; chủ động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia như tiêm chủng, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế…; nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị trong điều trị; tăng cường chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Cũng trong hội nghị này, 5 tổ chức cơ sở đảng được tặng giấy khen danh hiệu “trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu năm 2019, bao gồm: Đảng bộ ĐH Y Dược TP.HCM, Đảng bộ BV Chợ Rẫy, Đảng bộ BV Thống Nhất, Đảng bộ BV Răng Hàm Mặt Trung ương tại TP.HCM, Đảng bộ Cty Cổ phần Dược phẩm OPC; 13 đảng viên đạt tiêu chuẩn đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền và 241 đảng viên đạt tiêu chuẩn đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019… (29/2/2020, 869 từ)

3. Phòng COVID-19: Bộ Y tế yêu cầu sàng lọc nghiêm người đến khám chữa bệnh

Các cơ sở khám, chữa bệnh đề cao cảnh giác đối với tất cả người bệnh tới khám, chữa bệnh, đặc biệt lưu ý những người có tiền sử trở về từ những nước có số người mắc COVID- 19 cao

Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế ngành về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã lan rộng sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran,…; nguy cơ tiếp tục xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19, để bảo đảm phát hiện sớm, cách ly và quản lý kịp thời tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế và y tế ngành nghiêm túc, khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc.

Theo đó, toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đề cao cảnh giác đối với tất cả người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt lưu ý những người bệnh, có tiền sử trở về từ những nước có số người mắc bệnh cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Đức…

Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn và chỉ đạo nội dung chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đặc biệt các văn bản của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus corona mới; và quyết định về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đặc biệt lưu ý quán triệt thực hiện tại tất cả các loại hình tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân như bố trí khu vực riêng và tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp đón người bệnh tới khám (tại Khoa Khám bệnh), trước khi người bệnh được phát số thứ tự chờ khám bệnh; và bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho sốt chưa rõ nguyên nhân tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các cơ sở y tế tiến hành các biện pháp phòng ngừa, cách ly ngay sau khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu của ca bệnh nghi ngờ: Cho người bệnh nghi ngờ đeo khẩu trang và hướng dẫn tới khu vực cách ly; Hướng dẫn người bệnh che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp;… theo hướng dẫn. Sàng lọc, cách ly người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 của Quyết định 468/QĐ-BYT. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngay sau khi xác định ca bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19 (Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương).

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu phải ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh, quản lý người bệnh và báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý người bệnh. (29/2/2020, 882 từ)

4. Bộ Y tế thông tin về trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân tại Bắc Từ Liêm

Sau khi phát hiện ca đột tử tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cơ quan y tế Hà Nội đã lấy mẫu bệnh phẩm của nạn nhân để đi xét nghiệm. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý như một ca nghi ngờ nhiễm Covid-19, để chủ động phòng chống dịch bảo vệ người dân.

Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, khoảng 23h ngày 28/2/2020 đã phát hiện ca tử vong không rõ nguyên nhân tại một ngôi nhà trên phố Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Người tử vong là nam giới, 31 tuổi, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, mới thuê ngôi nhà này từ 10 ngày nay.

Do chủ nhà không liên hệ được với người thuê nhà nên đã tới ngôi nhà để kiểm tra và phát hiện ra người thuê nhà nằm trong căn phòng trên tầng 2. Chủ nhà báo cho Công an phường mở cửa vào và phát hiện ra người thuê nhà đã chết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm trên thi thể người đàn ông đem đi xét nghiệm và sau đó đưa thi thể về Bệnh viện 198.

Do ca tử vong xảy ra trong mùa dịch Covid-19, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các biện pháp chuyên môn như một ca nghi ngờ nhiễm Covid-19, để chủ động phòng chống dịch bảo vệ người dân.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra dịch tễ ca tử vong để khoanh vùng giám sát và cách ly y tế với những người đã có tiếp xúc; Khử trùng căn nhà có ca tử vong và khu vực lân cận theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế;  Tổ chức cách ly tại cơ sở y tế với gia đình chủ nhà và gia đình các hộ lân cận;  Theo dõi cách ly đối với 20 người đã phát hiện ra ca tử vong, bao gồm: đại diện UBND phường, công an phường, nhân viên y tế, đại diện tổ dân phố…  Theo dõi nghiêm ngặt diễn tiến sự việc để kịp thời xử lý. (29/2/2020, 413 từ)

5. Phối hợp tiếp nhận người Việt Nam từ Hàn Quốc về địa phương

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 1002/SYT-NVY gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc phối hợp tiếp nhận người Việt Nam về từ Hàn Quốc.

Theo đó, nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ và tổ chức cách ly y tế kịp thời theo đúng quy định đối với người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị các Sở Y tế phối hợp trong việc tiếp nhận người dân của các tỉnh, thành phố về từ Hàn Quốc nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh.

Các Sở Y tế phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh, thành phố phụ trách tiếp nhận thông báo qua điện thoại từ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP. Hồ Chí Minh hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh; điều phối xe và nhân viên đến TP. Hồ Chí Minh đón người dân về lại địa phương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng là 08 6957 7133, đồng thời, đề nghị các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố cung cấp số điện thoại liên lạc của đơn vị.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng có văn bản khẩn gửi UBND quận huyện; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP; Trung tâm Y tế quận, huyện và các bệnh viện công lập và ngoài công lập về việc hướng dẫn cách ly đối với người đến từ Hàn Quốc và tỉnh Vĩnh Phúc.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực TP Daegu và khu Bắc tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc) để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Đối với người trở về từ khu vực khác của Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hoặc trung tâm y tế quận huyện khuyến cáo việc tự theo dõi sức khỏe và hướng dẫn đầy đủ, nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần thông báo cho y tế địa phương để giám sát và đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị.

Đối với trường hợp người đến từ hoặc đi qua các xã đã có trường hợp mắc bệnh và có lây lan thứ phát tại cộng đồng (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện áp dụng cách ly y tế tại khu cách ly tập trung của TP trong vòng 14 ngày kể từ ngày rời khỏi xã Sơn Lôi; các trường hợp có dấu hiệu: sốt, ho và khó thở cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm. (28/2/2020, 551 từ)

6. Phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại cửa khẩu để cách ly

Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm

 Ngày 28/2, Bộ Y tế  đã có Công văn số 353/ CV- BCĐ  gửi các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao Thông vận tải, Ngoại giao và Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan nhanh

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trong thời gian vừa qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, nước ta bước đầu đã ngăn chặn và khống chế các ổ dịch COVID-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan nhanh, rộng trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tính đến ngày 27/02/2020, thế giới đã ghi nhận 82.384 ca mắc COVID-19 tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 2.814 trường hợp tử vong. Nguy cơ cao dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục xâm nhập nước ta và có thể ghi nhận trường hợp mắc mới trong thời gian tới.

Phỏng vấn để xác minh các trường hợp đến, đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch để thực hiện cách ly tập trung đủ 14 ngày

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19; và kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao Thông vận tải, Ngoại giao, Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc nâng cao cảnh giác, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không được lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm các ý kiến, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại cửa khẩu, khu vực biên giới, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức cách ly y tế ngay các trường hợp về từ các vùng có dịch của Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng có dịch của vùng, lãnh thổ các nước khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế được quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 và Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn cách ly y tế, Công văn số 868/BYT-DP ngày 24/02/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng bố trí khu cách ly, tổ chức đón những người phải cách ly từ các cửa khẩu, khu vực biên giới về khu cách ly và phối hợp với y tế địa phương tổ chức cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại các cơ sở cách ly, Bộ Y tế đề nghị căn cứ tờ khai y tế điện tử, tờ khai y tế bổ sung và bằng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành phỏng vấn để xác minh các trường hợp đến, đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch hoặc những người có biểu hiện (sốt, ho, khó thở) để thực hiện cách ly tập trung đủ 14 ngày và tiến hành xét nghiệm sàng lọc, còn các trường hợp khác đưa về cách ly theo dõi sức khỏe tại nơi ở, nơi cư trú có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở và y tế địa phương.

Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức gặp gỡ, trao đổi tuyên truyền, vận động tới tất cả các gia đình có người thân đang ở Hàn Quốc tiếp tục ổn định việc sinh sống, lao động và học tập, đồng thời chấp hành và thực hiện tốt các khuyến cáo, các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Hàn Quốc trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như (sốt, ho, khó thở) đến ngay các cơ sở y tế tại Hàn Quốc đề được khám, điều trị kịp thời.

“ Đối với những người đến từ Hàn Quốc hoặc đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/02/2020: Chỉ đạo công an địa phương phối hợp với y tế và chính quyền cơ sở chủ động rà soát, lập danh sách và nơi cư trú, lưu trú tại Việt Nam cũng như những người có tiếp xúc gần để triển khai giám sát, theo dõi sức khỏe và hướng dẫn đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị khi phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh (như sốt, ho, khó thở); Đồng thời tổ chức cách ly ngay các trường hợp được phát hiện đến từ vùng dịch của Hàn Quốc hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.” (28/2/2020, 1003 từ)

7. Nghệ An: Diễn tập tiếp nhận, cách ly người về từ vùng dịch COVID -19

Chiều 27/2/2020, tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Vinh ( xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An tổ chức buổi diễn tập tiếp nhận, cách ly công dân trở về từ vùng dịch. Theo dõi buổi tập có ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; BS CKII Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế và các sở, ban ngành.

Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Vinh là một trong những điểm được tỉnh Nghệ An chọn làm nơi sẽ cách ly tập trung 14 ngày đối với những công dân trở về từ các quốc gia có dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc. Tại đây, có thể tiếp nhận đến 500 người.

Tình huống giả định được đưa ra là 20 công dân Nghệ An trở về từ vùng dịch bằng đường biển, thông qua cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Xe của Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh sẽ trực tiếp vào cảng đón. Đi theo đoàn xe chở các công dân còn có xe cứu thương. Trên xe, toàn bộ công dân và tài xế đeo khẩu trang phòng dịch.

Trước khi vào nơi tập trung cách ly, đoàn xe được nhân viên y tế phun hóa chất khử trùng. Di chuyển thêm một đoạn, trước khi vào nơi ở tập trung, những công dân này xuống xe, xếp hàng để nhân viên y tế một lần nữa phun hóa chất khử trùng.

Sau khi khai báo tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, nơi ở trước khi về nước... những người này được đo thân nhiệt kỹ càng. Nếu không phát hiện triệu chứng của bệnh như sốt, ho... họ sẽ được đưa vào nơi cách ly được bố trí sẵn. Trước đó, cơ quan chức năng đã phun hóa chất khử trùng kỹ càng đồng thời chuẩn bị sẵn các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày tại các phòng ở cách ly. Mỗi phòng, được bố trí 8 giường là nơi sinh hoạt của các công dân trong vòng 14 ngày.

Trong phòng cách ly được dán bảng quy định giờ giấc đi ngủ, giờ ăn cơm, giờ điểm số lượng, phạm vi đi lại của công dân. Người cách ly hưởng chế độ ăn 57.000 đồng một ngày: Bữa sáng 15.000 đồng, trưa 21.000 đồng, chiều 21.000 đồng. Một trung đội 26 người sẽ được giao nhiệm vụ phục vụ hậu cần cho những côn dân trong thời gian cách ly.

Ngoài ra, một tình huống giả định khác cũng được đặt ra tại buổi tập là một trong 20 công dân sau khi thăm khám sức khỏe được phát hiện có triệu chứng của dịch COVID-19. Lập tức xe cứu thương được điều động đến để đưa công dân đến cách ly, theo dõi, điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An.

Phát biểu sau khi theo dõi buổi diễn tập, BS CKII Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng, những công dân được cách ly này là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vì vậy, trong thời gian cách ly cần hạn chế nói chuyện, tiếp xúc gần. “Trong trường hợp công dân trở về đang ít, trung tâm còn thừa chỗ thì nên bố trí chỗ ở rộng rãi. Thậm chí có thể mỗi người một phòng, để tránh nguy cơ ở chung phòng dẫn đến trường hợp một người nhiễm bệnh sẽ lây lan cho cả phòng”, BS CKII Nguyễn Xuân Hồng nêu ý kiến.

Kết luận tại buổi diễn tập, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, chủ động phối hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian cách ly, cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi và các loại tài liệu liên quan với công dân về dịch bệnh này. “Hàng ngày, nên phát các tài liệu, các ấn phẩm báo chí để công dân cập nhật thông tin về dịch bệnh này cũng như về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh”, ông Vinh nói. (28/2/2020, 750 từ)

8. Thủ tướng: Kiên quyết cách ly những trường hợp vào Việt Nam từ vùng dịch

Chính phủ đã làm tất cả với tinh thần cao nhất trong bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đã có đối sách đúng, kiên quyết cách ly đối với cộng đồng với các ca dương tính với COVID-19. Các giải pháp có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Các giải pháp của Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

Sáng ngày 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình và đưa ra các quyết sách phòng chống dịch.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cho biết, theo tổng hợp, số ca nhiễm mới COVID-19 bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số nhiễm mới của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam Cực, đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19 với 49 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố có người mắc.

Những nước có nhiều người mắc nhất là Trung Quốc (78.473 mắc, 2.741 tử vong), Hàn Quốc (1.595 mắc, 12 tử vong), Nhật Bản (877 mắc, 7 tử vong, trong đó tàu Diamon Princess:705 mắc, 4 tử vong), Italy (453 mắc, 12 tử vong), Iran (139 mắc, 19 tử vong). Số mắc mới tại Trung Quốc đang có xu hướng chững lại, tuy nhiên, tại một số nước, dịch đang phát triển mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran.

Ban Chỉ đạo dịch cũng cho biết, riêng tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận  trường hợp mắc mới. Tình hình dịch ở nước ta đang được kiểm soát. 16/16 bệnh nhân dương tính với COVID-19 đã khỏi bệnh.

Về các biện pháp phòng chống, Ban Chỉ đạo cho biết, Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/2, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật ngay danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi các tỉnh, thành phố để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.

Hiện tại các tuyến bay giữa Việt Nam-Hàn Quốc, không còn chuyến bay tới vùng có dịch, tần suất các chuyến bay tới các cảng hàng không khác của Hàn Quốc đã giảm 60-70%.

Lắng nghe ý kiến và thảo luận của Thường trực Chính phủ, của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có những thành công quan trọng ban đầu, 16 ca dương tính đều khỏi bệnh và ra viện.

Thủ tướng đánh giá kết quả phòng chống dịch là tốt, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nguy cơ còn cao, tình hình dịch ở nhiều nước diễn biến phức tạp. Chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả, đến nay, không có ca nhiễm mới, tất cả trường hợp mắc đều khỏi bệnh, xuất viện. Nhưng chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết cách ly những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Các lực lượng phải tiếp tục các phương án chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu xảy ra. Bởi nếu chúng ta để cả người Việt Nam và nước ngoài trong vùng dịch vào Việt Nam mà không cách ly thì dịch sẽ lan tràn ra cộng đồng. Lây lan sẽ rất nghiêm trọng không kiểm soát được

“Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan phải giải thích cho người từ vùng dịch phải cách ly và cần có thái độ kiên quyết; khuyến cáo công dân ở đâu thì thực hiện tốt hướng dẫn của nước sở tại. Cách ly, ngăn chặn lây lan là giải pháp y tế tốt nhất lúc này. Tiếp tục tạo điều kiện cho người cách ly sinh hoạt bình thường. Những người tiếp xúc với người dương tính đều phải kiểm tra”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục không tập trung đông người, không tổ chức các cuộc họp, hội nghị nếu không cần thiết.

Thủ tướng nêu rõ: Với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể với thái độ cương quyết. Dù tốn kém, vất vả cũng phải làm, chứ dễ dãi, đơn giản, thiếu ý chí trong việc này thì sẽ thất bại.

Đối với vấn đề đi học của học sinh, Thủ tướng nêu rõ, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố xem xét trong khung chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận với các địa phương để xử lý vấn đề này một cách tốt nhất.

“Tình hình diễn biến phức tạp, một số nơi xuất hiện ổ dịch mới nhưng Thủ tướng bày tỏ tin tưởng tình hình dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát cơ bản và tiến triển tốt vào quý II. Kinh tế thế giới sẽ có chuyển biến tích cực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ngay từ thời điểm này, bên cạnh kiên quyết ngăn chặn dịch có hiệu quả thì cần phải có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là năm thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã giao.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án về giảm thuế, giãn thuế, hoãn thuế, chậm nộp thuế, giảm phí logistics và một số vấn đề khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để tạo cho các cơ sở sản xuất có sức, có đà vươn lên, nhất là tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tổn thương của dịch bệnh.” (27/2/2020, 1127 từ)

9. Hà Nội: Khử trùng, vệ sinh xe buýt phòng COVID-19

Để chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 các bến xe, nhà ga... trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp theo sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố, ngành Giao thông vận tải.

Đặc biệt, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, hành khách di chuyển trên các phương tiện công cộng tại tất cả các bến xe, tuyến vận tải hành khách nhằm nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe chính bản thân và cho cộng đồng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thời gian qua, Sở đã tiến hành chỉ đạo các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải khử trùng, vệ sinh, tăng cường công tác phòng chống dịch. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã chỉ đạo các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải dán pano “các biện pháp phòng chống dịch bệnh” trên phương tiện, nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu các cán bộ, nhân viên khi phân luồng hướng dẫn giao thông, làm việc tại các khu vực đông người như bến xe, khu vực lễ hội phải đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng nước sát khuẩn để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại bến xe Nước Ngầm và bến xe Yên Nghĩa, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các bến xe, nhà ga, đơn vị vận tải hành khách phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể cho các trường hợp nếu phát hiện có hành khách trên xe có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 thì xử lý kịp thời, không bị lúng túng. Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho lái xe, phụ xe và nhân viên nhà xe như trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt trùng… theo hướng dẫn của y tế; tuyên truyền đến lái xe, hành khách việc tăng cường vệ sinh cá nhân, giữ gìn sức khỏe để hạn chế các yếu tố gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài; thường xuyên duy trì đảm bảo vệ sinh phương tiện vận tải sạch sẽ  như rửa xe, lau chùi, phun thuốc khử trùng…; thực hiện nghiêm các quy định về vận chuyển hành khách; không được nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy nổ, động vật sống... để phòng chống dịch bệnh COVID-19 được tốt hơn.

Bến xe, nhà ga là nơi tụ tập đông người qua lại và là nơi hành khách trung chuyển giữa các vùng miền, tồn tại nhiều nguy cơ gây lây nhiễm COVID-19. Tại các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm… đã thông báo, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng nước rửa tay khô chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Tại bến xe Mỹ Đình đã tiến hành phun thuốc khử trùng cho khu vực bến xe, đồng thời tổ chức thông tin trên hệ thống phát thanh về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bố trí cồn rửa tay và dung dịch sát khuẩn tại nhiều điểm có đông hành khách qua lại để họ chủ động, tự giác và có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. (27/2/2020, 655 từ)

10. Chuyện về nghề “từ mẫu"

“Cao quý nhưng nhọc nhằn, tự hào và vất vả” là những cụm từ mà người ta hay dùng để miêu tả về nghề thầy thuốc.

Có trực tiếp làm việc trong ngành y mới thấu hiểu được hết nỗi vất vả, cực nhọc mà những nhân viên y tế ở đây trải qua trong cuộc đời làm nghề của mình. Mỗi khoa, phòng, đơn vị với đặc thù công việc riêng đều có những nhọc nhằn và áp lực công việc khác nhau.

Nhưng với tình yêu, sự tâm huyết với nghề và tinh thần "Lương y như từ mẫu" mà những cán bộ ngành y luôn hết lòng phục vụ, chăm sóc người bệnh, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điển hình là tập thể cán bộ nhân viên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Khoa HSTC-CĐ là nơi tiếp nhận người bệnh nặng từ Khoa Cấp cứu trực tiếp chuyển vào hay những trường hợp người bệnh nặng từ các khoa khác chuyển đến. Là nơi mà ranh giới giữa sự sống với cái chết mong manh chỉ bằng một tiếng tút tút kéo dài của máy theo dõi nhịp tim. Là nơi mà mỗi ca trực đều là 24/24 giờ không ngủ vì hầu hết người bệnh ở đây đều trong tình trạng hôn mê nên các bác sĩ, điều dưỡng không thể lơ là dù chỉ một phút đối với bất cứ ca bệnh nào. Và đây cũng là nơi duy nhất trong toàn bệnh viện với đặc thù chăm sóc người bệnh toàn diện mà hoàn toàn không có sự hỗ trợ từ phía người nhà người bệnh.

Một buổi sáng của các bác sĩ, điều dưỡng Khoa HSTC-CĐ bắt đầu bằng công việc thường nhật là đi buồng kiểm tra tình trạng bệnh của tất cả người bệnh đang điều trị tại Khoa. Việc thăm khám, đánh giá tiên lượng, chỉ định điều trị, chăm sóc hỗ trợ... luôn được đội ngũ y bác sĩ ở đây thực hiện tận tâm, hết lòng.

Được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại: Máy siêu lọc máu PrismaFlex; Hệ thống máy thở hiện đại: Bennet 840,960; Engstrom...; Máy Xquang tại giường; Máy siêu âm cấp cứu tại giường... Cùng các kỹ thuật chuyên sâu: Lọc máu liên tục, thay huyết tương, thăm dò huyết động Picco, thở máy chuyên sâu… Nhiều kỹ thuật đã trở thành thường quy tại khoa như: Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm; Đặt ống nội khí quản; Đo huyết áp động mạch liên tục; Siêu âm cấp cứu tại giường… Trong thời gian tới, Khoa sẽ triển khai thêm kỹ thuật Hạ thân nhiệt; Tim phổi nhân tạo (ECMO) để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hiện có 11 bác sĩ, 24 điều dưỡng với 39 giường bệnh, nhiệm vụ của Khoa là cấp cứu những người bệnh nặng điều trị trong toàn bệnh viện, đồng thời hỗ trợ cấp cứu và vận chuyển người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên.

Bên cạnh đó, Khoa còn có nhiệm vụ hỗ trợ các khoa lâm sàng trong Bệnh viện và các bệnh viện tuyến dưới trong xử trí tình huống cấp cứu, đào tạo chuyên môn trong cấp cứu. Người bệnh đến Khoa bệnh lý chủ yếu liên quan đến hô hấp, tuần hoàn và não trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng, cần phải cứu chữa ngay nên mỗi cán bộ, nhân viên phải năng động, nhanh trí, chính xác và tận tình; tất cả hợp thành một đội quân đoàn kết, thống nhất, thuần thục xử lý tốt các tình huống cấp cứu bệnh nhân.

Môi trường làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực, vừa đối diện với tình trạng nguy kịch của người bệnh lại vừa có thể phải đối diện với sự nóng nảy của người nhà. Vì thế đội ngũ y bác sĩ ở đây không chỉ phải rèn luyện về chuyên môn mà còn phải rèn luyện cho mình thói quen chịu đựng, bao dung, thấm nhuần 12 điều y đức của người thầy thuốc Việt Nam để làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu không có lòng yêu và say nghề, tình yêu thương người bệnh, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ nổi.

Chia sẻ về câu chuyện trong nghề, BSCKI Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ: "Trong số hàng nghìn người bệnh được cứu sống, các bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa nhớ nhất trường hợp người bệnh Nguyễn Văn N (SN 1947) ở Bạch Hạc - Việt Trì - Phú Thọ. Người bệnh được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Với sự nỗ lực hết mình của các y bác sĩ, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn kiên trì hơn 80 phút và kết hợp với các biện pháp hồi sức tích cực, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng sau 1 tháng, xuất viện trở về nhà trong niềm vui vỡ òa của người thân. Đó là niềm vui vô bờ của người bệnh cùng gia đình nhưng cũng là niềm hạnh phúc thầm lặng của những người thầy thuốc".

Các buổi sinh hoạt khoa học được tổ chức hàng tuần để nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật những thông tin y khoa mới, giúp nâng cao chất lượng điều trị. Hiện tại khoa đang lên kế hoạch cử cán bộ tiếp tục lên bệnh viện tuyến Trung ương học về kỹ thuật hạ thân nhiệt, tim phổi nhân tạo (ECMO) nhằm nâng cao chất lượng điều trị, mang lại sự phục vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Có thể còn rất nhiều điều chưa nói hết về những khó khăn, vất vả trong công việc mà các cán bộ của Khoa HSTC– CĐ nói riêng hay ngành y nói chung đang hàng ngày, hàng giờ trải qua khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhưng chính niềm tin, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề là động lực thôi thúc các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục nỗ lực trên hành trình nhiều chông gai nhưng cũng đầy tự hào này. Và những hy sinh thầm lặng ấy sẽ đem lại niềm hạnh phúc, nụ cười, tô điểm cho cuộc sống thêm màu ý nghĩa. (27/2/2020, 1119 từ)

11. Thầy thuốc nơi tuyến đầu

Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì phải cố chạy thật xa, chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận dù biết mình có thể gặp nguy hiểm.

Và trong “cuộc chiến” chống “giặc” COVID-19 lần này, được đến nhiều tuyến đầu phòng, chống dịch, được trò chuyện với nhiều y bác sĩ, tìm hiểu thêm những vất vả của nghề, nghiệp mà họ gắn bó và cũng vì thế mà chúng tôi thêm cảm phục, sẻ chia với họ nhiều hơn...

Vừa là thầy thuốc, vừa là chuyên gia tâm lý

Chưa kịp nghỉ ngơi cùng gia đình sau những ca trực Tết Nguyên đán Canh Tý, BS. Trần Quang Vịnh (Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm BVĐK khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc) được điều động tăng cường đến PKĐK khu vực Quang Hà (chỉ định là trung tâm điều trị và là nơi thực hiện cách ly các trường hợp nghi nhiễm COVID-19) từ ngày 7/2. Đến nay, gần 20 ngày đêm BS. Vịnh chưa rời phòng khám phút nào.

“Là bác sĩ, tôi hiểu tình hình thực tế của dịch bệnh nên không cảm thấy lo lắng hay ngại ngần khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Nếu chúng tôi không ổn định tâm lý thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân, người bệnh sẽ lấy gì để dựa vào khi mắc bệnh, phải điều trị cách ly...”, BS. Vịnh cho biết. Vì vậy, cùng với điều trị, BS. Vịnh còn tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, coi người bệnh như người nhà, thăm hỏi, động viên hằng ngày.

Không kịp uống nước, mặt hằn vết khẩu trang...

Tết Canh Tý 2020 là một cái Tết đáng nhớ đối với nhiều bác sĩ của  BV Bệnh Nhiệt đới TW, trong đó có BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu. Anh trở thành bác sĩ “hot” không phải vì anh và các đồng nghiệp của Khoa Cấp cứu là những người tuyến đầu của tuyến đầu chống dịch mà anh đã phải thốt lên: “Mạng xã hội là mảnh đất quá màu mỡ cho những kẻ bất lương” và trên nhiều diễn đàn, anh đều nhấn mạnh về những áp lực mà các y, bác sĩ đang phải gánh chịu từ sự “hoảng loạn quá mức” do các thông tin không chính thống gây ra...

Năm nay, mệnh lệnh của Ban lãnh đạo BV đưa ra không được rời BV quá 50km và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập. Chia sẻ với chúng tôi, không chỉ riêng BS. Cấp mà nhiều y bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới kể, trong guồng quay của dịch bệnh và chống dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ trong BV phải chịu một áp lực lớn - đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng. “Nhiều năm công tác ở BV Nhiệt đới, tôi đã quen với điều này. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa chính vì sự hoảng loạn quá mức. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn”, BSCKII Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Còn BS. Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, kính mờ đi, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc”. Qua đây mọi người như càng được biết đến nhiều hơn những vất vả của các chiến sĩ áo trắng...

Nữ bác sĩ vào tâm dịch Vũ Hán đón bà mẹ mang thai

Nữ BS. N.T.H.P. sinh năm 1989 của BV Phụ sản TW là 1 trong 3 nhân viên y tế Việt Nam có mặt trên chuyến bay ngày 10/2 đón 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, trong đó có 1 thai phụ đang mang thai 8 tháng. BS. H.P. kể, lúc đầu khi được biết sẽ tham gia đoàn công tác, chị rất bất ngờ và lo lắng. Lo vì vào tâm dịch, lo vì không biết trên đường về, bà mẹ mang thai có vấn đề gì không, rồi 14 ngày cách ly sau đó... Chị đã giấu không nói với bố mình về việc tham gia chuyến đi này vì sợ bố quá lo lắng, không cho đi. “Gia đình tôi lúc đầu cũng lo lắng, nhưng đây là nhiệm vụ và tôi đã lên đường chỉ 4 ngày sau khi có quyết định lập tổ công tác”, BS. P. nói.

Tối 9/2, đoàn lên đường đi Vũ Hán cùng 2 cán bộ của BV Bệnh Nhiệt đới TW, trên máy bay là hàng hóa Việt Nam tặng Trung Quốc và về là đón các công dân Việt Nam”, BS. P. kể lại.

Sau khi bốc dỡ hàng hóa, cả đoàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bằng việc kiểm tra thân nhiệt, rồi lên máy bay lại kiểm tra thân nhiệt cho những người được đón về, riêng nữ bác sĩ nghe tim thai, đo huyết áp... cho thai phụ, tất cả đều mặc đồ bảo hộ.

Hơn 5h sáng 10/2, máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Hơn 7h, nữ bác sĩ cùng đoàn lên xe về khu cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới TW. Tối 11/2, để ghi nhận, động viên kịp thời các bác sĩ trong đoàn công tác, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc BV Bệnh nhiệt đới TW và BV Phụ sản TW đã tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam về nước.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa thành công cho 16/16 bệnh nhân dương tính với COVID-19, trong số đó có cả bé 3 tháng tuổi, có bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân mắc bệnh nền, đã từng chữa ung thư... Chứng kiến các buổi lễ công bố bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, tôi đều được nghe họ nói lời cảm ơn chân thành đến các thầy thuốc. Ánh mắt bệnh nhân vui, họ bước chân vội vã, khỏe mạnh về nhà sau những ngày ở tạm tại bệnh viện, đó chính là những quả ngọt mà thầy thuốc đã thu được trong công việc của mình...


Thăm dò ý kiến