Thông tin y tế 25 - 27/8/2020

25/08/2020 | 15:26 PM

 | 

1. Dịch COVID-19: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 diễn ra từ ngày 2-4/9

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 24/8,. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT làm việc với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk… để thống nhất lịch thi phù hợp. Sau khi tham khảo ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT quyết định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 chính thức diễn ra từ ngày 2-4/9. Hơn 26.000 thí sinh tham gia Kỳ thi đợt 2 thuộc TP Đà Nẵng; 6 huyện, thị xã tỉnh Quảng Nam; TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và những thí sinh thuộc diện F1, F2 tại các địa phương khác trên cả nước chưa tham gia đợt thi lần 1.

“Dù có ít thí sinh tham dự Kỳ thi đợt 2 nhưng Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép: Tuyệt đối an toàn về sức khỏe; đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, trung thực”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Để Kỳ thi đợt 2 diễn ra nghiêm túc như đợt 1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, thành lập Hội đồng thi; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các Hội đồng thi thực hiện đúng theo Công điện 1224/CĐ-BCĐ của Bộ Y tế.

Liên quan đến việc tổ chức đợt 2 Kỳ thi, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ tiếp tục huy động lực lượng công an vào cuộc với quyết tâm đạt kết quả tốt nhất, đáp ứng mong muốn của xã hội.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát. Qua đợt chống dịch, Bộ Y tế sẽ tổng hợp kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành “Sổ tay hướng dẫn chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh”. Đặc biệt, Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT sớm ban hành “Sổ tay phòng, chống dịch trong trường học”.

Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Y tế tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, dự án nghiên cứu sản xuất sinh phẩm; tiếp tục thúc đẩy để chủ động mức cao nhất việc xét nghiệm COVID-19 trên tinh thần “xét nghiệm tiết kiệm”.

Bộ Y tế có phương án để các địa phương cùng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm, chi viện lẫn nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trên toàn thế giới; đồng thời cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vaccine ở Việt Nam để sớm có vaccine chống COVID-19 an toàn.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua báo cáo, kiểm tra, Bộ Công an phát hiện có một số địa phương chưa thực hiện chưa đúng quy trình xin đăng ký cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư… vào Việt Nam; còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, đưa đối tượng không đúng quy định nhập cảnh vào Việt Nam.

Hiện Bộ Công an tiếp tục tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, để chung sống an toàn với dịch bệnh, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như: hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người...; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn…; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh. (25.8.2020, 803)

2. Cảnh báo: Gia tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ

Gần 1/3 thanh niên tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ cũng bắt đầu tăng lên

Kết quả của Nghiên cứu hành vi nguy cơ của giới trẻ năm 2019  do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) công bố vào ngày 21/08/2020 cho biết gần 1/3 thanh niên tại Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử. Con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch thuốc lá điện tử trong giới trẻ Mỹ. CDC Hoa Kỳ kêu gọi hành động khẩn cấp của các nhà lập pháp, quản lý trong việc cấm các loại sản phẩm độc hại và gây nghiện này cho hàng triệu trẻ em.

Tại Việt Nam, theo điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.

Khảo sát của CDC Hoa Kỳ đã cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên đã tăng vọt từ 13.2% năm 2017 lên 32.7% năm 2019.

Một điều đáng báo động là gần một phần ba thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử cho biết họ thường xuyên sử dụng (ít nhất 20 ngày mỗi tháng). Đây là dấu hiệu của việc bị nghiện nặng. Gần 11% học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử ít nhất 20 ngày một tháng, chỉ ít hơn 2% so với thuốc lá truyền thống.

Vào năm 2019, 53,3% học sinh trung học (8 triệu) và 24,3% học sinh trung học cơ sở (2,9 triệu) cho biết đã từng thử thuốc lá.

Việc sử dụng sản phẩm thuốc lá hiện tại (30 ngày qua) (tức là thuốc lá điện tử [e-xì gà], thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá không khói, thuốc lá điếu, thuốc lào và bidis [thuốc lá nâu nhỏ bọc trong lá]) là 31,2% học sinh trung học (4,7 triệu) và 12,5% học sinh trung học cơ sở (1,5 triệu).

Trong số những người sử dụng từng sản phẩm thuốc lá hiện tại, tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá thường xuyên (trên 20 ngày trong 30 ngày qua) dao động từ 16,8% người hút xì gà đến 34,1% người dùng sản phẩm thuốc lá không khói.

Trong số những người sử dụng từng sản phẩm thuốc lá hiện tại, thuốc lá điện tử là sản phẩm thuốc lá có hương vị được sử dụng phổ biến nhất (68,8% người dùng thuốc lá điện tử hiện nay).

86,3% sinh viên cho biết đã tiếp xúc với nguồn quảng cáo hoặc khuyến mãi sản phẩm thuốc lá tiềm năng (qua kênh trực tuyến hoặc đi xem phim; hoặc đọc sách báo hoặc tạp chí)

Nguyên nhân của vấn nạn này đã quá rõ ràng. Các nhà sản xuất thuốc lá điện tử  đã thu hút trẻ em bằng những hương vị hấp dẫn và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng  nicotine cao nếu không muốn nói là nhiều hơn cả một bao thuốc lá truyền thống có 20 điếu thuốc. Hương vị giữ  vai trò quan trọng trong việc thu hút trẻ em khi có tới 97% trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử đang sử dụng sản phẩm có hương vị trong vòng 1 tháng qua. 70% các em cho rằng đây là lý do chính để họ sử dụng sản phẩm này.

Chủ tịch của Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không Thuốc lá (CTFK) Matthew L.Myers cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng này rất rõ ràng. Đó là, các nhà hoạch định chính sách phải loại bỏ các sản phẩn có hương vị và chứa nicotine đã khiến hàng triệu trẻ em nghiện là điều cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hôm qua, ngày 24/8/2020 - California biểu quyết và tuyệt đối (50 phiếu ủng hộ- 0 phiếu trống) thông qua việc cấm bán các sản phẩm thuốc lá có hương vị, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá bạc hà có hương vị. Là một bang lớn chiếm 10% dân số của Mỹ, quyết định của California có tính lịch sử, tác động lớn trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tính đến nay, đã có 5 bang của Mỹ cấm thuốc lá có hương vị là California, Massachusetts, New Jersey, New York và Rhode Island.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cảnh báo tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bởi trong đó có chứa rất nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde….

Ông Lâm phân tích, với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử.

Trong thuốc lá điện tử có tới 15.000 loại hương vị, nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…

Về vấn đề này, ThS. Đoàn Thu Huyền - Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (CTFK) tại Việt Nam cho biết, hệ thống cung cấp nicotin điện tử (ENDS) — bao gồm các loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (HTPs) là những sản phẩm gây nghiện cao, gây hại và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều là những loại sản phẩm thế hệ mới chứa nicotine hiện chưa được phép bán tại Việt Nam và đang trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp quản lý phù hợp để bảo vệ sức khoẻ của thanh thiếu niên. (25.8.2020, 1236)

3. Sau ca tử vong do sốt xuất huyết Hà Nội ra công văn khẩn

Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn 293/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phong chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Sở Y tế Hà Nội nhận định dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết.

Hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch sốt xuất huyết cho các TTYT và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định.

Rà soát cơ số phòng chống dịch của ngành, đảm bảo cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các TTYT thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về phòng chống dịch. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống.

Củng cố, tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch; rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng.

Đồng thời, tại mỗi đơn vị cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, hạn chế tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết. (25.8.2020, 539)

4. Hà Nội: Vinmec là bệnh viện an toàn nhất trong đợt kiểm tra phòng dịch COVID-19

Vinmec Times City là bệnh viện đạt điểm cao nhất trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế Hà Nội: 92,66/100. Với kết quả này, Vinmec được cơ quan quản lý y tế đánh giá là bệnh viện an toàn nhất, thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh đến thăm khám và điều trị.

Từ 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết đều phát hiện từ các bệnh viện. Chính vì vậy, bệnh viện là khu vực Sở Y tế Hà Nội quan tâm hàng đầu trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các bệnh viện, đến nay đã kiểm tra được 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân.

Bệnh viện Vinmec Times City nghiêm túc tuân thủ thực hiện sàng lọc dịch bệnh COVID-19 với 100% khách hàng, đối tác và cán bộ, nhân viên y tế 24/24h nhằm đảm bảo môi trường y tế an toàn

Kết quả: 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Vinmec Times City là bệnh viện đạt điểm kiểm tra cao nhất.

Tại Vinmec Times City, đoàn kiểm tra bệnh viện theo Bộ tiêu chí "Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp" với 37 nội dung như: Các biện pháp phòng ngừa chung, Sàng lọc và phân luồng, Đào tạo và tập huấn...

Bệnh viện Vinmec Times City được Sở Y tế đánh giá đã xây dựng đầy đủ các phương án phòng chống dịch theo 4 giai đoạn, bao gồm cả kế hoạch cách ly bệnh viện, các kế hoạch đón tiếp người bệnh COVID-19 trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp với các chuyên khoa trọng điểm như Sản, phẫu thuật, nội soi; công tác sàng lọc, phân luồng tiếp đón người bệnh nghi ngờ COVID-19 cũng như các biện pháp phòng ngừa an toàn cho nhân viên và người bệnh...

Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao sự tổ chức khoa học, thực hiện nghiêm túc, bài bản của bệnh viện trong cả chuyên môn và vận hành bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Từ khi có dịch COVID-19, đặc biệt từ cuối tháng 7/2020, cùng với tất cả các bệnh viện trong toàn Hệ thống Y tế Vinmec trên cả nước, Vinmec Times City tại Hà Nội nghiêm túc tuân thủ thực hiện sàng lọc với 100% khách hàng, đối tác và cán bộ, nhân viên y tế.

Bệnh viện có các phương án phân vùng nguy cơ lây nhiễm tại các khu vực tiếp đón cũng như các phương án tiếp nhận, thu dung, vận chuyển và điều trị người bệnh trong trường hợp dịch bệnh lan rộng và có yêu cầu từ cơ quan y tế. Đặc biệt, khi giãn cách xã hội, bệnh viện đã triển khai ngay các hoạt động chăm sóc sức khỏe từ xa nhằm đảm bảo người bệnh được chăm sóc và điều trị liên tục.

Luôn thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như các tiêu chuẩn y khoa thế giới, Vinmec Times City đã được các tổ chức y tế hàng đầu trong nước và khu vực đánh giá là môi trường y tế an toàn cao. Bệnh viện là cơ sở  y tế đầu tiên ở Việt Nam cho đến nay 2 lần được công nhận đạt chuẩn JCI – Tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả trong lĩnh vực y tế khắt khe nhất thế giới.

Năm 2015 và 2019, Vinmec Times City cũng đã được Hiệp hội quản lý bệnh viện châu Á (HMA) vinh danh với 2 giải thưởng ‘Bệnh viện tiến bộ nhất” và “An toàn người bệnh”. (26.8.2020, 685)

5. Hà Nội: Kiểm tra công tác phòng dịch của gần 3.400 phòng khám tư nhân

Sở Y tế Hà Nội kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo các quận huyện tiến hành kiểm tra công tác khám sàng lọc của gần 3.400 các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn. Đây là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch

Đây là kiến nghị của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 19/8 đến nay Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, tuy nhiên có 1 trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh ra viện nhưng dương tính trở lại với Sars-CoV-2 (BN345); 1 trường hợp người Hà Nội xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính và vẫn có những trường hợp tiếp xúc liên quan với ca bệnh tại ổ dịch ở Hải Dương.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, những trường hợp này có thể là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nếu không nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Về việc phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã tiến hành kiểm tra các bệnh viện công lập và tư nhân, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn. Sở Y tế Hà Nội kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo các quận huyện tiến hành kiểm tra công tác khám sàng lọc cảu gần 3.400 các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn. Đây là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Ảnh chỉ có tính minh họa

Nhận định tại phiên họp, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng ở Hà Nội “tạm thời yên tâm” vì các trường hợp Đà Nẵng đã được xét nghiệm hết. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh giám sát các bệnh viện, các cơ sở y tế và chưa phát hiện ca nào lây nhiễm. Hà Nội vẫn tiếp tục làm tốt, kịp thời công tác khoanh vùng dập dịch.

“Về vấn đề ở các phòng khám tư nhân mà Hà Nội đề xuất sẽ kiểm tra là rất quan trọng. Để sót các ca nhẹ là rất nguy hiểm, sẽ lây lan sâu vào các bệnh viện”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Liên quan đến vấn đề người dân đang quan tâm, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn.

Đây là hai khái niệm khác nhau, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác. Đây là thông tin cần tuyên truyền để người dân không hoang mang. (26.8.2020, 560)

6. Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2020: Những cơ hội và thách thức

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng. Vậy tại sao phải ban hành Chiến lược? Những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện Chiến lược này là gì?... Phóng viên báo Sức Khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS để làm rõ thêm vấn để này.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?

TS Nguyễn Hoàng Long: Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng được thế giới ghi nhận. Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu “3 giảm”, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200 ngàn người thoát khỏi tử vong do AIDS. Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt 2 Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Để đạt được mục tiêu này chúng ta phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Như vậy cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu to lớn này.

Bên cạnh đó, các giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS cũng cần phải điều chỉnh để để phù hợp tình hình mới, trong đó có thay đổi về tình hình dịch HIV/AIDS, lây truyền HIV qua đường tình dục đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh nhiễm mới HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới, cũng như những tiến bộ của khoa học trong các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả dự phòng, xét nghiệm, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS.

Chiến lược Quốc gia được xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS thống nhất trên toàn quốc phù hợp với bối cảnh từng địa phương.

Chiến lược quốc gia được phê duyệt cũng thể hiện sự cam kết rất lớn của Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS và với cộng đồng quốc tế, cùng nhau hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

sự gia tăng nhanh nhiễm mới HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những điểm mới của Chiến lược lần này so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020?

TS Nguyễn Hoàng Long: Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 có sự kế thừa các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn đến năm 2020, đồng thời có sự điều chỉnh, cập nhật và bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay và giai đoạn 2021-2030.

Về bối cảnh, dịch HIV/AIDS có sự thay đổi về nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng, đặc biệt là trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM); các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cắt giảm, giai đoạn tới phải chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước; mạng lưới tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các địa phương được sáp nhập, lồng ghép vào hệ thống y tế dự phòng...

Về mục tiêu, Chiến lược đưa ra mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mục tiêu to lớn này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nói trên, đồng thời cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, có sự kế thừa từ Chiến lược giai đoạn 2011-2020, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình mới, gồm: Đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường các biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP); bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV; mở rộng điều trị, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS... Bổ sung các biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra), xác định các trường hợp mới nhiễm HIV để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời. Các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.

Phóng viên: Với những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gì để có thể đạt được kỳ vọng này, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng Long: Với mục tiêu Chiến lược đặt ra là “Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, có thể nói đây là mục tiêu khá tham vọng. Do vậy theo tôi, một số khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai Chiến lược cần giải quyết, đó là:

Thứ nhất là khó khăn về nhận thức, không thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế thời gian gần đây đã có một số người, một số địa phương đã có sự lơ là, chủ quan và cho rằng chúng ta đã kiểm soát tốt dịch HIV/AIDS rồi nên không cần quá quan tâm hay đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nữa, trong khi các chuyên gia đều cảnh báo dịch HIV có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là.

Khó khăn thứ hai là tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát. Như chúng ta đã biết, cho đến nay thế giới chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn. Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của họ, họ có thể vẫn đang rất khỏe mạnh, chính vì vậy họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.

Khó khăn thứ ba là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Có thể nói 30 năm qua chúng ta đã có sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn tới, nguồn này cắt giảm mạnh. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn trung ương và địa phương. Như chúng ta biết, với khoảng 250.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam thì nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây truyền HIV ra cộng đồng, điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV liên tục mà có thể nói suốt đời và chăm sóc hỗ trợ cho họ chắc chắn sẽ là một thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả vấn đề tài chính.

Về hướng giải quyết: Trong Chiến lược cũng đã có các giải pháp mang tính kỹ thuât để vượt qua các khó khăn này như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương… Tôi cho rằng chúng ta còn sự cam kết và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và nhà nước và với kinh nghiệm 30 năm đối phó với dịch HIV/AIDS mà cụ thể là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận... Hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn thách thức và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược đã đề ra. (27.8.2020, 1736)

7. Xét nghiệm SARS-CoV-2: Tìm kháng nguyên hay kháng thể?

Để xét nghiệm SARS-CoV-2, có 2 loại xét nghiệm thường dùng nhất là xét nghiệm tìm kháng nguyên virus và xét nghiệm tìm kháng thể của cơ thể chống lại virus đó. Kháng nguyên virus SarS-CoV-2 và kháng thể của cơ thể chống lại virus là gì? Để hiểu rõ ta cần biết hệ miễn dịch trong cơ thể ta.

Hệ miễn dịch và cơ chế miễn dịch

Hệ miễn dịch là một hệ thống rất phức tạp của cơ thể, giúp phòng chống lại những chất lạ, đặc biệt là mầm bệnh như vi khuẩn, siêu vi, vi nấm… xâm nhập. Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, đầu tiên các “chiến binh” của hệ miễn dịch là “thực bào” (macrophage), một loại tế bào bạch cầu, tấn công “ăn thịt” virus, đồng thời gửi cảnh báo thông tin đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập. “Kẻ thù” này được gọi tên chuyên môn là “kháng nguyên”. Kế tiếp, các tế bào bạch cầu đặc biệt là các tế bào B xung trận. Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta và tế bào lạ là virus xâm nhập. Các tế bào B sẽ bám lấy SARS-CoV-2 là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là “kháng thể”. Đó chính là các immunoglobin (Ig), đặc biệt IgM, là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên tương ứng là mầm bệnh.

Kháng nguyên hiểu nôm na là thứ làm cho cơ thể ta sinh ra kháng thể, chống lại kháng nguyên đó.

Nếu chúng ta có hệ miễn dịch tốt, thì chỉ trong một tuần cơ thể đã tiêu diệt virusđể chúng ta khỏi bệnh. Sau một tuần nhiễm bệnh sốt và mệt mỏi do nhiễm virus như SARS-CoV-2, người bệnh có thể phục hồi do hệ miễn dịch đã tạo kháng thể hữu hiệu để chống lại virus. Thông tin về kháng thể sinh ra sẽ được lưu trữ, để những lần sau, nếu virus này xâm nhập, thì cơ thể có ngay vũ khí chống lại mà không phải chờ lâu.

Như vậy, xét nghiệm tìm kháng nguyên và xét nghiệm tìm kháng thể là tìm sự hiện diện của hai thứ mà hệ miễn dịch phản ứng và đối phó khi bị nhiễm SARS-CoV-2.

Xét nghiệm tìm kháng nguyên

Do biết rõ cấu trúc bộ gen RNA của SARS-CoV-2, hiện nay người ta có thể làm xét nghiệm chẩn đoán một người đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa. Đó là nhờ có kỹ thuật Real-time PCR. Xét nghiệm dùng kỹ thuật này hiện tại là phương pháp duy nhất để phát hiện chính xác sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Cơ chế của nó là tìm ra đoạn gen RNA của virus (kháng nguyên) có trong mẫu, lấy từ phết mũi họng hoặc những vùng khác của đường hô hấp như phết họng, dịch rửa phế quản, nước bọt.

Xét nghiệm SARS-CoV-2

Thông thường, kỹ thật cơ bản xét nghiệm xác định một mầm bệnh vi sinh là kháng nguyên là phải nuôi cấy cho được tác nhân vi sinh đó từ bệnh phẩm và sau đó làm thử nghiệm định danh. Nay nhờ Real-time PCR, người ta không phải nuôi cấy con SARS-CoV-2 mà tìm cách nhân bản những đoạn RNA đặc hiệu của SARS-CoV-2 có trong bệnh phẩm (là đàm tiết của bệnh nhân). PCR (Polymerase Chain Reaction) là thử nghiệm nhân bản RNA của SARS-CoV-2 trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt. Real-time PCR (RT-PCR) là thử nghiệm nhân bản RNA của SARS-CoV-2 sau mỗi chu kỳ nhiệt xác định.

Xét nghiệm RT-PCR phát hiện được virus từ ngày 1 của triệu chứng và nhạy nhất trong vòng tuần đầu tiên sau khi có triệu chứng. Tỷ lệ dương tính giảm dần đến tuần thứ 3 và sau đó không thể phát hiện được, ngoại trừ ở một số bệnh nhân nặng. Có một vài trường hợp có thể phát hiện được RNA virus đến tuần thứ 6 sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên.

RT-PCR hiện tại là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán một người hiện có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, RT-PCR thực hiện có chậm, thường trong phòng thí nghiệm cần 4-6 giờ để cho ra kết quả.

Độ nhạy của RT-PCR là 99% và độ đặc hiệu là 100%. Điều này gần đồng nghĩa với việc tỷ lệ dương tính giả (Xét nghiệm dương tính, nhưng không bệnh) gần như là không có. Âm tính giả (Xét nghiệm kết quả âm tính, nhưng có bệnh) chủ yếu là do thời gian lấy mẫu không phù hợp với diễn tiến bệnh hoặc thiếu sót trong kỹ thuật lấy mẫu, đặc biệt là phết mũi họng.

Xét nghiệm tìm kháng thể

Xét nghiệm tìm kháng thể là tìm virus gián tiếp thông qua xác định kháng thể trong máu. Kháng thể là các protein đặc biệt (IgM, IgG) mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thông thường, sau khi nhiễm bệnh, phải mất một thời gian để cơ thể sản sinh ra các kháng thể và có thể phát hiện được trong máu. Hiện nay có 2 kỹ thuật để tìm kháng thể:

Kỹ thuật ELISA giúp định lượng nồng độ kháng thể IgM và IgG trong máu, trung bình phải mất 1-5 giờ để có kết quả nồng độ kháng thể trong máu.;

Kỹ thuật sắc ký miễn dịch (xét nghiệm nhanh hay test nhanh): định tính kháng thể, tương tự như que thử thai. Kỹ thuật này đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh. Chỉ cần 15-20 phút đã có kết quả có hay không có kháng thể.

Xét nghiệm kháng thể huyết thanh rất quan trọng khi sử dụng trong cộng đồng để hiểu được sự phát tán của COVID-19 và phát hiện những người có kháng thể và có khả năng tự bảo vệ trước virus. Xét nghiệm này quan trọng với cộng đồng, nhưng không dùng để chẩn đoán một người có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Riêng test nhanh có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai. Test nhanh làm sớm quá thì cơ thể chưa có đủ kháng thể, sẽ cho kết quả test nhanh âm tính (âm tính giả). Test nhanh làm đúng lúc, cũng chưa đủ khẳng định được là hiện tại có sự hiện diện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không, mà cần phải làm thêm xét nghiệm RT-PCR để tìm virus SARS-CoV-2. Test nhanh làm muộn thì có thể cho kết quả dương tính (dương tính giả), nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ai nên làm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2?

Những người có triệu chứng hay tiếp xúc gần với người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 nên được xét ngiệm RT-PCR phết mũi họng để chẩn đoán. Kháng thể cần thời gian để sinh ra khi một người bị bệnh, vì thế xét nghiệm kháng thể sẽ không chính xác với những người mới vừa mắc bệnh. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm kháng thể là âm tính cũng không thể loại trừ một người không mắc bệnh và người đó vẫn phải cách ly 14 ngày kèm theo làm thêm xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán. (27.8.2020, 1264)

8. Những “chiến sĩ” lặng thầm trên tuyến đầu chống dịch

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn và thách thức. Những người lính xông pha tuyến đầu là các bác sĩ điều trị vất vả thay nhau cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19, đến mỗi cán bộ y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để điều tra dịch tễ. Đồng hành với họ, còn có những cán bộ làm công tác xét nghiệm. Họ thực sự là những người lính thầm lặng, luôn có mặt từng phút giây trong cuộc chiến gian nan này.

Mang đến sự an lòng

Xét nghiệm phát hiện Covid -19 là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh,hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khống chế không để lây lan rộng ra cộng đồng. Vì thế, khi ổ dịch phát triển tại Đà Nẵng và sau này là ở các địa phương cùng với nhiệm vụ khác, công tác xét nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu.

Những cán bộ bác sĩ làm công tác xét nghiệm không chỉ âm thầm phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm hàng ngày “làm bạn” với virus, mà họ cũng sẵn sàng đi đến đâu cơ sở cần; dù đêm khuya hay sáng sớm, để lấy mẫu gửi về cho các đồng nghiệp xét nghiệm phát hiện bệnh. Dù ở trong phòng thí nghiệm hay xuống vùng dịch tễ, thì vẫn đầy rủi ro tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. “Có những đêm đang ngủ bật dậy, mơ mơ hồ hồ, miệng khô khốc, nuốt nước bọt thấy đau rát, cảm giác người gai gai lạnh, nóng thất thường, nghĩ rằng mình bị nhiễm bệnh. Để rồi khi nhận được kết quả mẫu âm tình lại thở phào, nhẹ nhõm”. Một cán bộ lấy mẫu xét nghiệm chia sẻ.

Công việc của họ đòi hỏi tỉ mỉ và thận trọng, nên dù mỗi lần phải ở trong phòng xét nghiệm khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, có lúc 24/24h với bộ quần áo kín mít, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác, không được phép nhầm lẫn. Bởi, việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ những giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.  Ngoài ra, còn là căn cứ xác định ổ dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch kịp thời. Đồng thời, cho những kết quả nhanh chóng, chính xác cũng là để chia sẻ với nỗi niềm mong đợi của các bệnh viện và sự lo lắng của cả cộng đồng.

Hoa nở giữa đời thường

Trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết thông tin hàng ngày khi năng lực xét nghiệm của các địa phương ngày càng được nâng lên. Số mẫu xét nghiệm theo ngày ở các tỉnh có dịch hay có yếu tố liên quan đến vùng dịch được gia tăng nhanh chóng. Để có những thành công đó, không thể không kể đến những hy sinh thầm lặng của từng cán bộ làm công tác xét nghiệm.

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, cử nhân xét nghiệm - Khoa xét nghiệm vi thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh. Chị Ánh Hồng có 24 năm trong nghề xét nghiệm, trải qua rất nhiều lần chống dịch như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết hay đại dịch SARS năm 2003, nhưng chị chưa bao giờ thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch bệnh COVID-19  này. Chị và các đồng nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và áp lực công việc; nhưng điều đó cũng không khiến chị lùi bước. 24 năm gắn bó với công việc không phải nói sợ, nói lo lắng là bỏ đi được ngay. Được sự động viên từ gia đình, đồng nghiệp chị có thêm động lực để  luôn hoàn thành công việc của mình. Chị Hồng tâm sự: “Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm song chúng tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, vì đó là nghề mà chúng tôi đã chọn”.

Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Loan, đồng nghiệp của chị Ánh Hồng, người có 8 năm gắn bó với công việc xét nghiệm tại CDC Quảng Ninh cũng cho biết: “Ngày ít việc nhất cũng phải tầm 21h mới rời cơ quan, hôm nào các đơn vị gửi mẫu về chậm thì chúng tôi làm việc thâu đêm để sáng mai kịp trả mẫu”.

Cũng giống chị Ánh Hồng hay chị Loan của CDC Quảng Ninh, “biệt đội xét nghiệm” của CDC Bắc Ninh, đó là những cán bộ nữ như Thảo, Cẩm Anh, Hồng, Dung. Điều đặc biệt ở 4 cô gái này là họ đã ở lại luôn cơ quan đã hơn 20 ngày nay để làm nhiệm vụ mà chưa một lần về nhà. Do nguồn nhân lực ít mà khối lượng công việc lớn, nên tất cả các thành viên đều phải làm việc không kể ngày đêm. Họ phải ngồi liên tục nhiều giờ liền trong phòng xét nghiệm. Có những thời điểm mấy chị em phải thay nhau làm việc triền miên từ sáng đến nửa đêm mới nghỉ. Sáng hôm sau họ lại phải bắt nhịp với guồng quay mới.

Làm việc trong môi trường  tiềm ẩn nhiều rủi ro như thế, nhưng các cô ấy vẫn lạc quan. “Chúng em thấy quen rồi. Mỗi người một nhiệm vụ, chúng em cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp một phần công sức vào việc đẩy lùi dịch bệnh. Đó là niềm vui, niềm tự hào của cán bộ xét nghiệm”. Họ nói.

Cảm giác của bạn sẽ thế nào khi chứng kiến hình ảnh người chồng hàng ngày lặng lẽ mang cơm vào cho vợ ở cơ quan chống dịch, rồi hình ảnh những cán bộ  ăn vội vàng hộp mì tôm để kịp tiếp tục trở lại với công việc. Và còn có cả ánh mắt trẻ thơ, ngơ ngác nhìn mẹ như người xa lạ vì mẹ đi lâu quá chưa về…

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng phía sau những người chiến sĩ áo trắng vẫn luôn là sự cảm thông, động viên, chia sẻ của gia đình của đồng nghiệp và của cả cộng đồng. Có lẽ nhờ vậy mà mỗi giờ trôi qua trong phòng xét nghiệm hay những lúc đi xuống hiện trường đã không còn trở nên quá mệt mỏi, áp lực.

Nhiều người vẫn nói, nghề này vinh quang thì ít mà khó khăn thì nhiều. Dù vậy, phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức phải mặc trong nhiều giờ liền vẫn là những nụ cười, vẫn là nhiệt huyết, sự tận tâm của họ với công việc mình đã lựa chọn. Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của những cán bộ làm xét nghiệm, đã góp phần không nhỏ cùng ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID- 19 cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. (27.8.2020, 1286)

9. Chớ quên phòng bệnh sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan với các dịch bệnh khác, trong đó có bệnh sốt xuất huyết.

Hiện đang là thời điểm gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn - vector trung gian truyền bệnh phát triển, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Vì vậy, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan với các dịch bệnh khác, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tại Hà Nội đã có hơn 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Trước tình hình đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phong chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

Cũng trên địa bàn Hà Nội, các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… đã lan dần vào các khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã tiếp nhận điều trị cho nhiều ca mắc sốt xuất huyết. TS.BS Nguyễn Thanh Vân - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Hữu Nghị cho biết, các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường khác nên người dân khi có các biểu hiện sốt cao một cách đột ngột trong 1- 2 ngày đầu, dùng thuốc hạ sốt không hạ, hoặc đi từ vùng có dịch sốt xuất huyết về cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, TS.BS Nguyễn Thanh Vân khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ; Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên;

- Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Theo các bác sĩ, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. (28.8.2020, 780)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến