Thông tin y tế 19 - 21/8/2020

21/08/2020 | 15:13 PM

 | 

1. Ngoại Khoa Việt Nam không chỉ toả sáng trong nước mà chuyển giao cho quốc tế nhiều kỹ thuật

Những năm qua ngành ngoại khoa Việt Nam đã từng bước làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, Việt Nam đã có 16 cơ sở ghép thận độc lập, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu hơn để thực hiện các kỹ thuật khó.

Ngày 18/8, Đại hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Ngoại Khoa Việt Nam và Đại hội lần IV, nhiệm kỳ 2020-2025 Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, Đại hội kết nối các điểm cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với điểm cầu Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, điểm cầu Bệnh viện Trung ương Huế và  7 điểm cầu Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gồm: BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Lào Cai, BVĐK tỉnh Thái Bình, BVĐK tỉnh Ninh Bình, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam nhấn mạnh những năm qua ngành ngoại khoa Việt Nam đã từng bước làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, Việt Nam đã có 16 cơ sở ghép thận độc lập, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu hơn để thực hiện các kỹ thuật khó.

Đến nay, các phẫu thuật viên Việt Nam đã tiến hành ghép được hơn 5.000 ca ghép thận, 200 ca ghép gan và 42 ca ghép tim.

Cuối năm 2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai thành công ca ghép phổi đầu tiên. Tháng 8/2019, lần đầu tiên Việt Nam đã thức hiện cùng lúc lấy 6 tạng trên một người cho mất não (2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận) và ghép thành công cho 5 bệnh nhân. Đó là những thành tựu đáng ghi nhận của ngành ngoại khoa nói riêng và ngành y tế nói chung.

Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên được tổ chức nhằm cung cấp cho các hội viên những báo cáo mang tính cập nhật và tổng quan về các chuyên đề lớn, toàn diện trong các chuyên ngành y học trong và ngoài nước.

Tại Đại hội cũng đã bàn việc hợp nhất 2 Hội Phẫu thuật Nội soi và Nội soi Việt Nam và Hội Ngoại Khoa Việt Nam, thông qua Đại hội trù bị để tiến tới Đại hội chính thức diễn ra vào tháng 9 tới

Theo GS.TS Trần Bình Giang, việc hợp nhất 2 Hội là sự kiện quan trọng, tuân theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực phát triển, thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.

Việc sáp nhập này được căn cứ vào Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiến hành rà soát nghiên cứu sáp nhập, hợp nhất các hội quần chúng có chức năng tương đương; căn cứ Thông báo số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới”; căn cứ biên bản họp ngày 27/7/2020 giữa Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam và Hội Ngoại khoa Việt Nam…

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam phẫu thuật cho bệnh nhân

Hội Ngoại khoa Việt Nam được thành lập năm 1962 theo Quyết định số 51-NV. Trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), Hội đã phối hợp với các Hội chuyên khoa sâu như Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam, Hội Phẫu thuật thần kinh, Hội Phẫu thuật nhi, Hội Phẫu thuật tiết niệu… tổ chức đào tạo liên tục theo chuyên ngành cho các phẫu thuật viên trong nước, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, mở rộng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các nước bạn, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương: Lào, Philippines, Indonesia. Malaysia, Ấn Độ…

Tại nước ta, đến nay, toàn bộ các bệnh viện tuyến tỉnh đã chia khoa Ngoại thành các khoa chuyên ngành để phát triển có chiều sâu và bước đầu ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã làm chủ được các kỹ thuật phức tạp thuộc chuyên ngành ngoại sâu như cắt khối tá tuỵ, cắt thực quản, cắt thận nội soi, tán sỏi kỹ thuật cao, mổ  tim phổi máy, mổ u não…

Hội Phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 72/2005/QĐ-BNV ngày 20/7/2005 của Bộ Nội vụ. Nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), ba trung tâm phẫu thuật nội soi lớn nhất cả nước (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) đã tổ chức thành công 237 khóa đào tạo phẫu thuật nội soi cơ bản và nâng cao với tổng số lượt học viên được đào tạo gần 3500 người.

PGS.TS. Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ bước ngoài phẫu thuật nội soi tuyến giáp

Cho đến nay, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện thường quy tại tất cả 64 tỉnh thành trên cả nước. Phẫu thuật nội soi không chỉ phát triển ở các bệnh viện tỉnh hay khu vực mà đã lan rộng phủ sóng tới các bệnh viện huyện và Trung tâm y tế và cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất như Xốp Cộp, Ximacai ở miền Bắc hay Trung tâm y tế Trà Cú, Ayun Pa, Krông Bak ở miền Nam...

Không chỉ đào tạo cho các phẫu thuật viên trong nước mà Hội còn mở rộng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các nước bạn, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương như Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Chỉ tính riêng về phẫu thuật cắt u tuyến giáp qua nội soi trong những năm qua, Hội đã đào tạo được hơn 300 học viên cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới như Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Ấn Độ, Banglades , Bồ Đào Nha... (19.8.2020, 1183)

2. Hỗ trợ một tháng lương cơ bản cho cán bộ nhân viên y tế tăng cường tại tâm dịch miền Trung

Ngày 18/8/2020, Công đoàn Y tế Việt Nam đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-CĐYT về việc chi hỗ trợ cho cán bộ nhân viên y tế tăng cường chống dịch COVID-19 tại tâm dịch miền Trung gửi 7 đơn vị, bao gồm 2 Công đoàn ngành y tế tỉnh, thành phố là Bình Định, Hải Phòng và 5 Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam.

Hỗ trợ đợt 1 của Công đoàn Y tế Việt Nam cho 74 đoàn viên, cán bộ nhân viên y tế tăng cường chống dịch bệnh COVID-19 của 7 đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch miền Trung, mỗi cán bộ tăng cường được nhận 01 tháng lương cơ bản hiện hưởng. Tổng số tiền chi hỗ trợ đợt 1 là 322.340.600 đồng  để đoàn viên yên tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay của Bộ Y tế.

Cán bộ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch đang chịu nhiều áp lực nên rất cần sự sẻ chia, động viên của cộng đồng

Đây là một trong những hoạt động hết sức có ý nghĩa thể hiện vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn nói chung và của Công đoàn Y tế Việt Nam nói riêng trong công tác chăm lo, động viên kịp thời các cán bộ y tế tham gia tuyến đầu tăng cường chống dịch miền Trung. (19.8.2020, 266)

3. Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ thực hiện ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên

Vừa qua, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật thành công ca bướu giáp bằng phương pháp nội soi - đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được triển khai tại bệnh viện.

Bệnh nhân nữ G. 13 tuổi, địa chỉ tại Thanh Sơn - Phú Thọ. Người bệnh được khám xác định khối thuỳ phải tuyến giáp, theo siêu âm thuỳ P có nhân 2 x 2,4cm (tirads 3). Người bệnh được tư vấn lựa chọn và chỉ định phương pháp nội soi tuyến giáp vì bướu giáp có kích thước nhỏ, tuổi bệnh nhân thời thanh thiếu niên phù hợp với quá trình phát triển.

So với phương pháp mổ hở truyền thống thì phẫu thuật nội soi tuyến giáp có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Đối với phương pháp mổ, rủi ro trong và sau phẫu thuật có tỷ lệ cao, vết sẹo ở cổ sau mổ làm mất tính thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giao tiếp của người bệnh. Nội soi tuyến giáp là phương pháp ít xâm lấn, an toàn, khả năng hồi phục sau phẫu thuật nhanh, nhất là sẹo ở cổ như phương pháp mổ. Sau nội soi chỉ có vết sẹo dài khoảng 1cm ở nách hoặc ngực, tại vị trí này có thể dễ dàng che kín thông qua trang phục.

Ngày nay, nội soi tuyến giáp được sử dụng ngày càng nhiều và có những tiến bộ về mặt kỹ thuật. Người bệnh cần phải nhịn ăn tối thiểu 6 - 8 giờ trước khi nội soi. Người bệnh sẽ được khám và có thể gây mê toàn thân khi nội soi để tránh gây đau đớn. Tiếp theo, một đường rạch dài khoảng 2 - 3 cm dưới da tại vùng nách hoặc ngực sẽ được thực hiện để đưa ống nội soi vào trong thông qua đó. Hiện nay, nhiều bệnh viện thay vì làm cách trên chỉ cần tạo 3 lỗ nhỏ ở nách nhờ đó mà khắc phục được vấn đề sẹo sau nội soi. Khi ống nội soi đã vào được bên trong, khí CO2 sẽ được bơm vào để tạo môi trường. (19.8.2020, 388)

4. Thủ tướng chỉ đạo xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền 02 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống COVID-19.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam được xuất cấp 01 tấn Chloramin B. Bộ Y tế (để hỗ trợ khẩn cấp hóa chất cho các địa phương, các vùng trọng điểm) 01 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; thực hiện quản lý, xuất cấp, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định hiện hành.

Xử nghiêm việc sản xuất khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng ty không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc.

Thời gian gần đây, một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020. (19.8.2020, 361)

5. Gần 100 điểm cầu kết nối tư vấn khám chữa bệnh từ xa với tâm dịch Đà Nẵng

Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Chiều 18/8, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Tele-Health) chuyên ngành Hồi sức tích cực chuyên đề "Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19" với sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Nội và các học viên quan tâm...

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai triển khai buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trên diện rộng với sự kết nối của gần 100 điểm cầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Dự án tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Bạch Mai nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới tham gia khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng chung hệ thống công nghệ thông tin.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở đặc biệt là tuyến huyện. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, xa, khó khăn. Từ đó giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí người dân phải chi trả.

Tại buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành Hồi sức tích cực lần này, có các báo cáo viên của BVĐK khu vực Quảng Nam; BV Nhiệt đới tỉnh Hải Dương tại các điểm cầu. Các chuyên gia cũng sẽ cùng thảo luận về các ca bệnh điển hình.

Đặc biệt, tại điểm cầu Đà Nẵng - nơi đang có sự chi viện của hơn 50 y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ có các chuyên gia tham gia báo cáo gồm:

- TS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 báo cáo về "Kinh nghiệm vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch";

- ThS. Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực báo cáo về "Cơn bão Cytokine ở bệnh nhân COVID-19 và xử trí".

- TS. Trương Anh Thư - Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn báo cáo về "Những lưu ý và sau lần cần tránh của nhân viên y tế trong phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong lâm sàng".

Theo đánh giá của giới chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa là một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam.

Dự án khám, chữa bệnh từ xa sẽ góp phần thực hiện “chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, giúp nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tuyến dưới và năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện, giảm tỷ lệ chẩn đoán nhầm, chẩn đoán chậm; bệnh viện tuyến dưới được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”.

Các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Củng cố niềm tin của người dân với bệnh viện tuyến dưới, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trên, giảm thời gian, kinh phí đi lại…

Tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên ở tuyến Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. (19.8.2020, 769)

6. Đơn vị chạy thận tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, chuyện ít biết

TTYT Hòa Vang đã công bố 4 bệnh nhân chạy thận từ BV Đà Nẵng chuyển về, khỏi COVID-19. Đây là nỗ lực và kết quả của các bác sĩ TTYT Hòa Vang, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy kể từ đầu mùa dịch xuất hiện ở thành phố này. Hiện nay, vẫn còn bệnh nhân nặng với tiên lượng xấu.

“4 bệnh nhân chạy thận nhân tạo được công bố khỏi bệnh có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Sức khỏe của các bệnh nhân này khá ổn định, không có biến chứng gì nặng. 4 bệnh nhân sẽ được chuyển qua BV Da Liễu để tiếp tục cách ly và đến BV C Đà Nẵng tiếp tục chạy thận theo chu kỳ và điều trị các bệnh nền. Việc điều trị khỏi COVID-19 cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo là sự động viên để chúng tôi nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý nền nặng, trong đó có chạy thận nhân tạo”- TS Nguyễn Hữu Dũng Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai nói.

Có mặt trong những ngày đầu tiên khi triển khai đơn vị chạy thận nhân tạo tại TTYT Hòa Vang, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cùng nhóm công tác Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai đã cùng với bác sĩ của TTYT Hòa Vang khảo sát, xây dựng đơn vị chạy thận nhân tạo.

Khó nhất trong khâu chạy thận nhân tạo đó là nguồn nước RO phải đủ tiêu chuẩn. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, TS Nguyễn Hữu Dũng cùng với các đồng nghiệp đã lọc nước RO 2 lần, chuyển ra Huế làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nước đạt tiêu chuẩn. “Trong thời gian ngắn chúng tôi đã phải đảm bảo có được hệ thống nước RO an toàn dùng cho chạy thận. Và đến nay mọi việc đều suôn sẻ, các bệnh nhân được chạy thận an toàn”, TS Dũng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chúc mừng các bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chữa khỏi COVID-19.

Đến ngày 4/8/2020, Đơn vị chạy thận nhân tạo của TTYT Hòa Vang hoàn thiện xong bắt đầu đón bệnh nhân chạy thận.

Lo lắng không chỉ của các bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân chạy thận đó là số bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ nhiều năm. Trong số đó còn có các bệnh lý nền khác kèm theo, sức khỏe của họ đã suy kiệt, sức đề kháng kém, dễ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác nữa ngoài virus COVID-19.

Cùng lúc phải chống chọi lại nhiều bệnh nặng nên bệnh nhân suy thận mãn, chạy thận nhân tạo chu kỳ lâu năm đều dễ biến chứng trở bệnh nặng, nguy kịch đến tính mạng nếu mắc thêm COVID-19.

Hiện Đơn vị chạy thận nhân tạo, TTYT Hòa Vang đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 kèm bệnh nền suy thận, chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Đây là các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển sang. Công việc của Đơn vị chạy thận nhân tạo vẫn còn rất nặng nề, khi có bệnh nhân nặng vẫn được các thầy thuốc tiếp tục theo dõi sát sao.

Đơn vị chạy thận nhân tạo của TTYT Hòa Vang, đứng đầu là TS Nguyễn Hữu Dũng cùng với bác sĩ TTYT Hòa Vang, điều dưỡng của BV Chợ Rẫy, đang nỗ lực lọc máu tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất, kết hợp với điều trị các biến chứng của COVID-19 cũng như nhiều bệnh lý khác mà bệnh nhân mắc phải.

Tập trung chăm sóc bệnh nhân, dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, tránh các bội nhiễm khác. Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, được theo dõi 24/24 với các đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp. (19.8.2020, 676)

7. 5 biểu hiện trên da ở bệnh nhân COVID-19 cần lưu ý

BS. Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương cho biết, COVID-19 không chỉ gây các triệu chứng về hô hấp mà còn ở các vị trí khác, và biểu hiện trên da là một trong số đó với 5 biểu hiện chính như sau:

Đỏ da, phù nề ở đầu ngón tay, ngón chân

Biểu hiện đỏ da, phù nề ở đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện cùng với vài mụn nước hoặc mụn mủ. Tỷ lệ gặp khoảng 19%. Các tổn thương thường không đối xứng.

Phát ban mụn nước khác

Tỷ lệ thường gặp khoảng 9%. Tổn thương mụn nước nhỏ, đơn hình thái, khác với hình ảnh mụn nước đa hình thái của thủy đậu.

Vị trí thường gặp của mụn nước ở trên thân mình, đôi khi xuất hiện ở tay chân. Hoặc đôi khi không phải là mụn nước đơn thuần mà là mụn nước xuất huyết.

Mày đay

Tỷ lệ thường gặp là 19%, thường ở thân mình hay ở lòng bàn tay.

Các biểu hiện dát sẩn khác

Các biểu hiện dát sẩn khác chiếm tỷ lệ 47%. Ví dụ như một số dát sẩn có ở quanh nang lông và có vảy, một vài dát sẩn giống vảy phấn hồng, có thể gặp xuất huyết từng chấm hoặc trên diện rộng.

Một số ca có sẩn thâm nhiễm ở mu tay, mu chân, có thể giống hình ảnh giả mụn nước, hồng ban nổi cao dai dẳng hoặc hồng ban đa dạng.

Livedo hoặc hoại tử

Livedo hoặc hoại tử chiếm tỷ lệ 6%. Hình ảnh hay gặp là mạng lưới livedo, đôi khi hoại tử, điều này thể hiện sự tắc mạch máu nhỏ.

Các biểu hiện khác

Ngoài ra, BS. Hoàng Văn Tâm cho biết, còn có một số biểu hiện trên da khác nhưng ít gặp hơn như: ban ở trong niêm mạc; xuất huyết ở nếp gấp; tổn thương tăng sắc tố giống bệnh Addison, hoặc mắc zona.

Trường hợp bệnh nhân 524 (86 tuổi) mắc COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam là ví dụ điển hình. Ban đầu, bà được chẩn đoán zona thần kinh bội nhiễm nên chuyển vào Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện do các biểu hiện tăng nặng như sốt rồi rơi vào hôn mê.

Sau hơn nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã tử vong do mắc COVID-19 trên nền bệnh lý nặng là suy tim và suy thận mạn tính.

Đặc biệt, BS. Tâm cũng lưu ý, theo một nghiên cứu trên thế giới, có 12,5%, tương đương với 9/72 bệnh nhân COVID-19 được theo dõi xuất hiện tổn thương da trước khi xuất hiện triệu chứng hô hấp hay được chẩn đoán COVID-19. Các tổn thương này sẽ tự hết sau khoảng 10 ngày.

Do đó, chuyên gia da liễu khuyến cáo, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ở trên mà có yếu tố dịch tễ thì cần chú ý tới nguy cơ mắc COVID-19. Bệnh nhân cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn theo dõi, hoặc xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Cách phòng bệnh COVID-19 cho người mắc bệnh lý về da

Theo BS. Tâm, những bệnh nhân mắc bệnh lý nền về da - đặc biệt những bệnh nhân mắc bệnh lý da tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm bì cơ,... cần chú ý tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và của bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Hoặc với những bệnh nhân không thuộc nhóm bệnh lý tự miễn nhưng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc các thuốc sinh học... thì cũng cần phải nâng cao cảnh giác để tránh mắc COVID-19 vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ mắc bệnh.

"Các biện pháp phòng dịch chung như vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi chúng ta tiếp xúc với bề mặt bàn, ghế, thang máy, tay nắm cửa... đó là những vị trí có thể bị dính virus SARS-CoV-2.

Người dân cần đeo khẩu trang và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, tránh tụ tập đông người. Thường xuyên rèn luyện nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể để phòng tránh dịch bệnh..." - Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương tư vấn. (20.8.2020, 783)

8. Từ 20h tối ngày 19/8, Bệnh viện E dừng tiếp nhận khám chữa bệnh: Bộ Y tế làm việc ngay trong đêm về công tác chống dịch COVID-19

Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh dương tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 có liên quan đến Bệnh viện E, ngay trong đêm ngày 19/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã làm việc khẩn với Bệnh viện E về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện.

Theo đó từ 20h tối nay, Bệnh viện E tạm dừng tiếp nhận, khám chữa bệnh, áp dụng nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cho bệnh nhân xuất viện cũng như nhân viên y tế đang ở bệnh viện không được về nhà để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Ngay trong đêm 19/8, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Tổ trưởng Tổ Cơ động phản ứng nhanh của Bộ Y tế đã làm việc khẩn với Bệnh viện E về công tác phòng, chống dịch của bệnh viện.

Ghi nhận của phóng viên lúc 2130, ngay tại cổng chính vào của Bệnh viện E, dây chằng và bảng thông báo tạm dừng khám chữa bệnh từ 20h cùng ngày đã được dựng ngay tại cổng.

Phía bên trong công tác vệ sinh khử khuẩn đang được tiến hành tại khu vực toà nhà mới, nơi có khoa Cấp cứu ngay tầng 1.

Tại phòng họp ngay tầng 1 phía bên trong, PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, Bệnh viện E phải coi đây như là một ổ dịch vì đã có ca dương tính lần 1.

Theo CDC Hà Nội, bước đầu xác định Bệnh viện E có 50 trường hợp F1, 80 trường hợp F2

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, việc dừng tiếp nhận của Bệnh viện E là một quyết định đúng đắn. Ngay trong đêm nay, bệnh viện phải xây dựng phương án nếu trường hợp đóng cửa, bệnh nhân và y, bác sĩ sẽ phải cách ly như thế nào. "Bệnh viện phải xây dựng các phương án chống dịch, cách ly, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nếu phải đóng cửa bệnh viện", ông Khuê nói.

Hiện nay, bệnh nhân này đã được tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 và sẽ có kết quả vào đầu giờ sáng mai 20/8. Đồng thời, CDC Hà Nội tiếp tục truy F1 để làm xét nghiệm lần 2 và thực hiện cách ly 14 ngày.

Nhấn mạnh tại đây, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay, tại Đà Nẵng, dù được chăm sóc hồi sức tích cực nhưng các ca F1 cũng tử vong nhiều do bệnh lý mạn tính và mắc COVID-19. Vì thế, đề nghị Bệnh viện E cần phải rà soát lại toàn bộ những trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở các khoa bệnh nặng, quyết liệt không để người nhà vào chăm sóc. Tại những khu bệnh nhân nặng phải tuyệt đối cách ly, phân luồng để giữ an toàn tại đây.

Đồng thời Bệnh viện E phải sẵn sàng mọi điều kiện, tăng cường máy xét nghiệm để ngày mai sẵn sàng triển khai xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân. Nếu không đủ test, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ để làm xét nghiệm nhanh nhất.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nếu Bệnh viện E thiếu khẩu trang, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, bệnh viện sẽ đề xuất Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ tốt nhất. Chúng ta không tiếc khẩu trang, không tiếc trang thiết bị bảo hộ, không tiếc nước rửa tay, quyết không để lây nhiễm tối thiểu nhất cho cán bộ y tế”

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế  Phú Thọ điều tra dịch tễ bệnh nhân trên Phú Thọ. Qua điện thoại trực tiếp tại buổi làm việc ở Bệnh viện E với đồng chí Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ vào lúc gần 22h, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thông tin, hiện giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cùng nhiều đơn vị chức năng liên quan đã có mặt ở Thanh Ba- nơi bệnh nhân sinh sống để họp bàn các biện pháp phòng chống dịch

"Đây cũng là nhóm giải pháp quan trọng để có thể truy vết người tiếp xúc gần với trường hợp này trước khi đến Bệnh viện E thăm khám"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Cũng qua điện thoại trực tiếp ở buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp cùng khai thác thêm dịch tễ liên quan đến trường hợp này.

Tại buổi làm việc khẩn này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng và đồng hành với Bệnh viện E của lực lượng chức năng Quận Cầu Giấy, gồm lực lượng công an Quận, phường và phòng y tế Quận. Đồng thời mong muốn các lực lượng công an tiếp tục hỗ trợ bệnh viện E trong tình huống cấp độ khác của phòng chống dịch.

Trước đó, tối cùng ngày, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc số 1105/KCB- NV gửi Giám đốc Bệnh viện E về việc báo cáo quá trình tiếp nhận và điều trị ca bệnh COVID-19.

Công văn của Bộ Y tế thông báo, theo kết quả công bố của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 19/8/2020, tại Bệnh viện E phát hiện 01 ca bệnh (Bệnh nhân Lưu Bá N, nam, sinh năm 1933) đang điều trị nội trú trong bệnh viện dương tính với Vi rút SARS-CoV-2.

Thông qua đường dây nóng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chỉ đạo Bệnh viện liên hệ và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để quản lý, chăm sóc, điều trị; đồng thời đã chỉ đạo Bệnh viện mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội làm việc. Để bảo đảm công tác phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Bệnh viện E khẩn trương thực hiện:

Nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc quản lý, cách ly triệt để người bệnh, người tiếp xúc với ca bệnh dương tính; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng theo quy định tại Quyết định 1551/QĐ-BYT ngày 3/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Tổng hợp báo cáo ngay quá trình tiếp nhận và điều trị ca bệnh trên trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện.

Báo cáo kết quả làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. (20.8.2020, 1235)

9. Thực hiện nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt

Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, yêu cầu các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý Dược phát hiện một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị như sau:

Nghiêm túc thực hiện các quy định tại Luật dược 2016, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký lưu hành, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt, trong đó lưu ý tuân thủ các nội dung sau:

- Chỉ nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt khi đã được cấp giấy phép nhập khẩu với số lượng không được vượt quá số lượng ghi trong giấy phép.

- Thực hiện đúng quy định về thay đổi sau khi thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, lưu ý các thay đổi về nhà sản xuất dược chất, tá dược, tiêu chuẩn chất lượng, thay đổi nội dung mẫu nhãn.

- Sản xuất, nhập khẩu thuốc đúng tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt.

- Rà soát, sửa đổi các quy trình thao tác chuẩn trong quá trình sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp các quy chế chuyên môn, đặc biệt lưu ý các quy trình hủy, quy trình biệt trữ nguyên liệu gây nghiện, hướng thần, tiền chất; quy định rõ về trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động, khắc phục khi xảy ra sự cố của hệ thống camera giám sát...

- Xây dựng giới hạn, theo dõi, giám sát tỷ lệ hư hao trong sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh hao phí, thất thoát (đặc biệt đối với các thuốc có chứa dược chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất).

- Bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt cho các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi phù hợp.

Tăng cường công tác tự thanh tra và tập huấn, đào tạo cho cán bộ, nhân viên, tuân thủ nghiêm các quy trình liên quan đến sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định.

Chủ động phân tích, dự báo tình hình nhu cầu thuốc để lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu để đáp ứng kịp thời, đủ thuốc bảo đảm chất lượng cho nhu cầu điều trị. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo về Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để được xem xét, hướng dẫn. (20.8.2020, 633)

10. TP.HCM: Giao 24 Trung tâm y tế quận, huyện giám sát chặt chẽ người đến từ các vùng dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã có công văn gửi 24 Trung tâm Y tế quận, huyện hướng dẫn triển khai giám sát người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nhằm không bỏ sót trường hợp nguy cơ, phát hiện sớm nguồn lây.

Thông tin từ HCDC TP.HCM, tính đến ngày 20/8, đã 19 ngày tại TP không có trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên TP vẫn đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh vì là nơi giao thương, giao lưu của cả nước. Do đó để kiểm soát, không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát, TP.HCM triển khai thực hiện giám sát y tế đối với người từ các tỉnh, thành đang có trường hợp bệnh COVID-19 hoặc đang thực hiện giãn cách xã hội: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị.

Để không bỏ sót các trường hợp nguy cơ, cuối ngày 19/8/2020, HCDC đã có công văn gửi 24 Trung tâm Y tế quận, huyện hướng dẫn triển khai giám sát tại cơ sở theo 4 nhóm nguy cơ.

Cụ thể: Trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 xác định: thực hiện khai báo tại khu cách ly của quận, huyện, áp dụng cách ly tập trung (cách ly cấp 3) tại khu cách ly quận huyện hoặc TP và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Trường hợp từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: thực hiện khai báo tại khu cách ly của quận, huyện, áp dụng cách ly tập trung (cách ly cấp 3) tại khu cách ly quận huyện hoặc TP và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Trường hợp từng đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo: Thực hiện khai báo tại trạm y tế, cách ly tại nhà (cách ly cấp 2), lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ.

Những người không thuộc 3 nhóm trên: Thực hiện khai báo trên ứng dụng tokhaiyte.vn và tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của y tế; lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ.

Thời gian áp dụng các hình thức giám sát này là 14 ngày, tính từ ngày đến TP.HCM. Các tỉnh thành thực hiện giám sát sẽ được cập nhật tùy theo diễn biến tình hình dịch. HCDC TP.HCM sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các địa phương có trường hợp bệnh COVID-19 trong cộng đồng, các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các địa điểm được Bộ Y tế công bố. Hoạt động giám sát này nhằm phát hiện sớm nguồn lây, giúp kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

HCDC TP.HCM khuyến cáo thêm: Người từ các tỉnh thành nêu trên khi đến TP cần chủ động thực hiện theo hướng dẫn của HCDC, cần chủ động, trung thực trong khai báo y tế cũng như tuân thủ hướng dẫn cách ly y tế, tự theo dõi sức khỏe là góp phần giúp bảo vệ chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng cũng như giúp thành phố kiểm soát được dịch bệnh, duy trì cuộc sống bình thường mới để phát triển kinh tế. Cộng đồng, gia đình, xã hội cũng cần phối hợp với chính quyền và y tế để phát hiện các trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực. (20.8.2020, 609)

11. Công suất xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được nâng lên rõ rệt

Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu, chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch COVID-19

Để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tăng sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo và thực hiện tăng năng lực xét nghiệm cho toàn bộ ngành y tế.

Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020, hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu (so với 426.718 mẫu được thực hiện từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1/2020 đến 24/7/2020), chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch.

Theo đó, trong tuần đầu tiên mỗi ngày xét nghiệm 5.500 mẫu. Tuần thứ 2 trung bình mỗi ngày xét nghiệm 15.500 mẫu, gấp 2,7 lần so với tuần thứ 1. Tuần thứ 3 mỗi ngày xét nghiệm gần 25 nghìn mẫu, gấp gần 4 lần so với tuần thứ 1 và gấp 1,6 lần so với tuần thứ 2.

Tính từ 25/7 đến nay, Đà Nẵng xét nghiệm nhiều mẫu nhất (khoảng 86 nghìn mẫu), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh và Quảng Nam.

Nếu so sánh với các giai đoạn trước của dịch COVID-19 ở Việt Nam, có thể thấy công suất xét nghiệm được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn từ 22/1/2020 tới 05/03/2020, xét nghiệm được 3094 mẫu, trung bình 70 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 06/03/2020 đến 22/4/2020, xét nghiệm được 182.109 mẫu, trung bình 3874 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 23/4/2020 tới 22/7/2020, xét nghiệm được 237.815 mẫu, trung bình 2631 mẫu/ngày.

Trong giai đoạn từ 23/7/2020 đến 13h ngày 19/8/2020 đã thực hiện 390.697 mẫu, trung bình 14.470 mẫu/ngày.

Hiện cả nước có 123 phòng xét nghiệm có khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RealTime-PCR với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày. Trong số trên có 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất các phòng này là hơn 36 nghìn mẫu/ngày.

Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại 3 khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. (20.8.2020, 417)

12. Hà Nội khuyến cáo người dân không được chủ quan dù xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 14/TB-BCĐ ngày 19-8-2020 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục quản lý chặt chẽ các ổ dịch trên địa bàn thành phố, tổ chức thực hiện tốt việc cách ly, tăng cường kiểm tra việc thực hiện an toàn trong phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung lấy mẫu xét nghiệm để hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp về Hà Nội từ thành phố Đà Nẵng và vùng dịch theo tiến độ đã đề ra.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khuyến cáo người dân tuân thủ quy định cách ly, không chủ quan, lơ là khi kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, vì đã có những trường hợp xét nghiệm đến lần thứ ba mới có kết quả dương tính.

Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; các trường hợp mắc bệnh mạn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể: Giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 mét, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc. (20.8.2020, 396)

13. Sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát phụ nữ có thai nghi mắc COVID-19

Ngày 20/8, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã có công văn số 4441/BYT-BMTE về việc tăng cường công tác chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Công văn nêu rõ, ngày 21 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Hiện nay, dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở một số tỉnh/thành phố, diễn biến phức tạp, thực tế đã và sẽ tiếp tục có những trường hợp phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 mang thai và sinh con.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; Y tế các Bộ, ngành tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ nghiêm túc thực hiện theo Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở y tế.

Đối với các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa phải tổ chức phân luồng, khám sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát phụ nữ có thai nghi nhiễm COVID-19 đến khám ngay tại nơi đón tiếp; Khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển vào khu khám cách ly.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ các ca nghi nhiễm đến khám. Không để các trường hợp nghi nhiễm tự ý di chuyển. Thực hiện khám thai thường quy, những trường hợp nghi nhiễm COVID-19, phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng để lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán.

Bố trí phòng sinh riêng cho phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Rà soát và tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Có đẩy đủ trang bị phòng hộ, đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ y tế khi cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa, sơ sinh đối với thai phụ, sản phụ nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Đối với các cơ sở cách ly tập trung cần chăm sóc, theo dõi phụ nữ có thai chặt chẽ theo quy định, đảm bảo vô khuẩn, tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và sản phụ.

Với các trường hợp phụ nữ có thai dương tính với COVID-19 khi có dấu hiệu chuyển dạ cần phải phối hợp với cơ sở sản khoa để đảm bảo cuộc đẻ an toàn và và thực hiện chăm sóc mẹ con phù hợp với tình hình thực tế.

Trong trường hợp cần thiết liên hệ ngay với các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa các khu vực để được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chỉ đạo tuyến được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa thành lập và duy trì kíp hỗ trợ gồm đầy đủ các chuyên khoa: sản khoa, sơ sinh, gây mê-hồi sức, để sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện tuyến dưới khi cần thiết (xin gửi kèm Quyết định số 6685/QĐ-BYT ngày 02/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa). (21.8.2020, 730)

14. Bộ Y tế: Các bệnh viện đủ năng lực phải sớm triển khai xét nghiệm RT-PCR

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phải sớm triển khai thực hiện xét nghiệm, tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 20/8, Bộ Y tế có công văn số 4433/BYT-KCB về việc tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 tại các bệnh viện.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực xét nghiệm để sẵn sàng đáp ứng tốt nhất với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, tiếp theo Công điện số 1263/CĐ-BYT ngày 11/08/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện chuyên khoa Sản, Nhi, Lao, bệnh phổi, ung thư, tim mạch, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương thực hiện các công việc sau:

Đối với bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, bệnh viện đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu.

Các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phải sớm triển khai thực hiện xét nghiệm, tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố chưa đủ năng lực xét nghiệm RT-PCR chủ động liên hệ với các đơn vị có năng lực để gửi mẫu xét nghiệm; đồng thời phải có kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, báo cáo cơ có thẩm quyền để nâng cao năng lực, đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc, khẳng định vi rút SARS-CoV-2 trước ngày 31/12/2020.

Tăng cường chỉ định xét nghiệm, phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2

Bộ Y tế chỉ đạo thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.

Đồng thời tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định, phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều phối hợp lý các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn trong tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, tránh chồng chéo, lãng phí.

Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện, báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) các khó khăn, vướng mắc để được xem xét, giải quyết. (21.8.2020, 611)

15. “An tâm” về năng lực chống dịch của Quảng Nam

Năng lực xét nghiệm của Quảng Nam đã tang gấp 10 lần so với trước đây, đặc biệt tổ giám sát COVID-19 cộng đồng đứng cao nhất cả nước.

Đó là ý kiến của Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng tại buổi làm việc của đoàn với Sở Y tế Quảng Nam về công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ghi nhận và biểu dương tinh thần, kết quả của ngành Y tế Quảng Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Đặc biệt, ông đánh giá cao năng lực xét nghiệm Quảng Nam đã tăng gấp 10 lần so với trước đây; tổ giám sát COVID-19 cộng đồng đứng cao nhất cả nước.

Theo đó,  thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế trong lần làm việc trước, tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng thành lập 5.400 tổ giám sát COVID-19 cộng đồng. Hoạt động của tổ này phát huy hiệu quả góp phần vào việc truy vết và khoanh vùng dập dịch nhanh.

Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Nam đã xét nghiệm được gần 70 nghìn mẫu bệnh phẩm, năng lực xét nghiệm được nâng cấp lên gấp 10 lần. Giai đoạn 1 của chống dịch COVID-19, Quảng Nam chỉ xét nghiệm được 300 mẫu/ngày đến nay năng lực xét nghiệm được 4.500 mẫu/ngày. Tốc độ xét nghiệm nhanh, chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu truy vết, điều trị.

Báo cáo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện cho biết:

“Bệnh viện chúng tôi có 330 cán bộ y tế, 46 tình nguyện viên đang tham gia công tác phòng chống COVID-19, trong đó, 200 cán bộ y tế trực tiếp tham gia công tác điều trị. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, BV ĐH Y Dược TP HCM… chúng tôi đã tổ chức 10 lớp đào tạo cho 1.292 học viên về công tác phòng chống COVID-19”.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, thời gian đến, ngành y tế Quảng Nam cần kiểm tra, rà soát công tác cách ly, giãn cách, sinh hoạt tại tất cả các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng cho rằng Quảng Nam cần có kế hoạch xây dựng khu cách ly tập trung mới, xây dựng bệnh viện dã chiến có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực,… Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 1 máy siêu âm và 1 máy chụp X- quang.

Thứ trưởng cũng mong rằng với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành y tế, Quảng Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch COVID-19.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện năng lực y tế của các tỉnh miền Trung tăng lên rất nhiều so với thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát. Ổ dịch tại miền trung đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, năng lực y tế của các tỉnh miền trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên -Huế cũng được đã được nâng lên. Lý giải về điều này, Thứ trưởng cho hay,  hai nguyên nhân chính là năng lực nội tại của ngành và sự chi viện kịp thời của Trung ương, của ngành y tế, của các điạ phương và đặc biệt sự đóng góp quan trọng của người dân cũng như các doanh nghiệp. (21.8.2020, 649)

16. Nâng cao năng lực chống dịch tại các địa phương

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế các địa phương trong cả nước đã và đang tích cực chủ động nâng cao năng lực ứng phó với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19. Sáng cùng ngày, tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, thêm một bệnh nhân COVID-19 nặng được công bố khỏi bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung trong thời gian gần đây, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác chống dịch, động viên các nhân viên y tế đang tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế an tâm công tác, Công đoàn Y tế Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19.

Với chính sách hỗ trợ là trợ cấp khi nhiễm bệnh: hỗ trợ một lần, với kinh phí 10 triệu đồng đối với nhân viên y tế chẩn đoán dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong thời gian của chương trình.

 Hỗ trợ khi tử vong: hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mỗi nhân viên y tế bị tử vong trong thời gian của chương trình do nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

*Thừa Thiên-Huế: Thêm một bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Ngày 21/8, Bệnh viện Trung ương Huế công bố khỏi bệnh đối với bệnh nhân mắc COVID-19 số 438 (56 tuổi, nam giới, trú tại thành phố Đà Nẵng) sau 5 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (từ ngày 16- 20/8).

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn đang duy trì điều trị tại đơn vị.

Tiên lượng bệnh nhân đang rất nặng và phải thở máy do có nhiều bệnh lý nền nặng như viêm phổi đa đề kháng-suy hô hấp, u ác tính niệu quản đã phẫu thuật, tăng huyết áp và đái tháo đường…

Được biết, ca bệnh số 438 được lấy mẫu xét nghiệm ngày 27/7 và được Bộ Y tế công bố dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 28/7.

Trước đó, trường hợp này là bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng.

Sáng 29/7, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị bệnh nhân số 438 tại cơ sở 2 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) trong tình trạng sốt 38 độ C, bóp bóng qua khai khí quản, phổi nhiều ran nổ, độ bão hòa oxy trong máu SpO2 là 92%.

Tính đến hết ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Hiện tỉnh đang triển khai cách ly tập trung cho hơn 2.000 trường hợp trở về từ vùng dịch và hơn 2.500 trường hợp đã hoàn thành đợt cách ly tập trung.

*Hải Dương: Lập các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng, phát hiện sớm ca nghi mắc. Ngày 21/8, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3045/UBND-VP về việc thành lập các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng. Mỗi tổ có 02 người gồm cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể đến từng tổ.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn ra Quyết định thành lập ngay các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng” gọi tắt là “Tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực chống dịch tại địa phương.

 Tổ COVID cộng đồng chính là cầu nối chủ động của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, làm cho người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng chống dịch. Qua tổ COVID cộng đồng cũng sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng để báo cáo chính quyền địa phương và Trạm y tế tuyến xã xử lý và điều chỉnh kịp thời.

 *Quảng Nam: Năng lực xét nghiệm của Quảng Nam đã tăng gấp 10 lần so với trước đây, đặc biệt tổ giám sát COVID-19 cộng đồng đứng cao nhất cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng thành lập 5.400 tổ giám sát COVID-19 cộng đồng. Hoạt động của tổ này phát huy hiệu quả góp phần vào việc truy vết và khoanh vùng dập dịch nhanh.

 Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Nam đã xét nghiệm được gần 70 nghìn mẫu bệnh phẩm, năng lực xét nghiệm được nâng cấp lên gấp 10 lần. Giai đoạn 1 của chống dịch COVID-19, Quảng Nam chỉ xét nghiệm được 300 mẫu/ngày đến nay năng lực xét nghiệm được 4.500 mẫu/ngày. Tốc độ xét nghiệm nhanh, chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu truy vết, điều trị.

Để phòng, chống dịch COVID Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt các điểm sau đây:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.

6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: http://www.bluezone.gov.vn (21.8.2020, 1072)

17. 7 việc cần làm ngay khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở

Nhằm cung cấp thông tin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho cộng đồng, hướng dẫn cách xử trí khi cá nhân có biểu hiện Sốt, ho, đau họng, khó thở, Bộ Y tế xây dựng tài liệu khuyến cáo:

Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:

1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;

2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;

3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;

4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;

5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…

6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;

7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan. (21.8.2020, 267)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến