Điểm tin y tế tháng 10.2019

07/10/2019 | 15:06 PM

 | 

  1. Bộ trưởng bộ Y tế: Thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng bộ Y tế nhận định, việc thanh toán trong khám chưa bệnh không dùng tiền mặt mặc dù rất hay nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 20/9/2019, bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế tại điểm cầu Trung ương Trung tâm Hội nghị quốc tế số 35 Hùng Vương, Hà Nội và 62 điểm cầu tại UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngành y tế đánh giá, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích. Bởi lẽ, khi mang theo tiền mặt khi đi khám, chữa bệnh vừa mất thời gian chờ đợi, vừa đối mặt với nguy cơ bị móc túi, trộm cắp. Với hình thức thanh toán điện tử, bệnh nhân – người nhà bệnh nhân chỉ cần thao tác quẹt thẻ đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược.

Theo Bộ trưởng Y tế, đây chính là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ trong ngành y tế: "Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt; đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi; cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu".

"Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, vận dụng mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, được thị trường đón nhận tích cực với hàng chục triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ”, Bộ trưởng Y tế cho biết thêm. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.

“Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, ngành y tế sẽ quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

“Từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử”, Bộ trưởng cho hay. Còn đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.

Cùng đó, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí. (941)

  1.  35% bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Hiện nay, cả nước có khoảng 30 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt. Trong đó, Bệnh viện trường Đại học Y Dược TP HCM là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện và thu được những hiệu ứng tích cực.Sáng nay, 20/9 Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, hầu hết người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán. Chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Tiến cho rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời và có thể thực hiện thành công được nếu các đơn vị liên quan cùng quyết tâm.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện và các cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Trong đó, Bệnh viện trường Đại học Y Dược TP HCM là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện và thu được những hiệu ứng tích cực.

Bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến bệnh viện khám bệnh phải mang theo tiền mặt.

Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Theo thống kê của Bộ Y tế, số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của bệnh viện.Để tăng cường triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế, trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường đẩy mạnh vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Các đơn vị xây dựng và hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện để có thể kết nối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với phần mềm của ngân hàng. (650)

  1.  Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ xử lý và kiểm điểm sau vụ VN Pharma

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trên cơ sở kết luận thanh tra để xử lý, kiểm điểm, xem những ai thuộc diện xử lý sẽ phải trải qua nhiều cuộc họp, trong đó có những người đã nghỉ việc…Sáng 20/9, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc VN Pharma, Bộ Y tế dứt khoát xử lý và ủng hộ cơ quan chức năng phát hiện và xử nghiêm đúng việc, đúng người, đúng tội, đúng tội nhưng không oan sai, không bỏ sót.”

“Các bạn phải đọc kỹ toàn bộ kết luận thanh tra, nếu chỉ nghe lấy khúc giữa hoặc khúc cuối thì chưa chính xác," bà Tiến nói.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Y tế, theo kết luận thanh tra sẽ xem xét xử lý, kiểm điểm những cá nhân liên quan. Việc này sẽ xem xét trong nhiều cuộc họp, trong đó có những người đã nghỉ việc rồi…

Trong buổi sáng 20/9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho Thanh tra tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương, tổ chức có liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện theo kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện./. (347)

  1.  Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đề nghị đổi tên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, sáng 20-9, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định đề nghị đổi tên trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thành Đại học Khoa học Sức khỏe là chính xác.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cả nước có hai đại học lớn nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trong ngành Y tế, thực hiện chủ trương của ngành, cụ thể hóa Nghị quyết 20-21, các khối trường sức khỏe phải có đề án (hiện đã có đề án nhưng chưa phê duyệt) phải thành lập Đại học Khoa học Sức khỏe.

“Trong Đại học Khoa học Sức khỏe có các trường Y, trường Dược, trường Nha, trường Y tế Công cộng, trường Điều dưỡng, trường Kỹ thuật y khoa. Nghĩa là dưới đại học sức khỏe có những trường ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã làm đề án cách đây 10 năm, nhưng chưa được phê duyệt. Lý do là còn chờ Đại học Y Hà Nội và vướng một số quy định trong Luật Giáo dục đại học. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác. Còn những người hiểu sai là chưa hiểu hết bản chất của đại học và trường đại học”.

Trước câu hỏi có nên giữ tên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và dưới là các trường trực thuộc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chuyện này sẽ bàn sau, nhưng bản chất là Đại học Khoa học Sức khỏe, còn y dược chỉ là hai chuyên ngành, không có phục hồi chức năng, y học cổ truyền có thể có nhưng điều dưỡng, nha không có… nếu chỉ gọi là y dược là thiếu. Nếu chỉ giữ tên đó thì không bao quát được và chưa chắc người ta chấp nhận tên đó một khi đề án được thành lập”.

Thông tin về thời gian sẽ đổi tên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quá trình phê duyệt đề án có nhiều bước, cần có cơ sở hạ tầng, bộ máy tổ chức, nhân lực… “Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu trong cả nước trong ngành y. Hiện đang chờ tiến độ thẩm định. Theo kết luận của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhắc, không được để tên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mà phải đổi tên thành Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. (501)

  1.  Bình Thuân: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7 đến nay, số ca mắc bệnh bắt đầu tăng nhanh, trung bình mỗi tuần có hơn 200 ca mắc. Bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Bình Thuận xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận ghi nhận hơn 3.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Số ca mắc tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong tháng 8/2019, Bình Thuận có một trường hợp ở thị xã La Gi tử vong do bệnh sốt xuất huyết, nâng số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 2 người. Trước đó, đã có một ca tử vong tại huyện Tánh Linh vào tháng 3/2019.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục bùng phát, vì vậy, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến cuối năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo dõi sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, triển khai phun hóa chất chủ động và diệt lăng quăng diện rộng, khống chế bệnh tại các phường, xã có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue, công tác giám sát bệnh nhân, côn trùng, xử lý ổ bệnh, kỹ năng truyền thông… cho tuyến cơ sở.

Để phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân cần phòng chống muỗi bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng hương (nhang) xua muỗi, kem chống muỗi hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại hộ gia đình.

Cùng với đó, mỗi gia đình nên chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh như thu gom, lật úp, các dụng cụ chứa nước không cần thiết, những dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy và cọ rửa thường xuyên… Khi có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà./. (458)

  1.  Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh nhưng không đủ thuốc điều trị

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết của cả nước tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, tại Bệnh viện (BV) Nhiệt đới TP.HCM, đã có nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết bị tử vong.

Trao đổi với VietTimes, TS. BS. Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, Refortan là loại thuốc để chống sốc, dùng trong điều trị sốt xuất huyết nặng. Dung dịch này có tác dụng bồi hoàn lại nước, lượng dung dịch trong máu bị mất.

“Theo phác đồ điều trị của BV và Bộ Y tế, đây là thuốc bắt buộc phải có khi điều trị sốt xuất huyết. Số lượng bệnh nhân dùng Refortan khi bị sốt xuất huyết rất nhiều” – BS. Minh nói.

Theo BS. Ngô Ngọc Quang Minh, tại BV Nhi Đồng 1, những tháng vừa qua số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng rất cao, ước tính gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, do BV Nhi Đồng 1 đã có kinh nghiệm xử lý dịch sốt xuất huyết trong nhiều năm, nên có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng.  Hiện tại, số lượng dung dịch Refortan trong kho BV Nhi Đồng 1 còn đủ để sử dụng ít nhất cho đến cuối năm nay.

Mặc dù dịch sốt xuất huyết đang gia tăng trên nhiều tỉnh phía Nam, nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào cho tình trạng thiếu thuốc Refortan.

BS. Minh thông tin, vì thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết trái mùa xuất hiện nhiều, nên lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 luôn chủ động về nguồn thuốc Refortan, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Trong khi đó, nhiều BV khu vực phía Nam liên tục phản ánh tình trạng thiếu thuốc. “Giám đốc BV Nhi tỉnh Đồng Nai đã liên lạc xin nhượng lại thuốc Refortan từ BV Nhi Đồng 1 TP.HCM” – BS. Minh thông tin.

BS Minh cũng cho biết không chỉ BV Nhi Đồng Nai mà thời gian vừa qua, nhiều BV các tỉnh khu vực phía Nam đã bị thiếu thuốc và liên hệ tới BV Nhi Đồng 1 xin hỗ trợ, do công ty cung ứng Refortan tạm thời không cung ứng. Không chỉ chia sẻ cho  BV Nhi tỉnh Đồng Nai, BV Nhi Đồng 1 còn nhượng lại thuốc Refortan cho các BV tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre.

“Chia sẻ thuốc với những BV bị thiếu là điều cần phải làm. Chúng tôi rất sẵn sàng. Tuy nhiên, số lượng thuốc dự trù của chúng tôi cũng chỉ kéo dài đến cuối năm. Nếu tình hình các BV tỉnh đều thiếu thuốc và liên hệ mượn nhiều, thì chúng tôi sẽ hết lượng Refortan tồn kho. Điều này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 1. Để khắc phục, chúng tôi cũng đã gởi công văn đến Sở Y tế, mong có giải pháp hỗ trợ cho BV Nhi Đồng cũng như các BV khác” – BS Minh nói. (517)

  1.  Đồng Tháp:  Không chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận, Đồng Tháp hiện là một trong 9 tỉnh, thành phía Nam có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Diễn biến tình hình trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng báo động vàng, vì vậy, phải triển khai ngay các giải pháp phòng chống. Nếu không diễn biến dịch sẽ đến mức báo động đỏ, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Tháp, tính đến tuần thứ 36 (ngày 8/9/2019), toàn tỉnh ghi nhận 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. 3 địa phương là Hồng Ngự, Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh có tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết rất cao. Trong đó, Lấp Vò là một trong địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh Đồng Tháp. Cuối tháng 8/2019, huyện Lấp Vò xuất hiện 142 ổ dịch, với 302 ca bệnh, trong đó có 14 ca nặng (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 160% so với trung bình 5 năm giai đoạn 2011 – 2015).

Bác sỹ Huỳnh Hồng Phúc, Trưởng khoa Hồi sức nhi – sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp thông tin, trong 8 tháng của năm 2019, khoa đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến điều trị, chữa bệnh vì mắc sốt xuất huyết, trong đó trẻ em chiếm 2/3. Riêng số điều trị nội trú tại bệnh viện là 600 bệnh nhân, trong đó có 336 trẻ em.

Điểm khác thường của bệnh sốt xuất huyết năm nay là số bệnh nhân tăng cao và tỷ lệ người lớn mắc bệnh tương đương với trẻ em dưới 15 tuổi. Kèm theo đó, các trường hợp mắc bệnh nặng và có dấu hiệu sốc ở người lớn cũng nhiều hơn. Cụ thể, trong 72 ca sốc nặng nhập viện tại bệnh viện đã có 30 ca là người lớn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, trong ngày 17 và 19/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện như Lấp Vò, Cao Lãnh, Tháp Mười và thành phố Sa Đéc.

Tại những nơi đoàn đến, trong đó có các vùng xuất hiện ổ dịch trước đó, người dân cũng chưa “mặn mà” với việc phòng dịch. Xung quanh nhà rải rác các vật dụng chứa lăng quăng, thậm chí có nơi ao tù, nước đọng. Đây là nơi sinh sản của muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đáng chú ý, qua kiểm tra 43 gia đình tại ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đoàn công tác ghi nhận 19/43 hộ có các vật dụng chứa nước có lăng quăng (chiếm 44%). Đây là chỉ số rất cao so với ngưỡng cho phép là 20 vật chứa nước có lăng quăng trên 100 nhà dân. Theo nhận định, với tình trạng này nguy cơ bùng phát dịch rất cao, bởi lăng quăng sẽ hình thành muỗi vằn (vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết xảy ra sau 8 – 10 ngày)…

Trước tình hình này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm, song tỷ lệ mắc bệnh cao tập trung vào những tháng mùa mưa. Nếu 6 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 40 ca, thì trong thời gian tháng 7 – 8, mỗi tuần ghi nhận khoảng 100 ca, có tuần khoảng 120 ca. Xu hướng dịch diễn biến phức tạp từ tháng 8, 9 và còn có thể kéo dài đến tháng 11, nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận thông tin, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh chủ động giám sát, cập nhật ca bệnh hàng ngày từ các bệnh viện, các cơ sở y tế trong tỉnh, giám sát véc-tơ, giám sát trọng điểm tại địa bàn nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Tính đến tháng 8/2019, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố cũng hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện chiến dịch trên diện rộng…Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận cho rằng, thời điểm này là đỉnh của chu kỳ dịch sốt xuất huyết. Tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng “cảnh báo vàng”, nếu không chủ động chung tay triển khai giải pháp phòng chống kịp thời, thì nguy cơ diễn biến dịch sẽ đến mức báo động đỏ, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các địa phương từ cấp huyện đến cấp xã cần nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.Các địa phương tổ chức đồng loạt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết để người dân chủ động, thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước loại bỏ lăng quăng và muỗi để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm các biện pháp phòng bệnh, cụ thể như khơi thông các cống, rãnh; đậy kín các lu, hũ không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn vào các dụng cụ chứa nước lớn, cọ rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước. Ngoài ra, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở xung quanh nhà như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe…/. (1187)

  1.  Số ca sốt xuất huyết tại An Giang và Trà Vinh tăng cao

Tại hai tỉnh An Giang và Trà Vinh, số ca sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trở thành các khu vực có tỷ lệ cao trên cả nước.

Ngày 20/9, Trung tâm Y tế dự phòng An Giang cho biết do đang vào cao điểm của mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết tại An Giang liên tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện tại An Giang là một trong bảy tỉnh có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Từ đầu năm đến trung tuần tháng 9 có gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại An Giang, tăng 67,2% so cùng kỳ năm 2018 song chưa có ca tử vong. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tính trên 100.000 dân là 204 ca. Số ca mắc bệnh tăng nhanh bắt đầu từ tháng 7/2019 đế nay, trung bình 200 ca/tuần. Toàn bộ 11/11 thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh đều có số ca mắc và tăng cao so cùng kỳ 2018. Huyện Chợ Mới có số bệnh nhân cao nhất tỉnh với gần 1.400 ca, Tịnh Biên có 577 ca, Long Xuyên-571 ca, An Phú-426 ca, Châu Thành-344 ca…

Số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi An Giang trong chín tháng qua tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 165 ca sốt xuất huyết, tăng gấp ba lần so thời điểm năm 2018. Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, cho biết: Bệnh sốt xuất huyết tăng cao do thời tiết nắng mưa thất thường, mùa mưa là mùa cao điểm của dịch bệnh, hơn nữa người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại trong việc phòng chống dịch...

Trong khi đó theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến đến ngày 15/9, toàn tỉnh có 271 ổ sốt xuất huyết với 2.106 trường hợp mắc, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2018. Những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Trà Cú (396 ca), Cầu Ngang (287 ca), Châu Thành (263 ca) và thành phố Trà Vinh (240 ca).

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Lơ cho biết, ngay khi phát hiện các ổ bệnh, đơn vị đã phối hợp với các địa phương xử lý triệt để nhằm khống chế lây lan; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các huyện có số ca mắc cao và các vùng nguy cơ. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại tất cả các điểm trường; huy động học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết./. (516)

  1.  Xác định nguyên nhân bé trai tử vong khi sinh ở Lâm Đồng

Chiều 20-9, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có kết quả xác minh về nguyên nhân tử vong của bé trai trong lúc sinh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng.

Theo ông Thuận, ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng báo cáo sự việc, đồng thời thành lập Hội Đồng chuyên môn, xác định có hay không sai sót chuyên môn kỹ thuật dẫn đến trẻ sơ sinh là con của chị Lê Thị Lê Hiền (SN 1992, ngụ phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) tử vong. Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng xác định, sản phụ Lê Thị Lệ Hiền nhập viện sinh con lần 4 lúc 5h20 ngày 19-9 trong tình trạng đau dồn từng cơn; mạch 80l/p; huyết áp 110/70mmHg. Tim thai 140l/p; co 45 giây; nghỉ 01p 30 giây. Cổ tử cung mở hết, vỡ ối hoàn toàn, đầu thập thò âm đạo, sản phụ rặn liên tục.

Khi được đưa vào phòng sinh, sản phụ tự rặn sổ đầu dễ dàng. Kíp trực tiến hành đỡ vai nhưng không kéo được vai nên đã mời bác sĩ đang ở phòng mổ về xử trí cấp cứu. Sau 10 phút đỡ khó khăn, kíp trực đưa được bé trai nặng 3,4kg ra ngoài nhưng cháu bé đã tử vong.

Hội đồng chuyên môn kết luận, nguyên nhân dẫn đến bé trai tử vong trong lúc sinh là do bị ngạt, sinh khó do tai biến kẹt vai. Diễn biến bệnh tiến triển nhanh, bất khả kháng. Kíp trực xử lý đúng quy trình chuyên môn nhưng còn hạn chế trong việc giải thích tình trạng bệnh của sản phụ với những người trong gia đình.

Trước đó, Báo CAND đưa tin, sáng ngày 19-9, chị Hiền đau bụng chuyển dạ, được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng sinh con. Sau khi được kíp trực đưa vào phòng chờ sinh, người nhà nghe tiếng la hét thất thanh của sản phụ. Sau đó, anh Đặng Xuân Hùng, chồng chị Hiền được kíp trực cho vào phòng sinh, lúc này cháu bé được đưa ra ngoài nhưng đã tử vong.

Người nhà sản phụ quy trách nhiệm nguyên nhân khiến cháu bé tử vong khi sinh là do sự tắc trách của kíp thực hiện ca đỡ đẻ này.  (430)

  1.  Nhiều điểm mới trong quy định đấu thầu thuốc

Chỉ còn 10 ngày nữa là Thông tư 15/2019/TT-BYT “Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập” do Bộ Y tế ban hành ngày 11/7/2019 (gọi tắt Thông tư 15), chính thức có hiệu lực pháp luật. Đây là thông tư được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dược liệu và thuốc y học cổ truyền cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế đấu thầu giúp cho việc tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị mua sắm tập trung, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế.Theo Bộ Y tế, Thông tư 15 có nhiều điểm mới cập nhật như: Việc phân chia các nhóm thuốc tại các gói thầu theo tiêu chí kỹ thuật được xây dựng chặt chẽ, minh bạch và yêu cầu cao hơn nhằm mục tiêu lựa chọn được các thuốc chất lượng, giá cả phù hợp. Đồng thời, góp phần thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cho thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự tất cả các nhóm nếu đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, trong đó thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự thầu cùng thuốc của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật….

Ngoài ra, việc phân chia nhóm thuốc để khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc nước ngoài để sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh, vắc xin, sinh phẩm.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế bổ sung các quy định để khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu thông qua tiêu chí kỹ thuật GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu), khuyến khích đầu tư nâng cấp để thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Trường hợp, vị thuốc cổ truyền, dược liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn GACP thì các cơ sở y tế vẫn có thể lựa chọn được các vị thuốc cổ truyền, dược liệu theo các nhóm khác để đảm bảo nhu cầu điều trị.

Cùng với đó, công tác lựa chọn nhà thầu tại các cơ sở y tế, các đơn vị mua sắm thuốc tập trung công khai, minh bạch hơn như quy định việc ghi dạng bào chế thuốc khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu để khuyến khích dạng bào chế hiện đại, thuốc công nghệ cao khắc phục lạm dụng dạng bào chế không phổ biến, đồng thời đảm bảo thống nhất cách ghi dạng bào chế; quy định việc phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu sẽ giúp các cơ sở y tế chủ động mua thuốc cấp cứu, chống độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần tiền chất, thuốc cần mua gấp, thuốc mua với giá trị nhỏ,… để kịp thời phục vụ người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý, bên cạnh việc quy định rõ mẫu hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Thông tư còn quy định rõ về thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Qua đó đã rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu của đơn vị.Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước. Ví dụ giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018); theo báo cáo của các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70 - 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa,… đạt tỷ lệ từ 30,43 - 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay thuốc nội địa đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được bào chế trong nước. Hiện, cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 11 nhà máy đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO. Có 652 loại thuốc đã được chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% tuyến tỉnh và 75% tuyến huyện. (991)

  1.  Giám sát tại Sở Y tế Hà Nội: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tăng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân

"Sở Y tế Hà Nội cần rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ngành y tế để có sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. Thành phố rất ưu tiên điều này, các sở nhất là Sở KH&ĐT cần giúp ngành y tế có kế hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất, cùng với sự chủ động của bản thân ngành để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân”, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Hội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh tại buổi giám sát sáng nay (20/9)

Sáng nay (20/9), đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 3/8 của HĐND TP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020 của TP.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Ngọc Chung, theo Nghị quyết HĐND TP, ngành y tế được giao các nhiệm vụ: Đến năm 2020 đạt tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân là 26,5; số bác sỹ/vạn dân là 13,5; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Với nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân năm 2018 đạt 23,3 và dự kiến đến 2020 chỉ đạt được 23,7, không đạt được mục tiêu đặt ra, bởi mặc dù có tăng 2.263 giường bệnh nhưng dân số Hà Nội tăng thêm 1 triệu người so với năm 2018. Về chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân, dự kiến năm nay đạt 13,4 và năm 2020 sẽ đạt 13,5, hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhờ các giải pháp mà ngành đang và sẽ triển khai liên quan đến tổ chức tuyển dụng viên chức, tiếp tục tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế làm cơ sở để tuyển dụng bác sĩ, có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP… Đối với tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến cuối năm 2018 có 581/584 (99,48%) xã, phường đạt tiêu chí này; hiện 3 xã thuộc huyện Mỹ Đức đã triển khai đầu tư xây dựng trạm y tế và dự kiến hết tháng 9/2019 đưa vào sử dụng (các chỉ tiêu khác của 3 xã này đều đạt). Ngay sau khi cơ sở vật chất của 3 trạm này hoàn thiện, Sở sẽ đánh giá, trình UBND TP phê duyệt. Về chỉ tiêu quản lý chất thải y tế, hiện trên địa bàn Hà Nội có 46 bệnh viện thuộc T.Ư và các bộ, ngành; hàng năm Sở đều phối hợp với các sở, ngành TP và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị này thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đúng quy định.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà khẳng định: Với sự cố gắng của toàn ngành và sự quan tâm của TP, đến nay ngành y tế Thủ đô đã đạt nhiều kết quả khả quan nhất là đã dành nguồn nhất định để đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở khám chữa bệnh, nhất là đã rà soát mọi trạm y tế xã, phường để tăng cường đầu tư, đến nay cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về chất lượng y tế toàn dân, rõ ràng thời gian qua TP không có “đầu vào” của bác sỹ nhưng “đầu ra” luôn biến động, nên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc đảm bảo tỷ lệ bác sỹ/vạn dân. Đồng thời, ngành cũng có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh.

Mặc dù vậy, đồng chí lưu ý, trước những khó khăn bất cập hiện nay trong thực hiện nhiệm vụ, để xây dựng các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ tới đảm bảo phù hợp, ngành y tế cần đánh giá làm rõ những phần việc nào ngành có thể chủ động, phần việc nào cần đề xuất với TP và Chính phủ. Trong đó, Sở cần chỉ đạo rà soát mọi bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, con số thống kê… để so sánh có sự thống nhất với các tiêu chí của T.Ư trên cùng mặt bằng, cùng tiêu chí, nhằm đề xuất giao chỉ tiêu cho chuẩn xác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời tiết phức tạp, môi trường khó khăn, cũng đòi hỏi công tác y tế xác định mục tiêu hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, tiếp đến là phát hiện dịch bệnh sớm, sau đó là công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị ngành nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật mới, tăng sức cạnh tranh, để ngày càng khẳng định vị thế của ngành y tế Thủ đô trong cả nước và khu vực; rà soát để có phương án tổng thể về xét tuyển, thi tuyển viên chức; xem xét đề xuất cơ chế để thu hút mạnh hơn các nhân tài về Hà Nội. Đặc biệt, "cần rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ngành y tế để có sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. TP rất ưu tiên điều này, các sở nhất là Sở KH&ĐT cần giúp cho ngành y tế có kế hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất, cùng với sự chủ động của bản thân ngành để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân.”, Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh. Cùng với đó, đồng chí lưu ý ngành y tế chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới số hóa các thủ tục hành chính; trong quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân cần tăng cường phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, rõ vai trò trong xử lý vi phạm, trong đó công khai những trường hợp vi phạm. (1094)

  1.  Thu hồi toàn quốc mỹ phẩm Mai Thảo Mộc Nature Cosmetic

Cục Quản lý Dược đã quyết định thu hồi toàn quốc mỹ phẩm Mai Thảo Mộc Nature Cosmetic do không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng. Ngày 20/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục vừa ban hành công văn số 16323/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc mỹ phẩm Mai Thảo Mộc Nature Cosmetic. Đây là sản phẩm do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Mai Mai Phương đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Chi nhánh 01- Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Ngô Thanh Phú sản xuất (tại địa chỉ số 01, đường 19A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, P. An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Theo Cục Quản lý Dược, lý do thu hồi là do sản phẩm mỹ phẩm sản xuất không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Mai Mai Phương phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm mỹ phẩm này. Đồng thời, gửi báo cáo thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/10/2019.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giám sát việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Mai Mai Phương theo quy định. Đồng thời, giám sát việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành. (391)

  1.  Hà Nội có thể thay đổi nghịch lý du lịch y tế Việt Nam?

Theo một ước tính của Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ USD từ bệnh nhân nước ngoài, nhưng lại “chảy máu” ngoại tệ 2 tỷ USD với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải thảo luận cùng các DN dịch vụ lữ hành sau buổi khảo sát tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn.

Tổ chức Nghiên cứu Thị trường minh bạch của Mỹ dự báo, thị trường du lịch y tế thế giới năm 2019 sẽ tăng lên 32,5 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2015. Sự tăng vọt này là do lợi ích thiết thực mà khách du lịch có thể nhận được từ du lịch y tế. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức phong cảnh và trải nghiệm bản sắc văn hóa của một vùng đất mới, họ có thể được kiểm tra sức khỏe và điều trị và nghỉ dưỡng trong thời gian thuận tiện, và với chi phí rẻ hơn nhiều so với quê nhà.

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở phương Tây, rất khó để mọi người được điều trị y tế mà không có bảo hiểm y tế vì chi phí đắt đỏ. Thêm vào đó, tại các quốc gia đích của khách du lịch chữa bệnh, thời gian cần thiết để thực hiện dịch vụ y tế theo yêu cầu thường nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu tức thời của bệnh nhân. Ví dụ, thường phải mất 1 năm hoặc hơn để phẫu thuật thay khớp háng ở Anh, trong khi đó phẫu thuật này có thể được thực hiện ngay lập tức với chi phí rẻ ở Ấn Độ, Thái Lan hay Malaysia.

 Người khám bệnh nghe tư vấn tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội.

Khoảng 8,4 triệu khách du lịch y tế đã ra nước ngoài để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan, Malaysia và Singapore, cũng như các trung tâm mới nổi như Indonesia và Việt Nam - chiếm gần 1/3 người tiêu dùng y tế toàn cầu. Thị trường du lịch y tế ngày càng được xem là một lĩnh vực quan trọng và sinh lợi đối với các quốc gia ASEAN. Trong đó, Việt Nam - với Hà Nội là thủ đô trung tâm - được đánh giá có lợi thế rất lớn nếu khai thác lĩnh vực này tại Đông Nam Á, bởi vị trí địa lý thuận tiện, tình hình chính trị ổn định. Những điều này sẽ góp phần giúp Hà Nội, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch y tế rẻ và an toàn. Sự phát triển của du lịch y tế đã mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều quốc gia sở tại. Tuy nhiên nghịch lý thay, năm 2018, Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ USD từ bệnh nhân nước ngoài, nhưng lại “chảy máu” ngoại tệ 2 tỷ USD với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Người Việt Nam có xu hướng muốn sử dụng dịch vụ y tế nước ngoài vì tự tin hơn về kỹ năng y khoa của bác sĩ ngoại quốc, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là dịch vụ hoàn hảo được cung cấp tại các quốc gia này.

Thực tế này - được Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhận định sau buổi khảo sát tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - cho thấy một sự lãng phí lớn các nguồn lực trong nước, khi hiện tại các dịch vụ y tế trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu khám và điều trị y tế của cả người dân địa phương và du khách quốc tế.

Chẳng hạn, tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn hiện đã trang bị những công nghệ khám chữa bệnh cao cấp, như thiết bị CT Scanner 384 - một trong 3 máy duy nhất hiện có tại Đông Nam Á - đi đầu trong việc phát hiện sớm bệnh lý hiện nay. Cùng với đội ngũ chuyên gia quốc tế đầu ngành, như GS. Leroy - giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tiêu hóa, và một ekip thảo soạn phác đồ điều trị chi tiết sau mổ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quỳnh Anh tự tin khẳng định thế mạnh về điều trị ung thư đại trực tràng tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, có thể đáp ứng yêu cầu của mọi bênh nhân, đặc biệt là với chất lượng dịch vụ “mang tiêu chuẩn châu Âu ngay tại Hà Nội”.

Rõ ràng, một trong những điểm yếu của du lịch y tế tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là việc hiện còn quá ít thông tin về dịch vụ du lịch kết hợp với điều trị y tế. Trước thực trạng này, Sở Du lịch Hà Nội đã lên kế hoạch, phối hợp cùng các DN dịch vụ lữ hành và cơ sở khám chữa bệnh chất lượng trên địa bàn TP, xây dựng nhiều chương trình du lịch y tế hấp dẫn để quảng bá tới du khách cả trong và ngoài nước. Điều này được kỳ vọng không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩn du lịch thủ đô, mà còn góp phần đẩy mạnh một lĩnh vực đầy tiềm năng nơi ngành "công nghiệp không khói" của quốc gia. (967)

  1.  Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) khẳng định không để quên dụng cụ y tế trong cơ thể bệnh nhân

Liên quan đến việc ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận được ý kiến phản ánh về việc “Bệnh viện Thanh Nhàn để quên dụng cụ y tế trong người bệnh nhân”, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Vũ Thành Chung ngày 20/9 khẳng định, trường hợp này không phải là việc để quên dụng cụ y tế trong người bệnh nhân mà bệnh viện thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế.

Trước đó, Bệnh viện Thanh Nhàn và một số cơ quan báo chí nhận được đơn thư phản ánh của chị Y trú ở phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là vợ của anh P.H, bệnh nhân đã được mổ sỏi thận tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo đơn thư phản ánh, kíp phẫu thuật đã để quên ống thông tiểu từ thận xuống bàng quang trong cơ thể anh H suốt hai tháng qua khiến anh H đi tiểu ra máu và thấy đau buốt.

Về việc này, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Vũ Thành Chung cho biết, ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người nhà bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành kiểm tra và xác minh toàn bộ quy trình chuyên môn. Theo đó, bệnh nhân P.H (sống tại số nhà 413  đường Vĩnh Hưng, phường Lĩnh Nam) nhập viện lần một vào ngày 12/7/2019 tại Khoa Cấp cứu ngoại; số bệnh án BA 24429, với chẩn đoán cơn đau quặn thận phải.

Qua thăm khám, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong cơ thể bệnh nhân có sỏi niệu quản phải với kích thước gần 5 mm nằm sát lỗ niệu quản phải đổ vào bàng quang. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi và đặt sonde JJ ngày 17/7/2019. Ngay sau đó bệnh nhân đã được phẫu thuật và ra viện ngày 22/7/2019. Việc kiểm tra dữ liệu trên hệ thống công nghệ thông tin cho thấy trong giấy ra viện có hẹn “Bất thường (thì) tái khám, uống thuốc theo đơn. Hẹn rút sonde JJ sau ba tuần”.

Tuy nhiên, đến ngày 3/9/2019, bệnh nhân P.H vào viện lần hai tại Khoa Cấp cứu ngoại với số bệnh án BA 30919 với chẩn đoán đái máu/còn sonde JJ, bệnh nhân đã được khám và làm các xét nghiệm; chỉ định phẫu thuật rút sonde ngày 4/9/2019. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định sức khỏe và được xuất viện vào ngày 5/9/2019.

Theo ông Vũ Thành Chung, việc kiểm tra cho thấy, việc đặt sonde JJ (vật liệu sử dụng trong phẫu thuật, không phải là dụng cụ y tế) sau mổ tán sỏi niệu quản qua nội soi là hoàn toàn đúng theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế. Khi bệnh nhân ra viện bác sỹ ghi trong giấy ra viện lời dặn dò và hẹn rút sonde JJ. Việc bệnh nhân không đến rút sonde JJ theo đúng lịch hẹn là sơ suất của bệnh nhân chứ không phải lỗi của bệnh viện.

Ông Vũ Thành Chung cũng cho biết thêm, bệnh viện đã liên hệ và mời bệnh nhân và gia đình đến để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, phía bệnh nhân và gia đình bệnh nhân xác nhận không có ý kiến phản ánh với Bệnh viện Thanh Nhàn và cũng chưa đến làm việc với bệnh viện.

Qua sự việc này, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng phổ biến tới toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện là phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện tốt việc nâng cao tinh thần, thái độ giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. (661)

  1.   Xác định nguyên nhân gần 100 trẻ ở Phú Thọ nhập viện

Liên quan đến việc gần 100 trẻ ở trường Mầm non Thụy Liễu, Cẩm Khê, Phú Thọ phải nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn, sốt xảy ra ngày 14 và 16-9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ đã công bố nguyên nhân sau khi xét nghiệm các mẫu thức ăn của nhà trường.

Theo đó, có có 5/8 mẫu thực phẩm dương tính với vi khuẩn E.coli. Vi khuẩn E.coli tên đầy đủ là Escherichia coli hay còn gọi là trực khuẩn lị, là một loài vi khuẩn phân bố rất rộng trong môi trường sống, hay có mặt ở thực phẩm, nguồn nước, thường ký sinh trong ruột già của người và hầu hết các loài thú đẳng nhiệt. Đa số các chủng E.coli là vô hại mặc dù ký sinh, chỉ một số dòng có thể gây ngộ độc thức ăn, gây bệnh đường ruột.

Theo huyện Cẩm Khê, hiện tại, đã có 55 trường hợp bệnh nhi nghi ngộ độc thức ăn tại trường Mầm non Thuỵ Liễu được xuất viện.

Trước đó, NDĐT đã thông tin, từ ngày 14 đến 16-9, đã có gần 100 trẻ của trường Mầm non Thụy Liễu nhập viện điều trị vì có những biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài… Trước sự việc nghiêm trọng trên, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo khẩn trương thực hiện cấp cứu, chăm sóc điều trị các bệnh nhi đang nằm điều trị tại trung tâm.

UBND huyện Cẩm Khê chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể trường Mầm non Thụy Liễu và đơn vị cung cấp thực phẩm bán trú cho nhà trường; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, động viên các gia đình yên tâm, phối hợp tốt với cơ sở y tế trong việc điều trị cho bệnh nhi.

Được biết, tất cả thực phẩm của trường đều được nhập trong ngày theo hợp đồng ký kết với Công ty TNHH Nông nghiệp An Tâm (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập và hai cơ sở khác). Kể từ khi xảy ra sự việc, bếp ăn bán trú của trường đã tạm dừng mọi hoạt động. * Điều tra nguyên nhân gần 100 trẻ mầm non phải nhập viện (411)

  1.  Hòa Bình: Bệnh nhân tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi

Bệnh nhân Bùi Văn Chính (SN 1964, trú tại xã Từ Sơn, huyện Kim Bôi) có dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài, ăn vào là nôn ra nên gia đình đã đưa lên Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) để điều trị, tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong tại Trung tâm.

Theo phản ánh của gia đình, vào chiều ngày 13/9, ông Bùi Văn Chính có dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài, ăn vào là nôn ra, gia đình đã cho ông Chính uống 02 viên thuốc chữa bệnh đi ngoài và đưa ông Chính tới Trạm y tế xã để theo dõi, nhưng tình hình sức khỏe của ông Chính không khá hơn.

Đến sáng ngày 14/9, gia đình đưa ông Chính lên Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi để điều trị. Tại đây, ông Chính được nằm tại khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế, được truyền dịch bù nước và uống nước điện giải, sức khỏe ông Chính cũng có dấu hiệu tiến triển tốt. Đến khoảng 11h trưa cùng ngày, ông Chính được chuyển lên khoa Nội để tiếp tục điều trị.

Ghi nhận ý kiến từ chị Bùi Thị Hồng (con gái ông Chính) cho biết: “Trong lúc chuyển lên khoa Nội, không có nhân viên y tế đi kèm. Lúc này chỉ có mẹ tôi là người trực tiếp chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, mẹ tôi đã nhiều lần đi tìm nhân viên y tế và Bác sĩ để điều trị cho bố tôi, nhưng không gọi được ai. Thậm chí khi gọi bác sĩ, mẹ tôi nhận lại được câu trả lời dửng dưng: “Ở đây không phải chỉ có người nhà chị bị bệnh…” ”.

Đến buổi chiều ngày 14/9, sức khỏe ông Chính đã có dấu hiệu suy giảm, ăn vào nôn ra và tiếp tục đi ngoài. Nhưng tinh thần ông Chính vẫn tỉnh táo, nói chuyện và tự mình đi vệ sinh được. Tuy nhiên, vào khoảng hơn 19h cùng ngày, ông Chính bỗng nhiên bị co giật, tím tái. Lúc này bác sĩ mới có mặt, thì ông Chính đã tử vong. Khoảng hơn 21h cùng ngày ông Chính được gia đình đưa về để lo hậu sự. Trước việc tử vong đột ngột và bất thường của ông Chính, gia đình bệnh nhân vô cùng bức xúc và cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tắc trách từ phía nhân viên và bác sĩ của Trung tâm. “Bố tôi không có tiền sử bị bệnh gì, chưa bao giờ phải đi viện, uống thuốc. Trước đó vẫn đi làm nương, ăn uống bình thường. Thấy mẹ tôi bảo các bác sĩ cứ dừng truyền nước là bố tôi lại bị đi ngoài, nên chúng tôi định sáng ngày hôm sau sẽ chuyển bố tôi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ai ngờ, chưa kịp thực hiện thì bố tôi đã mất”, chị Hồng cho biết.

Trước thông tin trên, chiều ngày 17/9, PV đã liên hệ với bà Quách Thị Nhân – Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để xác minh thông tin. Tuy nhiên, Sở Y tế chưa nắm bắt được thông tin về vụ việc.

Chiều ngày 18/9, PV có buổi làm việc trực tiếp với ông Bùi Văn Phương - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi. Ông Phương cho biết: "Sáng thứ 2 họp giao ban (tức là ngày 16/9, sau khi sự việc xảy ra 2 ngày) thì phía lãnh đạo Trung tâm mới biết được sự việc. Khoảng 17h ngày 17/9, phía Trung tâm mới gửi báo cáo nhanh (bản mềm), lên Sở Y tế".

Ông Phương cho biết thêm: “Sáng ngày 14/9, ông Bùi Văn Chính nhập viện sau khi tiến hành một số xét nghiệm theo quy định, ông Chính được xác định là mắc bệnh tiêu chảy và được truyền dịch, uống nước điện giải để bù mất nước. Sau khi điều trị tại khoa Cấp cứu, ông Chính được chuyển lên khoa Nội để tiếp tục nằm điều trị. Tại đây, ông Chính được các bác sĩ và nhân viên Trung tâm chăm sóc bình thường.

Trực lãnh đạo ngày hôm đó là ông Dương Hải Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi. Trực bác sĩ là ông Bùi Văn Huyên (Bác sĩ Huyên là người trực tiếp điều trị cho ông Chính – PV), trực điều dưỡng khoa Nội là bà Mai Thị Ngân và Quách Thị Dung. Hiện tại Bác sĩ Huyên và 2 Điều dưỡng đã được cho nghỉ để làm bản tường trình. Chiều ngày 19/9, sau khi nhận được bản tường trình của ca trực ngày 14/9 sẽ tiến hành họp và xác định nguyên nhân”.

Cũng theo ông Phương: "Sau khi khai thác tiền sử bệnh nhân từ phía người nhà, được biết ông Chính thường xuyên uống rượu, bị loạn thần, xơ gan, thận có vấn đề…". Tuy nhiên, khi PV trao đổi lại với phía người nhà, thì chị Bùi Thị Hồng cho biết: "Tôi là người trực tiếp cùng với bác sĩ làm bệnh án, tuy nhiên bác sĩ đã không nói bố mình bị như vậy, và thực tế ông Chính cũng không bị các bệnh nêu trên. Không rõ thông tin bố tôi uống rượu, loạn thần, xơ gan tại sao lại được ghi vào trong bệnh án?" (938)

  1.  Khuyến khích CNVC-LĐ ngành y rửa tay bằng xà phòng

Tại TP Cần Thơ ngày 19-9, Công đoàn (CĐ) Y tế Việt Nam đã tổ chức lễ phát động "Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao".

Tại lễ phát động, CĐ Y tế Việt Nam kêu gọi tất cả các ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, cán bộ, đoàn viên ngành y tế cùng phối hợp đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch, bệnh. Mục đích chương trình nhằm đưa hành vi rửa tay với xà phòng trở thành việc thường xuyên, thành một việc làm không thể thiếu trước và sau khi thăm khám cho bệnh nhân và cũng thành thói quen hằng ngày của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỉ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu. Việc rửa tay với xà phòng làm giảm tới gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi. (226)

  1.  ‘Bảo vệ blouse trắng’ - bảo vệ cho thầy thuốc và người bệnh

 “Blouse trắng” ở đây chính là hơn 500.000 nhân viên trong ngành y tế, chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe của trên 95 triệu dân. Chương trình “Bảo vệ blouse trắng” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ tháng 5 vừa qua. Trong hai ngày 19 và 20/9, tại Cần Thơ, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) tổ chức khai mạc khóa tập huấn với chủ đề “Bảo vệ blouse trắng”.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh: “Blouse trắng” ở đây chính là hơn 500.000 nhân viên trong ngành y tế, chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe của trên 95 triệu dân. Cán bộ ngành y tế khỏe thì người dân mới khỏe.

Hiện nay, cán bộ y tế đang đối mặt với nhiều thách thức, áp lực. Đó là quá tải, tự chủ và những áp lực từ bên ngoài như nạn bạo hành cán bộ y tế, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế… Do đó, bên cạnh việc truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vất vả mang tính đặc thù của nhân viên ngành y, thì những cán bộ đang công tác trong ngành cũng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân.

Chương trình “Bảo vệ blouse trắng” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ tháng 5/2019. Công đoàn ngành y tế tổ chức tập huấn cho công đoàn cơ sở trên cả nước nắm được nội dung chính: Bảo vệ “blouse trắng” phải bằng pháp luật.

Công đoàn phải tham mưu cho lãnh đạo đề ra những quy trình, quy định nội bộ trong cơ quan để lãnh đạo cơ quan làm đúng chức trách; tuyên truyền cho đoàn viên làm đúng quy trình, quy định chính là bảo vệ đoàn viên trước pháp luật. Công đoàn ngành y tập huấn cho đoàn viên biết cách phòng và xử lý khi có bạo hành tại cơ sở; tập huấn để đảm bảo môi trường an toàn, tránh sai sót cho cán bộ y tế thông qua thực hiện quy trình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng).

Về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, có 12 điểm mà lãnh đạo đơn vị phải thực hiện để đảm bảo an toàn vệ sinh cho cán bộ y tế. Về phía cán bộ y tế, phải thực hiện 3 điểm để bảo hộ bản thân, phòng các bệnh lây nhiễm nghề nghiệp, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV... (457)

  1.  Công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm tương đối đồng bộ và hiệu quả

Vừa qua, tại Đà Nẵng, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP đánh giá vai trò quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong quản lý ATTP, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ông Phong cũng đánh giá, sau 1 năm Chính phủ ban hành Nghị định 115, tại các địa phương, thanh tra các Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thực hiện công tác hậu kiểm về ATTP tương đối đồng bộ và hiệu quả, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về ATTP.

Trong 9 tháng năm 2019 đã thanh tra, kiểm tra gần 428.000 cơ sở, phát hiện hơn 65.000 cơ sở vi phạm, đã xử lý hơn 13.000 cơ sở, phạt tiền hơn 12.000 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 46 tỷ đồng.

Ngoài các hình thức phạt tiền còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ lưu hành, tiêu hủy 1.706 loại sản phẩm, chuyển cơ quan điều tra và cơ quan chức năng khác xử lý gần 180 trường hợp.

Các địa phương mức xử phạt nhiều là Hà Nội (trên 13,7 tỷ đồng); TP Hồ Chí Minh (trên 8 tỷ đồng); Quảng Ninh (gần 3 tỷ đồng); Đồng Nai (hơn 2,3 tỷ đồng); Nghệ An (hơn 1,6 tỷ đồng) và Thanh Hóa (gần 1,2 tỷ đồng).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hậu kiểm vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý ATTP trong tình hình hiện nay, nên việc tập huấn cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác thanh tra ATTP.Tại Hội nghị, đại diện Cục ATTP, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai Thông tư 18/2019/TT-BYT hướng dẫn về GMP, Thông tư 25/2019/TT-BYT hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Thông tư 23/2018/TT-BYT thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, thí điểm thanh tra ATTP cấp huyện và xã của 9 tỉnh, thành phố theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg.

Đặc biệt, ThS. Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã trao đổi, hướng dẫn một số nội dung và tình huống trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm nghiệm thực phẩm và các nội dung cơ bản trong thực hiện Nghị định 115.

Hội nghị cũng đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, thảo luận và giải đáp những vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm nghiệm thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm.

Kết luận Hội nghị, lãnh đạo Cục ATTP đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, các đồng chí báo cáo viên đã giải đáp cơ bản các vướng mắc của các địa phương. Trên cơ sở đó, toàn hệ thống ngành Y tế thống nhất thực hiện trong thực tiễn công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP.  Các ý kiến vượt quá thẩm quyền, Cục ATTP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết và trả lời bằng văn bản. (675)

  1.  Tăng cường năng lực triển khai PPP lĩnh vực y tế

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua khu vực tư nhân đã tham gia vào cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh… trong lĩnh vực y tế khá tốt, góp phần giảm áp lực cho khu vực công lập. Do đó, cần tăng cường năng lực huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia cung ứng các dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP).   

Số liệu khảo sát, điều tra của các chuyên gia y tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tại Việt Nam hiện có 12 chuỗi bệnh viện y tế tư nhân với 240 bệnh viện, phân bổ trên địa bàn 50 tỉnh/thành trên cả nước và hơn 35.000 phòng khám tư, cung cấp khoảng 31,2% dịch vụ khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú. Trong đó, chuỗi bệnh viện tư Hoàn Mỹ là lớn nhất có 13 bệnh viện, 6 phòng khám; tiếp đến chuỗi Saigon Eye với 9 bệnh viện mắt; chuỗi Vinmec 7 bệnh viện và 4 phòng khám; chuỗi Medic có 4 bệnh viện và 2 phòng khám…

Hệ thống bệnh viên tư nhân tại Việt Nam hiện đang thu hút khoảng 30% nhu cầu khám, chữa bệnh, trong đó khoảng 80% người sử dụng dịch vụ phản hồi hài lòng về chất lượng, phong cách, thái độ phục vụ...

Hình thức hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế tư nhân hiện nay được lựa chọn nhiều đó là liên doanh, liên kết giữa tư nhân với cơ sở y tế công lập tự chủ (dạng đối tác công - tư PPP). Trong đó, khối tư nhân huy động vốn, xây dựng, trang thiết bị, vận hành và quản lý, còn khối công lập chia sẻ địa điểm, thương hiệu và cán bộ chuyên môn có trình độ, chính quyền địa phương phê duyệt đề án, cấp giấy phép và các hỗ trợ khác. Mô hình này được cho là phù hợp với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiện nay, trong đó có việc huy động vốn tư nhân theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, PPP trong lĩnh vực y tế đến nay được cho là vẫn rất sơ khai và ít, trong khi nhu cầu phát triển thì khá cao. Thống kê của chuyên gia thuộc Ngân hàng thế giới cho thấy, trong tổng số 63 dự án đã được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, đến nay mới chỉ có khoảng 18 dự án có báo cáo tiền khả thi, 10 báo cáo khả thi, 8 dự án được đấu thầu, 3 dự án ký hợp đồng, 2 dự án cung ứng tài sản, dịch vụ.

Danh sách dự án đầu tư PPP đề xuất thì dài, nhưng thực hiện thì còn rất ít. Tại phiên thảo luận chuyên đề về PPP trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc Phát triển bền vững năm 2019, do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức mới đây, Bác sỹ Lê Minh Sang, chuyên gia y tế của WB cho rằng: Nguyên nhân là do thiếu tiêu chí sàng lọc dự án PPP y tế. Hầu hết các dự án PPP y tế là do UBND các tỉnh/thành đưa ra dựa trên cơ sở đề xuất từ phía các nhà đầu tư, tập trung vào phát triển bệnh viện hơn là đầu tư vào khâu y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nặng về hạ tầng, nhẹ về dịch vụ, chủ yếu tập trung ở thành thị, hướng đến nhóm người có thu nhập cao.

Đặc biệt, theo Bác sỹ Lê Minh Sang, khối công lập không có đủ nguồn lực để chuẩn bị báo cáo tiền khả thi và khả thi, thiếu năng lực quản lý dự án PPP. Hoạt động đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án PPP lại không nhiều, các hợp đồng PPP thực hiện đầu tư hiện nay chủ yếu theo hình thức BT và BOT là phổ biến.

Để huy động hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vu y tế theo hình thức đầu tư PPP, theo Bác sỹ Lê Minh Sang, cần tăng cường năng lực về thể chế, tăng cường nguồn lực cũng như trình độ, kiến thức cho cán bộ y tế liên quan đến quản lý dự án PPP, có hướng dẫn đầy đủ thực hiện các dự án PPP về y tế. Đồng thời, bố trí đủ nguồn vốn phát triển các dự án PPP y tế, cung cấp đầy đủ thông tin về đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế như khung pháp lý, kinh nghiệm thực hành tốt, bài học thành công/thất bại, nhà đầu tư tiềm năng, tư vấn về đầu tư PPP... (858)

  1.  Sở Y tế Hải Phòng thông tin chính thức vụ 4 học sinh nghi ngộ độc sữa

Tối 18/9, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng đã ký báo cáo hỏa tốc số 359/BC-SYT tới Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan về việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 4 trường hợp học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở Y tế.

4 cháu học sinh bị ngộ độc sữa gồm: Đặng Thái Tuấn (11 tuổi), Lê Hoàng Anh (13 tuổi), Nguyễn Trung Tân (13 tuổi) đều trú tại ngõ 70 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng và Phạm Việt Hưng (16 tuổi), trú tại ngõ 193 Văn Cao, Ngô Quyền, Hải Phòng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, vào lúc 14h50’ ngày 15/9,  Trung tâm Y tế quận Lê Chân tiếp nhận bệnh nhân Đặng Thái Tuấn trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, môi nhợt và nôn. Sau đó ít phút, Trung tâm Y tế quận Lê Chân lại tiếp nhận thêm ba cháu trong độ tuổi từ 13-16 cũng có các triệu chứng như trên. Sau khi xử trí ban đầu, Trung tâm Y tế quận Lê Chân đã chuyển các bệnh nhân: Đặng Thái Tuấn, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Trung Tân đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng; bệnh nhân Phạm Việt Hưng (16 tuổi) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Một trong 4 cháu học sinh phải nhập viện sau khi uống chung chai sữa có chứa chất lạ gây ngộ độc. Hiện các cháu đã ra viện và đi học bình thường. Ảnh: CTV

Một trong 4 cháu học sinh phải nhập viện sau khi uống chung chai sữa có chứa chất lạ gây ngộ độc. Hiện các cháu đã ra viện và đi học bình thường. Ảnh: CTV

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị đã khám và điều trị cho các bệnh nhân tập trung cao, báo cáo nhanh về Sở Y tế kết quả thực hiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan gồm Công an, các đơn vị y tế dự phòng để xác định nguyên nhân. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm giám sát, điều tra ngộ độc thực phẩm và báo cáo kết quả về Sở Y tế.

Qua khai thác bệnh sử cả 3 trường hợp tại Bệnh viện Trẻ em thì được biết, khoảng 2 tiếng trước khi vào bệnh viện cấp cứu, các cháu đã uống sữa Nutri Boost có pha tinh dầu CBD oil, sau đó xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt dữ dội rồi nôn mửa, lơ mơ. Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, bệnh nhân được khám tại Khoa Nội 1 với biểu hiện tỉnh, không nôn, không sốt, không liệt. Các kết quả xét nghiệm công thức máu, đường máu, chức năng thận, enzym gan, điện giải đồ trong giới hạn bình thường. Chiều 16/9, mẹ bệnh nhân này xin cho bệnh nhân ra viện.

Sở Y tế Hải Phòng cũng đã họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an quận Ngô Quyền, Công an phường Lạch Tray, Trung tâm Y tế quận Lê Chân để làm rõ nội dung báo chí phản ánh vụ việc “4 cháu nhỏ Hải Phòng nghi bị sốc ma túy do uống chung chai sữa”. Bà Xanh khẳng định, nội dung phản ánh các cháu “bị ngộ độc, sốc chất ma túy” là không có căn cứ. Hiện tại, sức khỏe của các cháu cơ bản ổn định.

Hiện, cơ quan Công an đang lưu giữ và niêm phong chai sữa Nutriboost. Việc nghi vấn có chất gây nghiện bên trong chai sữa Nutri Boost gây ngộ độc như thông tin một số báo đã đưa tin, Sở Y tế đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo cơ quan công an tiến hành xác minh và trả lời chính thức. Sở Y tế cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, cung cấp thông tin chính thức đối với các cơ quan báo chí về vụ việc này, tránh gây hoang mang, lo lắng cho các học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. (732)

  1.  Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mở khu tiêm chủng riêng

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã chính thức thành lập Khu tiêm chủng tại khu C trong khuôn viên bệnh viện. Khu tiêm chủng sẽ thực hiện tiêm các vaccine dịch vụ như: ung thư cổ tử cung, ngừa cúm, viêm gan… và vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bệnh viện đã có đầy đủ các loại vaccine dịch vụ và chương trình tiêm chủng quốc gia. Hiện tại, bệnh viện có 1 phòng tư vấn, 2 phòng tiêm và 2 phòng theo dõi sau tiêm. (103)       

  1.  Đà Nẵng chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới- Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận điều trị từ 70 đến 80 ca bệnh tay chân miệng.

Hiện nay dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp. Ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh này bùng phát.  Mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới- Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận điều trị từ 70 đến 80 ca bệnh tay chân miệng.

Chị Nguyễn Thị Thu Mơ, ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có con mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện này cho biết: "Con em nhập viện hôm thứ 6 đến nay, sốt và nổi hột cho ở nhà điều trị 2 ngày không đỡ phải nhập viện. Bây giờ thì nốt ban đỡ rồi mà sốt chưa hẳn."

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tăng cường các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thì đối với những trẻ mắc bệnh này thường thấy sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da… Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu này phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

"Mỗi năm ở Đà Nẵng có 2 đỉnh điểm bệnh tay chân miệng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10, số lượng bệnh tăng cao hơn bình thường. Công tác thu dung và điều trị thì có xu hướng vẫn tăng. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào nặng biến chứng tử vong. Hiện tại, số giường bệnh trong khoa vẫn đảm bảo mỗi cháu 1 giường", bác sĩ Thịnh nói.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 200 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế đã thành lập các đội cấp cứu, chống dịch lưu động để kịp thời ứng phó tình huống dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: "Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thành lập các đội phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt hóa chất để xử lý môi trường. Cấp chủ động cho các đơn vị và các bệnh viện có thu dung điều trị bệnh này để tiến hành xử lý sát khuẩn môi trường. Hiện nay, Trung tâm cũng đã có văn bản gửi cho các trung tâm các quận, huyện phối hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo, các bậc phụ huynh, các hộ gia đình, các trường lưu ý vấn đề ăn uống đảm bảo vệ sinh"./.

VOV.VN - Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, tính đến thời điểm này tại tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện gần 2.590 ca mắc, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. (577)

  1.  Cứu sống bệnh nhân 38 tuổi nhờ đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp cùng cùng các y bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân bị suy nút xoang tim, 38 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là kỹ thuật được triển khai thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân N.T.T với triệu chứng mệt, kém ăn, khó thở, nhịp tim chậm 44 lần/phút, cơn hồi hộp, đánh trống ngực, kèm theo những đợt xây xẩm mặt mày. Ngoài ra bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp. Kết quả kiểm tra thăm khám cho thấy bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang (nhịp nhanh, nhịp chậm), có nhịp dưới 40 lần/phút lúc thức. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nếu không thực hiện cấy máy kịp thời, sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị suy tim nặng nề, gây có rối loạn nhịp tim, đe dọa đến tính mạng như ngưng tim.

Kíp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân đã tiến hành tạo đường vào tĩnh mạch, luồn và cố định điện cực vào thành cơ tim, sau đó nối vào máy tạo nhịp được cấy dưới da.

Do điều kiện về trang thiết bị của bệnh viện chưa có máy DSA nên ekip thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viên đã khắc phục bằng máy C-ARM. Ngay sau đặt máy các thông số kỹ thuật của máy ổn định, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số đều ở mức bình thường ghi nhận nhịp máy tạo nhịp là trên 60 lần/phút. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Hữu Nghị, Phụ trách Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: “Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một trong những thủ thuật phức tạp và rất khó trong việc điều trị các bệnh lý về tim mạch, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Vị trí đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được đặt ở khu vực ngực trái gần vai bệnh nhân, có ống dẫn vào buồng tim để hỗ trợ nhịp đập cho tim”.

Được biết, máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường.

Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị cho biết thêm, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai từ tháng 6/2019 do các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao. Các bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm, có hội chứng suy nút xoang, bệnh nhân có nhịp xoang dưới 40 lần/phút hoặc có những cơn ngưng xoang kéo dài. Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình của rối loạn nhịp chậm như chóng mặt, xây xẩm, ngất thường xuyên hoặc nặng hơn là bệnh nhân có thể ngưng tim, nhồi máu não, bắt buộc phải đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân có cơn nhịp chậm dễ gây xoắn đỉnh, khởi phát các cơn tim nhanh gây đột tử. Tuy nhiên, một số trường hợp lại không có dấu hiệu bệnh, chỉ tình cờ được phát hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Nhờ hỗ trợ của máy tạo nhịp, đảm bảo tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 lần/phút, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, giảm các nguy cơ tim mạch như ngưng tim hay nhồi máu não. Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị cũng khuyến cáo, trong xu hướng các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng, nên chú trọng các giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong đó, lưu ý đến 3 yếu tố về lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc. Đồng thời, thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, giảm cân nặng.

Rối loạn nhịp thường gặp ở người trên 60 tuổi, nữ nhiều hơn nam, ở độ tuổi tương đối cao. Bệnh xảy ra theo cơ chế tim có nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền suy giảm chức năng, thoái hóa theo thời gian, cùng các bệnh lý mãn tính kèm theo như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp và nhiều rối loạn khác.

Trước đây, khi Bệnh viện chưa triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhập viện, được đặt máy tạo nhịp tạm thời rồi chuyển lên tuyến trên. Từ khi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có kỹ thuật đặt máy tạo nhịp do Bệnh viện tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật đã giúp ích rất nhiều cho người bệnh trên địa bàn.


Thăm dò ý kiến