Đưa cái “có” đến nơi “cần”
15/04/2009 | 05:00 AM
Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”,
Kinh nghiệm một bệnh viện đầu ngành thực hiện đề án 1816:
Đưa cái “có” đến nơi “cần”
Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, và căn cứ vào nhu cầu của tuyến dưới, tính đến ngày 31/3/2009, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 58 cán bộ luân phiên của 31 chuyên ngành về hỗ trợ y tế cho các bệnh viện tuyến dưới.
Gần 3.500 lượt cán bộ tuyến dưới được đào tạo
Trong 3 tháng cuối năm 2008 đã có 35 cán bộ luân phiên của 17 chuyên ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, tập huấn - chuyển giao và hoàn thiện 62 kỹ thuật chuyên môn cho gần 2.500 lượt cán bộ của 6 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, Bệnh viện Tâm thần Yên Bái, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - Yên Bái, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và Bệnh viện đa khoa khu vực Phố Nối - Hưng Yên. Cùng với công tác đào tạo, tập huấn cho các cán bộ của các bệnh viện tuyến dưới, các cán bộ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai cũng tham gia khám và điều trị trực tiếp cho 2.000 lượt bệnh nhân, xử trí rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng lẽ ra phải chuyển tuyến.
Chuyển giao, hướng dẫn cán bộ cơ sở thực hiện kỹ thuật khó. |
Kinh nghiệm từ khảo sát thực tế
Trên nguyên tắc khảo sát nhu cầu chuyên môn kỹ thuật “cần” của y tế cơ sở và thực tế “có” của Bệnh viện Bạch Mai, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của đề án, Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Bạch Mai đã xác định những lĩnh vực kỹ thuật mà bệnh viện cần chuyển giao để cử cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng chuyển giao kỹ thuật và điều trị, giải quyết chuyên môn độc lập.
Đối với các cán bộ luân phiên, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đặt ra yêu cầu: bên cạnh việc hỗ trợ tuyến dưới trong công tác khám chữa bệnh, một nhiệm vụ quan trọng của các cán bộ là phải xây dựng nội dung, chương trình, tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề nâng cao kiến thức và các quy trình kỹ thuật chuyên môn, tư vấn cho bệnh viện tuyến dưới có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên khoa. Trên cơ sở đó, từng bước tiến hành đào tạo các cán bộ có nghiệp vụ chuyên khoa sâu thuộc các lĩnh vực (Hô hấp, Tim mạch, Thận tiết niệu, Dị ứng MDLS, Thần kinh, Nội tiết, Tiêu hoá, Y học hạt nhân, Chẩn đoán hình ảnh...) theo hình thức đào tạo “máy cái”, “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật y học tiên tiến, làm nền móng cho việc thành lập các đơn vị chuyên khoa sâu trong mô hình Khoa Nội tổng hợp của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở việc cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên trợ giúp tuyến dưới trong lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai còn mở rộng mô hình luân phiên bằng hình thức cử các cán bộ tăng cường trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị y tế, quản lý bệnh viện. Nhờ đó mà ở một số bệnh viện, có những trang thiết bị tưởng chừng như đã bị “bỏ xó” nhiều năm, chuẩn bị mang đi thanh lý, nay cán bộ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai về, chúng đã được “hồi sinh”, được trở lại với sứ mệnh của nó, tham gia vào các hoạt động chuyên môn, phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Bệnh viện cũng đảm bảo đầy đủ các chế độ lương thưởng cho các cán bộ luân phiên; trong quá trình công tác tại cơ sở, bệnh viện cũng đã vận dụng tối đa quy chế khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn đối với những cán bộ có thành tích xuất sắc, được các bệnh viện tuyến dưới biểu dương.
Để phát huy tối đa các uy thế của cán bộ đi tăng cường, thời gian cố định là 3 tháng nhưng trong một số lĩnh vực nên mềm dẻo cử 2 cán bộ luân phiên tiếp sức như vậy sẽ tạo cho họ phát huy tốt nhất sở trường của mình, tại các tuyến Trung ương các bác sĩ tăng cường có thể tiếp tục học tập nâng cao về chuyên môn cũng như các hoạt động khác tại bệnh viện Trung ương và thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu. Các lĩnh vực hỗ trợ chuyên môn của từng bệnh viện có thể phát huy tối đa cho một tỉnh nhưng tránh chồng chéo, chuyển giao tăng cường đến đâu phát huy hiệu quả tối đa đến đó và sau khi chuyển giao kỹ thuật thì cơ sở tuyến dưới có thể tự thực hiện được để đảm bảo tính bền vững của dự án.
9 đơn vị triển khai Đề án 1816 được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng thưởng Tại cuộc họp giao ban thường kỳ về Đề án 1816 diễn ra vào ngày 10/4. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ khẩn trương chấn chỉnh và thành lập phòng chỉ đạo tuyến và đào tạo nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác luân chuyển cán bộ hỗ trợ y tế cơ sở. Hiện đã có 21 bệnh viện báo cáo kế hoạch triển khai đưa cán bộ y tế về cơ sở với số lượng tăng hơn quý 1. Bộ Y tế cũng đã ký quyết định cho 79 cán bộ của 6 bệnh viện đi luân phiên quý 2... Tại cuộc họp, TS. Trần Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tại hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2008 và sơ kết Đề án 1816 diễn ra ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tặng thưởng cho 9 đơn vị có thành tích trong công tác triển khai thực hiện Đề án 1816 thời gian qua. TB |
TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh
Related news
- Tăng trách nhiệm và lòng tin
- Đề án 1816 trong chương trình khám, phòng chống bệnh da liễu
- Đề án 1816 là một chủ trương lớn, phải thực hiện lâu dài
- Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá
- Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế: Tiếp sức cùng tuyến dưới
- Bệnh viện tỉnh hỗ trợ tuyến dưới: Tạo bước chuyển rõ nét