Thanh Hóa: Thực hiện đồng bộ các hoạt động nâng cao chất lượng dân số

27/05/2019 | 18:28 PM

 | 

 

Xác định nâng cao chất lượng dân số (DS) là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đông Sơn đã quan tâm triển khai nhiều mô hình hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGD) trên địa bàn huyện.

 

Truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ tại huyện Đông Sơn.

Truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ tại huyện Đông Sơn.

Công tác DS - KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ đã được đưa vào các mục tiêu chủ yếu của đại hội đảng bộ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm từ huyện xuống cơ sở.

Các thôn, khu phố đã gắn những quy định về việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ khi xây dựng hương ước, quy ước và đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã ban hành các kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng DS. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng truyền thông trực tiếp, truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng.

Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, các gia đình và toàn xã hội đối với công tác DS - KHHGĐ. Hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận quy mô gia đình 2 con để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, còn triển khai thực hiện một số mô hình, đề án, như: Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; dự án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”. Các mô hình, đề án được tập trung triển khai trên toàn huyện và thu được những kết quả nhất định.

Tiêu biểu như việc triển khai dự án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong nhiều năm đã giúp người dân nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Với phương châm “vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi” để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương đất nước, huyện đã tập trung vào các hoạt động chính đó là, siêu âm sàng lọc trước sinh; lấy máu gót chân trẻ mới sinh làm sàng lọc sơ sinh; các hoạt động can thiệp sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua tuyên truyền, tư vấn và vận động tại cơ sở. Nhờ đó, có hàng trăm bé được lấy mẫu máu gót chân mỗi năm, góp phần phát hiện và điều trị bệnh sớm cho trẻ.

Bên cạnh đó, hàng năm, huyện còn tổ chức tốt các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ trên toàn huyện; đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS, chú trọng nâng cao trình độ cán bộ cung cấp dịch vụ, tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn, gắn liền với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ thích hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, tập trung vào những địa bàn khó khăn, những nhóm đối tượng trẻ.

Các đối tượng được cán bộ y tế, DS trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình; nâng cao nhận thức của chị em trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện tốt KHHGĐ. Đồng thời kiểm tra, rà soát, vận động số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con nhưng chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại hưởng ứng, thực hiện; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đồng thuận theo hướng không phân biệt giới tính, không coi trọng con trai hơn con gái... Nhờ đó, đến nay tỷ lệ giới tính khi sinh toàn huyện là 118 nam/100 nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 13,6%; tỷ suất tăng DS tự nhiên là 5,65%.

Được biết, trong kế hoạch nâng cao chất lượng DS, huyện đặt mục tiêu đến năm 2019 có trên 60% trẻ vị thành niên, thanh niên trong cộng đồng hiểu cơ bản về một số vấn đề DS – KHHGĐ, được tư vấn và trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS; trên 50% cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức về chăm sóc SKSS; trên 80% thanh niên chuẩn bị kết hôn được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; trên 95% bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh để đến năm 2019 đạt 117 bé trai/100 bé gái...

Để đạt được những chỉ tiêu trên, thời gian tới huyện Đông Sơn tiếp tục xác định nâng cao chất lượng DS là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; đưa tiêu chí về công tác DS - KHHGĐ vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ về công tác DS.

Theo Báo Thanh Hóa


Thăm dò ý kiến