Quán triệt, xử lý nghiêm các cơ sở y tế trên địa bàn thủ đô vi phạm việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19

14/04/2020 | 10:30 AM

 | 

Sáng ngày 14/4, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc thực hiện phân luồng, giãn cách phòng chống Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền tham dự và chủ trì hội nghị cùng các phó giám đốc Sở, lãnh đạo các phòng ban Sở và lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tại các điểm cầu ở 30 quận/huyện/thị xã.

Sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06 của Bộ Y tế, Chỉ thị 05 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra Quyết định số 424/QĐ-SYT ngày 8/4 về việc thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện trong và ngoài công lập. Tổng số bệnh viện đã được kiểm tra là bệnh viện công lập 32/41 bệnh viện, bệnh viện tư nhân 21/39 bệnh viện.

Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao các đơn vị đã rất cố gắng và quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, ở một số bệnh viện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong việc bố trí các khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, đa số các đơn vị đã tổ chức khu vực sàng lọc, phân luồng bệnh nhân, tổ chức kiểm tra thân nhiệt đối với người ra vào viện. Một số bệnh viện chưa thành lập chốt kiểm tra, giám sát các đối tượng vào viện có Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bố trí các khu vực chưa hợp lí có Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, Bệnh viện đa khoa Tràng An, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City. Nhân viện sàng lọc, đo thân nhiệt không mặc đồ bảo hộ có Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức,  Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Một số đơn vị cần bổ sung hệ thống biển, bảng chỉ dẫn bao gồm: Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai, Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hy vọng mới, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City, Bệnh viện Tràng An, Bệnh viện đa khoa quốc tế Bắc Hà. Các đơn vị cần bổ sung phòng khám sàng lọc gồm Bệnh viện Hy vọng mới, Bệnh viện đa khoa quốc tế Bắc Hà.

Trong việc bố trí, tổ chức khu vực điều trị cách ly, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần có dải phân cách phân rõ các khu vực điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân dương tính, bệnh nhân phục hồi, sắp xếp lối đi một chiều. Một số đơn vị có khu điều trị cách ly không đảm bảo yêu cầu là Bệnh viện đa khoa Tràng An, Bệnh viện Hy vọng mới, Bệnh viện nam học và hiếm muộn Việt Bỉ.

Bên cạnh đó, các đơn vị đều có đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên tuy nhiên một số đơn vị có số lượng không đáp ứng được trong vòng 3 tháng nếu không được bổ sung trong thời gian tới. Các đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị, mặc cởi trang phục, rửa tay thường quy cho nhân viên y tế.

Về kiểm soát nhiễm khuẩn, các đơn vị đa số đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải y tế theo quy định, nhưng một số đơn vị cần bổ sung nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Không chỉ vậy, một số đơn vị chưa thực hiện đảm bảo khoảng cách trên 2 mét tại khu vực khoa khám bệnh, giường bệnh nhân điều trị nội trú như: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa huyện Phú Xuyên, Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện đa khoa Đông Anh, Bệnh viện đa khoa Thanh Oai, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Thăng Long, Bệnh viện đa khoa Tràng An, Bệnh viện đa khoa tư nhân 16A Hà Đông, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thiên Đức, Bệnh viện Hồng Hà, Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn Hà Nội…

Một số đơn vị chưa thực hiện tờ khai y tế cho 100% đối tượng vào viện như: Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện 09, Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện phụ sản Thiên An, Bệnh viện Medlatec… Ngoài ra, 43/53 bệnh viện đã có thông báo, quy định hạn chế người ra vào viện. Các đơn vị đã triển khai cấp thuốc 2 tháng và đặt lịch hẹn qua điện thoại, tin nhắn.

Sau khi nghe kết quả kiểm tra thực tế của Phòng Nghiệp vụ Y, lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng báo cáo về những việc đơn vị đã triển khai thực hiện và những khó khăn cần khắc phục tại đơn vị.

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết cấp độ dịch bệnh đang ở mức 3. Dù ngành y tế đã có những thắng lợi nhất định trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên hiện nay dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng buộc chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt hơn, không được chủ quan lơ là, chỉ một chút nới lỏng sẽ khiến bao công sức chống dịch đổ bể hết. Giặc Covid lại khó xác định nên càng phải có quyết tâm cao hướng đến mục tiêu khoanh vùng cách ly người bệnh, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong vì bệnh dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu 30 quận/huyện/thị xã tập trung vào việc phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly những người nghi nhiễm bệnh, hạn chế số bệnh nhân vào viện. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Đào tạo đội ngũ cán bộ (đặc biệt là cán bộ dịch tễ) xác định ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Chú ý các trường hợp có biểu hiện như ho, sốt, khó thở… đều phải cách ly lấy mẫu. Đào tạo, tập huấn công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Đối với các bệnh viện, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06 của Bộ Y tế, Chỉ thị 05 của UBND Thành phố. Thành lập các chốt kiểm soát y tế ngay ở cổng bệnh viện, không cho người nhà bệnh nhân ra vào tự do, quán triệt tinh thần mỗi người bệnh chỉ được một người nhà vào chăm sóc, kiểm soát lượng người ra vào bệnh viện hàng ngày. Phân luồng, giãn cách bệnh nhân (chú ý các khu chờ khám bệnh, khu vực thu tiền viện phí…), tổ chức các khu vực khám bệnh để tránh lây nhiễm. Các bệnh viện chuyên khoa có thể khám tại nhà hoặc chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới và cử bác sĩ về hỗ trợ. Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 đều phải lấy mẫu xét nghiệm. Khuyến khích các bệnh viện thực hiện tự xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Kiểm tra trang thiết bị y tế mua phục vụ công tác phòng chống dịch, sau đó niêm phong và chỉ được sử dụng khi có chỉ đạo của Sở Y tế, linh hoạt hỗ trợ các đơn vị khác khi có yêu cầu. Các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch sẽ đình chỉ hoạt động…

Chặng đường chống dịch phía trước còn dài, còn nhiều thử thách, do vậy muốn chiến thắng giặc Covid, ngành y tế thủ đô phải đồng lòng, chung sức cùng nhau dập dịch đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tuyến đầu.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội


Thăm dò ý kiến