Cứu sống bệnh nhân toan chuyển hóa nặng suy đa cơ quan do ngộ độc Metformin

08/09/2020 | 14:28 PM

 | 

Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.T.N (57 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, phù nhiều toàn thân, không tiểu tiện được, khó thở nhiều, tím tái, trụy mạch.

 

Theo người nhà bệnh nhân kể, 4 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân kêu mệt, tiểu ít, ăn kém, phù nhiều nên tự mua thuốc tiêm truyền tại nhà nhưng không đỡ. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị suy thận, Gout, tăng huyết áp, viêm đa khớp mạn tính và đái tháo đường tuýp II ( bệnh nhân tự mua thuốc Metformin liều lượng 850mg/ngày về sử dụng), đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng toan chuyển hoá nặng nặng gây suy đa cơ quan, do không dùng đúng chỉ định thuốc và liều lượng, cũng như không thăm khám tại cơ sở y tế.

Tại khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhân nhanh chóng được thăm khám và làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân toan chuyển hóa rất nặng, suy đa cơ quan, vô niệu hoàn toàn, kali máu tăng 6,7mmol/l đe dọa tính mạng nguyên nhân do ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường Metformin.

Ngay sau đó bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, bù dịch Natribicarbonat và dùng thuốc vận mạch, tuy nhiên tình trạng huyết áp của bệnh nhân không được cải thiện (60/40mmHg) do toan chuyển hóa quá nặng. Ngay lập tức các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã hội chẩn và quyết định tiến hành lọc máu liên tục, Mode CVVHDF (lọc máu liên tục có thẩm tách) cho bệnh nhân N.

Sau lọc máu liên tục 12 giờ, huyết áp bệnh nhân dần được cải thiện (130/80mmHg), bắt đầu có nước tiểu, sau 48 giờ hồi sức tích cực và lọc máu liên tục bệnh nhân đã cắt được hoàn toàn thuốc vận mạch.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở khí phòng, ăn uống sinh hoạt bình thường, các xét nghiệm dần về chỉ số ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Nam thăm khám lại cho bệnh nhân N.

Bác sĩ CKI.Nguyễn Sơn Nam, khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Đây là trường hợp case bệnh rất nặng vì biến chứng toan chuyển hóa dẫn đến suy đa cơ quan trên nhiều bệnh nền phức tạp. Trước  đây với những bệnh nhân nặng như thế này, tiên lượng rất xấu và sẽ phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã ứng dụng các trang thiết bị, các phương pháp điều trị kỹ thuật cao đến với bệnh nhân, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương”.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Nam khuyến cáo, đối với bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị theo đơn tại nhà cần đi khám định kỳ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe và đánh giá hiệu quả điều trị để có phác đồ điều trị phù hợp, phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội


Thăm dò ý kiến