Cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đồng bào Phật giáo tại Cà Mau

28/11/2020 | 09:54 AM

 | 

Ngày 10/11, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đồng bào Phật giáo tỉnh Cà Mau.

 

Tham dự Hội thảo có BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế); ông Trịnh Văn Giỏi, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau; BS Huỳnh Văn Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cà Mau; ông Trần Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau; Hòa thượng Thạch Hà, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau cùng 200 phật tử và cộng tác viên dân số đến từ 8 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Toàn cảnh Hội thảo Cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đồng bào Phật giáo tại Cà Mau

Tại Hội thảo, BS Huỳnh Văn Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Cà Mau cho biết: Tại Cà Mau, tỷ số giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng nhanh. Năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 112,5 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 112,9/100 và tăng lên 113,2/100 vào năm 2019.

Hiện tại, tỷ số giới tính khi sinh của Cà Mau đang ở ngưỡng 113,5 bé trai/100 bé gái. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng tỷ suất sinh cả nước là 2,09 con, trong khi đó, ở Cà Mau là 1,9 con/phụ nữ, thuộc vùng có mức sinh thấp trên cả nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe bài chia sẻ của BS Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và những giải pháp; trách nhiệm của con trai, con gái trong việc phụng dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Theo đó, tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng cao trong những năm gần đây và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tính chất hết sức nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh tăng ở cả thành thị và nông thôn. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu người đàn ông vào năm 2026.

Theo BS Mai Xuân Phương, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo; lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước khi sinh; do áp lực giảm sinh, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội…

Hậu quả của tình trạng này về lâu dài sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ; gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Đặc biệt, BS Mai Xuân Phương bày tỏ lo ngại về vấn nạn phá thai nhằm mục đích chọn lựa giới tính khi sinh. Chính vì vậy, ông mong muốn các các đại biểu và các chư tăng, phật tử ở Cà Mau nói riêng và trên cả nước nói chung phát huy tốt tinh thần và đạo lý của nhà Phật, mỗi người hãy là một thiện nguyện viên để chung tay cùng các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách dân số, hướng tới giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong đồng bào Phật giáo, xóa bỏ bất bình đẳng về giới, đảm bảo các quyền của con người…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương.

Trong phần thảo luận, các đại biểu và các chư tăng, phật tử bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với Ban Trị sự, Đạo tràng các chùa trên địa bàn để cung cấp thông tin hữu ích về chính sách dân số và phát triển, mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới..., giúp đông đảo các phật tử, quần chúng nhân dân được tiếp cận và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Các đại biểu đã góp ý và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội đối với công tác Dân số và Phát triển.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến