Chế độ luyện tập, vận động phù hợp cho người cao tuổi

26/05/2019 | 18:27 PM

 | 

 

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho người già là 6-7h sáng để tránh những tác nhân dẫn đến đột quỵ do thời tiết.

 

http://giadinh.mediacdn.vn/2019/5/22/nguoi-cao-tuoi1-1558516445954736003694.jpg

Bước vào độ tuổi “xế chiều” khi các cơ quan trong cơ thể bắt đầu lão hóa, sức khỏe có dấu hiệu giảm sút nhiều người cao tuổi nghĩ rằng lúc này nghỉ ngơi là cần thiết, vận động chỉ phí sức, tốn calo. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, ở độ tuổi nào, vận động cũng đều rất tốt cho sức khỏe. Việc luyện tập giúp làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm nguy cơ đột quỵ và loãng xương, đồng thời làm tăng khả năng dự trữ (làm việc nhiều mà ít mệt mỏi, trí óc sáng suốt, tinh thần thoải mái.

Song với người cao tuổi, để việc tập luyện phát huy được hiểu quả, họ cần phải lựa chọn phương pháp tập phù hợp với thể trạng của mình để nâng cao sức khỏe, gia tăng tuổi thọ.

Thời điểm tập và thời gian tập

Người già hay có thói quen dậy sớm, và ngay khi thức dậy họ sẽ đi tập thể dục luôn, nhưng điều này chưa hẳn đã tốt. Lúc này, cây xanh thực hiện quá trình trao đổi chất, sẽ tạo ra nhiều oxy, giúp cơ thể có thêm sinh khí. Nếu người già đi tập quá sớm, cơ thể sẽ hít phải nhiều khí cacbonic không tốt cho sức khỏe. Vì thế, không chỉ người cao tuổi, mà tất cả mọi hãy nên tập thể dục khi bắt đầu có ánh nắng. Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho người già là 6-7h sáng để tránh những tác nhân dẫn đến đột quỵ do thời tiết.

Người cao tuổi có thể tập luyện vào buổi sáng hoặc buổi tối, các lần tập luyện phải diễn ra thường xuyên, đều đặn, thời gian mỗi lần tập không quá 30 phút. Người già cũng cần lưu ý, không nên tập với cường độ mạnh gần thời điểm đi ngủ bởi có thể gây ra chứng mất ngủ.

Người cao tuổi nên tập luyện như thế nào?

Với những người chưa tập luyện bao giờ, nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng rồi tăng dần lên sao cho phù hợp với sức của mình, sau khi khỏe hơn mới tăng thêm thời gian và cường độ luyện tập.

Để đánh giá cường độ tập của người cao tuổi, có thể áp dụng thử nghiệm: Đi bộ từ dưới nhà lên tầng 4 với nhịp độ bình thường và không nghỉ ở giữa chừng. Nếu khi lên đến tầng 4 mà vẫn thở nhẹ nhàng và không có cảm giác khó chịu thì trình độ luyện tập thể lực là trên trung bình, nếu thấy khó thở là trung bình, rất khó thở và cảm thấy mệt mỏi khi lên đến tầng 3 là kém.

Có thể đánh giá chính xác hơn kết quả của thử nghiệm trên theo sự thay đổi nhịp tim trước khi lên cầu thang và ngay sau khi lên tầng 4. Nếu đến tầng 4 mà mạch dưới 100-120 lần/phút là tốt, 120-140 lần/ phút là trung bình còn trên 140 lần/phút là kém. Tốt nhất là đếm trong 10 giây đầu rồi nhân 6 (vì số mạch giảm nhanh theo thời gian, đếm dài hơn sẽ không đánh giá chính xác).

Người cao tuổi có thể lựa chọn những môn thể thao sau để tham gia tập luyện:

Đi bộ: Đây là bộ môn thể thao cải thiện sức khỏe cho người già được nhiều chuyên gia khuyến khích. Đi bộ rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Người cao tuổi có thể đi bộ ở công viên hoặc sử dụng máy chạy bộ đa năng tại nhà 30 phút mỗi ngày để cơ thể dẻo dai, tràn đầy năng lượng.

Yoga: Yoga là bộ môn thể thao rèn luyện sự bền bỉ, giúp giảm stress rất hiệu quả. Người cao tuổi lựa chọn yoga tập luyện là rất phù hợp, giúp cơ thể dẻo dai, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, có thể loại bỏ chứng đau lưng rất hiệu quả.

Bơi lội: Đây là bộ môn thể thao giúp giảm cân cho người cao tuổi, đồng thời tránh được nguy cơ viêm khớp. Người cao tuổi nên bơi chậm trong thời gian ngắn. Nước sẽ tác động trực tiếp đến cơ thể, giúp lưu thông khí huyết, giảm đau cơ.

Cầu lông: Người già chỉ nên chơi mỗi ngày 30 phút và những người bị bệnh tim không nên tham gia bộ môn thể thao này, bởi nó đòi hỏi khá nhiều sức lực. Chơi cầu lông có thể làm hạ đường huyết, nên bệnh nhân tiểu đường đang điều trị thuốc cần theo dõi đường huyết sau khi tập và có thể giảm liều thuốc hạ đường huyết. Ở người cao huyết áp mức độ nhẹ, huyết áp có thể được giảm sau mỗi lần chơi cầu lông.

Tuy nhiên, người cao tuổi khi vận động cần thận trọng, phải lượng sức mình mà luyện tập theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cần chú ý rằng sức khỏe của mỗi người mỗi khác, có thể chia các nhóm theo tuổi, giới tính, tình hình luyện tập trước đó. Mức hoạt động khi luyện tập sẽ cao hơn đối với những người tương đối trẻ và thấp hơn đối với người nhiều tuổi.

Người mắc bệnh động mạch vành phải làm điện tâm đồ gắng sức để đánh giá mức độ an toàn khi luyện tập; thời gian mới tập cần có sự theo dõi của cán bộ y tế. Người béo và người có bệnh khớp không nên tập với các dụng cụ bê vác (tạ), môn bơi và đi xe đạp là thích hợp nhất.

Những điều người cao tuổi cần chú ý khi luyện tập, vận động

- Điều quan trọng của luyện tập không phải là tập nhiều, tập hết sức mà là phải tập thường xuyên, có hệ thống, phù hợp với bản thân, kiên trì, liên tục.

- Sinh hoạt điều độ, tăng cường vận động thân thể nhẹ nhàng, hạn chế ngồi một chỗ, tranh thủ các yếu tố thiên nhiên tạo cuộc sống hài hòa (chỗ ở thoáng, sạch, có cây cảnh, chim, cá...).

- Thanh thản tinh thần, làm chủ bản thân, giữ tâm lý ổn định trước các stress trong gia đình và xã hội.

- Hiểu đúng tình hình sức khỏe bệnh tật của bản thân để có thể chủ động khám chữa bệnh kịp thời lúc ốm đau. Thận trọng khi phải uống thuốc.

- Ǎn uống hợp lý.

 

 

Nguồn: Báo Gia đình xã hội


Thăm dò ý kiến