Bước tiến mới của bệnh viện quận Thủ Đức trong phẫu thuật điều trị hẹp mạch vành

15/09/2020 | 16:43 PM

 | 

Sáng ngày 16/9/2020, ê-kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện quận Thủ Đức lần đầu tiên thực hiện thành công ca mổ bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho một bệnh nhân bị hẹp mạch vành nặng.

 

Ca mổ bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho một bệnh nhân bị hẹp mạch vành nặng tại BV quận Thủ Đức (16/09/2020)

PGS Nguyễn Văn Phan, PGĐ Viện Tim TPHCM, cố vấn chuyên môn về triển khai kỹ thuật mổ tim hở cho bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết đây là trường hợp hẹp mạch vành nặng và có nhiều nguy cơ bị biến chứng trong lúc mổ (hẹp 3 động mạch vành trên cơ địa mắc nhiều bệnh nền), việc quyết định không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho cuộc mổ bắc cầu mạch vành không ngoài mục đích rút ngắn thời gian mổ và giảm thấp nguy cơ bị biến chứng. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo là một trong những kỹ thuật đỉnh cao của phẫu thuật tim mạch, thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn, kể cả trong nước và trên thế giới, PGS Phan khẳng định. Phẫu thuật mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo giúp giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim, rối loạn đông máu sau mổ, và rút ngắn thời gian nằm hồi sức, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị.

 

Được biết, bệnh nhân L.H.V. 60 tuổi, nhập bệnh viện quận Thủ Đức ngày 28/8/2020 trong tình trạng thường lên cơn đau thắt ngực khi gắng sức. Kết quả chụp động mạch vành phát hiện 3 nhánh động mạch đều bị hẹp nặng, chức năng co bóp kém, kèm theo những bệnh nền mạn tính bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, ung thư tụy đã phẫu thuật và hóa trị. Đánh giá tình trạng người bệnh có nhiều nguy cơ, bệnh viện đã hội chẩn với các chuyên gia và cố vấn chuyên môn và quyết định tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ và động mạch vành bằng cách dùng vật liệu động mạch để làm cầu nối và không dùng máy tim phổi nhân tạo. Thông thường, phẫu thuật bắc cầu mạch vành cần phải sử dụng máy tuần hoàn cơ thể, kỹ thuật này đòi hỏi phải đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí, và để bảo vệ cơ tim trong lúc cho tim ngừng đập, phẫu thuật viên phải bơm dịch gây liệt tim, kẹp lại động mạch chủ, nên tỷ lệ biến chứng sau khi mổ thường cao.

Kết quả, cuộc mổ bắc cầu không sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân L.H.V. tại bệnh viện quận Thủ Đức diễn ra nhanh chóng và thành công theo như kế hoạch, dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 1 tuần. Có thể nói rằng, đây không phải là một kết quả may mắn, mà là một kết quả đã được tích luỹ dần sau hơn 3 năm triển khai phẫu thuật tim tại bệnh viện quận Thủ Đức, bắt đầu từ những ca đơn giản tiến dần đến những ca phức tạp, dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn, chuyển giao của các chuyên gia phẫu thuật, gây mê, hồi sức tim mạch của Viện Tim TPHCM. 

Nguồn: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh


Thăm dò ý kiến