Sự cần thiết ban hành Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo

01/01/2015 | 07:18 AM

 | 

Ngày 06/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Nghị định này có hiệu lực thi hành vào ngày 01/3/ 2015 và thay thế Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

Nghị định số 100/2014/NĐ-CP được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật quảng cáo, Luật an toàn thực phẩm và bảo đảm trẻ được bú mẹ-thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giúp cho trẻ tránh các bệnh như suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy, dị ứng, đồng thời làm tăng sức đề kháng đối với các bệnh thông thường và tim mạch, giúp trẻ phát triển tốt hệ thần kinh, tác động tích cực tới việc phát triển trí não của trẻ, giúp phát triển đồng bộ hệ cơ xương ổ miệng, ít quậy phá khi ở tuổi thiếu niên và trưởng thành, ít bị bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên, ít bị nguy cơ mắc loãng xương và thoái hoá cột sống khi về già và giúp bảo vệ sức khỏe của người mẹ.

2. Cho trẻ bú mẹ sẽ góp phần ổn định kinh tế gia đình và xã hội

Việc cho trẻ bú mẹ sẽ giúp cho gia đình tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ thay vì mua sản phẩm dinh dưỡng cho con mình. Bên cạnh đó, việc phòng, tránh được bệnh tật do trẻ bú sữa mẹ cũng giúp gia đình giảm được chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Khi trẻ khỏe mạnh, cha mẹ và thành viên khác trong gia đình cũng yên tâm làm việc, góp phần làm tăng năng suất lao động cho xã hội.

3. Hạn chế quảng cáo, tiếp thị sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, nhưng không cấm bán các sản phẩm này

Khi doanh số, doanh thu và lợi nhuận của các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tăng thì tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ giảm. Việc kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đem lại cho các doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Vì vậy, các doanh nghiệp này không ngừng quảng cáo về tính ưu việt của sản phẩm như giúp trẻ cao lớn hơn, thông minh hơn, gia tăng sức đề kháng… khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng để con mình thông minh và phát triển tốt thì phải cho con ăn sữa thay thế sữa mẹ ngay từ những tháng đầu đời. Vì thế, thay cho con ăn sữa mẹ, họ cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được chế xuất và kết quả là ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ.

Hiện nay, kinh phí của nhà nước cấp cho công tác truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn rất hạn chế; việc tuyên truyền thì không thường xuyên, theo đợt, đơn điệu, nghèo nàn khác hẳn với kinh phí rất lớn mà các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ bỏ ra để quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tiếp thị trực tiếp đến các bà mẹ. 

4. Hiện nay, tỷ lệ trẻ được bú mẹ còn rất thấp

Tỷ lệ trẻ bú mẹ trong vòng 01 giờ đầu sau sinh là 39,7%. Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu là 17%. Tỷ lệ trẻ em được bú mẹ khi đến 01 tuổi là 73,9% nhưng chỉ được 19,4% khi trẻ đến 02 tuổi [1].  

Đa số các địa phương, tỷ lệ trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn rất thấp: (Đồng Tháp chỉ đạt 2-3%, Phú Thọ đạt khoảng 12%, Hải Phòng chỉ đạt 13,4%, Thái Nguyên đạt 10%...). Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh liên quan đến tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác còn cao[2].

5. Một số quy định tại Nghị định số 21/2006/NĐ-CP không còn phù hợp, một số vấn đề mới phát sinh cần phải được điều chỉnh

a) Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2006/NĐ-CP quy định "nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi" nhưng Khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo lại quy định thời gian cấm quảng cáo dài hơn là nghiêm cấm quảng cáo "Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi". 

b) Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 21/2006/NĐ-CP cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ với bà mẹ, phụ nữ mang thai và các thành viên gia đình ở cơ sở y tế. Quy định này không hạn chế tiếp xúc với các cá nhân bên ngoài cơ sở y tế nên các doanh nghiệp thường tiếp xúc các bà mẹ và phụ nữ có thai tại nhà, cửa hàng, nhà văn hóa, khách sạn hoặc thông qua Email, internet hoặc điện thoại. Việc tiếp xúc này nhằm quảng bá sản phẩm, cung cấp các ưu đãi khi sử dụng các sản phẩm như quà tặng hoặc hàng mẫu nên vô hình chung đã hạn chế việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng tập trung khuyến mại tại các cửa hàng bán lẻ như   trưng bày, giới thiệu đặc biệt, giảm giá, khuyến mại đặc biệt, hàng mẫu, quà tặng và ưu đãi cho nhân viên bán lẻ. 

c) Điều 8 Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về ghi nhãn không quy định rõ điều kiện bảo quản cần thiết cho sản phẩm; quy định cấm đưa hình ảnh của trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dẫn đến hiểu lầm rằng trẻ lớn hơn 12 tháng là chấp nhận được hoặc do đưa ra những giới hạn tuổi gây khó khăn trong việc nhận dạng trẻ thế nào là dưới 12 tháng tuổi nên khó xác định được hành vi vi phạm và là sơ hở để các công ty lợi dụng.

d) Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 21/2006/NĐ-CP hạn chế việc tài trợ của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng nhưng lại quy định "nhằm thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi” nên quy định này cũng khó xác định được hành vi vi phạm và là sơ hở để các công ty lợi dụng.

đ) Một số nội dung của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định của các Luật mới ban hành như vấn đề công bố chứng nhận hợp quy và tiếp nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo, tiếp thị… 

6. Vi phạm Nghị định số 21/2006/NĐ-CP diễn ra khá phổ biến

Qua kết quả thanh tra Nghị định số 21/2006/NĐ-CP của Thanh tra Bộ Y tế[3] cho thấy, rất nhiều cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ như 21% sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và 53,3% sản phẩm bình bú, núm vú giả chưa ghi nhãn, chưa đầy đủ nội dung theo quy định; 26/124 sản phẩm ghi nhãn đều không ghi hoặc ghi không đầy đủ “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”; 23/124 sản phẩm ghi thiếu hoặc không ghi đầy đủ dòng chữ “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ… cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”; 39/60 sản phẩm ghi thiếu hoặc không ghi đầy đủ khuyến cáo “Sử dụng núm vú giả ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi con bằng sữa mẹ”.  

Nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo sữa sai quy định như tờ rơi quảng cáo sản phẩm sữa MeiJi 1, MeiJi 2, tờ rơi quảng cáo sữa Physiolac 1 cho trẻ 0-5 tháng tuổi, MaMa sữa non lại quảng cáo sửa có thành phần tương đương sữa mẹ, tốt như sữa mẹ... Nhiều doanh nghiệp còn in hình quảng cáo sản phẩm sữa trên sổ khám bệnh của các phòng khám, bệnh viện...

7. Một số căn cứ ban hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP đã thay đổi

Hiện nay, một số căn cứ ban hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP đã không phù hợp vì Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh chất lượng hàng hóa và Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đã đều hết hiệu lực và được thay bằng Luật Quảng cáo, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm.

Từ các lý do trên cho thấy, việc ban hành một nghị định mới để thay thế Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ là hết sức cần thiết.

8. Nội dung chủ yếu của Nghị định 100/2014/NĐ-CP

Nghị định gồm 5 chương và 16 điều, bao gồm các nội dung cơ bản sau: quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ; tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm; quy định nhãn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ nhỏ; quy định nhãn thức ăn bổ sung dùng cho trẻ nhỏ và quy định nhãn sản phẩm của bình bú và vú ngậm nhân tạo; trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; trách nhiệm của cơ sở y tế; trách nhiệm của thầy thuốc, nhân viên y tế trong cơ sở y tế và trách nhiệm quản lý; hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này quy định cấm quảng cáo:

a) Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula);

b) Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 06 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula);

c) Sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”

d) Thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi;

đ) Bình bú và vú ngậm nhân tạo;

e) Sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Cấm tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế; áp dụng các biện pháp khuyến mại và hội thảo, hội nghị, tư vấn qua điện thoại hoặc các hình thức khác nhằm tuyên truyền, giới thiệu, thúc đẩy việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.


Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật về Y tế số 04 tháng 12/2014

 

 


Thăm dò ý kiến