Y tế dự phòng

28/05/2014 | 00:00 AM

 | 

1. Về công tác phòng chống dịch bệnh

Thực hiện quan điểm phòng bệnh là chính, trong những năm qua, công tác y tế dự phòng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống y tế dự phòng là một cấu thành của hệ thống y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi như dịch SARS, cúm A(H5N1); một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã thanh toán hoặc loại trừ như bệnh bại liệt, bệnh uốn ván và bệnh phong; Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn và các bệnh nằm trong tiêm chủng mở rộng có số mắc và tử vong giảm nhiều lần. Các hoạt động thuộc lĩnh vực sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, y tế trường học, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng ngày càng được tăng cường và thực hiện một cách hiệu quả hơn. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật “kép” của bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch có nguy cơ bùng phát trở lại như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não do vi rút, đường ruột. Cùng với đó, là sự xuất hiện của những bệnh mới khó xác định, khó điều trị, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như HIV/AIDS, Cúm A(H5N1), cúm A(H7N9). Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm thần... ngày càng gia tăng.

Bộ Y tế với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế đã luôn tham mưu cho Chính phủ chính sách y tế chú trọng đặc biệt đến công tác y tế dự phòng, theo phương châm “dự phòng tích cực và chủ động”; đồng thời xác định y tế dự phòng phát triển theo hướng dự phòng toàn diện, chủ động, tích cực bao gồm dự phòng cá nhân, dự phòng cộng đồng, phòng chống nguy cơ và nâng cao sức khỏe người dân, không ngừng củng cố, hoàn thiện, đổi mới và phát triển hệ thống y tế dự phòng nhằm đáp ứng với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế; y tế dự phòng cũng được xác định là lĩnh vực bảo đảm an ninh sức khỏe cho mọi người dân, nên cần có sự quan tâm đặc biệt và có chính sách đặc biệt; đồng thời cần phải có sự tham gia của các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội để việc triển khai thực hiện có được hiệu quả cao nhất. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đề xuất và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để xây dựng và phát triển y tế dự phòng tập trung vào:

- Quy hoạch, đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống y tế dự phòng đảm bảo tính thống nhất đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở để nâng cao năng lực về công tác y tế dự phòng. Ban hành quy định chức năng nhiệm vụ phù hợp để chỉ đạo nhiệm vụ y tế dự phòng có hiệu quả trong tình hình mới.

- Phát triển nguồn nhân lực thu hút cán bộ vào làm việc trong y tế dự phòng: Bảo đảm đủ nhân lực cho lĩnh vực y tế dự phòng, xây dựng chính sách đãi ngộ cán bộ làm việc trong những lĩnh vực dự phòng; thực hiện ưu tiên đối với việc tuyển dụng công chức, viên chức và khuyến khích có trình độ chuyên môn cao làm việc cho lĩnh vực dự phòng; tăng số lượng và chất lượng đào tạo cán bộ, đổi mới chương trình đào tạo, gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; thực hiện miễn giảm học phí, cấp học bổng đào tạo đại học sau đại học về lĩnh vực y tế dự phòng, triển khai đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nguồn nhân lực y tế dự phòng đặc biệt là vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn; tăng cường công tác đào tạo về công tác quản lý cho lãnh đạo các đơn vị y tế dự phòng.

- Đề nghị được áp dụng hệ số tiền lương cho cán bộ y tế dự phòng tối thiểu bằng 1,8 lần so với bậc lương chung; được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, ưu đãi nghề, hưởng phụ cấp vùng, miền khi làm việc tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hưởng chế độ lưu động, đi vào ổ dịch, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm một cách phù hợp; đề xuất chế độ bảo hiểm rủi ro, tôn vinh nghề nghiệp, hưởng chế độ liệt sỹ khi bị tử vong trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

- Về chính sách đầu tư: lĩnh vực dự phòng cần được Nhà nước đảm bảo đủ nguồn tài chính công cho các hoạt động về y tế dự phòng và đảm bảo chiếm 30% trong tổng chi cho hoạt động y tế theo quy định tại Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII; xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách cho lĩnh vực y tế dự phòng một cách thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo giành tối thiểu 50% kinh phí chi cho các hoạt động chuyên môn; đề xuất với Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách riêng mang tính đặc thù trong đầu tư, các chế độ tài chính đặc thù trong lĩnh vực y tế dự phòng, đặc biệt ưu tiên đối với các vùng khó khăn như các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; kinh phí cần được đáp ứng kịp thời và cấp đủ để triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động và xử lý ngay khi có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh hoặc ngay khi phát hiện dịch bệnh xảy ra; tăng cường đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây mới cơ sở y tế dự phòng các tuyến, xây dựng phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học, bổ sung đủ các trang thiết bị theo danh mục, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, kiểm định vắc xin đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng cơ chế để mở rộng các hoạt động dịch vụ y tế, chính sách về phí, lệ phí để tạo điều kiện cho hoạt động y tế dự phòng phát triển; tăng cường huy động kinh phí cho công tác y tế dự phòng từ nguồn viện trợ, vay vốn và các nguồn vốn hợp pháp khác để đại đa số người dân được hưởng lợi từ chính sách về đầu tư chăm sóc sức khỏe.

2. Bảo đảm an toàn tiêm chủng:

Theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và ban hành các quy định về việc sử dụng vắc xin. Tại Điều 30 của Luật này cũng đã quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Đối với các trường hợp tử vong sau tiêm chủng tại một số địa phương, ngay sau khi nhận được thông tin Bộ Y tế đã lập tức tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.

Để tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành:

- Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 18/01/2013 về việc tăng cường an toàn tiêm chủng.

- Công văn số 2932/BYT-DP ngày 21/5/2013 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

- Công văn số 4619/BYT-DP ngày 29/7/2013 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin.

- Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 về việc ban hành Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, bao gồm các hoạt động cụ thể về đảm bảo chất lượng vắc xin; thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng, tập huấn cho cán bộ, các hoạt động truyền thông về an toàn tiêm chủng.

Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn chỉnh các văn bản quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế và xây dựng Nghị định về Tiêm chủng để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan cũng như làm rõ các vấn đề liên quan đến bồi thường tai biến sau tiêm chủng.

3. Về xử lý các phản ứng không mong muốn trong dùng vắc-xin

a. Thuốc và vắc-xin khi sử dụng đều có phản ứng bất lợi không mong muốn. Vắc-xin có chứa kháng nguyên, khi tiêm có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong đối với cá nhân có cơ địa mẫn cảm. Các phản ứng sau tiêm nhẹ có thể là 1 phần của đáp ứng miễn dịch bình thường, các trường hợp phản ứng nặng có thể xảy ra song hiếm gặp, các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng có nguyên nhân một số là do trùng hợp với bệnh lý khác hoặc không liên quan đến vắc xin. Để phát hiện sớm, xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế, các Bệnh viện đa khoa, bệnh viện Sản Nhi tỉnh thành phố tăng cường công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt là công tác khám sàng lọc trước tiêm và xử trí kịp thời khi xảy ra phản ứng sau tiêm chủng và đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cử các đoàn đi hướng dẫn và giám sát tại các địa phương để hỗ trợ xử lý khi có tình huống xảy ra. Đồng thời Bộ Y tế có Công văn số số 6980/BYT-DP ngày 30/10/2013 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác tăng cường an toàn tiêm chủng trên địa bàn.

b. Kết quả xử lý một số trường hợp cụ thể liên quan đến việc tiêm chủng:

- Về trường hợpTrung tâm Y tế thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên cung cấp vắc xin hết hạn sử dụng trongquá trình tiêm chủng theo hình thức dịch vụ:đây là sai phạm có tính chất cá nhân, cá biệt trong việc thực hiện quy định tiêm chủng, chứ không mang tính hệ thống.

Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân vi phạm và người liên quan. Sở Y tế Phú Yên đã tiến hành điều chuyển công tác đối với cán bộ thực hiện tiêm chủng có sai phạm.

Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các tỉnh thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện về công tác tiêm chủng, xử lý nghiêm các sai phạm, đình chỉ các cơ sở tiêm chủng nếu có các sai phạm. Hiện nay, các tỉnh thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 13.368 điểm tiêm chủng cố định trên toàn quốc (đạt 98,4%). Trong đó có 12.920/13.368 điểm được đánh giá đủ điều kiện tiêm chủng chiếm 96,6 %.

- Về trường hợp tiêm thiếu liều vắc-xin theo hình thức dịch vụ xảy ra ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Đây là sai phạm có tính chất cá nhân trong việc thực hiện quy định tiêm chủng của Bộ Y tế. Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân vi phạm và người liên quan. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ trực tiếp tiêm chủng và khiển trách đối với Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm điểm phê bình trước Lãnh đạo Sở Y tế và bị cắt thi đua khen thưởng.

Đối với trẻ bị tiêm thiếu vắc xin, Trung tâm Y tế dự phòng đã cử 01 bác sĩ theo dõi sức khỏe của trẻ, hiện sức khỏe của trẻ ổn định. Trung tâm cũng đã xin ý kiến các chuyên gia về giải pháp khắc phục sai sót trong việc tiêm chủng, bảo đảm sức khỏe của trẻ.

Để tăng cường công tác tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành lắp camera giám sát, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát các hoạt động tiêm chủng cũng như được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

- Về trường hợp 03 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Đây là một sự cố hi hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong hơn 25 năm thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Y tế đã lập tức cử Đoàn cán bộ bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về tiêm chủng tới Quảng Trị để phối hợp với Sở Y tế, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan điều tra toàn diện về dịch tễ học, lâm sàng, quy trình tiêm chủng nhằm xác định nguyên nhân sự cố. Do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc, để đảm bảo khách quan trong việc xác định nguyên nhân, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Công an về việc chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Y tế làm rõ và có kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự việc nêu trên một cách sớm nhất các trường hợp tử vong này.

Ngày 26/7/2013, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị chỉ đạo Sở Y tế tạm đình chỉ công tác đối với cá nhân trực tiếp, gián tiếp có sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng tại Bệnh viện, khẩn trương kiểm định làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị cá nhân vi phạm.

Ngày 10/10/2013, Công an tỉnh Quảng Trị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, làm 3 trẻ sơ sinh bị tử vong, được quy định tại điều 99, Bộ Luật hình sự”. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã tạm giữ y tá Nguyễn Thị Thuận để phục vụ điều tra.

4. Khống chế hiệu quả Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi

Trong năm 2011 và 2012 đã ghi nhận 216 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi với 13 trường hợp tử vong. Trong năm 2013: từ ngày 15/02/2013 đến 06/5/2013 đã ghi nhận 18 trường hợp bệnh tại 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi và không có trường hợp nào tử vong.

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi đã được các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế xác định nguyên nhân là do nhiễm độc tố vi nấm bởi ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Nếu người dân thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực không đảm bảo chất lượng để cho nấm mốc phát triển thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái mắc bệnh trong cộng đồng. Để khống chế hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, can thiệp chính là sử dụng thóc, gạo không bị nấm mốc kết hợp với hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường. Việc cung cấp gạo mới cho người dân thay thế gạo cũ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân thu hoạch, cất giữ, bảo quản và sử dụng lương thực, đặc biệt là gạo đảm bảo chất lượng không để nấm mốc có điều kiện phát triển.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành để chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp. Trong năm 2013 Chính quyền địa phương tiếp tục cấp 450 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ và trên 100 tấn gạo từ các nguồn hỗ trợ khác cho toàn bộ người dân trong vùng mắc bệnh, vận động, hướng dẫn, giám sát  người dân thu hoạch, phơi khô thóc trước khi cất vào chòi, ăn gạo trắng thay cho gạo cũ đồng thời cấp phát thùng tôn trữ thóc/gạo cho các hộ gia đình. Ngành y tế đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng để mua thuốc bổ gan, viên đa vitamin cấp phát cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và vệ sinh phòng bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, quản lý các trường hợp bệnh trước đây và người có nguy cơ cao tại cộng đồng. Chính quyền và các ban ngành địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường thông qua triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, cung cấp nước sạch và vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sống.

Các biện pháp can thiệp đã mang lại hiệu quả khống chế hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi. Từ tháng 6/2013 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh. Người dân yên tâm và ổn định làm ăn, sinh sống.​


Thăm dò ý kiến