Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên

11/11/2022 | 14:50 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Về việc theo quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT, một số thuốc điều trị ung thư Quỹ BHYT chỉ chi trả 30%,50%, 60%, 70%. Bệnh nhân mắc căn bệnh này phần lớn là khó khăn về kinh tế do thời gian điều trị bệnh dài ngày, chi phí khám chữa bệnh liên tục, do đó không đủ khả năng chi trả. Đề nghị tăng mức chi trả cho các loại thuốc điều trị ung thư lên 80% hoặc 100%, góp phần giảm bớt khó khăn cho người mắc bệnh ung thư. (Thái Nguyên)

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đang được quy định tại Thông số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộcphạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc động y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Danh mục thuốc có một số loại có quy định điều kiện và tỷ lệ thanh toán nhằm bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả kinh tế.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế hiện nay bao gồm 81 thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, trong đó hầu hết các thuốc không quy định điều kiện và tỷ lệ thanh toán (57/81 thuốc không quy định tỷ lệ thanh toán) và có 24 có quy định tỷ lệ thanh toán 30%, 50%, 60%, 70% hay 80%. Việc quy định tỷ lệ thanh toán một số thuốc được xây dựng dựa trên bằng chứng đánh giá chi phí-hiệu quả và đánh giá tác động ngân sách nhằm tạo sự đồng bộ, công bằng và hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế. Nhằm bảo đảm tăng cường tiếp cận thuốc, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, mở rộng danh mục thuốc và xem xét lại những điều kiện và tỷ lệ thanh toán của các thuốc đáp ứng nhu cầu người bệnh và khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Nhằm chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân ung thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2012/QĐ-TTg, trong đó ghi nhận việc hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư tại khoản 3 Điều 1 Quyết định này. Mức hỗ trợ này sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên khả năng cân đối ngân sách của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương. Qũy này được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương. Do đó, với mỗi tỉnh khác nhau, mức hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư có thể sẽ không giống nhau. Như vậy, để biết được cụ thể mức hỗ trợ, bệnh nhân ung thư cần căn cứ theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tại nơi mình sinh sống.

2. Về dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới có nêu: Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Cử tri cho rằng, tại Điều 4 của dự thảo Luật chưa thể hiện toàn diện chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về chính sách đầu tư, thu hút và đãi ngộ thực sự đủ mạnh đối với đội ngũ bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở.

- Về việc này, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định trên để trình Chính phủ ban hành.

- Chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cả bằng phương thức trực tiếp và khám chữa bệnh từ xa. Nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ cho y tế cơ sở, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cơ sở, tăng cường luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, trên xuống dưới.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, bố trí, sử dụng nhân lực hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, giúp đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.

- Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.

3. Về việc Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về việc Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh hiện nay còn một số quy định chưa phù hợp với thực tế, cụ thể như: Một số người dân cư trú tại các địa bàn giáp ranh với cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương, nhưng không được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở này, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập khi đi khám, chữa bệnh; đồng thời gây bức xúc, phiền hà cho người bệnh. Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu mở rộng đối tượng được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương đối với các đối tượng sinh sống tại các địa bàn giáp ranh với các cơ sở khám chữa bệnh này.

Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về việc Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được xây dựng mục đích tăng cường đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại tuyến y tế cơ sở (tuyến huyện và tuyến xã), hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ bệnh tật, người bệnh sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn sau khi đi khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở.

Để phù hợp với thực tiễn, tại Điều 13 Thông tư số 40/2015/TT-BYT, Bộ Y tế đã giao cho Sở Y tế chủ trì xem xét, quyết định vấn đề này. Bộ Y tế xin thông tin đến cử tri để biết và xem việc quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở của địa phương để thực hiện.

4. Về việc hiện nay chưa có quy định tên gọi chuẩn hóa thống nhất đối với các trang thiết bị y tế, dẫn đến tình trạng cùng một mặt hàng, cùng một mục đích sử dụng có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Đề nghị Bộ Y tế thống nhất tên gọi của vật tư, trang thiết bị y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở y tế.

- Theo các Quyết định[1] của Bộ Y tế ban hành danh mục mã hãng sản xuất vật tư y tế để tạo lập mã vật tư y tế phục vụ quản lý giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh, đến nay Bộ Y tế đã cấp gần 6.000 mã hãng, nước sản xuất vật tư y tế và trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp mã cho gần 180.000 loại vật tư y tế.

- Hiện nay, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đang phối hợp với Trung tâm mã số mã vạch thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia có chuyên môn để xây dựng bộ danh pháp trang thiết bị y tế và bộ mã định danh trang thiết bị y tế để các đơn vị thống nhất trong triển khai thực hiện, quản lý trang thiết bị y tế.

5. Về việc đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu có quy định thống nhất về cơ chế đấu thầu mua sắm thuốc tập trung cho các cơ sở y tế.

Thời vừa gian qua, để bảo đảm kịp thời cho cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung và phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và đôn đốc về công tác đấu thầu, mua sắm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2019/TT-BYT về đấu thầu thuốc và sẽ xin ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Khi dự thảo được đăng tải xin ý kiến, Bộ Y tế rất mong các địa phương, cử tri nhân dân nghiên cứu và cho ý kiến cụ thể để Bộ Y tế sớm tổng hợp hoàn thiện và ban hành.

6. Về việc đề nghị nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp xã hội hóa ngành Y tế để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp y tế triển khai thực hiện xã hội hóa; nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, viên chức công tác, phục vụ trong ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu Nhân dân.

6.1. Nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp xã hội hóa ngành Y tế để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp y tế triển khai thực hiện xã hội hóa

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa, tự chủ, trong thời gian vừa qua, nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; Hình thức xã hội hóa, được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhiều quy định như các hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện, thẩm quyền quyết định, đối tượng sử dụng các dịch vụ này, giá dịch vụ… mới mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể dẫn đến có nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có trường hợp vi phạm đã bị các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Do đó, nhằm tạo hành lang pháp lý đối với xã hội hóa, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về nội dung này.

6.2. Nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, viên chức công tác, phục vụ trong ngành y tế

(1). Tình hình thực hiện thời gian qua

- Hiện nay, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được Chính phủ, các Bộ ngành quy định chi tiết tại các Nghị định, Thông tư[2]. Ngoài ra, công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhất là hệ thống y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng (1) Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề; (2) Chế độ phụ cấp đặc thù và chế độ phụ cấp chống dịch[3].

- Cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất là 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Bên cạnh đó trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung[4].

- Ngoài ra trong thời gian dịch COVID-19, để kịp thời động viên cán bộ, viên chức y tế tham gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết: quy định một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên; các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV[5].

- Trong quá trình triển khai thực hiện, để khắc phục những bất cập và trên cơ sở tương quan như các ngành nghề khác (giáo dục, thanh tra,...) Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước và Bộ Nội vụ cho thực hiện: (i) Phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, viên chức y tế tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. (ii) Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ đề nghị xếp lương bậc 2 vì Theo quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam thì việc đào tạo ngành Y trong 4 năm đạt được trình độ tương đương bậc 6 (Cử nhân), kết thúc 6 năm đạt trình độ tương đương bậc 7 (Thạc sĩ), kết thúc 3 năm chuyên khoa tương đương bậc 8 (Tiến sĩ).

(2). Giải pháp trong thời gian tới

- Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở.

- Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng” theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Xây dựng chế độ tiền lương mới: Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Nghị quyết của Chính phủ và kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng từ trước đến nay, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế được hưởng mức phù hợp[6].

7. Về việc đề nghị sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của ngành y nhằm tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện công tác tự chủ.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế. Tuy nhiên tại Thông báo 252/TB-VPCP ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ đã thông báo không ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ riêng trong từng lĩnh vực.

Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ về xây dựng Nghị định của Chính phủ quy đinh cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng Nghị định của Chính phủ quy đinh cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) và áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế (các Bộ sẽ không ban hành Nghị định riêng về cơ chế tự chủ tài chính cho từng ngành, lĩnh vực).

Trong quá trình xây dựng ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã đề xuất một số nội dung cơ chế tài chính đặc thù của ngành y tế để đưa vào Nghị định chung của Chính phủ. Ngoài việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP còn quy định một mục riêng (Mục 1 Chương III Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[1] Quyết định số 5086/QĐ-BYT ngày 4/11/2021; Quyết định số 637/QĐ-BYT ngày 16/3/2022; Quyết định số 1844/QĐ-BYT ngày 5/7/2022.

[2] Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004; Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07/3/2012; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21/7/2016; Các Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019; Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019; Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013; Thông tư số 04/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005; Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013; Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ.

[3] Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011; Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011; Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC. Tỷ lệ % gồm 6 mức: 20%, 30%, 40%, 50%, 60%, 70% trên mức lương ngạch (chức danh nghề nghiệp), bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có). Cán bộ công tác tại các trạm y tế xã, tùy thuộc vào vị trí việc làm, công việc được cấp có thẩm quyền giao được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất bằng 40% trên mức lương ngạch (chức danh nghề nghiệp).

[4] Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009; Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013.

[5] Nghị quyết 37/NQ-CP (thực hiện trong thời gian từ 29/3/2020 đến 08/02/2021); Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 quy định các mức phụ cấp theo 03 mức 300.000 đồng/người/ngày, mức 200.000 đồng/người/ngày, mức 150.000 đồng/người/ngày tương ứng với các đối tượng; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 quy định Học sinh, sinh viên các trường ...được hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt là 120.000 đồng/người/ngày và chế độ phụ cấp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 miễn phí được 7.500 đồng/mũi tiêm/kíp tiêm chủng; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ.

[6] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018; Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018; Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị, Kết luận số 42-KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 118-KL/TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng


Thăm dò ý kiến