Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình.

11/11/2022 | 14:49 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Về việc cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh; xem xét quy định phân tuyến khám, chữa bệnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho bệnh nhân; có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, tôn vinh, ghi nhận công lao và đề nghị công nhận liệt sỹ cho những cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế hy sinh trên tuyến đầu chống dịch.

1.1. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh; xem xét quy định phân tuyến khám, chữa bệnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho bệnh nhân

Trong những năm qua, Bộ Y tế luôn quan tâm chỉ đạo và điều hành công tác đơn giản hóa quy trình, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là trong những năm gần đây khi nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân tăng cao. Nhiều quy định đã được ban hành và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, trong đó các thủ tục đã dần được đơn giản, tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Cải cách thủ tục hành chính, phân tuyến trong công tác khám bệnh, chữa bệnh được coi là nội dung trọng tâm cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải tiến các quy trình, thủ tục khám chữa bệnh như:

- Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngày 22/4/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện. Với mục đích nhằm: (1). Thống nhất quy trình khám bệnh của các bệnh viện; (2). Hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện; (3) và giúp người bệnh biết rõ quy trình khám bệnh để cùng phối hợp với bệnh viện trong quá trình khám bệnh.

- Thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế: 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, tiến hành sắp xếp, tổ chức một cách hợp lý các phòng tiếp nhận bệnh, phòng thu phí, phòng phát thuốc, phòng khám, các phòng thực hiện cận lâm sàng theo logic hệ thống một cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và đổi mới phương thức thanh toán bảo hiểm y tế đã rút ngắn thời gian thời gian thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giúp cho việc thanh toán chi phí được chính xác, kịp thời.

Tính chung ở tất cả các loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh trung bình Quy trình khám bệnh giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội. Mặt khác, các bệnh viện còn tăng cường nhân lực để phục vụ người bệnh tăng thêm bàn khám, tăng người khám, người thu tiền. Nhiều bệnh viện không quản khó khăn đã tổ chức thời gian tiếp đón bệnh nhân sớm hơn (từ 6 giờ 30 - 7 giờ sáng) tổ chức khám bệnh cả trong ngày nghỉ (thứ 7): Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức…

          - Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh: 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng Khoa khám bệnh, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh như bàn ghế (71% số bệnh viện), lắp quạt điện (90,7% số bệnh viện), bổ sung ghế ngồi chờ (80,9% số bệnh viện), có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động (39,6%).

          - Để thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó liên thông các thông tin về bệnh nhân. Hệ thống này đã được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giữa cơ sở ở 4 tuyến từ xã, huyện, tỉnh, trung ương với cơ quan quản lý và cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính vận hành Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm và đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế áp dụng hệ thống vào hoạt động khám chữa bệnh.

         Bộ Y tế đã thường xuyên đôn đốc, và tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh ở nhiều bệnh viện, đồng thời xây dựng bảng kiểm đánh giá việc thực hiện tại các bệnh viện, yêu cầu các Bệnh viện tự đánh giá và báo cáo, kết quả thực hiện về Bộ Y tế. Hoạt động khám bệnh đã được cải tiến mạnh mẽ từ cơ sở vật chất đến quy trình, thủ tục, giúp tăng sự hài lòng người bệnh.

1.2. Chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, tôn vinh, ghi nhận công lao và đề nghị công nhận liệt sỹ cho những cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế hy sinh trên tuyến đầu chống dịch

          Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trình khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặc biệt là những cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch.

- Thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; Hướng dẫn số 2611/HD-BTĐKT ngày 06/10/2021 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hướng dẫn khen thưởng cá tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19; Hướng dẫn số 121/HD-BTĐKT ngày 13/01/2021 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương hướng dẫn về việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; Bộ Y tế đã Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua đặc biệt: “Toàn ngành Y tế đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ”. Hiện nay, Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế vẫn tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân theo đề xuất của các đơn vị.

 - Đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, cấp Bộ Y tế đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt, tiêu biểu xuất sắc trực tiếp tham gia công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại tuyến đầu theo nguyên tắc “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý” căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Để ghi nhận công lao của những cán bộ, viên chức ngành y tế đã dũng cảm hy sinh thân mình trong phòng, chống dịch COVID-19 vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 1311/TTr-BYT ngày 04/9/2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nhất trí xem xét, xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng “ Tổ quốc ghi công” đối với cán bộ, viên chức ngành y tế (bao gồm cả học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe) đã dũng cảm hy sinh trong khi trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 và tại cộng đồng theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương.

2. Về việc cử tri phản ánh hiện nay chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù ưu đãi của ngành y còn chưa tương xứng; chưa có cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể cho việc trả lương theo vị trí việc làm, do vậy khó giữ chân các bác sỹ giỏi, nhất là ở đơn vị y tế công lập. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm có cơ chế, chính sách thu hút và giữ chân các bác sỹ giỏi công tác tại các đơn vị y tế công lập địa phương.

Và về việc cử tri rất phấn khởi, hoan nghênh những cố gắng, nỗ lực của ngành y tế trong giai đoạn vừa qua đã triển khai nhiều hoạt động để từng bước nâng cao năng lực y tế cơ sở, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Tuy nhiên, cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần phải thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đầu tư xây mới, nâng cấp gắn chặt với việc chuyển giao công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn lực y tế cơ sở để phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đầu tư, sớm đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ngay tại y tế tuyến cơ sở.

2.1. Về chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở

- Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định trên để trình Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp như:

+ Chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cả bằng phương thức trực tiếp và khám chữa bệnh từ xa. Nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ cho y tế cơ sở, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cơ sở, tăng cường luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, trên xuống dưới.

+ Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, bố trí, sử dụng nhân lực hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, giúp đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.

+ Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.

2.2. Về đầu tư, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng

- Việc đầu tư, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 05/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

- Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện việc phân bổ nguồn lực của Chương trình.

- Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

2.3. Giải pháp về y tế cơ sở được đặt ra trong thời gian tới

- Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn[1] nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; trong đó đề xuất đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay WB, ADB.

- Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của y tế cơ sở theo hướng không theo địa bàn hành chính mà theo cụm dân cư để gần dân, người dân dễ tiếp cận hơn. Xây dựng và cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp để đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế y tế cơ sở. Tăng cường nhân lực cho bệnh viện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, đặc biệt là vùng đô thị có mật độ dân số lớn; đổi mới chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng các kỹ năng sơ cấp cứu, điều trị hô hấp, các bệnh thông thường, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, không để bị động, lúng túng trong tình huống dịch bệnh bùng phát.

- Đổi mới cơ chế tài chính; tăng định mức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở; hoàn thiện và triển khai đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở được bảo hiểm y tế thanh toán; gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả; thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho y tế cơ sở; đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở. Xây dựng hệ thống thông tin y tế đảm bảo tính kết nối, liên thông, tích hợp để quản lý y tế cơ sở, khám chữa bệnh từ xa, quản lý sức khỏe người dân.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[1] (1) Đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã với tổng kinh phí dự kiến là 8.845 tỉ đồng.

(2) Chương trình MTQG về phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: Tổng kinh phí cho y tế dự kiến là 2.093,181 tỉ đồng (ngân sách trung ương: 1.496,692 tỉ đồng, gồm 455,433 tỉ đồng vốn đầu tư và 1.041,259 tỉ đồng vốn sự nghiệp; ngân sách địa phương: 596,489 tỉ đồng) để tăng cường công tác y tế cơ sở, cải thiện sức khỏe người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

(3) Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 2.050 tỉ đồng (tương đương 88,6 triệu USD) vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á; vốn trong nước đầu tư cho các địa phương thực hiện Chương trình, trong đó có nội dung tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư xây mới 294 trạm y tế xã: 1.192 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 260 trạm y tế xã: 321,2 tỷ đồng.

(4) Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tổng kinh phí dự kiến 2.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 1.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp; ngân sách địa phương: 500 tỷ đồng vốn sự nghiệp; Vốn huy động hợp pháp khác: 500 tỷ đồng) để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

(5) Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nguồn vốn WB với tổng vốn 126,25 triệu USD để đầu tư cho 13 tỉnh (trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đầu tư xây mới 133 trạm y tế xã: 525,7 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 308 trạm y tế xã: 477,7 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo sửa chữa 12 trung tâm y tế huyện: 137,3 tỷ đồng.

 


Thăm dò ý kiến