Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Long An

11/11/2022 | 15:51 PM

 | 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

 

Bộ Y tế nhận được công văn số 685/BDN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Long An.

Sau khi nghiên cứu các nội dung kiến nghị và rà soát văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Về việc cử tri tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm chính sách bảo hiểm y tế toàn dân để người tham gia bảo hiểm y tế được đảm bảo về quyền lợi và chăm sóc trong khám và điều trị bảo hiểm y tế cũng như tránh tình trạng bị phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Chính sách bảo hiểm y tế toàn dân luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, các mục tiêu về bao phủ bảo hiểm y tế đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ đạo sát sao. Các chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đến năm 2025 và 2030 đã được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25  tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, theo đó mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân s, đến năm 2023, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân s. Vừa qua, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2022 về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025 cụ thể cho từng địa phương để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật không có quy định phân biệt đối xử giữa người bệnh khám chữa bệnh có tham gia bảo hiểm y tế và người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế. Theo quy định việc khám, chẩn đoán và điều trị phải căn cứ trên tình trạng bệnh tật và tuân thủ quy trình, phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành, không có sự phân biệt giữa hai nhóm đối tượng này. Thẻ bảo hiểm y tế không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, mà chỉ là phương tiện để thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, do cơ chế và thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế khác với khám dịch vụ nên người bệnh khi đến khám chữa bệnh cũng phải tuân thủ theo một số quy định riêng (kê khai giấy tờ, sổ sách và thanh toán). Trong thời gian qua, với mục đích từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh nói chung và người bệnh bảo hiểm y tế nói riêng khi đi khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn quy trình khám bệnh, thực hiện các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh. Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế để không làm tăng thủ tục hành chính cũng như khối lượng công việc của các bên.

2. Về việc cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu không quy định định mức khám chữa bệnh nội trú. Vì hiện nay những người lớn tuổi, những người mắc nhiều bệnh thì khi khám chữa bệnh nội trú chỉ cấp thuốc điều trị 01 hoặc 02 loại bệnh, như vậy không đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, pháp luật về bảo hiểm y tế không quy định định mức khám chữa bệnh nội trú. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế hiện nay đã được quy định trong Luật bảo hiểm y tế, theo đó phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế phụ thuộc vào: đối tượng; thủ tục khám, chữa bệnh; tình trạng hay mức độ bệnh tật.

Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Các danh mục này cũng được thường xuyên sửa đổi, bổ sung và cập nhật để đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc cho người bệnh theo các danh mục này và dựa theo tình trạng bệnh tật của người bệnh, không bị giới hạn số lượng chủng loại thuốc, không giới hạn số loại bệnh được điều trị cho mỗi lượt khám, chữa bệnh.

3. Về việc cử tri kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011, vì hiện nay Nghị định này còn nhiều bất cập liên quan đến quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập tại các địa phương.

Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định trên để trình Chính phủ ban hành.

4. Về việc người dân bức xúc trước tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là đối với một số bệnh đặc trị: tiểu đường, huyết áp, tiền liệt tuyến, tim mạch,... do đang chờ đấu thầu gây khó khăn cho người dân. Kiến nghị Trung ương có chính sách, cơ chế đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế thông thoáng hơn, đồng thời xem xét sửa đổi Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế về quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là do nhiều nguyên nhân như: (1) Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động; (2) Tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc; (3) Một số khó khăn trong đấu thầu thuốc; (4) Văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể có thể dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau.

Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên:

- Khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; nghiên cứu đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực số đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1, 3.8 Nghị quyết số 30/2021/QH15 đến hết ngày 31/12/2023 do ảnh hưởng của dịch bệnh và để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp trong những năm sau năm 2023.

- Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện. Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp rà soát các vướng mắc trong các quy định hiện hành và đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT[1], Thông tư số 15/2019/TT-BYT[2]...; Bộ Tài chính rà soát các quy định liên quan đến mua sắm như tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC[3], Nghị định số 151/2017/NĐ-CP[4], Nghị định số 29/2018/NĐ-CP[5]... để sớm (đề xuất) sửa đổi, bổ sung.

- Xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó đề xuất đưa các nội dung về đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với vật tư, sinh phẩm xét nghiệm để các đơn vị thực hiện.

- Tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện phân cấp việc cấp phép trang thiết bị y tế; tăng cường triển khai quy định kê khai giá tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Long An liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[1] Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

[2] Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

[3] Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 về quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

[4] Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công.

[5] Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.


Thăm dò ý kiến