Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để giải quyết những bất cập hiện nay khi áp dụng: 1. Các cơ sở chưa được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng lại áp dụng hình thức phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 đến 12 tháng” là chưa phù hợp. 2. Hành vi “Không lập hoặc lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật” có mức phạt tiền thấp (khung phạt từ 200.000đ-500.000đ) chưa đủ sức răn đe cơ sở (Hồ sơ bệnh án là chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp trong khám, chữa bệnh của người bệnh, tuy nhiên các cơ sở có hành vi đối phó, cố tình không cung cấp hồ sơ, bệnh án tại cơ sở tại thời điểm kiểm tra). 3. Chưa có quy định về xử phạt đối với các hành vi: Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính nhưng trên thực tế lại mở cửa hoạt động trong giờ hành chính; Bác sỹ phụ trách chuyên môn vắng mặt tại phòng khám; Niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa đầy đủ theo Danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt; Kê đơn thuốc ngoại trú; Thay đổi nhân sự tham gia khám, chữa bệnh là Trưởng khoa tại Phòng khám đa khoa, bệnh viện nhưng không báo cáo và thực hiện bổ sung nhân sự thay thế; Cần có quy định về mức giá trần đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để hạn chế việc thu giá dịch vụ quá cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; Đăng ký danh sách nhân sự tại cơ sở khám chữa bệnh cho cơ quan có thẩm quyền; Quảng cáo hoạt động tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; Bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của tư vấn viên online, nhân viên tư vấn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hoạt động tư vấn online trên các trang mạng xã hội của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hành vi chẩn đoán bệnh nhiều lần (có dấu hiệu “vẽ bệnh”) trong quá trình khám và điều trị tại các phòng khám đa khoa; Sử dụng dung môi, hóa chất đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc tại các phòng xét nghiệm; Các hành vi vi phạm đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh kính thuốc, các cơ sở chăm sóc da, dịch vụ thẩm mỹ…; Các quy định về điều kiện, nhân sự đối với việc sử dụng xe cấp cứu tại các phòng khám tư nhân. (TP. Hồ Chí Minh)

03/11/2020 | 19:50 PM

 | 

Bộ Y tế trả lời như sau:

Hiện nay, Bộ Y tế đang tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để giải quyết những bất cập hiện nay mà cử tri kiến nghị đã được nêu trong dự thảo Nghị định, cụ thể:

1. Do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động khi chưa được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì không có Giấy phép để áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi giấy phép nên chỉ có thể áp dụng hình thức Đình chỉ hoạt động có thời hạn của cơ sở theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP đã tăng thời gian áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng và tăng mức phạt để bảo đảm tính răn đe. Trường hợp hết thời hạn đình chỉ mà vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động thì sẽ tiến hành xử phạt trong trường hợp tái phạm.

2. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng”. Trường hợp cơ sở không cung cấp hồ sơ bệnh án có thể áp dụng xử phạt đối với hành vi không lập hồ sơ bệnh án theo quy định.

3. Qua rà soát dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP đã quy định như sau:

(1) “Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính nhưng trên thực tế lại mở cửa hoạt động trong giờ hành chính;”:

Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;

(2) “Bác sỹ phụ trách chuyên môn vắng mặt tại phòng khám;”.

Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

l) Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.

(3) “Niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa đầy đủ theo Danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt;”.

Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

Hành vi liên quan đến việc kê đơn thuốc đã được quy định tại Điều 41. Vi phạm quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú và trong thời gian lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi.

(4) “Kê đơn thuốc ngoại trú;”

Hành vi liên quan đến việc kê đơn thuốc đã được quy định tại Điều 41. Vi phạm quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú và trong thời gian lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi

(5) “Thay đổi nhân sự tham gia khám, chữa bệnh là Trưởng khoa tại Phòng khám đa khoa, bệnh viện nhưng không báo cáo và thực hiện bổ sung nhân sự thay thế;”

Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật;

(6) “Đăng ký danh sách nhân sự tại cơ sở khám chữa bệnh cho cơ quan có thẩm quyền;”

Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Người hành nghề đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau; tổng thời gian làm ngoài giờ vượt quá quy định của Bộ luật lao động; người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

(7) “- Bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của tư vấn viên online, nhân viên tư vấn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hoạt động tư vấn online trên các trang mạng xã hội của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hành vi chẩn đoán bệnh nhiều lần (có dấu hiệu “vẽ bệnh”) trong quá trình khám và điều trị tại các phòng khám đa khoa;”

Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

b) Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

c) Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật;

(8) “Sử dụng dung môi, hóa chất đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc tại các phòng xét nghiệm;”

Điều 79. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trang thiết bị y tế không có giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.

(9) “Các hành vi vi phạm đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh kính thuốc, các cơ sở chăm sóc da, dịch vụ thẩm mỹ…;”

Đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã được quy định:

Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

Điều 40. Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành visử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

(10) “Cần có quy định về mức giá trần đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để hạn chế việc thu giá dịch vụ quá cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân;”

Nội dung này thuộc các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp và Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định về mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

(11) “Các quy định về điều kiện, nhân sự đối với việc sử dụng xe cấp cứu tại các phòng khám tư nhân.”

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BYT ngày 14/5/2020 quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.

(12) “Quảng cáo hoạt động tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định;”

Nội dung này thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đã được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Điều 67. Vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

 


Thăm dò ý kiến