Hiện nay xuất hiện rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm tra chất lượng sản phẩm được quảng cáo, mua bán công khai các trang mạng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cử tri đề nghị có biện pháp kiểm tra, quản lý và xử lý đối với các sản phẩm rao bán trên mạng. (Bà Rịa – Vũng Tàu)

03/11/2020 | 19:52 PM

 | 

Bộ Y tế trả lời như sau:

Điều 61 Luật An toàn thực phẩm đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: “(i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (ii) Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (iii) Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (iv) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương”.

Về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm tại Khoản 4, 5 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành”. Luật An toàn thực phẩm có 04 điều: 62, 63, 64, 65 phân công trách nhiệm rõ ràng cho 03 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) và Ủy ban nhân dân các cấp; Chính phủ đã phân công cho 03 Bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, quy định rõ các ngành hàng từng Bộ quản lý (tại Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 02/02/2018); Chính phủ đã Ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm trong đó nghị định thay đổi cơ bản về phương thức quản lý và trách nhiệm phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế quản lý thực phẩm tại Phụ lục II; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Phụ lục III; Bộ Công Thương quản lý thực phẩm tại Phụ lục IV) và trách nhiện của Ủy ban nhân cấp tỉnh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 

Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; Bộ Y tế cũng tham mưu cho Chính phủ từng bước nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những giải về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố và sẽ tổng kết thí điểm vào cuối tháng 8/2020 kết quả thí điểm này là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước, thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 Chỉ thị tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đặc biệt Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã có công văn số 3220/BYT-ATTP ngày 11/6/2020 gửi các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nội dung công văn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành và Công văn số 3219/BYT-ATTP ngày 11/6/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nội dung công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn… thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Công Thương (Quản lý thị trường, quản lý thương mại điện tử) thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng xách tay, bán hàng online vi phạm, xử lý các đơn vị phát hành quảng cáo sai quy định v.v..., tăng cường tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng thực phẩm chức năng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan phát hành quảng cáo, yêu cầu chỉ quảng cáo cho các sản phẩm đã được thẩm định nội dung và quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, năng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương đến cấp huyện, xã; đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng.


Thăm dò ý kiến