Cử tri phản ánh và lo lắng về một số vấn đề như giá dịch vụ y tế tăng cao, chất lượng khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở còn hạn chế, thuốc bảo hiểm chưa chất lượng, để có thuốc tốt người bệnh vẫn phải mua thuốc ở ngoài, trong khi điều kiện kinh tế của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Cử tri mong muốn Vắc xin phòng Covid -19 sớm được tiêm chủng rộng rãi để nhân dân yên tâm trước đại dịch (Thái Bình)

06/04/2021 | 15:14 PM

 | 

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị như sau:

1. Đối với phản ánh về giá dịch vụ y tế tăng cao

Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện mức giá quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT đã tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương 1.490.000 đ. Theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công thì đến năm 2020 giá tính đủ: (1) Chi phí trực tiếp, (2) Tiền lương, (3) Chi phí quản lý, (4) Chi phí khấu hao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã có chỉ đạo “Trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác…”.

Ngày 27/01/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 655/VPCP Thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó đã chỉ đạo: “Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai tập trung các biện pháp sau:

a) Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

đ) Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường và nâng cao chất lượng xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.”.

Do vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế; trong thời gian tới khi chưa xem xét điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đồng thời lộ trình giá dịch vụ công cũng đang được Chính phủ xem xét điều chỉnh; do đó đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ xem xét, đề xuất Chính phủ dựa trên cơ sở các nguyên tắc trên và lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công sau khi được Chính phủ quyết định.

2. Đối với phản ánh chất lượng khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở còn hạn chế

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã, đang và tiếp tục triển khai các nội dung sau:

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được đơn giản hóa mạnh mẽ (Trung bình thời gian khám bệnh/1 lượt khám đã giảm được 48,5 phút), giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng bệnh viện: Triển khai có hiệu quả Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện; Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016; Tổ chức hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện (Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013) theo hướng áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế… Bệnh viện ở các tuyến, kể cả tuyến huyện sau khi áp dụng 83 Tiêu chí chất lượng đã có sự cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh rõ rệt và ngày càng tăng lên. Theo kết quả đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, Điểm trung bình chất lượng bệnh viện trên toàn quốc năm 2019 ở mức 3,19/5, trong đó các bệnh viện tuyến quận/huyệt đạt mức 3,02/5, thể hiện chất lượng bệnh viện tuyến dưới đang thu hẹp dần với bệnh viện tuyến trên.

- Nâng cao chất lượng hoạt động lâm sàng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh: Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật…

- Thực hiện các hoạt động để giảm tải các bệnh viện cho tuyến trên:

+ Theo kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 43.3% (2.700 khoa), khoa cận lâm  sàng là 48,1% (977 khoa). Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 38,5% (1.039 khoa), khoa cận lâm sàng là 17,8% (362 khoa).

+ Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường (Tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường); giường bệnh thực kê là 56.501 giường (Tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường).

+ Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; Quyết định số 5168/QĐ-BYT ngày 24/8/2018 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020.

- Phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh: Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án. Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình theo Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22/3/2013 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020. Triển khai Đề án Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025.

- Xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Hoạt động Đề án sẽ thay đổi phương thức chỉ đạo tuyến “truyền thống. Thay vì chỉ đạo, các thầy thuốc tuyến trên sẽ cùng đồng hành với tuyến dưới. “Đội hình 1-4-4-2” là một thầy thuốc tuyến trên kết nối, chia sẻ, hướng dẫn cho 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã sẽ tạo ra các nhóm làm việc theo từng chuyên khoa, tăng cường học hỏi, trau dồi kiến thức. Đề án được triển khai tốt sẽ không chỉ tăng cường đội ngũ bác sĩ cho các tuyến mà còn góp phẩn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Kết quả đến nay có 32 bệnh viện tuyến trên tham gia Đề án; trong đó có 25/32 bệnh viện tổ chức Trung tâm Khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%) và thực hiện các cuộc hội chẩn thường quy. Các bệnh viện khác hiện đang xây dựng kế hoạch thực hiện.

Qua số liệu tổng hợp hơn 3.000 ca bệnh và 794 buổi hội chẩn đã được diễn ra, kết nối hơn 6.000 đầu cầu, 155 ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đây là những con số rất tích cực thể hiện hiệu quả Đề án khám chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin đối với lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội được điều trị có chất lượng cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước.

Ở tuyến dưới, chất lượng dịch vụ y tế hạn chế hơn so với tuyến trên tuy nhiên sau khi triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, 1.500 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối vào mạng lưới qua hệ thống Viettel. Đã có trên 4.000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15.000 nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ  nhau trong công tác khám chữa bệnh và tư vấn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Các bệnh viện bố trí lịch vào 1, 2 ngày trong tuần đều tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến Telehealth.

Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho tất cả người dân, kể cả những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hệ thống các phòng khám chữa bệnh ban đầu từ xa đã được các bệnh viện phối hợp và thiết lập. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho người dân tại khu vực tuyến dưới được tiếp cận với các y bác sĩ tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh tế.

Ngoài những ca hội chẩn thông thường, các ca hội chẩn cấp cứu trực tuyến đã góp phần cứu được rất nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới một cách kịp thời, hiệu quả. Các ca hội chẩn cấp cứu được thực hiện với đa dạng các ca bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau từ tai nạn, ngộ độc, suy hô hấp, sốc phản vệ, sản giật và tiền sản giật, vỡ tử cung…; các đầu cầu đều sẵn sàng hỗ trợ tại bất kì thời điểm nào trong ngày. Điều này cho thấy sự tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân đã được cải thiện đáng kể, tăng cơ hội cho rất nhiều người mắc bệnh nặng mà trước đây gặp khó khăn để cứu chữa.

Với việc triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 – 2025, trong thời gian tới Bộ Y tế không chỉ tăng cường đội ngũ bác sĩ cho các tuyến mà còn góp phẩn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

            3. Đối với phản ánh thuốc bảo hiểm chưa chất lượng

Theo các quy định hiện hành về quản lý dược, thuốc lưu hành, sử dụng phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo về an toàn, hiệu quả, phải đáp ứng yêu cầu về nhãn thuốc và có vật liệu bao bì và dạng đóng gói phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Hàng năm hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước đều xây dựng kế hoạch lấy mẫu, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả việc lấy mẫu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, các thuốc trong danh mục Bảo hiểm y tế chi trả được lựa chọn thông qua công tác đấu thầu quốc gia, đấu thầu tại địa phương và các cơ sở y tế. Theo quy định đấu thầu, điều kiện để được tham gia thầu là thuốc phải có Giấy phép lưu hành, và các công ty có thuốc vi phạm chất lượng thì khi tham gia đấu thầu sẽ bị trừ điểm kỹ thuật, do đó các công ty mà có thuốc vi phạm chất lượng sẽ rất khó để trúng thầu các thuốc để vào trong Danh mục bảo hiểm y tế. Các thuốc trong Danh mục bảo hiểm y tế được kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối.

Theo các quy định tại Luật dược, ngành Dược là ngành kinh doanh có điều kiện được tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao. Tất cả các cơ sở có hoạt động sản xuất, kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối, bán buôn, bán lẻ thuốc tối thiểu đều phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Chất lượng thuốc được được giám sát chặt chẽ bởi việc tiền kiểm về điều kiện nghiên cứu, sản xuất, phân phối, đăng ký lưu hành thuốc và việc hậu kiểm qua việc thanh tra, kiểm tra việc duy trì điều kiện sản xuất, kinh doanh, cũng như việc lấy mẫu, kiểm nghiệm giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc (với 03 Viện ở tuyến Trung ương và 61 Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố). Các thuốc không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện và thu hồi kịp thời; Các cơ sở vi phạm bị xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2019 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98%, 1,59% và 1,40%.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc sản xuất, lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiến hành triển khai một loạt các biện pháp:

- Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ đối với chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 sửa đổi, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; trong đó quy định cụ thể các hành vi vi phạm, mức xử phạt  tương ứng;  xử lý nặng đối với các hành vi vi phạm về chất lượng và các quy định chuyên môn về dược.

- Bộ Y tế cũng đang triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc nhằm đảm bảo việc cung ứng cũng như chất lượng thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, thuốc thuộc Danh mục bảo hiểm y tế nói riêng.

- Triển khai nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức Cơ quan quản lý thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm thuộc Bộ Y tế để tăng cao năng lực quản lý đối với thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm, giảm sự chồng chéo trong quản lý giữa các đơn vị.

- Triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp dược Việt Nam, theo định hướng ngành dược Việt Nam sản xuất thuốc phát minh, thuốc có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của Châu Âu trong sản xuất, phân phối thuốc, hướng tới Việt Nam là trở thành một Trung tâm sản xuất, cung ứng thuốc chất lượng cao.

- Xây dựng quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc, trong đó có các thuốc thuộc Danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống kiểm tra chất lượng ưu tiên lấy mẫu thuốc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là thuốc sử dụng trong các Chương trình y tế, tại các cơ sở khám chữa bệnh, để kịp thời phát hiện thuốc kém chất lượng trong toàn hệ thống:

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý: Bộ Y tế tiếp tục triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp công tác với các Ban/Bộ ngành: Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công an, Thị trường tăng cường các hoạt động hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân vi phạm các vụ việc sản xuất buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc kém chất lượng.

- Xây dựng kênh thông tin để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của doanh nghiệp, của nhân dân về các trường hợp nghi ngờ.

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

4. Đối với mong muốn vắc xin phòng COVID-19 sớm được tiêm chủng rộng rãi để nhân dân yên tâm trước đại dịch

Nghiên cứu, sản xuất, mua và sử dụng vắc xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 14/5/2021, có 283 loại vắc xin phòng COVID-19 đang triển khai nghiên cứu (99 vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng, 184 vắc xin đang trong giai đoạn tiền lâm sàng); 14 vắc xin được các quốc gia cấp phép hoặc được phê duyệt sử dụng khẩn cấp/có điều kiện, trong đó có 06 vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp và 03 vắc xin đang chờ WHO phê duyệt. Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 02 loại vắc xin. Theo thông tin của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đến ngày 14/5/2021, có 12,1 tỷ liều vắc xin đã được các quốc gia đặt mua. Số liều vắc xin này có thể đủ để bao phủ gần 80% dân số thế giới nếu được phân bổ công bằng; tuy nhiên, thực tế hơn 40 nước có điều kiện đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng của người dân: Canada gấp 6 lần, Thụy Sỹ gấp 4 lần, New Zealand gấp 3,3 lần, Anh gấp 3,2 lần…, trong khi một số nước khác chưa có hoặc rất ít vắc xin. Năng lực sản xuất hiện vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu đặt mua của các nước. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Liên minh Châu Âu, Ấn Độ áp dụng cơ chế kiểm soát như cấm/hạn chế xuất khẩu để phục vụ nhu cầu nội địa trước tình trạng khan hiếm vắc xin.

Về độ an toàn và hiệu quả bảo vệ, tiêm bất cứ vắc xin nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định, nhất là đối với các vắc xin mới như vắc xin phòng COVID-19 do mới được phát triển trong thời gian ngắn. Tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19 hiện vẫn đang được theo dõi, tổng hợp; chưa có đủ dữ liệu khoa học để đánh giá hiệu quả bảo vệ lâu dài của vắc xin sau tiêm. Các nhà sản xuất đều công bố hiệu lực bảo vệ trước mắt khoảng 6 tháng đến 1 năm, có thể kéo dài hơn, nhưng chưa được khẳng định. Về cấp phép lưu hành vắc xin, Tổ chức Y tế thế giới và một số quốc gia đều tiến hành đăng ký cấp phép lưu hành theo cơ chế khẩn cấp; vừa sử dụng, vừa theo dõi, đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin nên đa số các công ty sản xuất vắc xin đều yêu cầu ký với điều kiện thỏa thuận mua từ trước.

Về phương thức mua, các nước thực hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng hầu hết các công ty sản xuất vắc xin yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm. Về giá, các thỏa thuận mua vắc xin không được công khai giữa các nước, giá các loại vắc xin dao động rất lớn do sự đa dạng trong công nghệ nghiên cứu, sản xuất, khả năng cạnh tranh, số lượng mua, thời gian cung cấp, nhu cầu cũng như đối tác, quốc gia mua và các yếu tố chính trị.

Ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ khoảng 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Tổ công tác liên ngành tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, nếu đàm phán thành công sẽ trình Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Ngoài ra, tiếp tục làm việc với các Bộ ngành và các tổ chức, cá nhân để tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 và tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin an toàn hiệu quả; mở rộng độ bao phủ tiêm vắc xin để hướng tới miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Để đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Hiện nay, Việt Nam có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, trong đó có 2 vắc xin đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến sang năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ Y tế đã có văn bản gửi WHO nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu vắc xin, Bộ Y tế đã có kế hoạch tăng cường công tác quản lý về hoạt động tiêm chủng, bao gồm cả tiêm vắc xin COVID-19. Ngày 27/4/2021, Bộ Y tế đã có công văn số 307/TTrB-P1 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, tập trung các nội dung liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 như lợi dụng tình hình khan hiếm vắc xin để sản xuất, mua bán vắc xin giả, vắc xin không đảm bảo chất lượng hoặc nâng giá vắc xin dịch vụ nếu có; việc bảo quản, phân phối vắc xin và thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn. Đồng thời Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn chức năng và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, cơ sở tiêm chủng trên địa bàn các tỉnh/thành phố.

 


Thăm dò ý kiến