Cử tri phản ảnh, thời gian qua trên phạm vi cả nước đã phát hiện hàng trăm vụ sản xuất thực phẩm bẩn, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Hậu quả gây ra là những vụ ngộ độc thực phẩm cho hàng trăm người, thậm chí có trường hợp tử vong, gây bất an cho người dân; chưa nói đến việc người dân hàng ngày sử dụng các loại thực phẩm, hàng hóa này gây ra nhiều bệnh tật, hủy hoại sức khỏe. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm nói trên chỉ bị xử phạt hành chính, hoặc truy tố hình sự với khung hình phạt rất nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan theo hướng tăng nặng chế tài xử lý, đảm bảo tính răn đe, khắc phục tình trạng nêu trên. (Đà Nẵng)

03/11/2020 | 19:24 PM

 | 

Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong quản lý và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường đầu tư cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. (TP. Hồ Chí Minh)

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm, không để phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý. (Hải Phòng)

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Điều 61 Luật An toàn thực phẩm đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: “(i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (ii) Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (iii) Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (iv) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương”.

Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; thực phẩm phải được quản lý tất cả quá trình từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh… tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy còn tình trạng vi phạm về chất lượng nhưng tình hình cơ bản đã có chuyển biến.

Tại Điều 40 Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm cũng giao trách nhiệm cho quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm tại Khoản 4, 5 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành”. Như vậy, thực phẩm phải được quản lý tất cả quá trình từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh… phân công ngành chịu trách nhiệm quản lý, ngành phối hợp. Luật An toàn thực phẩm có 04 điều: 62, 63, 64, 65 phân công trách nhiệm rõ ràng cho 03 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) và Ủy ban nhân dân các cấp; Chính phủ đã phân công cho 03 Bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, quy định rõ các ngành hàng từng Bộ quản lý (tại Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 02/02/2018); Chính phủ đã Ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 trong đó Nghị định thay đổi cơ bản về phương thức quản lý và trách nhiệm phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế quản lý thực phẩm tại Phụ lục II; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Phụ lục III; Bộ Công Thương quản lý thực phẩm tại Phụ lục IV) và trách nhiện của Ủy ban nhân cấp tỉnh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Thời gian qua tại Trung ương và địa phương đã rất tích cực trong việc rà soát và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nói riêng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTgngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất đồng thời tham mưu kiểm tra công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại một số địa phương. Ngày 13/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới trong đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm và đẩy mạnh việc kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.

Hàng năm, Bộ Y tế với trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương), các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo trách nhiệm được phân công.

Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Các hành vi vi phạm được cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi

Trong trường hợp có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh lô sản phẩm thực phẩm là hàng giả; Căn cứ Điểm b Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; vụ việc có dấu hiệu hình sự, Bộ Y tế sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra địa phương để điều tra, xử lý theo quy định.

Đặc biệt tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng…gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, Gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2017 đến 2019 toàn quốc đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 1.865.763 cơ sở, trong đó phát hiện 320.878 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 68.830 cơ sở với tổng sổ tiền phạt là: 194.406.634.164 đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: đình chỉhoạt động 1172 cơ sở; 12021 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 12938 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm vi phạm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…) và chuyển cơ quan chức năng khác xử lý hàng trăm trường hợp.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2019, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã triển khai 89 đoàn thanh tra, kiểm tra kiên ngành theo kế hoạch và đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; đã xử phạt vi phạm hành chính 220 cơ sở với 302 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 11.790.296.977 đồng. Cùng với phạt tiền, đã thu hồi trên 320 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thu hồi 26 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và17 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử trên 90 trường hợp, chuyển cơ quan điều tratrên 30 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, dừng lưu thông, thu hồi và tiêu hủy hàng trăm lô sản phẩm thực phẩm vi phạm.

Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh việc kiểm tra công tác quản ký an toàn thực phẩm tại địa phương theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Bộ Y tế cũng tham mưu cho Chính phủ từng bước nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những giải về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt đang triển khai thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 sẽ dự kiến tổng kết thí điểm vào cuối tháng 8/2020 kết quả thí điểm này là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước; tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đặc biệt phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Công Thương (Quản lý thị trường, quản lý thương mại điện tử) thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng xách tay, bán hàng online vi phạm, xử lý các đơn vị phát hành quảng cáo sai quy định v.v..., tăng cường tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng thực phẩm chức năng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan phát hành quảng cáo, yêu cầu chỉ quảng cáo cho các sản phẩm đã được thẩm định nội dung và quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, năng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương đến cấp huyện, xã; đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.


Thăm dò ý kiến