Cử tri kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ các phần mềm Bệnh án điện tử, Quản lý bệnh viện; nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh đồng bộ, thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh; cập nhật được thông tin trên toàn hệ thống; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thông tin giám định bảo hiểm y tế (Lâm Đồng).

28/05/2020 | 08:17 AM

 | 

Cử tri kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ các phần mềm Bệnh án điện tử, Quản lý bệnh viện; nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh đồng bộ, thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh; cập nhật được thông tin trên toàn hệ thống; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thông tin giám định bảo hiểm y tế (Lâm Đồng).

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Về việc triển khai bệnh án điện tử

- Điểm b Khoản 2 Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh cũng đã quy định “Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án”. Hiện nay, hồ sơ bệnh án điện tử đã được quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế (Thông tư số 46) và nhóm tiêu chí bệnh án điện tử (EMR) quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

- Điều 2 Thông tư số 46 khẳng định hồ sơ bệnh án điện tử có ký số thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.Hồ sơ bệnh án điện tử gồm những nội dung cơ bản như sau:

+ Lập, cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử

+ Lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử

+ Sử dụng và khai thác hồ sơ bệnh án điện tử

+ Các loại và nội dung của hồ sơ bệnh án điện tử

+ Phần mềm về hồ sơ bệnh án điện tử

+ Định danh người bệnh

+ Bảo mật và tính riêng tư

+ Sử dụng chữ ký số trong hồ sơ bệnh án điện tử

+ Tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế (tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế)

Để lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức 6 theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng các nội dung được quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT.

Điều 18 Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã phân quyền cho Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định, đánh giá cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng quy định của Bộ Y tế. Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ trên kết quả đánh giá của Hội đồng chuyên môn để quyết định lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, đồng thời có văn bản thông báo với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và trang thông tin điện tử của Cục Công nghệ thông tin.

2. Về việc triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh đồng bộ, thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh; cập nhật được thông tin trên toàn hệ thống; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thông tin giám định bảo hiểm y tế

Nhằm đảm tính đồng bộ trong việc triển khai xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện và các hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư số 54/2017/TT-BYT đã hướng dẫn rất chi tiết 07 mức ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.. trong đó, nếu đạt từ mức 6 và 7 sẽ đạt tiêu chí bệnh viện thông minh.

Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 5349/QĐ-BYT về Phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, với mục tiêu chung là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.

Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử có 4 mục tiêu cụ thể:

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân.

b) Thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành y tế đã ban hành bao gồm tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

c) Đến năm 2020: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.

d) Năm 2025: 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước

Việc triển khai đồng bộ phần mềm quản lý bệnh viện theo các tiêu chí bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn. Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 01/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 về việc Phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu trong thời gian tới là “Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, trong đó định hướng 03 mục tiêu cụ thể như sau:

- Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.


Thăm dò ý kiến