Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Phú Yên về đầu tư lĩnh vực y tế

16/12/2013 | 05:00 AM

 | 

Câu hỏi:

 

 

Cử tri tỉnh Phú Yên có ý kiến: "Đề nghị Chính phủ nên đầu tư về lĩnh vực y tế như xây dựng bệnh viện để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm…"

Trả lời :

 

 

1. Về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động  thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của BCH TW khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai:

- Xây dựng và trình Chính phủ Đề án Giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2012-2016, nhằm khắc phục quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện đa khoa tuyến cuối gắn với việc hình thành mạng lưới khám, chữa bệnh theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục và đồng bộ về cấp độ chuyên môn; tập trung đầu tư phát triển thêm các cơ sở bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng đề án huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng y tế đến năm 2012, đảm bảo tính khả thi.

- Xây dựng đề án đầu tư nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc.

- Hoàn thành đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ và danh mục các bệnh viện huyện được bổ sung; các bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên khoa tâm thần, lao, ung bướu chuyên khoa Nhi và một số đơn vị Trung ương theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ sử dụng vốn TPCP và các nguồn vốn hợp pháp khác.

-Xây dựng đề án đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng đồng bộ (bao gồm hệ thống y tế cơ sở, cơ sở y tế dự phòng, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm) và đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống các trường Y Dược và kỹ thuật y tế trong toàn quốc, ưu tiên cho các trường trọng điểm (bao gồm trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Cần Thơ) và các Viện nghiên cứu trọng điểm.

- Triển khai Đề án thí điểm một số cơ chế chính sách đối với các trung tâm điều trị theo nhu cầu bằng kỹ thuật tiên tiến và phát triển y tế chuyên sâu và tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị cấp vùng.

Như vậy, Bộ Y tế, các địa phương đã xác định ưu tiên cho các Dự án nằm trong định hướng đầu tư của Chính phủ trong bố trí vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các địa phương và vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu y tế quốc gia, trong đó ưu tiên các trọng tâm:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, nâng cấp các bệnh viện huyện theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg; một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn, các bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, nhi theo Quyết định số 930/QĐ-TTg; các trung tâm y tế huyện theo Quyết định 1402/2008/QĐ-TTg; các trung tâm phòng chống HIV/AIDS theo Quyết định 1107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

-  Đầu tư từ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ đầu tư cho hệ thống trung tâm y tế tỉnh: các bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, bệnh viện mắt... mà chưa có nguồn trái phiếu Chính phủ.

- Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức Ngân hàng, tài chính nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư, tiếp cận công nghệ mới, tiến tiến của Thế giới, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập trong lĩnh vực y dược. Tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án ODA, dự án NGO. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh miền núi phía bắc; Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Nam Trung bộ, dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ, Dự án Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế (nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á-ADB). Tiếp tục huy động và tranh thủ nguồn viện trợ của các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ khác cho phát triển y tế địa phương.

- Xã hội hóa: Huy động các các nguồn vốn đầu tư, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để tăng số giường bệnh; xây dựng thêm các bệnh viện mới; Phát triển y tế ngoài công lập: tạo điều kiện khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân. 

- Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính: Triển khai Nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính khi được Chính phủ ban hành. Tăng cường tự chủ toàn diện cho giám đốc các đơn vị. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách. Triển khai khung giá dịch vụ y tế mới trên cơ sở tính đúng tính đủ, phần nào nhà nước chi thì không thu. Đẩy mạnh việc vay vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Phát triển để đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43 của Chính phủ, chuyển các bệnh viện từ loại hình tự đảm bảo một phần kinh phí thường xuyên sang tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên để phát huy quyền chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng các nguồn tài chính, sắp xếp, bố trí nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để tổ chức các hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân, tăng thu nhập hợp pháp cho người lao động.

b. Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong năm 2012, công tác an toàn thực phẩm đã được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo và có bước tiến bộ đáng ghi nhận. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh, trong năm đã ban hành 03 Nghị định của Chính phủ, 05 Quyết định của Thủ tướng, 57 Thông tư của các Bộ, 11 Quy chuẩn kỹ thuật và 67 Tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch ban hành văn bản chỉ đạo. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp đã được kiện toàn, hiện nay cả nước chỉ còn 3 huyện và 71 xã chưa thành lập Ban Chỉ đạo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành sâu rộng hơn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Công tác truyền thông được đẩy mạnh tích cực từ trung ương đến các địa phương với nhiều trang, bài, chuyên đề và thông tin thiết thực về an toàn thực phẩm. Các cuộc vận động từ cơ sở với phong trào “ba không”: không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục, bước đầu có kết quả tích cực được dư luận đồng tình ủng hộ. Đặc biệt đã quyết liệt triển khai một hoạt động có tính đột phá, trên cơ sở phát huy sức mạnh liên ngành, liên địa phương đối với việc kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả gà nhập lậu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2012, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn một số tồn tại, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngày 09/1/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai và làm tốt các nhiệm vụ theo phân công như sau:

a. Bộ Công thương:

- Tập trung triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088); Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua các đường nhỏ lẻ, kể cả chính ngạch và không chính ngạch. Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án 2088, nghiên cứu và xây dựng các đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh đối với các mặt hàng khác như gia súc, cau, củ, quả nhập khẩu trái phép hoặc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm;

- Tiếp tục triển khai nghiêm quy định tạm thời về cấm kinh doanh, tạm nhập, tái xuất đối với mặt hàng phủ tạng, phụ phẩm gia súc, phụ phẩm gia cầm đông lạnh và tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện;

- Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình chợ an toàn tại các địa phương, xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình chợ an toàn; tổ chức sơ kết việc xây dựng mô hình này và nhân rộng trong toàn quốc;

- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát kinh doanh và sử dụng rượu. Tổ chức khảo sát và có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu phù hợp với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ khác.

b. Bộ Y tế:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tốt Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Quý Tỵ, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2013.

c. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương xây dựng các tiêu chí về xã phường an toàn thực phẩm để bổ sung vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

d. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan:

- Ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý các mặt hàng liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, theo lĩnh vực được phân công;

- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vận động phong trào “ba không”: không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục;

- Tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trong các kế hoạch, chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về an toàn thực phẩm năm 2013 để thực hiện Đề án 2088, tạo chuyển biến về chất trong nhận thức người dân về nguy cơ tác hạn sức khỏe và nòi giống khi tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu không được kiểm dịch thú y và kiểm tra an toàn thực phẩm;

- Biểu dương khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm.

e. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có điều kiện, tiếp tục triển khai mô hình liên kết giữa các địa phương để tiêu thụ sản phẩm an toàn trên địa bàn.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Tiến hành các hoạt động thiết thực, tăng cường thanh, kiểm tra tạo được những chuyển biến tích cực, cụ thể trong tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn của mỗi địa phương.


Thăm dò ý kiến