Thông tin y tế 29 - 31/8/2020

31/08/2020 | 15:42 PM

 | 

1. TP.HCM: 2 Bệnh viện không an toàn trong phòng chống dịch COVID-19

Ngày 28/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến nay trên địa bàn TP đã có 28 bệnh viện được kiểm tra và đánh giá về mức độ an toàn đối với dịch bệnh COVID-19, đáng lưu ý có 6 bệnh viện an toàn mức thấp, 2 bệnh viện không an toàn.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM đã lập đoàn kiểm tra, giám sát, và thực hiện đánh giá các bệnh viện theo “Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” và “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại”.

Tính đến ngày 28/8, đã có 28 bệnh viện được đánh giá và kiểm tra, trong đó: 20 bệnh viện được đánh giá là bệnh viện an toàn; 6 bệnh viện an toàn thấp; 2 bệnh viện không an toàn. Đối với 6 bệnh viện an toàn thấp, gồm: Bệnh viện Quận 10, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Quận Phú Nhuận, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quận 9, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn; 2 bệnh viện không an toàn là Bệnh viện Quận Gò Vấp, Bệnh viện STO Phương Đông.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc kiểm tra, đánh giá trên nhằm giúp các bệnh viện xác định được những vấn đề ưu tiên để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19, không để bệnh viện trở thành nơi lây nhiễm dịch bệnh. Do đây là lần đầu tiên các bệnh viện được đánh giá theo 37 tiêu chí bệnh viện an toàn vừa được Bộ Y tế ban hành và thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố không để bệnh viện nào trở thành nơi lây nhiễm, đoàn kiểm tra quyết định sẽ đánh giá lại lần hai sau 1 tuần đối với tất cả bệnh viện còn ở mức không an toàn trong lần đánh giá thứ nhất. Do đó, đây là thời gian cần thiết để các bệnh viện thực hiện rà soát và khẩn trương bổ sung những tiêu chí còn thiếu trong bộ tiêu chí.

Trước đó, ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định số 3088/QĐ-BYT ban hành “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” áp dụng cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập. Bộ tiêu chí cung cấp công cụ và đánh giá thực trạng công tác phòng chống dịch COVID-19  và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của bệnh viện; định hướng cho bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để hoạt động khám chữa bệnh an toàn, phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế, đồng thời góp phần bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm dịch COVID-19, các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngày 10/8, Sở Y tế TP.HCM có công văn số 4540/SYT-NVY yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại”, trên cơ sở hệ thống lại các quy định của Bộ Y tế và các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn về công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện. Khuyến cáo gồm 14 hoạt động cụ thể, trong đó, hoạt động đầu tiên được nhắc đến là “Tổ chức đánh giá và đánh giá lại mức đạt của bệnh viện theo “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế) giúp định hướng cho bệnh viện xác định những vấn đề ưu tiên để hoạt động khám chữa bệnh an toàn, phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của nhân viên y tế tại tại các khoa, phòng trong toàn bệnh viện về các tiêu chí bệnh viện an toàn”. (29.8.2020, 779)

2. PGS.TS Phan Trọng Lân: Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát COVID- 19 sau tái dương tính

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính với COVID-19 ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục; chưa phân lập được vi rút sống trong mẫu, cho dù lúc đầu nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh; Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát sau tái dương tính

Ngày 28/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội… cũng ghi nhận một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trên thế giới và tại Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp có tái dương tính (thường là dương tính "yếu") sau khi đã xuất viện.

Trên thế giới đã có báo cáo khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 ở 3 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.

Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được vi rút sống trong mẫu, cho dù lúc đầu nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh; Đồng thời tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát sau tái dương tính.

PGS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết thêm, các khảo sát tại Viện Pasteur Thành phố  Hồ Chí Minh khi tiến hành xét nghiệm phân lập vi rút cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính “yếu” đều không ghi nhận có vi rút sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. Điều này có ý nghĩa trong việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý kịp thời.

Trong trường hợp cần thiết, các xét nghiệm phân lập vi rút, giải trình tự toàn bộ gen, xét nghiệm huyết thanh học và miễn dịch học nên được xem xét chỉ định thực hiện để hỗ trợ cho việc biện luận kết quả, đánh giá diễn tiến bệnh để có thể kết luận và đáp ứng kịp thời.

“Đến nay sự hiểu về COVID- 19 của giới chuyên môn vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt liên qua đến đột biến gen của vi rút, do đó cần tiếp tục theo dõi. Để đảm bảo hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng, trong giai đoạn hiện nay đối với mỗi trường hợp tái dương tính đều cần phải xử lý như 1 ca bệnh dương tính”- Viện trưởng Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 27/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.

Theo đó, Quyền Bộ trưởng cho biết, những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Quyền Bộ trưởng cho biết, trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 3 lần.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh. (29.8.2020, 754)

3. Ngại dịch bệnh không đi khám, cụ ông nhiễm trùng đường mật mà không biết

Mặc dù bị sốt suốt 4 ngày liền, huyết áp tăng, người mệt mỏi nhưng ông C. sợ đến bệnh viện gặp gỡ nhiều người có nguy cơ lây bệnh COVID-19 nên đã quyết định tự ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc uống. Tuy nhiên, bệnh tình vẫn không đỡ...

Hiện nay, do dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra nên nhiều người dân có tâm lý e ngại phải đến các bệnh viện, tìm mọi cách để trì hoãn thăm khám và tự ý mua thuốc về uống khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Ông N.N.C (65 tuổi, ở Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội) mặc dù bị sốt suốt 4 ngày liền, huyết áp tăng, người mệt mỏi nhưng sợ đến bệnh viện gặp gỡ nhiều người có nguy cơ lây bệnh COVID-19 nên ông quyết định tự ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc uống. Tuy nhiên tình trạng bệnh không đỡ, ông vẫn sốt cao, người mệt mỏi và cơn đau ngày càng gia tăng nên người nhà đã đưa ông vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm trùng đường mật nên chuyển bệnh nhân vào Khoa Bệnh Nhiệt đới điều trị. Tại đây bệnh nhân đã được điều trị tích cực nên sức khỏe đã cơ bản hồi phục.

Có thể thấy, tâm lý e ngại thăm khám sức khỏe giữa mùa dịch COVID-19 vì sợ lây nhiễm, đồng thời cho rằng bệnh của mình chưa đến mức nặng phải khám và điều trị ngay, dẫn tới không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng đáng lo ngại như trường hợp của ông N.N.C.

Bên cạnh đó, thực tế trong thời gian vừa qua, đa số các trường hợp biến chứng nặng và tử vong khi mắc COVID-19 đều đã có các bệnh nền mạn tính kèm theo như: Suy thận, tim mạch, bệnh người cao tuổi, ung thư.... Những đối tượng này đều có hệ miễn dịch kém, bị suy giảm sức đề kháng do tác động của nhiều bệnh lý nền dẫn tới nguy cơ mắc bệnh cao và chuyển biến nặng khi nhiễm COVID-19 chỉ trong thời gian ngắn.

Do đó, việc kịp thời phát hiện sớm bệnh lý nền trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết để hạn chế nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao do COVID-19 gây ra.

Giãn cách số lần tái khám nhưng cần tuân thủ điều trị

TS.BS Nguyễn Thanh Vân – Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh, những người có sẵn bệnh lý nền có thể giãn cách số lần tái khám, nhưng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường thì cần được bác sĩ thăm khám ngay".

Chuyên gia bệnh nhiệt đới nhấn mạnh, những ai khi thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường nên đi thăm khám sức khỏe để tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị bệnh nếu có. Tuyệt đối không nên hoang mang, lo sợ bị nhiễm bệnh COVID-19 mà cứ ở nhà tự mua thuốc điều trị sẽ nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của bản thân.

"Người bệnh nên chủ động đến khám bệnh nếu thấy sức khỏe không ổn vì tại các bệnh viện đều đã thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh công tác phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế. Tại Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID-19, với những trường hợp nghi ngờ sẽ được phân luồng đến khu vực cách ly để thăm khám" - TS. Thanh Vân cho biết thêm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khác với dịch bệnh, các bệnh lý nền có thể dễ dàng kiểm soát ngay từ giai đoạn khởi phát bằng việc khám sức khỏe định kỳ. Thông qua việc theo dõi các chỉ số cơ thể, bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại và đưa ra hướng xử trí kịp thời.

Do vậy, người bệnh đặc biệt là người cao tuổi cần chủ động đi thăm khám để phát hiện bệnh sớm và có phác đồ điều trị phù hợp tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. (30.8.2020, 758)

4. BV Hữu Nghị: Phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với phương châm “Người bệnh là trung tâm”, “Sự hài lòng của người bệnh là thước đo Chất lượng”, những năm gần đây BV Hữu Nghị (Hà Nội) luôn chú trọng phát triển kỹ thuật mới, hiện đại, không ngừng nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Là đơn vị y tế tuyến cuối trong hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, trong những năm qua, BV Hữu Nghị đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu về hoạt động chuyên môn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, đảng viên luôn tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó trọng tâm là công tác khám, chữa bệnh (KCB). Nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai để phục vụ nhu cầu KCB ngày càng cao của cán bộ, nhân dân; phát triển đồng đều ở mọi lĩnh vực chuyên môn trong BV đa khoa, phù hợp với mô hình bệnh tật ở người cao tuổi; lựa chọn những khoa mũi nhọn để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tiên tiến, hiện đại.

Ban Giám đốc BV xác định việc triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng KCB một cách bền vững. Chỉ có phát triển chuyên môn kỹ thuật mới cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người bệnh, để khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng BV, giảm chi phí điều trị, đồng thời giúp cho người bệnh được thụ hưởng các thành tựu y học hiện đại và dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại Việt Nam mà không cần phải đi ra nước ngoài.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Hữu Nghị.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Hữu Nghị cho biết: Với nhiệm vụ chính trị là KCB cho các cán bộ trung - cao cấp của Đảng, Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức, đối tượng phục vụ đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh phối hợp, BV đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các khoa phòng, rà soát lại các dịch vụ kỹ thuật chưa làm được, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, các kỹ thuật mũi nhọn cần triển khai theo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Với tiêu chí các kỹ thuật triển khai phải đáp ứng yêu cầu phục vụ cho đại đa số người bệnh, từ đó bố trí nguồn kinh phí, mua sắm bổ sung trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ phù hợp có đủ năng lực đi học tập để làm chủ các trang thiết bị và có đủ khả năng triển khai kỹ thuật mới tại BV. Từ quan điểm chỉ đạo và định hướng như trên trong những năm gần đây hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai ứng dụng tại BV trên nhiều lĩnh khác nhau, tiêu biểu như:

Lĩnh vực Tim mạch can thiệp và Điện quang can thiệp: Sau 10 năm thành lập, với sự nỗ lực không ngừng khoa Tim mạch can thiệp đã trở thành một trong những trung tâm lớn về tim mạch can thiệp bên cạnh các kỹ thuật chụp, đặt stent động mạch vành đã được triển khai thường quy thì các kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai thường quy như: khoan cắt mảng xơ vữa cứng trong lòng động mạch vành, siêu âm trong lòng động mạch vành, đo phân suất dự trữ lưu lượng động mạch vành (FFR); điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần, laser, keo dán sinh học; đặt stent Graft trong phình động mạch chủ; hút huyết khối trong đột quỵ nhồi máu não cấp, nút túi phình, dị dạng mạch máu não…

Nút hóa chất động mạch gan (TACE) điều trị ung thư biểu mô tế bào gan.

Với việc thành lập Đơn vị Điện quang can thiệp và Điều trị đau đã phát triển rất nhiều kỹ thuật điện quang can thiệp như: hàng ngàn BN được nút hóa chất động mạch gan mỗi năm; nút mạch trong điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, u xơ tử cung; đặt stent đường mật. Bên cạnh đó, lĩnh vực điều trị đau cũng là điểm sáng và là 1 trong những cơ sở phát triển tốt ở khu vực phía Bắc như bơm xi măng đốt sống trong vỡ lún đốt sống do loãng xương, chấn thương; tiêm thẩm phân điều trị đau do thoát vị đĩa đệm; điều trị hủy thần kinh bằng phương pháp áp đông (Cryoablation) để điều trị đau mạn tính; điều trị giảm đau BN ung thư giai đoạn cuối giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh…

Lĩnh vực Ngoại khoa: Phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể nhân tạo (khoa Mắt); phẫu thuật nội soi vi phẫu hạ họng thanh quản (khoa Tai Mũi Họng); tập trung phát triển kỹ thuật phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, chuyển dần phương pháp phẫu thuật kinh điển bằng phương phẫu thuật nội soi đặc biệt trong phẫu thuật tiêu hóa và tiết niệu, gần đây nhất đã thực hiện phẫu thuật điều trị tăng sản tuyến tiền liệt bằng Laser bốc hơi (khoa Ngoại); phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp vai; tái tạo dây chằng khớp gối, thay khớp háng và khớp gối, các phẫu thuật sọ não và cột sống… (khoa Ngoại Thần kinh – Chấn thương chỉnh hình).

Đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân.

Lĩnh vực Hồi sức cấp cứu - Nội khoa: Lọc máu liên tục điều trị BN suy đa tạng, thay huyết tương, điều trị tiêu sợi huyết trong đột quỵ nhồi máu não cấp (khoa Hồi sức tích cực – Chống độc); tiêm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị bệnh lý thoái hóa khớp (khoa Cơ Xương Khớp); Kỹ thuật Laser CO2, Laser He-Ne, Laser Q- Switched YAG điều trị một số bệnh Da liễu…

Lĩnh vực Cận lâm sàng – Chẩn đoán hình ảnh: Hệ thống các máy xét nghiệm hiện đại (các khoa xét nghiệm); máy chụp Cắt lớp vi tính 256 dãy, máy siêu âm 3D tuyến vú, máy Xquang tuyến vú (Mammography), siêu âm/sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng (khoa Chẩn đoán hình ảnh); siêu âm chuyên tim 4D đầu dò thực quản (khoa Tim mạch); siêu âm xuyên sọ (khoa Thần kinh)

Song song với việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, triển khai áp dụng các kỹ thuật mới, BV Hữu Nghị còn luôn chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, môi trường BV ngày càng xanh, sạch, đẹp, tạo niềm tin, sự hài lòng của người bệnh.

Phẫu thuật nội soi khớp gối.

Từ năm 2018, trước áp lực phải tự chủ về tài chính, đòi hỏi cán bộ viên chức, người lao động của BV phải cố gắng nỗ lực hơn nữa mới hoàn thành được các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng KCB. Duy trì bền vững những kỹ thuật mới đã được triển khai, phát triển kỹ thuật mới chuyên sâu, trong lĩnh vực tim mạch, can thiệp, cấp cứu, chấn thương, chẩn đoán hình ảnh... Đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện một số kỹ thuật điều trị các mặt bệnh thường gặp tại BV. Đảm bảo an toàn người bệnh, xây dựng thương hiệu BV thân thiện, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. (31.8.2020, 1362)

5. Bộ Y tế yêu cầu báo cáo ngay các ca ngộ độc Botulinum sau vụ Pate Minh Chay

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM yêu cầu báo cáo về các ca ngộ độc do độc tố Botulinum.

Cụ thể, 3 bệnh viện cần thống kê ngay danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc tố Botulinum và có tiền sử sử dụng thực phẩm Pate Minh Chay, báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh trên và tình trạng hiện tại.

Đồng thời tổng kết một số kinh nghiệm trong công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị đối với các ca bệnh ngộ độc, báo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trong ngày hôm nay (31/8).

Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi tiếp nhận các ca bệnh mới.

* Theo cập nhật, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã xác định được 1.290 khách hàng tại TP.HCM có mua 1.559 hộp Pate Minh Chay.

Hiện Ban đã khẩn cấp liên lạc với từng khách hàng để khuyến cáo không được sử dụng trong thời gian chờ thu hồi.

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, độc tố clostridium botulinum có trong patê Minh Chay là dạng virus uốn ván, nên chỉ cần ăn một lần, sản phẩm có độc tố vào ruột sẽ hấp thu qua máu, gây liệt cơ và nếu gây liệt cơ hô hấp sẽ gây tử vong, liệt chân tay chưa chắc phục hồi được, rất nguy hiểm.

* Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ra thông báo khẩn nêu rõ, trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (02 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (05 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (02 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở….

Qua điều tra cho thấy, các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng (trang Website của công ty: pate.1001monchay.com; minhchay.com).

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Cục An toàn thực phẩm thông báo khẩn cấp người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau:

Pate Minh Chay,

Pate nấm hầu thủ,

Ruốc nấm Heri vị hảo hạng,

Muối vừng bát bảo đặc biệt,

Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc,

Giò lụa lúa mì,

Muối lạc truyền thống,

Chả quế lúa mì,

Muối vừng bát bảo,

Giò nấm lúa mì,

Ruốc nấm truyền thống,

Ruốc nấm sả ớt,

Ruốc nấm cháy tỏi.

Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời. (31.8.2020, 661)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến