Thông tin y tế 25 - 28/10/2020

28/10/2020 | 09:04 AM

 | 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa

Ngày 25/10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã tổ chức hội nghị khoa học "Một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa".

Hội nghị đã giới thiệu nhiều ứng dụng mới như: ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tự xây dựng trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam; app hỗ trợ làm sạch đại tràng lần đầu tiên tại Việt Nam; Điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm…

Lần đầu tiên, những kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi phát hiện polyp đại tràng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật tổ chức thực hiện được báo cáo chính thức tại hội nghị lần này.

GS.TS Đào Văn Long - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên ở nước ta sử dụng bộ cơ sở dữ liệu của bệnh nhân Việt Nam được gán nhãn, chuẩn hóa bởi các chuyên gia nội soi nhằm xây dựng thuật toán học máy cho bài toán phát hiện polyp đại tràng. Những kết quả bước đầu này cho thấy tính khả thi của lĩnh vực nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại tràng ở nước ta.

Đây vừa là tâm huyết, là ý chí của đội ngũ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, vừa là sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện với các chuyên gia nội soi của Hội khoa học tiêu hóa Việt nam, Liên chi hội nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đại học y Hà Nội và các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước với hy vọng trong thời gian không xa sẽ cho ra đời một sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cộng đồng cũng như kết nối dữ liệu lớn trong lĩnh vực nội soi giữa các cơ sở y tế, GS.TS Đào Văn Long nói.

Với lượng bệnh nhân nội soi đại tràng lớn, cùng công nghệ nội soi hiện đại, thời gian qua, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã bước đầu đưa vào trải nghiệm ứng dụng “làm sạch đại tràng” trên nền tảng Android và iOS giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình trước, trong và sau khi nội soi đại tràng.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, TS Đào Việt Hằng (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh lý tiêu hóa, gan mật hiện chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế, số lượng bác sĩ nội soi mới chỉ đáp ứng 5% - 10% dân số. Mỗi ngày ở các trung tâm lớn, có hơn 300 ca nội soi có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà là hướng đi cần thiết trong y học góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. Hơn nữa, với bệnh lý của polyp đại tràng, phát hiện sớm sẽ giảm thiểu tỷ lệ ung thư đại tràng.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định, ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo" – BS Hằng nói.

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu cũng giới thiệu nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa như: Báo cáo về kết quả áp dụng các thăm dò rối loạn vận động chức năng đường tiêu hóa. Ứng dụng các kỹ thuật thăm dò chức năng như đo áp lực nhu động thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản trong tối ưu hóa điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, đo áp lực hậu môn trực tràng trong một số bệnh lý rối loạn đại tiện.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả sử dụng probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng có biểu hiện trầm cảm, lo âu hứa hẹn sẽ đem đến những cái nhìn mới mẻ về các bệnh lý ở đường tiêu hóa liên quan đến vấn đề này.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ các bệnh lý chức năng tiêu hóa kèm theo các rối loạn về tâm thần đang ngày càng tăng tạo ra những thách thức mới đòi hỏi các nhà lâm sàng cần có đánh giá toàn diện hơn cũng như nhu cầu ứng dụng các liệu pháp điều trị phối hợp. Tìm hiểu về hệ microbiome đường ruột và ứng dụng thực tế của sử dụng probiotics ở từng nhóm bệnh lý là những chủ đề vừa có tính thiết thực vừa mang tính thời sự.

Về điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm, GS Đào Văn Long cho biết, u carcinoid là khối u nội tiết thần kinh và có khả năng ác tính khá cao. Đây là loại tổn thương có thể gặp ở nhiều cơ quan, tại đường tiêu hóa, u carcinoid cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó thường gặp nhất là trực tràng.

“Nếu được phát hiện sớm, loại bỏ khối u sẽ giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong những năm gần đây, những tiến bộ của nội soi chẩn đoán và can thiệp đã giúp phát hiện sớm cũng như chỉ định cắt u carcinoid qua nội soi từ đấy tránh được cho bệnh nhân ca mổ phức tạp, tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh”, GS Long nhấn mạnh.

Hội nghị đã thu hút sự chú ý đặc biệt của hơn 300 chuyên gia lĩnh vực tiêu hóa, gan mật, các bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện. (25.10.2020, 1138)

2. TTYT tuyến huyện đầu tiên của Nghệ An có đơn vị chạy thận nhân tạo

Sáng 24/10/2020, tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn khai trương Đơn vị chạy thận nhân tạo. Đến dự có ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Được biết, đây là Trung tâm Y tế tuyến huyện đầu tiên của y tế Nghệ An có Đơn vị chạy thận nhân tạo.

Đơn vị chạy thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn có 12 máy, trong đó 10 máy do Tập đoàn Vingroup tài trợ và 2 máy do UBND tỉnh Nghệ An đầu tư.

Nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Đơn vị chạy thận nhân tạo, TTYT Nam Đàn đã nhận được sự giúp đỡ về đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ BV Bạch Mai. Với việc đưa vào sử dụng Đơn vị chạy thận nhân tạo giúp cho 80 bệnh nhân đang chạy thận trong huyện và các vùng lân cận không phải đi xa mà được chăm sóc sức khỏe ngay gần nhà.

Được biết, Trung tâm Y tế Nam Đàn là bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai từ năm 2018.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, TTYT Nam Đàn là TTYT đa chức năng, vừa đảm nhiệm KCB, dự phòng, DS-KHHGĐ. Nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, năng lực KCB của Nam Đàn được nâng cao, thu hút được nhiều người dân đến KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. (26.10.2020, 298)

3. Phát động chiến dịch nhắn tin “Vì đồng bào vùng lũ”

Ngày 26/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận ủng hộ đồng bào miền Trung; phát động chương trình nhắn tin "Vì đồng bào vùng lũ".

Tại chương trình, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp gửi đến đồng bào miền Trung bị bão lũ. Cụ thể, Công Ty Cổ Phần Thương Mại & Dịch Vụ MEDLATEC Group ủng hộ 1,5 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam ủng hộ (lần 2) 600 triệu đồng; Tổng Công ty May 10 ủng hộ 1.000 suất quà trị giá 208 triệu đồng; Công ty Cổ phần Giấy Hải Tiến ủng hộ 50.000 cuốn vở trị giá 250 triệu đồng; Công ty Cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc ủng hộ 200 triệu đồng... Tổng giá trị tiền và hàng trị giá khoảng 3 tỷ đồng.

Đồng thời, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động Chiến dịch nhắn tin “Vì đồng bào vùng lũ”. Chiến dịch chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-10-2020 đến hết ngày 21-12-2020 nhằm huy động nguồn lực trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Mọi tấm lòng hảo tâm trên cả nước có thể ủng hộ cho người dân miền Trung bằng cách soạn tin UH gửi 1403 (20.000 đồng/tin nhắn).

Trong 2 tuần qua, mưa lũ diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, mùa màng và sinh kế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân. Trước tình hình mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp tiền và hàng trị giá gần 5 tỷ đồng cho 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống. Đợt cứu trợ bao gồm: 2,2 tỷ đồng tiền mặt, 2.390 thùng hàng gia đình, 480.000 viên lọc nước Aquatab, 120.000 gói bột lọc nước P&G và hơn 10 tấn hàng cứu trợ gồm: Lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở…; đồng thời cử 3 đoàn công tác thăm hỏi, trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Trước đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra lời kêu gọi các cấp Hội trong cả nước vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai. Đợt vận động ủng hộ nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ kéo dài đến ngày 12-12-2020. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ thông qua hệ thống các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tính đến thời điểm này, thông qua Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tiếp nhận ủng hộ bước đầu đạt hơn 62 tỷ đồng, trong đó thông qua Trung ương Hội hơn 22 tỷ đồng và hàng chục tấn hàng hóa.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ sử dụng nguồn lực vận động được để triển khai các hoạt động cứu trợ trong giai đoạn phục hồi, từng bước giúp người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống.

Mọi đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ đồng bào miền Trung cũng có thể chuyển tiền qua địa chỉ hoặc các tài khoản sau: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, số 82, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 0973657676 (gặp đồng chí Trần Sĩ Pha); 0243 822 4030; 0243 942 2201; Fax: 0243 942 4285. Email: international@redcross.org.vn hoặc banqlth@gmail.com.

Tài khoản tiếp nhận tiền trong nước:

Tên tài khoản: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Số tài khoản: 124 02 02 005 348 (VNĐ); 124 02 02 018198 (USD); 124 02 02 006862 (EUR)

Tại: Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam. Chi nhánh Hoàng Mai - 127 phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội. (27.10.2020, 758)

4. 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, 1.061 bệnh nhân được chữa khỏi

Bản tin sáng ngày 27/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng và đã chữa khỏi 1.061 bệnh nhân. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp, quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc COVID-19, điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 27/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 18h ngày 26/10 đến 6h ngày 27/10: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 55 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 70 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 87 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.777, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 178

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.489

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.110

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.061 bệnh nhân/1.169 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 4 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 43,46 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang mạng worldometers.info, đến nay thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 43,46 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,16 triệu ca tử vong. Hơn 31,95 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và còn hơn 10,34 triệu ca đang điều trị.

Cho đến nay Mỹ đã có tổng cộng trên 8,8 triệu ca mắc và trên 230.000 ca tử vong, là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới..

Tình hình dịch COVID-19 tại châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ ngày 24/10, Colombia đã trở thành quốc gia đứng thứ tám thế giới và thứ ba tại khu vực Nam Mỹ khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua mốc 1 triệu ca.

Số ca nhiễm COVID-19 ở châu Á đã vượt mốc 13 triệu người, trở thành khu vực đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc COVID-19, chỉ sau khu vực Mỹ Latinh. Châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số trên 43 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Với trên 234.000 người tử vong, châu Á chiếm khoảng 21% tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đã trở lại mức hơn 100 ca trong ngày 26/10.

Tại Ấn Độ, số ca mắc bệnh đã vượt ngưỡng 7,9 triệu sau khi ghi nhận thêm 45.148 ca mới trong 24 giờ qua. Tính trung bình trong 1 tuần, Ấn Độ ghi nhận hơn 57.000 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày

Tại Đông Nam Á, theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 26/10, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 392.934 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.411 ca tử vong.

Tại châu Âu, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Nga đã tăng lên mức cao chưa từng thấy với 17.347 ca ngày 26/10, trong đó 5.224 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.531.224 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 219 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 26.269 ca. (27.10.2020, 839)

5. Theo dõi phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ em

Đưa trẻ đi tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng một số bệnh truyền nhiễm. Sau khi tiêm, cha mẹ cần biết cách chăm sóc và theo dõi các phản ứng ở trẻ.

Trong những năm đầu đời, tiêm chủng mặc dù không thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật hoàn toàn nhưng được coi là phương pháp tốt nhất giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tật.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

Giữ gìn phiếu/sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ, mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khi đi khám bệnh, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc-xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.

Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc-xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin

Phản ứng thông thường sau tiêm chủng là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc-xin, bao gồm các triệu chứng tại chỗ như: mẩn ngứa, đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39 độ C và một số triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).

Phản ứng nặng sau tiêm chủng, có thể bao gồm: Co giật, khóc thét, quấy khóc dai dẳng, li bì, hôn mê; Thở khò khè, khó thở, tím tái; Đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ; Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa; Mạch nhanh nhỏ, khó bắt; Sốc phản vệ (rất hiếm gặp)...

Những lưu ý sau khi tiêm vắc-xin

Sau khi trẻ tiêm vắc-xin, cần được theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm và chăm sóc khi trở về nhà. Nếu không được theo dõi, phát hiện những bất thường của trẻ sau tiêm chủng, thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo dõi sau tiêm chủng tại nơi tiêm

Sau tiêm chủng, cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Nhân viên y tế kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng. Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho trẻ vừa được tiêm ra về.

Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà

Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế sau khi tiêm chủng.

Cần tiếp tục theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm... Gia đình cần chú ý: Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát; Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn; Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế; Không cho ăn nằm; Kiểm tra thường xuyên trẻ, đặc biệt là ban đêm.

Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ bị sốt thì bố mẹ cặp nhiệt độ, chườm ấm và theo dõi; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sốt:

Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C: chườm trán, nách, bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ thường xuyên hơn. Ăn mặc thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Theo dõi nhiệt độ 3 giờ/1 lần.

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C: Dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.

Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm mát để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.

Tránh chạm vào vết tiêm khi bế trẻ, không xoa dầu, chườm nóng hay nặn chanh, đắp khoai tây hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng chỗ tiêm.

Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin, cần đưa trẻ khám lại ngay khi: Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú; Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím; Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ; Sốt trên 3 ngày; Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước hơn 2cm; Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên hơn 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ đi khám lại ngay. (28.10.2020, 900)

6. Hướng tới Trường trọng điểm Quốc gia về đào tạo kỹ thuật y tế

Ngày 28/10/2020, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống.

60 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã trải qua những chặng đường lịch sử trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Với tinh thần đoàn kết, vượt khó, sáng tạo, nhà trường đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện mọi mặt về giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và cung ứng dịch vụ y tế… Là địa chỉ tin cậy đào tạo đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật y học và bác sĩ y khoa cho đất nước, góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trường đã đào tạo được gần 30.000 kỹ thuật viên y tế, điều dưỡng, hộ sinh, trong đó có trên 400 học sinh cho cộng hòa Dân Chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, cung cấp một nguồn nhân lực đáng kể cho ngành y tế. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại trường trên 80% có việc làm sau ba tháng và luôn được các cơ sở y tế tín nhiệm và đánh giá cao. Đây cũng là trường đầu tiên trong khối các trường đại học y dược Việt Nam đào tạo theo tín chỉ cho ngành y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật y học và triển khai đào tạo dựa trên năng lực cho khối Đại học điều dưỡng.

Trường thường xuyên đổi mới nội dung chương trình đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chủ động tái cấu trúc chương trình đào tạo đảm bảo thích hợp và liên thông giữa các trình độ đào tạo. Trường cũng sớm thành lập bệnh viện, các la bô xét nghiệm an toàn thực phẩm, là bô sinh học phân tử… góp phần mở rộng cơ sở thực hành lâm sàng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, thu hút bác sĩ giỏi về trường làm việc, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế, đồng thời hạn chế được sự lãng phí, lão hóa trang thiết bị y tế. Trường đã quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều nước, hàng năm thường có sinh viên các nước như Nhật Bản, Australia, cộng hòa Pháp đến thực tập và nghiên cứu. Đặc biệt trường luôn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng nhanh, trong đó có nhiều giảng viên đang được đào tạo ở nước ngoài.

Trong thời gian qua, nhà trường luôn đoàn kết, ổn định phát triển và là trường đầu tiên trong khối đại học, cao đẳng y tế công lập được Bộ Y tế phê duyệt thành lập Hội đồng trường. Với những nỗ lực và thành quả đạt được trường đã được Đảng, Nhà nước, Bộ y tế cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập Hạng nhì (năm 2010), Huân chương Lao động Hạng Nhất lần 2 (2017), Cờ thi đua Chính phủ (2008, 2013), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2012, 2015), Cờ thi đua của Bộ Y tế và Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước khối các trường chuyên nghiệp và dạy nghề tỉnh Hải Dương trong nhiều năm…

Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Trường được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Y tế tặng Cờ thi đua của Bộ và Danh hiệu đơn vị xuất xắc tiêu biểu giai đoạn năm 2015-2020, được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen. TS.BS Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3.

Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một trong những giải pháp quan trọng của ngành đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ... Việc đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ thầy và trò nhà trường phải thực sự cố gắng vượt qua khó khăn và thử thách. Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, nhà trường tập trung hoàn thành tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

-Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TU của Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết 44-NQ/CP của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo”; Xây dựng trường Xanh- sạch -đẹp, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, viên chức, học sinh, sinh viên; Chú trọng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong sinh viên ngay trên ghế nhà trường.

-Đào tạo nguồn nhân lực y tế theo chuẩn năng lực trình độ đại học trong một số ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt là kỹ thuật y học; Tập trung các điều kiện cần thiết để mở mã ngành đào tạo sau đại học để đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.

-Phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên ngành có năng lực, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường và bệnh viện Nhà trường.

-Nghiên cứu, hợp tác, ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao và chuyên sâu trong lĩnh vực kỹ thuật y học, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội và của ngành y tế.

-Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đổi mới phần mềm quản lý, số hóa nhà trường, bệnh viện, đào tạo trực tuyến, tiến tới đào tạo, khám chữa bệnh từ xa.

-Thực hiện các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chất lượng cao;  Thực hiện tự chủ chi thường xuyên ở bệnh viện, tự chủ Nhà trường trước năm 2023; Quản lý tài chính, xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ… Hướng tới phát triển trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở thành trường trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật y tế. (28.10.2020, 1190)

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến