Thông tin y tế 24 - 27.01.2020

28/01/2020 | 02:00 AM

 | 

 

1. 2 ngày, trên 50.000 hành khách đến từ Trung Quốc khai báo y tế

Ngày 26/1, Bộ Y tế cho biết, công tác triển khai tờ khai y tế trong 2 ngày đầu triển khai đã có tổng cộng trên 50.000 hành khách đến từ Trung Quốc thực hiện khai báo y tế.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam đã ghi nhận 59 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 22 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly và 02 trường hợp người Trung Quốc dương tính với nCoV được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy có tình trạng ổn định.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, bao gồm:

- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và duy trì theo dõi, cập nhật kết quả điều tra các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tại các khu vực;

- Tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ngay khi nhận được thông tin;

- Công tác triển khai tờ khai y tế trong hai ngày đầu triển khai đã có tổng cộng trên 50.000 hành khách đến từ Trung Quốc thực hiện khai báo y tế;

- Báo cáo kịp thời hàng ngày với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và đăng trên website của Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn) để có các khuyến cáo phù hợp chuyển tải tới cộng đồng.

2.019 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, 56 ca tử vong

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 26/01/2020, thế giới đã ghi nhận 2.019 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 56 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 01 trường hợp là cán bộ y tế).

So với ngày 25/01/2020, số ca mắc tăng 719 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 15 trường hợp.

Tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.979 trường hợp tại 30 tỉnh/thành phố. Trung Quốc đã triển khai phong tỏa 18 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào thành phố.

Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 40 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập tại 12 quốc gia và 03 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc bao gồm: Thái Lan (05 trường hợp), Hồng Kông - Trung Quốc (05), Australia (04), Singapore (03), Malaysia (03), Pháp (03), Đài Loan - Trung Quốc (03), Hàn Quốc (03), Nhật Bản (02), Việt Nam (02), Hoa Kỳ (02), Ma Cao - Trung Quốc (02), Nepal (01), Canada (01), Pakistan (01).

“Bắt đầu từ ngày 25/1 (tức mùng 1 Tết), đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus corona như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp thì kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan)...” (27/01/2020, 760 từ)

2. Mùng 1 tết Canh Tý: Số ca tai nạn do pháo nổ khám, cấp cứu tăng 34%

Tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, trong ngày 30 Tết đến sáng mùng 1 Tết Canh Tý đã có hơn 200 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại..

          Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều ngày 25/1, số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho biết, tính đến 7 giờ ngày 25/1/2020 tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý, tổng số bệnh nhân còn lại các cơ sở y tế trong cả nước là 87.790 bệnh nhân, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tổng số bệnh nhân khám, cấp cứu các đối tượng là 36.494 người, giảm 8,6%. Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 19.057 người, giảm 11,3% so với năm 2019.

Tổng số ca phẫu thuật các loại tại các cơ sở y tế là 2.043, giảm 13,2%, trong đó số ca phẫu thuật chấn thương sọ não là    53 ca, tăng 8,2%. Tổng số bệnh nhân tử vong bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện là 114 người, giảm 10,2%.

Cả nước đã có 34.292 khỏi bệnh được về vui Xuân đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

Tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế trên cả nước là 5.154 trường hợp, giảm 17% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, trong đó có 1.936 ca phải nhập viện; số trường hơp phải chuyển lên tuyến trên điều trị là 477 trường hợp. Đặc biệt, số ca tử vong do tai nạn giao thông gia tăng so với Tết Kỷ Hợi gần 30%

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 1 Tết Canh Tý là 588 trường hợp, giảm đến 27,3% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Trong số này có đến 489 trường hợp phải nhập viện cấp cứu, tăng 35,5% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi.

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng chỉ rõ, trong số các trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau có đến 59 trường hợp được xác định có nguyên nhân do rượu, bia.

Số ca khám, cấp cứu tai nạn do sinh hoạt từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 1 Tết Canh Tý là 3.701 trường hợp, số ca tử vong là 8 trường hợp

Về số ca khám và cấp cứu do tai nạn pháo nổ dịp Tết Canh Tý, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong ngày 30 tháng Chạp đến sáng ngày mùng 1 Tết đã có 202 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do pháo nổ tăng 34% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi; số trường hợp khám, cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác là 42 ca, tăng đến 84% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi.

Thông tin của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, theo báo cáo của 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ ngành cho thấy hiện chưa ghi trường hợp nào tử vong do ảnh hưởng của chất nổ.

Trên thực tế mặc dù từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, các cơ quan chức năng của các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý, khởi tố nhiều vụ án, đối tượng tàng trữ, vận chuyển mua bán pháo trái phép nhưng tình trạng đốt pháo trái phép vẫn không thuyên giảm mà lại gia tăng  và gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. (26/01/2020, 727 từ)

3. Những giải pháp y tế thông minh trong thập kỷ mới

Bệnh viện số, phẫu thuật robot, quản lý điều phối máy thở và phản ứng khẩn cấp giải quyết an ninh bệnh viện là 4 trong số những giải pháp y tế thông minh vừa được Sở Y tế TP.HCM vinh danh.

Bệnh viện số từ cơ sở y tế tuyến quận

Năm 2007, khi về đầu quân cho BV. Thủ Đức, BS. Nguyễn Minh Quân đã cho triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị.Một trong số những kế hoạch đã được biến thành hiện thực chính là giải pháp bệnh viện số - công trình vừa được Sở Y tế TP.HCM trao giải nhất trong nhóm giải pháp y tế thông minh.

Nhận xét về tác phẩm của bệnh viện, TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, điều gây ấn tượng đầu tiên đó là người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QRcode trên thẻ bảo hiểm y tế giúp hoàn tất thủ tục nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm.

Tại BV. Quận Thủ Đức, người bệnh tái khám hoặc mạn tính có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và đến đăng ký tại các quầy, hoặc đăng ký qua website hoặc app trên điện thoại để đặt khám và thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, khi sử dụng app được tích hợp thanh toán online, người dân có thể vừa đăng ký, thanh toán và nhận số thứ tự khám bệnh trực tuyến, được tư vấn sàng lọc bệnh từ xa.

Điểm nổi bật thứ hai là toàn bộ quy trình khám bệnh ngoại trú được số hoá. Tại các phòng khám của bệnh viện đều có màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tự động đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện để người bệnh theo dõi lượt khám. Người bệnh đi khám bệnh không cần phải mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi lịch sử khám chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng.

Với hệ thống số thứ tự trung tâm, người bệnh chỉ phải lấy số một lần duy nhất khi đăng ký khám, còn lại tất cả số thứ tự khác đều tích hợp trên các giấy tờ cung cấp cho người bệnh (phiếu chỉ định cận lâm sàng, toa thuốc) mà không cần phải lấy số thứ tự nhiều lần. Đối với người bệnh có thực hiện nhiều chỉ định cận lâm sàng, hệ thống sẽ tự động điều phối người bệnh đến những phòng xét nghiệm có số chờ thấp, giúp rút ngắn thời gian chờ thực hiện cận lâm sàng.

Kết quả cận lâm sàng đã có chữ ký điện tử của bác sĩ khoa Xét nghiệm được chuyển trên mạng về phòng khám nơi bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định, sau khi xem kết quả, bác sĩ tại phòng khám in và trả kết quả cho người bệnh. Riêng với toa thuốc được bác sĩ kê đơn theo số tồn thực tế do hệ thống kết nối realtime với kho thuốc, vật tư, tránh tình trạng người bệnh phải quay về phòng khám đổi toa khi kho hết thuốc…

Điểm nổi bật thứ ba là bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử tại 100% các khoa lâm sàng.Các hồ sơ, biểu mẫu của bệnh án điện tử đã hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của một hồ sơ bệnh án.Các dữ liệu được liên thông, kế thừa làm giảm tối đa tình trạng sao chép, thống kê, báo cáo sai, rút ngắn thời gian làm hồ sơ bệnh án.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong phẫu thuật robot

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của một BV ngoại khoa tuyến cuối tại TP.HCM, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật robot đã được ban giám đốc BV. Bình Dân đầu tư và đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại miền Nam ứng dụng kỹ thuật này, với chi phí giảm một nửa so với các nước tiên tiến.

Vào tháng 11/2018, lần đầu tiên BV. Bình Dân đã thực hiện phẫu thuật robot khẩn cấp cho một thai phụ thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ diễn tiến sang viêm tụy cấp, đảm bảo an toàn cho song thai 17 tuần tuổi. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các bác sĩ tiến hành các thao tác kẹp, giữ các tạng trong ổ bụng, cắt lọc mô bệnh, thám sát hiệu quả đường mật trong và ngoài gan, robot phẫu thuật còn giúp các bác sĩ khâu kín ống mật chủ với kích thước chỉ 6mm. Nhờ đó, thai phụ tránh được nguy cơ thai nhi lớn dần sẽ chèn ép, đi lệch ống dẫn lưu khiến dịch mật tràn vào khoang bụng, gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và thai nhi.

TS.BS. Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV. Bình Dân cho biết, trong khoảng thời gian chưa đến 3 năm, êkíp phẫu thuật robot của BV đã phẫu thuật thành công cho 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát. Rất nhiều các trường hợp bệnh khó đã được phẫu thuật thành công với sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật với nhiều loại bệnh lý khác nhau như phẫu thuật các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim... Bên cạnh đó, các chuyên gia phẫu thuật còn tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ phẫu thuật robot cho các BV trong ngoài nước.

Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: Code Grey

Trước thực tế nhiều lần bị kẻ gây rối vào BV dùng hung khí tấn công người bệnh, đồng thời xuất phát từ nỗi lo chung của các BV hiện nay là thường bị động khi xảy ra các sự cố gây mất an ninh, trật tự, BV. Nhân dân Gia Định đã cho ra đời giải pháp Code Grey.

Theo TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV. Nhân dân Gia Định, thực hiện “khuyến cáo triển khai hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại các BV” của Sở Y tế TP.HCM, hơn 3 năm qua, BV đã quan tâm và đầu tư nguồn lực, cải tiến quy trình, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng, triển khai thành công quy trình phản ứng nhanh xử lý sự cố gây mất an ninh và trật tự trong BV có tên là “Code Grey”.

Với quy trình này, nhiều sự cố an ninh đã được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh và nhất là đã giải tỏa sự lo lắng của nhân viên y tế vì tình hình mất an ninh, trật tự, thậm chí đe dọa cả tính mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân.

Cụ thể đêm 28/4/2019, một bác sĩ công tác tại khoa Chấn thương Chỉnh hình của BV đã kích hoạt “Code Grey” với mức độ 3 khi phát hiện một nam thanh niên rút dao ra và lùng sục tìm người bên ngoài hành lang của khoa. Nhận được tín hiệu “Code Grey”, ngay lập tức nhóm an ninh BV đã có mặt tại lầu 1, tri hô, rượt đuổi đối tượng; một nhóm an ninh đang ở vị trí khác quan sát camera theo dõi liên tục hướng di chuyển của đối tượng và thông tin qua bộ đàm cho nhóm an ninh thực hiện nhiệm vụ biết và phân bổ lực lượng ngăn chặn. Ngay khi đối tượng tháo chạy xuống sảnh trước đã bị lực lượng công an đến hỗ trợ bắt giữ (công an địa phương đến BV khi nhận được tín hiệu qua Code Grey).Vụ việc diễn ra khá nhanh, trong vòng 10 - 15 phút. Đó là một trong những minh họa có thật về hiệu quả của hệ thống xử lý sự cố an ninh, trật tự có tên là “Code Grey” của BV Nhân dân Gia Định.

Đặc điểm chính của hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong BV đó là khi kích hoạt “Code Grey”, ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các nhân viên chuyên trách an ninh, trật tự trong BV, cùng sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của công an địa phương sẽ nhanh chóng đến hiện trường và ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh, trật tự trong BV.

Trong năm 2019, đã có 31 trường hợp gây rối trật tự (mức độ 1) được đội an ninh BV xử lý nhanh chóng và 2 trường hợp gây rối có nguy cơ đe dọa, hành hung, có sử dụng hung khí như dao nhọn (mức độ 3); tất cả đều được xử lý nhanh gọn, hiệu quả, không gây tổn hại về con người và tài sản nhờ BV đã phát huy tốt tác dụng của “Code Grey”.

Phần mềm quản lý, điều phối máy thở thông minh

Quản lý BV, quản lý chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến chủ trương chung của ngành y tế là phát triển BV thông minh. Theo BS.CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương, hiện nay, một trong những lấn cấn của nhà quản lý là điều phối trang thiết bị y tế trong BV.

“Một thực tế là nếu không ứng dụng các công nghệ thông tin, nhà quản lý bị động rất nhiều trong điều phối nguồn lực một cách hợp lý.Đơn cử như quản lý và điều phối máy thở,” BS.Đức Chiến nhận xét.

Giống nhiều BV đa khoa khác trên địa bàn thành phố, với mỗi năm BV tiếp nhận và điều trị khoảng 45.000 lượt bệnh nhân nội trú, BV Nguyễn Tri Phương luôn ở trong tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng. Hiện nay, BV có khoảng 40 máy thở, nhu cầu sử dụng lại “mênh mông”, đặc biệt ở các khoa Nội như Nội Hô hấp, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Ngoại Thần kinh, Hồi sức Tích cực… Chỉ khoa Hồi sức Tích cực được ban Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương giao cho khoảng 10 máy cơ hữu để dành cho các bệnh nhân nặng. Còn các khoa khác, máy thở được điều phối linh động.

Trước đây, mỗi ngày, ban giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương phân công điều dưỡng trưởng kiểm tra từng khoa xem bao nhiêu máy thở còn trống.Bệnh nhân cấp cứu nặng thiếu máy thở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Nhưng, rất nhiều vấn đề đã xảy ra: mất thời gian khi gọi điện thoại để kiểm tra và điều phối; do luôn nằm trong tình trạng khan hiếm máy thở, nhiều khoa đã “cất giấu máy, để dùng dần”, đôi khi thông tin không chính xác dẫn đến những xung đột không tránh khỏi giữa các khoa…

Từ nhu cầu thực tế, BV.Nguyễn Tri Phương đã ứng dụng các công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý và điều phối máy thở. Với bộ cảm biến, khi phần mềm quản lý này kết nối với wifi, “toàn cảnh” máy thở của toàn BV được định vị và theo dõi rất rõ ràng.

“Qua đó, chúng tôi theo dõi được tín hiệu máy có hoạt động hay không bằng cách đo cường độ dòng điện. Cường độ dòng điện cao có nghĩa là máy đang hoạt động; cường độ thấp hơn một chút nghĩa là máy đang sạc pin; không có điện chạy qua đồng nghĩa máy ngưng hoạt động.Các khoa có thể biết được lẫn nhau để linh hoạt dùng khi có nhu cầu.Nhờ đó, tăng cường hiệu quả sử dụng máy thở cho bệnh nhân một cách tốt nhất, đánh giá được tình trạng cũng như số giờ đã sử dụng máy thở. Ngoài ra, kết nối dữ liệu về các bệnh nhân thở máy, tạo nên một kho nghiên cứu, tài liệu chứng cứ về khoa học… Bên cạnh đó, các máy thở sẽ được chủ động điều phối một cách tương ứng khi bệnh nhân có nhu cầu, càng nâng cao chất lượng điều trị”, BS.CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, thông tin.

Việc quản lý BV nhờ vậy không còn lúng túng và giúp các khoa luôn biết sẽ sử dụng được thiết bị từ khoa, phòng nào khi tiếp cận một bệnh nhân suy hô hấp có chỉ định thở máy, giảm thời gian “chạy khắp BV”. Trong bối cảnh quản lý BV thời đại 4.0, người quản lý BV cần nhất là giảm chi phí cũng như thời gian hành chính đang bị lãng phí, thay vào đó, có thể tập trung vào công tác chuyên môn và nhân lực trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân.“Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn BV” của BV. Nguyễn Tri Phương đã tạo ra được dòng real - time, một hoạt động thực trong quản lý BV, không có sự can thiệp bằng thủ công. Trong hội thảo quốc tế y tế thông minh nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân do UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức, ứng dụng này đã được trao giải nhì. (26/01/2020, 2376 từ)

4. Đồng loạt khai báo y tế ngay trong đêm Giao thừa

Ngay sau thời khắc giao thừa năm Canh Tý 2020, Ngành Y tế đã triển khai đồng loạt việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu trong cả nước đối với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp khẩn “Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch bệnh” nhằm ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng coronavirus mới (nCoV) vào sáng ngày 30 Tết (ngày 24/02/2020) tại Bộ Y tế; với tinh thần chống dịch như chống giặc, kể cả trong ngày nghỉ Tết, nhờ sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh của Ngành Y tế, ngay sau thời khắc giao thừa năm Canh Tý 2020, Ngành Y tế đã triển khai đồng loạt việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu trong cả nước đối với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại việc triển khai nghiêm túc tại các địa phương ngay trong ngày đầu năm mới (1 Tết).

Tại cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/22(4).jpg

Tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/3(36).jpghttp://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/4(19).jpg

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/5(16).jpghttp://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/6(12).jpg

Tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/7(11).jpghttp://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/8(9).jpg

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/9(11).jpg

Tại sân bay Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng

http://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/10(5).jpghttp://vncdc.gov.vn/files/article_upload/images/11(11).jpg

Bắt đầu từ ngày hôm nay 25/1 (tức mùng 1 Tết), đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus corona như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp thì kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan)... (26/01/2020, 400 từ)

5. Số ca nhiễm virus nCoV liên tục tăng cao trên Thế giới

Đến ngày 25/01/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 25/01/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Số ca mắc tăng 454 trường hợp so với ngày 24/01/2020.

Tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.281 trường hợp tại 27 tỉnh/thành phố, 15 nhân viên y tế bị mắc bệnh. Trung Quốc đã phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố. Ngoài ra, tất cả các sự kiện lớn mừng năm mới cũng dừng, không tổ chức.

Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 19 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập tại 9 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có 16 trường hợp từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về) bao gồm: Thái Lan (04 trường hợp), Hàn Quốc (02), Việt Nam (02), Hoa Kỳ (02), Nhật Bản (01), Singapore (01), Pháp (01), Nepal (01), Đài Loan (01), Ma Cao (02), Hồng Kông (02).

Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã triển khai áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại các sân bay lớn.

Trung Quốc đã phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố.

Chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh

WHO đã kết luận vẫn chưa đủ điều điều kiện công bố Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và dự kiến sẽ tổ chức họp trở lại để đánh giá tình hình dịch trong khoảng 10 ngày tới, đồng thời đã đưa ra các khuyến cáo cập nhật về vấn đề giao thông quốc tế liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Tại Việt Nam, ngày 23/01/2020 đã ghi nhận 02 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi sát trong phòng cách ly. Hiện chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh.

Áp dụng tờ khai y tế với khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, Bộ Y tế đã  ban hành Công văn 357/BYT-DP ngày 24/01/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố có cửa khẩu đề nghị triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với các hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc từ 00h00 ngày 25/01/2020 và Công điện 88/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona.

Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 218/QĐ-BYT về việc kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng Việt Nam để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và đăng trên website của Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn). (25/01/2020, 703 từ)

6. Các bệnh viện chủ động ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona

Trước tình hình dịch bệnh diễn viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang diễn ra phức tạp, các bệnh viện đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị cơ số giường trong khu vực cách ly...

          Tại Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, trong dịp Tết Canh Tý này, bệnh viện đã bố trí đội ngũ trực Tết  từ trực lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, an ninh bệnh viện sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Mỗi ngày có khoảng 225 cán bộ nhân viên y tế trực tại bệnh viện với các lãnh đạo chuyên môn, hành chính và an ninh trong đó có hơn 60 thầy thuốc, 4 đường dây nóng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu của người bệnh, chuẩn bị thuốc men và lượng máu dự trữ cung cấp trong dịp Tết nguyên đán.

Đối với người bệnh đang điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, bệnh viện sẵn sàng chuẩn bị suất ăn miễn phí và hơn 1000 phần quà động viên tinh thần người bệnh.

Đặc biệt, trong tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly và xe cấp cứu riêng, kịp thời ứng phó với dịch bệnh

Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona. Theo đó, Bệnh viện quán triệt tuân thủ việc tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.

Chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân 1 chiều... đồng thời phân công cán bộ trực dịch để chủ động bám sát tình hình dịch và báo cáo kịp thời lãnh đạo Bệnh viện về những diễn biến bất thường (nếu có).

Trong những ngày Tết, tại Bệnh viện thường xuyên có khoảng 400 nhân viên y tế  để sẵn sàng phục vụ công tác khám chữa bệnh, khám cấp cứu, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Hiện có khoảng 1000 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện “xuyên Tết”, ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã đến các khoa phòng động viên, thăm hỏi và tặng quà bệnh nhi; động viên cán bộ y tế trực dịp tết. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng chuẩn bị các suất ăn để phát cho gia đình bệnh nhi trong những ngày Tết tại Bệnh viện.

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến rất phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng tờ khai y tế đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Theo đó, bắt đầu từ ngày 25/1 (tức mùng 1 Tết), đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Đối với các bệnh viện, để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch trong bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.

Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế. Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng). Khi phát hiện có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV đủ tiêu chuẩn nhập viện, chuyển người bệnh vào nơi thu nhận người bệnh đúng quy định.

Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn; quản lý chất thải; vệ sinh bề mặt...) và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí).

Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp; khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến khoa Khám bệnh (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp bằng poster, tờ rơi...).

Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng lưu người bệnh nhiễm nCoV được thông khí tốt.

Có biển cảnh báo tại khu vực cách ly. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly. Tuân thủ phòng ngừa chuẩn. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn...

Có thể bố trí kíp nhân viên y tế riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc các người bệnh khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm.

Hạn chế di chuyển người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ra khỏi khu vực cách ly. Nếu cần vận chuyển, bố trí đường vận chuyển riêng, ít người lưu thông. Người bệnh và người nhà mang khẩu trang y tế, đặc biệt khi vận chuyển người bệnh ra ngoài khu vực cách ly. (25/01/2020, 1059 từ)

7. Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao khuyến cáo công dân không đến các khu vực có dịch viêm phổi nCoV

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch viêm phổi cấp và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Trung Quốc và WHO đã khuyến cáo.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới corona tại Trung Quốc, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Trung Quốc và WHO đã khuyến cáo. Đối với công dân đang có mặt tại Trung Quốc cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là: +8613120363638; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải là +8613661537498; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh là 0086 13099948529; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh là +8618587897059; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu là +8613247675268; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong là +85225914510 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: +84981 84 84 84.

Tính đến thời điểm sáng 25/1, Trung Quốc đã thông báo có 41 trường hợp tử vong, 1287 người đã nhiễm chủng virus corona mới. Nhiều quốc gia ghi nhận có thêm những trường hợp mắc mới. Hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có Australia, Pháp, Mỹ, Thái Lan... đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm virus corona đến từ Trung Quốc.

Hiện các nước đang tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 24/1, Cơ quan giám sát du lịch Nga đã khuyến cáo các công ty du lịch ngừng bán các tour trọn gói tới Trung Quốc do sự bùng phát dịch bệnh này, đồng thời cảnh báo công dân Nga tránh tới Trung Quốc cho tới khi "tình hình bệnh dịch ổn định".

Ngoài ra, thêm nhiều sân bay trên thế giới bắt đầu kiểm tra hành khách tới từ Trung Quốc. Qatar Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait đặt các máy đo thân nhiệt tại sân bay.

Tại Trung Quốc, nơi đang gánh chịu bệnh dịch nặng nề nhất, 3 thành phố đã bị phong tỏa với hơn 20 triệu người bị cách ly. Hàng loạt sự kiện mừng năm mới bị hủy bỏ trước nguy cơ dịch viêm phổi mới. Chính quyền đã khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người, tránh để dịch bùng phát mạnh hơn. Địa danh thu hút khách du lịch nổi tiếng - Tử Cấm Thành - cũng đóng cửa  để hạn chế người tập trung.

3 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, gồm Vũ Hán, Hoàng Cương và Ngạc Châu, phải phong tỏa đường sắt, đường không, xe đường dài và phương tiện công cộng. Rạp chiếu phim, trung tâm thương mại và địa điểm vui chơi cũng bị đóng cửa vô thời hạn. Những thành phố trên đều gần nơi khởi phát chủng virus corona mới. (25/01/2020, 594 từ)

8. Từ hôm nay, hành khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế

Từ 0h, ngày 25/1, hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam tại tất cả các các cửa khẩu phải khai báo y tế.

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến rất phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng tờ khai y tế đối với dịch  viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

 

Theo đó, bắt đầu từ ngày hôm nay 25/1 (tức mùng 1), đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus corona như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp thì kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly để khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan).

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế.

Kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế và lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.

Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch bệnh có xu hướng gia tăng trên thế giới, có nguy cơ lan truyền ra nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành công điện về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không), nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải tổ chức cách ly, quản lý kịp thời; có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch.

Các Bộ TT-TT, Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp thông tin và khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch khi không cần thiết.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế; bảo đảm cung cấp đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến thời điểm này, đã có 41 người tử vong, gần 1287 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh NCoV, hàng nghìn trường hợp nghi ngờ, một số tỉnh, thành phố ở Trung Quốc bị cách ly, nội bất xuất ngoại bất nhập. Gần 10.000 trường hợp có liên hệ gần đã được xác định,  trong số đó khoảng 8500 người đang được theo dõi y tế,  1100 người đã được xuất viện. Bệnh dịch đã lan ra nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... (25/01/2020, 708 từ)

9. BV Trung ương Huế sẵn sàng phương án phòng chống virus nCoV

Tin từ GS - TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, là bệnh viện tuyến trung ương lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Sáng 24/1/2020 (tức 30 Tết), Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành cuộc họp khẩn nhằm rà soát lại toàn bộ công việc và quy trình theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Sau khi kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo, bệnh viện củng cố nguồn nhân, vật lực tập trung phòng chống dịch theo phác đồ của Bộ Y tế.

Theo phác đồ được Bộ Y tế ban hành, BV yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm. Bệnh nhân viêm phổi nặng được thăm hỏi kỹ càng các yếu tố dịch tễ, cách ly, điều trị kịp thời. Để làm tốt công việc này, BV đã trang bị mọi bảo hộ và phòng cách ly. Nếu phát hiện dịch, BV sẽ cách ly tại chỗ, hội chẩn và chuyển bệnh nhân tới đơn vị chuyên về chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ đạo các khoa giám sát tình hình dịch bệnh và cập nhật thường xuyên, đề nghị các bác sĩ quan tâm yếu tố dịch tễ khi tiếp nhận người bệnh. Tại Khoa Cấp cứu, nơi tiếp nhận có yếu tố nghi ngờ, đã bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, phòng cách ly để tiếp đón bệnh nhân.

Theo đó, phương án thứ nhất khi dịch xuất hiện với số lượng nhỏ lẻ, bệnh nhân tạm thời được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi Cấp cứu - Sơ sinh của Trung tâm Nhi.

Phương án hai khi phát triển dịch, bệnh viện sẽ trưng dụng toàn bộ Khu Nhi lây (tầng 1) để bố trí thành đơn vị sàng lọc và cách ly gồm hai khu vực (khu có nguy cơ và khu cách ly đặc biệt). Số lượng khoảng 10 giường bệnh điều trị (ở khu cách ly đặc biệt) và 20 giường sàng lọc (khu có nguy cơ). (25/01/2020, 395 từ)

10. TP.HCM: Tăng cường chống dịch nCoV để người dân yên tâm đón Tết

Trong tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM đề nghị Sở Y tế tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp, hoạt động đã và đang triển khai để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh, giúp người dân yên tâm đón Tết.

Ngày 24/01/2020, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã chủ trì Hội nghị tăng cường triển khai công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) tại TP.HCM, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, đại diện lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (TTKSBT TP), Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, 24 Trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo các đơn vị y tế cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện số 121/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV). Giao Sở Y tế phối hợp các sở ban ngành liên quan của TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngành y tế triển khai và thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Y tế trong công tác phòng chống bệnh nCoV; đảm bảo cơ sở điều trị, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực phục vụ tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh.

Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời người mắc bệnh để theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa lây lan trong cộng đồng; tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của 02 trường hợp được xác định nhiễm nCoV tại TP.HCM.

Tổ chức truyền thông, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe, không để người dân hoang mang vì thiếu thông tin, lo lắng quá mức trước diễn tiến dịch bệnh hoặc ngược lại là chủ quan trong việc phòng ngừa mắc bệnh.

Trong tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, đề nghị Sở Y tế tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp, hoạt động đã và đang triển khai để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh, giúp người dân yên tâm đón Tết.

Thực hiện kiểm dịch y tế sát sao

GS. Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh.

Lập danh sách những người về từ vùng dịch và gửi cho TTKSBT TP để theo dõi, giám sát tại cộng đồng. Báo cáo thông tin điều tra ban đầu về ca nghi ngờ và danh sách người tiếp xúc gần theo hướng dẫn của TTKSBT TP. Tăng cường truyền thông, khuyến cáo tại các cửa khẩu về phòng chống dịch bệnh do nCoV.

TTKSBT TP tiếp nhận danh sách những người về từ vùng dịch và tổ chức giám sát tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hướng dẫn cụ thể các đơn vị triển khai hoạt động giám sát và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại cộng đồng.

BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2 và BV Nhi đồng Thành phố rà soát và sẵn sàng cơ sở cách ly, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh, trang bị phòng hộ cá nhân để thực hiện tiếp nhận ca nghi ngờ từ sân bay hoặc ca xác định từ các bệnh viện khác. Báo cáo ngay về Sở Y tế, TTKSBT TP theo quy định khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập khi tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy trình và gửi về Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm xác định.

Trung tâm y tế quận huyện tổ chức giám sát người tiếp xúc gần với ca xác định, ca nghi ngờ trong cộng đồng theo hướng dẫn của TTKSBT TP. Truyền thông, hướng dẫn người dân địa phương phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm Cấp cứu 115 đảm bảo phương tiện vận chuyển ca bệnh nghi ngờ từ cửa khẩu về bệnh viện theo quy trình của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.

Các phòng khám chuyên khoa, phòng khám đa khoa, trạm y tế và bệnh viện không có chuyên khoa về hô hấp: Khi tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ theo hướng dẫn Bộ Y tế, phải tư vấn, giải thích cho người bệnh và chuyển ngay về bệnh viện gần nhất có chuyên khoa về hô hấp để được theo dõi và chẩn đoán; đặc biệt lưu ý hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người xung quanh trong quá trình đi tới bệnh viện.

Phòng Y tế phối hợp với trung tâm y tế quận huyện và bệnh viện quận huyện tham mưu UBND quận huyện triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại địa phương.

Các đơn vị đảm bảo chế độ trực và công tác báo cáo trong những ngày Tết Nguyên đán theo đúng quy định. (24/01/2020, 1003 từ)

11. Bộ Y tế thông tin chi tiết về 2 cha con nhiễm nCoV tại Việt Nam

Bộ Y tế vừa có thông tin chi tiết về hai trường hợp bước đầu được xác định nhiễm chủng vi rút Corona mới nCoV tại Việt Nam.

Theo đó, ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận 02 trường hợp nhập cảnh đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc có biểu hiện bệnh.

Cụ thế, trường hợp thứ nhất là một đàn ông sinh năm 1954, đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhập cảnh vào Hà Nội ngày 13/01/2020, sau đó đến Nha Trang ngày 17/01/2020, đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/01/2020 và sau đó đến Long An ngày 20/01/2020.

Bệnh nhân có sốt và ngày 22/01/2020 đến khám tại Bệnh viện Bình Chánh, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 23/01/2020, kết quả xét nghiệm bước đầu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với nCoV.

Trường hợp thứ hai là con trai của trường hợp thứ nhất, sinh năm 1992, đã ở Long An từ 4 tháng trước, có tiếp xúc gần với cha tại Nha Trang từ ngày 17/01/2020. Ngày 20/01/2020 có biểu hiện sốt, được khám, nhập viện Chợ Rẫy cùng ngày (22/01/2020) với cha. Ngày 23/01/2020, kết quả xét nghiệm bước đầu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với nCoV.

Hiện cả 2 bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định. Người vợ của bệnh nhân thứ nhất chưa có biểu hiện triệu chứng và đang được theo dõi sức khoẻ.

Nâng mức đáp ứng cao nhất hoạt động Trung tâm đáp ứng khẩn cấp

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức cách ly kịp thời, quản lý chặt chẽ, theo dõi điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, không để lây lan bệnh cho cán bộ y tế và người dân. Ngay trong sáng ngày 24/01/2020 (30 Tết), Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham gia của các thành viên từ các Bộ, ngành liên quan, Tổ chức Y tế thế giới để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố nơi 02 trường hợp bệnh từng đến để điều tra, lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần.

Với kinh nghiệm đã từng kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, MERS-CoV, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới do đây là dịch bệnh mới, Việt Nam và Trung Quốc đang trong dịp nghỉ Tết nguyên đán sự giao lưu đi lại của người dân gia tăng với lưu lượng lớn, mật độ cao.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan tại cộng đồng và với phương châm chủ động, quyết liệt, tích cực chống dịch không nghỉ ngơi trong dịp Tết; Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai một số hoạt động sau:

- Nâng mức đáp ứng cao nhất hoạt động Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế để đáp ứng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

- Triển khai việc khai báo y tế tại các cửa quốc tế đối với tất cả các khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch. Đẩy mạnh việc giám sát viêm phổi nặng tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh và điều tra xác minh, xử lý ổ dịch.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế; bố trí trực 24/24; hạn chế chuyển tuyến, chỉ vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đối với các trường hợp nặng.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế khác, theo dõi và cập nhật thông tin hàng ngày diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, minh bạch về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống tới các báo, đài để kịp thời cung cấp cho người dân. Khuyến cáo người dân không đi tới các khu vực đang có dịch khi không cần thiết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp theo khuyến các của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

- Tiếp tục tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương có nguy cơ cao theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành. (24/01/2020, 884 từ)

12. Bộ Y tế yêu cầu bình ổn, tránh găm hàng, đẩy giá thuốc Tamiflu dịp Tết

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn số 825/QLD-GT ngày 22/01/2020 gửi các đơn vị về việc bình ổn giá thuốc, tránh hiện tượng găm hàng và đẩy giá thuốc lên cao, đặc biệt là thuốc Tamiflu.

Công văn nêu rõ, ngày 23/7/2019, Cục Quản lý Dược có Công văn số 12575/QLD-GT ngày 23/7/2019 gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan về việc triển khai xem xét việc kê khai lại giá thuốc sản xuất trong nước theo các quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018.

Tiếp đó, ngày 18/12/2019, Cục Quản lý Dược có Công văn số 21269/QLDKD gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bệnh viện, Viện có giường Bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khấu thuốc về việc bảo đảm cung ứng thuốc chữa bệnh dịp tết nguyên đán Canh Tý 2020.

Để bảo đảm việc bình ốn giá thuốc, tránh hiện tượng găm hàng và đấy giá thuốc lên cao đặc biệt là thuốc Tamiflu (hoạt chất Oseltamivir, để điều trị và dự phòng bệnh cúm ở người lớn và trẻ em) và căn cứ theo các quy định tại Luật Dược, Luật Giá và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nắm bắt thông tin, chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, hậu kiếm đe xử lý kịp thời những trường họp vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, không để xảy ra hiện tượng găm hàng đẩy giá thuốc lên cao sai quy định và xử lý nghiêm các trường họp vi phạm (nếu có).

Đồng thời nghiêm túc thực hiện việc kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định về quản lý giá thuốc.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.

Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh.

Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời


Thăm dò ý kiến