Thông tin y tế 24 – 26/02/2020

26/02/2020 | 10:38 AM

 | 

1. Bộ Y tế công bố quyết định hết dịch COVID-19 tại Khánh Hòa

Ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 648/QĐ-BYT về việc công bố hết dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định về việc Quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, Nghị định của Chính phủ  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và đề nghị xem xét công bố hết dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Y tế quyết định công bố hết dịch COVID - 19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona - nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Quyết định số 1240 / QĐ - BYT ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ Y tế về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực. (26/2/2020, 299 từ)

2. Chỉ định 3 sân bay được đón người từ vùng có dịch ở Hàn Quốc về nước

3 sân bay ở Việt Nam được chỉ định đón các chuyến bay từ vùng có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) của Hàn Quốc khi bay về nước.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không: các chuyến bay từ vùng có dịch của Hàn Quốc sẽ phải hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phù Cát (tỉnh Bình Định), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định về phòng và chống lây lan dịch bệnh bằng đường hàng không.

Yêu cầu các hãng hàng không thông báo đến tất cả hành khách đi từ Hàn Quốc về Việt Nam sẽ phải khai báo trung thực tờ khai y tế; thông báo bằng nhiều hình thức (trên trang web bán vé, quầy làm thủ tục, nhắn tin qua điện thoại…) tới hành khách là người mang quốc tịch Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động ở Hàn Quốc bắt đầu từ 21 giờ 00 phút ngày 26/02/2020 nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày; khuyến cáo tới các công dân Việt Nam trên nên ở lại Hàn Quốc trừ trường hợp bất khả kháng và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tại nước sở tại. Khuyến cáo các hãng hàng không giảm dần và hạn chế các chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam và ngược lại để kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn.

Đồng thời, Cục Y tế Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị y tế ngành giao thông vận tải thực hiện tốt công tác giám sát, khám sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh tại các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định về phòng và chống lây lan dịch bệnh.

“Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản yêu cầu các cảng hàng không chi nhánh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động, cho hành khách và tầm soát, ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 từ các địa điểm có đường bay và hành khách thường đi/đến Việt Nam.

Các cảng hàng không được lưu ý đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Liên Khương, Cần Thơ, Phù Cát...

ACV yêu cầu các cảng hàng không chi nhánh tiếp tục phối hợp với trung tâm kiểm dịch y tế các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp kiểm tra, phòng, chống dịch bệnh đối với người đi từ nước ngoài về (nhất là ở các nước có dịch) theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường kiểm soát các chuyến bay xuất phát từ Hàn Quốc, Nhật Bản; phối hợp với đại diện hãng hàng không, công ty phục vụ mặt đất bố trí bãi đỗ máy bay riêng biệt. Các trang thiết bị phải được kiểm soát, phun thuốc khử trùng sau khi phục vụ xong chuyến bay. Nhân viên phục vụ phải được đeo khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ. Các chất thải từ máy bay phải được diệt khuẩn, phun thuốc khử trùng theo quy định trước khi đưa vào khu vực tập kết trung chuyển.

Đồng thời, phối hợp với hải quan, công an cửa khẩu bố trí phân luồng hành khách, băng chuyền hành lý để bảo đảm hành khách được khai báo và kiểm tra y tế đầy đủ, hành lý phải được phun thuốc khử trùng để tránh lây nhiễm chéo…” (26/2/2020, 766 từ)

3. Thêm 2 bệnh viện ở Huế và TP.HCM được làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19

Ngày 26/2, Bộ Y tế đã có quyết định cho phép 2 đơn vị thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona (COVID-19). Như vậy, đến nay, Việt Nam có 6 đơn vị chính thức được làm xét nghiệm này.

Theo Quyết định số 640/QĐ-BYT do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ký ban hành, Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona (COVID-19) đối với 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

 

Hai đơn vị này có nhiệm vụ làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định COVID-19 theo các quy định hiện hành.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới với số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh đã tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, thẩm định và cho phép các đơn vị xét nghiệm tại các bệnh viện đủ năng lực được phép tiến hành xét nghiệm sàng lọc và khẳng định COVID-19 theo đúng tiêu chuẩn của WHO.

Đây là một trong những biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo xét nghiệm chính xác, nhanh chóng phát hiện ca bệnh, từ đó tiến hành cách ly, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ đạt hiệu quả cao.

Được biết, đây mới chỉ là 2 bệnh viện đầu tiên được chính thức công nhận đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Việc thẩm định sẽ được tiến hành khẩn trương (về các mặt bảo đảm an toàn sinh học, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hành, tăng cường năng lực, chất lượng hệ thống xét nghiệm....). Dự kiến, sắp tới sẽ có thêm một số bệnh viện khác được công nhận, giúp tăng cường năng lực đối phó với bệnh dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh. Nắm rõ điều quan trọng này, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan liên tục củng cố tăng cường năng lực cho hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm.

Trong tình huống COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ngay từ thời gian đầu Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời các Viện vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur, các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm hóa chất để có thể triển khai xét nghiệm kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Tính đến 17h ngày 25/2/2020, Việt Nam đã xét nghiệm tổng số 1.320 (trong đó, số mẫu dương tính là 16, số mẫu âm tính là 1.304).

“6 đơn vị chính thức được thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona (COVID-19) gồm:

1. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

2. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

3. Viện Pasteur Nha Trang

4. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên

5. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

6. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hồ Chí Minh”

(26/2/2020, 642 từ)

4. Chiến đấu với “giặc” COVID-19

Đã có 386 chốt phòng chống dịch, thường trực 2.400 cán bộ biên phòng trên biên giới Việt - Trung chống xuất nhập cảnh trái phép.

Gần một tháng qua, phòng tuyến chống dịch lớp đầu tiên từ đường biên như một lưới chắn thép, biên phòng kiên trì, bám trụ suốt ngày đêm. Dự báo trong tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay, tâm lý yên tâm chủ quan lơ là có thể xuất hiện và công tác kiểm soát dịch biên giới sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch.Quân đội đã thành lập và kiện toàn 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, 14 tổ chuyên khoa tăng cường của các bệnh viện quân y. Ngoài ra còn có 5 đội, 154 tổ và 120 tổ cơ động phòng, chống dịch, cùng với 20 đội cơ động của các bệnh viện, chuẩn bị 1.500 giường sẵn sàng tiếp nhận cách ly và điều trị. Theo kịch bản dự kiến, các phương án phòng dịch tính đến việc huy động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn quân chuẩn bị doanh trại, cơ sở vật chất đáp ứng tiếp nhận, cách ly khoảng 37.200 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các nước có dịch trở về Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Tuyến sau phải tăng cường thêm quân cho phòng tuyến đường biên. Cho đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã tiếp nhận gần 3 ngàn công dân từ nước ngoài trở về đảm bảo chế độ ăn, nghỉ, sinh hoạt và theo dõi sức khỏe hằng ngày. Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc có phương án phối hợp với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới của Trung Quốc tạm dừng các hoạt động giao thương, qua lại hai bên biên giới. Tại các khu cách ly không ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19.

Mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, nỗi e ngại lây lan phủ lên các khu vực biên giới, nhưng Bộ đội Biên phòng đề cao việc bảo hộ công dân Việt Nam. Tại Móng Cái, thành phố biên mậu giao thương sầm uất bậc nhất tuyến biên giới Việt - Trung vắng vẻ. Toàn bộ người và phương tiện ra vào khu vực này đều qua kiểm tra thân nhiệt tại Trạm Kiểm soát liên ngành Km15. Cả thành phố thiết đặt lệnh cấm xuất nhập cảnh trái phép. Các khu thương mại, chợ biên giới, khu vui chơi giải trí đóng cửa. Ngay bên cạnh cửa khẩu dựng lên một khu cách ly tạm thời và toàn thành phố có 4 khu cách ly luôn có trên dưới 400 người về qua biên giới đang thực hiện cách ly nghiêm túc.

Thời tiết tháng Giêng bất thường, có những đêm mưa giông sầm sập. Mái lều bạt của các chốt biên phòng đã gia cố thêm các tấm bạt dày nhưng vẫn ngấm nước chảy xối xả. Tôi cùng với Thượng tá Đỗ Thái Bình Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn thị sát các chốt gác. Trong lều, những người lính thấy chỉ huy đến không thể chào điều lệnh vì 2 tay ghì chặt cột lều chống lại cơn giông kèm mưa lớn quét qua Móng Cái có thể làm đổ ập chốt dã chiến. Nếu có người nào bơi qua sông lọt qua chốt biên phòng vào nội địa mà mang theo mầm bệnh thì hậu quả khó lường. “Lưới chắn thép không được hớ hênh một giây phút nào” - Thượng tá Vương lo lắng nói át tiếng mưa.

Nếu trường kỳ chống dịch, lực lượng biên phòng lại phải có phương án bảo đảm sức khỏe cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ. Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, các lực lượng phòng dịch đều phải có bảo hộ. Không khí nồng nặc mùi cloramin B. Bất cứ một vật thể chuyển động nào xuyên qua khu vực kiểm soát cũng hiển thị thân nhiệt trên màn hình lớn. Hàng ngày, cửa khẩu quá vắng vẻ không người qua lại, cứ vài tiếng cán bộ các lực lượng lại đi qua máy để theo dõi thân nhiệt của chính mình. Mỗi lần xong ca trực, họ mới bỏ khẩu trang, sát khuẩn và trên đường về doanh trại, ai cũng nóng lòng gọi điện về hậu phương. Trong những cuộc gọi video, tiếng bọn trẻ được nghỉ học ở nhà đang chơi đùa lọt qua loa ngoài, biên giới mới bớt đi ảm đạm. Những người cha bộ đội lúc đó mới trả lời con gái nhỏ ở quê nhà: “bố khỏe lắm, con chơi vui, bao giờ hết dịch bố về thăm nhà nhé!”. (26/2/2020, 894 từ)

5. Sơn Lôi những ngày chống dịch

Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày qua trở thành tâm điểm của cả nước, là nơi có 6 bệnh nhân cùng dương tính với COVID-19.

Ngày 13/2/2020 sẽ được nhắc đến trong chiến dịch chống lại COVID- 19, vì lần đầu tiên để an toàn cho người dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly toàn bộ Sơn Lôi. Vì cả tỉnh, vì cả nước, 10.600 nhân khẩu của Sơn Lôi đã tạm thời “nội bất xuất, ngoại bất nhập”...

Tin vào ngành y tế

Xã Sơn Lôi là nơi có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Bắt đầu từ sáng 13/2/2020, xã phải cách ly trong 20 ngày để khoanh vùng, dập dịch.

Trong thời gian này, lực lượng chức năng chốt chặn tại các điểm ra, vào của xã. Do đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng công an, quân sự, y tế được tỉnh Vĩnh Phúc huy động về xã thực hiện nhiệm vụ kiểm soát cách ly, đảm bảo ANTT, kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dân ra, vào điểm chốt.

Vất vả hơn, nhiều việc hơn và áp lực lớn hơn, đó là nhiệm vụ của 9 cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) trong đợt dịch này. Họ là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất khi làm việc trong vùng tâm dịch, hàng ngày thường xuyên phải tiếp xúc với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao. Hầu hết cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế xã Sơn Lôi đều hiểu rõ điều đó, tuy nhiên khi được hỏi có lo lắng, sợ hãi không khi đang sống, làm việc giữa tâm dịch, chỉ kịp nở nụ cười trên môi, một cán bộ y tế của trạm nói, rồi chạy đi làm công việc của mình: “Nếu chúng tôi sợ hãi, điều gì sẽ xảy ra với người dân!?”.

Dù vất vả, khó khăn và chịu rất nhiều áp lực nhưng các cán bộ y tế ở xã luôn đoàn kết, động viên nhau sát cánh cùng người dân để hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm này là người dân Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung hãy tin tưởng đội ngũ cán bộ y tế, chia sẻ, đoàn kết với Vĩnh Phúc để ngăn chặn, khống chế COVID-19.

Để thực hiện cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã ngay lập tức thống kê số dân, cửa hàng đang kinh doanh trong xã, lên phương án dự trù lương thực, thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng các thực phẩm thiết yếu một ngày của 10.600 người dân xã Sơn Lôi được huyện Bình Xuyên tính toán đến từng chi tiết: Gạo khoảng 3,3 tấn; thịt lợn, gà, vịt khoảng 2,2 tấn; rau, củ, quả khoảng 6,7 tấn; trứng gia cầm hơn 2.000 quả... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi nói: Nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết trên địa bàn dồi dào, giá cả hợp lý, không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá hàng hóa. Tâm lý người dân ổn định, tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Mặt hàng cung cấp cho người dân được kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và bình ổn giá, không tăng giá so với thị trường. Sản phẩm đều được niêm yết giá công khai tại các điểm kinh doanh trên địa bàn.

Chốt chặn an toàn

Đảm bảo an toàn cho người dân xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập 12 điểm chốt chặn xung quanh xã Sơn Lôi. Mỗi điểm trực chốt chặn có từ 10 -12 người, trực 24/24h có nhiệm vụ phun khử trùng, đo thân nhiệt, theo sát tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn xã, trực gác tại các chốt chặn, kịp thời phát hiện người dân có biểu hiện mắc bệnh lý hô hấp.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ được phân công trực tại các chốt chặn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhân dân Sơn Lôi ngày đêm chống dịch. Rất nhiều cán bộ, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đều khẳng định: Trong giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức” này, những thầy thuốc nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc và tuân thủ nghiêm quy trình phòng hộ, vệ sinh cá nhân để chiến thắng lo lắng ban đầu. Nhiều y, bác sĩ đã không về nhà trong nhiều tuần do yêu cầu cấp thiết của công việc.

Với sự hỗ trợ chuyên môn của các thầy thuốc tuyến trên, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện việc điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19, nỗ lực của các thầy thuốc nơi đây đã góp phần không nhỏ ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, tạo niềm tin cho người bệnh được điều trị và người dân trên địa bàn.

Chưa và không bao giờ thầy thuốc từ chối bệnh nhân và càng không sợ đến nơi hiểm nguy, truyền thống tốt đẹp đó được lưu truyền từ y học cổ đại, Hyppocrate, Hải Thượng Lãn Ông, trui rèn qua 65 năm nền y tế cách mạng và mãi được viết tiếp như bản anh hùng ca bất diệt của ngành y tế Việt Nam.

“PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tăng cường cho Vĩnh Phúc nói: Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc, đặc biệt là tinh thần thép của đội ngũ cán bộ y tế. Họ là cánh tay đắc lực trong công tác kiểm soát, theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh; phối hợp thực hiện tốt các biện pháp cách ly người bệnh và các đối tượng nghi nhiễm. Ðồng thời, triển khai hiệu quả công tác khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Ðây cũng là lực lượng nòng cốt có vai trò tích cực tham gia vận động, tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.”(26/2/2020, 1118 từ)

6. Hà Nội giám sát 23 người đến từ vùng dịch ở Hàn Quốc

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 8 giờ 30 ngày 26/2, Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca nghi nhiễm COVID-19 mới ở Đông Anh. Ngoài ra, thêm 23 người đến từ vùng dịch ở Hàn Quốc cần được giám sát.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và thế giới, số ca nghi mắc và số người đến từ vùng dịch ngày càng tăng, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cũng như TTYT các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trực thuộc tăng cường truyền thông đến người dân, người bệnh chủ động, tự giác thực hiện khuyến cáo về phòng chống dịch COVID-19.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị và nhân viên y tế không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…), bệnh án, quá trình điều trị của những người đang nghi ngờ, theo dõi hoặc điều trị dịch bệnh COVID-19.

Cũng theo Sở Y tế, hiện nay trên mạng xã hội có tình trạng xuất hiện thông tin sai sự thật liên quan đến bệnh COVID-19 gây hoang mang dư luận. Khi nắm bắt thông tin không đúng sự thật, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động xác minh và cung cấp thông tin đúng, chính xác, thông báo rộng rãi tới người dân trên địa bàn qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội…

Khẩn cấp cách ly y tế đối với khách nhập cảnh đến từ vùng dịch Hàn Quốc

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thượng khẩn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19  tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế tại cửa khẩu và cách ly y tế đối với khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chỉ đạo các đơn vị phục vụ hành khách tại sân bay phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện tờ khai y tế tại cửa khẩu đối với tất cả các hành khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc để ngành y tế Hà Nội điều tra, xử lý dịch theo quy định và tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã, phường, thị trấn và công an trên địa bàn phối hợp với TTYT thực hiện rà soát, thống kê, tổng hợp hành khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc để điều tra, giám sát, cách ly y tế tại nơi cư trú, các cơ sở lưu trú theo quy định.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội in ấn tờ khai y tế theo mẫu, cấp phát cho hành khách; tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu và thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19. (26/2/2020, 591 từ)

7. Dịch COVID-19: Bệnh nhân thứ 16 đã ra viện

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng của Việt Nam đã khỏi bệnh. Như vậy 16/16 bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở nước ta đã được chữa khỏi và xuất viện.

Bệnh nhân thứ 16 nhiễm COVID-19 ở nước ta là ông N. V. V (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông V. là bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (thành viên của nhóm 8 người được Công ty Nihon Plast cử đi công tác tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). Mẹ và em gái của bệnh nhân D. cũng đã được xác định mắc COVID-19.

Trước đó, sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân bị mắc bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân V. vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2/2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

Người bệnh được xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính và được cách ly tập trung 04 ngày, đến ngày 11/02 người bệnh có triệu chứng ho ít, chảy nước mũi, không sốt và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ngày 12/02/2020 có kết quả dương tính với COVID -19 được điều trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà-Bình Xuyên-Vĩnh Phúc.

Bệnh nhân N.V.V được chỉ định cách ly, theo dõi, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (thuộc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau 15 ngày điều trị bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở, thể trạng ổn định. Bệnh nhân được xét nghiệm lại âm tính lần 1 ngày 23/02/2020, âm tính lần 2 ngày 24/02/2020 và âm tính lần 3 ngày 25/02/2020. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, thể trạng tốt.

Kể từ ngày 14/2 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc chưa ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào. Trước đó, Vĩnh Phúc từng là nơi có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước với 11 trường hợp.

Việt Nam hiện có 16/16 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị khỏi, trong đó tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà đã chữa khỏi và cho xuất viện cả 5/5 trường hợp dương tính với COVID-19

Phát biểu tại  buổi lễ công bố bệnh nhân dương tính với COVID -19 cuối cùng khỏi bệnh, ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, tổ phó tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Sơn Lôi chúc mừng gia đình có 3 bệnh nhân khoẻ mạnh ra viện, không còn phải ở khu cách ly đặc biệt mà chỉ theo dõi sức khỏe. Đồng thời, ông Khoa gửi lời chúc mừng các thầy thuốc của Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà cũng như các thầy thuốc tăng cường đến thời điểm này đã không chỉ điều trị thành công khỏi bệnh cho các bệnh nhân dương tính mà đã hoàn thành mục tiêu:không lây cho nhân viên y tế cũng như những người bệnh khác và cộng đồng.

Tại phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà chia riêng từng nhóm bệnh nhân, người dương tính, người nghi nghi ngờ đã lấy mẫu xét nghiệm, người chưa lấy mẫu. Hiện tại ở phòng khám đang theo dõi, cách ly 29 người nghi ngờ, toàn bộ đã cho kết quả âm tính lần 1, gần nửa đã có xét nghiệm âm tính lần hai.

Chị Phạm Thị Th., vợ bệnh nhân V. cùng con gái (cũng là hai bệnh nhân dương tính đã khỏi bệnh) gửi lời xin lỗi cộng đồng vì đã làm ảnh hưởng, lây bệnh sang người khác. Gia đình bệnh nhân cho biết, trong quá trình điều trị, chăm sóc và theo dõi cách ly tại phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, luôn được các thầy thuốc và nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc chu đáo  từ bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình cũng như những bệnh nhân khác.

“Mới đầu hôm 6 Tết âm lịch nghe tin cháu D. dương tính với bệnh này, gia đình tôi rất buồn và lo lắng. Nhưng cháu Dự được điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cảm thấy bình tĩnh hơn. Tại phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, tôi cùng chồng và con gái - em của D. ở các phòng bệnh khác nhau, hàng ngày động viên nhau qua điện thoại, cùng bảo nhau yên tâm, cố gắng hợp tác với các thầy thuốc và nhân viên y tế để nhanh khỏi bệnh. Hôm nay gia đình chúng tôi đều đã khỏi bệnh, đoàn tụ. Không biết nói gì hơn, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn, tri ân đến các y bác sĩ”- chị Th nói (26/2/2020, 872 từ)

8. Điều trị ca bệnh COVID-19 đặc biệt ở TP. HCM: Chuyện bây giờ mới kể

Chống dịch COVID-19 đã và đang được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, quyết liệt. Và trong hơn 1 tháng căng mình chống dịch ấy, nhân viên y tế được xem là những chiến sĩ tuyến đầu.

Ở “chiến trường” của mình, các chiến sĩ khoác blouse trắng đã không ngại nguy hiểm, ngày đêm tìm mọi cách để đánh bại loại virus nguy hiểm nhằm cứu sống tính mạng của bệnh nhân.

 

Ca bệnh bất ngờ đến vào ngày giáp Tết

Đêm 29 tháng Chạp, tôi đang chuẩn bị rời TP.HCM về quê đón Tết thì điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia, một đồng nghiệp cấp báo “vài phút nữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy”. Cuộc gọi ngắn gọn khiến hoang mang tột độ bởi mọi thứ nằm ngoài kế hoạch. Những phóng viên khác cũng nhận được cuộc gọi quay sang nhắn tin cho nhau với cùng thắc mắc: “Chuyện gì đang xảy ra”.

Đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì đã thấy PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn đang mặc đồ phòng hộ, cạnh anh là PGS.TS. Trần Minh Trường - Phó Giám đốc bệnh viện, ngoài ra còn một người nữa mà tôi không quen. Cả 3 đi thẳng vào phòng cách ly Khoa Bệnh Nhiệt đới. Vài phút sau, họ trở ra và công bố bệnh nhân dương tính với nCoV (tên gọi của COVID-19 ở thời điểm đó) đầu tiên người Trung Quốc.

Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy - cái khoa của một bệnh viện lớn nhất miền Nam đã không quá xa lạ với cánh phóng viên mảng y tế, nhưng có lẽ với những ai có mặt trong đêm hôm ấy, đó sẽ là một kỷ niệm phải nhớ mãi. Ai nấy nhìn nhau. Căng thẳng tràn ngập dù không khí Tết đã vàng rực trên nhành mai hay mấy câu đối đỏ đặt ở văn phòng khoa.

Thực ra, khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn công bố ca dương tính thì mọi thứ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nóng lên từ trước đó 1 ngày. Đó là khi bệnh viện này bất ngờ tiếp nhận bệnh nhân Li Ding người Trung Quốc đến từ Vũ Hán có biểu hiện nhiễm virus được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới. “Là đêm 28 Tết, tôi đang ngồi ăn cơm tối cùng gia đình thì được BS. Thắng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn gọi đến báo tin có ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 và 1 trong 2 người bệnh đến từ Vũ Hán. Lúc đó, tôi ngờ ngợ sắp có chuyện chẳng lành”, BS. Nguyễn Ngọc Sang - một trong những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân kể.

Quyết tâm cứu sống người bệnh

Sau 1 đêm trằn trọc, 29 Tết, BS. Nguyễn Ngọc Sang vội vã đến bệnh viện từ khi trời chưa kịp sáng. Thay vội bộ đồ phòng hộ, anh cùng điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm vào khu cách ly để khám trực tiếp cho người bệnh. Tình trạng bệnh rất xấu. Bệnh nhân Li Ding lúc này đã bắt đầu sốt cao, ho nhiều, kết quả Xquang cho thấy phổi đã có nhiều đốm trắng tổn thương. Khó khăn ban đầu của BS. Sang và điều dưỡng Tâm không chỉ là những lo lắng bị nhiễm bệnh mà chính là phải thuyết phục bệnh nhân hợp tác. Bất đồng ngôn ngữ, lần đầu điều trị bệnh ở một đất nước xa lạ, lại bị cách ly nghiêm ngặt. Tất cả đã khiến bệnh nhân phản ứng dữ dội khi nhân viên y tế xin lấy dịch từ miệng hay lấy đàm phổi để xét nghiệm. Khó khăn lắm BS. Sang và đồng nghiệp mới có thể thuyết phục được người bệnh nhờ vào sự giúp sức của Li Zichao - người con trai của Li Ding.

Chiều 29 Tết, toàn bộ bệnh án đã được tổng hợp đầy đủ. “Li Ding, 65 tuổi, phổi bị tổn thương do nCoV. Bệnh nhân mắc tiểu đường, mắc bệnh lý tim mạch, ung thư phổi đã điều trị cắt u nên chỉ còn một bên phổi...”. Bệnh nhân hội đủ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tử vong và nguy hiểm hơn là ngay sau đó, người bệnh vào cơn suy hô hấp nghiêm trọng. Trước tình huống khó, dưới sự chỉ đạo sâu sát từ Bộ Y tế, BSCKII. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vừa động viên tinh thần của 30 nhân viên y tế chuyên trách, mặt khác nêu quyết tâm phải cứu sống bằng mọi giá.

Đến gần tối thì bệnh nhân nguy kịch. Li Ding yếu dần, thở dốc. Nhiệt độ cơ thể lên đến hơn 40 độ C. Bệnh nhân không thể tự thở nên phải được trợ thở. “Phải mất hơn 48 giờ đồng hồ căng thẳng vừa chăm sóc điều trị vừa động viên, cơn nguy kịch của bệnh nhân Li Ding mới tạm qua đi. Với chúng tôi, đó là những thời khắc căng thẳng không thể nào quên”, ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới nói.

Khó khăn tạm thời qua đi nhưng những ngày sau đó, bệnh nhân vẫn còn mệt. Kết quả Xquang phổi vẫn cho thấy tình trạng tổn thương khá nghiêm trọng. Tải lượng nCoV vẫn còn. “Virus này suy yếu trong nhiệt độ cao. Hay ta đón ánh sáng mặt trời và mở cửa thông thoáng”. Ý kiến được các bác sĩ nêu lên rồi thống nhất thực hiện. Nhưng làm gì thì cũng cần bệnh nhân phải đồng thuận. Các bác sĩ Anh Thơ, Ngọc Sang, Văn Thuận, điều dưỡng Minh Tâm, Trần Thị Hải và những “chiến sĩ” khác lại thay nhau mặc trang phục phòng hộ vào tận phòng bệnh hướng dẫn bệnh nhân ra bậu cửa hứng nắng, hướng dẫn bệnh nhân súc miệng sát khuẩn, tập thở, tập đi... Những việc làm này không những khiến bệnh nhân hồi phục rất mau mà còn khiến ông thay đổi thái độ. Nụ cười và những tiếng cảm ơn đã xuất hiện. Cuộc chiến cam go dần thu được những chiến công khi con trai của Li Ding, sau đó đến ông lần lượt hết sốt và âm tính.

Chiến đấu suốt ngày đêm và kéo dài hơn 3 tuần lễ, thế nhưng, để nói về quá trình điều trị, cả BSCKII. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc bệnh viện, TS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho đến ThS. Võ Ngọc Anh Thơ, BS. Nguyễn Ngọc Sang, BS. Nguyễn Văn Thuận... hay các điều dưỡng Minh Tâm, Trần Thị Hải... đều cho rằng đây là những việc rất đỗi thường nhật của cuộc đời làm trong ngành y tế. Rằng khó khăn trong trận chiến này là khó khăn chung của toàn hệ thống chính trị. Rằng việc của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bệnh viện có bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác đã làm không chỉ là mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc mà đó còn là sứ mệnh bảo vệ niềm tin cho ngành y trong lòng nhân dân.

Sự chuyên nghiệp trong khám chữa bệnh, sự ân cần của các bạn trong khâu chăm sóc đã dành cho chúng tôi, chúng tôi ghi nhớ từ tận đáy lòng, đặc biệt là vị bác sĩ đã cho cha tôi uống thuốc thêm 10 ngày khi ông ấy không còn nằm viện. Hành động quan tâm và chăm sóc tử tế ấy khiến chúng tôi rất cảm động.

Xin cảm ơn các bạn rất nhiều vì những bữa ăn ngon và trái cây mà gia đình tôi được nhận suốt thời gian nằm viện!

Cảm ơn, cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam! (26/2/2020, 1343 từ)

9. Bộ Y tế hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc

Bộ Y tế vừa có công văn số 868/BYT-DP ngày 24/02/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến 8h30 ngày 25/2/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận 893 trường hợp mắc trong đó có 8 trường hợp tử vong và là quốc gia có số trường hợp mắc cao nhất ngoài Trung Quốc.

 

Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp). Trong đó, có nhiều trường hợp mắc không xác định được nguồn lây nhiễm do đó khó khăn trong việc xử lý triệt để ổ dịch. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất, đồng thời đưa thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang là hai khu vực cần có sự quan tâm đặc biệt về dịch COVID-19.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta; ngày 24/02/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã họp và thống nhất áp dụng các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch đối với các khu vực có dịch tại Hàn Quốc.

Thực hiện kết luận tại phiên họp của Ban chỉ đạo Quốc gia; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời.

Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố. Các nội dung liên quan khác về cách ly tập trung được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời rà soát thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 09/02/2020 để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn.

Người trở về từ khu vực khác ngoài khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và thông báo, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

Bố trí phiên dịch 3 ngôn ngữ hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế

Bộ Y tế cũng vừa có Công văn số 865/BYT-DP về việc bố trí phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để phòng chống dịch COVID-19 đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc và có nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai Tờ khai y tế đối với tất cả người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trong quá trình triển khai áp dụng Tờ khai y tế bằng 03 ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc, do hầu hết các cửa khẩu hiện đang thiếu/không có các cán bộ có thể đọc, hiểu được 03 ngôn ngữ trên nên đã gây khó khăn, trở ngại cho các đơn vị tại cửa khẩu trong việc sàng lọc các trường hợp về từ vùng có dịch để cách ly, thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế đối với hành khách nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc gần ngay tại cửa khẩu, cũng như việc quản lý, theo dõi hành khách nhập cảnh sau này tại địa phương.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo bổ sung Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ làm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh (ở nơi chưa phải là thành viên Ban Chỉ đạo), đồng thời giao làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và cử các cán bộ có khả năng phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đến làm việc tại cửa khẩu để hỗ trợ các đơn vị Kiểm dịch y tế trong việc hướng dẫn người thực hiện khai báo y tế, sàng lọc tờ khai y tế cũng như thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo đảm bảo đủ số lượng cán bộ hỗ trợ để thực hiện theo nội dung tờ khai.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị Kiểm dịch y tế tại cửa khẩu thực hiện các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ hỗ trợ ngôn ngữ làm việc tại cửa khẩu, hoàn thành nhiệm vụ. (25/2/2020, 1032 từ)

10. Cách ly y tế 14 ngày là đặc biệt quan trọng để phòng dịch COVID-19

Theo Bộ Y tế, biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, đặc biệt với những trường hợp về từ Trung Quốc.

Ngày 14/2, Bộ Y tế thông tin về thời gian ủ bệnh của bệnh COVID-19 và áp dụng biện pháp cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19.

COVID-19 được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019, sau đó lan rộng ra toàn bộ 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp bệnh tại 27 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội của nhiều quốc gia. Ngày 12/2/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên cho bệnh này là COVID-19.

Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, đặc biệt với những trường hợp về từ Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.

Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế 14 ngày nghiêm ngặt để phòng bệnh COVID-19. Tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Người đi từ 31/31 vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hướng dẫn chi tiết về đối tượng cách ly, thời gian cách ly, việc thực hiện cách ly.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát với đối tượng cách ly bảo đảm

Để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19, tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, tại văn bản 1145/VPCP-KGVX vừa ban hành hôm nay (14/2/2020), Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.(25/2/2020, 650 từ)

11. Từ 15h ngày 23/2:Hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế

Bộ Y tế đã chính thức áp dụng việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ 15h chiều ngày 23/2 tại tất cả các cửa khẩu

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh sáng ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc, sáng ngày 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Giao thông, Công an, Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao – Du lịch, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan khác để phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc và đề xuất những biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc

Sau khi thống nhất các ý kiến, cuối giờ sáng ngày 23/2, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ 15h chiều ngày 23/2 tại tất cả các cửa khẩu.

Đến thời điểm hiện tại, tờ khai y tế bắt buộc được thể hiện bằng 4 ngôn ngữ: Tiếng Viêt, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn

Theo đó, kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp…, kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly, khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng).

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí. Đồng thời, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế và lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.

Theo đó, đối với những trường hợp sốt, ho, khó thở... sẽ được cách ly theo quy định. (24/2/2020, 492 từ)

12. Hướng dẫn phòng tránh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chợ...

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch.

Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch của Bộ Y tế gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể:

Khuyến cáo dành cho những đối tượng như: Ban quản lý/người phụ trách/giám đốc khu dịch vụ, người sử dụng lao động, người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ, khách hàng vào khu dịch vụ.

Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ

1. Trước khi đến khu dịch vụ: Tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Không đến khu dịch vụ nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

2. Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ:

- Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân: cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới 1m (nếu có thể).

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ.

- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

- Không khạc nhổ bừa bãi.

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người làm việc, người bán hàng cùng hoặc khách hàng có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải báo cho cán bộ phụ trách phòng chống dịch tại khu dịch vụ và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Đối với khách hàng:

          1. Không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến chỗ đông người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định

3. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế trong thời gian có mặt ở khu dịch vụ vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn,…

4. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ.

5. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.

6. Không khạc nhổ bừa bãi.

7. Thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi bản thân thấy có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.

Khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ

1. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

2. Tổ chức khử khuẩn khu dịch vụ như sau:

- Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày.

- Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 04 lần/ngày.

3. Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi,… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa.

4. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.

Ban quản lý và người sử dụng lao động có trách nhiệm:

1. Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu dịch vụ.

2. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ và khách hàng. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn.

3. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng.

4. Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ.

5. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

6. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động, làm việc, bán hàng và khách hàng.

7. Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện các nội dung của khuyến cáo này.

8. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095). 


Thăm dò ý kiến