Điểm tin y tế tháng 8.2019

06/08/2019 | 09:07 AM

 | 

  1.  Bộ Y tế bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, kiêm Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 4/6, tại TP HCM, Bộ Y tế đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo đó, PGS TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, kiêm Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 3/6/2019. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho GS TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách Quản lý - Điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng với đó, đại diện Bộ Y tế cũng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể và 7 cá nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. (268)

  1.  Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Chiều 4/6, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin kết quả sau 5 năm thực hiện việc đổi mới phong cách thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính và bảo hiểm y tế. Theo đó, ngày 4/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành quyết định số 2151/KH-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Sau 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Đến nay, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” gồm 21 thành viên do Bộ trưởng trực tiếp làm Trưởng ban, có Tổ thư ký giúp việc gồm 19 thành viên; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch. Tại các địa phương đã có 63/63 tỉnh, thành ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch và tài liệu tập huấn, tổ chức tập huấn cho các địa phương, đơn vị để đưa nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ vào nội dung thi tuyển viên chức, hội thi điều dưỡng giỏi.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đã có 160 bệnh viện tự chủ tài chính góp phần giảm chi ngân sách ngân sách nhà nước; nhiều bệnh viện tự chủ được 89%. Cùng với đó là việc xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Thực hiện lộ trình đến năm 2020, giá các dịch vụ y tế phải tính đúng tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp. Trước nhu cầu ngày càng có nhiều người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và ban hành thông tư về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, đồng thời, minh bạch các khoản thu, chi trong quá trình khám, chữa bệnh. Thời gian tới , Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách phát triển, tạo điều kiện cho y tế tư nhân. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Hà- Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch- đẹp. 95% bệnh viện đạt xanh-sạch-đẹp ở mức độ tốt và khá, không có loại kém; nhà vệ sinh tại bệnh viện được cải thiện (tăng độ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh thêm 3% so với năm 2017).

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), qua 5 năm triển khai đánh giá, chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2018 (người bệnh nội trú) đạt 80,6%, giảm đáng kể tình trạng nhũng nhiễu, lót tay… Các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao được nhiều kỹ thuật cao. Đa số các bệnh viện trên cả nước đã không còn tình trạng nằm ghép nhưng tình trạng quá tải vẫn còn. Bộ Y tế đã thành lập đường dây nóng để người bệnh có thể phản ánh, đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí nâng cấp cơ sở, vật chất...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chú trọng phát triển nhóm giải pháp đẩy mạnh y tế cơ sở, xây dựng y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế để quản lý bệnh viện theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế.  (763)

  1.  Thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.

Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Chủ tịch và không quá 20 thành viên; sử dụng bộ máy giúp việc chung với Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; bảo đảm không tăng biên chế, bộ máy.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.

Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007, lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm. Những năm gần đây, tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, bao gồm kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy GeneXpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh, thuốc mới Bedaquline, Delamanid, Rifampentine…

Nhờ đó, hàng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%. Tỷ lệ khỏi bệnh đã đạt trên 92% cho người mới mắc lần đầu, 75% cho người mắc lao đa kháng thuốc nói chung và 80% cho người mắc lao đa kháng thuốc đơn thần với phác đồ ngắn hạn, trong khi con số này trung bình toàn cầu là 52%. Ngay cả với lao siêu kháng thuốc đã có phác đồ có thuốc mới và dần bao phủ mở rộng trên phạm vi toàn quốc để khống chế tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng.  

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao bởi có những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Việt Nam có đầy đủ các chính sách như hỗ trợ 70% lương cho cán bộ trực tiếp khám chữa lao, có những ưu tiên tiếp cận và chi trả khám chữa lao cho người có thẻ bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ thuật với phác đồ chuẩn được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc từ tiêu chuẩn chẩn đoán, các kỹ thuật xét nghiệm, phác đồ điều trị lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn đều được cấp thuốc miễn phí từ Trung ương đến xã, phường, thôn, bản... (508)

  1.  Bệnh nhân bất ngờ và xúc động vì được y bác sĩ tri ân

PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông nghiệp cho biết: Người bác sĩ có thể tạo ra thương hiệu bệnh viện nhưng những điều dưỡng viên lại chính là những người làm nên chất lượng dịch vụ bệnh viện. Họ là người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với người bệnh và thấu hiểu họ hơn ai hết.

Chiều 5/6, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học Điều dưỡng và tri ân người bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên diễn ra hoạt động tri ân người bệnh sau quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân tỏ ra khá bất ngờ và xúc động.

Bệnh nhân Đỗ Quang Thắng, 34 tuổi, được chuyển tuyến từ Nam Định lên đây điều trị nối đứt rời bàn tay tại khoa Chấn thương cho biết, anh "vô cùng ngạc nhiên" khi hôm nay điều dưỡng đến tận giường bệnh mời anh lên để bác sĩ, cán bộ y tế... tri ân.Chia sẻ về hoạt động có ý nghĩa này, PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng của BV cho biết, ngành y là một nghề rất đặc biệt mà người bệnh là chính đối tượng phục vụ, là khách hàng.

Hiện nay, các bệnh viện muốn có khách hàng cần phải thay đổi tư duy, đồng hành với bệnh nhân, thấu hiểu nhu cầu, tâm tư người bệnh. Bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh mà còn phải là nơi chăm lo cho người bệnh. Chính vì thế người thầy thuốc phải nhìn nhận lại những vấn đề chưa đáp ứng được để thay đổi.

benh-nhan-bat-ngo-va-xuc-dong-vi-duoc-y-bac-si-tri-an-1PGS.TS Hà Hữu Tùng thăm hỏi bệnh nhân hen phế quản.

Đối với nhân viên y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh thì bệnh nhân chính là "người thầy" lớn nhất. Việc tri ân người bệnh chính là hoạt động gắn kết giữa nhân viên y tế và những “người thầy” ấy.

Theo PGS. Tùng, người bác sĩ có thể tạo ra thương hiệu bệnh viện nhưng những điều dưỡng viên lại chính là những người làm nên chất lượng dịch vụ bệnh viện. Họ là người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với người bệnh nhiều nhất. Do áp lực công việc nên tình trạng stress vẫn luôn tăng cao.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 73.000 y bác sỹ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng, nữ hộ sinh/bác sĩ là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304, thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ về vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh, mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam đang có những thay đổi căn bản, đổi mới từ cách nghĩ, cách làm và cách kiểm tra bệnh viện, lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Trong đó, người điều dưỡng có vai trò quan trọng trong hệ thống khám, chữa bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt hơn 80% có đóng góp không nhỏ từ chăm sóc của người điều dưỡng.

Tuy nhiên, theo PGS Khuê, hiện hệ thống khám, chữa bệnh hiện cũng phải đối mặt với những thách thức như gánh nặng bệnh tật kép từ bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, các bệnh hiếm gặp; các bệnh viện phải đổi mới để đáp ứng với tự chủ bệnh viện. Do đó, đội ngũ điều dưỡng cần tiếp tục nghiên cứu về chăm sóc toàn diện người bệnh và tiếp tục có những sáng kiến, đổi mới trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phong cách phục vụ người bệnh. (714)

  1.  Chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai

Bộ Y tế đã ban hành Công văn 3105/BYT-BM-TE chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai.

Theo Công văn này, ngày 26/6/2017 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3614/BYT-BM-TE chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) KHÔNG sử dụng phương pháp gây tê tủy sống  ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như bệnh cảnh tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Cụ thể các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.

Qua theo dõi và báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại các địa phương vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.

Nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tai biến như đã đề cập, góp phần giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành và bệnh viện ngoài công lập có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017 về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh; hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017. Đồng thời, rà soát bổ sung, cập nhật các quy trình khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở, nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, giảm thiểu tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. (493)

  1. Nếu CPI tăng cao sẽ hoãn điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm nay

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, năm 2019 còn 2 bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, là điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 đồng và bước hai là tính chi phí quản lý.Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội.

Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết tại buổi cung cấp thông tin về các nội dung: 5 năm thực hiện đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; bệnh viện xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính-bảo hiểm y tế, do Bộ Y tế tổ chức chiều 4/6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh, Bộ Y tế xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

‘‘Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương (theo mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng). Theo lộ trình năm nayp còn 2 bước điều chỉnh, gồm: điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng và tính chi phí quản lý.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021," ông Liên phân tích.

Về việc quy định các mức giá khám chữa bệnh, ông Liên cũng chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo đó, Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư. Thủ trưởng đơn vị y tế có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu nhưng không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2018, Bộ đã phối hợp kiểm tra, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện thuộc trường và bệnh viện tuyến tỉnh. Tỷ lệ hài lòng người bệnh đạt 83%.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, két quả khảo sát sự hài lòng người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố cho thấy, mức hài lòng của người bệnh đạt gần 81%, tăng so với năm 2017.

Đặc biệt, về tiêu chí bệnh viện xanh-sạch-đẹp đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Có 95% bệnh viện đạt xanh-sạch-đẹp ở mức tốt và khá, không có loại kém. Nhà vệ sinh bệnh viện - yếu tố luôn bị người bệnh phàn nàn nhiều nhất, đã được cải thiện, năm 2018 tăng 3% so với năm 2017.

Trong 3 năm 2016-2018, kết quả thực hiện đường dây nóng cho thấy, trong năm 2018, có tới gần 66.000 cuộc gọi đường dây nóng, trong đó có gần 12.500 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi, chiếm gần 20%. Theo đó, cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn tiếp tục là những nội dung “bị” phản ánh nhiều nhất, chiếm tới 71% nội dung; 16% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế, tương đương với 2 năm trước đó. Để có được kết quả của sự hài lòng người bệnh như vừa công bố là một quá trình thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp. Bộ Y tế đã ban hành 7 Thông tư: Thông tư về đổi mới, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đơn giản và giảm thời gian chờ đợi; Thông tư về trang phục của các nhân viên y tế khác nhau trong bệnh viện; Thông tư về đường dây nóng; Thông tư về hòm thư góp ý; Thông tư về phòng Công tác xã hội để hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi họ gặp khó khăn trong lúc đến bệnh viện thăm khám, điều trị; Thông tư về ứng xử, khen thưởng và kỷ luật cán bộ y tế.

Đặc biệt, Thông tư về đổi mới tài chính là tính đến những chi phí trực tiếp, trong đó có chi phí tiền lương tính vào giá dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả cho những bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho hay, để việc đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện xanh-sạch-đẹp cao hơn nữa, Bộ Y tế sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đột xuất tại các bệnh viện để kiểm tra thực tế công tác này nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. (1094)

  1. 95% bệnh viện đạt Xanh-Sạch-Đẹp ở mức tốt và khá

Tại buổi gặp mặt báo chí “Cung cấp thông tin y tế”, ngày 4/6/2019 tại Hà Nội, Bộ y tế đã thông tin kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 3638/QĐ-BHYT của Bộ Y tế về thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp và đưa ra định hướng trong thời gian tới.

Theo đó, các kết quả đã đạt được là 95% bệnh viện đạt xanh-sạch-đẹp ở mức tốt và khá; không có loại kém. Môi trường bệnh viện xanh, sạch, sáng, đẹp hơn. Nhà vệ sinh tại bệnh viện được cải thiện (tăng độ hài lòng của người bệnh về nhà vệ sinh thêm 3% so với năm 2017).

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, về nội dung thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp ở các bệnh viện tuyến Trung ương tỉ lệ xếp loại tốt là 84,2%, loại khá là 15,8%, không có cơ sở nào xếp loại trung bình. Tuyến tỉnh tỉnh xếp loại tốt là 66,7%, loại khá 32%. Tuyến huyện xếp loại tốt là 54,6% và loại khá là 40%.

Để tiếp tục xây dựng thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, Bộ Y tế đã đưa ra những định hướng trong thời gian tới: Ngoài việc tăng cường vai trò trách nhiệm của mỗi người đứng đầu đơn vị và nâng cao nhận thức cán bộ, nhân viên y tế.

Bộ Y tế  sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện bệnh viện xanh-sạch-đẹp; Tiến hành đào tạo tập huấn, truyền thông thường xuyên, trực tiếp tới người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế về thực hiện bệnh viện xanh-sạch-đẹp. Sửa đổi bổ sung chính sách, quy định phù hợp thực tiễn của cơ sở và định hướng trên thế giới; huy động nguồn lực thực hiện quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện đảm bảo xanh-sạch-đẹp... (337)

  1. Doanh nghiệp sẽ được làm kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

Những dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay Quỹ BHYT chưa chi trả sẽ được Bộ Y tế cho các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia. Đó là thông tin được ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) chia sẻ tại buổi họp báo chiều ngày 4/6 do Bộ Y tế tổ chức. Theo quy định, hiện nay những người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự chi trả một số dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT bao gồm: Thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản,… Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải đồng chi trả từ 5% đến 20% tùy theo đối tượng; phần chi phí chênh lệch khi khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu.

Các chuyên gia cho rằng, tùy theo từng loại bệnh, loại thuốc mà phần đồng chi trả có thể là gánh nặng với nhiều gia đình, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiếm gặp.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, thời gian tới Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia vào lĩnh vực BHYT, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi BHYT.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo ông Khảm, việc doanh nghiệp cùng tham gia BHYT không mới. Trên thế giới, đã có nhiều nước triển khai mô hình này. Ví như tại Oxtraylia, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, còn các doanh nghiệp cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Việc doanh nghiệp cùng tham gia BHYT sẽ giúp cho người bệnh giảm chi phí khám chữa bệnh, các BV có điều kiện hoạt động tốt hơn, ông Khảm chia sẻ. (380)

  1. Đẩy mạnh phát hiện sớm các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện nay có khoảng 92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí trong lành. Mỗi năm ô nhiễm không khí làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm kích thước nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoàn, gây tổn thương phổi, tim và não, làm 7 triệu người chết sớm mỗi năm do bệnh tật như ung thư, đột quỵ, bệnh tim, phổi.

Chính vì vậy, thời gian tới, ngành y tế sẽ đẩy mạnh các biện pháp để nghiên cứu và dự phòng, phát hiện sớm các bệnh do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe; hướng dẫn người dân các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe phòng tránh tác hại của ô nhiễm không khí.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, do Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện phụ sản Trung ương tổ chức chiều 5/6 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện nay có khoảng 92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí trong lành. Mỗi năm ô nhiễm không khí làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD để chi phí về mặt phúc lợi xã hội.

“Đặc biệt, trong số 7 triệu người chết sớm mỗi năm thì có khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh này là ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có gần 4 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí mỗi năm,” bà Hương cho hay.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính từ năm 2030 đến 2050 biến đổi khí hậu có thể làm tăng thêm 250.000 trường hợp tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt. Chính vì vậy, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Ô nhiễm không khí.”

Thông điệp Ngày Môi trường thế giới năm nay nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, các ngành công nghiệp, cộng đồng và mọi cá nhân cùng nhau tìm kiếm, sử dụng năng lượng tái tạo, các công nghệ xanh, cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố và các khu vực trên toàn thế giới.

Bà Hương cho biết, trong thời gian qua Bộ Y tế cũng đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Đó là các hoạt động như triển khai cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp trên toàn quốc nhằm tạo môi trường sạch, đảm bảo không khí trong lành cho người bệnh.

Nhiều cơ sở y tế đã sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để xử lý chất thải như thiết bị hấp, thiết bị vi sóng để xử lý chất thải lây nhiễm thay cho sử dụng lò đốt. Một số cơ sở y tế đã sử dụng năng lượng tự nhiên cho các hoạt động khám chữa bệnh; tăng cường quản lý và xử lý chất thải y tế đúng theo quy định, ưu tiên sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường.

Cũng tại buổi lễ, các khoa phòng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã ký cam kết rửa tay với xà phòng nhằm tăng cường công tác vệ sinh, tạo môi trường sạch trong bệnh viện./. (691)

  1.  Vụ viêm ruột thừa vào viện tỉnh 2 ngày không phát hiện ra bệnh, 1 bác sĩ bị kỷ luật

Liên quan tới trường hợp bệnh nhân bị viêm ruột thừa vào viện tỉnh 2 ngày không tìm ra bệnh, một bác sĩ của khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau bị kỷ luật.

Trước đó, ngày 29/4, chị Nguyễn Bích T. (sinh năm 1975), trú tại xã Tạ An Khương, Đầm Dơi, Cà Mau có dấu hiệu đau bụng nhiều nên được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu.

Sau hai ngày cấp cứu, các bác sĩ không tìm ra bệnh mà chỉ cho nằm theo dõi. Chị T. ngày càng đau bụng nhiều hơn. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi và không tìm ra bệnh gì. Gia đình quá sốt ruột đã xin chuyển tuyến lên trung ương. Tuy nhiên, chị T. được đưa ra một phòng khám siêu âm, bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa phúc mạc phải mổ cấp cứu gấp. Chị T. nhanh chóng được đưa vào bệnh viện khác mổ cấp cứu viêm ruột thừa hoại tử. Gia đình của chị T. đã bức xúc vì chị nằm viện 2 ngày không tìm ra viêm ruột thừa. Chỉ vì chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.Sau sự việc, gia đình chị T. đã chia sẻ lên Facebook cá nhân về trường hợp của chị và cho rằng bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau không làm hết trách nhiệm khiến người nhà của họ rơi vào vòng nguy hiểm.

Khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu ngành Y tế tỉnh Cà Mau kiểm tra, báo cáo vụ việc. Qua xác minh, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 29/4, bệnh nhân T. được đưa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân T. chưa giải thích thấu đáo, dẫn đến gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân người bệnh.

Cũng trực trong ngày 29/4, bác sĩ Huỳnh Công D. (Khoa Huyết học lâm sàng) không xác định đúng bệnh của bệnh nhân, làm chậm trễ công tác điều trị. Theo đó, bác sĩ Huỳnh Công D. bị kỷ luật khiển trách do hạn chế trong chuyên môn, chưa tuân thủ quy trình, quy định, quy chế chuyên môn (quy chế hội chẩn). Ngoài ra, bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. bị trừ điểm thi đua. (458)

  1.  Ghép thành công 5 giác mạc do người Mỹ hiến tặng cho các bệnh nhân

Ngày 4-6, 5 giác mạc từ Ngân hàng mắt nước Mỹ trao tặng đã được ghép thành công cho các bệnh nhân (BN) tại cơ sở 2 BVT.Ư Huế (đóng tại H. Phong Điền,TT-Huế). Trước đó, ngày 2-6, tại sân bay Đà Nẵng, 10 chiếc giác mạc của những người Mỹ đã qua đời cuối tháng 5 vừa qua  đã được bác sỹ nhãn khoa Edward Charles Kondrot thuộc thành viên Hội nhãn khoa Hawaii và tổ chức See International (Hoa Kỳ) trao cho BVT.Ư Huế (5 chiếc) và Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (5 chiếc).Để chuẩn bị cho đợt hiến giác mạc, từ ngày 16 đến 18-5, Khoa Mắt - BVT.Ư Huế cơ sở 2 đã khám mắt miễn phí cho 500 người và đã chọn được 5 BN phù hợp để ghép giác mạc. Các BN ghép giác mạc sẽ được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật. Qua quá trình trao đổi và chuẩn bị kỹ lưỡng giữa BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên - Trưởng khoa Mắt BVT.Ư Huế cơ sở 2 và bác sĩ Kondrot với sự tài trợ của Hội nhãn khoa Hawaii và Tổ chức SEE, 5 BN đều là nam giới đã được phẫu thuật thành công. Trường hợp thứ nhất, BN 42 tuổi đến từ P. Phú Bình (TP Huế) mắt phải bị bỏng vì nhiệt cách đây 2 năm, thị lực giảm còn dưới 1/10. Trường hợp thứ hai, BN 34 tuổi đến từ H. Phong Điền (TT-Huế) sau khi bị viêm giác mạc do Herpes cách đây hơn 6 năm, đã điều trị nội khoa tuy nhiên để lại sẹo trắng ở giác mạc, dính mống mắt ở mặt sau giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10. Trường hợp thứ ba, BN 42 tuổi quê ở H. Phú Vang (TT-Huế), 2 mắt bị mờ dần cách đây 20 năm không rõ nguyên nhân. Trường hợp thứ tư, BN 52 tuổi cũng đến từ H. Phú Vang (TT-Huế), mắt phải bị viêm giác mạc cách đây 3 năm. Trường hợp thứ năm, BN 54 tuổi trú tại H. Phong Điền, mắt trái sau khi điều trị viêm giác mạc thì có sẹo trắng ở giác mạc, chỉ nhận biết được sáng tối. Các BN sau khi được ghép giác mạc từ Ngân hàng Mắt tại Mỹ đã dần hồi phục và rất hạnh phúc.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVT.Ư Huế cho biết: Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong các phương pháp điều trị bệnh lý về mắt mang lại hy vọng cho các BN mắc các bệnh lý về giác mạc. Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của BN trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí cao lên đến vài trăm triệu đồng, với những gia đình có thu nhập thấp, người bệnh rất khó tìm lại được ánh sáng. Vì vậy, BV sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện để có thể hỗ trợ tối đa cho các bệnh nhân. Tại BVT.Ư Huế, kỹ thuật này đã được triển khai cách đây 30 năm và nay đã phát triển thêm tại cơ sở 2.Được biết, bác sỹ Kondrot và vợ ông là bà Ly Kondrot thường đi làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới, ông bà thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện các chương trình mổ mắt, ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. (614)

  1.  Dịch bệnh sởi tại Hà Nội có xu hướng giảm mạnh

So với tuần trước đó, tại Hà Nội, số ca mắc mới các dịch bệnh đều giảm từ 4 đến 9 trường hợp/tuần, đặc biệt dịch bệnh sởi tiếp tục giảm mạnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã có thêm 61 trường hợp mắc sởi, 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp mắc tay chân miệng và 1 trường hợp mắc ho gà trong tuần từ ngày 27/5 đến 2/6. So với tuần trước đó, số ca mắc mới các dịch bệnh đều giảm từ 4 đến 9 trường hợp/tuần. Đặc biệt, dịch bệnh sởi tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các quận, huyện, thị xã cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.405 trường hợp mắc sởi, 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 275 trường hợp mắc tay chân miệng và 71 trường hợp mắc ho gà./. (218)

  1.  Bác sĩ bỏ tiền túi khám bệnh cho mọi người

Gần 30 năm kể từ khi về hưu, bỏ qua mọi lời mời làm thêm với mức lương hấp dẫn, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (SN 1933, ngụ phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định) vẫn miệt mài với công tác khám bệnh từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn.

Nhắc đến bà Trương Thị Hội Tố, nhiều người sẽ nhớ ngay tới Phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát mà tiền thân là phòng khám miễn phí do bà cùng người bạn thân là bà Lê Thị Sóc và một số cán bộ y tế đã về hưu mở ra. Phòng khám được khai trương vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2/1992.

Bà Tố là bác sĩ chuyên khoa sản với nhiều năm kinh nghiệm, đầu năm 1990 bà về hưu và nhận được nhiều lời mời với mức lương 4 triệu/tháng – số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vì muốn giúp đỡ những người nghèo nên bà quyết định từ chối tất cả. Thay vào đó, người phụ nữ này tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện.

Bà thường đạp xe đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách để khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho mọi người. Trong quá trình này, bà nảy ra ý tưởng nếu có một phòng khám cố định thì hiệu quả khám bệnh sẽ cao hơn.

Vì vậy, bác sĩ Tố đã vận động và cùng với những người bạn mở phòng khám từ thiện để tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh bước đầu cho những người có nhu cầu. Đến nay, qua nhiều lần thay đổi địa điểm, phòng khám này đóng tại phường Giáp Bát, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

 “Xuất phát từ cái tâm với nghề y, cũng từ thực tế công tác, tôi thấy rằng các bệnh viện thường xuyên quá tải, trong khi những người nghèo, ở xa bệnh viện lại ít có điều kiện để đi thăm khám bệnh. Hay đôi khi, có nhiều người chỉ cần thử đường huyết, đo huyết áp mà vẫn phải tới bệnh viện. Như vậy, nếu những người có chuyên môn giúp đỡ, người bệnh sẽ vừa tốn tiền, vừa không mất thời gian, đồng thời lại giảm tải được khá nhiều cho bệnh viện.

Chúng tôi là những người có chuyên môn, có thời gian, có điều kiện, vậy tại sao lại không tìm cách để giúp mọi người, nhất là những người nghèo bớt vất vả? Đó chính là lý do khiến chúng tôi quyết định gom góp lại để mở ra phòng khám tư vấn từ thiện miễn phí”, bà Tố kể lại ý tưởng và quá trình mở phòng khám để tư vấn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm đầu tiên mới thành lập, bác sĩ Tố và những người bạn đã phải rất kiên trì mới có thể duy trì được hoạt động của phòng khám. Không những không có lương, phụ cấp mà những y, bác sĩ tóc đã bạc còn phải bỏ cả tiền túi để mua các loại thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho việc khám bệnh.

Dần dần “tiếng lành đồn xa”, không chỉ các bệnh nhân tìm đến nhiều hơn mà phòng khám cũng đã nhận được sự giúp đỡ bằng tiền mặt, thuốc men của nhiều cá nhân, đơn vị hảo tâm. Nhờ đó phòng khám có thêm chi phí mua sắm vật tư y tế phục vụ công việc. Thậm chí, có những người ở TP HCM đều đặn gửi tiền, thuốc ra hỗ trợ phòng khám.

Tất cả đều được các y tá, bác sĩ tại phòng khám cẩn thận gom lại, phân loại và để dành để phục vụ cho bệnh nhân. Bác sĩ Tố vui vẻ cho biết, nhờ đó mà đến nay, phòng khám đã có được các thiết bị tốt hơn, có nhiều loại thuốc hơn để phục vụ người dân. Các y, bác sĩ cũng không còn phải bỏ tiền túi ra mua đồ dùng y tế, thuốc men nữa.

Những năm qua, phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát đã tiếp đón hàng chục nghìn bệnh nhân. Các y, bác sĩ ở đó cũng đã có người mất đi nhưng lại có người khác đủ nhiệt thành xung phong thay thế. Dù là phòng khám miễn phí, không thu tiền bệnh nhân, cũng không hề được nhận khoản lương hay phụ cấp gì nhưng bà Tố và những y, bác sĩ tại phòng khám vẫn luôn giữ gìn y đức, quý mến, tôn trọng và tận tình giúp đỡ các bệnh nhân.

Tất cả những người đến với phòng khám đều được kiểm tra, thăm khám một cách kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng tình trạng bệnh lý. Mọi người luôn tâm niệm phải khám, tư vấn cho người bệnh bằng cái tâm, để giúp người bệnh phần nào vơi đi những nhọc nhằn trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần khiến người dân yêu quý ngành y mà bà Tố và những y, bác sỹ ở đó cả đời gắn bó.

Nhiều người đến với phòng khám không có tiền còn được cho tiền mua thức ăn, tiền xe đi lại. Những người tìm đến phòng khám đa phần là những người có hoàn cảnh  khó khăn.

Kể từ khi thành lập phòng khám, bác sĩ Tố đều đặn thăm khám cho các bệnh nhân. Về sau, gia đình chuyển sang phường Khương Mai sinh sống nhưng bà vẫn không quên “nhiệm vụ” của mình, thay phiên với các y, bác sĩ khác thăm khám cho người bệnh. Chân đau, đi lại khó khăn, vậy nhưng suốt 20 năm nay, bà đều đặn bỏ tiền túi thuê xe ôm từ nhà tới phòng khám để chăm sóc người bệnh mỗi ngày. Cùng với việc tư vấn, chăm sóc cho bệnh nhân, các y bác sĩ tại phòng khám cũng tích cực đóng góp và kêu gọi mọi người chung tay giúp sức để có thể có những phần quà giúp đỡ những người kém may mắn. Đến nay, khi đã gần 90 tuổi, bà Tố vẫn cố gắng mỗi tuần đến phòng khám 1-2 buổi để thăm khám, tư vấn cho các bệnh nhân.

Không chỉ hết lòng với phòng khám từ thiện, với tâm niệm còn sức khỏe thì còn cống hiến, tuổi càng cao thì chí càng cao và tấm lòng yêu thương con người, bà Tố vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp do Hội Chữ thập đỏ các cấp của TP Hà Nội phát động.

Bà thường xuyên tham gia vận động ủng hộ những hoàn cảnh gặp khó khăn thông qua các phong trào như Ngân hàng bò ủng hộ những người dân ở Hoài Đức, phong trào bữa ăn miễn phí tại Bệnh viện K, phong trào đỡ đầu những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, phong trào Tháng 5 nhân đạo để thăm trẻ em mồ côi, khởi công xây nhà từ thiện...

Noi gương mẹ, các con của bà mỗi người mỗi việc cũng thường xuyên tham gia ủng hộ các chương trình thiện nguyện do khu dân cư, phường, quận và TP Hà Nội phát động. Bà và các con của bà hiện nay đang nhận đỡ đầu cho 3 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.

Đặc biệt, chị Vũ Thị Hội Trường – con gái của bà Tố - hiện cũng là Hội viên Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội. Trong suốt nhiều năm liền, chị Trường thường xuyên hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh éo le, như trường hợp một em được chị đứng ra nhận đỡ đầu từ khi còn học lớp 4 cho tới khi tốt nghiệp đại học; hay một em gái có cha mất sớm từ khi em mới 7 tuổi cho đến khi em tốt nghiệp Trung học phổ thông.  (1390)

  1.  Tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế

Theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019 giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới: 1.490.000 đồng (từ 1.7.2019).

Tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế

Hiện tại giá dịch vụ y tế đang tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng và sẽ tính thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban điều hành giá để xem xét, lùi thời gian thực hiện giá dịch vụ y tế tính đủ các yếu tố sẽ được thực hiện vào năm 2021 thay vì 2020.

Ông Nam Liên cũng cho biết, dự kiến trong tháng 6 này Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Đây là lần đầu tiên có quy định này, theo hướng: Bộ Y tế sẽ ban hành giá trần và các bệnh viện sẽ không được áp giá vượt trần (nếu cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu có sử dụng một phần cơ sở vật chất từ ngân sách đầu tư); bệnh viện được quyền tự quy định giá (nếu tự vay vốn đầu tư và chỉ sử dụng đất trong khuôn viên bệnh viện).

Tất cả các bệnh viện có khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu đều phải hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc phục vụ các bệnh nhân bảo hiểm y tế. (310)

  1.  Tuyên dương nhiều thầy thuốc trẻ có sáng kiến thực tiễn

Các gương được tuyên dương đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tiễn hiệu quả tại các bệnh viện.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 108 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2019), chiều 5-6, Sở Y tế TP.HCM tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y tế” và tuyên dương trao giải “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Sở Y tế lần thứ 10”.

Cụ thể, đoàn viên Nguyễn Hữu Minh Tiên (sinh năm 1993), BV Ung bướu với đề tài “Stress nghề nghiệp của Điều dưỡng công tác tại Khoa lâm sàng BV Ung bướu”, phân tích thực trạng quá tải của các điều dưỡng, từ đó có những giải pháp đề xuất lên cấp trên giúp các điều dưỡng giảm bớt căng thẳng, tích cực chăm sóc người bệnh. Đoàn viên Biện Huỳnh San Đan (sinh năm 1987) với sáng kiến cải tiến “Quy trình khám bệnh ngoại trú”, “Quy trình chống nhầm lẫn thuốc” tại BV đa khoa khu vực Củ Chi đã được ứng dụng hiệu quả tại BV.

Bên cạnh đó còn có nhiều gương thầy thuốc trẻ có sáng kiến trong công tác chuyên môn như đoàn viên Lê Thị Thủy (sinh năm 1991) ở BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM với sáng kiến cải tiến “Thay đổi dòng lưu thông của nhân viên lấy máu xét nghiệm nhằm giảm thời gian chờ cho người bệnh thực hiện xét nghiệm huyết học” và đề tài nghiên cứu “Kết quả điều trị gãy xương bàn chân 2,3,4,5 bằng cố định kim Kirsh xuôi dưới màn tăng sáng”. Những sáng kiến này đã được ứng dụng vào thực tiễn tại bệnh viện, giúp công việc của nhân viên thuận lợi hơn. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các gương thầy thuốc trẻ trước hết phải đáp ứng tiêu chí tiêu biểu về mặt đạo đức. Kế đến mới là năng nổ trong phong trào đoàn, cố gắng thăng tiến trong nghề nghiệp bằng những công trình nghiên cứu, sáng tạo trong quá trình làm việc. Việc tuyên dương gương thầy thuốc trẻ là nhằm động viên, khích lệ tinh thần những người trẻ, nhiều tấm gương tiêu biểu những năm trước đã trở thành cán bộ quản lý giỏi.  (418)

  1.  “Chúng tôi có thêm động lực từ khi ở nhà công vụ”

Đó là chia sẻ của y sĩ Tô Quang Đuông, phó trưởng trạm y tế xã Phan Thanh, Bảo Lạc, Cao Bằng trong lễ bàn giao nhà công vụ của CĐYT Việt Nam cho trạm y tế Phan Thanh ngày 5/6/2019.

Đến dự lễ  bàn giao nhà công vụ có đ/c Phạm Thị Thanh Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Việt Nam, ông Lê Quang Đức, Phó chánh văn phòng công đoàn ngành y tế VN; ông Đàm Trung Cao, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Y tế Cao Bằng; bà Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo lạc cùng đại diện các ban ngành của địa phương.

Y sĩ  Nông Quang Đuông, phó trưởng trạm y tế xã: Phan Thanh là xã khó khăn, xã cách TP. Cao Bằng gần 200km, giao thông còn nhiều khó khăn, với dân số hơn 3000 người sống rải rác với nhiều đồng bào dân tộc khác nhau cùng sinh sống và sự bất đồng ngôn ngữ là một rào cản trong  khám, chữa bệnh và tuyên truyền cho bà con. Thứ hai là điều kiện sinh hoạt tại trạm rất khó khăn, các cán bộ cùng ở tạm nhà bếp, bằng gỗ sơ sài, mỗi khi mùa đông thì gió lùa rất rét hay những hôm trời mưa thì bị dột, đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn trong việc bám bản, bám dân để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây. Từ khi hoàn thành và được ở trong nhà công vụ thì hầu hết cán bộ y tế rất phấn khởi thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc nơi đây và mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa đến ngành y tế nói chung và y tế Cao Bằng nói riêng đặc biệt là các xã còn khó khăn”.

Theo ThS.Bs Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ tại lễ bàn giao thì CĐYT VN đã trích một nguồn kinh phí lớn để chăm lo cho không chỉ đoàn viên lao động trực thuộc Bộ Y tế mà CĐYT VN chăm lo cho đoàn viên công đoàn ngành y tế trong cả nước với 63 công đoàn cơ sở cả nước. Trong  6 tháng đầu năm CĐYT VN đã trích hơn 2 tỉ đồng để thăm hỏi gần 800 cán bộ đoàn viên trong cả nước,  hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ cho 10 đoàn viên công đoàn cơ sở sửa chữa nhà ở do điều kiện khó khăn, gần 1 tỉ đồng để xây dựng 2 nhà công vụ cho TTYT Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và trung tâm y tế xã Phan Thanh, Bảo Lạc, Cao Bằng. Và đây là một hành động thiết thực, ý nghĩa giúp cho trạm y tế xã Phan Thanh có nhà công vụ cho các cán bộ y tế nơi đây có nơi  sinh hoạt thoải mái để tái tạo sức lao động để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe đồng bào tại địa phương.

Ông Đàm Trung Cao, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết: Đây là một món quà hết sức ý nghĩa cho trung tâm y tế xã Phan Thanh nói riêng và ngành y tế Cao Bằng nói chung. Từ món quà này sẽ lan tỏa tình cảm của các cán bộ ngành y tế tới y tế Cao Bằng, ông cũng mong rằng với nhà công vụ này thì trung tâm y tế xã Phan Thanh sẽ phát huy cơ sở để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe bà con trên địa bàn vì xã Phan Thanh là một xã đặc biệt khó khăn. Khi tiếp nhận chủ trương xây dựng nhà công vụ của CĐYT VN cho ngành y tế Cao Bằng thì việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà công vụ cũng gặp khó khăn vì với 199 xã trong toàn tỉnh thì cũng còn nhiều xã khó khăn, qua so sánh các tiêu chí lựa chọn thì ngành y tế Cao Bằng đã quyết định chọn trạm y tế Phan Thanh vì đây là một xã cách xa trung tâm thành phố Cao Bằng, đường đi khó khăn và điều kiện của xã cũng chưa có nhà công vụ và các cán bộ của trạm y tế xã là người ở nơi khác đến làm việc và chưa có nhà ở mà việc đi thuê thì hầu như là không có cho cán bộ y tế trạm nên cuộc sống rất tạm bợ và phải ở trên công trình vệ sinh của trạm trước đây.Và với nguồn kinh phí không phải là lớn trong điều kiện xa xôi, khó khăn, tuy nhiên được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, trung tâm y tế huyện Bảo Lạc và bà con địa phương thì sau thời gian thi công nhà công vụ đã hoàn thành.

Nhà công vụ tại trạm y tế xã Phan Thanh được khởi công từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2018 được hoàn thành với nguồn kinh phí là 349.948.000 đồng từ Quỹ xã hội Công đoàn Y tế Việt Nam. Cũng tại buổi lễ bàn giao thay mặt CĐYT VN ThS.Bs Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn y tế VN cũng đã trao tặng trạm y tế xã Phan Thanh 01 chiếc tivi. (298)

  1.  Kỷ lục: Một bệnh nhân mắc bệnh về máu được quỹ BHYT chi trả gần 13 tỷ đồng

Một trường hợp bệnh nhân tại Vĩnh Long mắc bệnh về máu đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh kỷ lục lên tới gần 13 tỷ đồng.

 Theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), từ năm 2017 đến hết tháng 5/2019, bệnh nhân Phan Hữu N. (35 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng.

Cụ thể, bệnh nhân Phan Hữu N. mắc bệnh “Thiếu yếu tố VIII di truyền” điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Năm 2017, tổng số tiền điều trị của bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán là hơn 4,5 tỷ đồng; năm 2018 trên 7 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2019, Quỹ BHYT đã thanh toán gần 1,4 tỷ đồng. Tổng số tiền điều trị được quỹ BHYT thanh toán từ năm 2017 đến tháng 5/2019 là hơn 12,9 tỷ đồng.

Thiếu yếu tố VIII là bệnh Hemophilia nhóm A. Biểu hiện bệnh chủ yếu là xuất huyết. Xuất huyết có thể xảy ra sớm từ thời sơ sinh, thường tụ máu dưới da đầu. chảy máu nội sọ. Anh Phan Hữu N. có mã số BHYT: BT286862162xxx thuộc nhóm đối tượng khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng (BT) nên chính sách BHYT càng trở nên có giá trị và là chỗ dựa to lớn, tiếp sức cùng anh chống chọi với bệnh tật.

Các chuyên gia huyết học truyền máu cho biết, bệnh Hemophilia là một rối loạn của hệ thống đông máu, gây chảy máu kéo dài và theo người bệnh suốt đời. Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng có thể lên tới hàng tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không hề nhỏ với cả những người giàu.

Nhờ tham gia BHYT, nhiều bệnh nhân mắc bệnh trọng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng chi phí điều trị, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho người bệnh

Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho biết, ngoài anh N. từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỷ đồng. Đơn cử: Bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên; 4,8 tỷ đồng); Quách Thị Hoài A. (Bình Định; 2,6 tỷ đồng); Nguyễn Trường S. (TP.Hồ Chí Minh; 2,4 tỷ đồng); Bùi Văn T. (Hà Nam; 1,8 tỷ đồng); Lê Văn Q. (Khánh Hoà; 1,4 tỷ đồng) và Phan Khắc H. (Hà Nội; 1,2 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, hàng chục trường hợp bệnh nhân khác khi không may ốm đau bệnh tật cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị từ 100 triệu trở lên.

Theo thống kê, đến nay ước có khoảng 83,6 triệu đối tượng tham gia BHYT, đạt khoảng 88,1% dân số. Như vậy vẫn còn khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT, trong khi có thể thấy với số tiền mua thẻ BHYT 750.600 đồng/năm khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này.

“Thực tế này cho thấy Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng, như chiếc phao cho các bệnh nhân khi không may ốm đau phải vào viện, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh trọng, điều trị dài ngày. Do đó, người dân hãy tích cực tham gia BHYT”- đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh (661)

  1.  Bất đồng cách tính giá bảo hiểm: Sẽ sớm có quy định tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện

BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, do định mức chi chưa sát với cơ cấu giá thành, giá thu dịch dịch vụ y tế.

Chia sẻ trong buổi họp báo thông tin về 5 năm thực hiện đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; bệnh viện xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính-BHYT do Bộ Y tế tổ chức, Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm, cho biết:

BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, do định mức chi chưa sát với cơ cấu giá thành, giá thu dịch vụ y tế.

Bộ Y tế đã báo cáo tình hình với Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu BHXH Việt Nam thanh toán cho các bệnh viện theo nguyên tắc: Số lượng dịch vụ chưa thanh toán nhân với giá thành. Đối với định mức chi chưa sát với giá thành, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh.

Hiện nay, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) đang soạn thảo các quy định cụ thể và trình các bên có liên quan thẩm định, trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành quy định hướng dẫn Nghị quyết 30 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Lê Văn Khảm cũng thông tin, trong Luật BHXH đã quy định: Trong mọi trường hợp, khi cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán, cơ quan BHXH phải thanh toán tạm ứng 80% số đề nghị, còn lại sẽ thanh thanh toán sau (có thể vào kỳ quyết toán cuối năm đó).

Do đó, trong lúc chờ đợi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn, các bệnh viện vẫn sẽ được đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động tốt.

Một trong những nội dung Bộ Y tế rất quan tâm và thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của ngành là việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Về nhiệm vụ này, Bộ Y tế cho biết đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số (thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP), theo hướng đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế, trên cơ sở đó đổi mới phương thức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể: Phân loại đơn vị làm 4 nhóm: (1) tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; (2) tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và (4) đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị, riêng Bộ Y tế đã có 26/45 bệnh viện trực thuộc tự chủ chi thường xuyên, chiếm 57,7% số Bệnh viện trực thuộc. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép thí điểm 04 Bệnh viện tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư (chuyển từ nhóm tự chủ chi thường xuyên lên).

Các đơn vị có mức độ tự chủ tài chính cao thì được tự chủ cao hơn trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và sử dụng nguồn tài chính. Đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị của các đơn vị, đặc biệt là các đơn thuộc nhóm 1 - tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo hướng thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động, tài chính của đơn vị. Các đơn vị nhóm 2 phải thành lập Ban kiểm soát để giám sát hoạt động của đơn vị.

Các đơn vị nhóm 1, nhóm 2 được quyết định đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc nhưng phải bảo đảm điều kiện làm việc cho số nhân lực này. Được áp dụng cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, trả lương theo kết quả hoạt động, hạch toán vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế.

Riêng đơn vị nhóm 3, 4 phải có chênh lệch thu lớn hơn chi mới được chi thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ.

Ngoài ra, quy định cụ thể Ngân sách Nhà nước bảo đảm đối với các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, các Trung tâm y tế huyện đa chức năng. Các đơn vị cung ứng được ít dịch vụ, thu không đủ chi thì vẫn tiếp tục được NSNN bảo đảm phần tiền lương còn thiếu, tiền lương tăng thêm do điều chỉnh chính sách tiền lương (ví dụ BV YHCT, Điều dưỡng PHCN, bệnh viện ở vùng khó khăn, thu BHYT là chủ yếu).

Quy định quyền tự chủ của các đơn vị trong việc xã hội hóa, hợp tác công tư, thuê tài sản, sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, 20-NQ/TW, Nghị quyết số 93 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài công.

Trước đó, như báo chí đã thông tin, nhiều bệnh viện vừa mới bắt đầu chuyển mình, thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ 2 về các mặt: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tự chủ chi thường xuyên, chưa tự chủ về chi đầu tư, thì đã vướng nợ hàng chục tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội do những bất đồng trong cơ chế chính sách và tính giá dịch vụ bảo hiểm y tế. (1054)

  1.  Bệnh viện phụ sản Hải Phòng: Thực hiện thành công nút mạch u xơ tử cung kết hợp với thụ tinh ống nghiệm

Vừa qua, các bác sĩ bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã tiến hành kỹ thuật nút mạch để xử lý thành công khố u kích thước 5cm ( tương đương thai hơn hai tháng) mà không phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung cho nữ bệnh nhân Lại Thị L, 27 tuổi, sống tại huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng.   

Trước đó, bệnh nhân có tiền sử sảy thai, bị tắc vòi trứng và đã phải tiến hành mổ tắc vòi trứng năm 2014, mổ kẹp vòi trứng năm 2017. Do vậy, khả năng sinh con của bệnh nhân Lại Thị L gần như đã không còn. Kể từ năm 2009 đến nay, bệnh nhân đi khắp các bệnh viện để khám và điều trị bệnh vô sinh nhưng không có kết quả.

Sau khi quay về bệnh viện phụ sản Hải Phòng, bệnh nhân tiến hành thụ tinh ống nghiệm và đậu được 5 phôi. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân thường xuyên đau tức vùng hạ vị, khi đi khám thì được chẩn đoán u xơ tử cung.

Lo lắng phải cắt bỏ tử cung - đồng nghĩa với việc vĩnh viễn mất đi quyền làm mẹ, ngày 8-10- 2018 bệnh nhân L đã đến bệnh viện phụ sản Hải Phòng khám để có thể xử lý thích hợp khối u. Vào phòng khám, bệnh nhân L đã được bác sĩ chỉ định làm siêu âm ổ bụng, chụp Xquang cùng các xét nghiệm cần thiết khác.

Dựa vào các kết quả cận lâm sàng trên, bệnh nhân L được chẩn đoán có khối u xơ tử cung kích thước 5cm (tương đương thai hơn hai tháng) và có chỉ định nhập viện điều trị. Các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật nút mạch khối u xơ để có thể loại bỏ được khối u xơ mà không cần phẫu thuật và giữ lại tử cung như mong muốn của bệnh nhân. Chiều 8-10, Bác sĩ Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã trực tiếp tiến hành thành công kỹ thuật nút mạch U xơ tử cung cho bệnh nhân L.

Theo Bác sĩ Vũ Văn Tâm, u xơ tử cung là bệnh lý u lành tính hay gặp ở phụ nữ với khoảng hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể mắc bệnh. Tuy u xơ tử cung thường không có triệu chứng, tuy nhiên với các khối u to cũng có thể gây ra một số triệu chứng trầm trọng như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt hay thậm chí vô sinh. Điều trị u xơ tử cung có nhiều cách, tùy theo kích thước của khối u, triệu chứng lâm sàng của người bệnh…

Đặc biệt trong trường hợp của bệnh nhân Lại Thị L bị vô sinh, mong có con từ 9 năm nay, nếu áp dụng phương pháp cũ là phẫu thuật cắt bỏ tử cung, sẽ khiến cho bệnh nhân không thể sinh con được.

Cũng theo bác sĩ Tâm, nút động mạch điều trị u xơ tử cung có các ưu điểm sau: thủ thuật tương đối an toàn, thời gian làm thủ thuật và nằm viện ngắn, không ảnh hưởng đến sức lao động, sản xuất của người bệnh sau này, không để lại sẹo, cũng như các biến chứng sau mổ, và đặc biệt, với kỹ thuật nút mạch, người bệnh có thể mang thai lại vì không bị ảnh hưởng đến tử cung, nhất là trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn.

6 tháng sau khi tiến hành nút mạch u xơ tử cung, tử cung của bệnh nhân Lại Thị L đã ổn định. Các bác sĩ bệnh viện phụ sản Hải Phòng đã tiến hành cấy phôi và đến nay, bệnh nhân L đã có thai được 7 tuần và phát triển hoàn toàn bình thường.

Từ tháng 10- 2018, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã đầu tư và triển khai kỹ thuật nút mạch điều trị u xơ tử cung, đến nay đã có hàng chục ca nút mạch u xơ tử cung do các bác sĩ của Bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thực hiện, tất cả các ca đều thành công, các khối u teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ, tử cung người bệnh được bảo tồn.

Sự thành công của phương pháp kết hợp giữa thụ tinh ống nghiệm với kỹ thuật nút mạch u xơ tử cung đã mang lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh vô sinh, đặc biệt là vô sinh có u xơ. Giờ đây, bằng sự nỗ lực không ngừng của các bác sĩ bệnh viện phụ sản Hải Phòng, việc điều trị vô sinh, hiếm muộn cho các cặp vợ chồng đã bước sang trang mới. (836)

  1.  Nữ bác sĩ truyền “năng lượng” sống

Gắn bó với đơn vị điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) từ ngày đầu thành lập, TS.BS.Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trải qua nhiều thăng trầm để vừa làm bác sĩ điều trị, vừa là người nhà người bệnh, truyền năng lượng sống cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh quái ác này.

Thalassemia từ lâu đã là nỗi buồn, nỗi ám ảnh của những gia đình không may có con mắc phải căn bệnh này. Thế nhưng, có một nữ bác sĩ, suốt nhiều năm qua luôn đồng hành cùng những bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Mỗi ngày chị đều truyền thêm cho bệnh nhân niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống, còn đối với những bệnh nhân ở Trung tâm Thalassemia, bóng dáng bác sĩ Hà đã quen thuộc, gần gũi như chính người nhà của họ.

Bác sĩ Hà được phân công phụ trách Trung tâm Thalassemia mới thành lập năm 2011. Những ngày đầu khi lượng bệnh nhân ít, chỉ chừng 50 bệnh nhân nhưng họ hầu hết đều còn hoang mang về bệnh và sống thiếu niềm tin. Dù căn bệnh này đã được Việt Nam biết tới từ những năm 60, nhưng đã có rất nhiều đứa trẻ sinh ra mang gen bệnh từ sự thiếu hiểu biết của những ông bố, bà mẹ. Bác sĩ Hà kể, thời điểm ấy rất hiếm người đến khám và tư vấn vì họ sợ mang gen bệnh.

Là người đồng hành trong việc điều trị căn bệnh thalassime, bác sĩ Hà cho biết, hiện nay, số lượng bệnh nhân mới mắc phải căn bệnh nguy hiểm này vẫn tăng lên. Đáng lo ngại, những bệnh nhân mới là trẻ em dưới 10 tuổi chiếm tới 29% trên tổng số 2.398 bệnh nhân đến khám năm 2018. Điều này là do số lượng người mang gen bệnh trong cộng đồng rất cao và thông tin bệnh vẫn chưa được tất cả người dân biết đến. Bởi vậy, để kiểm soát tốt bệnh thalassemia, người dân cần phải thực hiện hai việc song song, đó là điều trị tốt cho bệnh nhân và phòng ngừa hiệu quả để không có trẻ em sinh ra mắc phải căn bệnh này.

Theo bác sĩ Hà thông tin, tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền bẩm sinh cần điều trị suốt đời, nhưng có rất nhiều người không biết mình mang gen bệnh. Nhiều người kết hôn, sinh con bình thường nên không bao giờ ngờ tới mình mang gen bệnh. Những trường hợp này may mắn là bởi vợ/chồng không mang gen. Nhưng không phải ai cũng có xác xuất như trên, mà hàng chục nghìn người mang gen bệnh đã kết hôn với người cũng mang gen bệnh. Kết quả họ sinh ra những đứa con mắc bệnh thalassemia, căn bệnh bẩm sinh di truyền không có thuốc chữa. “Người mắc bệnh thalassemia phải truyền máu cả đời. Nếu trẻ điều trị muộn, điều trị không đúng phác đồ sẽ gây ra rất nhiều biến chứng như: Mũi bị tẹt, răng hô, ngực nhô, thấp bé, xạm da… Có nhiều trẻ đã tử vong sớm vì căn bệnh này”, bác sĩ Hà phân tích. Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà ngậm ngùi chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của chị không thích làm chuyên về điều trị thalassemia vì đây chỉ là một loại bệnh, nguyên tắc điều trị khá đơn giản, khó có cơ hội chữa khỏi. Họ thường thích làm những cái khó, đa dạng để thử thách bản thân hay có những niềm vui khi chữa khỏi bệnh. Nhưng niềm vui của bác sĩ Hà tìm thấy trong công việc lại chính là động viên, chứng kiến người bệnh chung sống hạnh phúc với bệnh, đi học, kết hôn, sinh con khỏe mạnh và có cuộc sống như bao người bình thường.

Đơn cử, trường hợp một cháu nhỏ 7 tháng tuổi ở Đông Anh (Hà Nội) vào nhập viện điều trị thalassemia. "Nếu như ở vùng sâu, vùng xa không nói, nhưng ở ngay Thủ đô vẫn còn có những em bé mang căn bệnh này được sinh ra. Căn nguyên là do nhiều người dân chưa được tiếp cận với thông tin về bệnh thalassemia nên chưa biết để phòng tránh và sàng lọc trước sinh.Đây là một điều thiệt thòi cho chính tương lai của những đứa trẻ" – bác sĩ Hà chia sẻ.

Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân đến viện điều trị muộn, biến chứng sang tim, gan, nội tiết. Có nhiều bệnh nhân ngoài 20 tuổi nhưng lại chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 7 - 8, khuôn mặt bị biến dạng.Bên cạnh đó, người bệnh thalassemia có nỗi băn khoăn mà không phải ai cũng thấu hiểu, sợ hàng xóm biết mình mang gen di truyền bệnh, sợ bị xa lánh, nỗi buồn của bậc làm cha mẹ khi sinh ra con mắc bệnh...

Bởi vậy, cùng với những nỗ lực cập nhật về phương pháp điều trị, các bác sĩ tại Trung tâm đã tốn không ít thời gian, tâm sức để vừa làm bác sĩ điều trị, vừa làm người nhà người bệnh, giải thích cho họ về tình trạng bệnh, không được giấu bệnh và phải thật sự hiểu về bệnh mới sinh ra những đứa con không bị bệnh. Khi đã hiểu về bệnh dù không thể chữa khỏi nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh với bệnh, nhiều người đã sống tích cực, lạc quan hơn. (949)

  1.  Thanh toán bảo hiểm y tế trong chuyển bệnh phẩm thực hiện xét nghiệm HIV/AIDS

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành hướng dẫn về việc chuyển bệnh phẩm thực hiện xét nghiệm HIV/AIDS.

Theo đó, để thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các xét nghiệm HIV/AIDS chuyển sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) khác để thực hiện, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đề nghị các cơ sở KCB BHYT cung cấp Hợp đồng đã được ký kết với các cơ quan như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, thành phố, hoặc cơ sở KCB BHYT khác về việc chuyển người bệnh hoặc bệnh phẩm đến để thực hiện các xét nghiệm CD4, đo tải lượng virus HIV hoặc xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, bổ sung vào Phụ lục hợp đồng KCB BHYT để thực hiện thanh toán theo chế độ BHYT. Đối với các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các xét nghiệm quy định tại khoản 4, Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT-BYT nhưng chưa được cấp mã KCB BHYT, cần hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền để được cấp mã.

Kết quả thực hiện dịch vụ kỹ thuật được chuyển đi phải được lưu trong hồ sơ bệnh án của người bệnh và được tổng hợp thanh toán tại nơi gửi đi (không thanh toán thêm tiền khám bệnh). Cơ sở KCB khai báo danh mục các dịch vụ kỹ thuật chuyển đi thực hiện tại các cơ sở KCB khác lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống giám định BHYT.

Mã dịch vụ kỹ thuật này được ghi như sau: sau mã dịch vụ kỹ thuật tương đương ghi bổ sung K và 5 ký tự mã cơ sở KCB của cơ sở thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Thí dụ, dịch vụ kỹ thuật đếm số lượng CD4 có mã là 22.0342.1225 được thực hiện tại cơ sở KCB có mã là 01002 khi đó dịch vụ kỹ thuật nêu trên sẽ được ghi mã là 22.0342.1225.K01002.

BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức giám định chặt chẽ, bảo đảm thanh toán theo đúng quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo BHXH Việt Nam để có hướng chỉ đạo, giải quyết.

Từ đầu tháng 3 năm nay, BHXH Việt Nam bắt đầu thanh toán điều trị thuốc ARV và các dịch vụ liên quan đến điều trị HIV/AIDS qua BHYT cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ có khoảng 48 nghìn bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT. (454)

  1.  Cấp cứu bệnh nhân tắc ruột do nuốt xương cá

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân Triệu Tạ N., nhập viện trong tình trạng đau bụng, bụng chướng căng, thể trạng gầy yếu. Sau khi bệnh nhân được thăm khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng, Bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: Khi phẫu thuật kiểm tra, ruột non của bệnh nhân đã bị dãn to, có khối bã thức ăn dài khoảng 15cm, có nhiều xương cá nhỏ găm từ giữa ruột vào thành ruột, gây tắc hoàn toàn lòng ruột, kíp mổ đã tiến hành mở thành ruột lấy hết bã thức ăn ra, sau đó khâu đóng thành ruột và ổ bụng. Bệnh nhân chia sẻ: Do làm việc ở hồ cá, nên hàng ngày đều ăn cơm với các món ăn được chế biến từ cá (trong đó có gỏi cá sống với các loại lá chát…), do chủ quan, nên đã không nhai kỹ xương nhỏ của cá. Trước khi nhập viện khoảng 1 tuần, thấy đau bụng âm ỉ, bí trung tiện và đại tiện, nên được gia đình đưa đến bệnh viện.

Theo bác sĩ, trong y khoa, tắc ruột được phân làm hai loại tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn. Nếu bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn thì bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt. Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp sự lưu thông trong ruột có thể tự thông thương lại được mà chưa cần phẫu thuật.

Như trường hợp bệnh nhân N. bị tắc ruột hoàn toàn, nếu không được phẫu thuật, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân dẫn đến tử vong.

Từ ca bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi thấy các dấu hiệu như đau quặn bụng từng cơn, có khi đau liên tục kèm theo buồn nôn, nôn, bụng căng trướng và không trung tiện hay đại tiện được... người bệnh cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. (406)

  1.  Lần đầu tiên nội soi lồng ngực cắt thùy phổi một đường rạch

Bác sĩ Ngô Gia Khánh - phụ trách Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu Bệnh viện Bạch Mai - cho biết như trên tại hội thảo đào tạo quốc tế phẫu thuật nội soi lồng ngực một đường rạch tổ chức ngày 5-6.

Lần đầu tiên GS Diego Gonzalez Rivas (người Tây Ban Nha) - "cha đẻ" của kỹ thuật này - đã đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Với sự hỗ trợ của chuyên gia, các bác sĩ đã thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật cắt thùy phổi cho 2 bệnh nhân chỉ với một đường rạch da nhỏ 3 cm.

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân có thể ngồi dậy nói chuyện, ăn uống bình thường. Theo bác sĩ Khánh, đây là kỹ thuật mới đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với kỹ thuật mổ mở thông thường như: ít đau, hồi phục nhanh, xuất viện sớm, giảm thời gian điều trị, ít ảnh hưởng đến chức năng phổi sau mổ. Tới đây, kỹ thuật này sẽ được ứng dụng thường quy ở Việt Nam. Sau khi được quỹ BHYT chi trả một phần, người bệnh phải trả khoảng 30 triệu đồng. (242)

  1.  Chung tay đưa Việt Nam trở thành quốc gia không khói thuốc

“Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ...”, đó là chia sẻ của ông Brett Taylor đại diện Philip Morris International (PMI) tại Việt Nam, khi đề cập đến một số giải pháp để Việt Nam từng bước đạt được mục tiêu về một quốc gia không khói thuốc.

Theo ông Brett Taylor, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 1 tỉ người vẫn đang hút thuốc lá. Mặc cho những nỗ lực của các quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến tỉ lệ người tiếp tục hút thuốc vào năm 2025 vẫn sẽ giữ nguyên và không có nhiều biến chuyển nếu không có những biện pháp tích cực hơn. Vì vậy, từ quan điểm y tế công cộng, nhiều sản phẩm thay thế có thể hỗ trợ từ bỏ thuốc lá điếu đã ra đời.

“Hai mươi năm qua, chúng tôi lắng nghe, chấp nhận thách thức và bắt đầu nghiên cứu, phát triển cũng như đánh giá một cách khoa học các sản phẩm không khói thuốc như một phần trong cam kết của chúng tôi để tạo ra một tương lai không khói thuốc, bằng cách bỏ thuốc lá chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm thay thế không khói thuốc, chúng ta việc xóa bỏ thuốc lá điếu hiện đang trở thành hiện thực”, ông Brett Taylor nhấn mạnh.

Cũng theo ông Brett, đây là thời điểm để phát triển Ngày Thế Giới Không Thuốc Lá thành “Ngày Không Khói Thuốc”. Đó cũng là lý do chúng tôi đưa ra sáng kiến - Unsmoke (Hãy nói không với khói thuốc), dành riêng cho người hút thuốc và những người quan tâm đến họ.

Thông qua sáng kiến này, chúng tôi muốn tập hợp một cộng đồng những người có thể tạo ra sự khác biệt và thúc đẩy sự thay đổi cho người hút thuốc vốn tiếp tục hút. Phương châm chung là “Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ. Nếu bạn không bỏ thuốc, hãy thay đổi”.

Số liệu từ Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá. Một lần nữa, điều tốt nhất mà bất kỳ người hút thuốc nào ở Việt Nam, hoặc trên toàn thế giới, có thể làm là bỏ thuốc lá và nicotine hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong bất kỳ thời điểm nào, vẫn có một tỷ lệ lớn người hút thuốc trưởng thành sẽ tiếp tục hút thuốc. Vì vậy, sẽ khả thi nếu những người hút thuốc trưởng thành này có cơ hội chuyển sang các sản phẩm thay thế tốt hơn, thay vì tiếp tục hút thuốc lá.

Do đó, nhiều người tin tưởng rằng, người hút thuốc nên có quyền tiếp cận hợp pháp với các sản phẩm không khói thuốc đã được chứng minh khoa học, giống như người hút thuốc ở nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Họ cũng xứng đáng có thông tin chính xác về các sản phẩm này để tự đưa ra lựa chọn cho riêng mình.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa được thương mại hóa chính thức, nhưng ngày càng có nhiều người hút thuốc quyết định chuyển sang sản phẩm thay thế không khói và con số này tiếp tục gia tăng. Do đó, nhu cầu cấp thiết là thiết lập một khung pháp lý cho các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với thuốc lá để bảo vệ người tiêu dùng.

Và quan trọng nhất, để tránh ảnh hưởng của khói thuốc đối với người không hút thuốc, trước hết là trách nhiệm của người hút thuốc. Họ nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ hút thuốc ở những nơi được cho phép.

Nếu có cơ hội người hút thuốc nên chuyển sang các sản phẩm thay thế không khói vốn là lựa chọn tốt hơn thuốc lá và được chứng minh là không có tác động tiêu cực đến chất lượng không khí trong phòng kín.

“Còn người hút thuốc thụ động ư? Cách tốt nhất là tránh xa khói thuốc lá. Nếu có người thân hút thuốc hãy khuyên họ từ bỏ thuốc lá vì một môi trường sống trong sạch”, ông Brett Taylor chia sẻ . (742)

  1.  Chứng kiến mẹ mất vì thiếu máu truyền, người đàn ông đặt mục tiêu hiến máu 100 lần

Nam trung niên 45 tuổi ở TP HCM đã 70 lần hiến máu tiếp tục đặt mục tiêu đạt đến 100 lần hiến máu sau khi chứng kiến mẹ mất vì thiếu máu để truyền

Gần 100 người với số lần hiến máu kỷ lục đã có cuộc gặp gỡ ngày 4-6 trong hoạt động nhằm hướng đến tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Tại đây, anh Nguyễn Trí Hiếu (SN 1974, đến từ TP HCM) chia sẻ anh sẽ phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, đến khi không còn đủ điều kiện hiến nữa. "Mẹ tôi mất do thiếu máu để truyền. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho bà đến giờ tôi vẫn còn nhớ"- anh Nguyễn Trí Hiếu mở đầu câu chuyện khi nói về lý do anh đã có 70 lần hiến máu.

Theo anh Hiếu, thời điểm cách đây hơn hai chục năm, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn. "Không chỉ mẹ tôi mà lúc đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này"- anh Hiếu chia sẻ.

Vài năm sau sự ra đi của người mẹ, khi thấy thông tin về hiến máu, anh quyết định đi đăng ký hiến máu luôn. Từ lần đó đến nay, sau 22 năm, anh đã hiến máu đến 70 lần và là một trong số ít người hiến máu nhiều nhất Việt Nam. Bản thân anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ" - anh nói.

Cũng đến từ TP HCM, ông Lâm Văn Vinh (57 tuổi) là một trong những thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm của TP HCM với 45 lần hiến máu. Do mang nhóm máu B Rh-, với tỉ lệ khoảng 10.000 người mới có 4-7 người nên ông Vinh có tên trong danh sách hiến máu trực tiếp, cứ khi nào bệnh viện cần máu là gọi, dù đang ở đâu ông cũng gác hết việc để đến hiến máu. Trong những lần hiến máu cho người bệnh, ông Vinh đã từng hiến máu cho 1 em nhỏ ghép thận và và 1 bệnh nhân mổ tim tại TP HCM. "Chỉ còn 3 năm nữa là hết tuổi hiến máu, tôi hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác"- ông Vinh chia sẻ.

Có "thâm niên" 31 lần hiến máu, ông Phạm Hồng Minh (55 tuổi, ở Ninh Bình) chia sẻ không chỉ cá nhân ông thường xuyên đi hiến máu mà ông đã vận động vợ con, anh em họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu, với số lần hiến máu khoảng hơn 70 lần. Sau mỗi lần hiến máu, sức khoẻ ông vẫn rất tốt nên các thành viên trong gia đình đều ủng hộ. Đối với ông Minh, việc cho đi giọt máu là san sẻ sự sống cho nhiều người khác mà không mong nhận lại. Sau mỗi lần như thế, ông cảm thấy tâm hồn thanh thản, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cho biết truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B , viêm gan C, giang mai. Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020.

Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250 ml). Trong đó, 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu). Tỉ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%. (810)

  1. Cà Mau: Không xác định đúng bệnh của bệnh nhân, một bác sĩ bị kỷ luật

Ngày 5/6, theo nguồn tin của PV Dân trí, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã có quyết định kỷ luật đối với một bác sĩ Khoa Huyết học lâm sàng của bệnh viện này.

Trước đó, trên một tài khoản facebook có đăng tải với nội dung một bệnh nhân tên N.B.T. (ngụ tỉnh Cà Mau) vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau vào ngày 29/4.

Tuy nhiên, Khoa Cấp cứu và Khoa Huyết học lâm sàng của bệnh viện thăm khám trong 2 ngày (29 và 30/4) nhưng không phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp tính mà cho rằng bệnh nhân không có bệnh.

Khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu ngành Y tế tỉnh Cà Mau kiểm tra, báo cáo vụ việc.

Qua xác minh, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 29/4, bệnh nhân N.B.T. được đưa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân T. chưa giải thích thấu đáo, dẫn đến gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân người bệnh. Cũng trực trong ngày 29/4, bác sĩ Huỳnh Công D. (Khoa Huyết học lâm sàng) không xác định đúng bệnh của bệnh nhân, làm chậm trễ công tác điều trị. Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã thống nhất hình thức xử lý đối với các bác sĩ có liên quan đến quá trình tiếp nhận, thăm khám, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân T.Theo đó, bác sĩ Huỳnh Công D. bị kỷ luật khiển trách. “Bác sĩ D. còn hạn chế trong chuyên môn, chưa tuân thủ quy trình, quy định, quy chế chuyên môn (quy chế hội chẩn)...”, báo cáo của Sở Y tế Cà Mau cho biết. Ngoài ra, bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. bị trừ điểm thi đua. (377)

  1. Bảo hiểm thương mại sẽ được tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm y tế

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết thời gian tới, bảo hiểm thương mại sẽ được tham gia vào bảo hiểm y tế. Người dân có thể sở hữu song hành ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc còn có bảo hiểm thương mại để chi trả những chi phí ngoài danh mục được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Ông Lê Văn Khảm cho biết, đây là một trong những điểm mới nhất của việc triển khai bảo hiểm y tế. Các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm thương mại có thể xây dựng nhiều gói bảo hiểm chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Nhiều loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả…không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Ngoài ra, người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn đang phải thực hiện cùng chi trả: 5%, 20% tổng chi; chi trả cho khám chữa bệnh trái tuyến tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương; chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế; phần chi phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Vì thế, khi có bảo hiểm thương mại người dân sẽ được gánh các khoản chi phí này. Theo ông Khảm, sự hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm y tế thương mại không mới, và phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm cho trường hợp bị thương tật, tai nạn, ốm đau… Trên thế giới, nhiều nước ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc, người dân cũng sở hữu thêm bảo hiểm y tế thương mại.

“Các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, Trung ương. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường”, ông Khảm phân tích. (420)

  1. TP. Hồ Chí Minh tăng cường ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn thực hiện nghiêm việc chuyển dữ liệu chi phí KCB trong ngày lên Cổng thông tin giám định BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.   

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu BHXH thành phố thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ BHYT năm 2019; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng và thanh toán chi phí KCB theo dữ liệu các cơ sở y tế gửi lên Cổng điện tử. Đồng thời, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chi phí KCB BHYT năm 2018 cũng như đánh giá các yếu tố tăng, giảm chi KCB trong năm 2019 của thành phố và của từng cơ sở KCB.Đối với cơ sở KCB trực thuộc các bộ, ngành, BHXH thành phố trực tiếp thông báo dự toán nguồn kinh phí KCB BHYT năm 2019, đồng thời gửi đơn vị quản lý các cơ sở y tế này để theo dõi và phối hợp chỉ đạo, thực hiện; tăng cường công tác giám định chi phí KCB BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Đặc biệt, UBND thành phố đề nghị tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; kiên quyết ngưng hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế có tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT hoặc không thực hiện các quy định về quản lý Quỹ KCB BHYT. Vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt chỉ tiêu phát triển BHYT của địa phương.

Ngoài ra, theo đề nghị, Giám đốc cơ sở KCB BHYT phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí KCB BHYT được giao hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định thuốc, xét nghiệm và sử dụng dịch vụ. UBND thành phố lưu ý, các bệnh viện tuyến cuối là nơi tiếp nhận bệnh nhân nơi khác chuyển đến chỉ điều trị các trường hợp bệnh nặng tuyến dưới không điều trị được; chuyển về tuyến dưới đối với các bệnh nhân nhẹ, bệnh đã ổn định; chuyển giao việc quản lý bệnh nhân mãn tính không lây về tuyến dưới, vừa giảm quá tải tại bệnh viện tuyến cuối, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý Quỹ KCB BHYT. (478)

  1.  Đình chỉ lưu hành trên toàn quốc một loạt lô mỹ phẩm không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Sở y tế thông báo về việc đình chỉnh lưu hành trên toàn quốc một loạt lô mỹ phẩm không đạt chất lượng.

Cụ thể, ngày 24/5, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc lô sản xuất Gel vệ sinh phụ nữ Hoa dã quỳ (Số lô: 03; Ngày sản xuất 01012019; Hạn dùng 01012022; Số tiếp nhận Phiếu công bố: 1627/17/CBMP-HN) do Công ty cổ phần dược và công nghệ hóa sinh Hà Nội sản xuất. Lý do thu hồi là mẫu sản phẩm này được Trung tâm Kiểm nghiệm Gia Lai lấy tại quầy thuốc Tình (Địa chỉ: Số 214 Phan Đình Phùng, Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để kiểm tra chất lượng; Mẫu thử không đáp ứng quy định về chỉ tiêu độ pH.

Đình chỉ lưu hành trên toàn quốc một loạt lô mỹ phẩm không đạt chất lượng - 1

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phẩn dược và công nghệ hóa sinh Hà Nội phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về chỉ tiêu độ pH này. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 25/6/209.

Sở Y tế TP. Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phẩn dược và công nghệ hóa sinh Hà Nội trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định; Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/7/2019.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Ngày 30/5, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc 02 lô sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH TM-SX Thanh Nga và Công ty TNHH River Galaxy. Cụ thể, sản phẩm mỹ phẩm Kem trắng da mặt AIHAO; Số lô: 3ATV/01.2018/1; ngày sản xuất 09.01.2018; hạn dùng; 03 năm kể từ ngày sản xuất; số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 000983/16/CBMP-HCM; do Công ty TNHH TM-SX Thanh Nga sản xuất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng Thiên Phú (Địa chỉ: Số 30, ngõ 24, phố Đốc Ngữ, P. Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, TP Hà Nội) phân phối. Mẫu sản phẩm do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm tỉnh Yên Bái lấy tại Hộ dinh doanh Vũ Trung Dũng (cửa hàng mỹ phẩm Thanh Xuân) – Địa chỉ: số 237, đường Hoàng Hoa Thám, Tổ 5, Phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái để kiểm tra chất lượng; Kết quả kiểm nghiệm mẫu thử có chứa Methyl paraben, Propyl paraben trong thành phẩn sản phẩm, không thống nhất với thành phần công thức sản phẩm đã công bố tại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 983/16/CBMP-HCM.

Sản phẩm Gel mụn 10g; Số lô: 001; ngày sản xuất 180118; hạn dùng: 03 năm kể từ ngày sản xuất; số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 003510/14/CBMP-HCM; do Công ty TNHH River Galaxy sản xuất. Mẫu sản phẩm do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm tỉnh Yên Bái lấy tại Hộ kinh doanh mỹ phẩm, dụng cụ và phụ kiện làm đầu Nguyễn Thị Hồng Nga (Địa chỉ: Số nhà 45 đường Trần Hưng Đạo, Tổ 5A, Phường Hồng Hà, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) để kiểm tra chất lượng; Mẫu thử không đạt yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH TM-SX Thanh Nga và Công ty TNHH River Galaxy phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm công ty sản xuất nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng theo quy định. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/6/209.

Sở Y tế TP. HCM kiểm tra Công ty TNHH TM-SX Thanh Nga và Công ty TNHH River Galaxy trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định; Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/7/2019.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành. (930)

  1.  Thừa Thiên - Huế: Gia tăng đột biến bệnh nhân tâm thần vì ma túy đá

Ngày 5/6, thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), số bệnh nhân nhập viện điều trị tại đơn vị đã gia tăng đột biến so với cùng kỳ các năm trước, chủ yếu do ma túy đá.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, số lượng bệnh nhân nhập viện ở Bệnh viện Tâm thần Huế tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu từ Bệnh viện Tâm thần Huế, năm 2017, có gần 350 bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện do sử dụng chất gây nghiện.  Đến năm 2018, số lượng bệnh nhân đã tăng gấp đôi.

Riêng 4 tháng đầu năm 2019, tổng số bệnh nhân nhập viện do sử dụng chất gây nghiện là 313 người. Tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm gần 1 nửa số lượng bệnh nhân của cả năm ngoái.

Trao đổi với PV, bác sỹ CKI Nguyễn Ngọc Thượt, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế cho biết, bệnh nhân chủ yếu từ 18 - 22 tuổi, thậm chí có trường hợp mới chỉ 15 tuổi cũng đã sử dụng các chất gây nghiện phải vào viện điều trị.

Một đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy đá khống chế, uy hiếp người dân ở Huế gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Hiện tại có 32/110 trường hợp điều trị do sử dụng chất gây nghiện, chiếm 30% số lượng bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Những bệnh nhân này ngoài một số ít “cậu ấm cô chiêu” con của các gia đình có điều kiện thì chủ yếu là con nhà lao động, thất học.

“Nếu như nghiện ma túy có thể được điều trị bằng phương thức sử dụng methadone- một thuốc dạng chất thay thế ma túy. Còn ma túy đá hiện trên thế giới chưa có một loại thuốc nào điều trị hiệu quả. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy đá ở TP Huế bị loạn thần không kiểm soát hành vi, đã gây hậu quả cho người thân và gia đình. Giữa một môi trường mà các loại ma túy đang tìm cách len lỏi khắp mọi nơi thì biện pháp hàng đầu vẫn là các bậc phụ huynh nên quan tâm, sát sao hơn trong quản lý con em để tránh việc các cháu bị các đối tượng xấu lôi kéo, cám dỗ…”, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thượt chia sẻ. (433)

  1.  Liên doanh bất thành, Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và đối tác đưa nhau ra toà

Hợp đồng không thỏa thuận về bồi thường xây dựng khi liên doanh chấm dứt trước thời hạn nên hai bên buộc phải đưa nhau ra tòa án phân xử.

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp tác đầu tư giữa CTCP Dịch vụ y tế Việt Nam và Bệnh viện đa khoa Thanh Trì.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Công ty và bệnh viện ký hợp đồng hợp tác liên doanh liên kết, trong đó Công ty góp vốn 7,5 tỷ đồng, bệnh viện góp bằng quyền sử dụng 1.600 m2 đất kèm cơ sở hạ tầng sẵn có để thực hiện dự án liên doanh liên kết nâng cấp khoa Hồi sức cấp cứu, khoa khám bệnh và khoa cận lâm sàng.

Hai bên thành lập ban quản lý dự án, lấy pháp nhân bệnh viên tham gia giao dịch và làm chủ đầu tư dự án. Hợp đồng có thời hạn 10 năm. Trong 5 năm đầu, lợi nhuận được chia: công ty - bệnh viện là 70%-30%. Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 là 60%-40%.Năm 2010, Sở Y tế Hà Nội có công văn cho phép hoạt động đề án liên doanh trên. Quá trình thực hiện, từ năm 2008-2011, bệnh viện đã chia lợi nhuận cho công ty theo đúng hợp đồng. Kể từ năm 2012-2013 thì chưa thanh toán.

Do đó, công ty khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bệnh viện chia lợi nhuận năm 2012 là 1,2 tỷ đồng và lãi do chậm thanh toán là 582 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải bồi thường trang thiết bị văn phòng, y tế; chi phí xây dựng. Tổng cộng là 5,5 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã rút yêu cầu bồi thường trang thiết bị y tế.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn vắng mặt. Tòa án tuyên buộc bệnh viện phải thanh toán số tiền 3,3 tỷ đồng. Sau khi nhận được quyết định trên, bệnh viện kháng cáo cho rằng phía công ty tự ý ngừng hoạt động liên doanh. Số tiền lợi nhuận năm 2012 là không đúng. Tòa án xem xét thì xác định, trong hợp đồng hợp tác có quy định, không bên nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia.

Tuy nhiên, cuối năm 2012, bệnh viện không ký xác nhận bản đối chiếu và tạm ứng. Do đó, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng là không sai theo Điều 310 Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, công ty không thể đơn phương chấm dứt vì đã đầu tư máy móc, thiết bị, vật liệu và chỉ cử người là kế toán tham gia quản lý theo dõi thu chi.Tòa án nhận định, báo cáo thu chi 9 tháng đầu năm 2012 được lập nhưng lãnh đạo bệnh viện không ký phê duyệt dẫn đến tranh chấp. Nhưng theo biên bản đối chiếu ngày 2/7/2014 thì thể hiện số liệu đối chiếu trước đây là đúng nên chấp nhận khoản tiền yêu cầu số tiền này.

Phía bệnh viện còn cho rằng, khi liên doanh công ty cải tạo, xây dựng không có giấy phép và hợp đồng không thỏa thuận về bồi thường xây dựng khi liên doanh chấm dứt trước thời hạn. Tuy nhiên, theo tòa án, các hạng mục đều là cải tạo, sửa chữa nên không phải xin phép xây dựng.

Hợp đồng quy định, khi hết hạn thì phần cải tạo xây dựng sẽ thuộc về bệnh viên. Tuy nhiên, hợp đồng này bị chấm dứt sau 5 năm và phía bệnh viện có lỗi nên bệnh viện phải thanh toán 1/2 giá trị xây dựng là đúng. Vì vậy, tòa án quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. (665)

  1.  Nỗ lực xây dựng công sở “không khói thuốc” vì sức khỏe cộng đồng

Để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, thời gian qua Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y Tế) đã nỗ lực cùng các Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố triển khai nhiều hoạt động, chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y Tế cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so vói người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị.

Số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ người sử dụng thuốc lá cao. Mỗi năm có đến 40 nghìn người Việt tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá, thời gian gia Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y Tế) đã nỗ lực cùng các Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố triển khai nhiều hoạt động, chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá.Đến nay, hơn 40 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc với nhiều chương trình và chiến dịch ý nghĩa. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCT thuốc lá.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động.

Cụ thể, tại Thái Nguyên, qua 5 năm triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, 100% bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ quan đơn vị hành chính trên địa bàn có qui định về việc thực thi xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc lá trong khuôn viên đơn vị. Trong đó 70% đơn vị xây dựng thành công mô hình Bệnh viện, trường học không khói thuốc.

Tại Thái Bình, việc xây dựng mạng lưới phòng, chống tác hại của thuốc lá được củng cố và nâng cao trong đó chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Thực hiện nhân rộng và duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính, trường học, cơ sở y tế, địa phương.

Tại Bắc Giang với hàng loạt các hoạt động, chiến dịch phòng chống tác hại thuốc lá, nhận thức của người dân đã tăng lên rõ rệt. So sánh kết quả điều tra năm 2015 và năm 2018 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá của người dân trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, cụ thể: tỉ lệ hút thuốc là 22,9% (năm 2015 24,6%); trong đó tỉ lệ hút thuốc ở nam giới 40,2% (năm 201547,5%), nữ giới 1,4% ( Năm 2015 1,7%).

Tại Kiên Giang, Huế, Long An, Đà Nẵng… nhiều cơ quan tổ chức đoàn thể đã thực hiện thành công mô hình “công sở không thuốc lá”. Các sáng kiến PCTH thuốc lá được tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình mít tinh, văn nghệ, hoạt động giảng dạy, thể thao... Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá vì thế cũng có nhiều chuyển biến.

Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã xây dựng thành công mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc”. Đến hết năm 2018, quận đã có 109 nhà hàng, khách sạn thực hiện nghiêm xây dựng môi trường không khói thuốc và được công nhận và gắn biển “Nhà hàng, khách sạn an toàn thực phẩm và không khói thuốc lá”.

Quỹ PCTH của thuốc lá cũng phối hợp với các Bộ, ban nghành đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá. Cho đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại 3.740 cơ sở trên toàn quốc.

Cả nước hiện có 1.560 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc; 10 nghìn trường học thực hiện cấm hút thuốc lá trong trường học; 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, nhờ tác động tích cực của truyền thông, nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động của người dân được nâng cao. Các cuộc điều tra, nghiên cứu cho thấy: 70% số người hút thuốc cố gắng bỏ thuốc và hơn 60% người không hút thuốc cố gắng nhắc nhở và khuyên người hút thuốc bỏ thuốc. 96% người không hút thuốc cho biết họ không muốn người đang hút thuốc gần con mình; 90% người không hút thuốc yêu cầu người hút thuốc không đứng gần người khác.


Thăm dò ý kiến