Điểm tin y tế tháng 8.2019

03/08/2019 | 08:59 AM

 | 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi mồ côi, khuyết tật

Đến thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi mồ côi, khuyết tật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ân cần động viên các cháu, hỏi thăm các cô nuôi dạy về tình hình sức khỏe của từng cháu.

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Văn phòng Bộ Y tế đã đến thăm và chia sẻ, động viên, tặng quà các cháu thiếu nhi mồ côi, khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Hà Nội (Xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ân cần động viên các cháu, hỏi thăm các cô nuôi dạy về tình hình sức khỏe của từng cháu.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ cử các bệnh viện trực thuộc Bộ đến khám, kiểm tra sức khoẻ và điều trị cho các cháu khi phát hiện bệnh.

Cũng tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Văn phòng Bộ Y tế đã trao tặng 180 suất quà, 200 hộp sữa, 3 tạ gạo và 50 triệu đồng để góp thêm cùng Trung tâm trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu cũng như các cụ già đang ở tại Trung tâm.

Lãnh đạo Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Hà Nội  bày tỏ lòng cảm ơn đến sự quan tâm của cá nhân Bộ trưởng và Văn phòng Bộ Y tế đến các em nhỏ cũng như các cụ già neo đơn đang sinh sống, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm.Hoạt động này phần nào giúp đỡ thêm các mảnh đời neo đơn, những trẻ khuyết tật đang sống tại Trung tâm, dồng thời cũng động viên cán bộ, nhân viên Trung tâm nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt công việc khó khăn nhưng cũng hết sức ý nghĩa.Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Hà Nội được thành lập năm 1976 thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm có tất cả 7 khu nuôi dưỡng bao gồm: Khu nhà trẻ, khu trẻ sơ sinh, khu trẻ khuyết tật, còn lại là các khu dành cho những người già… (407)

2.  Triển khai 'Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân' trên toàn quốc

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe suốt đời và được lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở (đề án YTCS), Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm TP.Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020. Một trong những nhiệm vụ khi triển khai đề án YTCS là xây dựng Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR).

Vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm phần mềm HER tại 8 tỉnh, thành phố là TP.Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Tính đến thời điểm này, tại các địa phương trên, hồ sơ sức khỏe được kết nối liên thông, phần mềm hồ sơ sức khỏe đã triển khai đến 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn.Theo Bộ Y tế, EHR bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe suốt đời kể từ khi sinh ra và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.Hồ sơ này còn giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình.Từ đó chủ động phòng bệnh chủ động chăm sóc sức khỏe.Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đối với thầy thuốc, EHR cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh.Cơ sở dữ liệu lớn

Đối với công tác quản lý, việc triển khai EHR giúp ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Phần mềm EHR sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội VN để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân.Các dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

“Cục Công nghệ thông tin tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan hoàn thiện các ý kiến của các đơn vị tham gia thí điểm sử dụng EHR, đảm bảo đến cuối năm 2019 Bộ Y tế sẽ triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu.. (664)

3.  Sóc Trăng: Xác minh bác sĩ Trung tâm Pháp y "vòi" tiền gia đình có người giám định thương tích

Ông Nguyễn Triệu Tỷ - Giám đốc Trung tâm Pháp y (TTPY) tỉnh Sóc Trăng, cho biết đang kiểm tra thông tin về việc một bác sĩ của trung tâm này bị tố “vòi” tiền gia đình có người bị chém cần giám định thương tích.

Theo chị Cao Thị L. (34 tuổi, nạn nhân trong vụ bị chồng cũ chém tại tiệc cưới tối 14/5 vừa qua ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), sau khi bị chồng cũ là Sơn Út Nhên (34 tuổi, ngụ xã Thạnh Thới An) chém gây thương tích tại đám cưới, chị L. nhập viện cấp cứu.

Sau khi xuất viện, chị L. được người thân giới thiệu đến gặp ông S.H.R (bác sĩ TTPY Sóc Trăng) để được tư vấn giám định thương tích.

Ngày 26/5, sau lần gặp mặt đầu tiên, vợ chồng chị L. cùng ông R. và ông Th.Ch. (cán bộ TTPY Sóc Trăng) đi ăn uống. Sau đó, trên đường về nhà thì chồng chị L. nhận điện thoại của ông R. rủ đi hát karaoke nhưng chồng chị L. từ chối.Lúc này, ông R. yêu cầu đưa 2-3 triệu đồng để ông ta trả tiền karaoke.

Chồng chị L. nói không có tiền và cho biết ông R. hứa giám định thương tích ở khung cao với giá 10 triệu đồng.

Để làm rõ vụ việc, ngày 31/5, chúng tôi liên hệ với TTPY Sóc Trăng thì được một cán bộ cho biết “lãnh đạo đi công tác hết, cần gì thứ 2 tuần sau liên hệ lại”.

Sau đó, chúng tôi liên hệ với ông Trương Hoài Phong- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, thì ông Phong cho biết sẽ cho kiểm tra, xác minh làm rõ. (317)

4.  Đình chỉ lưu hành kem làm trắng da Aihao

Cục Quản lý Dược vừa có công văn yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm kem trắng da mặt Aihao và Gel mụn 10g do có thành phần sản phẩm không đáp ứng quy định.Cụ thể, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành toàn quốc lô sản phẩm kem trắng da mặt Aihao (số lô: 3ATV/01.2018/1; NSX: 9/1/2018; số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 000983/16/CBMP-HCM) do Công ty TNHH TM-SX Thanh Nga sản xuất.

Lý do đình chỉ dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cho thấy sản phẩm có chứa methyl paraben, propyl paraben trong thành phần sản phẩm, không thống nhất với thành phần công thức tại phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 000983/16/CBMP-HCM.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đình chỉ lưu hành toàn quốc lô sản phẩm Gel mụn 10g (số lô: 001, NSX: 18/10/2018; số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 003510/14/CBMP-HCM) do Công ty TNHH River Galaxy sản xuất.

Lý do đình chỉ dựa trên kết quả kiểm nghiệm mẫu thử của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cho thấy sản phẩm không đạt yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

Công ty Thanh Nga và Công ty River Galaxy phải gửi thông báo và tiến hành thu hồi toàn bộ 2 lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định trên. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP HCM kiểm tra 2 công ty trên về việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cũng như giám sát việc thu hồi mỹ phẩm. (290)

5.  Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: Phòng, chống dịch phải như chống giặc!

 “Tuyệt đối không được làm hành chính hóa việc chống dịch. Tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt cán bộ cơ sở phải vào cuộc, hết sức chủ động, cứ đúng quy định thì làm, không cần chờ đợi,…”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu- ông Nguyễn Quang Dương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Vĩnh Lợi, địa phương đầu tiên xảy ra dịch ở tỉnh Bạc Liêu. 

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - ông Từ Minh Phúc cho biết, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở ấp B1 (xã Châu Thới) tại hộ ông Nguyễn Văn Mười, với đàn lợn 7 con (khoảng 1,5 tấn) bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, phát hiện thêm một hộ dân liền kề với hộ ông Mười có đàn lợn 94 con bị nhiễm bệnh vào ngày 1/6.

Ngoài ra, một đàn lợn 90 con của hộ ông Nguyễn Văn Tựa (ngụ ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng A) cũng được phát hiện dương tính với dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 2/6.Cũng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, chiều ngày 1/6, 2 hộ dân báo có lợn bị chết ở ấp Phước Thạnh 2 (xã Long Thạnh) với 60 con và ấp Mặc Đây (thị trấn Châu Hưng) với 30 con. Hiện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh gửi đi kiểm nghiệm, dự kiến ngày 3/6 sẽ có kết quả.

Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, Trung tâm giống của tỉnh (đang nuôi hơn 100 con lợn) cũng phát hiện có lợn bị bệnh. Hiện mẫu bệnh đang được kiểm nghiệm.

Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi cho biết, công tác tiêu độc, sát trùng được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy trình hướng dẫn của ngành chăn nuôi thú y tại các điểm có dịch và lân cận, cũng như tạm tời nghiêm cấm xuất bán lợn thịt trong vùng xung quanh ổ dịch.Hiện nay huyện đã có 2 xã có dịch, còn 2 xã, thị trấn đang nghi có dịch, nên theo Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi, dự kiến huyện sẽ cho công bố dịch tả lợn châu Phi ở cấp huyện trong thời gian tới đây.

Theo ông Trịnh Hoài Thanh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi thì có thể do hộ này trước đó có mua bán lợn với người dân ở Sóc Trăng (tỉnh đã có dịch tả lợn châu Phi) và đi nấu nướng ở đám tiệc,…

Do đó, ông Thanh đề nghị những hộ nào nuôi lợn (có tiếp xúc chăm sóc lợn thường xuyên) đã có dịch xảy ra thì nên hạn chế đi ra ngoài. Khi đi mua hàng hóa bên ngoài thì nên để người khác đi vì nguy cơ lây lan qua tiếp xúc cũng khá cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Dương Thành Trung cho rằng, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan nhanh. Do đó, ông yêu cầu địa phương không cho người dân tăng đàn lợn nuôi, vì nguy cơ lây lan rất cao nếu mua lợn từ nơi khác về. 

Với những hộ dân có lợn bị bệnh, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền có lợn bệnh phải báo ngay chứ không được giấu.Khi có lợn đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì dứt khoát phải chôn lấp, không để người dân tiếc của, chôn xong xã phải quản lý chặt chẽ hố chôn.

"Lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện, tỉnh nếu để xảy ra việc này", Chủ tịch Dương Thành Trung chỉ đạo rõ.

Khảo sát và làm việc tại huyện Vĩnh Lợi vào sáng ngày 2/6, ông Nguyễn Quang Dương- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, mong muốn của tỉnh là không có dịch nhưng điều đáng tiếc là dịch đã xảy ra. Do đó, ông Dương yêu cầu phải quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh một cách nghiêm túc.

“Phòng, chống dịch phải như chống giặc, tuyệt đối không được làm hành chính hóa việc chống dịch. Tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt cán bộ cơ sở gần dân nhất phải vào cuộc, hết sức chủ động, cứ đúng quy định thì làm, không cần chờ đợi,…”, Bí thư Nguyễn Quang Dương chỉ đạo quyết liệt.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên nhân cơ bản xảy ra dịch đã được ngành chuyên môn xác định là do không kiểm soát được vận chuyển, từ giết mổ, mua thức ăn, tiếp xúc thông qua con người,… Nay trong tỉnh đã có huyện Vĩnh Lợi, nhưng liệu có kiên quyết không để lây lan sang các huyện khác hay không, thì đòi hỏi các ngành, các cấp phải kiểm soát chặt chẽ.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu nhanh chóng tuyên truyền người dân, nếu lây lan sang các huyện nữa thì Bạc Liêu thành tỉnh có dịch, rất ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội,… “Chúng ta còn phải giữ cho các tỉnh chưa có dịch, bởi cứ lan truyền từ xã này, đến huyện kia, qua tỉnh nọ thì sẽ đến tỉnh khác, nên ngoài nhiệm vụ của huyện, của tỉnh Bạc Liêu thì đây là trách nhiệm chung”, Bí thư Nguyễn Quang Dương lưu ý.

Theo Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu, qua thống kê của ngành Nông nghiệp, 70% cơ cấu bữa ăn thực phẩm của người dân chúng ta là từ thịt lợn, nên đây là vấn đề cực kỳ quan trọng.

“Do đó, hiện nay đã xảy ra dịch ở huyện Vĩnh Lợi rồi thì tuyệt đối phải làm nghiêm túc trong vấn đề tiêu hủy, làm sao thu hẹp, khống chế thành công, dập tắt không để lan truyền qua các vùng khác”, Bí thư Nguyễn Quang Dương yêu cầu rõ. (1048)

6.  4 bệnh viện Trung ương được giao tự chủ toàn diện, giá dịch vụ y tế ra sao?

- 4 bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa được Chính phủ giao thí điểm cơ chế tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Bên cạnh những thuận lợi và khó khăn của mỗi bệnh viện trong việc thực hiện chủ trương này thì về phía người bệnh, điều lo ngại nhất là khi các bệnh viện tự chủ toàn bộ thì liệu có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế hay không?

Trả lời báo chí về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, thực tế từ năm 2016 trở về trước, Bệnh viện K đã là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên, thuộc nhóm 3 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP. Từ năm 2017, Bệnh viện được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2.

Do vậy, việc triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ (về thí điểm tự chủ tài chính của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế) tại bệnh viện K sẽ không gây ra quá nhiều sự xáo trộn.

Hơn nữa, trong Nghị quyết số 33 của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh mục tiêu khi triển khai cơ chế tự chủ ở 4 bệnh viện tuyến trung ương là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo; đặc biệt không được để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, khi được giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện.

Về giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải thực hiện theo đúng quy định chứ không phải muốn tăng thế nào thì tăng. GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị quyết 33/NQ-CP đã nêu rõ: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.

Còn với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Nghị quyết 33 của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; 4 bệnh viện tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Được biết, năm 2018, sau khi được Bộ Y tế giao tự chủ toàn bộ tài chính, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016, điều trị nội trú tăng hơn 20%. Doanh thu của bệnh viện có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20% (597)

7.  Lo người bệnh "thiệt đơn, thiệt kép"

Tự chủ tài chính tạo điều kiện cho bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ và đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ trả lương cho nhân viên y tế

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) K trung ương, cho biết thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2017, BV đã thay đổi giờ khám để phục vụ người bệnh tốt hơn. Thay vì 7 giờ 30 phút mới làm việc thì giờ đón tiếp người bệnh sẽ được bắt đầu từ 5 giờ 30 phút và đúng 6 giờ, các phòng khám bắt đầu khám bệnh.

"Tự chủ tài chính buộc các BV phải thay đổi.Khi được trao quyền tự chủ, BV hoàn toàn không có nguồn cung cấp tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước.Vì vậy, việc thu hút người dân đến khám chữa bệnh là điều quan trọng" - ông Thuấn nói.

Tự chủ để tăng sự cạnh tranh

Ông Thuấn cho biết thời gian qua, với khẩu hiệu "Trao hy vọng - Nhận niềm tin" BV đã quyết liệt thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh" và "Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" bằng nhiều giải pháp. Không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh, BV còn đa dạng hóa loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung phát triển những khu khám theo yêu cầu, chất lượng cao. "BV coi người bệnh là khách hàng, phải làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi BV" - ông Thuấn nhấn nhạnh.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), đánh giá điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế về chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ y tế... Đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Nhiều BV đã vay vốn ngân hàng để đầu tư như: Đại học Y dược TP HCM, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Nội tiết Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế...

Thống kê đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80%-90% chi thường xuyên.

Theo ông Liên, chưa có thống kê đầy đủ tại các BV của cả nước nhưng tại 55 tỉnh/thành phố, ghi nhận so với ngân sách cấp cho các BV năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738,7 tỉ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỉ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP HCM giảm 1.320 tỉ đồng, TP Hà Nội giảm 520 tỉ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỉ đồng, Nghệ An 330 tỉ đồng, Hà Tĩnh 200 tỉ đồng, Bình Định 300 tỉ đồng...

"Đối với 24 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, nhờ tự chủ toàn bộ thường xuyên đã giảm hơn 25.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương ứng gần 1.250 tỉ đồng. Giảm cấp ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng/năm để chuyển sang mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT" - ông Liên thông tin.

Quản tự chủ để tránh lạm thu

Về việc giao quyền tự chủ hoàn toàn cho BV, không ít chuyên gia y tế cho rằng khi BV hoạt động như mô hình doanh nghiệp, cần được giám sát, đánh giá bởi một đơn vị độc lập để bảo đảm khách quan, minh bạch và không xảy ra tình trạng lạm thu.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, lo ngại việc tự chủ hoàn toàn đối với các bệnh viện đầu ngành có thể sẽ dẫn đến độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Bên cạnh đó, các BV rất dễ chạy theo phát triển dịch vụ điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị... nhằm "thu hồi vốn" nhanh. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng xét nghiệm hoặc cứ chuyển viện lại phải làm xét nghiệm từ đầu.

Theo ông Tuấn, đang thiếu nhiều chính sách để "quản" tự chủ.Điều này có thể đẩy người bệnh vào tình thế "thiệt đơn thiệt kép". Bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc có thể bị đẩy cao lên so với thực tế, trong khi quy định của luật pháp chưa có giám sát độc lập.

"Đơn cử chỉ là việc sinh mổ hay sinh thường. Trên thế giới tỉ lệ mổ đẻ chỉ 10%-20%, kể cả các nước phát triển nhưng ở Việt Nam tỉ lệ này tới 70%- 80%.Việc chỉ định mổ đẻ tràn lan có phải vì viện phí đẻ mổ cao hơn đẻ thường rất nhiều?" - ông Tuấn băn khoăn.Ông Tuấn cho rằng khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, Bộ Y tế nên giao một cơ sở giám sát, đánh giá độc lập chứ không thể tự thí điểm, tự đánh giá. Giám sát, đánh giá độc lập để xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công tư và sự tư lợi, vì những BV này vẫn đang là BV công.

Đánh giá việc trao quyền tự chủ cho các BV là một "cuộc cách mạng", đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm: "Mọi người thường lo ngại vấn đề tài chính, BV sẽ tận thu người bệnh rồi lạm dụng xét nghiệm nhưng thực tế lâu nay, chi phí khám chữa bệnh ở những BV này không hề rẻ. Hơn nữa, tự chủ ở đây chỉ là nhà nước không chi lương còn BV vẫn phải hoạt động theo các nguyên tắc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, thậm chí tổ chức nhân sự cũng phải có chỉ tiêu".  (1030)

8. Xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Không thể thấy khó, mà không làm

Tại một cuộc nhậu, một người dù không muốn uống cũng bị ép nâng ly lên, ép uống cạn, rồi ngay lập tức cái ly của chủ nhân vừa gắng sức uống cạn lại lập tức được rót đầy, lại được mời mà như ép để tiếp tục nâng lên. Kèm theo đó là những câu khích: “Chú không uống là khinh anh!”, “Nam vô tửu thì sao đáng mặt nam nhi!”. Những ngày lễ tết, ở nhiều vùng miền, người ta lôi bia rượu ra tiếp khách. Ai đến cũng rót, cũng cật lực mời, khách khứa vừa uống cạn ở nhà này lại tiếp tục sang uống cạn bên nhà khác, liên tiếp và liên tiếp…

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. 

Trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong 3 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.Ngày 12/4/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì chỉ một ngày trước đó ở TP Quy Nhơn (Bình Định), một tài xế xe Lexus đạp nhầm chân ga, tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương nặng.

Ngày 19/4/2019, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức họp góp ý dự luật thì chỉ ba ngày sau, một chiếc “xe điên” gây tai nạn liên hoàn và tông chết nữ công nhân vệ sinh trên đường Láng.

Trong hai vụ trên, tất cả những tài xế đều say xỉn. Trong vụ tai nạn ở đường Láng, tài xế say đến độ “nửa ngày chưa tỉnh” để khai báo…

Luật “yếu dần” đi sau mỗi lần chỉnh sửa?

Tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo này đưa ra các chế tài rất mạnh như: Điều 5 dự Luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, và cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ...

Điều 20 của dự thảo quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và tiếp thu, chỉnh sửa, dự luật trình Quốc hội ngày 23/5/2019 đã bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet, chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày...

Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia đang “yếu dần” đi sau mỗi lần chỉnh sửa - đó là quan điểm của nhiều người và cũng là lo ngại của xã hội. 

“Tôi không hiểu vì sao, sau nhiều hội thảo lấy ý kiến, dự luật đã mất đi tinh thần cứng rắn của các điều khoản liên quan đến biện pháp phòng chống tác hại rượu bia. Các căn cứ, cơ sở xây dựng luật dần xa rời với tình hình thực tiễn, các điều khoản, chế tài có tính răn đe, ngăn ngừa tác hại của rượu bia cứ yếu dần đi.

Mục tiêu cuối cùng của dự luật là phòng chống tác hại rượu bia nhưng những giải pháp mang tính ngăn chặn như quy định về cấm quảng cáo, bán rượu bia trên Internet, hạn chế quảng cáo rượu bia trên báo in... để không phổ biến loại đồ uống này đã bị đưa ra khỏi dự thảo.

Thay vào đó, tôi thấy lại bổ sung quy định cho phép quảng cáo rượu bia trên truyền hình.  Với cách tiếp cận bảo vệ các nhóm quyền trẻ em có liên quan đến luật này, tôi thấy rất lo lắng…” - là quan điểm của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên) khi bà trả lời truyền thông về vấn đề này. 

Và những tranh luận…

Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn rằng phải chăng cách tiếp cận của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là sai bởi lẽ ra luật phải được tiếp cận dưới góc độ văn hoá.

“Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan”, đại biểu Quốc nói và cho rằng việc sử dụng rượu, bia đúng mực đã là văn hóa không chỉ của dân tộc ta mà còn là của cả nhân loại. (1012)

9. Phòng chống tác hại thuốc lá: Việc không của riêng ai

- Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng mà còn có tác hại khôn lường với người hít phải khói thuốc một cách thụ động.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu cộng đồng không chung tay chống lại sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng thuốc lá, gánh nặng bệnh tật gây ra do thói quen này thực sự rất đáng ngại.

Thờ ơ với tác hại

Theo thống kê của Bộ Y tế, người tiêu dùng của nước ta hàng năm phải chi tới 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm. Để hạn chế gánh nặng bệnh tật này không còn cách nào khác ngoài việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong người dân. Tuy nhiên, hành trình này còn gian nan.

Nhìn vào tỉ lệ hút thuốc lá cao ở Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người dân dễ dàng tiếp cận với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu, dù vỉa hè, hiệu tạp hóa hay trung tâm thương mại cao cấp. Theo một số chuyên gia kinh tế, tỉ lệ hút thuốc cao còn do giá thuốc lá ở Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng cũng khiến cho cuộc chiến này vẫn còn gian nan.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao. “Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là các quán trà đá vỉa hè đến quán cà phê, nhà hàng sang trọng và những địa điểm vui chơi khác là một trong nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá còn cao trên địa bàn”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.Còn theo một số chuyên gia, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Một số nghị định khác của Chính phủ như Nghị định 176/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013 hay Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) đã quy định cụ thể các mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Song, nhìn vào thực tế đang diễn ra, hầu như không ai quan tâm, không ai thực hiện, cũng không cơ quan nào kiểm tra, giám sát việc thực thi khiến Luật chỉ trên... giấy.

Bản thân người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá và chưa biết nhiều thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại rất nhiều khu vực công cộng có biển cấm hút thuốc, nhưng người hút thuốc lá vẫn vô tư “nhả khói” mà không quan tâm tới sự khó chịu của những người bên cạnh cũng như ảnh hưởng của khói thuốc với sức khỏe với những người phải hít khói thuốc lá thụ động. Chưa kể, các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá vẫn đang tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng.Ngoài ra, ngành Y tế chưa có đơn vị thanh tra chuyên trách đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời.Vì vậy, việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.

Kết hợp tuyên truyền và xử phạt

Để phòng chống tác hại thuốc lá, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, hiện nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá, phù hợp với tình hình thực tế; triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá; tổ chức treo, dán tranh ảnh, băng biển, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhiều cơ quan còn mạnh dạn đưa các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm của các tập thể, cá nhân, đồng thời triển khai thực hiện nền nếp, hiệu quả… Tuy vậy, việc thực thi pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá còn hạn chế.Vậy nên, để tăng hiệu quả thực thi trong việc phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới, ông Khuê nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá trong nhân dân phải được đặc biệt coi trọng.Bên cạnh đó, việc tăng hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này cũng phải được nâng cao.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Việt Nam của Health Bridge Canada nêu ý kiến, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới.

“Các quốc gia cần tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bao gồm việc ban hành và tăng cường thực thi các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp để tạo ra môi trường trong lành không có khói thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân của mình”, bà Hoàng Anh nêu.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, cơ quan này sẽ duy trì và nhân rộng việc triển khai thực hiện mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện và xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố. (1187)

10.  Quảng Ngãi: Đang mổ đẻ, phát hiện sản phụ bị viêm ruột thừa

Kinhtedothi - Nếu không phát hiện ra ruột thừa và tiến hành cắt bỏ thì dễ dẫn đến nguy cơ bị hoại tử, nguy hiểm cho bệnh nhân; đồng thời, sản phụ sau khi mổ đẻ lần một, sẽ phải tiếp tục mổ để cắt bỏ ruột thừa, dẫn đến đau đớn, tốn kém...

Chiều 2/6, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng (Quảng Ngãi) cho biết, các y, bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một sản phụ bị viêm ruột thừa trong quá trình mổ đẻ cho sản phụ.

Theo đó, trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện thai phụ bị viêm ruột thừa. Ngay sau đó, các y, bác sĩ Khoa Ngoại của bệnh viện nhanh chóng có mặt, phối hợp với các bác y, bác sĩ Khoa Sản tiến hành hội chẩn và cắt ruột thừa cho thai phụ.

Trước đó, sáng 2/6 sản phụ Đỗ Thị Bích Phượng (26 tuổi, trú xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) mang thai lần đầu, sau 39 tuần thì chuyển dạ. Quá trình siêu âm thai, các y, bác sĩ phỏng đoán thai nhi nặng khoảng 3,8 kg. Các y, bác sĩ quyết định mổ đẻ cho thai phụ.

Bác sĩ Hà Tấn Ngọc chia sẻ: “Bản thân sản phụ không hề biết mình bị viêm ruột thừa, có thể bị đau ruột thừa nhưng nhầm lẫn với chuyển dạ”.

Theo bác sĩ Ngọc, nếu không phát hiện ra ruột thừa và tiến hành cắt bỏ thì dễ dẫn đến nguy cơ bị hoại tử, nguy hiểm cho bệnh nhân; đồng thời, sản phụ sau khi mổ đẻ lần một, sẽ phải tiếp tục mổ để cắt bỏ ruột thừa, dẫn đến đau đớn, tốn kém.

Hiện tại, sau ca mổ, cả mẹ và con sản phụ Đỗ Thị Bích Phượng đều an toàn.  (324)

11.  Chiều cao người Việt gần như thấp nhất Châu Á, suốt 25 năm chỉ tăng 3cm

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm

Lượng tiêu thụ trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm

Ngày 1/6, Hiệp hội sữa Việt Nam, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Ngành Sữa và Sản phẩm Sữa tại Việt Nam (Vietnam Dairy 2019) tổ chức chương trình “Lễ hội Sữa Việt Nam 2019” chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế Giới năm 2019 cùng các quốc gia trên toàn cầu tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm nay, chủ đề được chọn hưởng ứng tại Việt Nam là “Niềm vui uống sữa ở trường” – “EnjoyDairy AtSchool” đây là chủ đề được Ban tổ chức phát động dựa trên thông điệp chung là EnjoyDairy của Ngày sữa thế giới 2019 trên toàn cầu do do Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố.

Chuỗi hoạt động này nằm trong những nỗ lực của của Ban tổ chức để nâng cao nhận thức về nguồn dinh dưỡng từ sữa cũng như tầm quan trọng của việc hình thành thói quen uống sữa đối với trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong lứa tuổi học đường – giai đoạn vàng của sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Phát biểu tại hoạt động PGS.TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp Hội sữa Việt Nam cho biết, từ năm 2001,Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã chọn ngày 1 tháng 6 hàng năm là Ngày Sữa Thế giới - World Milk Day nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành sữa đối với sự phát triển kinh tế bền vững và dinh dưỡng, sức khỏe của nhân loại. Ngày Sữa Thế giới là dịp để chúng ta hiểu rõ hơn các lợi ích của sữa đối với sức khỏe, cũng như những đóng góp to lớn của ngành sữa với nền kinh tế toàn cầu.

Mọi người dân Việt Nam đang tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” và Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025 mà Chính phủ vừa phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019; Đặc biệt ngày 28/5/2019 Bộ Y tế đã phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019 với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.Ông Trung tin tưởng rằng hoạt động “Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sữa Thế giới 01/6 - World Milk Dairy 2019” tại TP. Hồ Chí Minh” sẽ mang đến cho các em nhỏ một sân chơi với nhiều hoạt động vui chơi, giáo trí bổ ích và tạo ra trải nghiệm để các gia đình gắn kết với nhau hơn.

Theo báo cáo của Hiệp Hội Sữa Việt Nam 2018, mặc dù lượng tiêu dùng sữa được dự báo tăng 9-10% trong những năm tới, nhưng lượng tiêu thụ trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm. Con số này còn khá khiêm tốn so với mức tiêu thụ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và kém xa mức tiêu thụ 300 lít/người/năm ở châu Âu.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao?

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm (từ 1993 – 2018). Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy chỉ có 23% là do di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%.

Trong đó, sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết.

Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu đều khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Tại Châu Á, Nhật Bản là trường hợp thành công điển hình của việc bổ sung sữa vào khẩu phần ăn của trẻ như một phần không thể thiếu của chế độ dinh dưỡng hàng ngày thông qua chương trình Sữa Học Đường từ những năm 1963, đã giúp nâng chiều cao trung bình của người Nhật từ 1m50, thuộc loại thấp nhất châu Á, lên 1m72 như hiện nay. Không chỉ vậy, kết quả quan trọng chính là sự thay đổi nhận thức của người dân về thói quen sử dụng sữa để cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng.

Những thay đổi tích cực đang được kì vọng sẽ diễn ra ở Việt Nam, nơi thói quen uống sữa còn hạn chế và có nhiều trẻ em trong độ tuổi học đường gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng cũng như thiếu hụt các vi chất cần thiết trong giai đoạn phát triển quan trọng. (937)

12.  Cô gái 22 tuổi phát hiện ung thư dạ dày trong lúc phẫu thuật u buồng trứng

- Trong quá trình phẫu thuật u buồng trứng cho cô gái 22 tuổi, các bác sĩ đã phát hiện thêm bệnh nhân bị ung thư dạ dày nên đã chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện chuyên khoa để xử lý.

Nữ bệnh nhân 22 tuổi, ở Hà Nội, chưa lập gia đình và thường xuyên có dấu hiệu đau bụng nên đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám. Bệnh nhân bị phát hiện u buồng trứng và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt u buồng trứng. 

Theo các bác sĩ, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có khối u dạ dày đã di căn xuống buồng trứng.Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để tiếp tục xử lý. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, 2 buồng trứng, nạo phúc mạc di căn. Hiện, bệnh nhân đã ổn định, sau 3-4 tuần nữa sẽ tiến hành điều trị hoá chất.

Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 16 tuổi cũng bị ung thư dạ dày di căn buồng trứng. Thiếu nữ này cũng phải cắt hoàn bộ buồng trứng, dạ dày, nạo phúc mạc di căn và điều trị hoá chất.

Bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, cho biết do buồng trứng là nơi có chức năng phát triển sinh sản nên dễ "gieo mầm" cho các tế bào ung thư phát triển. "Với nữ bệnh nhân 22 tuổi nói trên, qua khai khác bệnh sử, bệnh nhân cho biết do có khối u buồng trứng nên khi đi khám phụ khoa thường chỉ quan tâm đến khối u buồng trứng. Trong khi đó, với những người trẻ tuổi, dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày thường không rõ ràng, chỉ đau vùng hạ vị, khó tiêu... Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày đang ngày càng trẻ hoá"- bác sĩ Hiền lưu ý.

Cũng theo bác sĩ Hiền, các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày thực quản… rất thường gặp nhưng dễ bỏ sót với các triệu chứng không điển hình như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau bụng, đau tức ngực, khó nuốt, ho kéo dài... Các triệu chứng này rất dễ tái phát nếu không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét, thủng dạ dày hoặc ung thư. Đối với bệnh ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư. 

"Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày cho biết trước đó cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày, đến khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn"- bác sĩ Hiền cảnh báo. (566)

13.  BVĐK Hà Tĩnh triển khai thành công kỹ thuật cấy máy phá rung tự động trong buồng tim

- Các bác sỹ Khoa Tim Mạch - Lão học (TMLH), BVĐK Hà Tĩnh vừa thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động trong buồng tim cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ Viện Tim mạch quốc gia.

Bệnh nhân Bùi Văn Thư (90 tuổi) ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) có tiền sử bệnh suy tim, bệnh động mạch vành, đã đặt Stent kèm theo bệnh đái tháo đường nhiều năm, chức năng tim dưới 35%. Người nhà cho biết, cách đây 7 năm, bệnh nhân có những cơn loạn nhịp từng thất, có thể gây ra ca rung thất, ngừng tim và đã được cấy máy phá rung tự động trong buồng tim tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có biểu hiện rung giật từng cơn, mệt mỏi, khó thỏ nên vào BVĐK Hà Tĩnh điều trị. Tại đây, sau khi kiểm tra máy phá rung tự động cho thấy máy có dấu hiệu hết pin và cần được thay máy mới...

Dưới sự hỗ trợ của Viện Tim mạch quốc gia, các bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh đã thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động trong buồng tim cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã bớt mệt mỏi, dễ thở hơn.

Tiến sỹ Lê Văn Dũng - Trưởng khoa TMLH cho biết: Việc cấy máy phá rung tự động trong buồng tim thành công được là nhờ có sự đóng góp vô cùng quan trọng của máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography) mà BVĐK tỉnh mới đầu tư.

Những hình ảnh thu được từ phương pháp chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA) đã cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho não và tim. Nhờ hệ thống DSA, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, mạch máu não (tiêu biểu là nhồi máu cơ tim, đột quỵ) đã được chẩn đoán rõ ràng và được can thiệp kịp thời. Từ đó, tận dụng được “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sỹ Dũng, khi mắc những bệnh lý trên, bệnh nhân thường phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ và đột tử.Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật mới này, bệnh nhân thường phải đi ra các bệnh viện lớn ở Trung ương để chữa trị.

Máy phá rung tự động được đặt trong cơ thể bệnh nhân từ 7-10 năm. Người bệnh nào có nhiều cơn rối loạn nhịp, máy phải làm việc nhiều, tuổi thọ của pin ngắn hơn. Khi pin hết sử dụng được sẽ thay máy mới. Thời gian đầu được đặt máy, người bệnh luôn cảm thấy lo lắng nhưng dần dần sẽ thích nghi được. (512)

14.  Bệnh nhân nghèo vui mừng rưng rưng tại 'phiên chợ 0 đồng'

- Dù hôm nay là chủ nhật nhưng bệnh nhân P.T.S. (66 tuổi) đã dậy từ rất sớm để chuẩn bị tới 'phiên chợ 0 đồng'. 'Mừng quá, nhà tôi vừa hết gạo', bà S. rưng rưng nước mắt.

Để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn an tâm điều trị bệnh, sáng 2-6, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) đã tổ chức "phiên chợ 0 đồng" lần thứ 4.

Bệnh nhân V.T.N. (50 tuổi) đang điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ đây là lần đầu tiên bà được nhận nhiều quà đến vậy. Bà thường xuyên đi lang thang bán đậu phộng, hoàn cảnh khó khăn lại phải sống một mình. "Nhà muỗi nhiều lại không có màn, nay nhận được màn tôi yên tâm ngủ rồi" - bà N. vừa cầm chiếc màn vừa cười.

Bà N.T.N.H. (54 tuổi) bệnh nhân đang khám gan tại bệnh viện, cho biết "đã khám tại bệnh viện rất nhiều lần, nay nghe tin có phiên chợ 0 đồng nên chạy qua nhận quà nhưng lại đến muộn.Mặc dù không có phiếu nhưng nhiều cô chú vẫn phát quà cho".

Phiên chợ cho bệnh nhân nghèo tổ chức được 30 gian hàng dành cho hơn 360 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Người bệnh sẽ được mua tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết như: bột giặt, gạo, giày, dép… với giá 0 đồng.

Ngoài ra phiên chợ còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: trao tặng xe lăn, BHYT cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, trao tóc giả cho bệnh nhân ung thư, tham gia vòng quay may mắn để nhận quà...

Ông Nguyễn Minh Quân - giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức - cho biết phiên chợ 0 đồng là ý tưởng xuất phát từ một chuyến công tác lên vùng Tây Bắc của ông.Khi nhìn thấy phiên chợ tại đây, người dân trao đổi những vật phẩm cho nhau, ông liền nảy ra ý tưởng mở phiên chợ cho bệnh nhân nghèo.Bệnh viện sẽ nỗ lực để phiên chợ được tiếp tục và duy trì đều đặn 2 lần mỗi năm. (382)

15.  Tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh trước khi sinh con

Nguyễn Hồng (26 tuổi, TP Yên Bái) hỏi: 'Trong gia đình chồng sắp cưới của tôi có một người thân bị bệnh tan máu bẩm sinh nên việc điều trị rất tốn kém. Tôi tìm hiểu thì được biết bệnh này có di truyền. Có cách nào để sinh con khỏe mạnh nếu chồng tôi có mang gien bệnh này?'.

Lợi ích của quả vải đối với thai kỳ: Bà bầu ăn vải có nóng không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trả lời: Hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 12 triệu người mang gien bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia).

Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh thường chậm phát triển thể chất, có nhiều biến chứng do tình trạng thiếu máu và quá tải sắt gây ra. Bệnh thalassemia điều trị rất gian nan, thông thường người bệnh muốn sống đến khoảng 30 tuổi thì chi phí phải mất đến 3 tỉ đồng.

Các bạn trẻ trước khi bước vào hôn nhân nên khám sàng lọc tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh đối với bệnh thalassemia. Đặc điểm di truyền của bệnh này là nếu 2 người mang gien thalassemia kết hôn với nhau thì con sinh ra có 25% khả năng bị bệnh. Nếu xét nghiệm mà phát hiện một trong 2 người mang gien bệnh thì việc kết hôn nhân cũng cần được tư vấn.

Tại Việt Nam, nếu các cặp vợ chồng mang gien bệnh muốn sinh con khỏe mạnh có thể chẩn đoán trước sinh khi mang thai, thụ tinh nhân tạo và chẩn đoán trước chuyển phôi. (303)

16.  Kỷ lục tái thông mạch não cho 6 bệnh nhân đột quỵ chỉ trong một ngày

Từ 7h đến 22h ngày 29/5, nhóm bác sĩ của khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã điều trị tái thông mạch não thành công cho 6 bệnh nhân.

Đây là con số kỷ lục về số lượng ca điều trị nhiều nhất trong một ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc. Không những thế, thời gian điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ sau đột quỵ, trong khi bình thường là 6 giờ.

Kỷ lục về số lượng bệnh nhân điều trị đột quỵ

Sau hơn 10 tiếng nhập viện, bệnh nhân đột quỵ Nguyễn Thị Tú (53 tuổi) đã có thể vận động tay chân một cách bình thường, tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Theo các bác sĩ, khi được đưa vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã liệt nửa người không thể nói được, mê man do đột quỵ khi đang ở nhà.

Chị Hoàng Thanh Hậu - người nhà bệnh nhân - cho hay sáng 29/5, sau khi đi vệ sinh xong, bà Tú không cử động, đứng lên được, tay phải và chân phải yếu liệt, hầu như không cử động được và có cảm giác tê. Người nhà đo huyết áp thấy tăng cao liên tục và đã đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị lấy huyết khối tái thông mạch não kịp thời và bệnh nhân may mắn qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Tú chỉ là một trong 6 bệnh nhân được nhóm các bác sĩ điều trị đột quỵ của khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, tái thông mạch chỉ trong một ngày 29/5, lập kỷ lục về số lượng bệnh nhân điều trị nhiều nhất trong một ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc.

Thông thường, khoa Cấp cứu A9 trong một ngày chỉ thực hiện được 1-2 ca tái thông mạch.Thời gian có thể thực hiện thành công không để lại biến chứng tối đa khoảng 6 giờ kể từ khi bệnh nhân bị đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "Điều khác biệt đối với các nơi hiện nay là duy nhất tại Bệnh viện Bạch Mai áp dụng các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật lấy huyết khối từ các nước tiên tiến trên thế giới”.

“Hiện nay, chúng tôi mở rộng thời gian điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân đột quỵ có thể tới 24 giờ.Đó là điều khác biệt mà chưa có bệnh viện nào ở nước ta làm được kỹ thuật này", bác sĩ Tôn nói.

Thành công này có được là nhờ sự phối hợp và triển khai nhịp nhàng giữa khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, giữa chẩn đoán chính xác và triển khai tái thông mạch nhanh. Chính vì vậy, đơn vị này đã có 6 ca được tái thông mạch thành công, trong đó có những ca đã qua 6 giờ, thậm chí đã sau 16 giờ.

Theo các bác sĩ, việc tái thông mạch thành công ở giai đoạn sau đột quỵ dài quá 6 giờ sẽ mở ra cơ hội sống khỏe mạnh không để lại di chứng cho nhiều bệnh nhân mắc đột quỵ.

Cảnh giác nguy cơ làm đột quỵ khởi phát

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc. Một nhóm bác sĩ đột quỵ thường xuyên cập nhật các ca bệnh và trao đổi với nhau liên tục thông qua Viber để giải quyết một cách nhanh nhất các ca bệnh nhập viện.

Chuyên gia này cũng chỉ rõ các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ, trong đó điển hình là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì. Những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thuận lợi dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.

Bác sĩ Chi cảnh báo đột quỵ không chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị bệnh này nếu không có ý thức kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ nói trên.

Căn bệnh này có các dấu hiệu điển hình là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó,… Do đó, một người có các dấu hiệu như trên cần được đưa đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian. Chính vì vậy, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề.

Để phòng bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày), giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì, hạn chế rượu bia, tránh hút thuốc lá. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay,… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà cần đưa đi cấp cứu ngay giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế. (1011)

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

17.  Australia lao đao vì đại dịch cúm, 43 người đã chết

Cảnh báo cúm đã được ban hành ở New South Wales (NSW), Australia sau khi 43 người chết vì virus này ở Úc.

Nhiệt độ giảm mạnh đã dẫn đến 1.843 trường hợp cúm trên toàn tiểu bang Australia riêng trong 1 tuần từ 19/5-26/5  bên cạnh 43 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Số người chết vì cúm trong năm nay đến nay đã vượt qua tổng số người chết vì cúm năm 2018, báo cáo của Sydney Morning Herald cho biết. Tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm cúm kể từ tháng 1 đến nay là 16.153 người. Con số này gần bằng tổng số người nhiễm cúm trong cả năm 2018 với 17.439 trường hợp và 40 người chết.Người ta tin rằng con số năm nay có thể còn cao hơn nữa khi nhiệt độ tiếp tục giảm trên toàn tiểu bang Australia. Ngành Y tế NSW đã kêu gọi người dân tiêm phòng cúm trong bối cảnh khủng hoảng cúm, đồng thời đưa ra cảnh báo cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, chẳng hạn như người già và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Vicky Sheppeard, Giám đốc các bệnh truyền nhiễm của ngành Y tế New South Wales cho biết mất khoảng hai tuần để vắc-xin có thể bảo vệ hoàn toàn bệnh nhân sau tiêm. Tuy nhiên, các nhà thuốc đã hết hoặc đang thiếu vắc-xin do nhu cầu tăng.Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) có trụ sở tại Mỹ gần đây đã liệt cúm vào danh sách một trong tám căn bệnh  lây nhiễm chết người. Bệnh dịch hạch và bệnh dại là hai trong số 8 bệnh trong danh sách. (295)

18.  Kỷ lục 10.000 người hiến tạng cứu sống cậu bé ung thư máu tại Anh

10.000 người tham gia hiến tạng đã giúp cứu sống cậu bé ung thư máu khi chỉ còn 3 tháng để níu giữ sự sống.

Oscar Saxelby-Lee, 5 tuổi, ở thành phố Worcester, Anh, đã được cấy ghép tế bào gốc sau khi tìm được người hiến tương thích trong số hơn 10.000 đăng ký hiến tạng cứu cậu bé.

Tháng 12/2018, Oscar được chẩn đoán mắc một dạng ung thư máu hiếm gặp. Các bác sĩ sau đó cho biết, cậu bé chỉ có 3 tháng để tìm một người có tế bào gốc tương thích. Chạy đua với thời gian, bố mẹ Oscar đã không từ bỏ hy vọng để có thể cứu lấy cậu con trai nhỏ của mình. Họ phát động chiến dịch “Tay trong tay vì Oscar” trên mạng xã hội Facebook, để tìm kiếm người có tế bào gốc tương thích với cậu bé. Vượt qua mọi sự kỳ vọng, hơn 10.000 người đã tham gia hiến tạng. 

Bệnh tình của Oscar đã chuyển biến xấu hồi tháng 2/2019… Nhưng phép màu đã xảy ra khi đến tháng 3, một người tình nguyện có tế bào gốc tương thích với cậu bé xuất hiện.

Các xét nghiệm tiến hành trong tháng 4 cho thấy, cậu bé không còn tế bào ung thư trong tủy xương sau khi hóa trị. Điều này có nghĩa Oscar đã đủ sức khỏe để cấy ghép tế bào gốc.

Trong bài đăng hôm 29/5 vừa qua trên Facebook, chị Olivia (23 tuổi), mẹ của Oscar vui mừng thông báo ca phẫu thuật ghép tế bào gốc cho cậu con trai nhỏ đã thành công. Các bác sĩ hy vọng, cơ thể cậu bé sẽ sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh mới thay thế cho những tế bào bị phá hủy vì ung thư và qua trình hóa trị.

Không chỉ gia đình Oscar, tất cả mọi người biết đến cậu bé đều đang mong chờ ngày cậu bình phục hoàn toàn.

“Chúng tôi không thể chờ đợi đến này Oscar phục hồi và được gặp người hiến tế bào gốc. Oscar sẽ có một khởi đầu mới, một cuộc phiêu lưu mới”, mẹ cậu bé nói.

Kỷ lục số người tham gia hiến tạng

Đáp lại nỗ lực không ngừng của bố mẹ Oscar, chỉ trong thời gian ngắn sau khi lời “cầu cứu” được đăng lên mạng xã hội, 4.855 người đã xếp hàng nhiều giờ liền dưới mưa để chờ làm các xét nghiệm tế bào, với hy vọng có thể tương thích và hiến tặng cho cậu bé. Con số này còn tiếp tục tăng lên đến hơn 10.000 người.

Trước đó, kỷ lục về số lượng người đăng ký tham gia hiến tạng cho một người bệnh hiểm nghèo là 2.200 người.

Chị Olivia, mẹ của Oscar, đã vô cùng kinh ngạc và xúc động khi chứng kiến hàng nghìn người xếp hàng dưới mưa để cứu con trai mình. “Chúng tôi đã từng tuyệt vọng.Và không tin nổi vào điều đang diễn ra”, chị Olivia kể lại.

Theo chị Olivia, hung tin về căn bệnh của Oscar đã khiến cả gia đình suy sụp, nhưng chính nụ cười lém lỉnh và sự dũng cảm của Oscar đã tiếp thêm sức mạnh để cả nhà cùng sát cánh bên cậu bé trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác.

“Từ sợ hãi và bối rối, cả gia đình đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Oscar đã cho chúng tôi thấy cách chiến đấu với bệnh tật và thằng bé đã can đảm như thế nào. Chưa một lần Oscar tỏ ra yếu đuối. Thằng bé không ngừng làm chúng tôi ngạc nhiên trong thời điểm khó khăn nhất”, Olivia nói.

Với các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Birmingham (Anh) và những người xung quanh, Oscar là một cậu bé vui vẻ, đáng yêu và tràn đầy năng lượng dù đang phải chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Cậu bé mang tới hy vọng cho những bệnh nhân đồng cảnh ngộ và lan tỏa nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người trong cộng đồng. (750)

19.  Thu hồi khẩn cấp bột mì chứa khuẩn E. coli khiến 17 người bị bệnh

Chuỗi siêu thị Aldi của Mỹ đã phải thu hồi khẩn cấp các túi 5 pound Bột mì đa năng của Baker's Corner vào tuần trước vì chứa khuẩn E. coli nguy hiểm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã ghi nhận 17 người ở 8 tiểu bang bị bệnh sau khi sử dụng sản phẩm trên, trong đó có 3 người nhập viện. Những người này cho biết họ đã ăn, nếm thử loại trên tại nhà. Cơ quan chức năng khẳng định việc ăn hoặc nếm thử bột có nguy cơ mắc bệnh. Các trường hợp này bắt đầu từ ngày 11 tháng 12 năm 2018 và mới nhất là ngày 18 tháng 4, CDC cho biết.

Hiện sản phẩm thu hồi trên được bán tại các địa điểm Aldi ở 11 tiểu bang, bao gồm Connecticut, Delkn, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, New York, Ohio, Pennsylvania, Rhode Island, Vermont và West Virginia.

CDC phối hợp với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cùng các quan chức quản lý ở một số bang đang tích cực điều tra vụ việc này. CDC cho biết không có trường hợp nào tử vong hoặc các trường hợp mắc hội chứng urê huyết tán huyết (một loại suy thận).

Trên thực tế, có nhiều chủng vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) và hầu hết chúng đều vô hại và sống trong ruột của người và động vật khỏe mạnh.

Tuy nhiên, một số loại E.coli có thể gây bệnh bằng cách sản sinh độc tố Shiga.,người thường bị bệnh từ 2 đến 8 ngày sau khi ăn các thực phẩm có chứa mầm bệnh.

Các triệu chứng của nhiễm trùng E.coli có thể bao gồm đau thắt dạ dày, tiêu chảy và nôn mửa. Một số gây nhiễm trùng nhẹ, nhưng cũng có những chủng có thể đe dọa đến tính mạng. (336)

20.  Loại thuốc mới giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư vú

Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy một loại thuốc mới trong điều trị bệnh ung thư vú dạng phổ biến nhất có thể giúp tăng cơ hội sống sót cho các bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã đưa ra công bố trên ngày 1/6 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ tổ chức tại thành phố Chicago, Mỹ. 

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, việc bổ sung loại thuốc được biết đến có khả năng ức chế cyclin đã làm tăng cơ hội sống của các bệnh nhân lên tới 70%. Người đứng đầu nghiên cứu, Sara Hurvitz cho biết nghiên cứu tập trung vào ung thư vú dương tính với protein tiếp nhận nội tiết tố - chiếm tới 2/3 số ca ung thư vú ở phụ nữ trẻ.

Trước đây, các bệnh nhân này thường được điều trị bằng phương pháp ngăn sự sản sinh nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, với việc bổ sung loại thuốc mới vào phương pháp điều trị này, các bệnh nhân có phản ứng tốt hơn, giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít độc hại hơn so với liệu pháp hóa trị truyền thống bởi nó nhắm vào các tế bào ung thư một cách có lựa chọn, và ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển.Các nhà nghiên cứu đã đưa ra thông báo trên sau khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này đối với hơn 670 trường hợp, trong đó có một phụ nữ dưới 59 tuổi bị ung thư vú giai đoạn 4. Các bệnh nhân thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và chưa từng điều trị bằng phương pháp ngăn chặn sự sản sinh nội tiết tố nữ. (315)

21.  Ứng dụng điện thoại giúp bệnh nhân kiểm soát 'cơn nghiện' thuốc giảm đau

Mới đây, các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện, ứng dụng điện thoại nổi tiếng Pain Coach có thể giúp phòng ngừa cơn nghiện thuốc giảm đau ở các bệnh nhân điều trị sau phẫu thuật.

Ngày 2/6, tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội nghiên cứu gây mê tại Vienna, Áo, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện ViaSana đã công bố bảng báo cáo khoa học về việc áp dụng ứng dụng điện thoại Pain Coach vào việc phòng ngừa cơn nghiện thuốc giảm đau ở các bệnh nhân điều trị sau phẫu thuật.

Nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 142 bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật đầu gối và chia thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên, bao gồm 71 người, sẽ được sử dụng ứng dụng Pain Coach song song với việc điều trị bằng thuốc giảm đau. Nhóm còn lại, cũng dùng thuốc giảm đau nhưng không sử dụng Pain Coach.

Các nhà khoa học đã dành ra 2 hai tuần liền quan sát, phân tích 2 nhóm bệnh nhân. Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân dùng Pain Coach có tốc độ hồi phục, giảm đau tự nhiên nhanh gấp 4 lần so với nhóm không dùng đến ứng dụng này.

Ngoài ra, những bệnh nhân sử dụng Pain Coach có tỉ lệ dùng thuốc opiate (thuốc giảm đau chứa thành phần thuốc phiện) ít hơn 44% so với bình thường.Ngay cả tỉ lệ sử dụng gabapentin (thuốc giảm đau thần kinh) cũng thấp hơn 76% so với nhóm bệnh nhân bình thường.

Theo tiến sĩ Amar Sheombar, thành viên nhóm nghiên cứu, ứng dụng Pain Coach cho phép bệnh nhân nhập các thông tin về mức độ đau đớn (không đau, đau có thể chịu được, đau thấu xương), số ngày phẫu thuật, loại thuốc giảm đau họ đang sử dụng vào dữ liệu trí tuệ nhân tạo AI.

Dựa trên các thông tin thu thập được, ứng dụng sẽ thiết lập, đưa ra chính xác liều lượng sử dụng thuốc giảm đau, những bài tập giảm đau, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho bệnh nhân. Nhờ những thông tin hữu ích này, người bệnh có thể giảm thiểu đến mức tối đa sự lệ thuộc vào thuốc giảm đau và nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật.

Tiến sĩ Amar cho biết: “Những nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện có tầm quan trọng to lớn trong việc tìm kiếm các biện pháp ngăn ngừa lạm dụng thuốc giảm đau ở những người điều trị sau phẫu thuật. Việc sử dụng thường xuyên ứng dụng Pain Coach giúp giảm thiểu cơn đau, tăng tốc độ phục hồi và giúp bệnh nhân chủ động cắt giảm liều lượng thuốc giảm đau.

3/4 bệnh nhân mà chúng tôi điều trị bằng Pain Coach đã thấy được giá trị y học của ứng dụng và muốn sử dụng nó thường xuyên. Những ứng dụng tân tiến như Pain Coach cho thấy tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào y học”. (533)

22.  Cô bé hạnh phúc dù cha mẹ không còn muốn đếm số lần gẫy xương

 Sinh ra đã phải gắn liền với căn bệnh xương thủy tinh, Zoe Lush mỏng manh vô cùng so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Xương của bé có thể bị gãy bất cứ lúc nào. Thậm chí việc hắt hơi cũng có thể khiến xương sườn của em bị gãy...

Nghị lực từ trong bụng mẹ 

Kể từ khi sinh ra vào tháng 10/2010, bé Zoe Lush sống tại bang California, Mỹ đã khác biệt với những đứa trẻ khác, xương của bé rất yếu. 

Khi biết bé mắc căn bệnh nguy hiểm mọi người đều cho rằng khi sinh ra bé khó có thể sống sót. Các bác sĩ đã khuyên chị Chelsea Lush hủy thai vì cho rằng bệnh của Zoe thuộc loại 2 ở mức độ khá nghiêm trọng, tuy nhiên chị vẫn nhất quyết sinh bé.

Thậm chí đến khi gần sinh, bác sĩ một lần nữa còn chuẩn đoán Zoe đang ở loại 3, tương đối nặng. Dù vậy, bằng sự yêu thương chăm sóc của gia đình và ý chí kiên cường, cô bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Và bất chấp những thách thức từ việc có thể gãy xương bất cứ lúc nào và phải chịu đau đớn, cô bé Zoe Lush vẫn luôn mỉm cười để sống thật hạnh phúc bên gia đình và bạn bè trong gần 9 năm qua. 

Chia sẻ về căn bệnh hiểm nghèo của con gái, chị Chelsea, 27 tuổi, nghẹn ngào kể chị mang thai Zoe năm 20 tuổi. Khi phát hiện con gái mang bệnh nguy hiểm, các bác sĩ đã khuyên chị nên hủy cái thai, nhưng chị đã từ chối: “Zoe rất mỏng manh, con bé có thể bị gió bẻ gãy theo đúng nghĩa đen. Lúc khoảng 6 tuần tuổi, vợ chồng tôi đi siêu âm 4D, các bác sĩ đã thấy nhiều vết gãy khắp cơ thể con bé từ xương sườn, cánh tay và chân.

Các bác sĩ từng nói với tôi rằng bệnh của con bé rất nặng và có lẽ sẽ không thể sống sót khi ra đời. Tuy nhiên vợ chồng tôi vẫn mạo hiểm quyết định sinh con bé và giờ đây Zoe đã gần 9 tuổi rồi”.

Khi vừa sinh ra, Zoe phải nằm lại bệnh viện 1 tuần để điều trị củng cố xương và giảm thiểu việc gãy xương.Trong những tháng đầu đời, Zoe bị gãy xương khoảng một lần một tuần.Những ngày đầu, việc chăm sóc Zoe thực sự là cơn ác mộng của bố mẹ, bởi mọi hoạt động đều phải thực hiện nhẹ nhàng nhất có thể.

Đơn giản như việc thay tã cho Zoe cũng phải 3 người mới có thể làm được. Trong đó, một người nâng mông, một người lấy tã và vệ sinh, người còn lại giữ tay Zoe để cô bé không bị giật mình. 

Cha của Zoe, anh Curtis Lush, chia sẻ anh đã quá quen với việc phải băng bó cho con, thậm chí, hai vợ chồng anh còn học cách tự nắn xương cho con gái: “Zoe đã gãy rất nhiều xương rồi, đến nỗi chúng tôi đã ngừng việc đếm xem con gãy xương bao lần kể từ lần gãy thứ 100 vào khoảng ngày sinh nhật đầu tiên của con. Chúng tôi cảm thấy việc đó thật vô nghĩa vì chúng tôi biết tình trạng này sẽ theo bé cả đời”.

Bệnh xương thủy tinh là gì? 

Theo điều tra tại Anh, xương thủy tinh hay còn gọi là bệnh tạo xương bất toàn, bệnh giòn xương (tên khoa học là Osteogenesis Imperfecta), viết tắt là OI. Xương thuỷ tinh là một loại bệnh hiếm gặp và có tính chất di truyền, không phụ thuộc vào chủng tộc hay giới tính.. Bệnh do các sợi collagen của xương bị tổn thương và trở nên giòn yếu, loãng xương, dễ gãy dù là gặp phải những va chạm rất nhẹ, ho, hắt hơi…kể cả khi không gặp bất cứ va chạm gì. 

Ngày nay, với tiến bộ của y học hiện đại, siêu âm có thể chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm ngay từ trong bào thai, nhất là những thể nặng có gãy xương nhiều và sớm. Bệnh gặp với tỷ lệ khác nhau ở mỗi nước nhưng ước tính chung là 1/15.000 ở Anh, trong khi đó tại Mỹ tỷ lệ mắc bệnh là 1/50000 người. 

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh xương thủy tinh, gen trị liệu là hướng điều trị triệt để và hy vọng trong tương lai. Hiện nay các biện pháp điều trị nhằm vào các mục đích chính là cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh: hạn chế tối đa gãy xương và biến chứng của nó, giúp người bệnh tự lập trong sinh hoạt và cuộc sống.

Phần lớn các gãy xương trong bệnh này thường được điều trị bằng phương pháp chỉnh hình như bất động, nẹp bột, bó bột.Có một điều đặc biệt là các chỗ gãy xương thường nhanh liền hơn các trường hợp bình thường. 

Vẫn luôn vui tươi và yêu đời

Để cải thiện tình trạng sức khỏe, Zoe đã được điều trị bằng liệu pháp vật lý. Gần đây, cơ bắp của bé đã phát triển khỏa mạnh hơn nên có thể bắt đầu phần nào bảo vệ xương của bé. Điều này có nghĩa là số lần gãy xương sẽ giảm đi so với trước đây.Bên cạnh đó, bé đã được các bác sĩ chèn thanh kim loại vào chân và tay từ tháng 7/2016, đồng thời các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật cổ để cố định cột sống của bé. Hiện hàng ngày bé đang phải đeo nẹp cổ và ngồi trên xe lăn để tiến hành đủ loại phương pháp điều trị. 

Mặc dù phải chịu nhiều thiệt thòi và thậm chí là đau đớn về thể xác, Zoe vẫn luôn là một đứa trẻ thông minh, vui vẻ, thích làm bánh, vẽ tranh. Một trong những sở thích của cô bé là dành thời gian chơi với anh trai 3 tuổi, Felix. 

Zoe kết bạn với tất cả mọi người và cũng không cảm thấy mình khác biệt so với các bạn cùng trang lứa, vì thế cũng như các bạn. Zoe cũng có thể làm mọi thứ với đôi bàn tay và trái tim đầy tình yêu của mình, trừ việc không thể đi lại bình thường mà phải ngồi trên chiếc xe lăn. 

Chị Chelsea chia sẻ: “Zoe không cảm thấy mình khác biệt với các bạn. Bé kết bạn với tất cả mọi người mà bé gặp. Bé có thể làm tất cả mọi thức mà những đứa trẻ khác làm được, mặc dù không chạy trên đôi chân của chính mình, nhưng bé có thể về đích nhanh nhất trên chiếc xe lăn của mình. Tôi sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì về Zoe và tôi cũng không bao giờ hối hận vì bất cứ điều gì. Trong tương lai tôi hy vọng bé sẽ có những cơ hội giống như mọi người khác và sau cùng, tôi chỉ mong bé luôn được hạnh phúc”.

Giờ đây, cha mẹ của Zoe vẫn hàng ngày nỗ lực để cô bé có được cuộc sống hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất, đồng thời hy vọng trong tương lai bệnh tình của cô bé sẽ tiến triển. Hai người cũng đã phát động một chiến dịch gây quỹ trên trang web Go Fund Me để có tài chính điều trị cho Zoe.  (1294)

23.  Phát hiện thêm một công dụng y khoa của cà phê

 Nghiên cứu mới từ Đại học Padjadjaran (Indonesia) đã áp dụng thành công bột cà phê để điều trị vết loét do tiểu đường cho nam bệnh nhân đã có chỉ định cắt cụt chi.

Trong bài công bố mới trên tạp chí khoa học của Mỹ - American Journal of Medical Case Reports – nhóm tác giả đến từ Đại học Padjadjaran (Tây Java, Indonesia) đã trình bày một kiểu điều trị vết loét tiểu đường rất khác thường.

Theo các tác giả, bệnh nhân nam giấu tên, 63 tuổi đã có chỉ định cắt cụt chi vì 3 vết loét do bệnh tiểu đường ở phía trên bàn chân phải của ông rất nặng, bị nhiễm trùng và đã thất bại trong điều trị. Nếu không đoạn chi, nhiễm trùng có thể diễn tiến nặng, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.Tuy nhiên, nam bệnh nhân từ chối cắt bỏ phần chân này.

Vì vậy, bác sĩ Hendro Yuwono – tác giả chính của báo cáo nói trên – và các cộng sự đã quyết định điều trị cho ông bằng bột cà phê arabica.Bột cà phê được áp dụng như một loại thuốc trị nhiễm trùng, xát trực tiếp vào vết thương và băng lại. Bệnh nhân được thay băng 1 tuần/lần kết hợp với theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Sau 3 tháng, vết nhiễm trùng đã đường đẩy lùi hoàn toàn một cách bất ngờ.

"Cà phê có khả năng như một chất chống oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn mạnh.Nhiều hóa chất trng cà phê có thể giữ cho các tế bào của vết thương khỏe mạnh, giúp chúng mau lành hơn" – bác sĩ Yuwono tuyên bố trong báo cáo. Ông cho biết thêm bột này có thể kháng lại một số nhiễm trùng thông thường như MRSA và E.coli, bằng cách sản xuất hydro peroxide khi nó phản ứng với chất lỏng trong vết thương, giúp giảm khả năng sinh sản của vi khuẩn.

Nhóm tác giả cho biết họ đã thử nghiệm liệu pháp này trên hơn 200 bệnh nhân từ năm 2004 đến nay và chưa có ca nào bị biến chứng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý phương pháp vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và mọi quy trình đều được quản lý chặt chẽ trong môi trường vô trùng của bệnh viện. Công trình đưa ra triển vọng về một phương pháp điều trị giá rẻ, an toàn để điều trị nhiễm trùng, vấn đề đang rất được quan tâm trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh gia tăng. Tất nhiên để có thể xây dựng một phác đồ hoàn chỉnh, cần thêm nhiều bước nghiên cứu và thử nghiệm.

Thời gian qua, một số phương pháp kỳ quặc và ứng dụng vật liệu tự nhiên cũng dần được nghiên cứu và triển khai.Gần đây nhất là sự chấp thuận của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đối với liệu pháp trị vết thương bằng… giòi. (512)

  1.  Phát triển hợp chất tiêu diệt vi khuẩn gram âm E.coli

Theo ACS Publications, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield, Anh, đã chứng minh được rằng một hợp chất của Rutheni (Ru) có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gram âm E.coli.

Vi khuẩn gram âm đặc biệt ở chỗ ngoài lớp peptidoglycan của thành tế bào, còn có một lớp lipopolysacarit trên bề mặt. Các chủng vi khuẩn gram âm có thể gây bệnh, bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu và hệ tuần hoàn.

Tuy nhiên, do thành tế bào mạnh hơn và không thấm nước, vi khuẩn gram âm có khả năng kháng thể cao hơn so với các vi khuẩn gram dương thiếu lipopolysacarit. Trong hơn 50 năm qua, y học đã không thể phát triển một loại thuốc mới nào chống lại vi khuẩn gram âm và kể từ năm 2010, không một loại thuốc tiềm năng nào được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Các phức hợp Rutheni từng được nghiên cứu có thể có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các khối u, giờ đây các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm tác động của các phức hợp đó lên vi khuẩn gram âm.

Jim A.Thomas, giáo sư tại Khoa hóa tại Đại học Sheffield giải thích rằng vì các hợp chất phát quang nên phát xạ khi tiếp xúc với ánh sáng. Điều này có nghĩa là sự hấp thụ và tác động của thuốc có thể được theo dõi bằng kính hiển vi.

Các phân tích đã chỉ ra rằng phức hợp Rutheni phá hủy cấu trúc của màng vi khuẩn gram âm E.coli. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy đối với các tế bào nhân chuẩn (eukaryotic cells), hợp chất này không nguy hiểm ngay cả khi nồng độ tăng cao. (309)

25.  WHO: Rắn độc lấy đi 200 mạng người mỗi ngày

Mỗi ngày trên khắp thế giới, khoảng 200 người bị rắn độc cắn chết. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phát động một chiến dịch phòng và chữa trị rắn cắn nhằm ngăn chặn những cái chết không đáng phải có.

Gần 140.000 người chết vì rắn mỗi năm 

Theo CNN, khi anh Pinyo Pookpinyo, một lính cứu hỏa ở Thái Lan bị rắn hổ mang chúa cắn vào đầu ngón tay cái, anh đến ngay bệnh viện ở Bangkok trong vòng 15 phút. Ở đó, anh ta được tiêm một loại huyết thanh ngăn chặn nọc độc, vốn có thể tấn công hệ thống thần kinh và gây tử vong.  “Lúc đầu bác sĩ không tin tôi bị rắn hổ mang chúa cắn.Tôi phải giải thích rằng tôi là một chuyên gia về rắn, giảng dạy cách phân loại cho đội cứu hộ mới khiến bác sĩ tin.Độc rắn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi khoảng 2 tháng. Tôi phải quay lại bệnh viện thêm 2 lần nữa để loại bỏ hoàn toàn các mô chết từ ngón tay cái. Dù sao tôi cũng cảm thấy mình rất may mắn khi bị rắn hổ mang cắn mà không chết”.

Tuy nhiên, hầu hết những người bị rắn cắn không sống gần bệnh viện, họ cũng không có kiến thức chuyên môn về rắn như anh Pinyo Pookpinyo.Đối với họ, chỉ cần bước chân không đúng chỗ, đúng lúc có thể gây tử vong ngay lập tức. 

Theo WHO, mỗi năm có từ 81.000 đến 138.000 người trên thế giới thiệt mạng vì bị rắn độc cắn, đưa số người chết vì nguyên nhân này vượt qua con số tử vong toàn cầu từ những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dại hay sốt xuất huyết. Đây được xem là một trong những nguyên nhân mang đến chết chóc lớn nhất đối với loài người nhưng chưa được nhắc tới nhiều, cũng như chưa được đánh giá một cách đầy đủ.

WHO cũng cho biết, ngoài việc giết chết khoảng 200 người mỗi ngày trên khắp thế giới, những vết cắn từ rắn độc, mỗi năm còn để lại những thương tổn nặng nề cho khoảng 400.000 người từ bại liệt, cắt bỏ chi đến sang chấn tâm lý lâu dài.

Theo thống kê, châu Á và châu Phi là hai khu vực có số người tử vong vì bị rắn độc cắn nhiều nhất với con số lần lượt là 57.000-100.000 người và 20.000-32.000 người, tiếp theo là Mỹ Latinh -Caribe (3.400-5.000 người), châu Đại Dương (200-500 người) và cuối cùng là châu Âu (30-130 người). Lý giải cho số tử vong cao tại châu Á và châu Phi, WHO cho rằng ngoài khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho nhiều loài rắn độc sinh trưởng. 

Trong khi đó, theo Quỹ Wellcome Trust của Anh, rắn cắn gây ra nhiều cái chết và tàn tật hơn bất kỳ bệnh nhiệt đới bị bỏ quên nào khác. “Khi bị rắn cắn, nhất thiết phải được sơ cứu kịp thời và đúng cách, chỉ có vậy mới có cơ hội sống sót cao.Hiện nay số lượng nạn nhân bị rắn độc cắn có dấu hiệu gia tăng, cần phải làm gì đó để không ai phải chết oan uổng”, Giáo sư Mike Turner, Giám đốc của Quỹ Wellcome Trust chia sẻ. Phương pháp cũ không còn hiệu quả và thiếu hụt 

Hiện tại mới chỉ có phương pháp chữa trị kể từ thế kỷ 19: Chiết nọc độc từ một con rắn, sau đó đem một lượng độc vừa phải đưa vào ngựa hoặc một số động vật khác nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch. Máu của động vật sau đó được rút ra và tinh chế thành kháng thể chống lại nọc độc. 

Theo ông Phil Price, chuyên gia về rắn tại Wellcome Trust cho hay, “Phương pháp này chưa chắc đã an toàn và không có rủi ro. Tỷ lệ phản ứng bất lợi tương đối cao, nhẹ như phát ban và ngứa, hoặc nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ. Hơn nữa, phương pháo này không được các công ty dược phẩm ưa chuộng vì không mang lại nhiều lợi nhuận.Điển hình vào năm 2010, công ty Sanofi Pasteur đã ngừng sản xuất thuốc chống nọc độc FAV-Afrique, có hiệu quả đối với một số loài rắn châu Phi”. Do vậy, các nhà khoa học cho hay, cần phải có thêm phương pháp chữa trị mới nhằm tạo ra chất chống nọc độc an toàn hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Quỹ Wellcome Trust thông tin, thế giới có ít hơn một nửa lượng nọc độc cần thiết để điều chế huyết thanh.Số chất chống nọc độc có sẵn ở một số nơi thường không hiệu quả vì không phù hợp với các loài địa phương.Thuốc chống nọc độc hiện tại chỉ được phát triển cho khoảng 60% số rắn độc trên thế giới. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu huyết thanh nọc rắn trên toàn cầu, đặc biệt là  ở các vùng nông thôn thuộc châu Phi hạ Sahara và châu Á, nơi các cơ sở chăm sóc sức khỏe phù hợp rất ít.

Ngay cả khi có sẵn, loại thuốc này cũng rất tốn kém, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng khó khăn.Trung bình, một lọ thuốc chống nọc độc có giá 160 USD, và một phác đồ điều trị đến khi hết nọc độc cần nhiều lọ thuốc. Một nghiên cứu từ năm 2013 ở Ấn Độ cho thấy, hơn 40% nạn nhân phải vay tiền hoặc bán đồ đạc để trả tiền điều trị.  Trước thực trạng này, WHO mới đây đã đưa ra một chiến lược nhằm đối phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến rắn.Nhiều người nói rằng, đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn lớn nhất thế giới. Chiến lược nhằm mục đích giảm một nửa trường hợp tử vong và tàn tật từ rắn cắn vào năm 2030 bằng cách đầu tư 136 triệu USD vào việc giáo dục cộng đồng, thực hiện các phương pháp điều trị hiệu quả hơn và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe. 

Để khắc phục thực trạng này, Quỹ Wellcome Trust cũng cam kết đầu tư 101,3 triệu USD trong 7 năm tới, nhằm tìm ra phương thức chữa trị rắn cắn hiện đại và hiệu quả hơn. Theo đó, các nhà khoa học thuộc Quỹ Wellcome Trust đang có kế hoạch phát triển một loại thuốc chống nọc độc phổ quát. Loại thuốc này được xem xét giải pháp thay thế an toàn hơn.

Ngoài việc tìm ra loại thuốc chống nọc độc tốt hơn, WHO cũng có kế hoạch tập trung vào việc tăng cường các hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và giáo dục, đảm bảo mọi người có thể nhận ra những con rắn độc trong cộng đồng của họ và thực hiện những thay đổi đơn giản trong hành vi, chẳng hạn như quan sát kỹ trước khi mang giày.

Thăm dò ý kiến