Điểm tin y tế tháng 11.2019

14/11/2019 | 15:46 PM

 | 

Rửa tay sạch: "Vắcxin" phòng nhiều bệnh hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết rửa tay với xà phòng tưởng như rất đơn giản nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người đặc biệt là trẻ em, người dân sống tại vùng nông thôn chưa thực hiện được. Rửa tay với xà phòng có thể ngăn chặn sự lan truyền của nhiều mầm bệnh nguy hiểm.

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng với chủ đề Rửa tay với xà phòng- Cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của 2.500 học sinh, sinh viên trên địa bàn.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rửa tay với xà phòng giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ loại văcxin nào. Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, dễ thực hiện, ít tốn kém. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bàn tay không sạch có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh.

Báo cáo năm 2017 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng cho thấy trên thế giới vẫn còn khoảng 3 tỷ người không được tiếp cận với công trình rửa tay, hoặc có nhưng lại thiếu xà phòng và nước sạch. Khoảng 66% dân số nông thôn không có công trình rửa tay cơ bản nhất. Tỷ lệ rửa tay trong nhóm người giàu nhất cao gấp đôi so với nhóm người nghèo nhất.

Ngoài ra 43% cơ sở y tế thiếu các công trình rửa tay với xà phòng, 35% cơ sở y tế có điểm rửa tay nhưng không có sẵn nước và xà phòng. Khoảng 15% dân số thế giới là người khuyết tật, 12% dân số là người già, tuy nhiên nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn trong việc sử dụng các công trình rửa tay do thiết kế, bố trí chưa hợp lý.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu. Gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất này là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân gồm rửa tay với xà phòng.

Nhiều bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao có thể phòng bằng cách rửa tay với xà phòng. Rửa tay với xà phòng trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền của mầm bệnh. Nó giúp giảm gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 20% các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi, 40% các trường hợp nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Song theo thứ trưởng Sơn rửa tay với xà phòng tưởng như rất đơn giản nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa thực hiện được điều này.

Thực tế rất ít người rửa tay đúng cách. Nhiều người rửa tay thường xuyên nhưng không có tác dụng diệt khuẩn vì chỉ rửa với nước. Có người rửa tay với xà phòng nhưng lại bỏ qua những vùng kín đáo trên bàn tay như các kẽ ngón tay, đầu ngón tay, ngón tay cái.

Vì thế, Thứ trưởng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cần đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, cơ sở y tế, trường học, những nơi công cộng có các điểm rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hay chất tẩy rửa phù hợp. (750)

2.  Liên tiếp phát hiện 2 ca nhiễm khuẩn Whitmore tại Bình Định

Bình Định tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore là một bệnh nhi 5 tuổi và một nữ bệnh nhân 29 tuổi.

Ngày 13-10, BS Vũ Bá Toản, phó giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) cho biết hiện đang điều trị một ca bệnh nhi nhiễm khuẩn Whitmore.

Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã có báo cáo gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về trường hợp này.

Theo đó, ngày 3-10, bệnh viện tiếp nhận bé gái P.B.T.N (5 tuổi, ngụ Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định).

Thời điểm nhập viện, bé bị sưng dưới góc hàm trái. Bệnh nhi sốt đã lâu, gần đây nổi hạch góc hàm trái và vào viện điều trị.

Kết quả chẩn đoán là viêm tuyến nước bọt mang tai trái do nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore).

Cùng ngày, BS Hồ Việt Mỹ - giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết hiện bệnh viện cũng đang tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân khác nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Theo hồ sơ, nữ bệnh nhân N.T.N. (29 tuổi, ngụ Sông Cầu, Phú Yên) có tiền sử đái tháo đường tuýp 1, được phát hiện và điều trị cách đây 1 năm.

Bệnh khởi phát cách ngày nhập viện 15 ngày với các triệu chứng sưng đau, nóng, đỏ vùng cổ trái, kèm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi về chiều.

Ngày nhập viện bệnh nhân sốt cao, đau nhiều vùng cổ trái.

Theo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, để điều trị cho bệnh nhi P.B.T.N, các bác sĩ đã rửa vết thương và cho tiêm, uống kháng sinh.

Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi N. đã hết sốt, sức khỏe tốt nhưng bệnh viện vẫn đang tiếp tục theo dõi. ThS. BS Nguyễn Hữu Lành, trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bệnh nhân N.T.N. hiện đã hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định (363)

3.  Lý do khiến bệnh dại ở Cà Mau gia tăng

Ngành y tế tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh dại trên chó, mèo của hộ gia đình. Nuôi chó phải xích lại, khi cho chúng ra đường phải mang rọ mõm…

Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng số người đến tiêm ngừa phòng bệnh dại là 4.297 trường hợp, trong đó có 142 trường hợp phải sử dụng huyết thanh kháng dại.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều trường hợp tử vong thương tâm do không tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn gây thương tích. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh đã ghi nhận 12 ổ dịch nghi dại trên chó tại 4 huyện và TP Cà Mau. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong do nhiễm bệnh dại.

Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, vắc-xin phòng ngừa bệnh dại được chia làm 5 liệu trình, mỗi liệu trình có chi phí khoảng 220.000 đồng. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có vết thương nặng ở vùng đầu, mặt, cổ… thì ngoài tiêm vắc-xin còn phải tiêm thêm huyết thanh với giá 460.000 đồng/lọ.Theo đó, người lớn cần tiêm trung bình khoảng 2 lọ huyết thanh kháng dại (tùy vào trọng lượng cơ thể).

Như vậy, người dân sẽ tốn hơn 1 triệu đồng tiêm vắc-xin để phòng bệnh dại đối với trường hợp vết thương nhẹ và khoảng 2 triệu đồng khi vết thương nặng.

Theo lời nhiều người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, thì ngoài nguyên nhân chủ quan dẫn đến không tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn thì họ còn ngại chi phí.

Anh N.H. (27 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho hay cách đây khoảng 6 tháng, anh bị chó cắn ở chân nhưng không đi tiêm ngừa, dù biết nguy hiểm."Thừa biết không tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại khi bị chó cắn thì nguy cơ nhiễm bệnh dại rất cao, tuy nhiên, do chi phí tiêm ngừa hơi cao khiến tôi bỏ qua", anh H. tâm sự.

Bác sĩ Lê Ngọc Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, cho biết người mắc bệnh dại thì nguy cơ tử vong rất cao, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc- xin phòng ngừa.

"Người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch và sử dụng xà phòng rửa vết thương liên tục khoảng 15 phút rồi dùng cồn 70% sát khuẩn. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa bệnh dai. Tuyệt đối, không tự chữa hoặc điều trị bằng thuốc Nam để đảm bảo an toàn", ông Định nói.

Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh dại trên chó, mèo của hộ gia đình. Nuôi chó phải xích lại, khi cho chúng ra đường phải mang rọ mõm… (555)

4.  Quảng Bình: Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trên diện rộng

Trên địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vừa tái bùng phát 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Theo thống kê, có 38 con lợn nhiễm bệnh đã được đem tiêu hủy, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa có đàn lợn 30 con của hộ gia đình ông Đinh Văn Di xuất hiện triệu chứng bỏ ăn, mặc dù đã tiêm thuốc điều trị nhưng không khỏi, sau đó lây lan ra trong đàn. Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Tại xã Trọng Hóa, kết quả xét nghiệm lấy từ đàn lợn 8 con bị ốm, chết của hộ gia đình ông Hồ Xây ở bản K-Oóc cũng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình hình đó, huyện Minh Hóa đã công bố dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn, đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trên.

Ngoài ra, chính quyền huyện Minh Hóa còn phối hợp các cơ quan chức năng tập trung phun thuốc sát trùng tại khu vực có dịch và các khu vực có nguy cơ nhiễm dịch; cắm chốt để tiêu độc khử trùng tai các tuyến giao thông, quyết không để dịch lây lan. (261)

5.  Đình chỉ lưu hành thuốc Methylprednisolon kém chất lượng

Mẫu kiểm nghiệm thuốc viên nén Methylprednisolone 16 mg cho thấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hoà tan, buộc phải thu hồi trên toàn quốc.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn thu hồi toàn quốc viên nén Methylprednisolon 16mg không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan và được xác định là vi phạm mức độ 3.

Theo đó, Cục Quản lý Dược thu hồi toàn quốc Viên nén Methylprednisolone 16 mg, số đăng ký: VD-19224-13; Số lô: 804060; Ngày sản xuất: 20/04/2018; Hạn dùng: 20/04/2021 do Công ty TNHH dược phẩm USA-NIC sản xuất.

Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty TNHH dược phẩm USA-NIC phối họp với nhà phân phối thuốc, gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng Viên nén Methylprednisolone 16 mg, SĐK: VD-19224-13, số lô: 804060 NSX: 20/04/2018, HD: 20/04/2021 trong thời hạn 48 giờ kể từ ngày ký Công văn.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan

Thuốc Methylprednisolon 16mg thuộc nhóm thuốc hóc môn, nội tiết tố.Thuốc chỉ định dùng khi bất thường chức năng vỏ thượng thận.Viêm da dị ứng, viêm đường hô hấp dị ứng, viêm khớp, thấp khớp, bệnh về máu.Viêm khớp dạng thấp. Lupus ban đỏ, hen phế quản, viêm loét đại tràng, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt. Bệnh dị ứng nặng bao gồm phản vệ; trong điều trị ung thư: leukemia cấp tính, u lympho, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt; hội chứng thận hư nguyên phát. (350)

6.  Bộ Y tế nói gì về trường hợp chồng trộm phôi lưu trữ cho 'bồ' mang thai?

Bộ Y tế đã mời đại diên BV Bưu điện lên làm việc vào đầu tuần tới. Căn cứ vào các thông tin cụ thể, Bộ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, bà Nguyễn Thị N. (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đã gửi đơn cơ quan chức năng đề nghị làm rõ bị mất phôi khi đang lưu trữ tại BV Bưu điện (Hà Nội).

Bà N. cho biết, do tuổi cao nhưng vẫn muốn có con nên vợ chồng đã đến BV Bưu Điện (Hà Nội) để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31/12/2017 và thành công.Đến tháng 9/2018, bà sinh con.Phôi còn lại, 2 vợ chồng gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.

Tháng 4/2019, bà N. nhận được điện thoại của bác sĩ BV Bưu Điện hỏi về sức khỏe sau khi mang thai. Lúc này, bà giật mình, bởi mình đã sinh được 7 tháng. Sau đó, bà N. mới biết phôi thai của mình đang được lưu trữ ở BV đa được chuyển vào ngày 2/4/2019 và đã đậu thai. Chồng bà thừa nhận đã lấy trộm phôi của vợ chồng để cho “người tình” mang thai.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhã, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản (BV Bưu điện) cho biết, theo quy định của BV, để được chuyển phôi, cả vợ và chồng đều phải trình chứng minh nhân dân gốc, hộ khẩu và đăng ký kết hôn gốc trước khi chuyển phôi để so sánh với hồ sơ lưu tại BV.

Trong trường hợp của bà N., người chồng đã giấu chứng minh nhân dân của vợ khiến người vợ tưởng bị mất.Khi đến BV, chồng bà N. trình đủ các giấy tờ, có thẻ gửi phôi trữ đông và trả lời chính xác các câu hỏi trong ngân hàng. Tuy nhiên, do BV chưa sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt và vân tay, mà sàng lọc bằng các giấy tờ và ngân hàng câu hỏi, trong khi người chồng chủ động để qua mặt BV nên đã lọt qua cửa sàng lọc.

Theo bà Nhã, BV đang triển khai xây dựng hệ thống nhận diện bằng vân tay và khuôn mặt, lưu trữ từ thời điểm thực hiện kỹ thuật, so sánh và sàng lọc thời điểm chuyển phôi nhằm tránh các trường hợp tương tự.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết,  Bộ đã mời Đại diện BV Bưu Điện lên để làm rõ thông tin vào tuần tới.

Theo ông Quang, Bộ sẽ xem xét sự việc cụ thể, xem phôi đó của ai, ai quản lý, ai cho quyền BV phát phôi ra, phát phôi đi đâu?Từ đó, mới rõ trách nhiệm của BV, hướng xử lý vụ việc.

Ông Quang cũng cho biết, theo Khoản 2, Điều 33, Nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người chồng và người được chuyển phôi sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở y tế cũng sẽ bị xử phạt tùy mức độ. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, khi đối chiếu hai chứng minh nhân dân gốc và vợ chồng phải có mặt tại BV cũng như phải có chữ ký tươi thì việc chuyển phôi mới được thực hiện.Hơn nữa, trong quá trình thực hiện chuyển phôi, phải qua rất nhiều công đoạn, chứ không chỉ một người kiểm tra. Do đó, việc nhìn “không chuẩn’ như BV Bưu Điện trình bày là khó xảy ra. (639)

7.  Cảnh giác thiếu máu não thoáng qua gây đột quỵ

Bệnh nhân thiếu máu não và đột quỵ nhẹ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ, đặc biệt trong vài ngày đầu sau biến cố.

Đó là thông tin được GS Geoffrey Donnan, GS thần kinh học tại ĐH Melbourne, Chủ tịch của hội nghị Thần kinh Thế giới, Cựu chủ tịch của Hội Đột quỵ thế giới đưa ra tại hội thảo vệ tinh chuyên đề “Dự phòng sớm và tích cực thứ phát đột quỵ: Vai trò thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông” do Sanofi phối hợp với Hội Đột quỵ TP.HCM tổ chức. Đây là phiên hội thảo nằm trong khuôn khổ hội nghị đột quỵ TP.HCM 2019 diễn ra trong hai ngày 12 và 13-10.

Theo GS Geoffrey Donnan, số liệu dịch tễ học toàn cầu của đột quỵ năm 2013, trên thế giới có khoảng 10.300.000 trường hợp đột quỵ mới, trong đó 67% do đột quỵ do thiếu máu não. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong chính, cao hơn tử vong tim mạch tại Việt Nam. Bệnh nhân thiếu máu não và đột quỵ nhẹ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ đặc biệt trong vài ngày đầu sau biến cố.

Thống kê có từ 15% đến 30% bệnh nhân đột quỵ có tiền sử thiếu máu não thoáng qua. Do vậy, theo GS Geoffrey A Donnan, khởi đầu điều trị sớm rất quan trọng để phòng ngừa đột quỵ tái phát. Chứng cứ cho thấy liệu pháp kháng tiểu cầu kép gồm Clopidogrel và ASA có thể có hiệu quả trong việc dự phòng thứ phát đột quỵ ở bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ. 

TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP, thông tin thêm tại hội thảo, hiện tại, điều kiện nhân lực vật lực điều trị đột quỵ ở Việt Nam chưa đồng bộ, nhận thức dấu hiệu đột quỵ sớm ở người dân còn thấp nên việc điều trị đột quỵ cấp còn hạn chế. Theo ghi nhận ở Trung tâm đột quỵ ở BV Nhân dân 115, số người dân đến điều trị trong giờ vàng chỉ khoảng 20% , trong khi đó ở các nước tiên tiến, tỉ lệ này là 60%-70%. Do đó, phòng ngừa đột quỵ cấp rất quan trọng và bền vững, đặc biệt là những đối tượng cao huyết áp, tiểu đường, cao tuổi, hút thuốc lá.

“Hầu hết bệnh nhân trước khi bị đột quỵ đều không có thói quen uống thuốc và kiểm soát phòng ngừa bệnh tốt, khi xảy ra đột quỵ thì mới cuống cuồng lên, đây là nghịch lý.Nếu làm tốt được việc phòng ngừa, gánh nặng do bệnh đột quỵ cho gia đình, xã hội và ngành y tế sẽ giảm đáng kể”, TS Thắng nhìn nhận. (484)

8.  Bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa

Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30. Đó là con số thống kê vừa được nêu ra tại một chương trình vừa tổ chức ở Huế.

Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424,9 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ở độ tuổi từ 20-27), có nghĩa là cứ 11 người, có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu, tăng 48%. Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30.

Đó là một trong những số liệu thống kế được nêu ra tại “Chương trình đào tạo nâng cao trong điều trị ĐTĐ (iSTEP-D plus) do bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam tổ chức 2 ngày qua (11-12/10) với hơn 60 BS Nội tiết, BS đa khoa đến từ Lâm ĐồngKon TumGia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…

Số liệu tại chương trình này cũng cho hay, ở Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2012 của bệnh viện Nội tiết Trung ương thì tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc đái tháo đường ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh đái tháo đường cũng rất lớn.

Chương trình được tổ chức lần này, thời gian lý thuyết tương đương với thực hành. Một số bài lý thuyết hấp dẫn được các chuyên gia đầu ngành truyền đạt: Các lưu đồ điều trị ĐTĐ típ 2: ADA và IDC; Hành trình phát triển của insulin: quá khứ- hiện tại- tương lai; Sử dụng insulin ở BN ĐTĐ típ 2; quản lý ĐTĐ thai kỳ; Quản lý tăng đường huyết nội viện và Theo dõi glucose máu liên tục (CGM).

Các bác sĩ còn được tham gia thảo luận, khám bệnh thực tế trên bệnh nhân về các chủ đề: BN ĐTĐ có biến chứng, cách chuyển insulin từ truyền tình mạch sang tiêm dưới da; ĐTĐ người cao tuổi; điều trị BN ĐTĐ ngoại trú và điều trị insulin tăng cường. Khóa đào tạo được đánh giá cao về công tác tổ chức, chất lượng các bài giảng lý thuyết và đặc biệt là hình thức thảo luận nhóm và chia sẻ các ca lâm sàng trong thực hành hàng ngày sẽ giúp các bác sĩ nắm bắt tốt hơn các kiến thức đã được truyền đạt.

Trong thời gian tới bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục phối hợp với Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam, công ty Sanophi tổ chức các chương trình đào tạo về đái tháo đường cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Bệnh viện Trung ương Huế là nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và nhiều vùng miền khác, đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ y tế cho mạng lưới y tế khu vực và cả nước. Bên cạnh phát triển chuyên môn, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mang tầm khu vực và quốc tế; bệnh viện Trung ương Huế còn rất chú trọng đến công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến. (690)

9.  40% người bệnh nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không dùng vì sợ… kỳ thị

Một con số thống kê từ Bệnh viện Đống Đa cho thấy: khoảng 80% bệnh nhân HIV có bảo hiểm y tế (BHYT), trong số này chỉ có 40% thường xuyên sử dụng thẻ BHYT mỗi lần đi khám chữa bệnh.

Đây là thực trạng đáng suy nghĩ bởi từ năm 2020 tới đây, các nguồn thuốc kháng virus ARV điều trị HIV sẽ không còn, khi đó toàn bộ chi phí điều trị ARV sẽ được hỗ trợ qua BHYT.

Và như vậy, với kinh phí điều trị ARV trung bình vào khoảng 6-13 triệu đồng/ người/ năm, nếu không có BHYT, người bệnh sẽ khó theo nổi.

Lây truyền HIV qua tình dục đồng giới nam tăng báo động

Có mặt tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - cơ sở tuyến đầu về điều trị HIV của thành phố Hà Nội, chúng tôi ghi nhận khu vực phòng khám, quầy tiếp đón làm thủ tục BHYT cho bệnh nhân HIV đã được sắp xếp lại thành một khu riêng biệt.

Trong khi đó, tại khu vực điều trị nội trú cũng chỉ có một số ít người bệnh HIV đang điều trị, chủ yếu là người bệnh mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng.

Trao đổi với chúng tôi, BS.CKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa cho biết, với vai trò được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến đầu về quản lý điều trị bệnh nhân HIV của toàn thành phố, hiện Bệnh viện Đống Đa đang quản lý điều trị khoảng 1.300 bệnh nhân HIV, bao gồm cả những bệnh nhân là người ngoại tỉnh nhưng đang sống ở Hà Nội.

Qua theo dõi trong 9 tháng đầu năm nay, bệnh nhân HIV được phát hiện mới vào khám, điều trị đa số là người trẻ, bị lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục, tiếp đó mới đến tiêm chích ma túy. Đặc biệt, thời gian gần đây, xu hướng lây truyền HIV qua con đường quan hệ tình dục đồng giới nam gia tăng báo động.

“Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ. Qua tiếp xúc cho thấy, các bạn trẻ này tiếp cận những thông tin về tình dục đồng giới trên mạng một cách khá dễ dãi và lại không hiểu biết đầy đủ về các biện pháp phòng tránh bệnh qua đường tình dục. Đây là xu hướng cần cảnh báo” – bác sĩ Minh chia sẻ.

Ngược lại, tín hiệu tích cực là hiện nay, người bệnh HIV vào khám, điều trị thường ở giai đoạn sớm chứ không như trước đây thường có các biểu hiện bệnh, xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội ồ ạt rồi mới vào viện.

Cũng vì được phát hiện bệnh sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên đa số đều có tình trạng sức khỏe tiến triển tốt lên, không phải nhập viện nằm nội trú.

Đa phần người bệnh vẫn lo sợ kỳ thị

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, HIV giờ được coi như là một căn bệnh mãn tính của xã hội hiện đại, cũng giống như bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan B… chứ không còn là căn bệnh thế kỷ nữa. Dù chưa có thuốc chữa khỏi bệnh song nếu được phác hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị ARV thì bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm.

Thế nhưng, dù tính chất bệnh thay đổi, nhận thức của người bệnh thay đổi, song phần đa người bệnh vẫn còn mặc cảm và lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng, thậm chí tìm cách giấu giếm bệnh.

Trong số 1.300 bệnh nhân HIV được quản lý điều trị tại Bệnh viện Đống Đa, khoảng 80% bệnh nhân có BHYT. 20% số bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT chủ yếu rơi vào đối tượng học sinh sinh viên, một số đối tượng vừa đi tù, đi trại về và một số đối tượng hộ nghèo.

Tuy nhiên, qua theo dõi, trong số 80 người có thẻ BHYT thì chỉ khoảng 40% người bệnh thường xuyên sử dụng thẻ BHYT mỗi lần đi khám chữa bệnh. Bác sĩ Minh phân tích, một phần bệnh nhân ở ngoại tỉnh nên không chuyển đúng tuyến BHYT được hoặc bệnh nhân từ tuyến dưới của thành phố chủ động vượt tuyến lên.

“Mặt khác, có một tỷ lệ không nhỏ lượng bệnh nhân HIV mà bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị là viên chức, công chức hoặc người đang đi làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị… nên họ ngại sử dụng thẻ BHYT vì lo sợ bị lộ danh tính, sợ sự kỳ thị của cộng đồng” – bác sĩ Minh cho biết.

Hiện thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) vẫn đang được cấp miễn phí theo tài trợ của các dự án, tuy nhiên chương trình này chỉ kéo dài đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2020 tới đây, tất cả chi phí điều trị thuốc kháng virus đều được hỗ trợ chi trả qua BHYT, khi đó nếu bệnh nhân nhiễm HIV không có thẻ BHYT thì rất khó có thể theo điều trị được.

Để chuẩn bị cho việc chuyển từ cấp miễn phí thuốc ARV sang hỗ trợ chi trả thuốc ARV qua BHYT, vừa qua, Bệnh viện Đống Đa đã triển khai đề án khám chữa bệnh cho người bệnh HIV bằng BHYT. Theo đó, bệnh viện đã tổ chức một khu làm thủ tục BHYT riêng cho người bệnh HIV để giúp người bệnh thuận tiện hơn và “đỡ ngại” khi phải làm thủ tục BHYT ở chung quầy với các bệnh nhân thông thường...

Các bác sĩ cho biết, ước tính, một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ BHYT phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội… Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị.Vì thuốc ARV phải uống suốt đời nên người bệnh cần chủ động tham gia BHYT và đi khám chữa bệnh bằng BHYT để được chi trả. (1074)

10.  Mất cân bằng giới tính khi sinh - Nguy cơ đe doạ nòi giống

Thực tế cho thấy, mất cân bằng giới tính vẫn đang là vấn đề “nóng”, giành được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều người dân đã có nhận thức và hiểu biết đúng về công tác dân số nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” muốn sinh nhiều con trai vẫn tồn tại trong suy nghĩ của không ít các bậc cha, mẹ.

Nhiều nam giới có nguy cơ “ế” vợ

Thông thường, theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 đến 106 bé trai, trước đây, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, đến năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra. Tình trạng này được chính thức xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh và con số bé trai được sinh ra đã và đang liên tục tăng lên trong những năm qua.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nhận định: Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở trên mức báo động. Nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; kéo theo đó là hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai.

Với quan niệm chỉ có con trai mới được coi là lao động chính trong gia đình, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường… rất nhiều gia đình chỉ muốn sinh con trai và không hề thích bé gái.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) - cho biết: Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới - nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ.Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới.Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. “Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện” - Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho hay.

Không chỉ vậy, việc mong muốn có con trai lại nhận được sự trợ giúp đắc lực bởi chính một số người làm công tác y tế, đặc biệt là những bác sĩ sản khoa với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại như siêu âm xuất hiện ở khắp các bệnh viện và phòng khám công lẫn tư đã tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho việc lựa chọn giới tính thai nhi của các bậc làm cha mẹ. Từ đó xuất hiện hành vi phá thai lựa chọn giới tính tại một số cơ sở y tế.

Thống kê của Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho thấy: Tỷ số chênh lệch giới tính - sinh nam nhiều hơn nữ trong những năm trở lại đây liên tục tăng nhanh. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/ 100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - cho hay: Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa nam giới (2,3-4,3 triệu nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình. Nếu dư thừa nam giới, phụ nữ sẽ có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,…

Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình luôn có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.Các chiến lược dân số trong giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2011-2020 đều tập trung giải quyết vấn đề về quy mô dân số.Một trong những thành công lớn nhất của công tác dân số là kiểm soát được mức sinh, duy trì được mức sinh thay thế trong hơn 10 năm.

Thời gian qua, ngành Dân số đã quyết liệt giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua các giải pháp đồng bộ như: truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bất bình đẳng giới, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn trong xã hội.

Hiện nay, với mức sinh giảm, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc.Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng và các địa phương. Tình trạng biết trước giới tính thai nhi đang ngày càng phổ biến, mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tuy nhiên, chất lượng dân số có tăng những chưa cao.

Báo động “già hoá” dân số

Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số.Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.

GS. Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ: Trong năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi đạt 10% - Việt Nam đã bước vào quá trình già hoá dân số. Năm 2038, tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 20%, Việt Nam có dân số già.Thực tế, quá trình già hoá dân số của nước ta chỉ diễn ra trong 27 năm (2011-2038), dân số đã đạt đến ngưỡng “dân số già”. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thuỵ Điển 85 năm, Austraylia 73 năm và Mỹ 69 năm.

Không chỉ vậy, người cao tuổi ở nước ta số đông là nữ và nữ goá chồng. Số cụ bà trong các nhóm tuổi từ 60-85 tuổi là 140 cụ bà/ 100 cụ ông (1999) và 147 cụ bà/100 cụ ông (2009).

Đặc điểm chung của người cao tuổi Việt Nam là đời sống vật chất và tinh thần còn khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần vì sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và người cao tuổi là rất lớn. Cùng với đó, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, hầu hết đều sống với con cái. Tại Hà Nội, có 55% người về hưu muốn ở cùng với con đã có gia đình và 20,9% cho là “tuỳ hoàn cảnh”, chỉ có 22,7% thực sự mong muốn sống riêng. Thực tế, chỉ có 2,7% các cụ sống riêng.

Đáng chú ý, sức khoẻ người cao tuổi được cải thiện nhưng chậm.Mặc dù tuổi thọ người cao tuổi ở nước ta cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp. Khi tuổi thọ tăng cao thì nhu cầu làm việc của người cao tuổi cũng tăng lên.

GS. Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh: Để thích ứng với già hoá dân số, chúng ta cần xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, mỗi đối tượng lại có vị trí và vai trò riêng của mình.

Người cao tuổi cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình; nêu cao tinh thần “tự phục vụ”; hợp tác, đón nhận sự hỗ trợ của môi trường xã hội, đồng thời hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng.

Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hoá và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Gia đình cần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.Bởi hiện nay vai trò này đang bị thách thức, tuy vẫn còn giữ ở mức hỗ trợ.Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, huy động cộng đồng hỗ trợ người cao tuổi.Từ đó, Nhà nước sẽ tạo dựng khung luật pháp, chính sách; bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật. 

Trước những thách thức về già hoá dân số, Chính phủ đã giao Bộ Y tế thực hiện các đề án để đạt được các mục tiêu dân số theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn bộ các vấn đề về dân số, quy mô, cơ cấu phân bổ dân số và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” (2016–2025), đã phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng qua hệ thống tình nguyện viên và các cộng tác viên.     (1713)    

11.  Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người cao tuổi

Bộ Y tế cho rằng hiện nay còn 5% người cao tuổi, khuyết tật chưa có thẻ BHYT nên cần có giải pháp...

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về công tác xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiện, phấn đấu 100% người cao tuổi (NCT) có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trước năm 2020.

Theo đó, Bộ Y tế cho rằng ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo (đầu năm 2019), Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách an sinh xã hội với NCT theo các quy định của pháp luật.

Đến thời điểm tháng 4-2019, theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 11,3 triệu NCT và 6,2 triệu người khuyết tật có thẻ BHYT, chiếm 95%, hiện tại chỉ còn khoảng 5% NCT, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý NCT, hiện tại số NCT chưa có thẻ BHYT hầu hết thuộc nhóm từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có NCT dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ BHYT.Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ trước mắt xem xét điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT đối với NCT trên cơ sở tính toán khả năng cân đối quỹ.Về mặt định hướng, ngân sách nhà nước đã giảm chi cho các bệnh viện do tính tiền lương vào giá dịch vụ KBCB, do đó đề xuất dùng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giảm chi này để nâng mức đóng, mức hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có NCT cần ưu tiên. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhóm NCT từ 60 tuổi đến 79 tuổi tham gia BHYT theo hộ gia đình và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động ngân sách từ nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho NCT và người khuyết tật chưa có thẻ BHYT trên địa bàn, ngoài phần kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Mức ngân sách hỗ trợ tại các địa phương (63 tỉnh) đóng BHYT đối với NCT dự kiến là 700.000 đồng/1NCT hoặc người khuyết tật/1 năm, dự kiến khoảng 600 tỉ đồng/năm.

“Về lâu dài, cần đưa nội dung xây dựng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với NCT vào nội dung vào sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, làm thế nào tất cả các đối tượng đủ điều kiện công nhận là NCT thì được hưởng đầy đủ mức đóng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm…”, Bộ Y tế kiến nghị. (538)

12.  Lần đầu tiên Việt Nam có Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ

Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM với mục đích ra mắt Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam.

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Chăm sóc giảm nhẹ và Cận tử thế giới 12/10 với chủ đề “My Care – My Right (Chăm sóc cho tôi – Quyền của tôi).

Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam là diễn đàn dành cho các chuyên gia, cá nhân quan tâm đến chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, tạo cơ hội cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu khoa học, tổ chức giảng dạy nhằm phát triển chuyên ngành còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.

Hội cũng là nơi tập hợp các ý kiến chuyên môn đa mô thức của chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ với hy vọng tham vấn chuyên môn cho Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương trong việc quy hoạch và xây dựng mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ khắp cả nước.

Đồng thời tích hợp chăm sóc giảm nhẹ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn quốc, nhằm cung cấp thông tin và tăng cường khả năng phục vụ chăm sóc giảm nhẹ đến tất cả những người bệnh và gia đình có người bệnh mắc các bệnh nặng, mạn tính, không thể chữa khỏi hoặc đe dọa trực tiếp đến sự sống người bệnh, thực hiện được sứ mệnh đạo đức ngành y tế như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới trong Nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 2014.

PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi về môi trường, khí hậu đã kéo theo sự thay đổi về lối sống, chế độ dinh dưỡng… làm tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng cao tại Việt Nam, trong đó có các bệnh ung thư. Hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, mô hình chăm sóc người bệnh ung thư là mô hình chăm sóc đa mô thức, phối hợp nhiều biện pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, miễn dịch liệu pháp và các biện pháp khác, trong đó có phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ. Trên thực tế, chăm sóc giảm nhẹ là một trong những công cụ rất hữu hiệu, giúp cho các bác sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp giảm đau, điều trị tâm lý…”

TS. BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM chia sẻ, trong tương lai Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam sẽ tiến hành soạn thảo và trình Bộ Y tế phê duyệt các hướng dẫn điều trị trong chăm sóc giảm nhẹ các bệnh mạn tính không chữa khỏi, dự án quản lý opioid hiệu quả và phác thảo kế hoạch lồng ghép chăm sóc giảm nhẹ vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, từng bước triển khai thí điểm ở TP HCM với hi vọng có thể nhân rộng ra toàn quốc. Đồng thời, Hội cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu đa trung tâm, tổ chức các lớp học, hội nghị khoa học nhằm đẩy mạnh sự phát triển chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ tại Việt Nam. (628)

13.  Kỹ thuật mới giảm 80% số lần xạ trị

TP HCMKhi ông Bình 77 tuổi, ho, cử động nhẹ lúc xạ trị, hệ thống mới tại Bệnh viện Ung bướu sẽ tự ngưng phát tia.

Ông Bình phát hiện ung thư thanh quản cách đây 3 năm, khỏi bệnh sau 33 tia xạ trị. Gần đây ông hay khàn tiếng, bác sĩ chẩn đoán ung thư tái phát. Ông được chỉ định xạ trị định vị thân (SBRT) vào khối bướu tái phát với 5 liều tia xạ, dưới sự giám sát bề mặt cơ thể của hệ thống quang học (OSMS).

Từng chịu nhiều tác dụng phụ của xạ trị nên lần này được giảm còn 5 tia nhờ kỹ thuật mới, ông Bình cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Sức khỏe ông ổn định sau khi kết thúc liệu trình, ăn uống khỏe mạnh và vừa xuất viện. 

Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết hệ thống quang học giám sát bề mặt cơ thể sẽ chiếu một chùm tia hồng ngoại bao phủ toàn bộ bề mặt da của bệnh nhân và giám sát những chuyển động cơ thể. Hệ thống này được đồng bộ với máy xạ trị. 

"Chỉ cần bệnh nhân ho nhẹ, nuốt nước miếng hoặc chuyển động nhẹ 1-2 mm, hệ thống sẽ tự ngưng phát tia. Khi bệnh nhân không còn chuyển động nữa thì hệ thống máy tự động phát tia trở lại", bác sĩ Hoàng nói. Kỹ thuật này giúp bảo vệ những mô lành xung quanh của bệnh nhân trong quá trình xạ trị. 

Theo bác sĩ Hoàng, bệnh viện triển khai kỹ thuật này hơn một tháng qua, thu được kết quả tốt. Bệnh nhân giảm số tia xạ, đảm bảo an toàn xạ trị ở mức tối ưu. Với kỹ thuật cũ, liều xạ là 30 lần và ngưỡng sai số có thể lên đến 5-10 mm. Phương pháp mới rút ngắn thời gian xạ còn 5 lần, dưới sự hỗ trợ nghiêm ngặt của hệ thống giám sát bề mặt, ngưỡng sai số cử động cho phép là một mm. 

Đây là thành tựu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo. Kỹ thuật này chỉ định cho các trường hợp bướu nhỏ, giai đoạn sớm, tái phát còn khu trú tại chỗ, bệnh nhân lớn tuổi thể trạng yếu khó có thể trải qua lộ trình điều trị kéo dài... (423)

14.  Hà Nội: Đưa dịch vụ y tế đến gần người dân

Nhờ sự đầu tư của TP và ngành y tế, nhiều trạm y tế (TYT) ở ngoại thành đã triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ). Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) đã được nâng lên, người dân tin tưởng, yên tâm điều trị ở tuyến dưới.

Những bước đổi thay ngoạn mục

Trở lại TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng sau hơn một năm triển khai mô hình TYT theo nguyên lý YHGĐ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây như một bệnh viện thu nhỏ với những đổi thay rõ nét.

Cầm cuốn sổ khám bệnh trên tay, bà Quách Thị Gánh (74 tuổi) ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho biết, bà bị bệnh cao huyết áp từ nhiều năm nay. Trước kia, mỗi khi ốm đau, bà ngại đến TYT vì không yên tâm.

“Nhưng từ khi TYT xã được đầu tư, nâng cấp, dịch vụ KCB, lại có các bác sĩ T.Ư về hỗ trợ nên giờ tôi thường xuyên ra đây kiểm tra sức khỏe.Đặc biệt, tôi không phải đi xa, không phải phiền đến người nhà" - bà Gánh nói.

Ngồi trên giường bệnh với những dây, mũi kim châm cứu, ông Cảnh Chi Nhạc (58 tuổi, xã Tân Hội) cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bệnh tê chân tay, đau vai gáy phần nào được cải thiện sau những lần châm cứu tại TYT xã.

Ông Nhạc chia sẻ: “Là người được hưởng lợi từ mô hình TYT theo nguyên lý YHGĐ, tôi thấy việc nhân rộng nhiều TYT như thế này rất cần thiết. Bởi với người nông dân, mỗi lần đến bệnh viện tuyến trên là một trở ngại, khó khăn, tốn kém”.

Là một trong những TYT được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm về y tế cơ sở của Hà Nội, TYT xã Tân Hội có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với tổng diện tích 4.500m2, 23 phòng chức năng; 1.500m2 diện tích vườn thuốc nam với 70 loại cây thuốc. Trạm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và khám, chữa bệnh thông thường như máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết...

Trạm trưởng TYT xã Tân Hội huyện Đan Phượng Trần Thị Mai Hương cho biết, hiện tại, TYT có 11 nhân viên y tế. Khối lượng công việc nhiều, hoạt động song song mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, trạm đã làm tốt vai trò của mình.Bên cạnh đó, trạm được các bác sĩ tuyến T.Ư và TP Hà Nội về hỗ trợ chuyên môn.

Để triển khai hiệu quả mô hình TYT điểm, trạm chú trọng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho Nhân dân và quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Nhờ đó, tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt 97%.Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%. Hiện trạm đang quản lý 433 bệnh nhân tăng huyết áp và quản lý sức khỏe 124 bệnh nhân tiểu đường...

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Tý, việc TYT xã Tân Hội được Bộ Y tế chọn là 1 trong 26 TYT điểm để đầu tư, nâng cấp chuẩn là cơ hội vàng cho TYT này thay đổi. Ngoài mô hình điểm, tính đến nay, huyện đã triển khai thêm 4 TYT (xã Tân Lập, Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung). Theo kế hoạch năm 2019, TTYT huyện sẽ tiếp tục triển khai 9 TYT theo nguyên lý YHGĐ.

Nhân rộng trên toàn TP

TYT xã Minh Châu, huyện Ba Vì cũng là 1 trong 4 TYT xã điểm của Hà Nội được chọn triển khai mô hình này. Trạm được được BV Tim Hà Nội, BV Châm cứu T.Ư cử bác sĩ lên KCB tại trạm mỗi tuần/lần. Nhờ đó, trạm đã triển khai được các thủ thuật thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt; quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp; lập hồ sơ quản lý sức khỏe; lập dự trù và mua thuốc theo Thông tư 39 của Bộ Y tế. Lấy TYT Minh Châu làm điểm, huyện Ba Vì phấn đấu xây dựng 100% các TYT hoạt động theo mô hình điểm trong giai đoạn 2019 - 2021.

Tương tự, UBND huyện Thường Tín trong hai tháng qua đã triển khai mô hình tại các xã Quất Động, Tự Nhiên, Văn Bình, Hà Hồi. Từ nay đến cuối năm, huyện triển khai thêm xã Chương Dương, Hồng Vân, Nguyễn Trãi, Hiền Giang, Vạn Điểm, Thống Nhất, Minh Cường. Đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu đạt 80% TYT, năm 2021, đạt 100% theo mô hình điểm của Bộ Y tế.

Trong buổi đầu tiên triển khai TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, TYT xã Đồng Tiến, Ứng Hòa đã thu hút hơn 200 người dân đăng ký KCB. Phấn khởi được tư vấn sức khỏe ngay gần nhà, ông Nguyễn Đình Thạo chia sẻ: “Được hưởng dịch vụ y tế ngay tại TYT mà không phải lên tuyến trên là niềm mong mỏi của tôi cũng như người dân ở xã này. Đặc biệt, đến đây được bác sĩ tuyến trên khám, tư vấn cẩn thận nên tôi rất yên tâm”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhẫn, cùng xã cho hay: “Qua hệ thống phát thanh của xã về việc TYT xã Đồng Tiến triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tôi đã đến từ sáng để được khám sức khỏe. Bác sĩ khám rất cẩn thận và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, các biện pháp luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe”.

Ông Đặng Anh Tuân - Giám đốc TTYT huyện Ứng Hòa cho biết, TYT xã Đồng Tiến đã đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và các quy định của mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Trạm được BV Đa khoa Hà Đông, BV Y học cổ truyền và Mắt Hà Đông… luân phiên đưa cán bộ xuống làm việc theo lịch từ 1 - 2 buổi/tuần.

Bên cạnh đó, các cán bộ TYT xã Đồng Tiến cũng đã được đào tạo tập huấn chuyên môn về nguyên lý YHGĐ và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm. Nhằm nhân rộng mô hình này, năm 2019, TTYT huyện Ứng Hòa đăng ký 16 TYT điểm gồm các xã: Quảng Phú Cầu, Đồng Tiến, Cao Thành, Phương Tú, Trung Tú, Đồng Tân, Tảo Dương văn, Hòa Nam, Hòa Phú… Phấn đấu đến năm 2020, huyện triển khai 100% TYT thực hiện theo nguyên lý YHGĐ để người dân được chăm sóc và quản lý tốt sức khỏe ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Tuân yêu cầu các TYT tuyên truyền cho người dân mắc các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính đăng ký KCB ban đầu bằng thẻ BHYT tại TYT trên địa bàn. Đặc biệt, trạm sẽ quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử để chủ động tầm soát, phát hiện các bệnh không lây nhiễm và có những can thiệp kịp thời để chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.

Từ 4 TYT thí điểm mô hình nguyên lý YHGĐ trong năm 2018, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2019 có tối thiểu 45% số TYT trên địa bàn TP triển khai mô hình này. Đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương…

Hiện nay, TP đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Trước mắt, tiến hành rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các TYT có đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, phòng tiêm chủng, phòng khám y học cổ truyền, phòng truyền thông tư vấn. Cùng với đó, bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc, bảo đảm cho TYT tuân thủ đúng nguyên lý YHGĐ. Đây là bước ngoặt của ngành y tế Thủ đô khi người dân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ngay tại tuyến gần dân nhất. (1508)

15.  Bài 2: Bước đột phá với hàng nghìn ca mổ

BS.CKII. Dương Thanh Bình – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam– Cuba Đồng Hới luôn nhắc đến các chuyên gia với một tình cảm nồng ấm. Còn các chuyên gia Cuba cũng chỉ vào vị Giám đốc Bệnh viện và bày tỏ chân thành: “Chúng tôi là một gia đình”. Có lẽ mối ân tình giữa những người thầy thuốc dù khác màu da, tiếng nói ấy đã và đang góp phần tạo nên sắc diện mới cho BV hôm nay: Một khuôn viên BV sạch như khách sạn, đẹp như công viên với bước tiến vượt bậc về chất lượng khám, chữa bệnh…

Tìm lại niềm tin

Từng có thời gian dài bệnh nhân chưa hài lòng khi đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Nam– Cuba Đồng Hới (VN - CB ĐH) do chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) không đáp ứng yêu cầu, cả về trình độ chuyên môn, lẫn trang thiết bị. Vì thế, người dân thường vào Huế hoặc ra Hà Nội để điều trị.

“Chúng tôi xác định để lấy lại niềm tin của người dân, phải nâng cao chất lượng KCB. Vì thế, BV mạnh dạn xây dựng đề án mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc và được tỉnh ủng hộ. Điều này giúp thay đổi chất lượng KCB nhanh chóng, do các chuyên gia đều sẵn có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm” - BS.CKII. Dương Thanh Bình – Giám đốc BV Hữu nghị VN - CB ĐH - chia sẻ.

Thực tế, có mặt ở BV mới gần 2 năm, các chuyên gia Cu-ba đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật tim mạch, ung bướu, cột sống vv… giúp người dân được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại quê hương. Đặc biệt, phong cách phục vụ “chuẩn quốc tế” đang dần hình thành trong toàn BV.

GS. Piter Martinez Beniter - Trưởng nhóm chuyên gia công tác tại BV - cho biết ông làm việc ở BV từ đầu năm 2018 và đã cùng các thầy thuốc của BV Hữu Nghị VN - CB ĐH thực hiện gần 300 ca can thiệp tim mạch – một dấu ấn của BV trong những năm qua.

Piter là giáo sư chuyên về tim mạch và can thiệp tim mạch của Viện Tim mạch – Phẫu thuật tim mạch Havana (Cuba). Ông từng làm việc ở Venezuena, Guatemala và nhiều nước khác.Không chỉ trực tiếp KCB, ông còn giảng dạy và nghiên cứu khoa học với nhiều công bố quốc tế.GS. Piter đang từng bước giúp đỡ BV phát triển về can thiệp tim mạch, điện tim, siêu âm tim.

“Để BV phát triển về lĩnh vực tim mạch, phải đào tạo thêm cho bác sĩ và y tá. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh ở Việt Nam, mọi người ít quan tâm đến phòng bệnh, nên bệnh nhân tim mạch, huyết áp khá nhiều, mà lúc đến BV thì thường bệnh đã nặng nên khó kiểm soát”.

Nhóm chuyên gia cũng đang hỗ trợ BV phát triển về điều trị ung bướu, trong đó, vai trò chủ chốt là GS.Jesús De Los Santos Renó Céspedes.Ông là giáo sư hàng đầu về phẫu thuật ung bướu ở Viện Ung bướu Quốc gia Hanava. Trước khi đến Việt Nam, GS. Renó đã có 35 năm kinh nghiệm làm việc tại Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Mexico, Brazin, Panama, Ấn Độ vv…

Theo GS.Renó, ở Cuba, kỹ thuật hóa trị liệu ung bướu đã là thường quy, còn ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH mới chỉ chăm sóc giảm nhẹ.Vì thế, ban ngày, GS. Renó KCB cho người dân, tối đến, ông lại giảng dạy chuyên môn, nhất là về hóa trị liệu ung bướu cho các bác sĩ, với mong muốn BV phát triển lĩnh vực này trong thời gian ngắn nhất.Khác với Cuba, ở Việt Nam, số người mắc ung thư phổi, dạ dày, đại tràng rất nhiều. Các chuyên gia phải luôn phối hợp giữa các chuyên khoa, để có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.“BV cần xây dựng Liên khoa ung bướu – tim mạch, vì những bệnh này có mối liên quan. Tôi mong muốn BV Hữu Nghị VN - CB ĐH sẽ  triển khai sớm và trở thành mô hình đầu tiên ở Việt Nam” - GS. Renó bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của VietTimes về việc các chuyên gia có gặp khó khăn gì về trang thiết bị y tế hiện có của BV hay không, GS. Renó cho biết thiết bị y tế của BV được trang bị khá đầy đủ và hiện đại, thậm chí, hiện còn chưa khai thác hết các tính năng.

GS. Annet Ramos Plasencia – nữ chuyên gia duy nhất đang làm việc tại BV cởi mở: “Được làm việc với các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt. Họ chăm chỉ và có nhiều phương pháp sáng tạo, luôn biết vượt qua mọi thử thách. Hàng ngày, chúng tôi làm việc cùng nhau, trao đổi thông tin.Nếu biết tiếng Anh, họ sẽ học hỏi kinh nghiệm được nhiều hơn”.GS. Annet là thành viên Hiệp hội Nhi khoa Cuba với 24 năm kinh nghiệm. Có thế mạnh về kiểm soát nhiễm khuẩn nhi, bà mong muốn sẽ giúp cho BV Hữu Nghị VN - CB ĐH phát triển mạnh về nhi nhiễm.

Nhóm chuyên gia còn có GS. Crescencio Aneiro Alffonso, thành viên Hiệp hội thần kinh và phẫu thuật thần kinh Cuba – điểm tựa để BV phát triển về phẫu thuật thần kinh. Với kinh nghiệm trong nội soi tiêu hóa, BSCKII.Mario Garcia Ayala vừa phục vụ người bệnh, vừa tiếp tục đào tạo các thầy thuốc ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH về chuyên ngành này.

Là chuyên gia có bề dày kinh nghiệm về chấn thương chỉnh hình ở nhiều nước, BS.Aracelio Pérez Guevara đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh rất phức tạp ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH. Còn BS. Alfredo Garcia Mirete lại có thế mạnh về phẫu thuật ung bướu, nên đã giành giật được nhiều người bệnh khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Mong muốn sẽ sớm thành hiện thực

Từ một nền y tế thuộc top đầu thế giới, các chuyên gia đã đến một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình làm việc, là một sự hy sinh đầy ân tình của họ. Mỗi năm, họ chỉ về thăm nhà một lần.Còn lại, họ liên tục bận rộn với những buổi khám bệnh, lịch mổ dày đặc. Nhưng, điều đặc biệt mà chúng tôi tận mắt chứng kiến là, với mỗi người bệnh, các chuyên gia đều chu đáo, yêu quý đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, như văn hóa, ngôn ngữ, khí hậu, nhưng họ tuyệt đối không phàn nàn, mà trò chuyện với chúng tôi, họ chỉ cười rất hiền: “Khó khăn nhất là nỗi nhớ nhà thường trực…”

Để “giữ chân” các chuyên gia, Giám đốc Dương Thanh Bình đã đề xuất với phía Cuba kéo dài thời hạn hợp đồng của các chuyên gia từ 2 năm lên 4 năm, đồng thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia làm việc, từ nơi ăn ở, làm việc, đến các cơ chế chính sách phù hợp nhất. BS. Bình còn cho biết, BV vẫn tiếp tục có kế hoạch mời thêm các bác sĩ Cuba sang làm việc.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia, với những nỗ lực tự thân mạnh mẽ như đã có, mục tiêu phát triển thành một BV đa khoa hoàn chỉnh của BV Hữu Nghị VN - CB ĐH chắc chắn sẽ thành hiện thực.Khi đó, không chỉ người dân địa phương, mà sẽ có thêm nhiều người nước ngoài tìm đến đây KCB, bởi Quảng Bình đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

Với một chủ trương đúng cùng bước đi táo bạo, BV Hữu Nghị VN - CB ĐH đã không chỉ phục vụ tốt nhân dân địa phương, mà còn tiệm cận với chủ trương “dây rút ngược” mà Bộ Y tế đề ra, là kéo bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam KCB. (1406)

16.  Bệnh viện Trung ương Huế: Cứu sống một bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hiếm gặp

Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống một bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hiếm gặp với tỷ lệ tỷ vong rất cao.

Sáng ngày 13/10, bệnh nhân là anh Hồ Ngọc G. (43 tuổi) trú tại ở xã Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) được xuất viện về với gia đình trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trước đó ông G. nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, tụt huyết áp. Tại đây, bệnh nhân G. được khám lâm sàng, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ.

Kết quả cho thấy bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ, ngực typ B có lối vào nằm sau động mạch dưới đòn bên trái, có tình trạng lan ngược lên các động mạch trên quai động mạch chủ và động mạch chủ lên.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu thay động mạch chủ lên, chuyển vị các động mạch trên quai động mạch chủ bằng mạch máu nhân tạo. Sau đó sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch để đặt stentgraft điều trị bóc tách động mạch chủ ngực xuống.

Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện về với gia đình trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Hoài Ân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế: Bóc tách động mạch chủ là một cấp cứu nội ngoại khoa với tỷ lệ khoảng 3/100.000 dân/1 năm. Khoảng 80% trường hợp bóc tách động mạch chủ có tăng huyết áp, nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong rất cao.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế hàng năm có khoảng 20 trường hợp điều trị bóc tách động mạch chủ các loại, và đạt tỷ lệ 100% bệnh nhân được cứu sống. (331)

17.  Quy trình báo động đỏ giúp cứu sống bệnh nhân bị dao đâm xuyên bụng

Ngày 13/10, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện vừa cứu sống trường hợp bệnh nhân Phùng Văn C (32 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) bị sốc mất máu do dao đâm thấu bụng nhờ kịp thời kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện.

Được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương nặng vì dao đâm, bệnh nhân Phùng Văn C lập tức được tiến hành siêu âm tại giường, làm các xét nghiệm. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị sốc trụy mạch do mất máu cấp, vết thương thấu từ sườn lưng vào bụng.

Nhận thấy đây là trường hợp nguy kịch, sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được mổ cấp cứu ngay lập tức nên các bác sĩ đã quyết địn kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Chỉ trong vòng 10 phút ngay sau khi kích hoạt, tất cả đội ngũ y, bác sĩ đã có mặt đầy đủ. Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện và ê kip khẩn trương bắt tay vào mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Nhận thấy vết thương của bệnh nhân sâu do dao đâm xuyên qua cơ thắt lưng, làm rách thận và lá lách; trong ổ bụng bệnh nhân có khoảng 1,5 lít máu đông; các bác sĩ đã tiến hành cắt lách và cấy lách tự thân, khâu và bảo tổn thận trái, xử lý vết thương vùng cơ thắt lưng, lau rửa ổ bụng lấy hết máu đông cho bệnh nhân.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ nỗ lực của các bác sĩ, ca mổ đã thành công, giành lại được sự sống cho bệnh nhân khỏi bàn tay tử thần.

Báo động đỏ là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp nhằm can thiệp ngoại khoa cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng. Mục tiêu là vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh. Quy trình này yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân viên hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, Xquang, siêu âm… (420)

18.  Tổng Giám đốc Dược phẩm Tâm Bình được vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2019

Sáng 13/10, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình được vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2019” trong khuôn khổ Lễ trao tặng Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

“Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm nay gọi tên các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cả nước như bà Lê Thị Bình-Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình, ông Trần Trung Hưng-Tổng Giám đốc Viettel Post…

Đây là giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các lãnh đạo doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh; nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong quá trình phát triển doanh nghiệp; tích cực tham gia vào công tác xã hội; đóng góp cho nền kinh tế của đất nước và nâng cao đời sống người lao động trong suốt 3 năm, từ 2016-2018.

Đáng chú ý ở lĩnh vực dược, chỉ có 2 gương mặt lãnh đạo xuất sắc trong tổng số 100 doanh nhân tiêu biểu được tuyển lựa qua nhiều vòng bình xét khắt khe của VCCI cùng một số tổ chức trong nước và Phòng Thương mại Quốc tế và liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (ICC). Trong đó, bà Lê Thị Bình-Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình lần thứ 3 được vinh danh tại giải thưởng này.

Phát biểu về giải thưởng, bà Lê Thị Bình chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi lần thứ 3 đón nhận Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Đây là nguồn động viên quý báu để tôi cũng như tập thể CBNV Tâm Bình tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy thương hiệu Dược thuần Việt như Tâm Bình giương cao ngọn cờ đầu trong phát triển và chinh phục thị trường trong nước, quốc tế trong tương lai”.

Sau gần 10 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của nữ doanh nhân, Dược phẩm Tâm Bình đã nhanh chóng có bước phát triển đột phá và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong thị trường đông dược Việt Nam. Ngoài hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, Dược phẩm Tâm Bình còn nằm trong số ít doanh nghiệp mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn (8.200m2) đạt chuẩn quốc tế GMP – WHO với dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ được nhập khẩu từ nước ngoài.

Sản phẩm mang thương hiệu Tâm Bình được giới chuyên môn đánh giá cao ở 3 yếu tố chất lượng, hiệu quả – an toàn – giá thành hợp lý và được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.

Không chỉ dừng lại ở những thành tích vượt trội trong sản xuất kinh doanh, Dược phẩm Tâm Bình cũng là một trong số các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội thiết thực. Đích thân Tổng Giám đốc Lê Thị Bình dẫn đầu các phong trào thăm khám, phát thuốc miễn phí, tặng quà Tết cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa; thăm và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi ở nhiều địa phương trong cả nước… Gần đây nhất, Công ty đã ủng hộ xây dựng cây cầu trị giá 500 triệu đồng cho bà con bản Chiềng thuộc huyện nghèo Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa.

Tổng Giám đốc Dược phẩm Tâm Bình Lê Thị Bình đã vinh dự 5 lần nhận cúp Bông Hồng Vàng tôn vinh các nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc, 2 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, 7 lần tháp tùng Phó Chủ tịch nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu… Bà cũng vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng bảng vàng “Trái tim nhân ái tỏa sáng” vì những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện. (750)

19.  Tập huấn nghiệp vụ cho Công đoàn cơ sở khu vực miền Nam

Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Uỷ ban kiểm tra và thanh tra nhân dân công đoàn cơ sở năm 2019 khu vực miền Nam.

Tại Hội nghị tập huấn, đồng chí Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định quy chế dân chủ tại cơ sở là việc rất quan trọng, quyết định sự ổn định tại đơn vị.

Nội dung lớp tập huấn tập trung 2 nội dung chính là cập nhật văn bản xử lý khiếu nại, tố cáo và quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản cập nhật và kiểm tra giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Việc thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Ủy ban kiểm tra và thanh tra nhân dân sẽ giúp Ban chấp hành Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là cầu nối, hài hòa lợi ích giữa người sửa dụng lao động và người lao động góp phần ổn định và phát triển đơn vị.

Kết thúc 2 ngày tập huấn, các giảng viên đã trao đổi thông tin đến các đại biểu tham dự nội dung của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ sở; văn bản hướng dẫn thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công đoàn Y tế Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp xây dựng quy định tổ chức hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị người lao động tại cơ sở; mẫu kiểm tra giám sát hoạt động quy chế dân chủ tại cơ sở.

Trong thời gian tập huấn, các đại biểu đã tích cực tham gia trao đổi đưa ra các tình huống để thảo luận và đã được các giảng viên giải đáp, đưa ra hướng giải quyết từng tình huống cụ thể.Kết thúc tập huấn các đại biểu đều ghi nhận nội dung tập huấn rất hữu ích, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra và Ban thanh tra nhân dân tại cơ sở góp phần đảm bảo dân chủ đồng thuận phát triển đơn vị. (418)

20.  Hàng trăm cư dân Linh Đàm xếp hàng nhận nước sạch, chờ kết quả xét nghiệm

Tại chung cư Linh Đàm hàng trăm cư dân đã xuống sảnh toà nhà xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch về sinh hoạt.

Ngày 13/10, tại chung cư Linh Đàm hàng trăm cư dân đã xuống sảnh toà nhà xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch về sinh hoạt sau khi phát hiện nước sinh hoạt tại toà nhà có mùi lạ.

Theo ghi nhận của PV, hàng trăm cư dân mang đủ các loại vật dụng từ xô, chậu, bình, can, xoong, nồi xuống để chứa nước mang về sinh hoạt. Thậm chí, nhiều gia đình trang bị cả xe đẩy của trẻ con để xuống vận chuyển nước mang về.

Bà Hạnh cư dân HH1A chia sẻ: "Mấy ngày hôm nay nước sinh hoạt ở đây có mùi lạ khiến gia đình tôi cũng như các hộ khác không thể sử dụng để nấu ăn được. Chúng tôi đã kiến nghị tới BQL và chờ kết quả xét nghiệm được xem nguyên nhân làm sao khiến nước bị vậy.Tạm thời chúng tôi xuống xách nước này để nấu ăn".

Còn anh Đô (đại diện cư dân HH1A) cho biết, hiện tại vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nước. Để đảm bảo cho cư dân, một thành viên thuộc đội bóng đá của HH Linh Đàm đã chung tay tài trợ mua nước sạch cấp miễn phí cho các cư dân ở đây.

Theo anh Đô, 1 xe 7 khối nước này có giá 900 nghìn đồng. Việc cấp nước sinh hoạt cho người dân được tài trợ đến khi nào có kết quả xét nghiệm nước.

Đồng thời, anh Đô cũng bày tỏ người dân mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ nguyên nhân nguồn nước đến với người dân như vừa qua có mùi lạ.

Trước đó, nhiều người dân sống tại khu đô thị Linh Đàm, chung cư Kim Văn - Kim Lũ, Hà Đông, Xuân Phương, Mỹ Đình, Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội.... vô cùng lo lắng khi cảm nhận rõ nước sinh hoạt có mùi lạ.

Về vấn đề này, Công ty nước sạch Hà Đông cho biết đơn vị đã yêu cầu phòng thí nghiệm và quản lý chất lượng nước xuống địa bàn lấy mẫu nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Trong khi đó, đại diện cộng đồng dân cư tòa HH1A Linh Đàm cho rằng trong khi chờ các đơn vị khắc phục sự cố, người dân ở đây đang sống trong hoang mang.

Ngày 11/10, đoàn liên ngành TP Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại một số địa điểm.

Cụ thể, đoàn đã đi lấy mẫu tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất; Nhà máy nước Sông Đà, tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Vũ Đức Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà khẳng định nhà máy nước sạch Sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".

Theo ông Toản, hiện nay, nhà máy đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày, đêm cho nhiều quận huyện của Hà Nội.Lãnh đạo Công ty cho hay, sau khi nhận được thông tin về nước có mùi lạ của người dân phản ánh thì đang phối hợp với đơn vị kiểm tra độc lập để kiểm tra chất lượng nước. (640)

21.  Phát hiện chất kháng khuẩn trong sữa mẹ

Các nhà khoa học Mỹ cho biết sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh cho trẻ sơ sinh, mà còn chứa hợp chất chống viêm nhiễm bằng cách cho phép lợi khuẩn phát triển mạnh.

Theo các chuyên gia thuộc Bệnh viện National Jewish Health và Đại học Iowa (Mỹ), sữa mẹ có lượng glycerol monolaurate (GML) nhiều hơn 200 lần so với sữa bò.

“Phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng chỉ sữa mẹ mới có hàm lượng cao GML, chất ức chế mạnh mẽ sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh”, tiến sĩ Donald Leung, giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện National Jewish Health, cho hay.

“Trong khi kháng sinh có thể chống lại nhiễm trùng vi khuẩn ở trẻ sơ sinh, chúng sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi lẫn vi khuẩn gây bệnh. GML biết chọn lọc hơn, chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, trong khi cho phép các vi khuẩn có lợi phát triển”, tiến sĩ Patrick Schlievert, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Iowa, giải thích thêm. (195)

22.  Độ tuổi 40, đi chậm lại là dấu hiệu lão hóa nhanh hơn

Tốc độ bước đi ở độ tuổi 40 theo các nhà khoa học còn là dấu hiệu cho thấy mức độ lão hóa của bộ não.

Theo đài BBC (Anh), đây là kết quả nghiên cứu mà nhóm khoa học quốc tế thuộc các trường ĐH của Anh và Mỹ tìm ra mô tả như một "bất ngờ thú vị".

Theo đó, chỉ cần xem xét tốc độ bước đi của một người trong độ tuổi 40, các nhà khoa học có thể biết được tiến trình lão hóa đang diễn ra như thế nào trong cơ thể họ.

Với những người bước đi chậm hơn, không những cơ thể họ đang lão hóa nhanh hơn mà gương mặt họ trông cũng già hơn và bộ não của họ cũng nhỏ đi.

Thông thường các bác sĩ vẫn lấy chỉ số đo tốc độ bước đi của một người để đánh giá tình hình sức khỏe tổng quát, đặc biệt với những người trên 65 tuổi. Vì đó là chỉ dấu rõ ràng về độ mạnh của cơ, chức năng phổi, sự thăng bằng, độ mạnh của xương cột sống và thị lực.

Những người bước đi chậm hơn khi lớn tuổi cũng có nguy cơ bị mất trí hoặc suy giảm trí nhớ cao hơn.

Đây là nghiên cứu tiến hành với 1.000 người ở New Zealand, những người này sinh vào những năm 1970 và được theo dõi tình trạng sức khỏe cho tới tuổi 45.

Những người tham gia nghiên cứu cũng trải qua các bài kiểm tra thể chất, kiểm tra chức năng não và chụp scan não.

Giáo sư Terrie E Moffitt, tác giả chủ trì nghiên cứu của ĐH King’s College London và ĐH Duke (Mỹ) nhận xét: "Nghiên cứu đã nhận ra việc đi chậm hơn là một dấu hiệu bất ổn từ vài chục năm trước giai đoạn tuổi già".

Ngay cả ở tuổi 45 cũng có các tốc độ di chuyển rất khác nhau, tốc độ nhanh nhất là 2 mét/giây (bước đi, không chạy).

Nhìn chung, những người bước đi chậm có xu hướng là dấu hiệu của tình trạng "lão hóa nhanh hơn" ở phổi, răng và hệ miễn dịch nếu so với những người bước đi nhanh hơn. (393)

23.  Cách đi bộ này là dấu hiệu của căn bệnh gây chết người

Nghiên cứu kéo dài 4 thập kỷ của Mỹ - Anh phát hiện ra rằng tốc độ đi bộ ở tuổi trung niên liên quan mạnh đến nhóm bệnh mất trí nhớ nan y.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Duke (Mỹ) và King’s College London (trực thuộc Đại học London, Anh) cảnh báo rằng nếu bạn bắt đầu bước đi một cách chậm chạp, hãy coi chừng. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của Alzheimer và nhóm bệnh mất trí nhớ khác, vốn chưa có thuốc chữa và luôn đứng trong tốp đầu các nguyên nhân gây chết sớm.Bước đi bộ chậm chạp vào tuổi 45 là một dấu hiệu rất đáng ngại - ảnh minh họa từ internnet

Theo tác giả chính, tiến sĩ Line Rasmussen (Đại học Duke), chỉ cần đi bộ chậm hơn những người cùng lứa vào tuổi 70-80, nguy cơ chết sớm đã tăng. Thế nhưng nguy hiểm hơn, một số người đã bước đi chậm từ tuổi 45 và đó có thể là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy cơ thể bạn đang bị lão hóa sớm, nguy cơ cao phát triển các bệnh mất trí nhớ.

Để đi đến kết quả này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của 904 tình nguyện viên. Họ được kiểm tra điểm số IQ, khả năng hiểu ngôn ngữ, khả năng chịu đựng nỗi thất vọng, kỹ năng vận động và kiểm soát cảm xúc từ lúc 3 tuổi.

42 năm sau, tức khi họ 45 tuổi, các tình nguyện viên được chụp cộng hưởng từ (MRI) và một số kiểm tra khác để đánh giá về não bộ. Cách họ đi bộ trong thời điểm hiện tại được ghi nhận để đối chiếu.

Kết quả rất bất ngờ: người đi bộ chậm có khối lượng trung bình của chất xám và chất trắng, độ dày vỏ não, diện tính bề mặt não thấp hơn những người đi bộ với tốc độ nhanh hay bình thường. Các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều tổn thương nhỏ liên quan đến mạch máu trong não ở nhóm đi bộ chậm. Nhìn chung, bộ não họ già cỗi hơn những người đi nhanh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm bệnh mất trí nhớ, trong đó phổ biến nhất là Alzheimer, đang là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 5 thế giới. Trong một số nghiên cứu khác từ Anh, Mỹ, Úc, thậm chí các nhà khoa học đã xếp mất trí nhớ là nguyên nhân tử vong sớm hàng đầu hoặc thứ 2, trong bối cảnh các căn bệnh khác ví dụ như tim mạch được kiểm soát khá tốt tại các quốc gia này, trong khi mất trí nhớ vẫn là bệnh nan y không thuốc chữa. (485)

24.  Bất ngờ kiểu luyện thở có thể cứu hàng loạt bệnh nhân ung thư

Các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách để xạ trị trở nên hiệu quả hơn trong bệnh ung thư chỉ nhờ việc giúp bệnh nhân luyện tập… nín thở.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Brimingham (Anh) đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tại các bệnh viện ở New Castle (Anh), Bỉ, Hà Lan và chứng minh được hiệu quả của phương pháp luyện thở giúp tăng sức mạnh cho xạ trị ung thư.

30 bệnh nhân ung thư đã được cung cấp không khí giàu oxy (nồng độ 60%, cao gần gấp 3 nồng độ 21% của không khí bình thường), đồng thời tăng cường loại bỏ carbon dioxide khỏi phổi nhờ máy thở cơ học, đeo như mặt nạ. Họ được luyện tập trong nhiều ngày dưới sự giám sát của chuyên gia sao cho đến cuối cùng, với một hơi không khí giàu oxy hít vào, họ có thể nín thở trong suốt 6 phút.

Luyện nín thở dưới sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại đem lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư - ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK

Mục đích của hành động này là… giữ lồng ngực và bụng bệnh nhân thật yên trong vòng 6 phút đó.

Tiến sĩ Mike Parkes, tác giả chính của nghiên cứu cho biết mỗi nhịp thở khiến ngực và bụng con người di chuyển tới 4 cm. Trong khi đó, một trong những yếu tố quyết định thành công của xạ trị là giữ cơ thể bệnh nhân càng yên càng tốt.

Ở nhiều đơn vị điều trị ung thư, các bác sĩ giúp bệnh nhân luyện nín thở ngắn nhằm giúp trong khoảng thời gian ít ỏi đó, các chùm tia có thể tìm đến nơi cần tấn công chính xác nhất. Với khả năng nín thở trong vòng 6 phút, các bệnh nhân trong thí nghiệm đã có thể giữ cơ thể hầu như bất động lâu hơn người khác rất nhiều và nhờ đó hiệu quả của xạ trị tăng cao.

Trong một buổi điều trị khoảng 65 phút, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nín thở trong khoảng 41 phút, chia làm 9 phiên, thời gian còn lại để dành cho việc thiết lập phiên nín thở và phục hồi hơi thở sau phiên nín thở.

Bệnh nhân không cần thiết phải đạt đến mức 6 phút cũng đủ để liệu pháp có hiệu quả, bởi người bình thường chỉ nín thở khoảng 30 giây. Bệnh nhân được khôi phục hơi thở ngay nếu huyết áp tâm thu của họ tăng đến 180 mmHg. Có tới 67% tình nguyện có thể dễ dàng vượt qua 6 phút mà không bao giờ chạm tới giới hạn này.

Nghiên cứu vừa đăng tải trên Radiotherapy & Oncology, tạp chí khoa học của Hiệp hội Xạ trị và ung thư học Châu Âu. (498)

25.  Bệnh viện lừa người nhà, giữ bệnh nhân ghép tim ‘đã chết’ suốt 1 năm

Sau ca ghép tim, bệnh nhân rơi vào chết não nhưng bệnh viện nói dối gia đình để giữ bệnh nhân nằm viện suốt 1 năm.

Trung tâm y tế Newark Beth Israel, bang New Jersey, Mỹ vừa bị cáo buộc vi phạm đạo đức khi cố giữ bệnh nhân chết não nằm lại viện suốt 1 năm sau ca ghép tim vì lo sợ bệnh viện bị đánh tụt hạng.

Theo điều tra của Propublica, bệnh nhân Darryl Young, 61 tuổi đã thực hiện ghép tim tại bệnh viện Newark Beth Israel từ 21/9/2018. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào hôn mê rồi chết não (không có phản xạ với các nghiệm pháp thử nghiệm lâm sàng).

Nhân viên y tế bệnh viện biết việc này nhưng nhận được chỉ đạo mật, không được tiết lộ với gia đình.Thay vào đó, họ nói dối gia đình rằng ông Young chỉ bị hôn mê, não bị tổn thương nhẹ và sẽ sớm hồi phục.

Trong nhiều tháng ròng, người thân ông Young vẫn đến thăm đều đặn, thấy ông nằm im lìm với sự hỗ trợ của máy thở và bơm dinh dưỡng qua tĩnh mạch.Nhưng họ không biết rằng, với bệnh nhân chết não là chắc chắn chết, không có cách gì để phục hồi.

Nguyên nhân của hành động vô đạo đức này do bệnh viện Newark Beth Israel vốn là cơ sở y tế lớn nhất bang, là trung tâm ghép tạng hàng đầu, thời gian sống sót sau ghép tạng chính là thước đo mức độ uy tín của bệnh viện. Uy tín càng cao sẽ giúp bệnh viện thu hút bệnh nhân ngày càng đông và nhận được càng nhiều trợ cấp từ chính phủ, thông qua chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare (dành cho bệnh nhân trên 65 tuổi).

Nếu thời gian bệnh nhân sống sau ghép tạng bị rút ngắn, bệnh viện sẽ phải mời kiểm toán độc lập vào làm việc và số tiền phải chi trả có thể lên tới 2 triệu USD (46 tỉ đồng).Thay vào đó, họ chọn cách làm dễ dàng hơn là giữ bệnh nhân Young trong phòng chăm sóc đặc biệt với chi phí 3.100 USD/ngày (90 triệu/ngày) trong suốt 1 năm. Mọi việc chỉ được phát lộ khi Propublica có trong tay bản ghi âm ghi lại toàn bộ cuộc họp kín của BS Mark Zucker, trưởng đơn vị ghép tim và phổi của bệnh viện với các nhân viên vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua.

Một bác sĩ trong cuộc họp lên tiếng: “Như này là nói dối trắng trợn. Đây là việc làm rất phi đạo đức”.  BS Zucker thừa nhận: “Đúng, đây là giải pháp rất phi đạo đức nhưng rất tiếc, chúng ta không còn cách nào khác. Không ai cứu chúng ta nếu như bệnh viện bị đóng cửa”.

BS Zucker cũng chỉ đạo, phải giữ bệnh nhân Darryl Young sống tối thiểu đến 30/6/2019. 

Cũng trong các bản ghi âm thu thập được, Propublica cho biết, không riêng bệnh nhân Young, bệnh viện đã lấp liếm thời gian sống thực sau ghép tạng của nhiều bệnh nhân khác, bất chấp các quy định và đạo đức.

Đến tháng 7 vừa qua, nhân viên y tế của bệnh viện vẫn thông báo với chị gái của ông Young rằng ông vẫn đang hồi phục nhưng cần thêm thời gian.

Và đến ngày 21/9/2019, trước khi các bằng chứng của Propublica được tung ra, ông Young vẫn đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cơ thể đã nhiễm nấm và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy não sẽ hồi phục.

Dù vậy, sau khi bị phát giác gian dối thời gian sống của bệnh nhân, Medicare đã quyết định thay đổi chương trình hỗ trợ từ tháng 11 tới. Theo đó, tỉ lệ sống sót sau ghép tạng không được xem là căn cứ quyết định mức chi trả bảo hiểm. (684)

26.  Vì sao Singapore lại cấm quảng cáo đồ uống chứa nhiều đường?

Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm quảng cáo đồ uống đóng chai có chứa hàm lượng đường cao, để chống lại căn bệnh tiểu đường.

Theo Asia One, các loại đồ uống nhiều đường ở Singapore sẽ bị bắt buộc dán nhãn cảnh báo không lành mạnh, để góp phần trong việc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng béo phì và tiểu đường ở quốc gia này.

Trước đó, những kết quả nghiên cứu về tỉ lệ béo phì, tiểu đường ở đảo quốc Sư tử luôn đưa ra các con số đáng lo ngại. Tờ Straits Times của Singapore đã dẫn một kết quả khảo sát vào năm 2018 cho thấy trung bình mỗi ngày người Singapore tiêu thụ hết 12 muỗng đường, với sáu muỗng trong số này đến từ đồ uống. Điều này dẫn tới sự gia tăng các trường hợp béo phì, tiểu đường ở Singapore. Những kết quả này cũng được hãng thông tấn Bloomberg nhận định rằng: "Singapore và Malaysia là hai nước có tỉ lệ sử dụng đường trên đầu người cao hàng đầu thế giới".

Theo đó, để nâng cao sức khỏe cộng đồng, các loại đồ uống có hàm lượng đường từ trung bình đến cao ở Singapore đều phải dán nhãn mác bên ngoài để cánh báo khách hàng. Trong đó, nội dung nhãn phải kèm theo cảnh báo việc tiêu thụ nhiều đường không có lợi cho sức khỏe. 

Chính phủ nước này cũng nêu rõ các sản phẩm phải tuân theo quy định này gồm tất cả những đồ uống được đóng gói trong chai, hộp hoặc bịch từ nước giải khát, nước trái cây, sữa chua và các loại nước hỗn hợp.

Họ cũng sử dụng nhãn mác theo màu để cảnh báo người tiêu dùng về độ lành mạnh của thức uống, chia thành ba loại cơ bản là lành mạnh, trung tính và không lành mạnh tương ứng với ba màu khác nhau. Tuy nhiên, những nhãn cảnh báo này sẽ chỉ bắt buộc đối với đồ uống được phân loại vào nhóm không lành mạnh.Những sản phẩm nước uống lành mạnh khác có thể dán nhãn nếu muốn.

Điều này được ngài Bộ trưởng Y tế Singapore Edwin Tong khẳng định tại Đại hội Y tế & Y sinh Singapore tại Max Atria, cho biết các nhà sản xuất đồ uống tốt cho sức khỏe được khuyến khích sử dụng nhãn "để hỗ trợ cho việc ra quyết định của người tiêu dùng".

Được biết lệnh cấm quảng cáo đồ uống có đường sẽ bắt đầu từ năm 2020 và dự kiến sẽ mất từ 1-4 năm để các nhà sản xuất tuân theo lệnh cấm này. Với lệnh cấm này, Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo các loại đồ uống đóng gói nhiều đường.

Trong thông báo ngày 10-10, Bộ trưởng Y tế Singapore Edwin Tong cho biết lệnh cấm mới không hướng tới việc làm khó doanh nghiệp. Ông Tong nhấn mạnh việc sử dụng các nhãn mác cảnh báo người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn sáng suốt, khi sử dụng đồ uống có đường. Đồng thời lệnh cấm cũng khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có trách nhiệm và vì sức khỏe cộng đồng nhiều hơn.

Theo ông Tong, hệ thống nhãn mác cảnh báo theo màu để phân biệt lượng đường có trong đồ uống nhiều hay ít, đã được áp dụng trên 30 nước và thành công. Chẳng hạn như ở Chile, doanh số các đồ uống mang nhãn không lành mạnh đã giảm 25% chỉ sau một năm rưỡi.

Tuy nhiên, theo tờ Aisa One, mặc dù lượng đường trong đồ uống là mối lo lớn cho căn bệnh tiểu đường và béo phì ở Singapore nhưng không phải là yếu tố duy nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi theo cơ quan y tế nước này, hàm lượng chất béo bão hòa, hay lượng caffeine cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Tại Việt Nam, vào cuối năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đã ở mức báo động. Theo đó, WHO đã đưa ra các khuyến nghị về sự cần thiết phải kiểm soát việc tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm và béo phì đang gia tăng tại Việt Nam. (770)

27.  90% dân số thế giới sống chung với ô nhiễm không khí

Theo dữ liệu mới của WHO, trên thế giới, 9/10 người hít thở không khí có chất gây ô nhiễm cao. Số người chết do ô nhiễm không khí ở mức báo động 7 triệu người/năm. 

Trong đó, hơn 90% ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, ô nhiễm không khí góp phần gây bệnh phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và làm giảm tuổi thọ con người từ 1,5 - 2 năm. 

Ngoài ra, phơi nhiễm khí thải từ các phương tiện giao thông làm gia tăng 50% nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở các bệnh nhân mắc bệnh tim. Ô nhiễm còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như: chứng tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách hay bệnh trầm cảm.  Dường như không có nơi nào là an toàn trước tác động của ô nhiễm không khí vì vậy, mọi người cần có cách bảo vệ sức khỏe bản thân trước vấn nạn này. 

Thăm dò ý kiến