Điểm tin y tế tháng 11.2019

12/11/2019 | 15:44 PM

 | 

  1. Bệnh viện Chợ Rẫy có giám đốc mới

Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Tri Thức vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quyết định bổ nhiệm trở thành tân Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông sẽ giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện 5 năm kể từ tháng 11/2019.

Chiều 11/10, tại bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao quyết định bổ nhiệm Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Chợ Rẫy giữ chức Giám đốc bệnh viện. Đây là người kế nhiệm PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn (nguyên Giám đốc Chợ Rẫy) sau khi ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo quyết định được Bộ Y tế công bố, thời gian giữ chức vụ của BS Nguyễn Tri Thức là 5 năm, kể từ ngày 1/11/2019. BS-CKII Nguyễn Tri Thức sinh năm 1973 tại Bình Định, từng đạt nhiều danh hiệu, phần thưởng trong quá trình công tác: là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2007; Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2008; Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Chợ Rẫy (2006-2014); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012; Thầy thuốc Ưu tú năm 2017.

BS Nguyễn Tri Thức đã từng tham gia khóa học quản lý mô hình bệnh viện công, bệnh viện tư tại Singapore do Bộ Y tế tổ chức. Ông đã hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh (khóa 2014-2017) và đang chờ trình luận văn tốt nghiệp. Từ tháng 6/2019 đến nay ông Thức giữ chức Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp.

Cũng tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa lệnh Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng II cho GS.TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách quản lý điều hành bệnh viện. GS.TS Nguyễn Văn Khôi sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phó giám đốc Điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/10/2019.

Trong phát biểu chúc mừng tân giám đốc Nguyễn Tri Thức và GS Nguyễn Văn Khôi được trao tặng Huân chương Lao động, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành tại khu vực phía Nam đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tuyến cuối. Bộ trưởng Kim Tiến giao nhiệm vụ cho tân giám đốc và toàn thể bệnh viện trong thời gian tới cần đẩy mạnh khối đoàn kết, phát triển hoạt động chuyên môn phấn đấu đạt chứng nhận chất lượng JCI, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, từng bước nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên, sớm triển khai xây dựng và đưa Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 đi vào hoạt động. (522)

  1.  Bác sĩ 46 tuổi trở thành giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, 46 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trong 5 năm từ ngày 1/11. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, quê Bình Định, từng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2007, thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2008. Ông từng giữ chức Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh tại Campuchia, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch. Bốn tháng trước ông nhận nhiệm vụ là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nay trở thành Giám đốc.

Trao quyết định bổ nhiệm chiều 11/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết sau 4 tháng làm phó giám đốc, bác sĩ Thức nhận được sự tín nhiệm rất cao tập thể cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy cho vị trí mới. "Giữ chức giám đốc ở tuổi 46, tuy không phải quá trẻ nhưng đây là lứa tuổi sẽ có nhiều thời gian cống hiến", bà Tiến nói.

Theo bộ trưởng, thời gian tới bệnh viện cần tăng cường gửi nhiều bác sĩ ra nước ngoài học tập các kỹ thuật cao, phối hợp các bệnh viện TP HCM thành mạng lưới y tế chất lượng cao, giảm quá tải, duy trì đổi mới thái độ phục vụ của nhân viên y tế, lấy an toàn người bệnh làm hàng đầu, bệnh viện xanh sạch đẹp, chống nhiễm khuẩn, thu hút người nước ngoài, Việt kiều đến chữa bệnh, chăm lo bệnh nhân khó khăn...

Bác sĩ Thức chia sẻ áp lực nhận trách nhiệm lãnh đạo một trong những bệnh viện lớn nhất nước, là đầu tàu y tế phía Nam. Bệnh viện cần nỗ lực nhiều hơn trong bối cảnh ngành y tế đang trong giai đoạn có nhiều chuyển biến tích cực, từ đổi mới quản lý bệnh viện thời cách mạng 4.0, đến đổi mới phong cách giao tiếp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển chuyên môn, giảm tải và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước...

Chợ Rẫy là một trong 4 bệnh viện đầu tiên thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tự chủ hoàn toàn từ tháng 5/2019. Đây là bệnh viện đa khoa được xếp hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, tuyến kỹ thuật sau cùng các tỉnh thành phía Nam. Bệnh viện đang xây dựng cơ sở 2 tại Bình Chánh.

Sau khi phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận chức Thứ trưởng Y tế từ tháng 11/2018, giáo sư Nguyễn Văn Khôi giữ nhiệm vụ phó giám đốc điều hành bệnh viện trong một năm qua. Dịp này giáo sư Khôi được trao Huân chương Lao động hạng Nhì trước khi về hưu.   (490)

  1.  Miễn phí tiền giường bệnh, nếu điều trị 4 giờ trở xuống trong cùng một ngày

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Theo đó, giá tối đa dịch vụ khám bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương cao nhất là 450.000 đồng đối với cơ sở y tế khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động (không kể xét nghiệm, X-quang).

Cùng với đó, giá tối đa dịch vụ ngày giường bệnh điều trị được quy định rõ đối với từng loại dịch vụ khác nhau. Mức giá cao nhất là 782.000 đồng/ngày/giường bệnh điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy, tế bào gốc.

Đối với ngày giường trạm y tế xã, mức giá chung là 56.000 đồng, còn giá ngày giường bệnh ban ngày được tính bằng 0,3 lần giá ngày giường của các khoa và các loại phòng tương ứng.

Ngoài ra, giá của 1.937 dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện đã được quy định theo Thông tư thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.

Đáng chú ý, trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày, có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống ,thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền giường điều trị nội trú. Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định. (369)

  1.  Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết

Qua nghiên cứu, kinh nghiệm điều trị bệnh sốt xuất huyết của các bệnh viện tuyến cuối, khuyến cáo của tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong.Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác.

Các cơ sở y tế cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; các cơ sở y tế phải bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).

Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp tài liệu, tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, theo dõi phát hiện kịp thời các dấu hiệu cần khám lại, hạn chế quá tải các tuyến, sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định về sức khỏe thì cần được tư vấn, giải thích nhằm chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.

Mặc dù  ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, nhưng tại nhiều địa phương đang ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến.

Đơn cử tại Hà Nội, thời điểm này đang là đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm. Nếu như trong tháng 8/2019, Hà Nội ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì tháng 9/2019, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã.

Vào đầu tháng 10, những cơn mưa lớn tại Hà Nội đang dấy lên nỗi lo ngại về dịch sốt xuất sẽ tiếp tục lan mạnh trở lại, đặc biệt là những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trường xây dựng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến ngày 11/10, toàn thành phố đã ghi nhận gần 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng không có trường hợp tử vong. Trong khi đó thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng 9 số người mắc số xuất huyết là 8.128, tương đương tháng 8; đã có 9 trường hợp tử vong (2 trẻ em và 7 người lớn). Tại tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 5.300 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh nhân gia tăng đột biến khiến nhiều bệnh viện trên địa bàn quá tải, buộc phải cho người bệnh nằm ghép giường.

Từ giữa tháng 5, dịch sốt xuất huyết xuất hiện đầu tiên tại địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đến nay dịch đã lây lan ra trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực thành phố Đông Hà. Hiện tại, trên toàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận gần 3.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết, mưa không lớn, nắng nhiều, độ ẩm cao, nên đã làm phát sinh muỗi và bò gậy, điều này đã làm cho dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nơi tiếp nhận bệnh nhi ở các địa phương khu vực ĐBSCL, từ đầu năm đến cuối tháng 9 đã có hơn 2.100 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú và hơn 3.000 trường hợp điều trị ngoại trú, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này, bệnh nhi ở các quận, huyện thành phố Cần Thơ chiếm khoảng 50-60%. Còn lại đến từ một số tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Do số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao và liên tục, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã bố trí thêm giường bệnh dọc hành lang, hạn chế tình trạng 2 trẻ nằm 1 giường. (966)

  1.  Thuốc nội tiết kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành

Mẫu kiểm nghiệm thuốc viên nén Methylprednisolone 16 mg cho thấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hoà tan, buộc phải thu hồi trên toàn quốc.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ngày 11/10 đã ra thông báo thu hồi trên toàn thuốc loại thuốc Viên nén Methylprednisolone 16 mg, SĐK: VD-19224-13, Số lô: 804060; NSX: 20.04.2018, HD: 20.04.2021 do Công ty TNHH dược phẩm USA-NIC sản xuất.

Thuốc Methylprednisolon 16mg thuộc nhóm thuốc hóc môn, nội tiết tố. Thuốc chỉ định dùng khi bất thường chức năng vỏ thượng thận. Viêm da dị ứng, viêm đường hô hấp dị ứng, viêm khớp, thấp khớp, bệnh về máu. Viêm khớp dạng thấp. Lupus ban đỏ, hen phế quản, viêm loét đại tràng, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt. Bệnh dị ứng nặng bao gồm phản vệ; trong điều trị ung thư: leukemia cấp tính, u lympho, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt; hội chứng thận hư nguyên phát.

Cục Quản lý Dược yêu cầu công ty TNHH dược phẩm USA-NIC phối họp với nhà phân phối thuốc, gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng Viên nén Methylprednisolone 16 mg, SĐK: VD-19224-13, số lô: 804060 NSX: 20.04.2018, HD: 20.04.2021 trong thời hạn 48 giờ kể từ ngày ký Công văn.

Đồng thời gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 33 ngày kể từ ngày ký Công văn này, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/05/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan. (410)

  1.  Cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi

Cả nước hiện có khoảng 11 triệu người cao tuổi (NCT) và con số này tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Thế nhưng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện thiếu và yếu, đòi hỏi các ngành liên quan, chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp để giúp NCT có một tuổi già khỏe mạnh, vui vẻ, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển của địa phương, đất nước.

Già hóa dân số là một trong những xu hướng tất yếu ở mỗi quốc gia. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng 21 triệu người và vào năm 2050 tăng lên 27 triệu người. Hơn 65% số NCT sống tại nông thôn, làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh; một số NCT sức khỏe kém nhưng vẫn phải đi làm nông hoặc sống phụ thuộc con cháu. Chỉ khoảng 27% số NCT tại nước ta có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại 73% số NCT là đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống như sức khỏe, tinh thần và sống phụ thuộc con cháu. Chính vì NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội thấp, cho nên vẫn còn rất nhiều NCT phải tự lao động và kiếm sống hằng ngày. Ðáng chú ý, mặc dù NCT có tuổi thọ trung bình khá cao (73,5 tuổi), nhưng tuổi khỏe mạnh lại khá thấp (khoảng 64 tuổi). Tình trạng mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính, bệnh tuổi già chiếm tỷ lệ khá cao ở giai đoạn 64 - 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật kép (từ ba bệnh trở lên), gánh nặng kinh tế… làm cho chất lượng cuộc sống của phần lớn NCT rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NCT Việt Nam Nguyễn Ðắc Hữu cho biết: Công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT ở nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất là thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già ở nước ta chỉ khoảng 17 đến 20 năm... Ðiều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với NCT. Trong tổng số hơn 11 triệu NCT hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ NCT có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, họ vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống... Một bộ phận chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe; chưa được người thân quan tâm và phải sống cô đơn, không nơi nương tựa... Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta còn ít; hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và cung ứng việc làm cho NCT. Vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình... chưa thật sự được phát huy cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của NCT. Tại buổi tọa đàm "Tiến tới bình đẳng giới cho mọi lứa tuổi" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT vừa diễn ra tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, tuổi tác chỉ là con số. Hiện nay, rất nhiều NCT chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu, hoặc xem ti-vi, đọc sách, báo qua ngày; thiếu nhiều yếu tố làm cho tuổi già lành mạnh, sống khỏe. NCT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là những người có trí tuệ. NCT là nguồn lực có thể tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Tuy nhiên, để có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, cần tạo điều kiện cho NCT được làm việc, cống hiến.

Theo Tổng cục Trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, thế hệ trẻ hay thế hệ cao niên đều có giá trị theo cách riêng của mình. NCT vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội chứ không phải gánh nặng của xã hội. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện cho NCT làm việc, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý báu cho xã hội. Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta còn thiếu và yếu; nhất là những vùng nông thôn, miền núi. Cho nên, cần phải tăng cường truyền thông nhằm xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe cho NCT. Xây dựng và phổ biến mô hình, câu lạc bộ tại các địa phương để NCT có thể trao đổi kinh nghiệm sống, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tá, bác sĩ, điều dưỡng trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho NCT. Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên NCT làm những công việc phù hợp trí tuệ, kinh nghiệm và sức khỏe, vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống, vừa nâng cao tinh thần để có thể "sống khỏe, sống mạnh, sống an vui tuổi già". (1038)

  1.  Vụ chồng lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình: Bộ Y tế nói gì?

Bộ Y tế cho biết sẽ mời bệnh viện Bưu điện lên để làm rõ về sự việc người chồng lấy phôi thai trữ đông của vợ trong bệnh viện để giúp một phụ nữ khác mang thai.

Liên quan đến vụ người chồng lấy phôi thai trữ đông của mình với vợ trong bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) để giúp một phụ nữ khác mang thai, trao đổi với báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết, ngày 14/10 tới đây, bộ Y tế sẽ mời bệnh viện Bưu Điện lên để làm rõ về sự việc người chồng lấy phôi thai trữ đông của mình với vợ trong bệnh viện để giúp một phụ nữ khác mang thai.

“Thứ Hai tới, chúng tôi sẽ mời bệnh viện Bưu điện lên báo cáo cụ thể tình hình sự việc. Chúng tôi sẽ xem xét sự việc cụ thể, xem cái phôi đó của ai, ai quản lý, ai cho quyền bệnh viện phát phôi ra, phát phôi đi đâu?... Từ đó, mới rõ trách nhiệm của bệnh viện thế nào? hướng xử lý ra sao”, ông Quang cho biết thêm.

Thông tin về sự việc trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM cho hay, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu điện - nơi xảy ra sự việc hy hữu này, cho biết có hai vợ chồng có hai phôi lưu trữ tại bệnh viện.

Tháng 9/2018, người vợ đã sử dụng một phôi và sinh ra đứa con, một phôi còn lại vẫn để trữ đông trong bệnh viện.

Tháng 4/2019, người vợ nhận được điện thoại từ bệnh viện hỏi thăm sức khỏe thai nhi (từ phôi thứ hai) nên bất ngờ vì không chuyển phôi do không có ý định sinh thêm, và con sinh trước đó mới hơn bảy tháng.

Khi trao đổi với bệnh viện, người vợ mới biết phôi đã chuyển ngày 2/4/2019. Sau 14 ngày chuyển phôi, bệnh viện gọi cho người chồng thông báo đã đậu thai.

"Ông chồng đã lừa bà vợ lấy hết giấy tờ để đưa cho cô bồ đến bệnh viện chuyển phôi. Vì giấy tờ đầy đủ và đúng hết nên chúng tôi không phát hiện ra.

Việc kiểm soát bệnh nhân trước khi vào thì đều đầy đủ hết giấy tờ cả hai vợ chồng đều ký, CMND thì chụp cách đó mười mấy năm nên chúng tôi không nhận diện được đó không phải là bà vợ" - bác sĩ Nhã cho biết.

Về trách nhiệm của bệnh viện trong sự việc này, bác sĩ Nhã thừa nhận bệnh viện cũng có trách nhiệm là không nhận diện được bệnh nhân.

"Hậu quả của sự việc này để lại thực sự cũng không có gì. Bởi vì bản thân người vợ cũng không còn nhu cầu đẻ nữa, thậm chí bà ấy từng có ý định để hiến hoặc hủy đi và cô bồ của ông chồng có thai nhưng đã bị sảy rồi. Mục đích của người vợ muốn làm lớn chuyện lên là để người chồng mất việc" - bác sĩ Nhã nói.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nhã thông tin thêm: Để tránh sự việc tương tự xảy ra như trên, thứ Hai tới BV sẽ triển khai xây dựng hệ thống nhận diện bệnh nhân bằng mống mắt, vân tay, chứ không thể nhìn đối chiếu CMND, giấy đăng ký kết hôn...

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước câu chuyện hy hữu xảy ra tại bệnh viện Bưu Điện.Theo đó, bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, bà cùng chồng đã kết hôn vào năm 1990, có với nhau 4 con, người con lớn nhất đã 29 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.Bà N. cho hay do tuổi đã cao lại muốn có thêm con, bà cùng chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Bưu Điện để làm thụ tinh ống nghiệm. Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31/12/2017 và thành công, đến tháng 9/2018, bà sinh con thứ 4 là bé trai. Phôi còn lại, 2 vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.

Đến tháng 4/2019, khi đang chăm con trai được hơn 7 tháng, bà N. bất ngờ nhận được cuộc gọi của bệnh viện Bưu Điện hỏi về tình hình sức khoẻ thai nhi. Ngỡ ngàng một hồi lâu, bà N. hỏi phôi được chuyển khi nào, thì được thông báo, phôi chuyển vào ngày 2/4/2019 và gia đình báo đã đậu thai.

Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà N. tra hỏi chồng và ông đã thừa nhận lấy cắp phôi của vợ cho cô G.T.D. (45 tuổi ở Bắc Giang) mang thai.

Bà N. cho biết, giữa chồng bà và cô D. có mối quan hệ bất chính từ 2016. Cô D. đã có con gái lớn 17 tuổi nhưng chồng đã qua đời, giờ lại muốn có thêm con nên cũng từng đi chạy chữa ở nhiều nơi.

Đến tháng 2 vừa qua, chồng bà N. đưa cô D. đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Bưu Điện để làm thủ tục cấy phôi cho cô D. (thực chất là phôi của bà N.).

Để hợp pháp hoá thủ tục, chồng bà N. đã làm giả giấy uỷ quyền của vợ, giả cô D. là bà N. để qua mắt nhân viên rà soát của bệnh viện, cung cấp cho cô D. toàn bộ các dữ liệu liên quan đến bà N. cũng như cuộc hôn nhân của 2 vợ chồng, ngày đăng ký kết hôn, tên các con... để trả lời khi bị hỏi. (991)

  1.  Hà Nội: Trên 2.400 cơ sở thực phẩm bị xử phạt

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, kết quả 9 tháng năm 2019, ngành Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra, giám sát 50.576 lượt cơ sở, phạt tiền 2.405 cơ sở với số tiền phạt gần 6,76 tỷ đồng.Để quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thời gian qua cơ quan này đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ lực lượng để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, UBND cấp quận, huyện, xã, phường đã thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Kết quả, đến ngày 10/9, cấp huyện đã tổ chức thanh tra 288 cơ sở, xử phạt 93 cơ sở, số tiền phạt trên 309 triệu đồng; cấp xã tổ chức kiểm tra 639 cơ sở, xử phạt 173 cơ sở, số tiền phạt trên 342 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, hiện còn khó khăn trong triển khai công tác này. Cụ thể, đa phần các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra lần đầu.

Thêm vào đó, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế, quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai.

Ngoài ra, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra. Tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Trên phạm vi cả nước, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, trong 9 tỉnh, thành phố, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm một cách bài bản và nghiêm túc. Trong khi nhiều địa phương khác còn lúng túng khi triển khai. Tuy nhiên, các đoàn thanh tra cấp cơ sở hiện mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế.

Để công tác thanh tra đạt hiệu quả theo ông Long các địa phương cần tiến hành thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện hơn. Đặc biệt, cái gốc của vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm chính là sản phẩm nông nghiệp.

"Một vấn đề nóng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn hiện nay chính là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trong thời gian tới, TP. Hà Nội nên đặt ra nhiệm vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cụ thể, về lĩnh vực y tế kiểm tra bao nhiêu cơ sở, lĩnh vực công thương và nông nghiệp kiểm tra bao nhiêu cơ sở", ông Long nêu. (628)

  1.  Sở Y tế Bình Định thu hồi 11 thuốc chứa tạp chất có nguy cơ gây ung thư

Ngày 12/10, tin từ Sở Y tế Bình Định cho biết đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp bán buôn thuốc và phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố thu hồi 11 loại thuốc chứa Ranitidine có chứa tạp chất chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt giới hạn cho phép.

Trước đó, Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA), Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) có thông báo về việc thu hồi các thuốc chứa Ranitidine do phát hiện chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư ở hàm lượng vượt quá ngưỡng cho phép của quốc tế.

Theo đó, 11 thuốc bị Cục Quản lý Dược thu hồi có hàm lượng Ranitidine 150 mg/10ml, 150 mg/25 ml và 150 mg, xuất xứ từ Ấn Độ, Tây Ban Nha, Italy, Anh, Thái Lan, Malaysia. Cụ thể là Aciloc 150 mg, Aciloc 300 mg, Apro-Ranitidine 150 mg, Zantac Tablets, Zantac Injection, Ratylno-150, Hyzan Tablet 150 mg, Neoceptin R-150 Tablet 150 mg, Vesyca film coated tablet 150 mg, Xanidine Tablet 150 mg, Zantac Syrup 150 mg/10 ml.Ranitidine là thành phần chính trong các thuốc chữa dạ dày và ruột.

Sở Y tế Bình Định yêu cầu các đơn vị trực thuộc thông báo đến các bộ phận thuộc quyền; các doanh nghiệp bán buôn thuốc thông báo cho các cơ sở bán lẻ trực thuộc; Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn để thu hồi thuốc các thuốc nêu trên (nếu có sử dụng, kinh doanh) trả lại nơi cung ứng, đảm bảo các thuốc nêu trên không còn lưu thông trên thị trường trong phạm vi toàn tỉnh.

Thu hồi 2 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Sở Y tế Bình Định cũng cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp bán buôn thuốc và phòng Y tế tuyến huyện thu hồi toàn bộ 2 lô thuốc Desratel (Desloratadin 5mg) và thuốc Cetirizin (Cetirizine 2HCL 10mg) không đạt tiêu chuẩn chất lượng, theo thông báo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Đó là lô thuốc viên nén dài bao phim Cetirizin (Cetirizine 2HCl 10mg), SĐK: VD-19303-13, số lô 002171, hạn dùng 14/4/2020, do Công ty CP Dược phẩm 3/2 sản xuất, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan (vi phạm mức độ 3). Đây là thuốc kháng histamin mạnh có tác dụng chống dị ứng, thường được sử dụng để điều trị tình trạng ngứa và sưng do viêm mũi dị ứng kéo dài và theo mùa, cảm lạnh, nổi mày đay, phù mạch, phản ứng phản vệ, ngứa, viêm kết mạc dị ứng.

Thuốc viên nén bao phim Desrated (Desloratadin 5mg), SĐK: VD-28452-17, số lô 190157, hạn sử dụng 19/2/2022, do Công ty CP Dược phẩm Đạt Vi Phú sản xuất, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng (vi phạm mức độ 2).

Desrated sử dụng trong giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm như hắt hơi, sổ mũi, ngứa, nghẹt mũi, kèm kích ứng mắt, giảm các triệu chứng mày đay mạn tính tự phát. (569)

  1.  Đi bộ, giảm cân, ăn uống lành mạnh phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư

Bên cạnh ăn cho lành, uống cho sạch thì tập luyện đều có thể giúp mỗi người phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư. Từ bỏ thói quen lười vận động, mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút là giải pháp đơn giản không chỉ phòng được ung thư mà còn tránh bệnh mạn tính.

Thống kê của GLOBOCAN năm 2018 cho thấy, Việt Nam với dân số gần 96,5 triệu người thì có hơn 164,6 nghìn ca ung thư mới mắc, trong đó có 114.871 người tử vong do ung thư và 300.033 người đang sống chung với ung thư. Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam các loại ung thư gan, phổi, dạ dày, đại – trực tràng đang là nhóm bệnh tấn công dữ dội nhất trên cả 2 giới (nam – nữ) ở Việt Nam. Phụ nữ còn chịu thêm gánh nặng của ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Trong đó 3 loại ung thư thường gặp hàng đầu là gan, phổi và dạ dày.

Ung thư là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng không phải là án tử nếu biết cách phòng tránh, chủ động bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ thống phòng thủ cho cơ thể. Ngoài việc ăn sao cho lành, uống như thế nào cho sạch thì tập luyện đều là những giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo có thể giúp mỗi người có thể phòng ngừa 40% nguy cơ mắc ung thư.

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, ăn uống vô độ nạp quá nhiều chất béo nhưng lại lười vận động là nguyên nhân dẫn tới béo phì làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư do cơ thể sản xuất nhiều estrôgen và insulin, các hormon này kích hoạt sự phát triển của tế bào sinh ung. Các bằng chứng khoa học cho thấy hoạt động thể lực giúp phòng ngừa các loại ung thư, trong đó 3 loại ung thư đặc hiệu là: ung thư đường ruột, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Hoạt động thể lực thường xuyên không những giúp giảm nguy cơ mắc ung thư còn đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân nặng, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Vận động giúp giảm lượng hormon gây nguy cơ ung thư vú và ung thư tử cung trong cơ thể. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tăng tốc độ vận chuyển thức ăn qua đường ruột giúp giảm nguy cơ ung thư đường ruột. Hoạt động thể lực được hiểu là bất kỳ cử động nào cần sử dụng cơ bắp với các cường độ nhẹ, trung bình, nặng.

Hoạt động thể lực không cần cầu kỳ mà phải tập đều mỗi ngày, tối thiểu 45 phút đối với nam và 40 phút đối với nữ. Các hoạt động trung bình có thể thực hiện với những giải pháp đơn giản như bách bộ, đạp xe, làm vườn, chăm sóc nhà cửa kèm với hít thở sâu, đầy. Nếu muốn cải thiện sự sung sức cần hoạt động thể lực mức độ trung bình 60 phút hoặc hoạt động thể lực cường độ nặng 30 phút mỗi ngày. Tập luyện cật lực vận dụng cơ bắp giúp tim đập nhanh hơn, thở hít mau hơn, sâu hơn, ra nhiều mồ hôi hơn.

Để tránh bệnh lười vận động, tạo điều kiện cho ung thư tấn công, BS Trần Trọng Nhân, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115 khuyến cáo mỗi người cần hạn chế tối đa những thói quen ngồi tĩnh tại như xem tivi, nằm chơi, lướt web, chơi game… Nên từ bỏ thói quen ít vận động để trở nên năng động hơn bằng các hành động đứng nói chuyện điện thoại thay vì ngồi; tránh xem tivi hay dùng internet nhiều giờ vào buổi tối; nên đi dạo cùng bạn bè sau bữa trưa; đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc 15 phút vào buổi sáng, buổi tối.

Nếu đi lại bằng xe hơi nên đậu xe xa vị trí muốn đến và xuống đi bộ; nếu đi lại bằng các phương tiện công cộng nên xuống xe sớm và đi bộ hết quãng đường còn lại. Đi thang bộ thay vì thang máy; cuối tuần nên vận động nhiều hơn cùng với gia đình và bạn bè, đi bộ dạo phố hoặc đến viện bảo tàng, các cửa hàng gần nhà; làm việc nhà khoảng 30 phút như nhổ cỏ, lau chùi nhà tắm, nhà cửa, tự rửa xe, hút bụi, quét nhà, quét sân; để tạo thói quen hoạt động thể lực cường độ trung bình – nặng nên chọn những môn thể thao mình thích như khiêu vũ, bơi lội, đá bóng, bóng rổ, cầu lông...      

Nên gặp bác sĩ để được tư vấn giúp giữ trọng lượng cơ thể hợp lý nhất dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) tính cân nặng lý tưởng. BMI = (cân nặng (kg)/chiều cao (m))2. Nên duy trì BMI là 21 (nữ) và 22 (nam). Đo thành phần cơ thể và đưa phần trăm mỡ cơ thể về giới hạn bình thường: nam từ 10-20% cân nặng, 18-28% đối với nữ. (904)

  1.  Bé 5 tuổi bị nhiễm vi khuẩn Whitmore

Đây là ca bệnh thứ 2 được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp nhận, điều trị bệnh nhân bị nhiễm Whitmore từ đầu tháng 10 đến nay.

Ngày 12/10, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, bệnh viện này đang tiếp nhận điều trị bệnh nhi P.B.B.N (5 tuổi, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị nhiễm Whitmore.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cho biết, hiện sức khỏe bệnh nhi cũng ổn, bé tỉnh táo, chơi, ăn uống bình thường, không ho, không sốt. Bệnh viện đã báo cáo ca bệnh cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Bác sĩ Toàn cũng cho biết, hiện bệnh nhi đang được bệnh viện điều trị tích cực với các kháng sinh: Ceftazidim tiêm tĩnh mạch, Augmentin uống, Paracetamol uống và điều trị hỗ trợ nâng cao thể trạng.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi nhập viện ngày 3/10, với triệu chứng ban đầu là sưng dưới góc hàm trái, kích thước khoảng 3x2 cm, nóng, đỏ, đau.

Người nhà cho biết, bé bị sốt đã lâu, gần đây nổi hạch góc hàm nên gia đình đình xin vào viện để khám, điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị áp-xe tuyến mang tai trái nghi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên bệnh Whitmore.

Kết quả cận lâm sàng cũng xác định là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, kháng sinh đồ nhạy với ceftazidim.

Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, đây là ca bệnh Whitmore thứ 2 được phát hiện và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định - phần mở rộng cũng tiếp nhận điều trị kịp thời ca bệnh Whitmore cho bệnh nhân N.T.N (29 tuổi, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). (352)

  1.  Phát hiện 1.000 con gà nhiễm cúm A/H5N6

Ngày 12/10, ông Đặng Văn Nam (Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6.

Trước đó, ngày 7/10, ông Nguyễn Đình Tập (trú tại thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan) phát hiện đàn gà 1.000 con của gia đình bị ốm. Trong đó, có 150 con gà đã chết và có biểu hiện của bệnh cúm gia cầm. Ngay lập tức, ông Tập đã báo cáo cho cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý.

Ngày 9/10, nhận được tin báo của hộ ông Nguyễn Đình Tập về đàn gia cầm của gia đình có các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm gia cầm chết rất nhanh và đồng loạt, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan Thú y Vùng V để xét nghiệm.

Ngay sau khi có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6, UBND xã Đăk Kan đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nói trên của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tập gồm 980 con gà 45 ngày tuổi theo đúng quy định của pháp luật. (219)

  1.  Quảng Bình: Tái xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi

Trên địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mới đây đã tái xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã công bố dịch, tiến hành tiêu hủy 38 con lợn để tránh dịch lây lan.

Thông tin Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn vừa tái xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, tại xã Xuân Hóa, ổ dịch được phát hiện trên đàn lợn 30 con của hộ gia đình ông Đinh Văn Di, thôn Tân Xuân. Ông Di cho biết, lúc đầu một con lợn nái trong đàn có triệu chứng bỏ ăn, mặc dù đã tiêm thuốc điều trị nhưng không khỏi, sau đó lây lan ra đàn lợn con.Sau khi ông Di báo cáo tình hình, cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Xã Xuân Hóa cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi.

Ổ dịch thứ 2 nằm ở xã Trọng Hóa, mẫu xét nghiệm lấy từ đàn lợn 8 con bị ốm, chết của hộ gia đình ông Hồ Xây ở bản K-Oóc cũng cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Hiện tại, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Minh Hóa đã công bố dịch; tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 30 con ở xã Xuân Hóa và 8 con ở xã Trọng Hóa. Đồng thời chỉ đạo công tác vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao nhiễm dịch và cắm chốt để tiêu độc khử trùng, kiểm soát dịch bệnh nhằm không để dịch lây lan. (344)

  1.  Xuất hiện tình trạng mạo danh bác sĩ lừa đảo ở Đác Lắc

Sáng 12-10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đác Lắc Nay Phi La cho biết: Sở Y tế tỉnh Đác Lắc vừa ban hành văn bản gửi các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thông báo các hành vi mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đác Lắc, vừa qua Sở Y tế nhận được một số phản ánh của đơn vị và người dân trong tỉnh về tình trạng mạo danh, giả danh y, bác sĩ, các tổ chức của ngành y tế để quyên góp, kêu gọi, ủng hộ, bán sách chuyên ngành về y tế, phòng, chống bệnh ung thư...Đồng thời, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép.

Giám đốc Sở Y tế Đác Lắc Nay Phi La cho rằng: Các hành vi mạo danh, lợi dụng danh nghĩa của ngành y tế làm mất uy tín, tổn hại hình ảnh của ngành Y tế Đác Lắc và ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân.

Vì vậy, Sở Y tế Đác Lắc khuyến cáo các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn trên. Sở Y tế Đác Lắc cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến các tổ chức, người dân nhằm cảnh giác các hành vi trên.

Các đơn vị, cơ quan, người dân trên địa bàn tỉnh khi phát hiện các đối tượng, tổ chức mạo danh, giả danh y, bác sĩ, tổ chức của ngành y tế để lừa đảo thì kịp thời thông tin cho ngành y tế và các ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý. (330)

  1.  Hội thảo chuyên đề “Chất lượng bệnh viện và cơ chế thanh toán giá dịch vụ y tế, tiếp cận cơ chế tự chủ bệnh viện công lập”

Ngày 12-10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chất lượng bệnh viện và cơ chế thanh toán giá dịch vụ y tế, tiếp cận cơ chế tự chủ bệnh viện công lập”.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội và các cơ sở y tế trên toàn tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được trao đổi các Chuyên đề: Tự chủ bệnh viện công - thực trạng, khó khăn, thách thức và giải pháp; Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh; Chi trả của BHYT cho bệnh viện...

​Hội thảo chuyên đề “Chất lượng bệnh viện và cơ chế thanh toán giá dịch vụ y tế, tiếp cận cơ chế tự chủ bệnh viện công lập”

Tham gia hội thảo, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ tại các bệnh viện công lập. Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi các vấn đề về nâng cao năng lực quản lý bệnh viện công lập khi thực hiện tự chủ tài chính và những lưu ý đối với việc thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật đảm bảo quyền lợi cho cả người bệnh và bệnh viện; về những cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức, bất cập trong thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công lập thời gian qua.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện tự chủ; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công lập. (358)

  1.  Môi trường không khói thuốc lá đang được nhân rộng

Thuốc lá có hại cho sức khoẻ, hậu quả của việc sử dụng thuốc lá chính là gánh nặng kinh tế và bệnh tật … có lẽ đại đa số người dân đã nhận thức được điều đó.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tác hại do thuốc lá gây ra lại không hề đơn giản. Bởi vậy, việc truyền thông và thực hiện các biện pháp ngăn chặn hậu quả của nó đang được các bộ ngành có liên quan và các tổ chức xã hội, đoàn thể đặc biệt quan tâm và thực hiện.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm 2018 và 2019, thời gian qua, các chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đã được xây dựng, ban hành và bổ sung, sửa đổi kịp thời, bám sát nội dung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay, có 20 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Theo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, hai năm qua, tỷ lệ giảm hút thuốc lá ở nhiều địa phương đã cho thấy kết quả đáng mừng. Năm 2018 đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 (là 45,3%) như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An… (với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 32,3 đến 45%). Tỷ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng giảm, tại nơi làm việc giảm 13,3%; trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%...

Thực tế cho thấy, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng các đợt kiểm tra, thanh tra và số tiền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Điển hình gần đây nhất, cuối tháng 9-2019, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP Hà Nội và Công an TP HCM có đợt kiểm tra, xử lý các khách sạn, nhà hàng vi phạm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá, xử phạt hàng chục khách sạn với số tiền lớn. Hiện việc kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này vẫn được tiếp tục tiến hành ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Đặc biệt, môi trường không khói thuốc đã được thực hiện khá nghiêm túc ở nhiều điểm công cộng, nhất là ở bệnh viện, trường học. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, bước chân vào lối cổng chính là vườn hoa sạch sẽ, mát mẻ cho bệnh nhân và người nhà ngồi dưới bóng cây. Đó cũng là nơi có tấm biển đề “Cấm hút thuốc lá trong bệnh viện”.

Quan sát tại đây, chúng tôi nhận thấy quy định này được thực hiện nghiêm túc, không hề bắt gặp một hình ảnh vi phạm nào. Ở một số bệnh viện khác tại Hà Nội, hễ một ai đó cầm trên tay điếu thuốc lá là ngay lập tức bảo vệ bệnh viện sẽ nhắc nhở. Đó là hiệu quả của công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của thuốc lá và chấp hành quy định.

Sau hơn sáu năm thành lập (2013-2019), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 15 sáng 4-10, Chính phủ báo cáo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về kết quả hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm qua, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ (Bộ Y tế) nêu ý kiến cần tiếp tục duy trì Quỹ để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. (797)

  1.  Các bộ lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp xây dựng và đã hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch quy định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; Dự thảo gồm 05 chương 25 điều.

Theo đó, Thông tư liên tịch này quy định về nguyên tắc thi hành án tử hình, ra quyết định thi hành án tử hình, thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình, hoãn thi hành án tử hình, hồ sơ thi hành án tử hình, việc cho nhận, mai táng tử thi, tro cốt, hài cốt đã bị thi hành án tử hình và trách nhiệm của các cơ quan: Công an, Quân đội, Y tế, Ngoại giao, Tài chính, Tòa án và Viện kiểm sát trong việc tổ chức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Việc ra quyết định thi hành án tử hình được quy định tại Điều 5. Theo đó, sau khi kiểm tra hồ sơ của người bị kết án tử hình, xác định người bị kết án không thuộc trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình quy định tại Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 77 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trường hợp trong một vụ án có nhiều người bị kết án tử hình thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án đối với từng người bị kết án tử hình trong vụ án đó.

Ngoài ra, trường hợp một người bị kết án tử hình nhiều lần do nhiều Tòa án khác nhau tuyên án, thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm lần cuối cùng đã tuyên án tử hình có trách nhiệm ra quyết định thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình đó.

Dự thảo thông tư liên tịch cũng nêu Điều 10 quy định về việc hoãn thi hành tử hình, theo đó Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 trong các trường hợp như dưới đây.

Có thông tin do người bị kết án hoặc người khác khai báo hoặc do Hội đồng thi hành án tử hình biết được từ những nguồn tin khác, mà xét thấy những thông tin này là có căn cứ và có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án hoặc là chứng cứ để khởi tố vụ án mới, người phạm tội mới và nếu thi hành hình phạt tử hình đối với họ thì có thể gây khó khăn lớn cho việc giải quyết vụ án, việc mở rộng điều tra vụ án.

Hội đồng thi hành án tử hình nhận được yêu cầu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hoãn thi hành án tử hình.

Bên cạnh đó, còn có các trường hợp khác như trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác, không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;

Trường hợp trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không lấy được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được;

Trường hợp đã thi hành án tử hình theo đúng quy định của pháp luật nhưng người bị thi hành án không chết.

Dự thảo cũng nêu Điều 21 việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người đã bị thi hành án tử hình.

Đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình phải được gửi cho Chánh án Tòa án đã ra thông báo quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo. Đơn xin nhận tử thi, tro cốt về mai táng phải bảo đảm các nội dung được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 83 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. (900)

  1.  Hàng triệu đàn ông Việt có nguy cơ "ế vợ"

Với 55/63 tỉnh, thành có tỉ số giới tính khi sinh cao ở mức báo động, hơn 4 triệu đàn ông Việt Nam có thể lâm vào cảnh "ế vợ" trong tương lai

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động khi liên tục lập mốc mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái thì 20 năm sau, tỉ số này là 115 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100 bé gái).

Thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng ở cả nông thôn và thành thị. Sơn La đứng đầu về tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 bé trai/100 bé gái. Tiếp đến là Hưng Yên 118,6 bé trai/100 bé gái; Bắc Ninh 117,6 bé trai/100 bé gái; Thanh Hóa 117,2 bé trai/100 bé gái; Hải Dương 116,3 bé trai/100 bé gái.

55/63 tỉnh, thành trên cả nước có tỉ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Với tỉ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Riêng tại Hà Nội, tỉ số giới tính khi sinh đã giảm từ 114,5 bé trai/100 bé gái năm 2015 còn 112,8 bé trai/100 bé gái trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng vẫn ở mức cao. Còn tại TP HCM, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, sơ kết công tác dân số 9 tháng năm 2019 công bố tỉ số giới tính khi sinh tại TP là 108,3 bé trai/100 bé gái, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (111,2 bé trai/100 bé gái).

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa từ 2,4-4,3 triệu đàn ông Việt có nguy cơ "ế vợ". Trước đó, nhiều chuyên gia dân số từng cảnh báo những nam giới được sinh sau năm 2000 sẽ có nguy cơ khó lấy vợ.

Đề nghị xử lý hình sự việc lựa chọn giới tính

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta hiện nay. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính càng trầm trọng ở cả những cặp vợ chồng có trình độ học thức cao, điều kiện kinh tế tốt.

Với hôn nhân "một vợ, một chồng" trong khi thừa nam, thiếu nữ, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều" bởi với chính sách dân số 2 con như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất tới gần 40 năm để vận động, truyền thông nhưng cũng chưa thể thành công ở tất cả vùng miền. Trong khi đó, để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ hàng ngàn năm là chuyện không dễ dàng. Để làm được điều này, điều kiện kinh tế - xã hội cần phát triển hơn nữa. Phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái. "Làm thế nào để khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ. Phải tăng cường khung pháp lý, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh" - GS-TS Nguyễn Đình Cử nói.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỉ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh.

TP HCM: Phụ nữ "sợ đẻ", số hộ một người tăng

Ngày 11-10, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TP.

Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2019, toàn TP HCM có 8.993.082 người, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009, trở thành TP đông dân nhất nước và có số hộ lớn nhất cả nước. Tỉ lệ tăng dân số bình quân 10 năm qua là 2,28%/năm. Số hộ dân ở TP là 2.558.914 hộ, tăng hơn 743.000 hộ, chiếm gần 1/2 số hộ tăng của cả vùng Đông Nam Bộ và chiếm gần 1/6 số hộ tăng của cả nước.

Cơ cấu hộ từ 1-3 người có xu hướng tăng và trong năm 2019 chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 54%. Ngược lại, quy mô hộ gia đình có từ 7 người trở lên chỉ chiếm gần 5,4%. Trong 10 năm qua, quy mô hộ gia đình chỉ có 1 người tăng cao nhất, từ tỉ trọng 7,42% năm 2009 đã tăng lên đến 12,47% năm 2019.

Ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, nhìn nhận TP đang đối mặt với quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mất cân bằng giới tính.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết TP HCM là 1 trong 16 tỉnh, thành phát triển về kinh tế - xã hội có mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con. Đáng chú ý, TP HCM có tỉ lệ sinh thấp nhất nước, xuống dưới 1,5 con.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, TP HCM có lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể để con tự đi học. Đó là một trong những lý do khiến phụ nữ "sợ đẻ".

Về giải pháp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay trước đây, công tác dân số tại TP chỉ tập trung vào nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh. Hiện nay, công tác dân số cùng lúc cần triển khai đồng bộ 6 nội dung sau: Duy trì hợp lý mức sinh thay thế; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số hợp lý với quá trình phát triển.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp, bao gồm TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL.

Năm 2020, dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội Luật Dân số, trong đó đề nghị xử lý hình sự hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. (1480)

  1.  Việt Nam hiện có khoảng hai triệu người mù và thị lực kém

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2019 và tôn vinh những người hiến tặng giác mạc do Bệnh viện Mắt Trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống mù lòa (Bộ Y tế) tổ chức, PGS, TS Cung Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tại Việt Nam hiện có khoảng hai triệu người mù và thị lực kém, 1/3 trong số đó là người nghèo không có tiền điều trị.

Hơn 80% số người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Bên cạnh đó, công tác phòng, chống mù, lòa xuất hiện những thách thức mới như tỷ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường, bệnh glôcôm cũng ngày càng tăng cao... (189)

  1.  Thêm một bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM và Ví điện tử MoMo vừa tổ chức ký kết hợp tác chiến lược, thúc đẩy việc đưa tiện ích thanh toán điện tử Ví momo vào hệ thống thanh toán của BV.

Hiện BV Đại học Y Dược TPHCM đã triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động thông minh, đồng thời đa dạng hóa phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như bằng máy POS, chuyển khoản, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán, Web, App, thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc (18 chuỗi cửa hàng), thanh toán bằng Internet Banking, Mobile Banking và mới đây là thanh toán bằng Ví momo.

BV đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân có nhiều kênh lựa chọn theo nhu cầu của mình, phù hợp với từng vùng miền và điều kiện tiếp cận công nghệ.

Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh, người nhà bệnh nhân đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không cần phải đem một lượng tiền mặt lớn khi đến BV, người nhà người bệnh có thể thanh toán thay viện phí bằng nhiều hình thức khác nhau và không mất thời gian để thanh toán, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp BV quản trị hiệu quả, an toàn.

Đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 35% tổng số viện phí thanh toán (với khoảng 8.500 lượt người khám, chữa bệnh mỗi ngày) tại BV Đại học Y Dược TPHCM. (310)

  1.  Rút ngắn quy trình cấp phát thuốc

Theo số liệu khảo sát của Sở Y tế TPHCM, tỷ lệ người bệnh không hài lòng ở khâu cấp phát thuốc tại các bệnh viện (BV) công luôn chiếm hàng đầu; số lượt gọi đường dây nóng bức xúc vì dành phần lớn thời gian chờ cấp phát thuốc cũng rất phổ biến.

Tuy nhiên, tại BV Quận Phú Nhuận, thực trạng này đã được giải quyết triệt để nhờ cải tiến quy trình khám chữa bệnh, cung cấp thông tin thuốc nhanh, kịp thời, góp phần giúp bác sĩ kê đơn an toàn, hạn chế tương tác thuốc bất lợi... nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị.

Thời gian lãnh thuốc chỉ còn 12 phút

Mới 7 giờ sáng, tại Khoa Khám bệnh BV Quận Phú Nhuận đã có rất đông bệnh nhân. Ngồi chờ con trai lấy xe khi đã hoàn tất thủ tục khám chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Ái Trang (56 tuổi, ngụ phường 3 quận Phú Nhuận) cho hay hàng tháng đều phải đến BV tái khám, nhận thuốc tiểu đường và cao huyết áp.

“Những năm trước, con trai đưa tôi đến BV rồi về đi làm vì tôi phải chờ đợi khám rất lâu, sợ trễ giờ làm việc của con. Nhưng dạo gần đây, khoảng hơn 6 giờ hai mẹ con đến BV để được khám và nhận thuốc, sau đó đưa tôi về nhà mà con vẫn kịp đến công ty. Nếu như trước kia phải chờ đợi, từ xếp hàng để được thăm khám, đến lãnh thuốc, thì nay quá trình đó cũng đã diễn ra nhanh gọn hơn, nhất là khi khám xong xuống lãnh thuốc thì thuốc đã có trong bịch để đem về, không mất công chờ đợi”, bà Ái Trang cho hay.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Minh, Giám đốc BV Quận Phú Nhuận, trước kia khi bệnh nhân thăm khám xong, đến Khoa Dược lãnh thuốc sẽ mất thêm một khoảng thời gian chờ đợi để nhân viên kiểm tra đơn thuốc rồi mới bắt đầu soạn thuốc, dẫn đến tình trạng đầu giờ chưa có đơn thuốc để phát, cuối giờ dồn đơn, bệnh nhân và nhân viên đều rất mệt mỏi. Trước thực trạng đó, BV thực hiện đề án cải cách thủ tục hành chính rút ngắn quy trình cấp phát thuốc nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Cụ thể, sau khi bác sĩ khám và kê đơn thuốc xong, đơn thuốc sẽ được phần mềm cấp số thứ tự. Thông tin về đơn thuốc và số thứ tự sẽ được chuyển xuống máy vi tính của Khoa Dược. Tại đây, nhân viên tiến hành soạn thuốc và sắp xếp các khay thuốc đã được soạn theo số thứ tự.

Bệnh nhân được mời nhận thuốc thông qua hệ thống gọi số thứ tự tự động. Quy trình cấp phát thuốc mới đã hạn chế tối đa sự nhầm lẫn, người bệnh cũng không còn thắc mắc, khiếu nại về việc nộp đơn thuốc trước nhưng được nhận thuốc sau.

“Quy trình mới đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian chờ đợi cho người bệnh, bản thân nhân viên Khoa Dược cũng được giảm tải áp lực khi hoàn tất công việc cấp phát thuốc cho người bệnh nhanh chóng, kịp thời mà không phải làm ngoài giờ, cũng như không bị bệnh nhân phàn nàn. Người bệnh dựa vào số thứ tự trên đơn thuốc dễ dàng xác định khoảng thời gian đến lượt lấy thuốc của mình. Quy trình cấp phát thuốc mới đã thể hiện hiệu quả thiết thực, rút ngắn tối đa thời gian chờ lãnh thuốc của bệnh nhân, trung bình 12 phút (trước đây là 34 phút) kể từ khi bác sĩ kê đơn xong và cấp số thứ tự nhận thuốc cho người bệnh”, bác sĩ Võ Văn Minh cho hay.

Quyết tâm cải tiến

Theo bác sĩ Võ Văn Minh, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của BV nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân. BV Quận Phú Nhuận là bệnh viện đa khoa công lập duy nhất đóng trên địa bàn quận Phú Nhuận, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của gần 200.000 người dân trong quận (phần lớn bệnh nhân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh mãn tính, phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc).

Trước áp lực bệnh nhân đông, thời gian để bác sĩ tra cứu tương tác thuốc rất hạn hẹp, nên nếu chỉ dựa vào trí nhớ của bác sĩ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tương tác thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Do vậy, quy trình cấp phát thuốc mới không chỉ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, mà còn ngăn ngừa được nguy cơ để xảy ra tương tác thuốc.

Bên cạnh đó, BV Quận Phú Nhuận cũng triển khai quy trình thu phí một lần nhằm rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của bệnh nhân. Người bệnh vào BV chỉ cần nộp thẻ bảo hiểm y tế, trước khi được phát, lãnh thuốc sẽ thu viện phí một lần, người bệnh không phải tạm ứng viện phí trong quá trình khám bệnh. Bộ phận thu phí là khâu trả thẻ cuối cùng cho bệnh nhân sau khi thu đủ các khoản phí mà bệnh nhân phải đóng.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong nỗ lực cải tiến quy trình khám chữa bệnh, các BV đều có những sáng kiến, định hướng riêng để phù hợp với chuyên khoa hoặc điều kiện cơ sở vật chất của mình. Khó khăn thì muôn kiểu, mỗi nơi mỗi cảnh, nếu không có sự sâu sát thực tế và cái tâm của đội ngũ lãnh đạo thì việc trông chờ ngân sách là không đủ để giải quyết vấn đề.

Điều quan trọng nhất là quyết tâm của lãnh đạo các BV và luôn phải xem việc đổi mới, cải tiến quy trình khám chữa bệnh là mục tiêu trọng tâm của BV, theo phương châm “rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tạo sự hài lòng cho người bệnh”. (1101)

  1.  “Vào mùa” kiến ba khoang, nhiều người bị phỏng da, lở loét

Hiện nay, thời tiết của Hà Nội trong giai đoạn chuyển mùa khiến kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại các khu dân cư, nhất là ở ven đô và tấn công người dân gây tổn hại tới sức khỏe.

Qua ghi nhận tại một số bệnh viện da liễu cho thấy, khá nhiều người lớn và trẻ em được điều trị các vết bỏng, loét trên da do kiến ba khoang gây ra. Theo TS-BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin với độc tính gấp 12- 15 lần nọc rắn hổ mang. Do lượng tiếp xúc nhỏ, ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chủ yếu gây phỏng da. Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch. Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu; một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Các bác sĩ khuyến cáo khi không may tiếp xúc, hay bị kiến ba khoang cắn, cần lấy nước sạch, mát cho xà phòng vào rửa chỗ kiến đốt. Khi rửa phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương. Sau đó, nhanh chóng bôi hồ nước có bán ở các hiệu thuốc. Những ngày sau đó, tùy vào mức độ có thể sử dụng một số loại thuốc như: mỡ oxyde kẽm, dung dịch xanh metilen 1% kết hợp cùng với bôi hồ nước nếu nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên. Để yên tâm mọi người nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Đáng lưu ý, nhằm phòng tránh dính độc tố của kiến ba khoang, mọi người chú ý không nghiền nát, chà xát kiến ba khoang khi thấy nó xuất hiện trên da mình để tránh độc tố tiết ra. Đồng thời, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt bóng đèn có ánh sáng xanh, tím; tốt nhất là dùng bóng đèn có ánh sáng đỏ, vàng để hạn chế kiến ba khoang ở bên ngoài bay vào nhà. (438)

  1.  Singapore sẽ thành nước đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo đồ uống có đường

Chính phủ Singapore vừa công bố kế hoạch cấm các quảng cáo đồ uống đóng hộp có hàm lượng đường cao để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Uống các loại nước giải khát có đường là thói quen hàng ngày của dân Singapore. Trung bình một ngày mỗi một người dân đảo quốc này dùng đến 60g đường, nhiều hơn con số 50g mà tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.

Con số thống kê của các tổ chức chống bệnh tiểu đường cho thấy, có đến 13,7% dân số Singapore (khoảng 606.000 người) bị mắc bệnh tiểu đường trong năm 2017.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, ông Edwin Tong cho hay nước này đang thực hiện kế hoạch cấm quảng cáo trên các nền tảng truyền thông đại chúng đối với các loại nước uống đóng hộp có hàm lượng đường cao. Đồ uống được bộ y tế nước này coi là không lành mạnh nhất và có mức dinh dưỡng rất thấp.

Đối với các loại sản phẩm giải khát có đường, (nước ngọt, nước trái cây, các loại sữa có pha đường đã đóng hộp…) bắt buộc nhà sản xuất phải dán nhãn phía trước bằng màu sắc thể hiện 3 mức độ là tốt, bình thường hoặc không tốt cho sức khỏe. Một loại đồ uống được gắn nhãn màu sắc như thế nào sẽ căn cứ vào lượng đường có trong sản phẩm. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng còn một số khe hở để các nhà sản xuất có thể "lách luật". Vấn đề đã được nhiều người chỉ ra là nhãn dinh dưỡng và cấm quảng cáo chỉ được áp dụng cho đồ uống đóng gói. Điều đó có nghĩa là, đồ uống pha sẵn, không đóng gói có lượng đường cực cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Theo ông Edwin Tong, kế hoạch chi tiết về lệnh cấm quảng cáo đồ uống có đường sẽ được Bộ Y tế Singapore công bố vào năm 2020. Nếu kế hoạch này được thực hiện thì Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo đồ uống có đường.


Thăm dò ý kiến