Điểm tin y tế tháng 10.2019

08/10/2019 | 15:12 PM

 | 

  1. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện

Hôm qua 20.9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử (TTĐT) trong ngành y tế.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện có khoảng hơn 30 bệnh viện và các cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và đạt được những kết quả tích cực.

Đại diện cho các công ty trung gian thanh toán trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo, nhận định từ kinh nghiệm triển khai thanh toán dịch vụ công tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM, MoMo đã xây dựng sẵn 3 giải pháp giúp triển khai nhanh trong ngành y tế bao gồm tích hợp trên website hoặc ứng dụng của bệnh viện, quét mã QR code và thanh toán trên ứng dụng Ví điện tử MoMo. Cụ thể, từ trung tuần tháng 6.2019, người dân đã có thể đăng ký trước khi khám chữa bệnh và TTĐT tại BV Da liễu hoặc tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), BV đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội).

Trong tháng 10 tới đây, dịch vụ của Ví điện tử MoMo cũng sẽ được triển khai tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. “Với 22 ngân hàng hàng đầu tại VN đã liên kết trực tiếp với Ví điện tử MoMo, sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm thời gian khi không phải tốn công kết nối với từng ngân hàng riêng lẻ để triển khai dịch vụ. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng không phải “lăn tăn” xem ngân hàng mà họ đang sử dụng đã có thể thanh toán tại bệnh viện họ muốn khám, chữa bệnh hay chưa”, ông Diệp trình bày.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cùng với bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là nội dung quan trọng được Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai. Mục tiêu của Bộ Y tế là phải thực hiện 3 “Không”gồm “Không tiền mặt - Không giấy - Không xếp hàng chờ đợi” trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Công thương cho biết bộ này sẽ cùng Bộ Y tế hỗ trợ 15 triệu thẻ miễn phí trong chương trình “Một thẻ Quốc gia”, triển khai “Thẻ khám bệnh thông minh”, giúp người bệnh đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, lưu trữ hồ sơ, tích hợp với các ngân hàng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. (449)

  1.  Ngành y tế đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 20-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong y tế với các tỉnh, thành trong cả nước. Đây được coi là bước đột phá mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân trong việc nộp tiền chi phí khám, chữa bệnh.

Theo ông Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện nay, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện (BV) cũng đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. "Chúng tôi trực tiếp quan sát và nhận thấy quy trình khám chữa bệnh và thu chi phí khám chữa bệnh đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng... khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những hôm đông bệnh nhân, có lẽ thời gian sẽ kéo dài hơn", ông Tường khẳng định.

Theo ông, ngành y tế hiện nay có khoảng hơn 30 BV đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt, và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Trong đó, BV Trường Đại học Y dược TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt. Tại BV, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (mã Phản hồi nhanh) trên phiếu thanh toán bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán chi phí khám chữa bệnh hay đến BV khám bệnh phải mang theo tiền mặt. Hiện nay, có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng mã QR. Đến nay, số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, hiện nay việc thu, thanh toán viện phí bằng tiền mặt ở một số BV khiến người dân mất đến 3-4 lượt xếp hàng chờ thanh toán tiền khám bệnh, làm các chỉ định lâm sàng, nộp tiền nhập viện, nộp viện phí... gây ra tâm lý ức chế, khó chịu, cáu gắt. Ngoài ra, BV cũng phải bố trí số đông cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí. Trước thực tế này, ngành y tế đang đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ các BV triển khai thanh toán điện tử hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán... Tuy nhiên, bà Tiến lại cho rằng, khó khăn này chỉ là tạm thời, nếu các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở chăm sóc sức khỏe quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng. (667)

  1.  Các bệnh viện phải chủ động triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bằng nhiều hình thức thanh toán điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử.

Ngày 20/9/2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu, đồng thời tổ chức Lễ khai trương Cổng hỗ trợ thanh toán điện tử y tế: https://hotrothanhtoanyte.vn/

Các bệnh viện phải chủ động triển nhiều hình thức thanh toán điện tử

Hội nghị tập trung vào 4 nội dung, giải pháp chính sau: Thứ nhất, quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Thứ hai, từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Xây dựng và hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện để có thể kết nối thanh toán viện phí với phần mềm của các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán theo quy định.

Thứ ba, các bệnh viện phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như: Thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân.

Thứ tư, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt niềm tin vào việc triển khai thành công thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt, bởi lẽ thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt. Đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi. Thanh toán trực tuyến cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông, phổ biến để người dân thay đổi thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Ngân hàng, ví điện tử phải có chính sách riêng hỗ trợ cho thanh toán chi phí y tế

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, bảo đảm an toàn thông tin, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ đối với các thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử phải kết nối liên thông với nhau, tạo điều kiện dễ dàng kết nối với người dân và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Y tế để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán điện tử trong bệnh viện, xây dựng các chuẩn QR code y tế, chuẩn kết nối phần mềm ngân hàng và phần mềm quản lý bệnh viện.

Theo Cục CNTT Bộ Y tế, ngành Y tế trong thời gian qua đã tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa Y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh, là nền tảng để triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không sử dụng tiền mặt.

Theo đó, Cục CNTT đã nêu 4 giải pháp kỹ thuật cho thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện gồm: Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế, cũng như xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS, xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS và xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.

Qua thực tế ở các bệnh viện có hai điểm nghẽn chính trong thanh toán điện tử cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, do đó Bộ Y tế sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét nội dung này. Thêm vào đó người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử cũng là một rào cản, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân.

Bộ Công thương hỗ trợ Bộ Y tế 15 triệu thẻ khám bệnh thông minh

Tại Hội nghị, Bộ Công thương công bố hỗ trợ triển khai cùng Bộ Y tế 15 triệu thẻ miễn phí trong chương trình “Một thẻ Quốc gia”. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã trao cho ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế 15 triệu thẻ trong chương trình “Một thẻ quốc gia” để triển khai “Thẻ khám bệnh thông minh”, nhằm hỗ trợ người bệnh và các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thẻ khám bệnh thông minh hỗ trợ tối đa người bệnh trong việc đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến, lưu trữ hồ sơ người bệnh trực tuyến, tích hợp với các ngân hàng để thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, tích hợp thanh toán ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội trọng yếu, giúp người dân được hưởng các nền tảng ứng dụng các tiện ích của công nghệ số, thương mai điện tử và y tế số.

Chương trình “Một thẻ quốc gia” là giải pháp thẻ đa ngành, đa dịch vụ trong đó đã triển khai tích hợp với các dịch vụ của ngành y tế, khám chữa bệnh bao gồm: Đăng ký khám từ xa, tiếp đón điện tử, thanh toán điện tử, tích hợp với các tiện ích sử dụng khác như thẻ cán bộ, nhân viên, vé tàu, xe điện tử, thẻ mua hàng, ưu đãi giao dịch thương mại điện tử. (1453)

  1.  Ngại chuyện trả viện phí không dùng tiền mặt

Đã có 30 đơn vị y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao do tâm lý ngại thay đổi thói quen và chi phí phát sinh.“Ở nước ngoài bệnh nhân chỉ phải chờ đợi tối đa 15 phút, còn ở mình muốn khám bệnh nhiều người phải đi từ 3 giờ sáng rồi chờ đến 11 giờ”, đó là thực trạng được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu lên tại hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế” ngày 20-9.

Nhiều nơi đã triển khai

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hiện có 30 đơn vị y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, nổi bật nhất là Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM, 35% giao dịch thanh toán viện phí của BV này không dùng tiền mặt.

Cũng theo ông Tường, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay có 14.000 cơ sở y tế đều có tài khoản ngân hàng, có khoảng 78 ngân hàng sẵn sàng cung cấp dịch vụ mobile banking, (trong đó có 41 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet banking), 31 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 28 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử cũng ngày càng phong phú, đa dạng và dễ dàng thanh toán cho người dân như chuyển khoản qua mobile banking/Internet banking, thanh toán qua thẻ, ví điện tử, QR code...

Là địa phương đi đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn, một số BV như BV Nhi đồng 1 đã triển khai thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân tại khu khám theo yêu cầu 2 và ví điện tử MoMo. BV Từ Dũ đã triển khai thẻ KCB có chức năng thanh toán, tích hợp ATM tại khoa khám ngoại trú. Khi người bệnh đăng ký khám bệnh hoặc khi bác sĩ chỉ định thực hiện các dịch vụ... và người bệnh đồng ý thì tiền trong tài khoản thẻ KCB của người bệnh sẽ được chuyển sang tài khoản của BV, đồng thời người bệnh được cấp số thứ tự để thực hiện khám bệnh.

Chi phí thanh toán cao

Ông Trần Quý Tường nhìn nhận người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có thói quen và chưa hiểu tiện ích của việc sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử nên chủ yếu vẫn xài tiền mặt. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các ngân hàng, hệ thống thanh toán với BV còn nhiều khó khăn, phí thanh toán không dùng tiền mặt còn cao. Khi nạp tiền vào thẻ, việc rút tiền dư tại các trụ ATM, ngân hàng còn quá phiền hà.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Đức, đại diện BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết để triển khai các hình thức thanh toán, BV phải bỏ ra chi phí thanh toán giao dịch điện tử cho các đơn vị liên kết rất cao.

Bổ sung ý kiến của BV ĐH Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng trình bày người dân chưa quen sử dụng thẻ ATM do nhiều yếu tố như lớn tuổi, ở tỉnh, không biết chữ, chỉ tham gia khám bệnh một lần,… “Khi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phí giao dịch khi thanh toán qua thẻ do BV chi trả. Do đó, cần sự hỗ trợ chi phí giao dịch cho ngành y tế của các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Bỉnh nêu.

Là đơn vị triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các BV, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết hiện nay các BV chưa có hệ thống kết nối đồng bộ với ngân hàng nên ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để vận hành tích hợp với hệ thống phần mềm của mỗi BV, người sử dụng còn hạn chế nên cũng làm tăng chi phí thanh toán.

Do đó, để giảm chi phí, Bộ Y tế cần tính toán có mã bệnh nhân liên thông giữa các BV với nhau, một bệnh nhân có một thẻ ngân hàng vẫn khám được ở nhiều BV, thành lập chuẩn kết nối giữa ngân hàng và BV. Về lâu về dài cần có giải pháp cho BV được quyền phát hành thẻ thanh toán thay vì ngân hàng phải mở thêm quầy giao dịch tại BV làm tốn thêm chi phí và cấp thẻ cho bệnh nhân không có chứng minh nhân dân được làm thẻ thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân.

Khai trương cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế

Tai hội nghị, Bộ Y tế đã khai trương Cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế. Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã trao tặng cho Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) 15 triệu thẻ Việt - một thẻ quốc gia.

Với thẻ này, ngoài các chức năng nạp tiền tài khoản, rút tiền qua cây ATM… còn có thể thanh toán điện tử tại các BV, chuỗi cửa hàng, bệnh nhân và người nhà cũng có thể đăng ký lấy số khám bệnh từ xa qua tổng đài 1900 6888; tra cứu sổ y bạ điện tử…

“Thẻ Việt - một thẻ quốc gia” là một trong những sản phẩm cốt lõi của chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành lĩnh vực y tế, thương mại, du lịch, giao thông, giáo dục... nhằm đưa thẻ thông minh tích hợp thanh toán ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội. Sản phẩm tích hợp này được kỳ vọng sẽ tiếp cận hơn 90 triệu người dân Việt Nam và trở thành loại thẻ không thể thiếu của mỗi người dân.  (1101)

  1.  Bản chất ĐH và trường ĐH…

Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng năm học mới của trường ĐH Y dược TP HCM rằng, cần đổi tên trường thành ĐH Sức khỏe để không tụt hậu so với Lào, Campuchia, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định phát biểu như vậy là “hoàn toàn chính xác”.

Sáng 20-9, trao đổi với báo chí ý kiến của mình về đề nghị đổi tên trường ĐH Y Dược TP HCM thành ĐH Sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác. Còn những người hiểu sai là chưa hiểu hết bản chất của ĐH và trường ĐH.

Hiện nay cả nước có hai ĐH lớn nhất là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM. Trong ngành Y tế, thực hiện chủ trương của ngành, cụ thể hóa Nghị quyết 20-21, các khối trường sức khỏe phải có đề án (hiện đã có đề án nhưng chưa phê duyệt) phải thành lập ĐH Sức khỏe (health university).

“Trong ĐH Sức khỏe có các trường y, trường dược, trường nha, trường y tế công cộng, trường điều dưỡng, trường kỹ thuật y khoa. Nghĩa là dưới ĐH Sức Khỏe có những trường ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Trước câu hỏi có nên giữ tên ĐH Y dược TP HCM và dưới là các trường con? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Bản chất là ĐH Sức khỏe, còn y dược chỉ là hai chuyên ngành, không có phục hồi chức năng, y học cổ truyền có thể có nhưng điều dưỡng, nha không có… nếu chỉ gọi là y dược là thiếu. Nếu chỉ giữ tên đó thì không bao quát được và chưa chắc người ta chấp nhận tên đó một khi đề án được thành lập. Vì ĐH khác trường ĐH. ĐH như là tỉnh còn trường ĐH như là huyện”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, quá trình phê duyệt đề án có nhiều bước, cần có cơ sở hạ tầng, bộ máy tổ chức, nhân lực. Trường ĐH Y dược TP HCM sẽ là đi đầu trong cả nước trong ngành y. Hiện đang chờ tiến độ thẩm định. Theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT đã nhắc, không được để tên ĐH Y dược TP HCM mà phải đổi tên thành trường ĐH Y dược TP HCM.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa 12, liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án rất quan trọng là: Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành ĐH Khoa học sức khỏe.

Khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng... Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP HCM), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như ĐH Khoa học sức khỏe Lào, ĐH California San Francisco (University of California, Sanfrancisco)...

Cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập ĐH Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM. Về bản chất, đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường ĐH Y, trường ĐH Dược, trường ĐH Điều dưỡng, trường ĐH Y tế công cộng...

Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành. (799)

  1.  “Không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 người bệnh, có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được. Ngành Y tế đã phát động hành động vì an toàn người bệnh với 6 mục tiêu toàn cầu.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, BV là một môi trường có nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh.Hơn thế nữa, BV là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Chăm sóc sức khỏe trước tiên là không gây tổn hại cho người bệnh. Tuy vậy, mỗi ngày trên thế giới đang có hàng nghìn người bệnh chịu tổn thương do các sự cố có thể phòng ngừa được hoặc bị đặt vào tình huống có nguy cơ bị tổn thương trong quá trình chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở các nước thu nhập cao, ước tính 10% số lượng người bệnh bị tổn thương khi khám chữa bệnh tại BV. Các số liệu thống kê thu thập được cho thấy có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại BV ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Cứ 10 người bệnh, có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.

Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm; chiếm tới 14,3% chi phí tại BV là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.

Bên cạnh đó, phơi nhiễm với tia phóng xạ là một vấn đề quan tâm của sức khỏe cộng đồng và an toàn người bệnh; nhiễm khuẩn BV ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; chẩn đoán chậm và không chính xác là 1 trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế cũng đã sớm nhận thấy vấn đề quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người bệnh nên đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ trong suốt thời gian qua. Cùng với việc tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 với các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh (quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh-quy định về cấp cứu, chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc…), Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn và quy định các BV cần nghiêm túc triển khai thực hiện: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về an toàn người bênh; Bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo theo 6 mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh: Xác định chính xác người bệnh; bảo đảm giao tiếp hiệu quả; bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; bảo đảm an toàn phẫu thuật (phẫu thuật đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh); kiểm soát nhiễm khuẩn BV; giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.

Bộ Y tế đã phát động ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh trên toàn cầu với chủ đề: “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu”, với mục tiêu: “Trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh”, cùng với thông điệp “Hãy nói ra cho sự an toàn người bệnh!” tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh. (907)               

  1.  Nhiều bệnh nhi ở Đồng Nai tái sốc sốt xuất huyết nguy hiểm

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tình trạng tái sốc sốt xuất huyết trong mùa bệnh năm nay xảy ra khá nhiều, có bệnh nhi tái sốc nhiều lần nguy hiểm tới tính mạng.Sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu. Bệnh nhân có thể có những diễn biến bất thường hơn, cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là trên những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gan thận,... hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.

Được biết, nhiều trường hợp bệnh nhi bị tái sốc, tổn thương cơ quan nội tạng như thận, gan, trong trường hợp quá nặng, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu.

Ngoài ra, cần theo dõi sát sao để cấp cứu kịp thời, bởi sốc sốt xuất huyết kéo dài sẽ có nguy cơ tiến triển thành sốc không hồi phục và dễ dẫn đến tử vong.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trên địa bàn tỉnh hiện đã ghi nhận sự có mặt của 3 tuýp virus sốt xuất huyết là D1, D2, D4. Qua phân lập mẫu virus thì tuýp D2 chiếm ưu thế với tỷ lệ trên 78%.

Trong tuần thứ 2 của tháng 9, toàn tỉnh có trên 760 ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết lần hai thường nặng hơn lần đầu là do lần đầu mắc bệnh, bệnh nhân thường mắc sốt xuất huyết do virus type D1 gây ra. Đây là type cổ điển với những biểu hiện lâm sàng nhẹ như: người mệt mỏi, nhức đầu, xuất huyết ít, thời gian mắc bệnh ngắn.

Theo báo cáo ngày 4/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, Philippines đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố.

Trong thời gian qua, bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế tại các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho chính quyền tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động như truyền thông phòng chống dịch; giám sát dịch tễ chủ động, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao; dự báo, đánh giá nguy cơ dịch bệnh để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống kịp thời.

Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.

Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. (840)

  1.  Thông tin thêm về vụ việc 4 cháu nhỏ Hải Phòng bị ngộ độc do uống chung chai sữa

Sau khi Sở Y tế Hải Phòng có thông tin chính thức vụ 4 học sinh nghi ngộ độc sữa, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola tại Việt Nam đã có phản hồi chính thức về việc này.

Trong Công văn gửi đến Báo Đầu tư, đại diện Coca-Cola cho biết, với tiêu chí là một nhà sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm, Công ty luôn sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền địa phương và sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng nếu có bất cứ yêu cầu nào liên quan đến sự vụ. Đồng thời, theo thông tin trên các cơ quan truyền thông, Sở Y Tế thành phố Hải Phòng đã khẳng định rằng, nghi ngờ 4 cháu nhỏ bị sốc ma tuý do uống chung chai sữa là không có căn cứ và hiện tại sức khoẻ các cháu đã ổn định và xuất viện sau 24h.

Cung cấp các sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của Coca-Cola. Sự việc này vô cùng hy hữu và vô tình ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu Nutriboost, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm Nutriboost.

“Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các sản phẩm được sản xuất bởi Công ty TNHH Nước Giải khát Coca-Cola Việt Nam đều được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng của Bộ Y tế cũng như các quy định có phần nghiêm ngặt hơn từ tập đoàn”, đại diện Coca-Cola nêu rõ. (297)

  1.  Tìm được kháng sinh đặc hiệu điều trị vi khuẩn Whitmore

PGS.TS Cường cho rằng, hiện nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngày 20/9, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nữ bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn" vẹt cánh mũi được xuất viện sau hơn 3 tuần điều trị liên tục tại các cơ sở y tế.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, đây là ca bệnh Whitmore gây tổn thương cánh mũi đầu tiên ở Việt Nam và cũng chưa từng được đề cập trong y văn thế giới, vì vậy việc chẩn đoán ban đầu rất khó khăn.

Được biết, ngay khi phát hiện mắc vi khuẩn Whitmore, bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao.

“Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người” mà là bệnh đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây. Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người.

Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng hiện nay bệnh đã có kháng sinh điều trị đặc hiệu nên người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng khẳng định.

Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Bệnh Whitmore ở trẻ em thường có biểu hiện áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Còn ở người lớn, bệnh có biểu hiện khá phức tạp dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: Nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ...

PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng khuyến cáo: Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn.

Xử lý tốt các viết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, bệnh Melioidosis (bệnh Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Khi hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da thì có nguy cơ mắc bệnh.

Căn bệnh Whitmore khó lây truyền từ người sang người, ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao nhất là ở những người có sẵn bệnh nền mãn tính.

Vì khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn sẽ tấn công nhiều cơ quan của cơ thể, gặp nhiều nhất là ở phổi, tiếp đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa... (610)

  1.  Bệnh viện 'sắm' điều dưỡng robot đón tiếp bệnh nhân

Robot có hình dáng như một nữ điều dưỡng, nhớ tên người bệnh để hướng dẫn, trả lời các câu hỏi, thậm chí nhận dạng được các hành động thiếu ý thức và phát loa nhắc nhở.Đó là màn ra mắt ấn tượng của robot điều dưỡng tên Tấm, BV Quân dân y miền Đông (Cục Hậu cần, Quân khu 7) tại Hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân năm 2019 diễn ra vừa qua (ngày 19-9).

Ngoài có vẻ ngoài thân thiện, robot Tấm còn ứng xử thông minh. Khi đại tá, bác sĩ Trương Hoàng Việt hỏi: “Tấm ơi, bạn đang làm gì ở đây thế?", cô robot tên Tấm đáp rành mạch: “Tôi đứng đây để đón tiếp, hướng dẫn người bệnh đến chăm sóc sức khỏe” khiến ai nấy đều ngạc nhiên.

Theo đại tá, bác sĩ Trương Hoàng Việt, cô robot Tấm được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IOT) với khả năng nhận dạng người, vật cản, xử lý và phân tích ngôn ngữ giao tiếp. Robot Tấm có thể di chuyển tự động trong khu vực sảnh tiếp đón bệnh nhân, nhớ tên người bệnh để hướng dẫn, trả lời các câu hỏi từ người bệnh. Đặc biệt, Tấm có khả năng tự động sạc pin khi yếu, nhận dạng hành động thiếu ý thức và phát loa nhắc nhở. Ngoài ra, trên thân Tấm còn được thiết kế bảng điện tử, có thể giúp người bệnh tra cứu danh mục viện phí và cho phép đặt lịch hẹn khám bệnh theo các chuyên khoa.

“Robot Tấm có thể dễ dàng di chuyển trong nhiều môi trường với diện tích mặt bằng khác nhau và hoạt động độc lập. Đây có thể là sản phẩm nhân rộng được tất cả các vị trí tiếp đón bệnh nhân. Việc ra đời của robot Tấm là bước đầu cho những robot trong y tế thời gian tới”, Đại tá Việt cho biết.

Được biết, ngoài robot Tấm, bệnh viện còn ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại như Robot lau sàn nhà, tủ lưu trữ hồ sơ thông minh, kiosk khám chữa bệnh thông minh, thiết bị nhắc nhở cảnh báo nguy hiểm, phần mềm quản lý khám sức khỏe định kỳ... Tất cả các ứng dụng này đều mục đích hướng đến xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh”. (425)

  1.  Xu hướng gia tăng ung thư phụ khoa ở phụ nữ trẻ

Nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Đặc biệt, có bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa có con và chưa có quan hệ tình dục vẫn bị ung thư thân tử cung, cổ tử cung.

Ung thư tử cung dưới tuổi 30

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết vừa phẫu thuật cắt cổ tử cung bảo tồn sinh sản cho 2 bệnh nhân 29 và 30 tuổi. Một bệnh nhân phát hiện u tế bào gai xâm lấn khi đi tầm soát ở bệnh viện phụ sản. Một bệnh nhân cũng đi tầm soát sang thương 0,5 cm và sinh thiết ra kết quả ung thư tế bào gai. Cả hai trường hợp này đều mới lập gia đình và chưa có con. Vì vậy, bác sĩ phải vô cùng cẩn trọng, chọn phương pháp tối ưu, tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân và gia đình để điều trị bảo tồn sinh sản.

Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ - Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến  (Trưởng khoa Ngoại 1 -  Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

Đó vẫn chưa phải là trường hợp trẻ nhất bị ung thư phụ khoa mà các bác sĩ gặp phải. Bác sĩ Tiến cho biết gần đây Khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị ung thư phụ khoa còn rất trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con, đặc biệt là ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung. Có trường hợp ung thư thân tử cung mới 25 tuổi và ung thư cổ tử cung mới 19 tuổi (chưa quan hệ tình dục). Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân mới 14 tuổi vừa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên đã phát hiện có khối u cổ tử cung rất to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, bàng quang và xuống gần hết âm đạo trên 10 cm.

“Mặc dù chưa có số liệu báo cáo cụ thể nhưng ghi nhận thực tế qua khám chữa bệnh cho thấy có nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Điều này làm ngạc nhiên cho các y bác sĩ làm công tác điều trị bệnh lý này”, bác sĩ Tiến nhận định.

Theo bác sĩ Tiến, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo. Những năm gần đây, tỷ lệ mắc những căn bệnh này đang tăng lên ở phụ nữ dưới 30 tuổi. “Đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Trước đây, bệnh ung thư phụ khoa thường xuất hiện ở tuổi trên 50 - 60”, bác sĩ Tiến đánh giá.

Tiến triển nhanh, ác tính cao

“Ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung) ở phụ nữ trẻ tuổi có khuynh hướng tiến triển nhanh và ác tính cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi”, bác sĩ Tiến cho biết.

Ở người trẻ, những áp lực tâm lý thường nặng nề hơn vì họ là trụ cột gia đình và có một tương lai còn rất dài phía trước. Việc suy sụp tâm lý cũng làm cho căn bệnh tiến triển nhanh hơn và giảm đi hiệu quả điều trị.

Vì vậy, theo bác sĩ Tiến, điều cực kỳ quan trọng là cần được chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Đồng thời, một thách thức đặt ra cho các bác sĩ là cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị ưu việt nhất để có thể bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân trẻ.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể được cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn thân tử cung, tạo hình tử cung, giúp vẫn có thể duy trì khả năng sinh sản. Đối với các trường hợp bệnh nhân trẻ, đặc biệt là người chưa lập gia đình, nếu bị ung thư buồng trứng, phát hiện sớm, các bác sĩ có thể cố gắng phẫu thuật lấy được khối u nhưng vẫn bảo tồn tử cung và buồng trứng để có thể sinh con sau này.“Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ. Bên cạnh đó, phụ nữ cần trang bị kiến thức về việc phòng ngừa, đi khám tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh, chích ngừa HPV, đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động... Trong đó, ung thư cổ tử cung có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm thông qua tầm soát và có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện sớm”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Các nguy cơ

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, hiện nay nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy nguyên nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC) là từ vi rút HPV, nhưng khi nhiễm HPV thì chỉ dưới 10% bệnh nhân tiến triển thành ung thư sau 10 - 15 năm.

Ở bệnh nhân ung thư trẻ tuổi, y học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác nhưng một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan về di truyền.

Một lý do được cho là liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ UTCTC ở phụ nữ trẻ là việc thay đổi thói quen tình dục của người trẻ. Cụ thể, hiện tại, phụ nữ có khuynh hướng quan hệ tình dục lần đầu trẻ hơn, tỷ lệ có nhiều bạn tình cũng cao hơn. Do đó, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trẻ là khá cao.

Các ước tính hiện tại cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ từ 20 - 24 tuổi và từ 25 - 29 tuổi lần lượt là 59% và 50%. Nguy cơ UTCTC, buồng trứng cũng thường xảy ra ở phụ nữ có quan hệ tình dục trước tuổi 18 hoặc những người quan hệ với nhiều bạn tình, sẩy thai, nạo hút nhiều lần.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy yếu tố nguy cơ cho ung thư nội mạc tử cung (thân tử cung) và buồng trứng ở phụ nữ trẻ là do tăng tiết estrogen quá mức liên quan đến tình trạng béo phì và dậy thì sớm; bên cạnh các bệnh lý di truyền khác như hội chứng Lynch.Mặt khác, nếu cơ thể sớm tiếp xúc với các tác nhân tiêu cực như môi trường ô nhiễm, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích thì càng sớm thúc đẩy quá trình phát triển ung thư. (1222)

  1.  Nghệ An: Thu hồi giấy phép phòng khám bị tố “vẽ” bệnh móc túi khách hàng

Phòng khám đa khoa Vinh nơi từng có 5 người Trung Quốc làm việc “chui” đã bị Sở Y tế Nghệ An thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Ngoài ra phòng khám này còn bị tố “vẽ” bệnh, móc túi khách hàng.

Phòng khám bị tố “vẽ” bệnh

Ngày 21/9, Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị đã ra Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động hành nghề khám, chữa bệnh đối với Phòng khám bệnh Đa khoa tư nhân Vinh (Phòng khám Đa khoa Vinh, địa chỉ số 12, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng).

Lý do thu hồi giấy phép là không đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám. Đồng thời, Sở Y tế Nghệ An đã xử phạt Phòng khám bệnh Đa khoa tư nhân Vinh 35 triệu đồng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Sở Y tế Nghệ An thanh tra phòng khám này từ ngày 23/8 đến ngày 18/9. Theo kết quả thanh tra phòng khám này không đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng dụng cụ và cơ số thuốc cấp cứu; Tên kỹ thuật chuyên môn trong bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đúng với tên được phê duyệt.

Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám không thực hiện khám, chữa bệnh nội khoa, da liễu, X-quang, tai mũi họng. Bác sĩ những chuyên khoa này không có mặt ở phòng khám.

Cũng tại thời điểm kiểm tra, người phụ trách xét nghiệm của phòng khám không làm việc. Các kết quả xét nghiệm trong giờ hành chính được các kỹ thuật viên thực hiện nhưng lại sử dụng dấu, chữ ký của người phụ trách xét nghiệm đóng vào.

Phòng khám này có giá dịch vụ khám, chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với những phòng khám tư khác trong khu vực. Nhiều người đến khám tại đây đã bày tỏ sự bất bình đối với cách khám chữa bệnh của phòng khám, nhiều bệnh được “vẽ” ra để móc sạch túi người bệnh.

Chị Trần Thị S. (SN 1985, trú tại huyện Thanh Chương) phản ánh vào ngày 28/7, đến Phòng khám Đa khoa Vinh để khám, chữa bệnh liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Sau khi thăm khám, chị S. ra thanh toán thì hoảng hốt vì phòng khám kê cho 4 loại dịch vụ và 2 loại thuốc.

Trong đó riêng phí dịch vụ lên đến hơn 14 triệu đồng. Cụ thể, chị S. được truyền 3 chai dịch hết 140.000 đồng, tháo vòng hết 500.000 đồng, bơm thuốc niệu đạo hết 7,7 triệu đồng và điều trị bằng điện phân dẫn thuốc 5,8 triệu đồng.

Nghi ngờ mình đã bị phòng khám "móc túi", chị S. đăng thông tin lên cảnh cho cho mọi người trên mạng xã hội để tránh xa phòng khám ra.

Anh Ng.V.T (SN 1994, trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bức xúc, trước đó anh thấy đau buốt khi đi tiểu nên đến Phòng khám đa khoa Vinh để khám về nam khoa. Tại đây anh được chẩn đoán bị viêm tuyến tiền liệt. Sau khi truyền dịch và “điều trị” anh được kê thuốc về nhà uống kèm hướng dẫn quay trở lại điều trị thêm nhiều lần để chữa dứt điểm bệnh. Chỉ trong lần đầu đến phòng khám này điều trị anh đã phải thanh toán số tiền gần 6 triệu đồng.

Nghi ngờ phòng khám đã “vẽ” bệnh cho mình nên anh T. đã quyết định đến bệnh viện uy tín trên địa bà TP Vinh để kiểm tra lại. Qua các xét nghiệm anh được kết luận không bị viêm tuyến tiền liệt như phòng khám này đã chẩn đoán trước đó.

Từng có người Trung Quốc làm việc “chui”

Trước đó, tháng 5/2019, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có 5 người Trung Quốc, trong đó có 2 bác sĩ và 3 nhân viên đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Phòng khám đa khoa Vinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Cụ thể, bà Zhang AiHue (SN 1963) là bác sĩ khám bệnh, truyền đạt kinh nghiệm cho y tá tại phòng khám; ông An JunLi (SN 1968) bác sĩ khám bệnh; ông Ke ZhiXiong (SN 1974) làm việc văn phòng, quản lý nhân sự tại phòng khám; ông Hu ZhongWen (SN 1968) nhân viên kiểm tra, sắp xếp thiết bị máy và ông Li BingQing (SN 1988) nhân viên mua sắm thiết bị, vật tư tại phòng khám.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ký 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân này, mỗi người bị xử phạt 20 triệu đồng và buộc phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép trước khi hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra mới đây, phòng khám này còn 2 bác sĩ người Trung Quốc, một người phụ trách khoa Sản, người còn lại làm ở khoa Ngoại. (913)

II. Thông tin Y tế quốc tế

  1.  Thuốc ung thư giả - khi lương tâm bị “hạ gục”

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dược, xuất hiện của những loại thuốc giả cũng đang ngày càng gia tăng, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.

Thuốc ung thư làm từ… paracetamol

Hồi tháng 2/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc điều trị ung thư giả lưu hành ở châu Âu và châu Mỹ. Theo WHO, loại thuốc giả này có quy cách đóng gói giống hệt thuốc trị ung thư Iclusig – một loại thuốc có chứa hoạt chất ponatinib được dùng để điều trị bệnh bạch cầu tủy bào mạn tính và bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp tính ở người lớn.

Năm 2017, thuốc được bán với giá khoảng 5.000 bảng Anh một gói. Còn ở Mỹ, ở thời điểm đầu năm 2019, mỗi viên thuốc có giá lên tới 13.500 USD/gói, tức khoảng 450 USD/viên.

Tuy nhiên, theo kết quả phân tích, trong viên thuốc 15 và 45mg lấy mẫu không chứa bất kỳ thành phần hoạt chất nào ngoài paracetamol.

Ông Michael Deats - người đứng đầu nhóm nghiên cứu về các loại thuốc giả tại WHO – cho biết, đây là phát hiện đáng chú ý bởi các vụ phát hiện thuốc giả trước nay thường là thuốc kháng sinh giả, thuốc chống sốt rét, thuốc không có nhiều tác dụng… chứ ít khi là thuốc điều trị ung thư.

Ông Deats cũng cho rằng đây là vụ việc nguy hiểm bởi khách hàng tiềm năng của loại thuốc này chính là những người mắc bệnh ung thư và gia đình ở các nước không được cung cấp miễn phí hoặc những người không được bảo hiểm chi trả tiền mua loại thuốc này.Theo Viện an ninh dược phẩm của Mỹ, số vụ phạm tội liên quan đến thuốc giả bị phát hiện trên toàn thế giới đã tăng từ 196 vụ ở năm 2002 lên 2.108 vụ trong năm 2012 và 3.509 vụ ở năm 2017. Năm 2018, số vụ phạm tội trong lĩnh vực này là 4.405 vụ, tăng tới 25% so với năm 2017 và là con số vụ việc được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.

Điển hình, một thống kê cho hay, trong vòng 1 năm từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, giới chức y tế Canada đã thu giữ gần 5.500 hộp thuốc giả. Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 2/2018, giới chức y tế Canada cũng đã thu giữ số thuốc giả trị giá tới 2,5 triệu USD. Ngoài ra, họ cũng đã triệt phá một hệ thống các nhà thuốc thuộc quản lý của một công ty của Canada chuyên bán thuốc giả trên internet tại Mỹ.

Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) trong một chiến dịch có sự tham gia của khoảng 1.000 cảnh sát, hải quan và cơ quan y tế của 7 nước bao gồm Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Nigeria và Togo hồi tháng 8/2018 đã thu giữ 420 tấn thuốc giả ở tây Phi.

WHO dẫn báo cáo của Viện an ninh dược phẩm cho rằng, châu Á là nơi có số lượng thuốc giả lớn nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các nước cung cấp tới hơn 50% thuốc giả cho khắp thế giới. Còn Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và đưa gần 88% thuốc giả và thuốc kém chất lượng vào châu Phi.

Tháng 11/2017 tại Niger, cảnh sát ở Niamey đã tịch thu 13 tấn thuốc giả được đưa từ Ấn Độ sang. Tại Bờ Biển Ngà, vào tháng 3/2017, Bộ Y tế nước này cũng đã đóng cửa một nhà máy làm thuốc giả của người Trung Quốc và tiêu hủy gần 40 tấn thuốc. Năm 2014, giới chức Campuchia cũng đã thu giữ và tiêu hủy khoảng 5,1 tấn thuốc giả.

Hậu quả khôn lường

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là các loại thuốc được ghi tên hoặc nguồn gốc theo hướng cố ý gian lận khiến chúng trông giống hệt thuốc thật. Đó là những loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, không có bất kỳ hoạt chất, chứa không đúng hoạt chất hoặc không đúng liều lượng hoạt chất so với thuốc thật.

Nhiều loại thuốc giả được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột bắp, bột khoai tây hay bột phấn khiến chúng không có tác dụng chữa bệnh. Những sản phẩm này thường được sản xuất trong điều kiện tồi tàn, không vệ sinh nên thường rất bẩn và có thể bị nhiễm khuẩn.  (807)

  1.  Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở nhiều nước

Kể từ đầu năm đến nay, dịch sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh và ca tử vong ngày càng gia tăng ở nhiều nước.

Với 16 trường hợp tử vong và hơn 9.600 ca mắc bệnh trên khắp cả nước, người dân Pakistan không khỏi hoang mang trước sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, trong khi đó, giới chức nước này buộc phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát tình hình.

Theo người đứng đầu Cơ quan giám sát dịch bệnh thuộc Viện Y tế Quốc gia – ông  Islamabad Rana Safdar, tính đến sáng 20/9, có 2.132 ca mắc bệnh đã được ghi nhận ở tỉnh Sindh, 2.816 ca ở tỉnh Punjab, 1.722 ca ở Balochistan và 1.612 ca ở Khyber Pakhtunkhwa, 1.210 ca ở thủ đô  Islamabad và 92 ca ở khu vực Kasmir do Pakistan kiểm soát.

Ông Islamabad Rana Safdar cho biết, có 8 trường hợp đã tử vong ở tỉnh Sindh, 3 trường hợp ở Islamabad, 3 trường hợp ở Balochistan và 2 trường hợp ở Punjab. Tổng số cả nước ghi nhận 16 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Hiện giới chức y tế và các chính quyền địa phương trên khắp Pakistan đang bận rộn trong việc tập hợp các khu vực sau khi có báo cáo về các ca nhiễm bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát loại dịch bệnh do muỗi lây truyền này.

Theo số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 2010  đến nay, Pakistan đã ghi nhận hơn 60.000 trường hợp sốt xuất huyết và 350 người đã tử vong vì dịch bệnh này.

Một quốc gia châu Á khác là Bangladesh cũng ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết. Theo Bộ Y tế Bangladesh, kể từ đầu năm đến ngày 21/8, cả nước Bangladesh có tổng cộng 57.995 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 5,7 lần so với số ca bệnh của năm ngoái, trong khi số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 47 ca, gần gấp 2 lần so với năm 2018.

Trong những tháng qua, Philippines cũng  đã phải vật lộn với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất kể từ năm 2012. Theo Bộ Y tế nước này, có tổng số 271.480 ca mắc bệnh đã được ghi nhận trên khắp cả nước (tính từ tháng 1 đến 31/8/2019). Trong năm 2012, có tới 187.031 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận ở nước này.

Trong khi đó, tại Brazil, số người tử vong vì bệnh sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2019 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Bộ Y tế Brazil, tính từ đầu tháng 1/2019 đến ngày 24/8/2019, nước này ghi nhận 591 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 141 trường hợp tử vong.

Số ca được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết tại Brazil trong 8 tháng đầu năm nay là 1,43 triệu người, tăng gấp 7 lần so với cùng giai đoạn năm 2018. Trước đó, năm 2015 vẫn là năm đỉnh điểm của dịch bệnh này tại Brazil với gần 1,7 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 986 ca tử vong.

Theo Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), từ đầu năm tới nay đã có hơn 2 triệu người mắc sốt xuất huyết tại các nước Mỹ Latinh, trong đó có 723 trường hợp tử vong. Brazil, Colombia, Guatemala, Honduras và Nicaragua đứng đầu danh sách các nước có dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát dịch sốt xuất huyết hiện nay có liên quan mật thiết tới sự phát triển của các quốc gia trên, đặc biệt là điều kiện sinh sống của người dân. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát triển do sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm tạo môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes aegypti - vật lây truyền trung gian - sinh sôi và truyền bệnh./. (750)

  1.  Máu một phụ nữ chuyển sang màu xanh vì uống thuốc

Một phụ nữ trẻ người Mỹ đã gặp phải một tình trạng hiếm gặp biểu hiện bằng màu da tái nhợt và máu chuyển sang màu xanh biển.

Một bác sĩ nói với CNN rằng đây là "trường hợp hiếm". "Một phụ nữ 25 tuổi đến bệnh viện trong tình trạng yếu, mệt mỏi, khó thở và bị đổi màu da", các chuyên gia cho biết sau khi tìm thấy trong máu có thành phần của thuốc giảm đau.

Theo Tạp chí Y khoa New England, bệnh nhân bị methemoglobinemia, một chứng bệnh đặc trưng bởi khả năng vận chuyển oxy của máu giảm. Trong trường hợp của bệnh trên trên, các triệu chứng được gây ra bởi benzocaine, một yếu tố gây mê trong thuốc giảm đau, theo trang web của Bộ Y tế Mỹ.

Để khắc phục vấn đề, các bác sĩ đã sử dụng xanh methylen. Xanh methylene, còn được gọi là methylthioninium clorua, là thuốc và là thuốc nhuộm. Là một loại thuốc, nó được sử dụng chủ yếu để điều trị bệnh máu đổi màu. Cụ thể, nó được sử dụng để điều trị methemoglobinemia mức độ lớn hơn 30% hoặc trong đó có triệu chứng mặc dù đã điều trị oxy.

Hiện tại, cuộc sống của bệnh nhân không còn gặp nguy hiểm nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, methemoglobinemia có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như hôn mê hoặc tổn thương não, các chuyên gia cảnh báo. (261)

  1.  Cựu Bộ trưởng Y tế tham ô tiền quỹ cho đại dịch Ebola

Cựu Bộ trưởng Y tế của Congo Oly Ilunga vừa bị buộc tội rút ruột tiền quỹ được phân bổ cho đất nước nhằm đối phó với dịch bệnh chết người Ebola, hãng AFP đưa tin.

Cựu Bộ trưởng Y tế, 59 tuổi, đã bị buộc tội ăn cắp 4,3 triệu USD công quỹ dành để giải quyết đại dịch Ebola - căn bệnh đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng kể từ tháng 8/2018. Ebola được biết đến là loại virus rất dễ lây lan, gây tiêu chảy cấp, nôn mửa và sốt xuất huyết. Nó lây lan qua các chất dịch cơ thể và giết chết hơn một nửa số người mắc phải.

 “Theo phán quyết của quan tòa, Oly Ilunga bị buộc tội tham ô. Là một cựu Bộ trưởng, ông không bị giam giữ”, Guy Kabyea, luật sư của ông Ilunga cho AFP biết và nói thêm rằng, thân chủ của ông hiện đang bị quản thúc tại gia.

 Ông Oly Ilunga bị bắt để thẩm vấn hôm 14/9, trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ ông đang lên kế hoạch trốn khỏi đất nước qua nước láng giềng nhằm tránh các thủ tục tố tụng. Trước đó, cựu Bộ trưởng bị cấm rời khỏi Cộng hòa Congo một số ngày sau lần thẩm vấn đầu tiên vào cuối tháng 8.

 “Thật không may, cảnh sát đã nhận được thông tin về sự vắng mặt của ông ta với mục đích tiếp cận Congo-Brazzaville”, một phát ngôn viên của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết.

Luật sư của ông Ilunga đã bác bỏ những cáo buộc tham ô, nói rằng, các tài khoản chứng minh, tiền quỹ được sử dụng “dành riêng” để đối phó đại dịch Ebola.

Năm ngoái, các nhà tài trợ nước ngoài đã trao hơn 150 triệu USD cho Quỹ đối phó với Ebola, trong khi Liên hợp quốc nói rằng, cần hàng trăm triệu USD nữa mới có thể giúp quét sạch dịch bệnh này.

Ông Ilunga là một bác sỹ y khoa gốc Bỉ, Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2016 - 2019. Ông phụ trách giám sát việc xử lý ổ dịch Ebola trong gần 1 năm.

Ngày 22/7/2019, Bộ trưởng Y tế Congo Oly Ilunga đã từ chức sau khi Tổng thống nước này, ông Felix Tshisekedi, thay thế vị trí lãnh đạo chiến dịch toàn quốc chống dịch Ebola. Văn phòng Tổng thống Felix Tshisekedi trước đó tuyên bố sẽ giao nhiệm vụ giám sát chiến dịch này cho một đội ngũ khác, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên Tổng thống.

Ông Ilunga đã bị thay thế vị trí giám sát sau khi công khai chỉ trích các kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để giới thiệu một loại vắc xin Ebola mới. Lý do mà ông Ilunga đưa ra là lo ngại những rủi ro của việc đưa ra một phương pháp điều trị chưa được biết đến vào trong cộng đồng người dân Congo - nơi đang mất lòng tin nghiêm trọng vào cuộc chiến chống đại dịch Ebola.

Hơn 170.000 người đã được tiêm một loại vắc xin phòng virus Ebola do hãng Dược phẩm khổng lồ Merck của Đức sản xuất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch.

Nhưng trong khi vắc xin Merck được thử nghiệm (chưa được cấp phép), thì sản phẩm thay thế được đưa ra (do WHO hậu thuẫn) là thuốc Johnson & Johnson vẫn đang trong giai đoạn điều tra nghiên cứu thử nghiệm.

Dịch Ebola hiện nay là đợt bùng phát nguy hiểm thứ 2 trong lịch sử, sau khi hơn 11.000 người đã bị cướp đi tính mạng ở Guinea, Sierra Leone và Liberia trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016.

Ngày 17/7/2019, trong cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO tuyên bố đại dịch Ebola đang diễn ra tại Congo là "trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu", gây nguy hiểm cho các quốc gia và đòi hỏi nỗ lực phối hợp quốc tế.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Ebola lây lan sang thành phố Goma - một thành phố tập trung gần 2 triệu dân gần biên giới Rwanda, nơi có sân bay quốc tế. Đây là lần thứ 5 WHO tuyên bố trường hợp y tế khẩn cấp. Ngoài 2 trường hợp đối với Ebola, các trường hợp khẩn cấp khác bao gồm sự xuất hiện của virus Zika ở châu Mỹ, đại dịch cúm lợn và bại liệt.

Một số chuyên gia đánh giá, dịch Ebola ngày càng trở nên tồi tệ, bất chấp những tiến bộ bao gồm việc sử dụng vắc xin rộng rãi. Tại Congo, hàng chục phiến quân đang hoạt động khiến công tác cứu người bệnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, virus Ebola đang tấn công vùng biên giới, nơi trước kia chưa từng bị dịch bệnh ảnh hưởng. Người dân không tin tưởng, thậm chí tấn công y bác sĩ và bỏ trốn khỏi cơ sở y tế


Thăm dò ý kiến