Điểm tin y tế tháng 10.2019

05/10/2019 | 15:03 PM

 | 

Cần chất lượng hay tên gọi?

Mấy ngày nay, dư luận mạng xã hội lẫn báo chí dậy sóng bàn tán, thậm chí “ném đá” phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng Khoa Y của Trường ĐH Y Dược TPHCM xung quanh việc đổi tên trường này thành đại học… sức khỏe. Trích hết phát biểu của bộ trưởng ắt sẽ tốn nhiều thời gian. Song, có lẽ phần khiến dư luận phản ứng gay gắt là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học Y Dược TPHCM, chưa thể gọi là “đại học” được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý rồi. Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi là Đại học Y Dược TPHCM, nên hôm nay nói là lễ khai giảng khoa y, trong khi trường còn rất nhiều khoa khác. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Sức khỏe TPHCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác… Hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược TPHCM là trường lớn nhất, có thể phát triển thành Đại học Sức khỏe sớm nhất.... Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập Đại học Sức khỏe TPHCM. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa Y này xứng đáng là một trường đại học y khoa lớn nhất cả nước”.

Có thể khẳng định, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế chẳng có gì sai. Thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay rất nhiều trường đại học, thậm chí nhiều cơ quan truyền thông vẫn viết sai khi thiếu chữ “trường” phía trước. Nếu dùng tên “Đại học...” thì chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và 3 đại học vùng: Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên. Tất cả trường còn lại đều phải gắn chữ “trường đại học...”. Những quy định này đều được luật định rất rõ.

Theo quan điểm của vị bộ trưởng y tế, “phải đổi tên Trường Đại học Y Dược TPHCM thành Đại học Sức khỏe TPHCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác” nhưng cũng là yêu cầu, đề nghị với tư cách người đứng đầu cơ quan chủ quản. Còn việc có đổi tên được hay không còn phải tùy thuộc vào cấp cao hơn. Trên thế giới người ta đã và đang phát triển các trường theo hướng đa ngành, liên ngành tổng hợp để phát huy sức mạnh nội lực trong đào tạo lẫn nghiên cứu. Rất nhiều đại học ở châu Âu, châu Mỹ... mà bên trong đó là hàng loạt trường chuyên ngành từ khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ cho đến sức khỏe... Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn”, là có phần chủ quan.

Thực tế cho thấy, muốn phát triển thì không thể không học hỏi những chuẩn mực, xu thế của thế giới, cả hình thức lẫn nội dung, ngay cả những việc tưởng là nhỏ, như tên gọi. Cách viết tên của nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay phiên ra tiếng Anh rất lung tung, cẩu thả. Thậm chí có trường có thể viết được cả chục tên tiếng Anh khác nhau. Trong thực tế đã có nhiều tác giả Việt Nam đã bị các tạp chí quốc tế loại bài vì viết không đúng tên trường.

Chất lượng giáo dục đại học không chỉ từ việc đổi tên gọi, nâng cấp hay mở rộng quy mô số lượng. Bởi, chất lượng giáo dục đại học là sự tổng hợp, liên kết chặt chẽ của rất nhiều yếu tố, như vấn đề tự chủ, tài chính, giáo trình, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng... Chúng ta muốn có đại học tầm cỡ thế giới thì không phải chỉ có danh xưng mà phải được thế giới biết đến với sức hút của trường đó về danh tiếng học thuật, các công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ, những giáo sư tầm cỡ, chương trình đào tạo hiện đại... Và để đạt được chất lượng quốc tế trong giáo dục đại học không thể chỉ trong ngày một ngày hai mà nó phải qua cả một quá trình, cả một chủ trương lẫn chính sách ở tầm quốc gia.

Do đó, một đại học hay trường đại học có chất lượng thật sự, danh tiếng thật sự thì không thể đơn giản bằng những phát biểu hay ý kiến chủ quan của một cá nhân. Một khi chúng ta có quyết tâm ở tầm vĩ mô, có những quyết sách, cách làm đúng như quốc tế đã làm thì việc có trường đẳng cấp quốc tế, chất lượng tầm quốc tế chỉ là thời gian. Và minh chứng rõ nhất là từ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, rồi đến Nghị quyết 77 cho 23 trường thí điểm tự chủ... đến nay chúng ta đã có trường tốp 1.000 của thế giới, tốp 500 của châu Á trên các bảng xếp hạng quốc tế. (951)

2.  Bảo đảm an toàn người bệnh

An toàn người bệnh là cung cấp dịch vụ y tế với việc hạn chế rủi ro và nguy hại cho người sử dụng dịch vụ, bảo đảm người bệnh được an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ (ngoài diễn tiến bệnh lý). Tuy nhiên, những sự cố y khoa ngoài mong muốn vẫn khó tránh khỏi, do thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc.

Mặc dù trong chăm sóc sức khỏe là không được gây tổn hại cho người bệnh, nhưng mỗi ngày trên thế giới, đang có hàng nghìn người bệnh bị tổn thương do các sự cố có thể phòng ngừa được hoặc bị đặt vào tình trạng có nguy cơ tổn thương trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người bệnh thì có một người bị tổn thương khi tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có 50% số nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh thì có tới bốn người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn một triệu người bệnh chết do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành một trong mười nguyên nhân gây chết và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm; chiếm 14,3% chi phí tại bệnh viện để điều trị hậu quả các sự cố. Nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; chẩn đoán chậm và không chính xác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh. Ðáng chú ý, theo số liệu thông kê, có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ðây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca chết mỗi năm tại các quốc gia này.

PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bệnh viện là nơi các sự cố có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, từ bất kỳ dịch vụ khám, chữa bệnh nào. Có thể khẳng định rằng, ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc điều trị đều có các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp là ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, nhất là đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn, làm ảnh hưởng sức khỏe, bị khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí chết. Trước tình trạng nêu trên, tại Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 (tại Vương quốc Anh) đã khởi xướng mục tiêu an toàn người bệnh. Vấn đề an toàn người bệnh đã được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, đã đệ trình và thông qua Ðại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5-2017, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) và đã chính thức lấy ngày 17- 9 hằng năm là “Ngày An toàn người bệnh thế giới”. Việc phát động Ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh, với mục tiêu không gây nguy hại cho người bệnh, đồng thời tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh.

Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn người bệnh luôn được Bộ Y tế xác định là vấn đề quan trọng và tập trung chỉ đạo quyết liệt, như: Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2009). Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm an toàn về chuyên môn, kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh; quy định về sai sót chuyên môn, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám, chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề, như: thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế... Ðồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước về việc thực hiện sáu mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh: Xác định chính xác người bệnh; bảo đảm giao tiếp hiệu quả; bảo đảm an toàn sử dụng thuốc; bảo đảm phẫu thuật; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.

Ðể bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhất là hạn chế các sự cố y khoa, sự cố nhiễm khuẩn bệnh viện, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và tự nguyện; xây dựng quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; xử lý sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan để hạn chế sai sót và phòng ngừa rủi ro kịp thời; bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người bệnh, khách tham quan, nhân viên y tế, nhất là tránh tai nạn, rủi ro, phơi nhiễm nghề nghiệp… Ðó cũng là những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất năm 2019, với thông điệp “Hãy nói ra vì sự an toàn của người bệnh”. (1155)

3.  Vì sao an toàn người bệnh luôn được quan tâm hàng đầu?

Trong nhiều năm trở lại đây, an toàn người bệnh được coi là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam trong quá trình đổi mới, thực hiện lấy người bệnh làm trung tâm. Vì sao an toàn người bệnh đặc biệt quan trọng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành? 

Chuyện gì xảy ra khi không đảm bảo an toàn người bệnh?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có 10% người bệnh tại các nước thu nhập cao bị tổn thương khi khám, chữa bệnh. Còn tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, hàng năm có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra, là nguyên nhân chủ yếu khiến 2,6 triệu người bệnh thiệt mạng.

Cứ 10 người bệnh thì có 1 người bị tổn hại trong khi đi khám, chữa bệnh, khoảng 4/10 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Tai biến phẫu thuật là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cướp đi sinh mệnh của hơn 1 triệu người bệnh mỗi năm.

Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tốn kém hàng tỷ USD, tiêu tốn 14,3% chi phí tại bệnh viện để khắc phục hậu quả, gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh; 10% người bệnh bị ảnh hưởng do nhiễm khuẩn bệnh viện… 

Việc bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm, kê sai, trình độ chuyên môn kém, chẩn đoán chậm, không chính xác cũng gây mất an toàn người bệnh, khiến cho bệnh nhân mất niềm tin, đổ xô về các bệnh viện tuyến trung ương để chữa bệnh gây quá tải.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ại Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Các sự cố y khoa không mong muốn cứ xảy ra rải rác với một hoặc nhiều bệnh nhân khiến nhiều người lo sợ: Tháng 5/2012, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang bỏ quên mảnh gạc phẫu thuật trong bụng của một người phụ nữ 32 tuổi khiến cô này bị sốt cao kéo dài; tháng 8/2015, một bệnh nhi 6 tuổi bị bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long mổ nhầm chân; tháng 5/2017, sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong; tháng 3/2019, Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình (Quảng Nam) chẩn đoán nhầm khiến một người phụ nữ ngất xỉu, tím tái phải đi cấp cứu ở bệnh tuyến trên…

Rõ ràng, người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị an toàn, có chất lượng thay vì nhận lại một dịch vụ tồi, nguy cơ rủi ro tới tính mạng cao, đồng thời, sứ mệnh của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe người dân.

Vì vậy, vấn đề an toàn người bệnh phải được mọi nhân viên, bác sĩ, dược sĩ, các cơ sở y tế, cơ quan quản lý trong ngành ưu tiên hàng đầu.

Chung tay vì an toàn người bệnh

Trên thế giới, an toàn người bệnh trở thành vấn đề quốc gia, cũng như với mỗi cơ sở y tế và người dân.

Từ năm 2017, Đại Hội đồng Y tế Thế giới đã chính thức lấy ngày 17/9 hàng năm là ngày ”An toàn người bệnh Thế giới”. Năm 2019, WHO phát động Ngày An toàn Người bệnh Thế giới với chủ đề: “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu” và thông điệp “Hãy nói ra cho sự an toàn người bệnh!” tạo môi trường cởi mở và không đổ lỗi.

Các vấn đề về an toàn người bệnh cũng đã được ngành y tế Việt Nam quan tâm mạnh mẽ thông qua việc kiến tạo các hành lang pháp lý gồm: ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh; tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về an toàn người bệnh; bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa theo Thông tư số 43/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... Các buổi tập huấn, những buổi hội thảo chuyên ngành cũng được tổ chức, thể hiện rõ tầm quan trọng của an toàn người bệnh đối với ngành y tế Việt Nam. 

Song, việc đảm bảo an toàn, giúp người bệnh không gặp sự cố trong quá trình khám, chữa bệnh là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực trên toàn hệ thống y tế - từ cơ sở hạ tầng an toàn, sử dụng công nghệ và thiết bị y tế an toàn, quản lý và sử dụng thuốc đúng chất lượng, bệnh nhân được thông tin rõ ràng, đến nhân viên y tế lành nghề và tận tâm, với một môi trường làm việc thuận lợi - để cải thiện an toàn và chất lượng chăm sóc người bệnh. (930)

4.  Đề xuất nâng mức hỗ trợ BHYT lên 50% cho HS-SV

Ngày 18-9, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho biết BHXH Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất Bộ Y tế sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước từ 30% lên 50%.

Hiện tỉ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HS-SV) là hơn 94% và còn khoảng 6% HS-SV chưa có thẻ BHYT. Đây chủ yếu là những đối tượng SV từ năm thứ 2 trở đi và nhóm đối tượng trước đây thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo được nhà nước hỗ trợ nhưng khi thoát nghèo, mức hỗ trợ thấp hơn nên nhiều HS-SV đã không ý thức được việc tiếp tục tham gia BHYT.

Theo ông Thao, việc đề xuất tăng mức hỗ trợ HS-SV là do mức hỗ trợ nhóm đối tượng này còn thấp. Việc tăng mức hỗ trợ từ ngân sách cũng nhằm đạt mục tiêu 100% số HS-SV tham gia BHYT trong năm học 2019-2020. Để thuận lợi cho HS-SV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam quy định phương thức đóng linh hoạt tại các cơ sở giáo dục, từ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm một lần để nộp vào quỹ BHYT. Các trường chỉ thực hiện thu BHYT một lần của năm 2020 nếu HS-SV có nguyện vọng và tự nguyện đóng cả năm. (253)

 

5.  Chuyển đổi công nghệ số trong y tế: Cách làm của “người mở đường”

Trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ để thăm khám trực tuyến và cấp thuốc; bệnh nhân không phải xếp hàng chờ khám, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo...  là những ứng dụng cụ thể của việc chuyển đối số trong y tế đang và sắp được áp dụng tại Việt Nam, sớm nhất là vào năm 2020 tới. 

Trong đó, Bệnh viện Vinmec đang nằm trong nhóm tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

Công nghệ giúp điều trị “cá thể hóa”

Theo Bà Lê Thúy Anh, TGĐ Hệ thống y tế Vinmec, bệnh viện đang có những chuẩn bị tích cực để có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

"Dân số VN đang già đi và mô hình bệnh tật thay đổi, vì thế luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất. Ví dụ như trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ, bác sĩ sẽ thăm khám trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ và chẩn đoán, trong 24g tới cần uống thuốc hay chăm sóc như thế nào, nếu mẹ không có thuốc thì bệnh viện sẽ cấp thuốc về nhà", bà Lê Thúy Anh nói. Vinmec cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiến tới người bệnh đến viện sẽ không phải chờ đợi và đăng ký khám chữa bệnh, mà quy trình sẽ được xử lý tự động từ khi khách đặt hẹn qua hệ thống. Khách sẽ được cấp 1 mã thẻ để có thể nhận diện ở các phòng khám, phòng chăm sóc, nhờ vậy sẽ giảm được thời gian chờ đợi, thanh toán... thông qua các mô hình tài chính tự động tích hợp.

Thay vì chờ 30 phút thì giờ đây người bệnh có thể về sau khi được khám bệnh, mọi động tác thanh toán sẽ tự động tính và trừ trên ví điện tử, từ đó cũng tiết giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh, thay đổi và cải thiện trải nghiệm của người bệnh khi đi khám chữa bệnh

Xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ khiến các cơ sở y tế của cả hai khu vực trong và ngoài công lập không thể “đứng ngoài cuộc”. Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh của các bệnh viện là vô cùng cần thiết, giúp cho mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn.

Hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay đang chuyển dần sang hướng điều trị cá thể hóa. Muốn làm được điều này, các bệnh viện cần phải có dữ liệu để từ đó phân tích, đưa ra giải pháp điều trị phù hớp với từng cá nhân. Trong bối cảnh đó, Vinmec đang hướng đến xây dựng hệ thống điều trị và nghiên cứu, tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

Người bệnh hưởng lợi từ chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích. Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị.

Đối với người bệnh và thân nhân, công nghệ giúp tăng tiện ích dịch vụ y tế trong quá trình trải nghiệm khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp với nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi thông qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online. Chuyển đổi số cũng giúp các bệnh viện và nhà nước quản lý hoạt động của bệnh viện hiệu quả hơn.

“Quan trọng nhất của chuyển đổi số là chuyển đổi cách suy nghĩ về định hướng để từ đó đưa ra cách làm phù hợp, các giải pháp công nghệ phù hợp để mở ra nhiều cách tiếp cận với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng nâng lên của khách hàng cũng như của nhu cầu quản trị, vận hành bệnh viện. Để tăng tiếp cận tốt thì phải mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau chứ không thể cứ ngồi chờ”, bà Thuý Anh nhấn mạnh.

Dự kiến năm 2020 tới, Vinmec sẽ đưa những ứng dụng đầu tiên trong tiến trình xây dựng bệnh viện thông minh vào triển khai. Nhiều bệnh viện khác cũng đang có những kế hoạch tương tự để có thể tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin, giúp giải quyết những điều tưởng rất xa lạ và khó khăn, như những trường hợp người bệnh chuyển nặng đột ngột và không kịp chuyển tuyến, nếu không có công nghệ thông tin sẽ rất khó hỗ trợ điều trị kịp thời. (988)

6.  Đồng Nai hướng đến xây dựng Trung tâm điều hành Y tế thông minh

Là một tỉnh có hơn 3 triệu dân, ngành y tế Đồng Nai đang hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành Y tế thông minh vào năm 2025.

Sáng ngày 18-9, hội thảo về Mô hình Trung tâm Điều hành Y tế thông minh, do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức tại TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu nhiều nội dung về mô hình y tế thông minh như các hợp phần hình thành Trung tâm điều hành, hệ thống điều hành, trung tâm cơ sở dữ liệu, công tác đào tạo; ích lợi của Trung tâm điều hành trong quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; quản lý quỹ Bảo hiểm y tế. Mô hình y tế thông minh sẽ ứng dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số, kết nối Internet và truyền hình, hội chẩn từ xa giữa các bệnh viện, cơ sở y tế, chuyên gia đầu ngành trong, ngoài nước; qua đó nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ ngành y tế địa phương…

Mục tiêu của ngành y tế Đồng Nai là đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng mô hình Trung tâm điều hành Y tế thông minh, hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người dân và bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh. (260)

7.  Sau 1 tháng bị chó dại cắn, người đàn ông tử vong

Vi chủ quan nên không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó dại cắn, một tháng sau, người đàn ông ở Quảng Ngãi đã tử vong.

Ngày 18-9, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, trường hợp tử vong do mắc bệnh dại được ghi nhận là ông Nguyễn Văn Mỹ (36 tuổi, trú Làng Rin, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi).

Vào ngày 6-8, ông Mỹ bị chó cắn nhưng ông đã không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh mà ở nhà tự xử lý vết thương.

Sau hơn 1 tháng, người đàn ông này có triệu chứng của bệnh dại như chảy nước dãi, sốt cao, sợ nước, sợ ánh sáng… Gia đình đã lập tức đưa ông Mỹ đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, nhưng ông đã không thể qua khỏi.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo, nếu gặp tình trạng bị súc vật (như chó,mèo...) cắn, nạn nhân cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine hoặc huyết thanh để phòng dại. (286)

8.  Thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại ở Đác Lắc

Chiều 18-9, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là Y’Zô Ên Adrơng, sinh năm 2014, trú tại buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đác Lắc.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân là Y’Zô Ên Adrơng khởi bệnh vào ngày 12-9 với triệu chứng sốt nhẹ, ho, yếu hai chi dưới.

Sau khi đi khám và uống thuốc ở phòng mạch tư nhân nhưng bệnh không giảm, ngày 13-9, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột điều trị. Đến ngày 15-9, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân xuất hiện thêm các triệu chứng tăng tiết đờm dãi, sợ gió, sợ nước, đồng tử giãn nhẹ khoảng 4 mm... Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh dại lên cơn, tiên lượng rất nặng.

Đến rạng sáng 16-9, gia đình bệnh nhân xin chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nhưng bệnh nhân đã tử vong trên đường đi.

Theo người nhà bệnh nhân, cháu bị chó cắn cách ngày khởi bệnh khoảng một tháng, nhưng người nhà không đưa cháu đi tiêm phòng dại. Sau đó, con chó cắn bệnh nhân có dấu hiệu tiết nước dãi nhiều nên người nhà bệnh nhân đã đánh chết.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có bốn trường hợp tử vong do bệnh dại.

Trước tình hình bệnh dại đang gia tăng, ngành y tế Đác Lắc khuyến cáo người dân nếu bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm kháng huyết thanh và vắc-xin phòng dại, đồng thời theo dõi diễn biến sức khỏe để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. (352)

9.  Hà Nội đình chỉ, thu hồi thuốc viên nang mềm Livetin - EP

Ngày 18- 9, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sở Y tế Hà Nội vừa có thông báo đến các đơn vị chức năng về việc đình chỉ và thu hồi thuốc viên nang mềm Livetin - EP không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang lưu thông trên địa bàn thành phố.

Theo đó, bên cạnh việc đình chỉ lưu hành, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi triệt để trên địa bàn TP Hà Nội thuốc viên nang mềm Livetin - EP (Cao Cardus marianus, Thiamine nitrate, Pyridoxine HCL, Nicotinaminde, Calci pantothenate, Cyanocobalamin), SĐK: VN-16217-13, số lô: 2320193, ngày SX: 10/01/2019, HD: 01/09/2022 do Công ty Korea E-Pharm Inc (Korea) sản xuất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu y tế Delta nhập khẩu. Nguyên nhân là do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng silybin, định lượng silymarin, định lượng nicotinamid. Mẫu được lấy tại quầy 441, Hapu Medicenter thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu dược phẩm Hà Thanh.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc Công ty Hà Thanh thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên đã được phân phối trên địa bàn TP Hà Nội và gửi báo cáo thu hồi về Sở Y tế theo quy định. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi trên địa bàn Hà Nội thuốc viên nang mềm Livetin - EP đã bị đình chỉ lưu hành. Các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm khẩn trương rà soát, thu hồi thuốc viên nang mềm Livetin - EP nói trên.

Thuốc viên nang mềm Livetin - EP thuộc loại thuốc kê đơn, chỉ định điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, kém ăn, suy nhược cơ thể; bảo vệ tế bào gan trong các trường hợp sử dụng hóa chất, thuốc chữa bệnh; người bệnh trong thời kỳ dưỡng bệnh, sau phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc ốm kéo dài. Hỗ trợ điều trị trong viêm dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh; tăng cường chức năng giải độc gan, hỗ trợ điều trị các trường hợp như: trứng cá, mụn nhọt, dị ứng mãn tính... (416)

10.  Cứu thành công người phụ nữ bị chồng đâm thấu ngực

Vết thương đâm thấu ngực sâu 15 cm từ người chồng khiến chị P bị tổn thương phổi, cơ hoành và đỉnh gan phải.

Trưa ngày 18-9, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị P, 25 tuổi, trú tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, trong tình trạng sốc mất máu nặng, da xanh tái, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Bệnh nhân có một vết thương ngực phải chảy nhiều máu.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Các bác sĩ vừa hồi sức tích cực và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

BSCKII Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, bệnh nhân P bị một vết dao đâm thấu ngực, rộng 5 cm, sâu khoảng 15 cm. Vết thương xuyên thấu thùy dưới phổi phải, vết thương cơ hoành và vết thương đỉnh gan phải.

Trong ba giờ đồng hồ, kíp mổ và kíp gây mê đã phối hợp kịp thời phẫu thuật cho bệnh nhân, khâu vết thương phổi, khâu vết thương cơ hoành và khâu vết thương gan, hút ra khoảng 2.500 ml trong phổi và trong ổ bụng bệnh nhân.

Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát các chỉ số sinh tồn tại khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, sau đó sẽ được chuyển về điều trị và chăm sóc tại khoa Ngoại Tổng hợp

Bà Đặng Thị H (mẹ chị P) cho biết, chị P đã ly thân với chồng và về nhà sống cùng bố mẹ đẻ. Trưa nay, chồng chị P sang nhà bà H, sau đó mẫu thuẫn xảy ra, chị P bị chồng dùng dao đâm thấu ngực. Khi thấy con gái kêu cứu ở sân sau nhà, bà chạy ra thì bị con rể dùng đá đập vào đầu choáng váng. Bà H và chị P cùng được người thân ở gần đó đến đưa đi cấp cứu. (348)

11.  Nâng cao chất lượng lâm sàng, chống trục lợi BHYT

Trước yêu cầu của tự chủ bệnh viện, nếu các cơ sở y tế không quản trị tốt, có mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh hợp lý, đặc biệt không có những thực hành lâm sàng tốt, sẽ rất khó để giữ được người bệnh.

Đó là quan điểm của PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin tại khóa Đào tạo quản lý chất lượng bệnh viện dành cho đại diện các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt trong cả nước diễn ra ngày 18-9 tại Hà Nội.

Hiện nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chuẩn an toàn phẫu thuật; Bộ Tiêu chuẩn Hướng dẫn chẩn chất lượng về chẩn đoán, điều trị đục thủy tinh thể; Bộ chỉ số đo lường chất lượng khám và điều trị các bệnh mắt. Đây là tài liệu áp dụng chung trên toàn quốc, giúp các đơn vị chăm sóc mắt áp dụng nhất quán các thực hành về quản lý chất lượng và sử dụng chung bộ tiêu chí, làm căn cứ để tiến tới việc kiểm định chất lượng lâm sàng tại Việt Nam.

Hiện nay, chất lượng điều trị nói chung, trong đó điển hình là kết quả phẫu thuật đục thể thủy tinh chỉ đạt 60% người có thị lực tốt sau phẫu thuật và rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (80%). Việt Nam đã đầu tư nâng cao năng lực điều trị các bệnh về mắt cho các địa phương để thực hiện cải tiến chất lượng chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.

PGS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong chuyên ngành mắt, đặc biệt trong phẫu thuật mổ phaco đang là vấn đề nóng của ngành y tế. Một số bệnh viện mắt (như Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh) nhiều năm qua vẫn đang thanh tra vì những sai phạm trước đây. Vừa qua, BHXH cũng đã chỉ ra một số cơ sở y tế đã gom bệnh nhân dưới hình thức khám từ thiện, nhân đạo rồi “tư vấn” phẫu thuật trong khi người bệnh chưa cần phải phẫu thuật. Việc chỉ định mổ trong khi chưa tới mức phải mổ, cho điều trị nội trú không cần thiết, tách dịch vụ kỹ thuật, tách hồ sơ nhiều lần để thanh toán… đã khiến cho những cơ sở này yêu cầu thanh toán số tiền vượt quỹ BHYT hàng tỷ đồng so với mức dự toán giao cả năm.

“Đây là một thực trạng cần phải chấn chỉnh. Bộ Y tế cũng vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Do đó, chúng tôi đề nghị các bệnh viện cần phải chú trọng thực hành lâm sàng, các bác sĩ phải chỉ định điều trị theo đúng phác đồ, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật như hiện nay”, ông Khuê nói.

PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, chất lượng lâm sàng quyết định vấn đề sống còn của các bệnh viện. Việt Nam cũng đang tiến tới kiểm định chất lượng lâm sàng theo xu thế của thế giới. Khóa đào tạo quản lý chất lượng bệnh viện dành cho chuyên khoa về mắt diễn ra từ ngày 18 đến 20-9 sẽ cung cấp các thông tin về kiến thức, kỹ năng trong quản lý chất lượng để các bệnh viện thực hiện quản lý tốt hơn, hướng tới phục vụ người bệnh, vì an toàn của người bệnh.

Tới đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng sẽ tiếp tục ban hành những hướng dẫn riêng cho từng chuyên ngành và tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về quản lý chất lượng bệnh viện cho từng chuyên khoa khác. (711)

12.  Sở Y tế Hải Phòng thông tin chính thức vụ 4 học sinh ngộ độc sữa

Cuối giờ chiều ngày 18.9, bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - đã kí báo cáo hỏa tốc số 359/BC-SYT về việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 4 trường hợp học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

4 cháu học sinh bị ngộ độc gồm: Đặng Thái Tuấn (11 tuổi), Lê Hoàng Anh (13 tuổi), Nguyễn Trung Tân (13 tuổi) đều trú tại ngõ 70 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng và Phạm Việt Hưng (16 tuổi), trú tại ngõ 193 Văn Cao, Ngô Quyền, Hải Phòng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, diễn biến vụ việc như sau: Ngày 15.9, Trung tâm Y tế quận Lê Chân tiếp nhận cấp cứu 4 học sinh trên. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, vã mồ hôi và buồn nôn. Qua khai thác nhanh gia đình và gọi hỏi bệnh nhân, được biết, trước khi nhập viện, các cháu uống chung chai sữa (không rõ thành phần bên trong), sau đó xuất hiện các triệu chứng trên.

Sau khi xử trí ban đầu, Trung tâm Y tế quận Lê Chân đã chuyển các bệnh nhân Đặng Thái Tuấn, Lê Hoàng Anh và Nguyễn Trung Tân đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng; cháu  Phạm Việt Hưng (16 tuổi) được chuyển Bệnh viện Việt Tiệp.

Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, 3 bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ theo dõi ngộ độc thức ăn, khám các cơ quan khác không có dấu hiệu bệnh lý. Các y bác sĩ đã làm xét nghiệm cơ bản, rửa dạ dày, truyền dịch, lợi tiểu, theo dõi sát toàn trạng mạch, ý thức, nhịp thở.

Sau 1 ngày theo dõi và điều trị, các bệnh nhân đã tỉnh, môi chi hồng, đồng tử hai bên đều, phản xạ ánh sáng tốt, nên gia đình đã ký cam kết xin ra viện. Các bệnh nhân cho biết, trước đó, các cháu đã uống sữa có pha tinh dầu CBD oil, sau đó xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt dữ dội, rồi nôn mửa, lơ mơ. Vật phẩm là chai sữa mà các cháu uống đã được người nhà mang đến Bệnh viện Trẻ em, sau đó bàn giao cho cán bộ Công an phường Lạch Tray.

Bệnh nhân Phạm Việt Hưng (16 tuổi) vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Tiệp lúc 15h ngày 15.9 với triệu chứng nôn, hoa mắt chóng mặt, cũng được rửa dạ dày cấp cứu, truyền dịch, đến chiều ngày 16.9, sức khỏe ổn định nên gia đình xin cho bệnh nhân xuất viện. Bệnh nhân được chẩn đoán khi ra viện là theo dõi ngộ độc thuốc gây nghiện, chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phẩm, gia đình không đồng ý làm xét nghiệm tìm độc chất.

Theo báo cáo, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh tập trung cao cho công tác cấp cứu, điều trị cho các cháu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Công an, các đơn vị y tế dự phòng) để thực hiện các công tác về xác định nguyên nhân; đồng thời, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện công tác giám sát, điều tra ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, trong sáng ngày 18.9, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn với đại diện sở Y tế, Công an quận Ngô Quyền, Công an phường Lạch Tray, Trung tâm y tế quận Lê Chân để làm rõ nội dung báo chí thông tin phản ánh vụ việc “4 cháu nhỏ Hải Phòng nghi bị sốc ma túy do uống chung chai sữa”. Sở Y tế Hải Phòng đã khẳng định nội dung phản ánh các cháu “bị ngộ độc, sốc chất ma túy” là không có căn cứ. Hiện sức khỏe các cháu cơ bản ổn định.

Hiện chai sữa các cháu uống dở đang được công an lưu giữ, Sở Y tế Hải Phòng đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo cơ quan công an tiến hành xác minh theo nghiệp vụ và có trả lời chính thức việc có chất gây nghiện bên trong chai sữa gây ngộ độc như báo chí đã đưa tin. (767)

13.  Xác minh 'chất lạ' trong chai sữa uống chung khiến 4 học sinh nhập viện

Cuối ngày 18-9, Sở Y tế TP Hải Phòng có báo cáo hỏa tốc gửi UBND TP và các cơ quan chức năng về việc 4 học sinh trên địa bàn phải nhập viện nghi do ngộ độc bởi 'chất lạ' trong chai sữa uống chung.

Trước đó, trên mạng xã hội và một số báo điện tử đưa thông tin 4 thiếu niên từ 13-16 tuổi nhập viện vì sốc ma túy sau khi uống chai sữa do một thanh niên đưa.

Báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng cho biết ngày 15-9, Trung tâm Y tế quận Lê Chân tiếp nhận cấp cứu 4 học sinh trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, vã mồ hôi và buồn nôn.

4 học sinh bị ngộ độc gồm có: Đặng Thái T. (11 tuổi), Lê Hoàng A. (13 tuổi), Nguyễn Trung T. (13 tuổi, cùng trú tại ngõ 70 Lạch Tray, quận Ngô Quyền) và Phạm Việt H., 16 tuổi, trú tại ngõ 193 Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Thông tin từ gia đình và hỏi trực tiếp bệnh nhân thì được biết trước khi bị tình trạng trên, các cháu có uống chung chai sữa đã được mở nắp do một thanh niên trong xóm đưa cho, không rõ thành phần bên trong.

Sau khi xử trí ban đầu, Trung tâm Y tế quận Lê Chân đã chuyển các bệnh nhân Đặng Thái T., Lê Hoàng A. và Nguyễn Trung T. đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, riêng Phạm Việt H. (16 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, 3 bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ theo dõi ngộ độc thức ăn, khám các cơ quan khác không có dấu hiệu bệnh lý. Các bác sĩ đã làm xét nghiệm cơ bản, rửa dạ dày, truyền dịch, lợi tiểu, theo dõi sát toàn trạng mạch, ý thức, nhịp thở.Sau một ngày nằm theo dõi và điều trị, các bệnh nhân đã tỉnh, đồng tử hai bên đều, phản xạ ánh sáng tốt nên gia đình ký cam kết xin ra viện.

Ngày 18-9, cả 3 học sinh này và người nhà đều cho rằng trước đó đã uống phải sữa có pha tinh dầu CBD oil của một thanh niên ở trong xóm tên P. (18 tuổi) đưa cho.

Bác sĩ điều trị cho các cháu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nhận định nhiều khả năng loại tinh dầu CBD oil mà bệnh nhân và người nhà nêu là loại có chứa tinh dầu cần sa và gây ra các triệu chứng trên khi uống phải.

Bệnh nhân Phạm Việt H. (16 tuổi) được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Tiệp lúc 15h ngày 15-9 cũng với triệu chứng nôn, hoa mắt chóng mặt và được rửa dạ dày cấp cứu, truyền dịch. Đến chiều 16-9, sức khỏe H. ổn định nên gia đình xin cho bệnh nhân xuất viện.

Bệnh nhân này được chẩn đoán khi ra viện theo dõi ngộ độc thuốc gây nghiện, chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phẩm, gia đình không đồng ý làm xét nghiệm tìm độc chất.Trong ngày 18-9, Sở Thông tin và truyền thông TP Hải Phòng cũng đã có cuộc họp khẩn với đại diện Sở Y tế, Công an quận Ngô Quyền, Công an phường Lạch Tray, Trung tâm Y tế quận Lê Chân để làm rõ nội dung báo chí thông tin phản ánh vụ việc "4 cháu nhỏ Hải Phòng nghi bị sốc ma túy do uống chung chai sữa".

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng tiếp tục khẳng định nội dung phản ảnh các cháu "bị ngộ độc, sốc chất ma túy" là không có căn cứ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 18-9, một lãnh đạo Công an quận Ngô Quyền cho biết hiện nay đơn vị này đã có báo cáo bước đầu gửi Công an TP Hải Phòng và chai sữa cũng đã được chuyển cơ quan chức năng tiếp tục xét nghiệm làm rõ loại chất có trong chai sữa này.

Theo vị lãnh đạo Công an quận Ngô Quyền, qua test nhanh lượng sữa còn trong chai, cơ quan chức năng bước đầu không phát hiện có thành phần chất ma túy hay tinh chất cần sa nào.

Vị này nhận định nhiều khả năng là một loại tinh chất khác (chưa xác minh được) khi kết hợp với sữa thì gây ra tình trạng trên cho các cháu học sinh khi uống. (790)

14.  Kỷ luật các cá nhân liên quan vụ thai nhi chết bất thường với vết thương dài trên cổ

Liên quan tới việc thai nhi chết bất thường với vết khâu dài trên cổ, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa xử lý kỷ luật 1 bác sĩ và 2 nữ hộ sinh.

Theo đó, ngày 12-9, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ có văn bản số 243a/ BC-BV, gửi Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc xử lý các cá nhân liên quan đến vụ việc thai nhi con của sản phụ Nguyễn Thị Tình chết trong quá trình sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ ngày 30-6-2019.

Đến ngày 6-9, Hội đồng kỷ luật Bệnh viện đã họp và tiến hành các bước xử lý các cá nhân vi phạm theo quy định. Các thành viên hội đồng kỷ luật đã nêu và phân tích mức độ sai phạm nghiêm trọng của vụ việc và trách nhiệm của từng viên chức, cá nhân cụ thể.

Trong đó nêu rõ hộ sinh Hoàng Thị Trinh, trực tiếp đón tiếp sản phụ, thăm khám ban đầu không thông báo sớm với bác sỹ trực khối biết, không nhận định được sản phụ có thai lần thứ sáu, thai 35 tuần là thai khó, không báo với bác sỹ trực thường trú, để theo dõi đẻ thường. Quá trình thăm khám không thực hiện đúng quy trình, nhất là việc khai thác quá trình thai nghén, tiền sử và đặc biệt là việc thực hiện quy trình nghe tim thai dẫn đến không xác định được tình trạng của thai. Đây là mấu chốt quan trọng nhất và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự cố nói trên. Các thành viên đều có ý kiến cho rằng nữ hộ sinh Trinh chịu trách nhiệm chính trong vụ việc đã nêu. Ngoài ra, trong văn bản cũng chỉ rõ hộ sinh Hoàng Thị Định, nhiệm vụ trực chính tại khoa Sản theo yêu cầu, cùng tham gia đỡ đẻ cho thai phụ Nguyễn Thị Tình từ đầu cho đến kết thúc, cũng đã không thăm khám kỹ dẫn đến không xác định được tình trạng thai nhi để thông báo với bác sỹ trực khối biết, dẫn đến sự cố nói trên, hộ sinh Định không phải là người chịu trách nhiệm chính nhưng cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền, phụ trách trực khối Ngoại, Sản, 3 Chuyên khoa, không hoàn thành nhiệm vụ. Bác sỹ Quyền có nhiệm vụ tiếp đón và thăm khám, làm bệnh án, chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng, tiên lượng cuộc đẻ và phân công nhiệm vụ cho các thành viên kíp trực, nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ của mình, khi sự cố xảy ra không xác định được trách nhiệm của mình; phát ngôn thiếu ý thức. Sau khi được nhắc nhở đã biết nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục sửa chữa.

Với những sai phạm trên, nữ hộ sinh Hoàng Thị Trinh mức kỷ luật Cảnh cáo; hộ sinh Hoàng Thị Định mức kỷ luật Khiển trách; bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền mức kỷ luật Khiển trách. (554)

15.  Bộ Y tế lý giải mô hình Đại học Khoa học sức khỏe

Mấy ngày qua, thông tin Bộ Y tế đổi tên trường ĐH Y, Dược thành ĐH Khoa học sức khỏe đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn.

Lý giải về mô hình ĐH khoa học sức khỏe, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho biết, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực là khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).

Mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như ĐH Khoa học sức khỏe Lào, ĐH California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco)...

"Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập ĐH Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh", ông Lợi khẳng định. Bên cạnh đó, theo ông Lợi, về bản chất, đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường ĐH Y, ĐH Dược, ĐH Điều dưỡng, ĐH Y tế công cộng...

Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh.

Hiện nay Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo.

Bộ Y tế cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi, ví dụ ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh hiện nay hoạt động theo mô hình trường ĐH, sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình ĐH Khoa học sức khỏe.

Ngoài việc xây dựng mô hình ĐH Khoa học sức khỏe, ông Lợi cũng cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu việc thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ bởi đây là xu hướng chung trên thế giới.

“Hiện nay Bộ Y tế đang đưa nội dung này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và chỉ áp dụng cho những người chưa có chứng chỉ hành nghề. Những người đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì không phải qua kỳ thi này”, Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo nêu.

Ngoài ra, theo ông Lợi, dự kiến, việc thi sẽ được áp dụng theo mô hình của các nước tiên tiến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thuận lợi nhất cho người dự thi, đảm bảo công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của người dự thi. (584)

16.  Đề xuất đổi tên trường Y Dược TP.HCM: Vì sao chưa thể thực hiện?

Đại học Y Dược TP.HCM đã gửi đề án đổi tên cho Bộ Y tế nhưng vướng Luật Giáo dục đại học sửa đổi nên chưa thể thực hiện.

Liên quan đến đề án đổi tên Trường Đại học Y Dược TP.HCM thành Đại học Khoa học Sức khỏe, PGS - TS Trần Diệp Tuấn, hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, trường đang xây dựng đề án tự chủ và từng gửi Bộ Y tế đề án đổi tên cách đây một năm.

Trường đã thành lập hội đồng và hiện đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở 2 tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Dự kiến, tổng diện tích của trường tại cơ sở 2 khoảng 126ha. Dự án sẽ dành khoảng 50ha để xây dựng trường học, số diện tích còn lại sẽ xây dựng quần thể y tế gồm các bệnh viện tư nhân, bệnh viện công - tư kết hợp, viện dưỡng lão, khu thẩm mỹ, khu sản xuất thử nghiệm, nhà máy sản xuất tế bào, sản phẩm sinh học...

Đề án thành lập Đại học Khoa học Sức khỏe TP.HCM bao gồm đại học và các trường đại học thành viên. Mô hình hoạt động của trường tương tự như 3 đại học vùng là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc phê duyệt đề án là vướng Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019).

Cụ thể, Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định việc lập trường đại học ít nhất phải có 3 chuyên ngành. Hiện nay, có nhiều khoa trong Trường Đại học Y Dược TP.HCM chỉ có 1 chuyên ngành, vì vậy không đủ số lượng để thành lập trường.

Chủ trương thành lập Đại học Khoa học Sức khỏe được đề cập từ cách đây 20 năm. Trong 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Đại học Y Dược TP.HCM là trường có quy mô, tầm cỡ và danh tiếng nhất nhất nên được đề nghị thực hiện đề án.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 17/9, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế) thông tin, việc đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM chỉ là một trong những nhiệm vụ triển khai đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe. Quá trình đổi tên sẽ bao gồm rất nhiều lĩnh vực như khoa học y sinh, y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

"Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo.

Chúng tôi xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi, ví dụ Đại học Y Dược TP.HCM hiện nay hoạt động theo mô hình trường đại học, sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe”, ông Lợi nhấn mạnh. Trong buổi khai giảng năm học mới tại Đại học Y Dược TP.HCM chiều 16/9, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Đại học Khoa học Sức khỏe TP.HCM sẽ gồm nhiều trường y, trường dược, trường nha, trường điều dưỡng… Hiện nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học Y Dược TP.HCM, chưa thể gọi là đại học được.  

Việc này Bộ GD-ĐT cũng góp ý rồi. Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Khoa học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác”. (670)

17.  Bộ Y tế yêu cầu hạn chế thấp nhất lượng phụ gia có trong thực phẩm

Theo Thông tư mới quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm vừa được Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế yêu cầu phải hạn chế mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm và việc sử dụng phụ gia phải đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm.Ngày 16-9, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhiên có liên quan; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16-10-2019.

Theo Thông tư, Bộ Y tế yêu cầu, nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Khoản 2, Điều 7 Thông tư này nhấn mạnh: Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ.

Ngoài ra, so với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 thì Thông tư mới cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.

Trong đó, Bộ Y tế quy định: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người… (400)

18.  Hàng loạt cơ sở khám, chữa bệnh tại TP.HCM bị đình chỉ hoạt động

Hầu hết các cơ sở đều hoạt động quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo trái quy định, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động...

Ngày 18.9, nguồn tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP đã ban hành nhiều quyết định xử phạt trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và rút phép, đình chỉ nhiều phòng khám.

Đầu tiên là Công ty TNHH đầu tư y tế quốc tế Đông Á (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10 bị UBND TP xử phạt với mức “khủng” là 213 triệu đồng. Đây là mức xử phạt khá cao đối với một phòng khám đa khoa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Công ty này vi phạm 4 hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Ngoài phạt tiền, công ty này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 4 tháng rưỡi; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Bị phạt với mức “khủng” thứ 2 là Công ty TNHH phòng khám đa khoa Liên Tâm (67 Liên tỉnh 5, P.5, Q.8), bị UBND TP phạt 177,4 triệu đồng do vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không lập sổ khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật; hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ.

Công ty TNHH She Beauty (327 - 329 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3; vi phạm tại Chi nhánh Công ty TNHH F&S online), bị UBND TP phạt 155 triệu đồng, vì: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài ra, công ty còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Công ty TNHH vẻ đẹp chuyên nghiệp Toàn Cầu (79 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3; vi phạm tại Chi nhánh Công ty TNHH vẻ đẹp chuyên nghiệp Toàn Cầu - L4-SH.01 (Shophouse), Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh), bị UBND TP phạt hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động. Ngoài bị phạt 122 triệu đồng, chi nhánh công ty còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Cơ sở khám bệnh bà Cao Thị Vân (71 - 73 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.11) bị UBND TP xử phạt 85 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cơ sở còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 4 tháng rưỡi.

Cơ sở nha khoa Nguyễn Văn Toàn (67 Trần Đình Xu, P.Cầu Kho, Q.1) bị phạt UBND TP phạt 95 triệu đồng vì hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; cơ sở bị đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Cơ sở thẩm mỹ bà Ngô Kiều Khanh (342 - 344 Cao Thắng, P.12, Q.10) bị UBND TP phạt 60 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động 9 tháng. (761)

19.  Thiết bị thế hệ mới giúp chẩn đoán sớm ung thư

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa chính thức đưa vào hoạt động cùng lúc các hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt, máy cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hóa xóa nền. 

Đây là các thiết bị thế hệ mới nhất, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đặc biệt cho phép chẩn đoán sớm các tổn thương về tim mạch, thần kinh, ung thư.

Bác sĩ CKII Vũ Hải Thanh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt có thời gian chụp nhanh (chỉ chụp toàn bộ trái tim trong 1 nhịp tim, hoặc nhịp tim trên 70 vẫn chụp tốt) giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế tác dụng phụ khi phải sử dụng thuốc cản quang. Ưu điểm này cho phép giảm liều xạ ảnh hưởng đến bệnh nhân và bác sĩ, cho hình ảnh sắc nét để có thể can thiệp chuyên sâu.

Với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền, hình ảnh sẽ chỉ hiện riêng mạch máu nên bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và xử lý tổn thương. Máy tự động đo độ hẹp, chiều dài của mạch và mạch máu được phóng to, chi tiết hơn trong quá trình đặt stent điều trị bệnh lý mạch não, mạch vành. Nhờ đó bác sĩ chọn kích thước stent trong can thiệp mạch phù hợp và vị trí chính xác. Hệ thống máy cắt lớp vi tính 512 lát cắt, máy cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hóa xóa nền đã tạo ra những đột phá trong chẩn đoán và điều trị. (310)

20.  Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh, Bộ Y tế kêu gọi 'làm sạch môi trường'

Ngày 17.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra tình hình các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại TP.Đà Nẵng và kêu gọi người dân tích cực phòng chống dịch khi số ca mắc tại đây đã tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

 Theo báo cáo của Sở Y tế TP.Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 4.257 ca SXH, tăng 2,37 lần (tăng 1.795 ca) so với cùng kỳ năm 2018. Với tỷ lệ ca mắc SXH không ngừng tăng cao, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ mắc SXH đứng thứ 3 trong 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Ngành y tế Đà Nẵng đã giám sát xử lý 435 ổ dịch. Các quận ghi nhận số ca mắc cao là Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà (đều trên 500 ca, tỷ lệ tăng dao động từ 1,7 - 3,7 lần).

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, cho biết với tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, địa phương đã tích cực ra quân tổng lực diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 222 khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục hoàn thành xử lý hóa chất diệt muỗi, chống bệnh SXH tại 439 cơ sở giáo dục trước khi bắt đầu năm học mới; xử lý tại các khu vực ẩm thấp, nước đọng ở các chợ, khu vực công cộng...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, việc phòng chống SXH chưa được hiệu quả triệt để, một số người dân chưa hợp tác tốt trong việc phun hóa chất... (329)

21.  Sốt xuất huyết tăng, bệnh viện kêu thiếu thuốc trị

Sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng gia tăng nhưng nhiều bệnh viện khu vực phía Nam lại kêu dịch cao phân tử - tên thương mại là Refortan, một loại thuốc điều trị SXH lại khan hiếm.

Ngày 16-9, chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - lo lắng nói: "Dịch truyền cao phân tử Refortan bệnh viện thông qua Sở Y tế Đồng Nai đấu thầu mua để điều trị SXH, nhưng số lượng trong kho hiện chỉ còn đủ sử dụng tối đa khoảng 3 tuần".

SXH tăng, thuốc không đủ!?

Theo bác sĩ Hà, tình trạng này rất đáng lo ngại bởi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, một ngày bệnh viện tiếp nhận

7 - 8 ca bệnh. "So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân bị SXH nhập viện tăng gấp 3 lần, toàn tỉnh số ca mắc SXH lên đến 13.000 ca, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 2 ca tử vong" - bác sĩ Hà nói.

Để tránh thiếu thuốc điều trị, bác sĩ Hà cho biết bệnh viện xin nhượng lại một số thuốc từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu dịch gia tăng sẽ rất bị động.

Tại sao lại thiếu thuốc? Theo lý giải của bác sĩ Hà, hiện nay phía đơn vị trúng thầu cung ứng dịch cao phân tử Refortan là đơn vị duy nhất trong toàn quốc được cấp phép nhập khẩu loại thuốc này. Tuy nhiên "đang bị gián đoạn" nên các bệnh viện đều rơi vào tình trạng... thiếu thuốc.

Nhiều nơi cùng thiếu

Không chỉ ở Đồng Nai, theo phản ảnh, một số bệnh viện ở các tỉnh khác như An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... đều có chung nguy cơ thiếu dịch cao phân tử Refortan. Trong kho thuốc của nhiều bệnh viện chỉ còn số lượng rất khiêm tốn, từ vài chục đến 100 chai dịch truyền.

Ông Từ Quốc Tuấn - giám đốc Sở Y tế An Giang - xác nhận tại Bệnh viện Sản nhi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc "kêu" thiếu dịch cao phân tử Refortan điều trị SXH.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, vấn đề này vừa được giới chuyên môn thảo luận, đánh giá cần phải xem xét thận trọng, bởi phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế còn rất nhiều loại thuốc khác nhau.

"Thực tế, trong dịch cao phân tử có rất nhiều cỡ, loại khác nhau nhưng do các đơn vị thích dùng loại này (tức Refortan), bởi theo kinh nghiệm thuốc này có vẻ điều trị hiệu quả, ít tác dụng phụ nên được sử dụng nhiều dẫn đến cháy hàng" - ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, năm nay tình trạng dịch SXH có chiều hướng tăng cao, khoảng 60% so với cùng kỳ 2018.

Về giải pháp, trước mắt đơn vị yêu cầu các bệnh viện cần rà soát, xem xét trường hợp nào thực sự cần thiết thì sử dụng dịch cao phân tử Refortan để cân đối, tránh xảy ra tình trạng thiếu thuốc. "Nếu thiếu có thể chuyển sang sử dụng các loại dung dịch khác nằm trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định" - ông Tuấn nói.

Đảm bảo nhu cầu chống dịch

Theo một bác sĩ chuyên về phòng chống SXH, dịch cao phân tử Refortan có tác dụng phòng và điều trị chứng giảm thể tích máu và sốc trong các trường hợp như sau phẫu thuật, chấn thương, nhiễm khuẩn, bỏng rộng, SXH, mất nước và điện giải.

"Khi bệnh nhân bị SXH mạch máu bị giãn nở, thoát dịch ra khỏi lòng mạch, điều này khiến máu cô đặc lại. Trong trường hợp này dịch cao phân tử giúp giữ nước lại trong lòng mạch. Do đó dịch cao phân tử rất quan trọng trong điều trị SXH" - bác sĩ này phân tích.

Theo bác sĩ này, dịch cao phân tử hiện nay được đánh giá là biện pháp tối ưu thay thế cho việc truyền dịch trong một số trường hợp.

"Từ trước tới nay, biện pháp sử dụng điều trị SXH chủ yếu là truyền dịch bổ sung nước. Tuy nhiên việc này nếu vượt quá mức cho phép, tức dư lượng nước sẽ gây quá tải cho tim mạch" - bác sĩ này nói.

Theo phác đồ điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành năm 2011 (và cập nhật ngày 22-8-2019), dung dịch cao phân tử được chỉ định trong điều trị chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng.Các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại nước ta gồm dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực (trong đó có dịch cao phân tử Refortan), được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.

Cần chủ động nguồn thuốc

Để đảm bảo việc cung ứng đủ và kịp thời thuốc phòng chống, điều trị bệnh SXH, Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc, tìm kiếm nguồn cung dung dịch cao phân tử, đảm bảo cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đơn đặt hàng của cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất thuốc có chứa dextran hoặc HES đảm bảo chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.

Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài chưa thể cung ứng ngay dịch cao phân tử hoặc cơ sở nhập khẩu tìm được nguồn cung mới thì khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp thiết theo quy định.

Bệnh sốt xuất huyết tăng

Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM) khuyến cáo hiện nay bệnh SXH đã vào mùa cao điểm hằng năm. Diễn tiến của bệnh gia tăng nhanh từ tháng 6.

Theo ghi nhận, tổng số ca mắc bệnh SXH (nội và ngoại trú) trong tháng 8 là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Số ca tích lũy trong 8 tháng qua là 39.814 ca, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. (1164)

22.  Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM 'soi' suất ăn nấu sẵn

Sáng 18-9, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM khảo sát ngẫu nhiên hoạt động cung cấp suất ăn nấu sẵn tại Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Khải Thành (quận Tân Phú, TP.HCM).

Ông Đặng Hồng Thạch, Giám đốc Công ty Khải Thành, cho biết hiện mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 2.500 suất ăn trưa cho năm công ty và trường học.

“Đơn giá mỗi suất ăn từ 15.000 đồng đến 23.000 đồng. Mặc dù giá tiền suất ăn khá thấp nhưng công ty luôn đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng” – ông Thạch nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP có gần 220 cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn..

“Do cung cấp nhiều suất ăn nên nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao, ảnh hưởng đến nhiều người. Do vậy, Ban Quản lý ATTP TP.HCM luôn giám sát những cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn và xử lý đúng quy định nếu sai phạm” – bà Lan nói.

Theo bà Lan, nhìn chung các cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn thực hiện đúng các quy định về ATTP. “Tuy nhiên, các công ty, trường học nên tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ vẫn tốt hơn. Một khi làm được điều này sẽ tránh nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm do không tốn thời gian dài vận chuyển thức ăn” – BS Lan nói thêm.

Cũng trong ngày, Ban Quản lý ATTP TP.HCM khảo sát bếp ăn tập thể của một công ty trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM và ghi nhận các điều kiện ATTP tốt. (299)

23.  Mức kỷ luật kíp bác sĩ vụ trẻ sơ sinh bị đứt đầu ở Hà Tĩnh: Chỉ cảnh cáo và khiển trách

Chiều 17/9, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã nhận được báo cáo của BVĐK huyện Đức Thọ về việc xử lý kỷ luật ê – kíp bác sĩ, hộ sinh đỡ đẻ để xảy ra vụ trẻ sơ bị đứt đầu vào ngày 30/6.

Theo đó, Hội đồng kỷ luật đã họp, phân tích mức độ sai phạm và trách nhiệm của kíp trực trong quá trình tiếp đón, thăm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Kíp trực này gồm bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền (phụ trách khối Ngoại, Sản) và 2 nữ hộ sinh là Hoàng Thị Trinh và Hoàng Thị Định.

Báo cáo của Hội đồng kỷ luật xác định, bác sĩ Quyền có nhiệm vụ tiếp đón và thăm khám, chỉ định các kỹ thuật lâm sàng, tiên lượng ca đẻ và phân công nhiệm vụ cho các thành viên kíp trực. Tuy nhiên, bác sĩ này đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Hộ sinh Hoàng Thị Trinh trực tiếp đón tiếp sản phụ sản phụ Tình và thăm khám ban đầu nhưng không thông báo với bác sĩ trực khối được biết. Ngoài ra, hộ sinh này không nhận định được sản phụ có thai lần thứ 6, thai 35 tuần là thai khó nên không thông báo với bác sĩ trực thường trú.

Cùng với đó, trong quá trình thăm khám, hộ sinh này cũng không thực hiện đúng quy trình nhất là việc khai thác quá trình thai nghén, tiền sử và đặc biệt là việc thực hiện quy trình nghe tim thai dẫn đến không xác định được tình trạng của thai.

Đây là mấu chốt quan trọng nhất và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự cố thai nhi tử vong mà không biết. Vì vậy, hộ sinh Trinh chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.

Còn hộ sinh Hoàng Thị Định, cùng tham gia đỡ đẻ cho sản phụ Tình từ đầu cho đến kết thúc nhưng cũng không thăm khám kỹ dẫn đến không xác định được tình trạng thai nhi để thông báo với bác sĩ trực khối biết.

Hội đồng kỷ luật BVĐK huyện Đức Thọ tiến hành bỏ phiếu kín đề nghị hình thức kỷ luật: cảnh cáo với hộ sinh Hoàng Thị Trinh; khiển trách bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền và hộ sinh Hoàng Thị Định. Đồng thời, kỷ luật cũng đã nhắc nhở bác sỹ Nguyễn Minh Đức - Trưởng Khoa Sản. (451)

24.  Thanh tra diện rộng việc mua sắm trang thiết bị và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

Thanh tra Chính phủ vừa ra quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc bộ và địa phương.

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 17/9, Phó tổng Thanh tra Chính phủ - Trần Ngọc Liêm đã ký ban hành Quyết định số 656/QĐ-TTCP thanh tra sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Kiểm tra xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ và địa phương.

Theo quyết định nêu trên, thời kỳ thanh tra nằm trong khoảng thời gian từ 1/1/2014 đến 31/12/2018, trong trường hợp cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này. Thời hạn thanh tra kéo dài 80 ngày làm việc.

Đoàn thanh tra có 16 thành viên, do ông Vũ Đức Tâm - Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng vụ 1 làm trưởng đoàn. Ngoài ra, ông Vũ Đức Tâm còn được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ công tác giúp Tổng Thanh tra chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng nêu trên. (296)

25.  Thức ăn có sinh vật lạ, công ty xin lỗi người lao động

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng xin lỗi toàn bộ người lao động về việc thức ăn có sinh vật lạ.

Liên quan đến vụ hơn 6.000 công nhân ở Quảng Nam ngừng việc vì cho rằng cơm trưa có giòi, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (đóng ở khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) có văn bản thông báo về sự cố nhà ăn xảy ra ngày 7.9 hôm qua (17.9).

Theo đó, lãnh đạo công ty xin lỗi toàn thể người lao động về sự cố trong thức ăn có sinh vật lạ.

Công ty cũng nhận định sự việc xảy ra có thể do thiếu sót trong khâu chuẩn bị, chế biến và bảo quản thức ăn chưa cẩn thận.

Ngoài ra, với sự cố vừa xảy ra tại nhà ăn, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cam kết cải thiện không gian nhà ăn sạch sẽ; tăng cường giám sát chặt chẽ về tất cả các khâu như: Nhập hàng hóa, bảo quản hàng hóa và chế biến sản phẩm; Sử dụng khay đậy, màn che để bảo quản thực phẩm đã chế biến.

Trước đó, vào ngày 17.9, hơn 6.000 công nhân của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng tập trung ở bếp ăn tập thể để dùng cơm trưa.

Một số công nhân hốt hoảng khi phát hiện sinh vật mà họ khẳng định là giòi trong các món canh, thịt.

Bức xúc vì khâu an toàn vệ sinh của suất cơm trưa không được đảm bảo, hàng nghìn công nhân bỏ dở bữa ăn và quyết định ngưng việc.

Qua sự việc trên, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam và LĐLĐ Khu công nghiệp trực tiếp giám sát bữa ăn của công nhân và Công đoàn cơ sở hàng tuần sẽ thu phiếu đánh giá chất lượng bữa ăn từ đó những tiêu chí chưa đạt sẽ yêu cầu Công ty và nhà ăn cải thiện. Hiện tại, hàng nghìn công nhân đã vào làm việc trở lại bình thường. (359)

26.  Thông tin sức khỏe gần 90 trẻ mầm non nhập viện nghi do ngộ độc

Liên tiếp từ ngày 13-16.9, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tiếp nhận gần 90 trẻ tại Trường Mầm non Thụy Liễu nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn, sốt.

Được biết, ngày 13.9 vừa qua, gần 90 em học sinh (trong đó có 89 học sinh và 1 giáo viên) ở trường Mầm non xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã phải nhập viện khẩn cấp nghi do ngộ độc thực phẩm. Đến nay, tình trạng sức khỏe của các em cơ bản đã dần ổn định.

Tuy nhiên, ngày 17.9, tại cổng trường Mầm non xã Thụy Liễu, nhiều phụ huynh học sinh đã tập trung ở cổng trường yêu cầu gặp Hiệu trưởng để chất vấn và mong muốn phía nhà trường và cơ quan chức năng nhanh chóng công bố nguyên nhân vụ việc.

Anh Vũ Khánh Hào, phụ huynh cháu Vũ Hồng Ngọc (3 tuổi) ở xã Thụy Liễu bức xúc: “Con tôi học lớp 4 tuổi, hôm thứ 6 ăn ở trường vẫn bình thường, đến thứ 7 thì bắt đầu co giật và sốt. Sáng sớm nay bác sĩ thấy bệnh tình cháu ổn định nên ký giấy ra viện, tuy nhiên khi về đến nhà thì gia đình lại phải đưa cháu nhập viện trở lại”.

“Từ khi các cháu nhập viện, đại diện nhà trường vẫn chưa đến thăm hỏi động viên, giải thích điều gì với chúng tôi. Mong rằng, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh để làm sáng tỏ vụ việc” - một phụ huynh bày tỏ quan điểm.

Chiều 17.9, nói về tình trạng sức khỏe của gần 90 em học sinh vừa nhập viện, bác sĩ Nguyễn Giang Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê chia sẻ: Hiện sức khỏe các cháu đã dần ổn định và chưa có cháu nào bị bệnh nặng. Với những dấu hiệu ban đầu như nôn mửa, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, ông Long xác định rằng, các cháu đã bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, để có kết quả chính  xác thì vẫn phải chờ mẫu xét nghiệm từ phía trung tâm.

Theo bác sĩ Nguyễn Giang Long, sức khỏe các cháu nhập viện cơ bản đã ổn định, không có trẻ nào trong tình trạng nặng, nguy kịch. Đã có 1 cháu ổn định và đã ra viện.

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Hồng Tâm - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình và động viên, thăm hỏi gia đình các cháu để ổn định tâm lí.

Theo bà Tâm, tính đến thời điểm hiện tại đã có 35 cháu đã đi học bình thường và được bố bố mẹ đón về, còn các cháu ở xa thì vẫn đang nghỉ ngơi ở nhà chờ đợi kết quả điều tra. Ngay sau khi có kết quả, Phòng sẽ báo cáo ngay lên UBND huyện và thông báo với các bên, đưa ra hướng giải quyết sự việc này.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, vào hồi 22h ngày 13.9 có một cháu bó biểu hiện đau bụng, nôn sốt vào khám. Đến ngày 14.9 có rải rác khoảng hơn 30 cháu đến khám nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê  đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ hỗ trợ.

Sau đó, tổng số bệnh nhân đến khám là 90 người. trong đó có 89 trẻ và 1 giáo viên. Qua xác định ban đầu, các cháu học sinh trường Mầm non xã Thụy Liễu đã ăn trưa và bữa phụ tại trường với thực đơn gồm cơm tẻ, nem rán, canh đỗ xanh, chè đỗ đen, chuối. Để làm rõ vấn đề này, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê đã phối hợp với chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ để lấy mẫu xác minh. (719)

27.  Sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh

Hiện tại đang vào mùa mưa nên dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thiếu hiểu biết và chủ quan với dịch bệnh nguy hiểm trên.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Biểu hiện của bệnh

Thể bệnh nhẹ: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:Dấu hiệu xuất huyết như Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. (853)

28.  Nâng cấp nhưng có thể giữ lại tên Trường ĐH Y Dược TP.HCM

'Về tên gọi trường sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là ĐH Y Dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình ĐH khi được phê duyệt', ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ 2 đề án rất quan trọng, một là thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; hai là sắp xếp một số cơ sở đào tạo thành ĐH khoa học sức khỏe. Bộ Y tế cũng đang được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe.

Giải thích vì sao Bộ Y tế muốn phát triển một số cơ sở đào tạo thành ĐH Khoa học sức khỏe, ông Lợi nhắc đến mô hình các ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP.HCM), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, trên thế giới cũng đã có một số mô hình như: ĐH Khoa học sức khỏe Lào, ĐH California San Francisco (University of California, San Francisco)... Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập các ĐH khoa học sức khỏe ở VN đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội, TP.HCM. Đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng...

Với mô hình ĐH, cơ sở đào tạo sẽ được trao quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên, nhưng chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...

“Quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi, ví dụ Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện nay hoạt động theo mô hình trường ĐH đang làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình ĐH khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là ĐH Y Dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình ĐH khi được phê duyệt”, ông Lợi cho biết.

Được biết, nhiều ý kiến của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng mong muốn giữ lại tên cũ dù chuyển đổi mô hình sang ĐH. (484)

29.  Có đủ chuẩn để thành lập ĐH Sức khỏe?

Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc thành lập ĐH Sức khỏe là chủ trương đúng nhưng cần phải đủ điều kiện thành lập, phù hợp với Luật Giáo dục ĐH và thực tế Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Trường ĐH Y Dược TP HCM xây dựng đề án thành lập ĐH Sức khỏe TP HCM và khi đề án được thông qua thì sẽ đổi tên trường.

Chủ trương 20 năm nhưng vướng luật

Liên quan đến việc tại sao lại gọi là ĐH Khoa học Sức khỏe, TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế), cho biết khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐHQG (Hà Nội, TP HCM), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Mô hình này đã được khẳng định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, trên thế giới cũng đã có một số mô hình như ĐH Khoa học Sức khỏe Lào, ĐH California San Francisco (Mỹ)...

Theo ông Lợi, cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM. Về bản chất, đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng... Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...

PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết đề án thành lập ĐH và các trường ĐH thành viên Trường ĐH Y Dược TP HCM đã gửi Bộ Y tế cách nay 1 năm. Đề án này bao gồm ĐH và các trường ĐH thành viên nhưng không quy mô như 2 ĐHQG mà có thể như ĐH vùng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vướng Luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực từ tháng 7-2019. Cụ thể, luật quy định việc lập trường ĐH phải có ít nhất 3 chuyên ngành. Hiện nay, có những khoa rất mạnh đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại chỉ có 1 chuyên ngành nên không đủ số lượng chuyên ngành để thành lập trường theo luật. Do vậy, để thành lập được các trường ĐH thành viên lại cần điều chỉnh theo luật mới. Phải đủ điều kiện để thành lập ĐH

Liên quan đến Đề án thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe, các chuyên gia giáo dục cũng có những góc nhìn khác nhau.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng trên thế giới, tên gọi ĐH Khoa học Sức khỏe cũng đã có chứ không phải tự Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra. Khi trở thành ĐH Khoa học Sức khỏe thì ĐH này có thể có các trường ĐH thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa, Trường ĐH Răng hàm mặt…, như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cho phép.

Nếu thành lập ĐH Sức khỏe, cơ chế giống như 2 ĐHQG thì ban giám đốc sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và kinh phí ngân sách cấp 1 (Quốc hội phê duyệt) nhưng hiệu trưởng các trường ĐH thì do bộ trưởng bổ nhiệm (nay là hội đồng trường) và ngân sách thuộc bộ chủ quản.

Vấn đề là các khoa y, khoa dược, khoa răng hàm mặt... của Trường ĐH Y Dược TP HCM có đủ chuẩn (về đào tạo ĐH, sau ĐH; giảng viên; cơ sở vật chất…) để thành trường thành viên thuộc ĐH Sức khỏe hay chưa.

"Tên gọi của ĐH, trường ĐH chỉ mang tính lịch sử, truyền thống... Nên dùng tên ĐH Khoa học Sức khỏe để bao trùm hết các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Có thể hiện nay điều kiện để thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe chưa chín muồi nhưng chủ trương thành lập là đúng, đúng với Luật Giáo dục ĐH và phù hợp với thực tế nhiều nước" - TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu ý kiến.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thành lập ĐH Sức khỏe như bộ trưởng Bộ Y tế nói là chưa ổn. Bởi lẽ đã là ĐH thì cần đa ngành, đa lĩnh vực... Nếu chỉ bó hẹp trong lĩnh vực sức khỏe không thể gọi là ĐH theo đúng nghĩa. Gọi vậy là ĐH đơn lĩnh vực và đa ngành.

Theo TS Vinh, ĐH theo đúng nghĩa ĐH chỉ có 2 ĐHQG (Hà Nội, TP HCM) có nhiều ngành và lĩnh vực, song so với thế giới thì có thể còn thiếu cái này cái khác… Đặc trưng nhất của ĐH là phải có trường hoặc khoa giáo dục đại cương, các khoa khoa học cơ bản. Nếu không thì việc nghiên cứu hạn chế.

Ông Hoàng Ngọc Vinh ví dụ ĐH Sydney (Úc) có hàng chục lĩnh vực như: luật, kỹ thuật, y, giáo dục, nông nghiệp, kinh doanh, phụ nữ... "Nói như bộ trưởng Bộ Y tế thì Trường ĐH Luật cũng có thể gọi là ĐH Luật chăng vì cũng đa ngành luật?" - ông Vinh băn khoăn.Cần giữ thương hiệu của cơ sở đào tạo

"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo. Chúng tôi xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải tên gọi, ví dụ Trường ĐH Y Dược TP HCM làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình ĐH Khoa học Sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là ĐH Y Dược TP HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình ĐH khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt" - TS Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh. (1193)

30.  Cảnh báo về đại dịch chết người giống cúm có thể lây lan khắp thế giới

Một đại dịch giống như cúm được cảnh báo là có thể lan khắp thế giới trong vòng 36 giờ và giết chết 80 triệu người.

Cựu Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Gro Harlem Brundtland cảnh báo về mối đe dọa bùng phát dịch bệnh giống như cúm có thể gây tử vong hàng chục triệu người.

Một thế kỷ trước, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã ảnh hưởng đến 1/3 dân số thế giới và giết chết 50 triệu người. Nếu một đợt bùng phát tương tự xuất hiện bây giờ, hậu quả có thể tồi tệ hơn rất nhiều - báo cáo của Ủy ban giám sát sẵn sàng toàn cầu (GPMB) cho biết.

"Mối đe dọa của một đại dịch lan rộng trên toàn cầu là có thật. Một mầm bệnh lây lan nhanh có khả năng giết chết hàng chục triệu người, phá vỡ các nền kinh tế và gây bất ổn an ninh quốc gia" - báo cáo của GPMB - ủy ban gồm các chuyên gia y tế do bác sĩ Gro Harlem Brundtland - cựu Thủ tướng Na Uy và cựu tổng giám đốc WHO và Tổng thư ký Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Alhadj As Sy đứng đầu, cho biết hôm 17.9.

Báo cáo có tên "A World At Risk" (Thế giới đang lâm nguy) cho rằng những nỗ lực hiện tại để chuẩn bị cho những đợt bùng phát sau những cuộc khủng hoảng như Ebola là "không đủ mạnh".

Báo cáo cho biết, những khuyến nghị mà GPMB đưa ra trong một báo cáo trước đó gần như đã bị các nhà lãnh đạo thế giới bỏ qua.

"Nhiều khuyến nghị không được xem xét thực hiện, thực hiện kém hoặc hoàn toàn không thực hiện, các lỗ hỏng nghiêm trọng vẫn tồn tại" - tờ Daily Mail dẫn báo cáo của GPMB cho hay.

Báo cáo đính kèm một bản đồ với danh sách những bệnh có thể bùng phát thành đại dịch trên toàn thế giới. Chúng được phân chia thành "mới nổi", "tái phát" và "hồi sinh".

Trong số những dịch bệnh cũ có virus Ebola, Zika, Nipah và 5 loại cúm. Sau này có virus tây sông Nile, kháng kháng sinh, sởi, viêm tủy sống liệt mềm cấp tính, sốt vàng da, dịch hạch và thủy đậu.

Báo cáo đề cập đến thiệt hại do đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 gây ra và cho biết những tiến bộ hiện đại trong việc đi lại ngày nay khiến những căn bệnh lây lan nhanh hơn.

"Với số lượng lớn người di chuyển bằng máy bay trên khắp thế giới mỗi ngày, một đợt bùng phát dịch bệnh tương tự có thể lây lan trên toàn cầu trong vòng chưa đến 36 giờ và giết chết từ 50-80 triệu người" - báo cáo viết.

Báo cáo đề ra một loạt hành động mà cộng đồng quốc tế phải thực hiện để bảo vệ người dân trên khắp thế giới trong trường hợp bệnh dịch vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ chú ý đến những bài học của các đợt bùng phát dịch và đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Trong các khuyến nghị, nhóm nghiên cứu cho biết các chính phủ phải bỏ tiền ra để chuẩn bị tại chỗ và thực hiện các bài tập mô phỏng thường xuyên.

Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi đầu tư tư nhân nhiều hơn vào việc ứng phó với đại dịch và Liên Hợp Quốc phải làm nhiều hơn để phối hợp các phản ứng xuyên biên giới. Hồi đầu năm nay, WHO đã cảnh báo rằng một đại dịch cúm khác - do virus lây lan trong không khí - là không thể tránh khỏi, và thế giới nên chuẩn bị cho nó.

Thăm dò ý kiến