Điểm tin y tế ngày 06/6/2019

07/06/2019 | 09:57 AM

 | 

1. Bộ Y tế kiên quyết giữ đề xuất về kiểm soát quảng cáo, giờ bán rượu, bia

Phiên bản mới nhất của dự Luật Phòng chống tác hại rượu bia, những điều khoản ngăn cản việc quảng cáo, tiếp thị tràn lan rượu bia, giới hạn điểm bán, giờ bán lại được đưa ra khỏi dự thảo luật.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc xử phạt tài xế sử dụng rượu bia, sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật bày tỏ quan điểm hiện Việt Nam có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt.

"Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 trong tháng 6/2019" - ông Nhật nói.

Một PV đặt vấn đề, tai nạn giao thông chỉ là một trong những hậu quả rất nghiêm trọng mà rượu bia gây ra, nếu chỉ xử phạt thì mới giải quyết được phần ngọn. Trong khi đó, để cho rượu bia là chất gây nghiện mà giới trẻ, người dân tiếp xúc một cách quá dễ dàng là điều kiện gây ra việc tiêu thụ và dẫn đến nghiện rượu bia, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những điểm mạnh trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia  hiện nay lại bị đưa ra khỏi dự thảo luật.

Trong phiên bản mới nhất, những điều khoản ngăn cản việc quảng cáo, tiếp thị tràn lan rượu bia hay giới hạn điểm bán, giờ bán đã được đưa ra khỏi dự thảo luật."Vậy sau những hậu quả nghiêm trọng mà gần đây rượu bia mang lại, Chính phủ liệu có ý định đưa trở lại những điểm mạnh để tác hại rượu bia được giảm thiểu hay không?" - PV đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế  Trương Quốc Cường cho hay, quan điểm Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là chúng ta cần quan tâm đến nội dung là làm thế nào để kiểm soát được rượu bia.

Hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng. Nội dung này Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản.

Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia.Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia.Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài ra Quốc hội cũng đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng.

Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài, thứ hai, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ.

"Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia" - Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.

Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia. Với nhiều nỗ lực, dự thảo Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019.

2. Kiểm soát giờ bán rượu bia sẽ được đưa vào luật

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, rượu bia không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ mà còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục.

Vấn đề kiểm soát quảng cáo, bán rượu bia được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/5.

Theo đó, tai nạn giao thông chỉ là một trong những hậu quả rất nghiêm trọng của rượu bia đem lại, nếu chỉ xử phạt thì mới giải quyết được phần ngọn.

Trong khi đó, để cho rượu bia là chất gây nghiện mà giới trẻ, người dân tiếp xúc một cách quá dễ dàng là điều kiện gây ra việc tiêu thụ và dẫn đến nghiện rượu bia, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những điểm mạnh trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia hiện nay lại bị đưa ra khỏi dự thảo luật.

Vậy sau những hậu quả nghiêm trọng mà gần đây rượu bia mang lại, Chính phủ liệu có ý định đưa trở lại những điểm mạnh để tác hại rượu bia được giảm thiểu hay không?

Trả lời những thắc mắc trên, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Trương Quốc Cường cho biết, quan điểm của Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình làn cần quan tâm đến nội dung là làm thế nào để kiểm soát được rượu bia.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường còn cho biết: “Hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng.

Nội dung này chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản.

Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia”.

Ông Cường cho biết: “Việc Quốc hội đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang "Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng",Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài, thứ hai, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ.

Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia”.

3. Thêm vaccine '5 trong 1' mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Bắt đầu từ tháng 5/2019, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ được đưa thêm một loại vaccine “5 trong 1” mới vào tiêm chủng cho trẻ.  Theo Bộ Y tế, việc đưa thêm vaccine “5 trong 1” nhằm đảm bảo an ninh vaccine, chủ động không để thiếu nguồn cung ứng vaccine góp phần đảm bảo sức khoẻ cho trẻ nhỏ.

Nỗ lực đảm bảo an toàn vaccine trong tiêm chủng

Được biết, vaccine “5 trong 1” được đưa thêm vào Chương trình tiêm chủng mở rộng trong tháng 5/2019 là vaccine SII do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần kháng nguyên tương tự hai loại vaccine “5 trong 1” (vaccine Quinvaxem và vaccine ComBe Five) đã và đang được sử dụng tại nước ta. Vaccine SII có tác dụng phòng ngừa 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Vaccine SII chứa thành phần ho gà toàn tế bào và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Vaccine “5 trong 1” mới đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, tính an toàn chung, an toàn đặc hiệu và hiệu quả bảo vệ với từng thành phần kháng nguyên của vaccine. Giống như vaccine Combe Five, vaccine SII cũng được thử nghiệm trên chuột, với liều tiêm tương đương cho người. Được biết, vaccine mới này đang được sử dụng tại 79 quốc gia với hiệu quả bảo vệ trên 80%.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết, trước khi đưa vaccine mới này vào sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc Gia, Bộ Y tế sẽ tiến hành thí điểm vaccine 5 trong 1 mới ở quy mô nhỏ. Theo đó, loại vaccine 5 trong 1 mới sẽ được thí điểm triển khai tại 5 tỉnh, thành phố thuộc 4 khu vực địa lý, riêng miền Bắc sẽ có 2 tỉnh. Sau khi triển khai ở quy mô nhỏ, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá, triển khai tiêm đại trà vào cuối năm 2019.

Về vaccine SII được đưa thêm vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - chia sẻ: Do vaccine Combe Five không đủ nên việc đưa thêm vaccine SII vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp chủ động về nguồn cung ứng vaccine, đảm bảo an ninh, an toàn vaccine trong tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em. Nhà cung cấp vaccine SII là Viện Huyết thanh Ấn Độ từng cung cấp 20 triệu liều vaccine sởi - rubella cho Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014.

Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc đưa vaccine mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia không liên quan đến một số ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine ComBe Five, mà là để đảm bảo an ninh vaccine. Do lượng vaccine ComBe Five được cung cấp gần đây chưa đảm bảo về số lượng so với nhu cầu (mới đạt khoảng 60-70%) nên việc đưa thêm một vaccine mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp chủ động về nguồn cung ứng phục vụ cho tiêm chủng. Vaccine 5 trong 1 ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm trước bằng vaccine Quinvaxem và từ tháng 12/2018 thay thế bằng vaccine ComBe Five. 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em cần tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, tương đương khoảng 5,1 triệu liều vaccine 5 trong 1.

Chủ động tiêm chủng để phòng bệnh

Tiêm chủng đầy đủ là vô cùng cần thiết để phòng bệnh và thể hiện hiệu quả phòng bệnh của vaccine trong tiêm chủng đối với sức khoẻ của con người. Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc từ chối tiêm chủng là một hiện tượng được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. Nhiều bậc phụ huynh chưa đưa con đi tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi với suy nghĩ khi trẻ bị bệnh chỉ cần điều trị tại nhà thì trẻ sẽ tự khỏi bệnh hay lo ngại ảnh hưởng và phản ứng trẻ sẽ gặp phải sau tiêm vaccine… So với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm thì số người từ chối tiêm chủng là thiểu số, song ảnh hưởng của hiện tượng này đến cộng đồng là không hề nhỏ bởi nó gây ra những hiểu nhầm và nhận thức không đúng đắn về tiêm chủng.

4. Khánh thành Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực

Sau gần 1 năm triển khai xây dựng, sáng ngày 5/5, Tổng công ty CP Hợp lực đã chính thức đưa Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực  với quy mô 500 giường bệnh đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực được xây dựng trên địa bàn xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia. Bệnh viện có tổng diện tích sàn xây dựng gần 45.000m2, được Bộ Y tế thẩm định cấp Giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh vào ngày 29/1/2019 với gần 6.000 danh mục chuyên môn kỹ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng III và xếp hạng tương đương với Bệnh viện hạng III. 

Bệnh viện có tổng số 330 cán bộ nhân viên, trong đó có 66 bác sỹ và 02 dược sỹ (có trình độ đại học và sau đại học), 128 điều dưỡng, 26 kỹ thuật viên, 14 dược sỹ (có trình độ cao đẳng và trung học) và gần 100 cán bộ, nhân viên khác. 

Bên cạnh nguồn nhân lực được đào tạo có chiều sâu, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hệ thống máy móc, thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Hệ thống phòng mổ áp lực dương đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn; hệ thống xử lý nước RO hiện đại; Hệ thống chụp cắt lớp vi tính; máy chụp cắt lớp 12 dãy, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla; máy siêu âm mầu 4D; hệ thống máy X-quang cao tần kỹ thuật số; phẫu thuật nội soi ổ bụng Full HD; máy chạy thận nhân tạo thế hệ mới; các loại kính hiển vi phẫu thuật thần kinh, cột sống, chấn thương hiện đại nhất hiện nay…

Đến nay, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực tiếp đón từ 500 đến 600 người dân đến khám, chữa bệnh và khoảng 500 bệnh nhân nội trú, bước đầu đã đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo sự hài lòng cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hợp Lực cho biết, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại Tĩnh Gia là sự nối tiếp những thành công của Bệnh viện đa khoa Hợp Lực khu vực thành phố Thanh Hoá.

5. Những đêm trực thầm lặng dài bất tận của bác sĩ nội soi

Tránh cho bệnh nhân những cuộc mổ đáng tiếc, góp phần thành công trong quá trình điều trị là sự vào cuộc thầm lặng của các bác sĩ nội soi.

BV Chợ Rẫy (TP.HCM) một chiều cuối ngày, khi ánh đèn buông xuống, những dòng người hối hả vội trở về nhà sau một ngày dài mưu sinh, Khoa nội soi của BV cũng bắt đầu thưa thớt bệnh nhân. Mệt nhoài sau khi thăm khám thường quy cho bệnh nhân, BS Hoàng Tuấn Vũ cùng một điều dưỡng được phân công trực cấp cứu cho ca đêm.

Ăn vội tô hủ tíu dưới căn tin, bác sĩ (BS) Vũ gấp gáp lên Phòng nội soi can thiệp phụ BS Thuận thực hiện ca ERCP (nội soi mật tụy ngược dòng) cấp cứu cho cụ ông 96 tuổi bị nhiễm trùng đường mật do sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ. Trường hợp này nếu để lâu có thể dẫn đến sốc, tử vong cần nội soi can thiệp lấy sỏi.

“Ông có cái răng giả nào không?”

Cô điều dưỡng nhanh nhẹn đưa cụ ông vào phòng nội soi, theo sau là cô cháu gái tên Tuyết bộ dạng rất bồn chồn, lo lắng theo từng tiếng rên “hừ hừ” của cụ ông. Dự báo ca nội soi phức tạp, bệnh nhân lớn tuổi, có túi thừa, nhiều bệnh lí đi kèm cần thực hiện nhanh nên BS Thuận đã yêu cầu phải chuẩn bị sẵn đầy đủ dụng cụ cho mọi tình huống có thể xảy ra. Một bác sĩ khoa gây mê hồi sức cũng được huy động để làm cho cụ ông mê trong lúc thực hiện thủ thuật. “Đối với những ca có khả năng bệnh nhân “cựa quậy” hoặc không hợp tác, ảnh hưởng đến việc làm thủ thuật nên cần phải làm cho bệnh nhân yên, việc gây mê lúc này là cần thiết”, bác sĩ này chia sẻ.

Điều dưỡng viên trước khi thực hiện thủ thuật hỏi bệnh nhân: “Ông có cái răng giả nào không?”. Thấy cụ lắc đầu anh mới cho ngậm miếng ngáng miệng để bảo vệ ống soi và ra hiệu cho BS Thuận thực hiện thủ thuật. Anh giải thích: “Tôi hỏi vậy vì sợ ông có răng giả, khi gây mê không biết gì nuốt vào sẽ nguy hiểm”.

Sau 10 phút căng thẳng, nhờ sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng với điều dưỡng, BS Thuận đã tiếp cận được “thủ phạm” là 2 viên sỏi đang lấp ống mật chủ gây ứ mật và làm cho bệnh nhân đau. Sau khi bơm thuốc cản quang chụp hình, xác định chính xác vị trí, BS Thuận đã sử dụng dụng cụ lấy 2 viên sỏi ra khỏi đường mật của cụ ông.

Được gọi vào thông báo và cho xem hình ảnh hai viên sỏi của cụ ông, nét mặt căng thẳng của chị Tuyết mới giãn ra. Chị Tuyết cho hay chỉ nghĩ cụ ông đau bụng do trúng thực. “Đau từ hôm qua nhưng ông không nói, vẫn cố chịu đựng, hôm nay đau quá không chịu nổi, ông mới để con cháu đưa vào BV. Lúc nãy nội soi xong, tôi hỏi ông đỡ chưa, ông kêu lấy sỏi xong thấy nhẹ hẳn, tôi cũng đỡ lo”, chị Tuyết kể.

Trở lại phòng trực nội soi, BS Vũ tiếp tục nhận cuộc gọi từ phòng mổ cho hay có một ca xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản, biến chứng của xơ gan, cần nội soi cầm máu tại phòng mổ. Thanh niên trẻ 20 tuổi nhưng có tiền sử viêm gan B, C. Hai tháng trước, chàng trai phát hiện bệnh u gan nhưng tự ý điều trị thuốc nam, diễn tiến ói ra máu nên được người nhà đưa vào cấp cứu. Sau khi hội chẩn với bác sĩ gây mê, nhận định bệnh nhân có chức năng gan kém, u gan, xơ gan, đào thải thuốc kém nên các bác sĩ quyết định làm thủ thuật cho bệnh nhân lúc tỉnh táo, không “dám” cho thuốc tiền mê, nếu trong quá trình làm bệnh nhân bị kích thích quá sẽ cho thuốc an thần. Sau 30 phút xử trí, BS Vũ đã thắt lại được tĩnh mạch thực quản giãn vỡ gây chảy máu cho bệnh nhân.

Lên lại phòng trực nội soi mê man ngủ thiếp đi, mọi giác quan của BS Vũ lại bị đánh thức vào 1 giờ sáng khi điện thoại từ phòng mổ báo có ca xuất huyết tiêu hóa do xơ gan, uống rượu quá nhiều. Sau 30 phút can thiệp, điểm chảy máu đã được khống chế, ngưng chảy máu.

Đến 3 giờ sáng, BS Vũ lại tiếp tục thực hiện cầm máu cho một ca xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, Đối với các trường hợp này, BS Vũ cho hay có 2 tình huống xảy ra khi nội soi thất bại: “Tùy theo đánh giá lâm sàng, các bệnh lý đi kèm bệnh nhân sẽ được chuyển can thiệp mạch máu để cầm máu, nếu không đáp ứng thì có thể sẽ phải mổ mở. Mổ mở là phương án cuối cùng vì hậu phẫu nặng nề, mất máu, nhiễm trùng,nằm lâu nhất là bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nội khoa nhiều...”.

6. Khẩn trương hoàn thành kết nối cho các quầy thuốc tư nhân

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1847/TB-SYT về triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 07-8-2018 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, tính đến 24-4-2019, 5.607 cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông. Trong đó: Nhà thuốc đạt 99,9% (3.396/3.399), quầy thuốc đạt 79,5% (1.880/2.365), cơ sở bán buôn đạt 29,3% (331/1.129); Hoàn thành kết nối liên thông: 100% các nhà thuốc tư nhân, 100% nhà thuốc, quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, một số huyện tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân còn chậm như: Quốc Oai 28% (28/100), Thanh Oai 34,9% (22/63), Mỹ Đức 57,1% (16/28), Sóc Sơn 58,3% (169/290), Hoài Đức 59,9% (85/142), Chương Mỹ 63,3% (81/128).

Vì vậy, Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế quận, huyện, thị xã trong thời gian tới khẩn trương hoàn thành kết nối cho các quầy thuốc tư nhân trên địa bàn đảm bảo đúng tiến độ. Tổ chức giao ban đôn đốc các cơ sở chưa thực hiện kết nối liên thông; Tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở cung ứng thuốc để nâng cao trình độ CNTT, sử dụng phần mềm đồng thời hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện kết nối liên thông; Thông báo đến các cơ sở bán lẻ thuốc: Trường hợp cơ sở tái thẩm định GPP không thực hiện cập nhật dữ liệu đầy đủ, kịp thời lên cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia sẽ không đạt GPP, Sở Y tế sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kê đơn tại các bệnh viện/phòng khám tư nhân, việc thực hiện bán thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc, việc thực hiện liên thông kết nối với “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia”. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật. Hàng tuần, báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Y tế.

Quản lý, sử dụng Tài khoản quản trị phải đúng mục đích, đảm bảo tính báo mật của hệ thông “Dữ liệu dược Quốc gia” và các quy định của Pháp luật hiện hành. Thường xuyên kiểm tra thông tin trên hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” để rà soát đanh sách kết nối, việc thực hiện cập nhật dữ liệu, phát hiện thông tin thuốc hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng, thuốc bị đình chỉ lưu hành của các cơ sở thuộc địa bàn quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời.

7. Cứu bệnh nhân bị 5 vết dao đâm thấu ngực

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị 5 vết dao đâm qua lồng ngực, trong đó có một vết đâm thủng tim.

Bệnh nhân là anh T. N. P. (42 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An), vào cấp cứu tại Bệnh viện ngày 25/4 trong tình trạng choáng nặng, da và môi tái nhợt, thở ngáp, huyết áp 60/40 mmHg, mạch nhanh nhỏ. Trên vùng ngực của bệnh nhân xuất hiện 5 vết thương đang chảy máu.

Nhận định tình trạng nguy cấp, tiên lượng tử vong gần của bệnh nhân do bị thủng tim, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng mổ tối khẩn.

Kíp mổ là sự phối hợp của các phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực cùng các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức tích cực. Bệnh nhân được mở ngực theo đường trước bên của gian sườn 4, bác sĩ thấy có nhiều máu cục trong khoang màng phổi; tâm thất phải bị đâm thủng một lỗ có kích thước khoảng 1.5 cm, làm rách màng tim và chảy máu nhiều vào khoang màng tim và màng phổi, kíp mổ nhanh chóng khâu vết thương và cầm máu. Gần 2 lít máu được truyền bù ngay để cứu bệnh nhân.

Sau ca mổ tối khẩn, bệnh nhân được chuyển theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức ngoại khoa. Một tuần sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, da và niêm mạc hồng hào, dự kiến sẽ sớm được xuất viện.

8. Thiếu thuốc cho bệnh nhân khám bảo hiểm y tế

Theo nguồn tin riêng của Chuyển động 24h, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hầu hết các cơ sở y tế đều trong tình trạng thiếu thuốc phát cho bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Chờ mãi mới đến lượt khám nhưng rồi bác sĩ lại bảo không có thuốc, ông Trần Văn Thành, P. Thắng Tam, TP. Vũng Tàu quyết tâm hỏi cho ra nhẽ.

Ông Thành cho biết, ông đã trả tiền cho bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh, giờ ông phải bỏ tiền túi ra mua thuốc là một điều phi lý. Một ống thuốc chích chữa bệnh tiểu đường có giá không hề rẻ, tới 270.000 đồng, dù đắt nhưng ông không thể ngừng tiêm.

Ghi nhận vào chiều muộn thứ 6, tại Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu, có rất nhiều bệnh nhân khám bảo hiểm y tế nhưng không được phát thuốc hoặc phải sử dụng thuốc khác thay thế. Bà Trần Ngọc Thanh, P. Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu cho biết, bác sĩ đưa ra hai phương án: một là bà phải chấp nhận nhập viện thì có thuốc tiêm, hai là chuyển viện lên tuyến trên.

Trước phản ứng của người dân, Bệnh viện Lê Lợi buộc phải thừa nhận tình trạng thiếu thuốc. Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế đã diễn ra đối với khoảng 8 cơ sở y tế lớn trên địa bàn, ngay cả với bệnh viện đa khoa tỉnh.

Dù đã được giải quyết mua gấp nhưng tình trạng thiếu thuốc phát cho bệnh nhân bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra trên diện rộng. Nguyên nhân chính được ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận là do chậm trễ trong việc đấu thầu thuốc năm 2019, đến nay đã trễ hơn 5 tháng.

9. Thêm cơ hội cho bệnh nhân ung thư gan bằng phương pháp điều trị mới

Truyền hóa chất động mạch gan qua da là phương pháp điều trị cho các bệnh nhân ung thư gan tiến triển hoặc kháng trị với TACE được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Kỹ thuật đặt cổng truyền hoá chất động mạch gan là kỹ thuật được thực hiện tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Phương pháp này sử dụng hệ thống buồng truyền và dây dẫn đặt chọn lọc vào động mạch gan, giúp đưa hoá chất với liều lượng lớn tới các khối ung thư gan, làm tăng tác dụng điều trị, đồng thời giảm các tác dụng không mong muốn tới các tạng khác so với việc sử dụng hoá chất đường toàn thân thông thường.

Để đặt cổng truyền hóa chất vào động mạch gan, trước hết các bác sĩ điện quang can thiệp cần đánh giá bilan mạch máu một cách hệ thống, tiếp đó các nhánh mạch phụ cấp máu cho gan và cả những nhánh mạch từ động mạch gan cấp máu cho các tạng khác sẽ được nút tắc. Cuối cùng bộ cổng truyền sẽ được đặt cố định chọn lọc vào nhánh động mạch gan.

Phương pháp truyền hoá chất động mạch gan (HAIC) hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội điều trị cho những trường hợp ung thư gan đã ở giai đoạn tiến triển, cũng như sự cải thiện về hiệu quả lâm sàng.

10. Liên tiếp bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat nhập viện

Chỉ trong 1 ngày, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương (Phú Thọ) phải nỗ lực cấp cứu 3 bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt diệt cỏ Paraquat.

Bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - Hùng Vương cho biết: trung tâm vừa tiếp nhận cấp cứu cho 3 bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Cả ba bệnh nhân đều vào viện với hơi thở nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ, nôn nhiều, đau bụng, dịch rửa dạ dày ra dịch màu xanh đậm. Trong đó có bệnh nhân chỉ vừa bước vào tuổi vị thành niên.

Cũng theo bác sĩ Long, 2 trong số 3 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch mặc dù đã được các bác sĩ thực hiện mọi biện pháp cấp cứu. 1 bệnh nhân hiện đang được theo dõi sát tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Theo các bác sĩ, Paraquat là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.

Bệnh nhân tìm đến cái chết bằng Paraquat vì những lý do rất đơn giản như mâu thuẫn, buồn chán chuyện gia đình, chuyện bản thân… và đang ở tuổi rất trẻ. Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat đều bắt nguồn từ việc uống loại hóa chất cực độc này để tự tử. Khi chất Paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề các cơ quan nội tạng, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng, dẫn tới suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc Paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Bên cạnh đó, người bị ngộ độc chất diệt cỏ còn phải gánh chịu chi phí điều trị rất lớn, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu trong thời gian dài.

11. Yêu cầu 10 quận, huyện tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn 1767/SYT-NVY gửi UBND các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Hai Bà Trưng về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. 

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi, trong đó có 10 quận, huyện có số mắc cao gồm: Hoàng Mai 123 trường hợp, Thanh Xuân 67 trường hợp, Nam Từ Liêm 65 trường hợp, Hà Đông 57 trường hợp, Đống Đa 48 trường hợp, Ba Đình 46 trường hợp, Thanh Trì 46 trường hợp, Long Biên 41 trường hợp, Đông Anh 39 trường hợp, Hai Bà Trưng 39 trường hợp. 

Theo nhận định, số ca mắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, vì vậy, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện có số ca mắc sởi cao tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ y tế tại địa phương thường xuyên rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để có kế hoạch tiêm vét đủ mũi vắc xin theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học thường xuyên thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang học tại trường.

Đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh, cương quyết không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.

12. Mạo danh nhân viên bệnh viện chào mời dịch vụ chăm sóc tại nhà

Hiện nay, một số cá nhân, tổ chức giả mạo là nhân viên Bệnh viện trung ương Quân đội 108 nhắn tin, gọi điện thoại cho một số bệnh nhân đã ra viện, các bà mẹ bầu, sản phụ và các gia đình để chào, mời sử dụng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Các dịch vụ mà các đối tượng chào mời gồm: Chăm sóc vật lý trị liệu, thay băng, chăm sóc bà bầu, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, xét nghiệm sinh hoá, huyết học, miễn dịch, tiêm thuốc, truyền dịch…

Theo Bệnh viện trung ương Quân đội 108, việc làm giả này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế đối với người sử dụng, bởi chất lượng các dịch vụ này không được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

“Cho đến thời điểm này, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 chưa triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Tất cả các cá nhân, tổ chức cung cấp các dịch vụ trên là hành vi giả mạo, lợi dụng uy tín của bệnh viện để trục lợi”, đại diện Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khẳng định.

Để đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của người bệnh cũng như uy tín của bệnh viện, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khuyến cáo người dân lưu ý, khi cần phản ánh và xác minh các thông tin liên quan đến các hoạt động khám bệnh và chăm sóc bệnh nhân tại nhà của bệnh viện, liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng: 0967.751.616.

Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã nhận được phản ánh về việc một số đoàn mạo danh bệnh viện này đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác.

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, hằng năm, bệnh viện đều tổ chức các đoàn dã ngoại, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tại một số địa phương. Khi thực hiện ở địa phương nào, bệnh viện đều phối hợp tổ chức chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương, như: UBND các cấp, Ban Chỉ huy quân sự, Công an, Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ… Đây hoàn toàn là hoạt động dân vận, từ thiện, bệnh viện không thu bất kỳ một khoản tiền nào khi tổ chức các hoạt động này. 

13. Hà Nội: Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT

Quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP.Hà Nội đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Các đối tương không tham gia BHYT sẽ chịu mức các mức giá dịch vụ này.

Nghị quyết quy định cụ thể danh mục, giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT bao gồm: 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Bổ sung và tăng giá 1865 danh mục

Theo đó, việc tăng giá viện phí được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT;

Người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

UBND thành phố Hà Nội đã làm rõ về việc tăng giá, giảm giá dịch vụ y tế, đó là tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2018, có hiệu lực thi hành từ 15/1/2019 có quy định khung giá tối đa cho 1953 danh mục không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.

So với Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 4/7/2017 thì Thông tư 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế điều chỉnh tăng 1.865 danh mục với tỷ lệ tăng trung bình 3,23%, điều chỉnh giảm 54 danh mục, giữ nguyên giá 12 danh mục, đồng thời có bổ sung 22 danh mục như: Đo mật độ xương, nội soi dạ dày làm Clo test, kỹ thuật phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu bằng quả hấp phụ máu, thay băng vết thương hoặc mổ chiều dài ≤ 15cm, châm (kim ngắn), điện châm (kim ngắn), thay băng cắt lọc vết bỏng diện tích dưới 5% diện tích cơ thể... Trên cơ sở phân tích đó, trong đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, Hà Nội áp dụng đúng bằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư 37/2018/TT-BYT.

Theo sở Y tế Hà Nội, với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn.

Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Ngày 1/8/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã ra nghị quyết về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế và hiện tại là điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT.

Theo đó, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng từ 0,3% đến 22%. Cụ thể, ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc của bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 362.800 đồng lên 441.000 đồng (tăng 21,6%); bệnh viện hạng I từ 335.900 đồng tăng lên 411.000 đồng (tăng 22,4%); bệnh viện hạng II từ 279.100 đồng lên 314.000 đồng (tăng 12,5%); bệnh viện hạng ba từ 245.700 đồng lên 272.000 đồng (tăng 10,7%).

Một số dịch vụ có mức tăng cao như: nghiệm pháp hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản tăng từ 63.300 lên 92.900 đồng (tăng 46,8%); xử lý mẫu xét nghiệm độc chất tăng từ 67.200 đồng lên 192.000 đồng (tăng 185,7%)…

14. TP HCM đề xuất rút chứng chỉ hành nghề khi bác sĩ nước ngoài vi phạm lần thứ 2

Đó là ý kiến đề xuất của đại diện Sở Y tế TP HCM với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM trong buổi khảo sát về tình hình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Luật KCB) trên địa bàn TP vào ngày 02/5.

Buổi làm việc có sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn, về việc khảo sát về tình hình thực hiện Luật KCB trên địa bàn TP.Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thời gian qua tình trạng các bác sĩ nước ngoài vi phạm Luật KCB diễn ra rất phổ biến. Các sai phạm chủ yếu là cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; hoạt động không có biển hiệu, không đeo bảng tên trong quá trình khám, chữa bệnh.

Để xử lý, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt. Tuy nhiên, các cá nhân, cơ sở y tế này vẫn tái phạm nhiều lần.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, Luật KCB cần sửa đổi, bổ sung 22 điều trong Luật KCB hiện hành. Trong đó, ông Thượng nhấn mạnh đến việc đầu tư kỹ thuật mới của các bệnh viện muốn làm thì phải gửi ra để Bộ Y tế vào thẩm định, trong khi thành phố không thiếu giáo sư đầu ngành thẩm định. Ngay việc cấp Chứng chỉ hành nghề trên địa bàn cho một số đối tượng, cấp phép quảng cáo cũng gửi ra Bộ, làm tăng thủ tục hành chính, làm kéo dài thời gian chờ đợi.

Đại diện Sở Y tế TP cho biết thêm, thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề là do Bộ Y tế cấp và khi phát hiện các bác sĩ nước ngoài vi phạm các quy định về Luật KCB, Sở Y tế TP chỉ được xử phạt hành chính và không thể rút chứng chỉ hành nghề. Điều này dẫn đến kẽ hở cho các đối tượng tiếp tục tái diễn vi phạm.

Đồng thời, có một số ý kiến cho rằng, trong Luật KCB phải quy định cụ thể về chứng chỉ hành nghề cần có thời hạn, tránh tình trạng các bác sĩ sẽ không chịu đào sâu, phát triển chuyên môn.

Vấn đề này nên được áp dụng chung cho cả bác sĩ người nước ngoài và bác sĩ người Việt Nam trong nước. Hiện nay các quy định vẫn đang rất nghiêm với bác sĩ Việt Nam, nhưng đối với các bác sĩ người nước ngoài lại không có biện pháp đủ mạnh để xử lý. Vì vậy, cần có các quy định mang tính răn đe hơn, trong đó thẳng tay rút chứng chỉ hành nghề khi bác sĩ nước ngoài vi phạm lần thứ 2.

Cũng trong buổi khảo sát, nhiều đại biểu chỉ ra những bất hợp lý của các quy định, điều khoản trong Luật KCB, các văn bản luật và dưới luật như: Xếp hạng bệnh viện; Tổ chức bộ máy, quản lý bệnh viện với cơ chế tự chủ; quy định bảo mật thông tin người bệnh; thu giá dịch vụ bệnh viện; quy định cấp phép KCB nhân đạo…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần đưa vào Luật KCB quy định việc hành hung bác sĩ là chống người thi hành công vụ; quy định cụ thể về người nuôi bệnh; quy định về cấp Chứng chỉ hành nghề cho dược sĩ lâm sàng, kỹ sư sinh học… làm việc tại bệnh viện và đào tạo liên tục cho người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề.

Sau khi ghi nhận và tổng hợp các ý kiến của buổi khảo sát, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ ghi nhận và tổng hợp những ý kiến trên để gửi đến các cơ quan liên quan. Đây là những ý kiến quan trọng để đoàn đại biểu nêu ra tại kỳ họp Quốc hội lấy ý kiến thông qua Luật KCB sửa đổi. 

15. Lo dịch sởi gia tăng, Hà Nội yêu cầu rà soát lại việc tiêm chủng với trẻ em

Từ đầu năm đến nay, toàn Hà Nội đã ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đáng nói, đa phần bệnh nhân chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi UBND các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Hai Bà Trưng, yầu các quận, huyện này tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi.

Lý do vì đây là những quận, huyện có số ca mắc sởi cao và vẫn đang có xu hướng tăng. Theo số liệu từ đầu năm đến cuối tháng 4-2019, toàn thành phố ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi, trong đó: Hoàng Mai  có 123 trường hợp mắc, Thanh Xuân  67 người mắc, Nam Từ Liêm 65, Hà Đông 57, Đống Đa 48, Ba Đình 46, Thanh Trì 46, Long Biên 41 trường hợp…

Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện có số ca mắc sởi cao nói trên tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ Y tế tại địa phương thường xuyên tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để có kế hoạch tiêm vét đủ mũi vaccine theo quy định.

Cùng đó, phải chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thường xuyên thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang theo học tại trường, đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh. 

16. Kiểm tra Bệnh viện LanQ: Sở Y tế Bắc Giang đã bỏ lọt lỗi?

Sau khi báo chí phản ảnh về việc Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ (Bắc Giang) tiếp tục tổ chức “lôi kéo” bệnh nhân tại Bắc Giang và các tỉnh khác đến khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), Sở Y tế Bắc Giang đã vào cuộc rất nhanh để kiểm tra tình hình. Tuy nhiên công luận cũng cho rằng, liệu việc vào cuộc quá vội vã và chỉ khi có báo chí phản ảnh của Sở Y tế có mang tính thụ động không và liệu có bỏ sót lỗi hay không với cách triển khai công việc như vậy?

Nói nhanh mà cũng... chẳng nhanh

Ông Dương Quốc Dũng, Chánh thanh tra sở Y tế Bắc Giang cho biết, ngay ngày 18/3, khi thông tin về việc Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ (Bệnh viện LanQ) chèo kéo và tổ chức khám bệnh theo đoàn... được báo chí phản ánh thì lãnh đạo sở Y tế đã chỉ đạo phải thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Thanh tra đã phải lên phương án lập đoàn kiểm tra và lãnh đạo Sở đã ký quyết định ngay trong ngày 18/3 dù hôm đó là thứ bảy, ngày nghỉ.

Tiếp đó UBND tỉnh Bắc Giang cũng có văn bản chỉ đạo xác minh thông tin báo chí nêu vào ngày 20/3. Ông Dũng cũng cho biết, đã triển khai công việc hết sức khẩn trương và sở dĩ không tiến hành thanh tra mà thực hiện kiểm tra là do trình tự thanh tra theo quy định sẽ rất mất thời gian, có thể chậm trong khi đoàn kiểm tra có thể kiểm tra, xác minh được nhiều vấn đề không khác gì đoàn thanh tra mà lại đảm bảo nhanh, kịp thời. Ông Dũng cũng cho rằng nếu làm đủ các thủ tục theo quy định để tiến hành thanh tra thì bản thân bệnh viên LanQ hoàn toàn có đủ thời gian để đối phó và khi đoàn thanh tra tới nơi thì đã chẳng còn gì để thanh, kiểm tra nữa.

Việc đề xuất lập đoàn kiểm tra được thực hiện ngay ngày 18/3. Quyết định kiểm tra được phó giám đốc sở Y tế Trương Quang Vinh ký ngày 20/3. Nhưng thời điểm kiểm tra lại phải tới ngày 28/3 mới bắt đầu tức là sau tới 10 ngày kể từ lúc lập đoàn kiểm tra. Xem ra sáng kiến ký văn bản thành lập đoàn kiểm tra để nhanh thì cuối cùng cũng không nhanh và để bí mật thì cuối cùng cũng khó còn bí mật?

Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ

Báo cáo kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang cho biết, bệnh viện LanQ khẳng định, không lôi kéo, vận động người dân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh, không có tình trạng lái xe thu thẻ BHYT để làm thủ tục thay cho người bệnh... Tuy nhiên quá trình kiểm tra thực tế tại bệnh viện, trong số 10 người được đoàn kiểm tra hỏi, có 1 người cho biết, trên xe có 1 người thu thẻ BH để làm thủ tục giúp. Đây cũng là người được BHYT thanh toán 100% chi phí. Nội dung này cho thấy những nghi ngờ gần đây của dư luận là có lý.

Trong khi đó, đoàn kiểm tra cũng không xác định được người thu thẻ bảo hiểm và đứng ra làm thủ tục “giúp” nói trên là ai, mối quan hệ giữa người thu thẻ và người được thu như thế nào? Tại sao họ lại cùng xuất hiện trên chuyến xe đó và quan hệ của họ với bệnh viện LanQ ra sao khi họ làm nhiệm vụ như vậy? Quá trình kiểm tra cần phải làm sáng tỏ những uẩn khúc nêu trên chứ không thể chỉ là “cam kết của cơ sở khám chữa bệnh là không tổ chức... theo đoàn và lái xe không thu thẻ BHYT của khách”. Một số bạn đọc bức xúc và có ý kiến như vậy.

Đối với việc xác minh xem bệnh viện LanQ có lập tổ cộng tác viên hay xây dựng mạng lưới nhân sự để môi giới, thu gom bệnh nhân hay không? Trên thực tế việc môi giới hay thu gom bệnh nhân chỉ là “vòng ngoài”, chưa phải bản chất sự việc cần làm rõ song đoàn kiểm tra lại mất khá nhiều thời gian cho nội dung này.

Bởi lẽ, cho dù LanQ có tổ chức mạng lưới thu gom bệnh nhân hay tài trợ tiền đi lại cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì đó vẫn là quyền tự quyết của bệnh viện? Công tác thanh tra hay kiểm tra không những không có lý do gì để phải xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng cũng không có quyền cấm họ được tổ chức hoạt động marketing hay truyền thông để thu hút khách. Trái lại nếu họ làm tốt, họ hỗ trợ được bệnh nhân còn phải tổ chức khen thưởng và nhân rộng mô hình để các bệnh viện khác noi theo. Nhất là việc hỗ trợ này hoàn toàn không gây hại gì cho quỹ KCB BHYT?

Việc đoàn thanh tra đã mất phần lớn thời gian và công sức cho việc xác minh điều thực sự không quan trọng nêu trên là một sự lãng phí và có thể nói là “nhầm mục tiêu”. Sở dĩ chúng tôi cho rằng đó là điều không quan trọng vì, cho dù trên thực tế công tác kiểm tra không tìm ra một dấu hiệu nào về cái gọi là “cộng tác viên” thì các hoạt động thu gom bệnh nhân bao gồm từ tổ chức giới thiệu, môi giới, chi trả thù lao môi giới, hỗ trợ tiền xe cho bệnh nhân đi lại... cũng đã được LanQ thực hiện từ năm 2016 rất bài bản mà không cần lập bộ phận công tác mang tên “cộng tác viên”.

17. Cảnh báo nguy hại tình trạng thuốc Acid trichloracetic 80%, bán buôn, đổ sỉ trên mạng

Thuốc Axit  trichloacetic (Tri-Chlor) nồng độ 80% còn được gọi là axit trichloroethanoic, là một chất tương tự axit axetic được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân. Thời gian gần đây, việc sử dụng, mua bán thuốc trên mạng xã hội không thông qua kê đơn và chỉ định của bác sỹ dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Với nồng độ 80% gây hoại tử tổ chức

Các dạng bệnh da liễu như mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân… tuy không nguy hại đến tính mạng nhưng gây khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân khi mắc phải. Vì thế, việc tìm hiểu thông tin về bệnh lý này trên mạng xã hội rất dễ vướng vào lời mời chào của các “con buôn thuốc”. Không cần thăm khám, không cần bác sỹ kê đơn, không sử dụng theo chỉ định của bác sỹ là tất cả những gì bệnh nhân vướng phải khi mua loại thuốc này trên mạng. Điều đáng nói, thuốc Axit trichloacetic (Tri-Chlor) nồng độ 80%  khi trị mụn cóc chủ yếu là gây hoại tử vùng da thịt chỗ mụn cóc. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia y tế cho biết, tự ý sử dụng thuốc Acid trichloracetic 80% không đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sỹ có thể gây bỏng, bong tróc da vùng da lân cận phần mụn cóc dễ để lại sẹo. Tuyệt đối không bôi lên mụn ruồi, bớt sắc tố, vùng tóc, mặt, niêm mạc, sinh dục.

Ông Đ.V.T ( Thanh Hóa) - một người đã bị bệnh mắt cá chân lâu năm đang sử dụng thuốc Acid trichloracetic 80% đặt mua qua mạng xã hội Facebook cho biết: “Tôi đặt mua thuốc qua mạng vì thấy lời giới thiệu chắc chắn sẽ khỏi “như đinh đóng cột” của người bán, khi bôi vào lòng bàn chân vùng da bị mắt cá để đến hôm sau thì thấy tróc da cả vùng lân cận, tay tôi bôi thuốc dính phải cũng tróc hết da tay gây khô rát”.

Khi được hỏi có biết thành phần thuốc là một loại axit và cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ hay không? Ông T cho biết thêm: “Trên mạng họ bán sao tôi dùng vậy, người bán thuốc trên mạng không nói và tôi cũng không biết để hỏi. Hơn nữa, ở đây người ta đặt mua thuốc trên mạng nhiều lắm, cứ lướt mạng thấy họ rao bán mà đúng bệnh tình của mình là mua dùng thử”.

Rà soát thực tế trên các trang Facebook chúng tôi nhận thấy việc bán buôn, bán lẻ thuốc Acid trichloracetic 80% khá phổ biến và với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 35- 250 nghìn đồng. Với giá thành chênh lệch như vậy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc, gây nhầm lẫn hàng giả, hàng thật trên thị trường. Chính vì thế, để có thể chữa trị một cách tốt nhất, bệnh nhân nên đến các bệnh viện da liễu gần nhất để chẩn đoán và sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc Acid trichloracetic 80% theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. 

Cần siết chặt quản lý tình trạng mua bán thuốc tràn lan trên các trang mạng

Việc mua bán trao đổi thuốc trên các trang mạng xã hội, không thông qua các cơ sở y tế và chỉ dẫn của bác sỹ chuyên môn ngày càng phổ biến. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ cần ở đâu giới thiệu chữa bệnh hiệu quả thì người bệnh sẽ lập tức tìm đến ngay mà không cần biết kết quả ra sao. Mạng xã hội đang dần trở thành thị trường buôn bán thuốc gia truyền thuận tiện, nhanh chóng. 

Không cần giấy phép, không cần phân biệt thật hay giả, các “thầy lang online” chào mời khách hàng mua thuốc. Tất cả họ đều đưa ra những hình ảnh được họ cho là hình ảnh có thật, có tên người, địa chỉ, số điện thoại, tin nhắn gửi lời cảm ơn khi đã được chữa khỏi bệnh nhờ thuốc. 

Chỉ cần một tài khoản cũng có thể đăng quảng cáo, rao bán và thực hiện việc mua bán với hàng nghìn tài khoản khác, thậm chí hàng vạn người khác thông qua các hội, nhóm. Không cần giấy phép, không cần phân biệt thuốc hay thực phẩm chức năng, các cửa hàng ảo cứ đua nhau chào bán nhưng người mua lại là thật. Mặc dù chính sách Facebook quy định cấm bán thuốc theo toa, nhưng thực tế các loại thuốc như Acid trichloracetic 80%  hay  thuốc chữa ung thư, thuốc chữa ho trẻ em, thực phẩm chức năng, dược phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc được chạy quảng cáo và bán tràn lan trên Facebook, trong khi cơ quan chức năng khó kiểm soát các vi phạm loại này.

Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, các tiêu chuẩn về lưu hành thuốc chữa bệnh được quy định ngặt nghèo, thuốc chữa bệnh khi được nhập khẩu hay sản xuất trong nước phải được Cục Quản lý Dược kiểm định chặt chẽ với nhiều tiêu chuẩn và cấp số đăng ký mới được lưu thông vào trong các nhà thuốc hay bệnh viện. Nội dung và hình ảnh quảng cáo thuốc cũng phải được cấp giấy phép phê duyệt nội dung bởi cơ quan quản lý của Bộ Y tế. Nhưng trên môi trường mạng xã hội như Facebook, YouTube hiện nay chủ các shop bán hàng thường dùng kênh Facebook để quảng cáo, bán hàng trực tiếp tới người sử dụng mà không bị kiểm duyệt về chất lượng sản phẩm, cũng như nội dung quảng cáo trên Facebook.

18. Hơn 100 trẻ nhập viện vì cúm, bác sĩ chỉ cách cần làm ngay để tránh mắc bệnh này

Hơn 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị với chẩn đoán mắc cúm chỉ trong 1 tuần gần đây, trong đó trẻ em chiếm 90% với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy cơ vân, viêm tai giữa,....

Đó là tình trạng bệnh nhân đang phải điều trị tại khoa Nội – Nhi – Đông y, bệnh viện tại Đoan Hùng, Phú Thọ.

Không tiêm phòng cúm, cả nhà vào viện

Đáng chú ý, có trường hợp cả gia đình phải vào viện vì cúm và phải "nghỉ lễ" 30/4 và 1/5 luôn ở bệnh viện. Mọi kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi trong dịp lễ của gia đình anh Quang đều phải dừng lại do con trai anh có dấu hiệu bị ho, sốt liên tục; tiếp theo là con gái 1 tuổi của anh và anh cũng có những dấu hiệu tương tự.

Khi đến bệnh viện khám, cả ba bố con anh đều được bác sĩ tư vấn phải nhập viện điều trị ngay với chẩn đoán cả ba bị nhiễm cúm A, riêng con trai anh đã có biến chứng viêm phế quản dẫn đến ho nhiều, sốt liên tục.

Vợ anh Quang cho biết, cả hai bé nhà chị chưa hề được tiêm vắc xin cúm trước đó và tất nhiên người lớn thì càng không. Lý do vì chị không rõ độ tuổi nào có thể tiêm vắc xin cúm nên gia đình đã chủ quan, không tìm hiểu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền – Phó trưởng khoa Nội – Nhi – Đông y cho biết: Trường hợp cả gia đình phải nhập viện như bệnh nhân Quang không phải hiếm tại khoa. Hiện tại, các bác sĩ trong khoa đang điều trị cho rất nhiều trường hợp là hai chị em, anh em trong cùng một nhà bị cúm và hầu như tất cả các bệnh nhân nhập viện điều trị chưa được tiêm vắc xin cúm trước đó.

Đáng lưu ý là số ca bệnh nhi nhiễm cúm B dẫn đến biến chứng tiêu cơ vân, viêm phổi khá nhiều. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cúm mùa chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, tiêu cơ vân.

Biến chứng viêm phổi thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Phòng ngừa bệnh cúm cách nào?

Theo BS. Hiền, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.

Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m); mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim….

Tăng cường tập thể dục; ăn uống điều độ, nhiều rau xanh, trái cây giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, cách phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm. Việc tiêm phòng vắc xin cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin.

Tiêm vắc xin phòng cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm. Ngoài ra các virút cúm cũng thay đổi mỗi năm và thành phần vắcxin ngừa cúm được điều chỉnh hàng năm nhằm phù hợp với chủng virút cúm đang lưu hành trên thế giới.

19. Trẻ suy dinh dưỡng sẽ được chăm sóc dinh dưỡng và uống sữa miễn phí

Ngày 4/5, NutiFood phối hợp với Hội Y tế công cộng TP.HCM đã khởi động chương trình “Hành trình vì một Việt Nam thoát khỏi suy dinh dưỡng thấp còi” tại trường Mầm non thị trấn Củ Chi 2 - huyện Củ Chi - TP.HCM. Chương trình có sự đồng hành của 2 khách mời đặc biệt là nghệ sĩ Quyền Linh và MC Đỗ Thụy.

Đây là chương trình do nhãn Grow Plus+ của NutiFood phát động nhân sự kiện nhãn hàng này được Nielsen chứng nhận 3 năm liên tiếp đứng số 1 Việt Nam trong phân khúc sữa đặc trị và cán mốc 1 triệu ly sữa cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi mỗi ngày. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên mà nhãn hàng Grow Plus+ triển khai chương trình này.

Tại sự kiện, các bé được bác sĩ của NutiFood kiểm tra thể trạng cũng như tư vấn sử dụng dinh dưỡng phù hợp. Nhiều bé suy dinh dưỡng thấp còi đã được các bác sĩ chỉ dẫn tỉ mỉ thực đơn hàng ngày để cải thiện tình trạng này.

Sau khi rời bàn tư vấn, các bé được tham gia chuỗi trò chơi vận động ngoài trời đầy thú vị. Khu vực này được thiết kế cũng nhằm mục đích khơi dậy niềm yêu thích với vận động, tạo không gian nhiều niềm vui cho trẻ. Bởi thiếu vận động cũng là một trong những nhóm nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng, thấp còi.

Tại khu vui chơi vận động, các bé đã có những phút giây thoải mái vui đùa cùng nghệ sĩ Quyền Linh, một người thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua. Tất cả các bé đều rất hứng thú khi được chú Quyền Linh đá bóng cùng và được chú Quyền Linh tặng sữa. Rất nhiều nụ hôn đã được các bé trao cho nghệ sĩ Quyền Linh khiến nghệ sĩ này phải thốt lên “rất hạnh phúc khi được tham gia chương trình này”.

Chia sẻ về mục tiêu triển khai chương trình này, bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc của NutiFood cho biết: “Từ khi xuất hiện trên thị trường, sản phẩm Grow Plus của chúng tôi đã được rất nhiều bà mẹ tin dùng vì sản phẩm thực sự mang lại hiệu quả.Và để cảm ơn người tiêu dùng đã tin tưởng chúng tôi trong suốt thời gian qua, chúng tôi triển khai chương trình này. Thông qua chương trình này, chúng tôi còn muốn hỗ trợ những trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng Grow Plus để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Chúng tôi cam kết sẽ luôn nỗ lực để giảm thiếu tối đa tình trạng trẻ suy dinh dưỡng tại Việt Nam trong những năm sắp tới”.

Ông Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM đánh giá cao việc hợp tác của đơn vị này với NutiFood: "Sức khoẻ của trẻ em hôm nay là sự phồn vinh của xã hội ngày mai. Làm sao để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, đặc biệt là ở trẻ em vùng sâu, xa vẫn còn là mong ước của rất nhiều người. Chung tay vì sứ mệnh này, Hội Y tế công cộng TP.HCM đã quyết định hợp tác với NutiFood”.

MC Đỗ Thụy cũng bày tỏ: Tôi từng nghe các bác sĩ dinh dưỡng chia sẻ trẻ suy dinh dưỡng sẽ dễ bị bệnh hơn sức khỏe yếu hơn trẻ bình thường nên tôi nghĩ cần phải làm sao để trẻ ko bị suy dinh dưỡng. Cứ hình dung khi con mình chơi với bạn bè bị thua sẽ rất buồn nên sức khỏe quan trọng lắm. Nên dinh dưỡng rất quan trọng nhất là với các bé từ 0-6 tuổi. Chính vì thế chương trình của NutiFood làm có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng.

Cuối chương trình, bác sĩ Trần Thị Lệ đã cùng MC Quyền Linh đến thăm và tặng quà em Dương Ngọc Cát Tường (22 tháng tuổi, Củ Chi). Bé bị suy dinh dưỡng, thấp còi và phát hiện bị thông liên thất tim từ 5 tháng tuổi. Bố mẹ làm công nhân cho xưởng may, mỗi tháng trừ hết tiền sinh hoạt và học phí cho 2 người con chỉ còn vỏn vẹn 5 triệu đồng cho 4 miệng ăn. Hoàn cảnh khó khăn khiến bệnh tật của Cát Tường chưa thể cải thiện.

Để hỗ trợ em và gia đình, NutiFood đã tài trợ phần quà là một năm uống sữa miễn phí nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi. Định kỳ mỗi tháng, các bác sĩ dinh dưỡng sẽ đến đo lại chiều cao, cân nặng và theo dõi sự phát triển của em để có sự can thiệp kịp thời, giúp bé được phát triển tốt nhất.

Ngoài Cát Tường thì 14 em khác bị suy dinh dưỡng và có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ được nhãn hàng Grow Plus của NutiFood tài trợ sữa miễn phí trong vòng 1 năm. Các em sẽ được bác sĩ của NutiFood thường xuyên kiểm tra và tư vấn về chế độ dinh dưỡng.

Sau chương trình tại Củ Chi, nhãn hàng Grow Plus của NutiFood sẽ tiếp tục triển khai chương trình này tại một số địa phương trên toàn quốc. 

20. Bị người lạ tấn công bằng vật nhọn, cô gái trẻ đi điều trị phơi nhiễm

Cô gái 23 tuổi trên đường đi làm về đến giao lộ Kha Vạn Cân – Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TPHCM thì bị 2 nam thanh niên dùng vật nhọn tấn công gây thương tích. Nạn nhân phải đến bệnh viện điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

Chiều nay 5/5, thông tin với PV Dân trí, người thân chị N. (23 tuổi, trú thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, chị N. vừa được các bác sĩ Viện Pasteur TPHCM điều trị chống phơi nhiễm HIV. Hiện sức khỏe của chị N. đang mệt sau mũi tiêm đầu tiên và về nhà theo dõi.

Theo anh T. (cậu ruột chị N.) kể lại: Khoảng 20h tối qua 4/5, N. chạy xe máy trên đường Phạm Văn Đồng (hướng từ Bình Thạnh về nhà ở TX Dĩ An), khi đến giao lộ Kha Vạn Cân - Phạm Văn Đồng, thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức, thì dừng chờ đèn đỏ.

Bất ngờ, có 2 gã thanh niên đi xe máy hiệu Winner chạy cùng chiều tiếp cận và dùng vật gì chưa rõ, sượt vào cánh tay phải chị N. Ngay khi gây ra vụ việc, cả 2 nhanh chóng phóng xe bỏ đi.

Anh T. cho biết, lúc đó cháu gái của mình không nghe đau đớn nhưng phát hiện máu tuôn ra ướt áo trắng nên hoảng hốt chạy đến bệnh viện Hoàn Hảo (đường Kha Vạn Cân, gần cầu vượt Linh Xuân) để kiểm tra vết thương.

Các bác sĩ cho biết vết thương không nghiêm trọng, tuy nhiên chị N. và gia đình hết sức hoang mang, lo lắng nên sáng nay (5/5) đã đến bệnh viện Pasteur để tư vấn, điều trị phơi nhiễm HIV. Người thân chị N. cũng cho biết hôm nay sẽ đến Công an phường Linh Đông để trình báo vụ việc.

Trưa 5/5, PV Dân trí đã liên hệ với bệnh viện Hoàn Hảo và đại diện bệnh viện xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân N.; đồng thời hướng dẫn chị N. đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị dự phòng phơi nhiễm.

Được biết, Công an phường Linh Đông đã nhận được thông tin vụ việc và đang liên hệ với người có liên quan để làm rõ vụ việc gây hoang mang dư luận này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.

21. Bé trai 12 tuổi bị chó cắn sẽ phải điều trị kéo dài 3-6 tháng

Bệnh nhi 12 tuổi ở Thanh Hóa bị chó cắn đứt tai, bị thương phức tạp vùng đầu mặt đã tỉnh táo nhưng còn mệt và nhợt nhạt. Việc tái tạo lại vùng da đầu và tai cho bệnh nhi cũng rất khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết bé trai N.V.T. (12 tuổi, ở Thanh Hoá) bị chó cắn gây nhiều tổn thương nghiêm trọng trên cơ thể đã mổ cấp cứu tại bệnh viện này. Qua 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo nhưng còn mệt và nhợt nhạt, trẻ đã giao tiếp được, cử động chân tay và đang tập ăn qua miệng. Bệnh nhi cũng đã được tiêm phòng vắc-xin dại.

PGS Hà cho biết hiện bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi chấn thương sọ não và các tổn thương vùng bụng, ngực…. Các bác sĩ cũng đang theo dõi vạt da vá che vùng lộ sọ có sống hay không để sẽ thực hiện tái tạo lại da vùng da đầu cho bệnh nhân. "Với trẻ bị lột da đầu lộ cả xương sọ, nếu không kịp thời vá da che đi phần sọ có thể dễ dẫn đến viêm xương, nhiễm trùng, hoại tử xương sọ" - PGS Hà nói..Trước đó, đêm 29-4, bệnh nhân N.V.T. được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương do chó cắn, vết thương phức tạp vùng đầu mặt, mất da đầu vùng đỉnh chẩm và hai tai và nhiều vết thương khác trên người. Lúc nhập viện, trẻ hoảng loạn, nhợt nhạt vừa qua cơn sốc lớn. 

Trước khi mổ cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức phải mời các bác sĩ nhiều chuyên khoa khác, phối hợp để chẩn đoán chính xác tổn thương của trẻ. Phần nặng nhất được can thiệp cấp cứu là vết thương mặt và lóc da đầu cùng mất 2 tai. Giai đoạn cấp cứu, các bác sĩ đã thực hiện khâu vá tổn thương dập nát, cố gắng cứu qua giai đoạn này. Khoảng từ 3-6 tháng nữa, các bác sĩ sẽ thực hiện việc tái lại da đầu, và 2 vành tai.

Theo PGS Hà, việc tái tạo lại đôi tai khá phức tạp. Đây cũng là kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ. Bệnh nhân này có thể sẽ được tái tạo đôi tai từ lấy sụn tự thân hoặc dùng khung sụn vành tai đúc sẵn.

Từ những trường hợp bị chó cắn thời gian gần đây, các bác sĩ cũng lưu ý đối với các trường hợp bị chó cắn, nếu vết cắn chảy máu nhiều cần tập trung cầm máu, sau đó sát trùng vết thương. Khi rửa vết thương, cần rửa cùng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tất cả phần cơ thể bị đứt rời rơi ra ngoài, hãy vận chuyển đến bác sĩ cùng người bệnh để được vá lại tối đa. 


Thăm dò ý kiến