Bệnh viện tỉnh hỗ trợ tuyến dưới: Tạo bước chuyển rõ nét

24/03/2009 | 05:00 AM

 | 

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh về hỗ trợ bệnh viện huyện. Nhờ đó, các huyện miền núi trong tỉnh Bình Định có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế miền núi đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Bệnh viện tỉnh hỗ trợ tuyến dưới: Tạo bước chuyển rõ nét

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh về hỗ trợ bệnh viện huyện. Nhờ đó, các huyện miền núi trong tỉnh Bình Định có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế miền núi đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đó là những thành công bước đầu sau 6 tháng Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới) được triển khai tại Bình Định.
Thu dần khoảng cách

Cuối năm 2008, BS. Đặng Đình Vị (Khoa Tim mạch) là một trong 3 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh nhận lệnh tăng cường lên Trung tâm y tế huyện Vân Canh với nhiệm vụ "cầm tay chỉ việc" cho các bác sĩ ở địa phương những kỹ thuật chuyên môn để có đủ năng lực xử lý những ca bệnh nặng trước khi buộc phải chuyển lên tuyến trên. Công việc chủ yếu của bác sĩ Vị là cùng các đồng nghiệp ở địa phương hội chẩn, trao đổi về cách xử lý đối với các trường hợp bị bệnh tai biến mạch máu não, xuất huyết não, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim; hướng dẫn cách cài số liệu, chỉnh liều máy thông tin điện trong những trường hợp cấp cứu...

Cách đây vài ngày, bệnh nhân Võ Hiệp (xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) được gia đình đưa vào BVĐK huyện Vân Canh trong tình trạng liệt nửa người, miệng ú ớ không nói được. Sau khi hội ý cùng đồng nghiệp, bác sĩ Đặng Đình Vị đã quyết định giữ bệnh nhân lại để cấp cứu và điều trị qua cơn nguy kịch. Trước đó, bệnh viện cũng đã  tiếp nhận một bệnh nhân nói khó, có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng hôn mê, huyết áp 160/100, với chẩn đoán tai biến mạch máu não. Sau khi bác sĩ cho kết hợp dùng thuốc, tập tại giường bệnh, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vân Canh, hồ hởi cho biết: "Các năm trước, như trường hợp này, bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhưng từ ngày có bác sĩ tăng cường, chúng tôi đã mạnh dạn điều trị cho những bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhũn não nhẹ. Đặc biệt, bác sĩ của bệnh viện cũng được học hỏi thêm qua những bài giảng và kỹ năng thực hành chuyên môn".

Còn bác sĩ Đặng Đình Vị tâm sự: "Chúng tôi xác định chuyển giao những kỹ thuật cần thiết mà các bác sĩ địa phương cần có để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Điều đáng mừng là sau những bài giảng về các bệnh lý cùng với việc thực hành ngay trên bệnh nhân, chuyên môn của các y, bác sĩ ở đây đã được chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Các bác sĩ đã tự tin điều trị những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch".

Giảm tải cho tuyến trên

Thực ra, tại Bình Định, việc các bác sĩ có tay nghề cao ở tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới đã được triển khai từ năm 2004, nhưng chỉ mang tính đơn lẻ. Đến khi Đề án 1816 ra đời, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch về việc duy trì và tăng cường bác sĩ về công tác tại các trung tâm y tế và trạm y tế các huyện miền núi.  Theo đó, trước mắt, các bệnh viện tuyến trên sẽ thực hiện luân chuyển bác sĩ về cơ sở từ 1-3 tháng. Cụ thể, 4 bác sĩ của BVĐK tỉnh có nhiệm vụ tăng cường cho Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh; 3 bác sĩ của BVĐK khu vực Bồng Sơn tăng cường cho Trung tâm y tế huyện An Lão và Hoài Ân. Mặt khác, các trung tâm y tế huyện và BVĐK khu vực Phú Phong phải luân phiên tăng cường 17 bác sĩ xuống các xã khó khăn.

Không chỉ giảm bớt các chi phí tốn kém cho bệnh nhân và người nhà mà Đề án 1816 còn thể hiện tính ưu việt khi đã góp phần hạn chế tình trạng chuyển viện, giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên. Hơn nữa, việc tăng cường bác sĩ tuyến tỉnh xuống huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh viện huyện điều động bác sĩ về các trạm y tế vùng đặc biệt khó khăn, đưa bác sĩ đến gần dân hơn.

BS. Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, khẳng định: "Năm 2009, Sở đã chỉ đạo bệnh viện huyện phải thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng cường bác sĩ về trạm y tế, đặc biệt là miền núi, để đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Sở cũng chỉ đạo BVĐK tỉnh cử bác sĩ đi học các kỹ thuật cao để phát triển khoa chuyên sâu và chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới".

Phương Hiền

 


Thăm dò ý kiến