Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
27/05/2024 | 14:11 PM
|
Thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, ngày 14/4/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu “17.8 - Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch” thuộc tiêu chí số 17 về “Môi trường và an toàn thực phẩm”.
Dụng cụ chứa nước sinh hoạt đảm bảo an toàn của các hộ gia đình tại cộng đồng.
Nhằm cung cấp số liệu trong việc công nhận các xã đạt chỉ tiêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thống kê điều kiện nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại các xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao tỉnh Đăk Nông năm 2023. Đối tượng thực hiện điều tra gồm các hộ gia đình tại 127 thôn/bon thuộc các xã Nam Dong, Tâm Thắng (huyện Cư Jut); xã Long Sơn, Đăk Gằn, Đức Minh, Thuận An (Đăk Mil); xã Đăk N’Drung, xã Đăk Mol (Đăk Song); xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp); xã Nâm N’Dir, Nam Xuân ( Krông Nô).
Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, 100% các xã đều đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đối với các xã xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu “tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh” phải đạt từ 70% trở lên. Kết quả điều tra, giám sát tại các xã Long Sơn, Đăk Gằn, Đăk D’rung, Đăk Mol, Nâm N’Dir và Nam Xuân đều đạt tỷ lệ từ 77% trở lên. Đối với các xã Nông thôn mới nâng cao phải đạt chỉ tiêu từ 80% trở lên, các xã gồm Nam Dong, Tâm Thắng, Đức Minh, Thuận An, Nhân Cơ đều có tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt từ 85,5% trở lên.
Bên cạnh những thôn/bon được điều tra, giám sát đạt tỷ lệ cao vẫn còn một số bộ phận nhỏ hộ gia đình tại một số thôn, bon chưa có nhà tiêu, nhà tắm để thực hiện hoạt động vệ sinh cá nhân đảm bảo an toàn. Cụ thể, tại xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp) tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu, nhà tắm tại bon Bù Dấp chiếm tỷ lệ 21,7%. Tại xã Đăk Gằn (Đăk Mil), theo số liệu điều tra toàn xã tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu 96,2%, tỷ lệ có nhà tắm 92,7%, tỷ lệ có dụng cụ chứa nước sinh hoạt 98,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu còn rất cao tại thôn Cao Lạng chiếm 35,8% và tại Bon Đăk Láp tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu chiếm 24%, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tắm chiếm 52%.
Để nâng cao tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước tại một số địa phương còn đạt thấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đề xuất với UBND các xã ưu tiên triển khai các hoạt động can thiệp và huy động sự vào cuộc, tham gia của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương trong vấn đề sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách hỗ trợ vay vốn để có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa công trình nước và nhà vệ sinh theo hướng tiện dụng, đảm bảo an toàn; hỗ trợ kinh phí cho trạm Y tế các xã duy trì kết quả đạt được, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động rà soát, thống kê, thu nhập số liệu, tập huấn, truyền thông tại cộng đồng...
Đối với trạm Y tế, cần tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông bằng các phương pháp khác nhau nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong việc sử dụng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện duy trì các chỉ tiêu đạt được hàng năm trình UBND xã phê duyệt và đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí trong triển khai thực hiện duy trì kết quả đạt được trong chỉ tiêu nâng cao “Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh”, ưu tiên triển khai tại các thôn/bon/buôn có nhiều dân tộc thiểu số.
Trung tâm Y tế các huyện được điều tra cần thực hiện hướng dẫn các trạm y tế, tổ chức thực hiện tốt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh” trên địa bàn huyện; theo dõi đôn đốc đánh giá kết quả thực hiện theo hằng năm; Kịp thời báo cáo với UBND huyện việc thực hiện chỉ tiêu tại các xã trên địa bàn, đặc biệt là những thôn/bon/buôn có tỷ lệ hộ nghèo, dân tộc thiểu số cao để ưu tiên triển khai hoạt động./.
Nguồn: syt.daknong.gov.vn
Tin liên quan
- Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
- Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
- Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
- Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ