Trường Đại học Y Hà Nội với những sáng tạo trong giảng dạy trực tuyến thời kỳ dịch COVID-19

13/04/2020 | 09:51 AM

 | 

 

 

Vẫn dạy và học giữa lúc dịch COVID-19 tràn vào Việt Nam, xác định để khi ngành y tế cần là kịp thời hỗ trợ, nhưng khi thực hiện giãn cách xã hội, cùng cả nước chống dịch, thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục có những sáng tạo riêng, khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo việc học tập không bị đứt đoạn với mục tiêu cao nhất là để phục vụ cộng đồng.

Mặc dù sau Tết nguyên đán, hầu hết các trường đại học trong cả nước nghỉ học vì lo sợ dịch COVID-19, nhưng ở nơi đào tạo các bác sĩ tương lai, thầy, trò Trường Đại học Y Hà Nội vẫn học tập, nghiên cứu và phục vụ bệnh nhân bình thường, đồng thời, còn tham gia nhiều hoạt động tích cực cùng ngành y tế để phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm việc giãn cách xã hội, trường lại đồng lòng cùng cả nước chống dịch. Nhưng, thầy và trò nhà trường đều xác định không ngừng bồi đắp kiến thức, nhất là khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có thể cần đến các bác sĩ bất cứ lúc nào.

GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: Dựa trên hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc triển khai đào tạo từ xa đối với các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, đảm bảo chất lượng trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy trực tuyến, đồng thời, ban hành Hướng dẫn dạy và học trực tuyến từ rất sớm.

“Việc dạy- học trực tuyến là một giải pháp thay thế khi các lớp học truyền thống không thể triển khai, đồng thời, là xu hướng trong thời đại công nghệ 4.0 được áp dụng thời gian tới cho các hệ đào tạo tập trung, nên trường khuyến khích đào tạo các học phần lý thuyết mà học viên, sinh viên nên làm quen. Mặc dù dạy trực tuyến, nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu giảng viên, học viên, sinh viên đảm bảo nghiêm túc như trên lớp học, về cả trang phục, thời gian, lẫn các nội qui đến lớp.” – GS. Văn cho biết thêm.

Với sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Phòng Công nghệ thông tin (CNTT) đã triển khai công tác tập huấn, hướng dẫn thầy/cô và cán bộ đào tạo; các đơn vị CNTT, quản lý đào tạo (QLĐT) sau đại học, QLĐT đại học nhanh chóng xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, Form đăng ký dạy học trực tuyến, Form tổng hợp dạy học trực tuyến, Hướng dẫn tổ chức, quản lý, giám sát dạy học trực tuyến, Nội quy lớp học trực tuyến… để triển khai thực hiện.

Theo PGS.TS. Lê Minh Giang – Trưởng Phòng QLĐT sau đại học, từ năm 2019 trở về trước, việc giảng dạy trực tuyến đã được áp dụng đối với toàn bộ chương trình đào tạo lý thuyết về Thần kinh và Tim mạch, ở cả chuyên khoa cấp II (CK II), CK I, thạc sĩ, bác sĩ nội trú. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ môn Tim mạch đã triển khai giảng dạy trực tuyến đối với các ca lâm sàng không người bệnh.

Trước diễn biến bệnh dịch ngày càng phức tạp, từ tháng 3/2020, công tác giảng dạy trực tuyến sau đại học đã liên tiếp mở rộng ở nhiều lĩnh vực và cấp học: Lý thuyết Nhi khoa, Y học gia đình, Mô phôi, Nhãn khoa, Y học cổ truyền; toàn bộ chương trình đào tạo lý thuyết và lâm sàng Hồi sức cấp cứu, Nội khoa, Chẩn đoán hình ảnh vv… ở cả Hà Nội và cơ sở 2 của Trường ở  Thanh Hóa vv…

Do hình thức học tập trực tuyến còn khá mới mẻ, nên ban đầu còn có những khó khăn nhất định khi cả giảng viên và sinh viên đều bỡ ngỡ, lượng bài giảng đăng ký nhiều nên việc sắp xếp lớp học và tạo lớp học đôi khi bị quá tải, số phòng học trực tuyến chưa đáp ứng số lượng đăng ký dạy học của học viên và sinh viên, dẫn đến phải thay đổi kế hoạch học, tín hiệu đường truyền đôi khi không ổn định, lỗi host…

Thế nhưng, các giảng viên, học viên, sinh viên đều nỗ lực vượt lên, khắc phục khó khăn với việc nâng cao năng lực, ứng dụng tối đa CNTT trong đào tạo Y khoa với các hình thức thuyết trình có tương tác, Seminar nhóm nhỏ, Team-based Learning, thích ứng với tình hình học tập mới.

Các giảng viên vận dụng, phát huy mọi khả năng để triển khai đa dạng các hình thức dạy học: Dạy kết hợp (Blended Learning), dạy học sử dụng vật liệu điện tử, đa phương tiện Elearning để triển khai dạy học lý thuyết, dạy học thực hành labo, giảng dạy lâm sàng và hướng dẫn các kỹ năng không có sự tham gia của người bệnh.

Việc thúc đẩy dạy học qua mạng (theo hai hình thức Blended Learning và Elearning) trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai mạnh mẽ cho nhiều đối tượng, nhiều loại hình đào tạo, để đảm bảo tốt nhiệm vụ dạy và học ở trường.

 Với sự nỗ lực của từng giảng viên, sinh viên, học viên và tạo điều kiện tối đa của nhà trường, hiện nay, trường đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, tiến độ giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên, sinh viên trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các đơn vị trong trường từng bước được vận dụng linh hoạt, hài hòa hơn.

Theo PGS.TS. Lê Đình Tùng – Trưởng Phòng QLĐT Đại học, phản hồi từ phía học viên và các em sinh viên sau buổi học trực tuyến ở một số môn học đã ghi nhận: “Mức độ tương tác thậm chí còn cao hơn cả ở trên lớp”, “các bạn được học ở điều kiện thoải mái tùy ý, nhưng không hề sao nhãng mà lại rất tập trung”, “Slide nhìn được rõ, giọng cô giảng bài nghe rõ”

 

Nguồn: Trường Đại học Y Hà Nội

 


Thăm dò ý kiến