Tăng cường dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm

15/11/2020 | 10:50 AM

 | 

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu và được coi là những “kẻ giết người thầm lặng” - một trong những thách thức lớn đối với hệ thống y tế trên thế giới.

 

Theo các chuyên gia, bệnh không lây nhiễm là các bệnh khởi phát từ thời kỳ trẻ tuổi, tích lũy, tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời.

Các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài. Các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: Hút thuốc lá (hoặc thuốc lào); thiếu vận động thể lực; lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý.

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức về sức khỏe chủ yếu trong thế kỷ 21. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2016, bệnh không lây nhiễm gây ra 71% (41 triệu người) trong tổng số 57 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết̀ thì có gần 8 người chết do bệnh không lây nhiễm và chủ yếu do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và tắc nghẽn phổi mãn tính.

Hiện nay, hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam đang tập trung vào 4 nhóm bệnh chính gồm: Tăng huyết áp, bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường, các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, tắc nghẽn phổi mãn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư.

Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.

Từ thực tế trên, ngày 20/3/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 – 2025 với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống các bệnh này.

Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015.

Giảm tỷ lệ có uống rượu, bia ở nhóm vị thành niên xuống còn 20%; khống chế tỷ lệ bị tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi; khống chế tỷ lệ đái tháo đường dưới 8% ở người 30-69 tuổi…

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là tăng cường thực thi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng miền và từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, cần tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế, trong đó, các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) từ Trung ương đến cấp xã tổ chức các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Phối hợp, lồng ghép khám phát hiện bệnh không lây nhiễm trong các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp; tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định…

Ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản đến năm 2030, trong đó, mở rộng chú trọng về dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng (Đề án 818 mở rộng). Tiếp đó, ngày 16/8/2019, Bộ Y tế đã có QĐ 3619/QĐ-BYT phê duyệt Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030. Theo BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) – đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án thử nghiệm, mục tiêu của Dự án là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ dự phòng sàng lọc, phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần giảm nhanh gánh nặng ngân sách nhà nước.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến