Ngành Y tế hướng tới một Việt Nam chủ động trong cung ứng vaccine

03/01/2019 | 08:47 AM

 | 

Năm 2018, Việt Nam đưa vaccine MR “2 trong 1” phòng sởi - rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình Tiêm chủng mở rộng và vaccine này cũng được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Việt Nam cũng đã công bố sản xuất thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1.

 

Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vaccine phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…, trong đó có tám vaccine đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Cùng với hai loại vaccine mới này, Việt Nam đang tiến dần tới việc chủ động cung ứng vaccine phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về thành tựu vaccine trong năm 2018 và tương lai trong việc chủ động cung ứng vaccine tại Việt Nam.

PV: Việt Nam đã có vài chục năm để có được thành công trong sản xuất vaccine, phục vụ nhu cầu cung ứng trong nước. Nhìn lại năm 2018, xin ông đánh giá những thành tựu trong sản xuất vaccine tại Việt Nam?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Nghiên cứu vaccine là thành tựu lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), nhiều bệnh có vaccine giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần số mắc, đặc biệt số ca tử vong. Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Việt Nam hiện sản xuất được khoảng 10 loại vaccine tương đối quan trọng phục vụ cho TCMR như lao, phòng bệnh hầu, ho gà, uốn ván, sởi và hiện nay là sởi-rubella; vaccine viêm não Nhật Bản B; viêm gan B.

Năm 2018, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa (với ba chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vaccine cúm đại dịch A/H5N1. Hiện tại, hai loại vaccine này đã hoàn thành ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng quy định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập quốc tế; được các Hội đồng đạo đức cơ sở và Hội đồng đạo đức quốc gia nghiệm thu. Vaccine này cũng đã được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

Việt Nam là quốc gia trong khu vực sản xuất nhiều loại vaccine chất lượng như vaccine bại liệt của Polyvac. Vaccine MR 2 trong 1 sởi-rubella của Polyvac đã được Tổ chức JICA của Nhật Bản tặng thưởng là đơn vị sản xuất vaccine có giá trị, chất lượng cao.

PV: Việc Việt Nam sản xuất được vaccine có giá trị thế nào trong việc chủ động cung ứng vaccine?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Việt Nam là quốc gia đông gần 100 triệu dân. Việc phải nhập vaccine nước ngoài phải trải qua nhiều bước kiểm định, phải chủ động ký hợp đồng xin cung cấp dẫn tới việc phụ thuộc và thụ động. Việc sản xuất vaccine sẽ bảo đảm an ninh vaccine, chủ động nguồn vaccine.

Bên cạnh sự chủ động cung ứng đó, việc có vaccine “made in Vietnam” sẽ chủ động trong cả công tác phòng chống dịch. Thí dụ, trong chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ 1-5 tuổi, nếu Việt Nam không sản xuất được vaccine này mà phải chờ đợi đi mua thì chúng ta phải đối mặt với dịch bùng lên không kiểm soát được. Vì thế, hiện nay dịch sởi tại châu Âu, Mỹ diễn ra phức tạp nhưng ở Việt Nam duy trì được kết quả với số ca mắc chỉ rải rác. Bằng vaccine sởi của Việt Nam, trong chiến dịch này chúng ta đang thực hiện tốt việc khống chế, không bùng dịch sởi.

PV: Tương lai của ngành vaccine Việt Nam như thế nào trước những vaccine mà chúng ta chưa chinh phục được như 5 trong 1?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Việc sản xuất vaccine là cả quá trình và đòi hỏi cả về kinh tế, công nghệ. Công nghệ sản xuất vaccine được quản lý chặt chẽ như sản xuất thuốc nhưng vaccine không phải là thuốc đơn thuần mà được triển khai tiêm cho cả cộng đồng. Vì thế, làm sao bảo đảm hiệu quả phòng bệnh; hiệu lực cao thì việc sản xuất vaccine phải bảo đảm an toàn tuyệt đối; trải qua quy trình chặt chẽ.

Việt Nam đã có những đề án nghiên cứu sản phẩm quốc gia với vaccine kết hợp nhiều loại vaccine. Chúng ta đã có vaccine phối hợp được đưa vào tiêm chủng mở rộng như vaccine DPT phòng chống bạch hầu, go gà, uốn ván; vaccine MR phòng sởi - rubella. Hiện chúng ta đang nghiên cứu sản xuất vaccine 5 trong 1… để thay thế vaccine nhập ngoại. Việc sản xuất được vaccine liên hợp nhiều vaccine thì trẻ em chỉ tiêm một mũi thay vì phải tiêm 3-5 mũi, sẽ không bị bỏ sót mũi tiêm cho trẻ. Chúng ta cũng đang nghiên cứu sản xuất vaccine có thành phần vô bào, thay thế vaccine đang phải nhập khẩu.

PV: Việt Nam duy trì song song hai hệ thống tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng. Nhiều người dân, nhất là dân ở thành phố lớn chưa có niềm tin vào tiêm chủng mở rộng. Xin ông cho biết những khuyến nghị của mình?

PGS, TS Trần Đắc Phu: Hiện nhận thức người dân khá hơn. Ngày xưa tỷ lệ người dân đưa con em đi tiêm chủng chỉ khoảng 6-7% thì hiện nay tiêm vaccine trở thành nguyện vọng của người dân. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng có tỷ lệ lớn các bà mẹ không cho con đi tiêm chủng, antivaccine.

Tôi đề nghị, ít nhất các bà mẹ phải cho con đi tiêm chủng vaccine miễn phí, được Nhà nước tài trợ để làm sao con em mình không mắc bệnh. Chỉ khi nào đạt tỷ lệ cao miễn dịch trong cộng đồng thì mới có thể giải quyết tình hình dịch không bùng phát lớn. Phải làm miễn dịch cộng đồng ở mức độ nhất định mới khống chế được nguồn lây. Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, chúng ta cũng được hưởng thành quả vì nguồn bệnh không còn lưu hành.

Việt Nam có cấp phép cho khoảng 30 loại vaccine phục vụ tiêm chủng. Chúng tôi khuyến cáo người dân được tiêm càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, với kinh phí Nhà nước và sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, hiện chỉ bảo đảm khoảng 10 vaccine cho tiêm chủng mở rộng, phòng những bệnh nguy hiểm. Đây là hình thức nhiều nước làm, phù hợp vì những người khó khăn, không có khả năng chi tiền cho tiêm chủng được tiêm vaccine cơ bản nhất, người dân không bị mắc bệnh phổ biến nguy hiểm.

Những vaccine nào Chính phủ chưa miễn phí được như vaccine phòng dại, ung thư cổ tử cung… thì người dân có thể tiếp cận ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Hiện, bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chi cho khám, chữa bệnh, không chi trả cho dự phòng và tiêm chủng. Nếu đưa được vaccine vào danh sách BHYT chi trả, sẽ rất tốt.

Xin cảm ơn ông!


Thăm dò ý kiến