Khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết

19/11/2019 | 10:59 AM

 | 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khu vực Đông Nam Á chia sẻ thông tin về Hệ thống dự báo sốt xuất huyết D-MOSS do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

 

Thông tin tại Hội thảo cho biết, sốt xuất huyết là bệnh do vi-rút từ muỗi gây ra và có tốc độ lây truyền nhanh nhất trên thế giới. Bệnh đã có mặt trên 150 nước, nghĩa là khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết hàng ngày. Theo ước tính, sốt xuất huyết gây tổn thất trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đô-la/năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù tình hình dịch tễ sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết  “Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến và sự hỗ trợ kĩ thuật mà dự án mang lại. Đây là sáng kiến đầu tiên được hình thành và thử nghiệm trên thế giới, và đã quy tụ hàm lượng lớn chất xám khoa học từ nhiều tổ chức quốc tế và trong nước. Thông tin mà các quốc gia chia sẻ đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực chung của khu vực trong việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết bởi vì dịch sốt xuất huyết không có biên giới địa lý giữa các quốc gia”.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế dự phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Hệ thống D-MOSS được giới thiệu cho các bên liên quan ở 7 quốc gia (gồm Bangladesh, Cambodia, CHDCND Lào, Malaysia, Philippines, Sri Lanka và Thailand). Khả năng nhân rộng hệ thống D-MOSS ra các quốc gia này cũng đã được nghiên cứu. Tại hội thảo, đại diện của 7 quốc gia đã trình bày về hệ thống và các phương pháp mà các quốc gia này hiện đang sử dụng trong việc theo dõi và phòng chống sốt xuất huyết. Tham dự Hội thảo có đại diện của các tổ chức quốc tế như UNDP, WHO, Đại sứ quán Anh, Bộ Y tế Việt Nam, Viện Khí tượng-Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (IMHEN) thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường, các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh/thành Hà Nội, Đắc-Lắc, Đồng Nai và Khánh Hòa cũng như các chuyên gia trong Dự án D-MOSS.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho  biết “Cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết đòi hỏi sự hợp tác và hiệp đồng giữa các quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo những thông tin tốt nhất, kinh nghiệm hay nhất và công cụ sáng tạo được chia sẻ kịp thời. Sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Với bất cứ quốc gia nào, các công cụ hiện tại cần được bổ sung thêm bằng các công cụ mới, sáng tạo có tính tương tác nhằm giúp kiểm soát và giảm thiểu sự lây truyền rộng hơn của căn bệnh này”.

Bà Sitara Syed - Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết đòi hỏi sự hợp tác và hiệp đồng giữa các quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo những thông tin tốt nhất, kinh nghiệm hay nhất và công cụ sáng tạo được chia sẻ kịp thời. Sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Với bất cứ quốc gia nào, các công cụ hiện tại cần được bổ sung thêm bằng các công cụ mới, sáng tạo có tính tương tác nhằm giúp kiểm soát và giảm thiểu sự lây truyền rộng hơn của căn bệnh này, bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Hệ thống D-MOSS do tổ chức HR Wallingford chủ trì xây dựng, phối hợp với Cơ quan Khí tượng Thủy Văn Anh, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Tổ chức the Oxford Policy Management của Vương quốc Anh cùng các đối tác quốc tế như UNDP, Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Khí tượng-Thủy Văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến