Họp báo ngày hội “Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo”

02/08/2019 | 11:12 AM

 | 

Ngày hội “Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo” và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019 sẽ diễn ra vào ngày 4/8 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức.

 

Đó là thông tin được Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ tại buổi họp báo ngày 2/8/2019. Đây là chương trình có ý nghĩa về đạo pháp và nhân văn sâu sắc; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 43/2000TTg ngày 07/4/2000.

 

 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo.

 

Thượng toạ Thích Thanh Quyết cho hay, trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người, để đem lại sự sống hồi sinh cho các bệnh nhân. Để đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các Tăng ni, Phật tử tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người - Cho đi là còn mãi.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết nói: Chúng tôi nghĩ đây là tính nhân văn rất cao, phù hợp với những tư tưởng lớn, từ bi cứu khổ giải thoát. Trước khi Đức Phật trở thành Phật thì đã bố thí cả chân tay, mắt và các bộ phận trong cơ thể con người, kể cả xương thịt ngài bố thí cho chúng sinh. Bố thí là kính dâng, kính tặng, kính biếu - một trong những đạo để trở thành Phật thì bố thí là đầu tiên. Nếu chúng ta không dám hi sinh cơ thể mình để cứu cho chúng sinh thì đạo đấy không thể thành đạo, không thể thành Phật vì Đức Phật vì mọi người, hi sinh mình cho mọi người. Tinh thần đó của Đức Phật đã được truyền từ mấy ngàn năm nay. Tư tưởng ấy đã tạo thành mốc quan trọng trong đạo đức của người Việt từ xưa đến nay.

Mới đây nhất, tháng 5/2019, gần 600 Tăng ni, Phật tử đã đăng ký hiến tặng mô, tạng tại chùa Giác Ngộ. Trước đó, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học: lần gần nhất vào tháng 5/2019 với gần 600 Tăng ni, Phật tử đăng ký; 250 người đăng ký năm 2015, 583 người đăng ký năm 2016 và 527 người đăng ký năm 2017.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết bày tỏ, với mong muốn tình yêu thương noi gương Đức Phật “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” được lan tỏa, thời gian tới các cơ sở Phật giáo tiếp tục vận động Tăng ni, Phật tử tham gia hiến máu cứu người. Thông qua việc hiến máu, hiến mô, hiến tạng của hơn 500 Tăng ni, Phật tử tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ là một hành động cụ thể thiết thực thay cho những lời kêu gọi để toàn thể Tăng ni, Phật tử và nhân dân cùng tham gia vào hành động vô cùng từ bi, vô cùng nhân đạo này.

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Gia Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chăm sóc sức khoẻ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết thêm, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu (trong đó trên 98% là người hiến máu tình nguyện), tương đương với gần 1,8% dân số hiến máu.

Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các Tăng ni, Phật tử trong cả nước, tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Bắc Ninh.

Bên cạnh nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê năm 2006 của ngành Y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (dân số Việt Nam lúc đó hơn 85 triệu người) thì: Có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận và trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc) và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi. Tính đến tháng 7/2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não và Việt Nam đã thực hiện được trên 3.000 ca ghép tạng.

Ông Lê Gia Tiến khẳng định, trong những năm qua, việc tuyên truyền hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với chức năng và nhiệm vụ được giao đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người, để đem lại sự sống hồi sinh cho các bệnh nhân./.

 


Thăm dò ý kiến