Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng

19/09/2019 | 16:00 PM

 | 

Đột quỵ não thường để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng vận động, nhận thức, rối loạn ngôn ngữ.

          Để phục hồi sau đột quỵ, các bác sĩ cần chú trọng vào phục hồi các tế bào não bị tổn thương, khả năng phạn xạ, kết nối các tế bào thần kinh để giúp khả năng nhận thức của não bộ hoạt động trở lại.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng, do Hội phục hồi chức năng Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Công ty Cổ phần thương mại Dược Hà Nội- nhãn hàng Neurozextra, Công ty TNHH Tư vấn, Thương mại và Dịch vụ Khoa học, Kỹ thuật TRANSMED tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội.

Hội nghị về quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năngvới sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

Hình thành mạng lưới phục hồi chức năng rộng khắp

Tại hội nghị TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, trong những năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức hệ thống phục hồi chức năng; biên soạn hệ thống quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng, hướng dẫn chẩn đoán điều trị phục hồi chức năng; các quy định về giá, về bảo hiểm y tế...

Các văn bản này là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của các cơ sở phục hồi chức năng và những người làm phục hồi chức năng trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo quyền lợi cả cho người bệnh, người khuyết tật và cả cho cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng.

Đến nay, cả nước đã có 63 bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng; 50% bệnh viện chuyên khoa có khoa phục hồi chức năng. Đặc biệt, ngành y tế đã thành lập hệ thống khoa phục hồi chức năng-Y học cổ truyền tại các trung tâm y tế tuyến huyện; tuyến xã đã có 90% số xã bố trí cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng tại xã để cung cấp được các dịch vụ này ngay tại cộng đồng.

Đội ngũ cộng tác viên thôn bản về phục hồi chức năng cũng được chú trọng đào tạo và hướng dẫn luyện tập cho người bệnh, giúp người khuyết tật được phục hồi chức năng và hòa nhập ngay tại cộng đồng.

“Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được quan tâm, đầu tư và triển khai ở nhiều địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt, giúp người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng”- TS. Cao Hưng Thái nhấn mạnh.

Nhiều kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng được ứng dụng

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, Hội nghị là dịp để những người làm công tác phục hổi chức năng trong cả nước, các chuyên gia nước ngoài chia sẻ và trao đổi các nội dung chuyên môn thiết thực và bổ ích, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển giữa Hội Phục hồi chức năng Việt Nam với các tổ chức và các nhà chuyên môn trên thế giới.

Các sản phẩm công nghệ mới nhất được trưng bày tại hội nghị

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành phục hồi chức năng trên thế giới, công tác phục hồi chức năng tại Việt Nam cũng ngày càng phát triển và chứng tỏ vị thế của mình. Hội Phục hồi chức năng Việt Nam đã phát triển nguồn nhân lực mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với hơn 3.000 hội viên.

“Hội Phục hồi chức năng Việt Nam đã tích cực trong công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời tập trung phát triển các kỹ thuật mới như: hệ thống máy robot, tập luyện trên hệ thống máy tích hợp, tập mô phỏng thực tế ảo, kỹ thuật lượng giá và tập luyện trên máy tập thăng bằng, kỹ thuật điều trị sóng xung kích, điều trị laser, từ trường…”- GS.TS. Trần Trọng Hải nói

Cần làm gì để bệnh nhân sau đột quỵ phục hồi tốt?

TS. Norbert Moos chia sẻ về công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ.

Chia sẻ tại hội nghị, TS. Norbert Moos, chuyên gia y học thể thao, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Saint Josef, Bonn (Đức) nhấn mạnh vấn đề về đột quỵ không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam cùng chung một xu thế dân số già đi, việc điều trị tốt lên tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ và di chứng của đột quỵ sẽ gia tăng.

“Trong công tác điều trị bệnh đột quỵ hiện nay quan trọng nhất là vai trò của sự phối hợp giữa các chuyên ngành như phục hồi chức năng, tim mạch, thần kinh, phẫu thuật. Ở Việt Nam tôi thấy đã có nhiều tiến bộ trong công tác phục hồi chức năng nhưng để có công tác điều trị toàn diện chúng ta phải có sự phối hợp tốt giữa các chuyên ngành để can thiệp sớm trong điều trị cho bệnh nhân để phòng và hạn chế những biến chứng cho bệnh nhân về sau”- TS. Norbert Moos chỉ rõ.

GS.TS. Cao Minh Châu - Tổng thư ký Hội phục hồi chức năng Việt Nam phân tích, bệnh đột quỵ não để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể, khả năng nhận thức, rối loạn ngôn ngữ.

“Để phục hồi sau đột quỵ bệnh nhân cần được chăm sóc, chú trọng vào việc phục hồi tế bào não bị tổn thương, khả năng phản xạ, kết nối các tế bào thần kinh, tăng tuần hoàn não và cung cấp các dưỡng chất cho não. Phương pháp hiện nay đang được sử dụng phổ biến và hiệu quả là sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại và các thuốc, sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe trí não”- TS. Cao Minh Châu nói.

GS Cao Minh Châu - Tổng thư ký Hội phục hồi chức năng Việt Nam, phân tích về phục hồi chức năng sau đột quỵ:

Hội nghị quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng tập trung đi sâu vào các giải pháp phục hồi sau khi bị đột quỵ, chấn thương não bộ.

Gian triển lãm được trưng bày tại hội nghị

Hội nghị với 8 chuyên đề/16 chuyên đề về phục hồi liên quan đến não bộ, được chia sẻ bởi hai chuyên gia quốc về về phục hồi chức năng là TS Norbert Moos - Chuyên gia y học thể thao, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Saint Josef, Bonn (Đức) và chuyên gia Soon Yong Kwon đến từ Bệnh viện Bobath Memorial (Hàn Quốc) giới thiệu những kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng đối với các bệnh nhân đột quỵ như: Đáp ứng về mặt sinh lý thần kinh đối với các bài tập thăng bằng, điều hợp và tang cường sức mạnh cơ trong phục hồi chức năng bệnh nhân đột quỵ; co cứng vai; khái niệm về kỹ thuật Bobath và ứng dụng cho bệnh nhân liệt nửa người và các bác sỹ chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện lớn trong nước

Bên lề hội nghị cũng diễn ra triển lãm trưng bày các sản phẩm về khoa học công nghệ và giải pháp trong công tác phục hồi chức năng./.


Thăm dò ý kiến