Chế độ tập luyện cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch

28/08/2019 | 03:49 AM

 | 

Chế độ tập luyện cho người cao tuổi bị bệnh tim mạch

 

Theo các chuyên gia, tập thể dục đều đặn, đúng cách không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai mà còn giúp người cao tuổi (NCT) phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thậm chí đột quỵ.

Không tập thể dục khi bị bệnh tim là sai lầm

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao đứng hàng đầu. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch.

Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh mỗi năm. Trong đó, lối sống đô thị hóa ít vận động, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, ăn ít rau, thói quen hút thuốc lá, tình trạng thừa cân béo phì... khiến số người mắc bệnh tim mạch ngày càng gia tăng. Đây cũng là nhóm bệnh rất hay gặp ở những NCT.

Các biểu hiện đầu tiên của bệnh tim mạch ở NCT chính là các dấu hiệu của tăng huyết áp và suy tim. Theo đó, bệnh nhân thường hay mệt khi vận động, có đau thắt ngực kèm theo, huyết áp cao. Các mạch máu nổi rõ và xơ cứng, có dấu hiệu viêm dày thành mạch máu, thường hay chóng mặt do xơ vữa động mạch cảnh. Chính vì vậy, ở những NCT mắc bệnh tim thường có quan niệm, khi bị bệnh phải tuyệt đối không được vận động mạnh kể cả tập thể dục để tránh bị lên cơn đau tim đột ngột.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Hội Tim mạch học Việt Nam, đây là một quan niệm không chính xác. Bởi lẽ, tập thể dục đúng cách không chỉ khắc phục được lối sống tĩnh tại, ít hoạt động của cuộc sống tuổi già mà còn giúp phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành… Còn các nguy cơ khi tập thể dục ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cũng có thể xảy ra nhưng tỷ lệ cực kỳ thấp hoặc chỉ xảy ra khi người bệnh vận động quá mạnh, dùng quá nhiều sức gây tác động lớn đến tim.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguy cơ biến chứng của bệnh tim mạch sẽ thấp hơn nữa ở những NCT thường xuyên luyện tập. Cụ thể, nếu tập thể dục tương đối đều đặn (khoảng 5 lần/tuần) nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm tới 50 lần so với những người lười vận động. Bên cạnh đó, nếu tính chung cho tất cả mọi người thì tới 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.

Tập luyện đúng cách cho NCT bị tim mạch

Từng bàn về vấn đề này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, việc tập thể thao đúng cách sẽ giúp làm tăng sức chịu đựng của tim và làm giảm các rối loạn của nhịp tim, giúp tăng ôxy trong máu làm tăng quá trình chuyển hóa… Tuy vậy, những NCT bị bệnh lý tim mạch trước khi tập luyện một môn nào nên kiểm tra tổng quát sức khỏe, tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia về hoạt động thể lực để được tư vấn tập luyện phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, bệnh tật của mình.

Khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam nêu rõ, mỗi người lớn tuổi nên tham gia chơi thể thao, tập thể dục hoặc vận động chân tay ở mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày đối với tất cả các ngày trong tuần. Hoạt động thể lực ở mức độ vừa tương đương với việc đi bộ với tốc độ trung bình (6-7 km/giờ) hoặc các công việc khác nhau như lao động ngoài đồng, làm việc nội trợ, đi xe đạp, bơi… Trong đó, đi bộ (đi nhanh chứ không phải dạo bộ) được coi là hoạt động thể dục rất phù hợp với những NCT mắc bệnh tim.

Bên cạnh đó, lưu ý với NCT là không nên tập quá sức vì đổ mồ hôi nhiều sẽ gây hại cho tim mạch. Do đó, khi lựa chọn bài tập cũng cần chú ý rằng, các bài tập Aerobic chống chỉ định tuyệt đối với những người mới bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, loạn nhịp không kiểm soát, block nhĩ thất hoàn toàn, suy tim cấp. Chống chỉ định tương đối với những người có bệnh lý cơ tim, bệnh van tim và các rối loạn chuyển hóa không kiểm soát được.

Mặt khác, các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy, những người vận động quá mức như chạy Marathon, vận động viên... có nguy cơ đột tử cao hơn người vận động bình thường. Tập luyện quá sức làm tăng áp lực lên tim, kết quả là gây mệt mỏi hoặc ngất xỉu.

Trong quá trình tập luyện, NCT cũng nên để ý tới những biểu hiện bất thường khác với mọi ngày, nảy sinh trong hoặc sau khi luyện tập như cảm giác đau ngực (nặng tức hay ép trong ngực, lan lên cằm, cổ, vai hoặc lan xuống cánh tay), thở dốc khác thường, hoa mắt chóng mặt, choáng váng hoặc cảm giác hẫng, hồi hộp lạ thường. Nếu phát hiện thấy có, NCT nên tới các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được khám và tư vấn về chế độ luyện tập phù hợp.

Để phòng ngừa các biến chứng của bệnh tim mạch, các chuyên gia khuyến cáo, NCT cần thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ăn ít mỡ bão hòa và Cholesterol; tăng cường ăn rau xanh, các loại trái cây; giảm lượng muối ăn vào cơ thể và giảm cân nặng nếu thừa cân. Đồng thời, tích cực tập luyện đều đặn, đúng cách và tuân thủ khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các nguy cơ bệnh tật, nhất là nhóm các bệnh về tim mạch./.

Nguồn: Báo Gia đình và xã hội


Thăm dò ý kiến