Cảnh báo bệnh Lao trẻ em - những triệu chứng không thể chủ quan

18/04/2019 | 04:06 AM

 | 

Ho khù khụ kéo dài, mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân, tức ngực, khó thở... ở người già, nhiều người nghĩ ngay đến dấu của bệnh lao. Nhưng nếu những triệu chứng này xảy ra ở người trẻ lại rất dễ bị bỏ qua.

 

Bệnh nhân đến viện rất muộn

Chị Kiều (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) thể lực vốn đã yếu, ăn uống không ngon miệng. Chị cao 1m50 nhưng cân nặng luôn chỉ ở tầm 39 - 40kg. Thời gian gần đây, chị bị ho khù khụ kéo dài, nhất là lúc nửa đêm về sáng, kèm theo dấu hiệu tức ngực, khó thở, ăn uống kém.

Chị chỉ nghĩ chắc mình bị viêm họng nên tự mua thuốc kháng sinh về uống. Nhưng uống dòng dã 2 tuần kháng sinh, các cơn ho cũng không có dấu hiệu dịu. Ra lại hàng thuốc, người bán thuốc cứ khăng khăng, chắc chị bị viêm họng hạt, phải đi đốt mới khỏi.

Lần nữa mãi, khi cơn ho ngày càng mạnh chị mới tới phòng khám tai mũi họng để khám. Tuy nhiên, bác sĩ không nhận thấy chị có dấu hiệu của viêm họng hạt, nên khuyên chị nên đến BV Lao & Bệnh phổi TƯ khám. Chị Kiều chần chừ mãi mới đi khám vì ngại xin nghỉ làm. Hơn nữa, từ trước tới nay, chị vốn rất hay bị ho, chỉ uống vài ngày kháng sinh là đỡ hơn. Thế nhưng, đến khi đi kiểm tra, chị mới ngã ngửa ra mình bị sơ nhiễm lao phổi.

Theo ông Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi TƯ, những trường hợp trẻ mắc lao như chị Kiều không còn hiếm gặp mà nó ngày càng có xu hướng gia tăng. Tại buổi hội thảo nhân ngày Thế giới phòng chống lao, sáng nay tại Hà Nội, ông Sỹ cho biết, trên thực tế điều trị cho thấy, số người trẻ mắc lao ở lứa tuổi 15 - 24 ngày càng tăng.

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu và bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác như: Tim, thận, xương, khớp, thanh quản, não, màng bụng, ruột, da và mắt.

Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng độc tố có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), mệt mỏi, kém ăn, gầy, sút cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn...

Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, cười.

Ông Sỹ khẳng định, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân lao cả ở người già và người trẻ đều đến viện khi bệnh đã nặng chiếm rất cao. Theo ông Sỹ, nguyên nhân của tình trạng này là do các triệu chứng bệnh lao khác nhau, không điển hình ở mỗi cá thể. Thực tế, nguyên nhân là triệu chứng ho, khạc kéo dài trên 2 tuần chỉ xuất hiện ở một nửa số bệnh nhân lao hiện có trong cộng đồng. Ngoài ra, có thể do bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trong y tế tư chưa được thống kê, báo cáo… Trên thực tế, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc lao rất thấp, khoảng 55%.

Nguy hiểm lao đa kháng thuốc

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới năm 2008, ước tính Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu. Mỗi năm, tỷ lệ lao mới các thể ở Việt Nam là 173/100.000 dân. Tỷ lệ bệnh nhân tái phát, thất bại và điều trị lại sau bỏ trị thấp nhất là 6,4% năm 2004 và tăng dần đến 7,7% năm 2008.

Bên cạnh đó, lao kháng thuốc vẫn là vấn đề nghiêm trọng không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Ở nước ta, cứ 100 bệnh nhân điều trị lại bệnh thì có 19 người mắc lao kháng đa thuốc, một thể bệnh rất nguy hiểm vì vi khuẩn lao kháng hầu hết các loại thuốc điều trị hiện có.

Ông Sỹ nhận định, bệnh lao kháng thuốc là một vấn đề đặc biệt nguy hiểm. Vì từ 1 người bệnh lao kháng thuốc có thể lây cho nhiều người, và rất có thể 1 trong số đó sẽ phát bệnh và tiếp tục lây cho cộng đồng.

Bác sĩ, Tiến sĩ Phạm Quang Tuệ, Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, cho biết, khi người bị bệnh lao không dùng thuốc theo như hướng dẫn, uống thuốc không đều, vi khuẩn lao sẽ trở nên đề kháng và thuốc điều trị không còn hiệu quả nữa. Nguyên nhân chính là do dùng thuốc không đều đặn, không dùng thuốc theo hướng dẫn, dừng uống thuốc khi thấy đã đỡ hơn khiến bệnh lao tái phát.

Những người đã bị lao đa kháng thuốc phải dùng đến những thuốc mới để điều trị và những loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Những người có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng, có thể lây nhiễm các vi khuẩn lao đa kháng. Nếu họ có phản ứng lao dương tính phải điều trị phòng ngừa ngay, nhất là trẻ em hay người nhiễm HIV.

Ông Sỹ cho biết, để không bị lao đa kháng thuốc, người bệnh cần kiên trì, nghiêm khắc tuân thủ đúng theo chỉ dẫn, cách uống thuốc của cán bộ y tế. Vì điều trị bệnh lao thường phải rất lâu dài bởi vi khuẩn lao bị thuốc tiêu diệt rất chậm. Cần ít nhất 6 tháng hay lâu hơn nữa mới diệt hết mọi vi khuẩn.

“Tuy nhiên, có một thực tế, sau vài tuần lễ điều trị bằng thuốc, người bệnh sẽ thấy khỏe lại nên chủ quan quên uống thuốc, uống cách quãng. Trong khi đó, vi khuẩn lao vẫn còn tồn tại trong cơ thể, vi khuẩn lao sẽ phát triển trở lại và bệnh lao của bạn sẽ phải điều trị lâu dài hơn, thậm chí sinh ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc”, ông Sỹ cảnh báo.

Vì thế, để chữa khỏi lao, người bệnh phải thực hiện đúng 4 chỉ dẫn của thầy thuốc. Đó là dùng phối hợp các loại thuốc chữa lao, dùng đúng liều lượng, dùng tất cả các loại thuốc cùng một lúc, hàng ngày và xa bữa ăn, dùng thuốc đủ thời gian 8 tháng liên tục.

Với trẻ em, biện pháp phòng lao tốt nhất là tiêm phòng lao lúc sơ sinh hoặc khi trẻ dưới 1 tuổi.

Nguồn: Báo Dân trí

Thăm dò ý kiến