Điểm tin tháng 11.2019

11/11/2019 | 10:28 AM

 | 

 

1. Kiểm soát an toàn thực phẩm có chuyển biến

Ngày 4-11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn. Thời gian gần đây, lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có nơi, có lúc bị buông lỏng, đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.

Hà Nội hiện có hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảy cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới. Sau ba năm triển khai, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra, gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phúc Khánh (quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp giải quyết tình trạng bán hàng rong vẫn tồn tại tại nhiều tuyến phố, khu vực. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nêu những hạn chế về ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp như vẫn còn tồn tại bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn kiến thức về ATTP; việc lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định... Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (huyện Thường Tín) chất vấn về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn còn chậm và kém hiệu quả. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình vẫn diễn ra và gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát nguồn gốc. Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề về việc kiểm soát lưu thông thực phẩm trên thị trường, thành phố có những giải pháp gì để xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị, cơ sở không bảo đảm an toàn. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố... Về triển khai các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thừa nhận, vẫn chưa kiểm soát được điểm giết mổ nhỏ lẻ do việc giết mổ tại đây có giá thành thấp hơn. Người dân vẫn quen tiêu thụ thịt tươi sống ở các chợ, chưa quen tiêu thụ thịt cấp đông, thịt qua chế biến. Trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung. Về tình trạng chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong, lãnh đạo Sở Công thương và các quận, huyện cho biết, sẽ tiếp tục rà soát và giải tỏa các khu vực vi phạm, bố trí quỹ đất xây dựng chợ phù hợp và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh xây dựng các địa điểm, cửa hàng và món ăn nổi bật, đặc trưng, thành phố sẽ triển khai mạnh hơn việc xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm. Từ 800 cửa hàng rau, củ, quả tại 12 quận hiện nay, thành phố sẽ nhân rộng ra, lập các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến... Trong đó, quy định rõ tiêu chí các cửa hàng này như xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, có phương tiện bảo quản, niêm yết giá công khai, người bán cần được trang bị về kiến thức ATTP, đăng ký kiểm tra và chứng nhận về ATTP… Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra, nhất là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đào tạo về kỹ năng cho cán bộ trong lĩnh vực ATTP, chủ các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng, khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa một cách liên hoàn, đồng bộ, từ nơi chăn nuôi, trồng trọt tới phân phối kinh doanh và chế biến để đưa thực phẩm vào lưu thông có kiểm soát. Hà Nội sẽ đề xuất Chính phủ sớm cho phép lấy nguồn vốn đầu tư công để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các chợ để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thành phố mong muốn mọi người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, có ý thức trong sử dụng và mua bán thực phẩm an toàn, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Đánh giá về phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, có thể thấy công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Người dân đã có những địa chỉ cụ thể để tiếp cận nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự yên tâm khi sử dụng thực phẩm, nhất là tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc… Việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có những nơi, những lúc bị buông lỏng. HĐND thành phố đề xuất UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại các kế hoạch, đề án liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, nhanh chóng giải quyết vướng mắc cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, quy trách nhiệm cho từng cán bộ, đơn vị cụ thể, đồng thời cần xây dựng cơ chế xử phạt nghiêm minh hơn, vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến an toàn sức khỏe của người dân. (1215 từ)

2. Cấy máy tạo nhịp tim không dây thành công cho bệnh nhân

Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai vừa áp dụng thành công một kỹ thuật mới trong điều trị rối loạn nhịp tim: Đặt máy tạo nhịp tim không dây trực tiếp vào buồng tim cho bệnh nhân.

Mới đây, Viện Tim mạch Việt Nam (VTMVN) đã tiếp nhận bệnh nhân nam 75 tuổi vào viện vì nhiễm trùng máy tạo nhịp. Cách đây hơn 1 năm bệnh nhân đã bị những cơn ngất và nhịp tim rất chậm được chẩn đoán là bloc nhĩ thất hoàn toàn. Bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp 2 buồng tim thông thường với 2 dây điện cực ở nhĩ phải và thất phải. Bệnh nhân đã cải thiện triệu chứng nhiều, không còn những cơn ngất, sức khỏe hồi phục dần dần. Tuy nhiên, trước hai tuần nhập viện vùng ngực trái vị trí cấy máy tạo nhịp ở dưới da sưng nề đỏ, đau rát nhiều và chảy mủ lộ máy tạo nhịp làm bệnh nhân rất khó chịu và mệt mỏi. Sau khi được tiếp nhận vào VTM các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng máy tạo nhịp và biện pháp điều trị duy nhất là phải tháo bỏ máy cũ và điều trị tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Như vậy, với bệnh nhân này nếu rút bỏ máy tạo nhịp ra, lại xuất hiện nhịp tim chậm, bloc nhĩ thất hoàn toàn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Mặt khác, nếu sau khi loại bỏ máy cũ sẽ phải cấy máy tạo nhịp mới với các dây điện cực đưa vào buồng tim ở vị trí khác so với vị trí ban đầu, tiên lượng nguy cơ nhiễm trùng máy tạo nhịp thứ hai rất cao. Đứng trước thực tế như vậy, các bác sĩ VTMVN đã lựa chọn giải pháp tháo bỏ máy tạo nhịp cũ và 2 dây điện cực đã nhiễm trùng, cắt lọc và điều trị kháng sinh ổ máy cũ dưới cơ ngực trái, đồng thời đặt máy tạo nhịp tạm thời ngoài da hỗ trợ tim co bóp đảm bảo huyết động cho bệnh nhân. Sau hai tuần điều trị tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, ổ máy cũ đã sạch, các bác sĩ đã quyết định cấy máy tạo nhịp không dây vào thẳng buồng thất phải để tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân, đảm bảo cho tim bệnh nhân hoạt động gần như bình thường và sẽ tránh được nguy cơ nhiễm trùng tái phát ổ máy tạo nhịp dưới da.

Đây là loại máy có kích thước rất nhỏ, chỉ như viên thuốc con nhộng và trọng lượng chỉ có 2g nhẹ hơn tới 93% so với máy tạo nhịp tim thông thường (28g). Loại máy này sẽ nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi. Loại máy này cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian có thể đến 12 năm. Máy mới được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp duyệt năm 2016.

Với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của BS. Zulkeflee Muhammad từ Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, các bác sĩ Việt Nam đã đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây đầu tiên tại VTMVN. Sau khi đặt máy, nhịp tim của bệnh nhân đã ổn định và xuất viện sau 1 ngày. Sự thành công bước đầu này đã mở ra một trang mới với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới và từng bước làm chủ kỹ thuật và triển khai áp dụng công. (646 từ)

3. Phẫu thuật thành công khối u não hiểm hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ĐH Y HN) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u dây thần kinh V rất hiếm gặp với độ khó cao. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và phục hồi rất tốt sau mổ.

U lành, nhưng cực kỳ nguy hiểm và hiếm gặp

Bệnh viện ĐH Y HN tiếp nhận bệnh nhân N.B.N. (20 tuổi) trong tình trạng thường xuyên bị tê và đau nửa mặt bên phải, cơn đau thường khởi phát đột ngột, nóng bỏng, dạng giống điện giật. Ban đầu tình trạng này chỉ xảy ra 1 lần/tuần nhưng tần suất ngày càng tăng lên kèm theo cơn đau kéo dài và dữ dội hơn.

Kết quả khám và chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện ĐH Y HN xác định bệnh nhân có khối u dây thần kinh số V hiếm gặp. Dây thần kinh V là một dây thần kinh hỗn hợp thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Về vận động, nó chi phối động tác nhai. Về cảm giác, do dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 - V2 - V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba) nên dây V chi phối cảm giác của nửa mặt cùng bên. Khối u này ngoài việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của dây V như đau nửa mặt còn gây chèn ép các dây thần kinh III, IV, VI, gây ảnh hưởng đến chức năng của các dây vận động nhãn cầu.

ThS.BS Hoàng Minh Tân - Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống - Bệnh viện ĐH Y HN đánh giá, mặc dù là u lành, nhưng đây là một ca tương đối khó. Khối u của bệnh nhân khá lớn, lại nằm ở vị trí nền sọ giữa rất khó tiếp cận. Xung quanh khối u là các dây thần kinh và mạch máu lớn. Trong quá trình phẫu thuật, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương đến não, hoàn toàn không thể cứu sống bệnh nhân. Đây là vị trí nguy hiểm dễ gây biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân nếu kinh nghiệm chuyên môn của phẫu thuật viên không vững.

Mặt khác, sử dụng phương pháp xạ trị với khối u này rất ít tác dụng, lại làm tổn thương các cấu trúc lành xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thần kinh và chất lượng sống của bệnh nhân sau này.

Nếu không điều trị kịp thời, khối u ngày càng to đè vùng chức năng mô não, làm tăng áp lực nội sọ, khiến tình trạng đau và tê nửa mặt ngày càng nhiều. Nguy cơ tiếp theo là biến chứng mờ mắt, rối loạn cảm giác,... nặng hơn có thể khiến bệnh nhân hôn mê, thậm chí tử vong.

Cuộc phẫu thuật cam go, cẩn trọng tuyệt đối

Phẫu thuật u não vốn là một trong những phẫu thuật khó, nhiều nguy cơ xảy ra bởi chỉ cần sơ xảy một sơ suất nhỏ có thể chạm vào các dây thần kinh gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Để phẫu thuật được khối u này cần nhiều trang thiết bị như kính vi phẫu, hệ thống định vị thần kinh và dụng cụ vi phẫu,... Hệ thống định vị giúp bác sĩ xác định vị trí khối u so với vị trí của hộp sọ, định vị chính xác đường rạch da, đường mở xương sọ, xác định rõ ràng ranh giới giữa khối u với tổ chức não lành tính. Từ đó có thể lấy bỏ khối u theo cách ít xâm lấn nhất, bằng đường gần nhất. Thiết bị định vị giúp hạn chế tối đa tổn thương não trong khi mổ, nhất là với những khối u nằm ở vị trí rất khó tiếp cận như bệnh nhân này. Kính vi phẫu giúp nhìn rõ hơn vị trí khối u, các điểm tiếp giáp xung quanh tránh nguy cơ chạm phải gây chảy máu không cầm được. Bệnh nhân cũng được theo dõi, kiểm soát bằng các thiết bị, máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn trong suốt hơn 4 tiếng diễn ra phẫu thuật.

Cuối cùng, với sự nỗ lực hết sức của toàn kíp mổ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, toàn bộ khối u đã được lấy ra gọn gàng, bảo tồn nguyên vẹn chức năng các dây thần kinh, vùng não quan trọng.

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, mẹ của bệnh nhân N. cho biết, hiện nay tình trạng của bệnh nhân phục hồi rất tốt, bệnh nhân đã được ra viện. Nhân đây, bà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ BV ĐH Y HN đã hết lòng chăm sóc và điều trị cho con mình. (876 từ)

4. Báo động thực trạng bộ máy tổ chức cán bộ dân số ở cơ sở

Không đủ biên chế, thiếu nhân lực, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra – Đây đang là một trong những vấn đề “nóng” của tổ chức bộ máy làm dân số ở cơ sở, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và tâm tư của cán bộ làm công tác dân số.

Chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số là không đúng chủ trương

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến thời điểm 31/5/2019, số lượng công chức làm việc tại Chi cục DS-KHHGĐ (sau khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW) có tổng số biên chế được giao của 63 Chi cục DS-KHHGĐ là 1.113 biên chế, bình quân là 17,7 biên chế/Chi cục. Tổng số người làm việc hiện có là 1.051 (trong đó có 797 công chức, 114 viên chức và 140 hợp đồng lao động), bình quân 16,7 người/Chi cục.

Ông Lê Văn Hợi, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số cho biết: Hầu hết các Chi cục Dân số đang ổn định mô hình theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện nay có 5 tỉnh đang dưới 10 biên chế là: Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Sơn La và Vĩnh Phúc. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La là đơn vị duy nhất có con dấu nhưng không có tài khoản. Ở Kiên Giang thì số cán bộ làm việc ở Chi cục bị điều chuyển để làm công việc khác, còn 6 cán bộ. Được biết, một số địa phương khác đã sử dụng biên chế được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ để tuyển dụng cho đơn vị khác.

Với số biên chế dưới 10 người, đặc biệt có nơi chỉ còn 6 người, rõ ràng các Chi cục trên không có được nhân lực cần thiết, tối thiểu cho hoạt động của Chi cục; gây không ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhất là trong tình hình công tác dân số hiện nay đang rất nhiều vấn đề nóng, đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, trọng trách lớn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu: Chuyển trọng tâm từ Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. "Đề nghị các địa phương trên bổ sung, trả lại biên chế, đủ nhân lực cho hoạt động của các Chi cục nói trên", ông Lê Văn Hợi nói.

Không chỉ bị "lấy mất" biên chế cho đơn vị khác khiến số cán bộ của Chi cục không đủ mức bình quân được giao (17 người) như 5 tỉnh nói trên, một số địa phương còn dự định chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điển hình là tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2019, theo đó chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã có công văn 4839/CV-BYT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ.

Tỉnh Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ, đến nay 2 tỉnh trên đã dừng không xây dựng đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.

Theo các chuyên gia, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.

Khó khăn chồng chất

Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số làm Trưởng đoàn,đã có cuộc làm việc về nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số từ năm 2016-2019 với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Tại Lâm Đồng, ông Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho hay, về định mức biên chế cấp chi cục, trước đây tỉnh có 18 biên chế, sau khi thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, con số được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng là 15 công chức. Tuy nhiên hiện nay tỉnh chỉ mới có 13 công chức.

Lâm Đồng đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện, thành phố, thị xã về Trung tâm Y tế cùng cấp, thành lập Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ dân số hoặc Phòng Dân số. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng chưa có quyết định hướng dẫn chức năng nhiệm vụ hoạt động, chưa thành lập Phòng Dân số như đại đa số các tỉnh, thành khác đã thực hiện. "Sáp nhập rồi, công tác giao ban chuyên môn, cập nhật số liệu thống kê chuyên ngành rất khó", ông Thọ nói. Lâm Đồng có 2.516 cộng tác viên dân số, mức độ biến động hàng năm đội ngũ này lên tới 20-25%. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác, hàng năm tỉnh phải bố trí nguồn kinh phí lớn để đào tạo và đào tạo lại cho nhóm cộng tác viên mới.

Tại Đắk Nông, ThS.BS Nguyễn Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết, chủ trương sáp nhập các đơn vị trong công tác y tế, dân số được tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, qua theo dõi, giám sát từ công tác dân số lại nảy sinh một số vấn đề tồn tại, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ. "Công tác dân số trong tình hình mới được khẳng định bao gồm nhiều vấn đề, nhưng với công tác cán bộ hiện nay, rất nhiều vấn đề tâm tư" – ông Lâm nói.

Tâm lý hoang mang, thiếu ổn định xảy ra ở các cấp từ Chi cục xuống cơ sở. Tại cấp Chi cục, trước đây có 12 biên chế thì hiện nay con số này chỉ còn 10 người. "Số lượng này không đủ để thành lập một đơn vị hành chính theo quy định. Nguy cơ không tồn tại Chi cục Dân số là rất cao", ông Lâm nói. Cũng tại cấp Chi cục, vì không đủ biên chế để bố trí đơn vị cấp phòng nên rất khó khăn trong chỉ đạo công việc. Trước đây, trong Chi cục có 3 phòng chuyên môn thì nay, chỉ có lãnh đạo Chi cục Dân số và các chuyên viên, việc phân công nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.

Đối với cấp huyện, từ tháng 10/2018, 8/8 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã tại Đắk Nông đã sáp nhập về Trung tâm Y tế cùng cấp. Trong đó, có 7 đơn vị trở thành Khoa Dân số - Phát triển, 1 đơn vị thành lập Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số (thị xã Gia Nghĩa). Theo Đề án đưa Trung tâm Dân số về Trung tâm Y tế của Sở Y tế, các đơn vị phải bố trí 5 cán bộ phụ trách công tác dân số nhưng thực tế trong số 8 khoa mới, hầu hết mới có 4 cán bộ làm công tác dân số, cá biệt có địa phương chỉ có 2 cán bộ. Thêm vào đó, trong số 4 cán bộ dân số tại các Khoa (Dân số - Phát triển hay Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số), theo ông Lâm, nếu giữ nguyên nhân lực cũ thì tốt, còn nếu được điều chuyển từ nơi khác đến thì không phù hợp chuyên môn dân số vì họ chưa được đào tạo.

Ở tuyến xã, tại 71 trạm y tế xã, phường bố trí đủ cán bộ chuyên trách dân số. Trong số này, một ít xã điều chuyển cán bộ dân số sang nhiệm vụ khác, bố trí nhân lực mới chưa được đào tạo phụ trách công tác dân số xã thay thế. Ngoài ra, vì thuộc quản lý của Trạm Y tế xã, cán bộ dân số vừa phải trực chuyên môn từ 1-3 ngày/tuần, thời gian dành cho đi cơ sở bị hạn chế, vừa phải đảm nhiệm từ 2-6 chương trình y tế khác (tiêm chủng,...) tại trạm y tế xã.

Với cộng tác viên dân số thôn bản, ông Lâm chia sẻ thực tế, từ 1.126 cộng tác viên dân số thôn, bản của 71 xã, phường, thị trấn, đến nay chỉ còn 787 người. Hầu hết họ là nhân viên y tế thôn bản kiêm thêm công việc dân số với mức hỗ trợ hàng tháng là 70.000 đồng/người. Mức hỗ trợ này quá thấp nên họ không "mặn mà" với công tác dân số cơ sở.

Đề nghị các địa phương ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ tại 2 tỉnh này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành (tháng 10/2017) đã chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nội dung công tác dân số không chỉ tập trung vào quy mô dân số như trước kia mà đã mở rộng ra cả cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư. Với những nhiệm vụ nặng nề như thế, nguồn nhân lực lại đứng trước những thách thức khi liên tục biến động, cắt giảm tại địa phương. Đây là bài toán khó đặt ra cho ngành Y tế, Dân số.

Vì thế, Tổng cục Dân số đề nghị Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa để ổn định tổ chức bộ máy, giữ vững phát huy thành quả đã đạt được. Tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương. Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh" đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.

Ngoài ra, Tổng cục Dân số cũng đề nghị 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tuyển dụng đủ số lượng cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ theo vị trí việc làm đã được phê duyệt và tuyển dụng đủ biên chế đã được giao, đúng theo Thông tư của Bộ Y tế quy định. Đối với lực lượng cộng tác viên dân số, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú dẫn lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc các địa phương cần phải giữ vững đội ngũ này, bởi đây là lực lượng gần dân, bám dân nhất và là người trực tiếp triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số (2058)

5. Chất lượng khám, chữa bệnh: Yếu tố quan trọng bảo đảm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao

Năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38 về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới" (gọi tắt là Chỉ thị 38). Sau 10 năm, công tác này đạt nhiều kết quả khả quan, được ghi nhận.

10 năm, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 46% lên gần 90%

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Chỉ thị 38 năm 2009 chỉ rõ, sau gần 17 năm hoạt động, số người tham gia BHYT đã tăng từ 5,6% dân số vào năm 1993 lên 46% dân số vào năm 2008. Đến tháng 10/2019, thông tin từ Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, cả nước đã có khoảng 85,2 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số.

Tỷ lệ này đã vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7% (Thủ tướng giao năm 2019 đạt tỷ lệ 88,1%). Trong đó, có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT ước hơn 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 88,1 đến dưới 90% và 29 địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 88,1%. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.…

Hiện nay còn gần 11% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT. Nhóm chưa tham gia chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.

Tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quản lý tốt Quỹ BHYT

Đây là hai trong 6 nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 38. Nhận định của Bộ Y tế qua theo dõi 10 năm thực hiện Chỉ thị 38 cho thấy nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.

"Việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Từ năm 2015, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi. Từ năm 2016, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến, xã tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện).

Cũng theo Bộ Y tế, từ năm 2009, mức đóng được tăng lên từ 3% lên 4,5%, quỹ BHYT đã có kết dư. Từ 2016, có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được quỹ bảo hiểm chi trả nhưng quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu - chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng. Dự kiến trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó chưa tác động đến nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với ngân sách Nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho việc khám chữa bệnh. Nguồn chi từ quỹ BHYT đang trở thành nguồn thu chủ yếu của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện (trên 80%).

Một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, đổi mới về cách làm và đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm.

Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Chương trình Hành động Quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh theo Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 nhằm triển khai tổng thể và đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2013 (thí điểm) và năm 2016 (chính thức) được Bộ Y tế ban hành, làm căn cứ cho các bệnh viện triển khai nhiều giải pháp, đề án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm và từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Các Đề án giảm tải, bác sĩ gia đình được triển khai. Tháng 8/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình, mở rộng hành lang để bác sĩ, nhân lực y tế giỏi tham gia mạng lưới này, thu hút người dân có BHYT khám, chăm sóc sức khỏe từ cơ sở. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM cũng được cải thiện đáng kể, những chuyên khoa quá tải hàng đầu, như: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi… đều có xu hướng giảm. Tại Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh là 168% (năm 2011) giảm xuống còn 112% (năm 2018); Bệnh viện K có công suất sử dụng giường bệnh là 249% (năm 2011) còn 98% (năm 2018)... (1221 từ)

6. TPHCM: Dịch bệnh có xu hướng giảm

Sáng 6-11, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, cả 3 bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và sởi đang giảm liên tục từ nhiều tuần qua. 

Trong đó, bệnh sởi vào giai đoạn cuối của dịch bệnh với trung bình khoảng 30 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hàng tuần trong liên tục 11 tuần vừa qua.

Đối với bệnh SXH, số ca mắc trong tháng 10 giảm 17%  so với tháng 9 và giảm mạnh so với tỷ lệ tăng những tháng đầu năm. Với bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 22.453 ca, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong tháng 10 vừa qua, bệnh tay chân miệng giảm 18% so với tháng 9. 

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 là thời gian thuận lợi cho các bệnh lây qua tiếp xúc xuất hiện trong trường học các cấp. Ngoài các biện pháp triển khai phòng bệnh thường quy, người dân thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây bệnh cho trẻ khác.

* Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Dưỡng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Hới cho biết, hiện bệnh viện đang quá tải nghiêm trọng ở các khoa cũng như khu khám bệnh. Nguyên nhân là do dịch SXH đang hoành hành khiến bệnh nhân các địa phương như huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và TP Đồng Hới đến chữa bệnh khiến bệnh viện quá tải. Theo Trung tâm Y tế tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có gần 7.000 trường hợp SXH và đã có 2 trường hợp tử vong. 

* Ngày 6-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.500 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, từ tháng 7 đến nay, số ca mắc tăng gần 1.000 trường hợp.

Bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, SXH đang vào mùa cao điểm do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh nhiều ổ dịch. Trong khi, người dân xem việc phòng ngừa SXH là tránh nhiệm của cán bộ y tế nên dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh. (442 từ)

7. Không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư

Trước thông tin về việc bệnh nhân mắc trĩ dễ bị chẩn đoán nhầm thành ung thư đại trực tràng hay bệnh trĩ có thể tiến triển thành ung thư, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Bệnh viện Việt Đức khẳng định, không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư. Cung cấp thông tin đến báo chí, Bệnh viện Việt Đức cho biết, có đến hơn một nửa dân số nước ta mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30. Đây là một trong những bệnh phổ biến ở vùng hậu môn. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi đi khám…

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh lý này thường gặp là: Bắt đầu ở những người sau tuổi 30, người bị táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Ngoài ra, tếu tố di truyền cũng là một nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ. Các vấn đề như đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn… cũng là những nguy cơ mắc bệnh. Bệnh trĩ nếu không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ…

Trả lời câu hỏi được nhiều người quan tâm về việc bệnh trĩ có thể phát triển thành ung thư không?, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng khẳng định, không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư.

“Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện máu là dấu hiệu giống với người bệnh ung thư đại trực tràng và một số bệnh đường tiêu hoá khác. Vì vậy khi xuất hiện dấu hiện này người bệnh cần đi khám, cùng đó những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên nên được tầm soát ung thư đại trực tràng” – PGS Hùng khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, nếu bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ có thể chữa khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả và uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày), loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu...). Khi bệnh đã diễn biến phức tạp, người bệnh sẽ được điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Cung cấp thông tin đến báo chí chiều 4-11, Bệnh viện Việt Đức cho biết, có đến hơn một nửa dân số nước ta mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30. Đây là một trong những bệnh phổ biến ở vùng hậu môn. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi đi khám…

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh lý này thường gặp là: Bắt đầu ở những người sau tuổi 30, người bị táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Ngoài ra, tếu tố di truyền cũng là một nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ. Các vấn đề như đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn… cũng là những nguy cơ mắc bệnh. Bệnh trĩ nếu không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ…

Trả lời câu hỏi được nhiều người quan tâm về việc bệnh trĩ có thể phát triển thành ung thư không?, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng khẳng định, không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư.

“Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện máu là dấu hiệu giống với người bệnh ung thư đại trực tràng và một số bệnh đường tiêu hoá khác. Vì vậy khi xuất hiện dấu hiện này người bệnh cần đi khám, cùng đó những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên nên được tầm soát ung thư đại trực tràng” – PGS Hùng khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, nếu bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ có thể chữa khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả và uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày), loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu...). Khi bệnh đã diễn biến phức tạp, người bệnh sẽ được điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật (866 từ)

8. Dịch sốt xuất huyết tăng cao nhất, bệnh viện kín người

Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, hành lang bệnh viện ken đặc bệnh nhân đến khám và điều trị SXH. Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm nay, cả nước có hơn 200.000 ca mắc SXH, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong.

Thêm giường, tăng giờ khám

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa nhiễm D (Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM), cho biết những ngày cuối tháng 10, số bệnh nhân đến khám vì SXH tăng mạnh. Có thời điểm, số bệnh nhân điều trị SXH tại bệnh viện lên đến 300 người, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân của toàn bệnh viện.

Do số bệnh nhân phải nhập viện điều trị tăng cao nên số giường bệnh sẵn có không đủ, đơn vị này phải kê thêm giường dọc hành lang để tiếp nhận bệnh. Riêng khoa nhiễm D do bác sĩ Phong làm trưởng khoa đã phải kê thêm hơn 30 giường bệnh san sát nhau tại hành lang.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), từ tháng 9 đến nay đã có sự thay đổi về tỷ lệ của một số bệnh thường gặp. Trong đó, tỷ lệ trẻ mắc bệnh SXH tăng nhanh, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và tỷ lệ trung bình trong 5 năm vừa qua. Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trúc (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có con nhỏ 7 tuổi đang điều trị SXH tại BV Nhi đồng 1 chia sẻ, ban đầu thấy con biếng ăn, mệt mỏi rồi lên cơn sốt. Gia đình chỉ nghĩ là bé bệnh cảm thông thường do thay đổi thời tiết nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt cho con.

Tuy nhiên, qua 2 ngày bệnh tình của con vẫn không giảm, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương để khám thì phát hiện bị SXH. Lo lắng bệnh chuyển nặng nên gia đình chuyển con lên tuyến trên điều trị. Dù con trai đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực nhưng chị Trúc vẫn rất lo lắng, nhất là khi vừa cách đây vài ngày, đã có một bệnh nhi tại Đồng Nai tử vong vì SXH.

Anh Nguyễn Đông Hồ (quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng đang điều trị SXH tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Làm việc trong một bãi phế liệu ở vùng ven TP.HCM, cây cối rậm rạp nên có khá nhiều muỗi nên anh Hồ thường xuyên bị muỗi chích. Nghĩ việc bị muỗi cắn là “chuyện nhỏ” nên anh vẫn làm việc bình thường, cho đến khi bị sốt cao, lạnh run nhưng uống thuốc cảm không hết. Khi đến bệnh viện xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện tiểu cầu giảm, huyết áp tụt..., anh Hồ được nhập viện điều trị SXH.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh nhân Toan vừa bị sốt nhiễm trùng do vi khuẩn trên nền SXH nên sốt cao kéo dài hơn các ca SXH thông thường. Nếu không được điều trị sớm, chỉ cho rằng SXH đơn thuần thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Toan (nhà ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, mẹ anh “đùng đùng” sốt cao vào thứ 7 (26/10), gia đình đưa bà đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên). Xét nghiệm máu cho thấy bà bị SXH. Tuy nhiên do bà mệt nặng, sốt cao không giảm nên đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Sau 5 ngày sốt cao, đến sáng 31/10 mới giảm. “Gia đình chưa có ai bị SXH nhưng quanh vùng cũng đã thấy nhiều người bị” – anh này cho biết.

Tử vong do chủ quan

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận định, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu giảm. Trung bình mỗi tuần, TP.HCM có thêm khoảng 1.800 ca mắc SXH. Đã có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn, hầu hết do đến bệnh viện trễ sau một thời gian tự điều trị tại nhà hoặc kèm theo bệnh lý như béo phì, bệnh mạn tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, SXH là bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách. Như trong 9 trường hợp tử vong vì SXH tại TP.HCM, các bệnh nhân này phần lớn đều đến bệnh viện trễ. Khi phát bệnh đã không đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế, từ ngày 21-27/10, toàn thành phố ghi nhận 770 ca SXH (giảm 61 trường hợp so với tuần trước) và đang có chiều hướng giảm khi không khí lạnh tràn về. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca SXH, không có trường hợp tử vong. Hiện, 95,5% ca mắc SXH đã khỏi và được xuất viện.

PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca SXH trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, số ca mắc mới đã giảm hơn so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã không được chủ quan mà phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Về nguyên nhân gia tăng các ca SXH, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai-Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng gia tăng số ca mắc SXH. Nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường tăng tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa ở nhiều địa phương tăng nhanh, xen kẽ giữa các tòa cao tầng là những khu “ổ chuột”, sập xệ không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là điều kiện phát tán muỗi mang mầm bệnh.

Theo bác sĩ Dũng, hiện TP.HCM đã và đang tăng cường các chiến dịch phòng chống SXH. Tuy nhiên, việc này không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng mà phải dựa vào ý thức của người dân và cộng đồng. Theo đánh giá, một số quận, huyện khu vực ngoại thành TP.HCM hiện vẫn chưa kiểm soát tốt các điểm nguy cơ gây SXH. Nhất là những cơ sở kinh doanh vỏ xe, bồn nước cũ, vựa ve chai, các hộ chăn nuôi, hộ gia đình có vật chứa đựng nước ngoài trời… là những cơ sở có nhiều vũng nước đọng, tạo ổ muỗi.

Ông Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 10, cả nước ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc SXH. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong. Hiện, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân SXH.

Theo ông Hùng, hiện ở ngoài Bắc, khi mùa đông bắt đầu thì số ca SXH đang giảm dần, tuy nhiên tình hình dịch vẫn phức tạp ở phía Nam khi mùa mưa bão vẫn đang kéo dài. (1342 từ)

9. Nhiều ca xuất huyết bất thường

Nhận định về số ca mắc SXH trong thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, ảnh) cho biết: Năm nay xuất hiện nhiều ca SXH bị xuất huyết ồ ạt, bất thường.

Bác sĩ nhận định thế nào về tình hình bệnh SXH hiện nay. Có điều gì đáng phải lưu tâm?

- Theo chu kỳ, thời gian này thường là giai đoạn bùng phát cao nhất số ca mắc SXH trong năm và đi đến thoái trào. Tại Bệnh viện Nhiệt đới thường xuyên có từ 20-40 ca nhập viện/ngày, trong đó, có 3-4 ca được chuyển đến Khoa Cấp cứu để điều trị các triệu chứng nặng như xuất huyết, nhiễm trùng, suy đa tạng… Có một số ca chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng chảy máu ổ bụng ồ ạt gây sốc, có ca lại chảy máu mũi rất nhiều, khó cầm… Có thể nhận thấy, số ca xuất huyết bất thường năm nay nhiều hơn như chảy máu dạ dày, chảy máu ổ bụng… Hiện chưa xác định được yếu tố thúc đẩy chảy máu nhiều trong những ca SXH. Nhưng có lẽ mỗi năm bệnh dịch có sự khác nhau, ví dụ như năm 2007-2008 thì số ca SXH bị suy đa phủ tạng nhiều…

Vì sao những trường hợp biến chứng SXH, thậm chí tử vong đa số là người có bệnh mãn tính, huyết áp cao, béo phì, người già…, thưa bác sĩ?

- Những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch thì mạch máu sẽ yếu, dễ bị vỡ gây chảy máu ồ ạt khó cầm, xuất huyết não. Đặc biệt, khi bị SXH, bệnh nhân bị thoát dịch (huyết tương thoát khỏi mạch máu) và gây tụt huyết áp. Người bị huyết áp cao thì tụt huyết áp sẽ trở về huyết áp bình thường nên rất dễ bị bỏ qua biến chứng thoát dịch, dẫn đến bệnh nhân bị sốc do giảm khối lượng tuần hoàn, đến khi phát hiện thì đã muộn.

SXH thường gây tổn thương gan, nếu kèm các bệnh mãn tính thì triệu chứng tổn thương gan nặng hơn, chức năng gan giảm, làm giảm khả năng đông máu và gây chảy máu nhiều hơn. SXH cũng có giai đoạn làm hạ bạch cầu trong máu.

Nếu cơ địa giảm miễn dịch do các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy gan, suy thận thì nguy cơ nhiễm trùng gia tăng. Bệnh nhân vừa sốt do bệnh SXH, vừa sốt nhiễm trùng thì kể cả bác sĩ cũng dễ bỏ sót nguyên nhân sốt nhiễm trùng mà không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao.

Các bệnh nhân bị SXH thường lo lắng đi xét nghiệm máu liên tục. Theo bác sĩ điều này có cần thiết?

- Ba ngày đầu SXH, bệnh nhân thường sốt rất cao 39-40 độ, đau đầu dữ dội nhưng lại ít biến chứng. Các nguy hiểm bắt đầu từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, khi đó các triệu chứng sốt giảm, nhưng nguy cơ xuất huyết lại gia tăng.

Đây là lúc mà bệnh nhân và người nhà cần phải chú ý nhiều. Trong khi đó, nguy hiểm nhất là người dân thường chủ quan khi giảm sốt, cứ nghĩ đã giảm sốt là khỏi bệnh.

Ở giai đoạn bệnh ngày thứ 4-7, bệnh nhân có nguy cơ bị thoát dịch, máu bị cô đặc hoặc hạ tiểu cầu trong máu. Các triệu chứng này chỉ có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm, cho nên người dân nên xét nghiệm máu mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng phải cảm nhận sức khỏe của mình khi thấy mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đi tiêu, tiểu ra máu, nôn ra máu hoặc chảy máu cam, xuất huyết dưới da nhiều… Còn trẻ em, cha mẹ có thể theo dõi xem con có bị mệt lả, ly bì, bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ hay không… Nếu có các triệu chứng trên cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Đối với bệnh SXH, giai đoạn lui sốt là giai đoạn phải cảnh giác cao. Nhiều nguy cơ chảy máu dạ dày, ổ bụng, trong cơ, xuất huyết não… mà không có đau đớn báo trước. Không ít ca bệnh SXH nhập viện muộn, tử vong cũng vì chủ quan “hết sốt tưởng hết bệnh”.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Một người có thể bị mắc SXH 4 lần

“SXH không loại trừ bất cứ ai, dù người già hay trẻ nhỏ. Hiện có 4 týp virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ SXH 4 lần trong cả đời người”.

Phụ nữ mang thai mắc SXH phải thận trọng

“Gần đây khoa thường tiếp nhận các thai phụ bị mắc SXH bị biến chứng nặng. Do đó, các bà bầu cần chủ động khám sớm và điều trị nếu bị SXH. Thai phụ mắc SXH dễ có nguy cơ sảy thai, đẻ non, rong huyết. Một số ở giai đoạn chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu, tăng nguy cơ rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi. SXH là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không có hướng xử lý điều trị đúng thì SXH có thể từ nhẹ trở nặng, dẫn đến tử vong. Các thai phụ cần phải có biện pháp phòng chống SXH hiệu quả”. (1016 từ)

10. Hà Nội cấp hơn 1,4 triệu bao cao su và thuốc tránh thai từ nguồn xã hội hóa

Đến thời điểm này, Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại Hà Nội đã cung cấp 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ thuốc tránh thai…

Theo thông tin từ Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, hiện Hà Nội là một trong những địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS (gọi tắt là Đề án 818), góp phần giữ vững mức sinh thay thế trên địa bàn.

Tính đến tháng 8-2019, số lượng sản phẩm xã hội hóa PTTT được phân phối về các địa phương là 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ viên uống tránh thai, gần 5000 dung dịch vệ sinh phụ nữ, 1.352 dung dịch vệ sinh đa năng cùng nhiều bột canxi và vitamin tổng hợp...

Đề án 818 của Hà Nội hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, dịch vụ KHHGĐ, SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình dân số - KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bảo đảm cung cấp đầy đủ PTTT để duy trì mức sinh thay thế.

Hiện nay, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động của Kế hoạch này. Theo bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, để đẩy mạnh hoạt động của Đề án 818, vừa qua Chi cục đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đào tạo với hơn 76 lớp tập huấn cho 3.800 cộng tác viên dân số cơ sở.

Đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi loại PTTT, hàng hóa chăm sóc KHHGĐ, SKSS có ít nhất từ 2 - 3 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn. Tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, SKSS của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. ( 416 từ)

11. Hà Nội: Lấy hơn 3.800 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, hơn 6% không đạt

Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên họp giải trình về vấn đề này...

Dự kiến sáng mai, 4-11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn thời gian qua, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phiên giải trình cũng hướng đến việc tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là thời điểm cuối năm khi thị trường tiêu dùng thực phẩm được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Riêng CATP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Cùng đó, 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%), tức còn 6,3% mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt...

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nhìn chung công tác đảm bảo ATTP của thành phố đã đạt kết quả tốt song số cơ sở vi phạm cũng còn nhiều.Đặc biệt, theo thông lệ, cứ "đến hẹn lại lên", vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn ở thời điểm cuối năm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp” – ông Trần Văn Chung nhận định. (479 từ)

11. Xử phạt 2 công ty dược phẩm kinh doanh, bán buôn thuốc sai "địa chỉ"

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Đỗ Văn Đông vừa ký ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tada Pharma (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) vì vi phạm quy định về bán buôn thuốc. Lý do vì công ty này đã có hành vi bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc.

Theo Quyết định của Cục Quản lý dược, Công ty cổ phần Tada Pharma chịu mức xử phạt hành chính 40 triệu đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong 6 tháng; tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược của bà Nguyễn Kiều Việt Như (người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở) trong 6 tháng.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc đối với Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh, thuộc Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Nghệ An.

Theo Quyết định số 655/QĐ-XPVPHC của Cục Quản lý Dược, Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh đã kinh doanh thuốc không đúng địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Đồng thời, đơn vị này đã kinh doanh thuốc không đúng với hình thức kinh doanh, phạm vi kinh doanh đã ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Do đó, Cục Quản lý Dược xử phạt đơn vị này 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh trong thời hạn 2 tháng. ( 300 từ)

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến