Điểm tin tháng 11.2019

27/11/2019 | 11:08 AM

 | 

 

1. Mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước

Ngày 18/11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu đã tổ chức hội thảo khu vực nhằm chia sẻ thông tin về Dự án phát triển hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (hay còn gọi là hệ thống D-MOSS).

Hệ thống D-MOSS được phát triển trong khuôn khổ một dự án sáng tạo đa bên do Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh tài trợ cho Việt Nam. D-MOSS là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết để đưa ra các cảnh báo thường quy. D-MOSS là một hệ thống chạy trên nền tảng web có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng.

Ông Đặng Quang Tấn-Phó Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến và sự hỗ trợ kỹ thuật mà dự án mang lại. Đây là sáng kiến đầu tiên được hình thành và thử nghiệm trên thế giới, và đã quy tụ hàm lượng lớn chất xám khoa học từ nhiều tổ chức quốc tế và trong nước. Thông tin mà các quốc gia chia sẻ đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực chung của khu vực trong việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết bởi vì dịch sốt xuất huyết không có biên giới địa lý giữa các quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, bà Sitara Syed-Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết đòi hỏi sự hợp tác và hiệp đồng giữa các quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo những thông tin tốt nhất, kinh nghiệm hay nhất và công cụ sáng tạo được chia sẻ kịp thời. Sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Với bất cứ quốc gia nào, các công cụ hiện tại cần được bổ sung thêm bằng các công cụ mới, sáng tạo có tính tương tác nhằm giúp kiểm soát và giảm thiểu sự lây truyền rộng hơn của căn bệnh này.”

Sốt xuất huyết là bệnh do virus từ muỗi gây ra và có tốc độ lây truyền nhanh nhất trên thế giới. Bệnh đã có mặt trên 150 nước, nghĩa là khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết hàng ngày. Theo ước tính, sốt xuất huyết gây tổn thất trên toàn cầu khoảng 9 tỷ USD/năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù tình hình dịch tễ sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong./. (630 từ)

2. Thúc đẩy quyền và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ nhiễm HIV

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, góp phần thúc đẩy quyền trẻ em, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử, nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn.

Chăm sóc toàn diện hơn về sức khỏe, y tế, giáo dục

"Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất", trong đó có việc bảo đảm quyền cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, mô hình "Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS" đã góp phần thúc đẩy quyền trẻ em, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử, nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại nhiều địa phương.

Phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng thí điểm mô hình "Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS". Với hơn 40 trẻ chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, việc triển khai mô hình phát huy hiệu quả ngày càng tích cực khi các em được hưởng những điều kiện chăm sóc toàn diện hơn về sức khỏe, y tế, giáo dục…

Đến nay, 100% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý tại phường đều được cấp miễn phí thẻ BHYT, hỗ trợ dinh dưỡng, phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định. Vào các dịp lễ, Tết, các em được tổ chức vui chơi, tặng quà; cha mẹ, người chăm sóc trẻ được truyền thông, tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; cung cấp kỹ năng chăm sóc và cách phòng tránh, chống phân biệt, kỳ thị…

Chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng (phường Võ Cường) cho biết: "Chuyển biến rõ nét nhất từ khi triển khai mô hình chính là sự vào cuộc quyết liệt của các Ban, ngành, đoàn thể địa phương, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Những ánh mắt, hành động mang tính phân biệt đối xử đã ít đi, thay vào đó là sự cảm thông, chia sẻ ngày một nhiều hơn của xã hội, tạo điều kiện để con em những người có HIV được phát triển bình đẳng như bao trẻ em khác".

Được sự hỗ trợ của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh còn triển khai nhân rộng mô hình tại xã Ngọc Xá, xã Đào Viên (huyện Quế Võ) và phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh). Tham gia mô hình là các các đối tượng trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm HIV/AIDS, trẻ sống cùng người nhiễm HIV/AIDS; trẻ là con của người sử dụng ma túy, mua bán dâm…

Bảo đảm cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Nội dung hoạt động của mô hình bảo đảm cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Chăm sóc, điều trị, tư vấn sức khỏe; cung cấp thuốc ARV miễn phí cho các bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đi học. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học hay khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác. Hàng năm, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, hỗ trợ dinh dưỡng, tham gia vui chơi trong các ngày lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi… với số kinh phí khoảng 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương và thông qua vận động xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Phó Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho hay: "Với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều em không được gia đình chăm sóc do cha mẹ đã chết, phải sống cùng người bảo trợ hoặc ông, bà, họ hàng, gia cảnh khó khăn. Qua 5 năm triển khai (2015-2019), các mô hình kết nối toàn diện, giúp các em có điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em như: Được vui chơi, đến trường học tập, chăm sóc y tế, phát triển thể chất, tinh thần… Tại Diễn đàn Trẻ em các cấp hàng năm, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tham gia, đóng góp ý kiến, khuyến nghị về những vấn đề liên quan, thực hiện quyền tham gia theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em".

Bên cạnh chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức truyền thông tại 14 trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh cho gần 10.000 lượt học sinh về kỹ năng chăm sóc, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; tổ chức 8 hội nghị truyền thông cho 1.200 ông bà, cha mẹ thuộc 16 xã, phường, thị trấn về kiến thức kỹ năng kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...

Trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần sự cảm thông, quan tâm, đùm bọc của xã hội bởi sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS, giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử bình đẳng, tiếp thêm nghị lực để các trẻ sống tích cực, vươn lên hòa nhập cộng đồng. (1135 từ)

3. Bộ Y tế: Không ghi nhận trường hợp tai biến tiêm chủng do chất lượng vắcxin

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ 1/1-30/9/2019, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 24 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ ngày 1/1-30/9/2019, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 24 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC và các triệu chứng khác.

Về tai biến nặng sau tiêm chủng ghi nhận 23 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.

Cục Y tế dự phòng cho biết, các trường hợp tai biến nặng kể trên đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắcxin cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế họp đánh giá và kết luận.

Bộ Y tế ghi nhận 4 trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vắcxin (17,4%); 9 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (39,1%); 10 trường hợp không rõ nguyên nhân (43,5%), không ghi nhận trường hợp nào thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân: do chất lượng vắc xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình. Về loại vắcxin sử dụng, trong 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận: 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin ComBE Five (15 trường hợp sau tiêm vắcxin ComBE Five và 3 trường hợp sau tiêm vắcxin ComBE Five - OPV) trên tổng số 2.766.531 liều vắcxin ComBE Five, 2.181.455 liều vắc xin OPV đã sử dụng.

Có 4 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin BCG trên tổng số 1.046.471 liều vắcxin BCG đã sử dụng. Có 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắcxin Viêm não Nhật Bản trên tổng số 2.008.540 liều vắcxin Viêm não Nhật Bản đã sử dụng.

Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến 30/9/2019 ghi nhận 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vắcxin Hexaxim tại tỉnh Bắc Ninh, trường hợp này đã được tiến hành điều tra và hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế kết luận trẻ tử vong không rõ nguyên nhân.

Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, Bộ Y tế ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39 độ C và các triệu chứng khác.

Theo đó, các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắcxin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bình Dương (1) trường hợp, Bình Định (1) trường hợp, Đà Nẵng (1) trường hợp, Đắk Lắk (1) trường hợp, Gia Lai (1) trường hợp, Hà Nội (2) trường hợp, Lai Châu (2) trường hợp, Lào Cai (2) trường hợp, Nghệ An (1) trường hợp, Quảng Ngãi (1) trường hợp, Sóc Trăng (2) trường hợp, Sơn La (3) trường hợp, Tiền Giang (2) trường hợp, Thái Bình (1) trường hợp, Thái Nguyên (1) trường hợp và Vĩnh Long (1) trường hợp. (599 từ)

4. Bệnh tim mạch 'tấn công' người trẻ

Thực tế hiện nay, nhiều người Việt Nam dồn sự quan tâm, lo lắng cho căn bệnh ung thư. Song, đó không phải là 'sát thủ' số 1, mà bệnh tim mạch mới thực sự đáng sợ. Không còn là bệnh của người cao tuổi, giờ đây bệnh về tim mạch đang ngày càng trẻ hóa. Dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, căng thẳng, nghiện bia, rượu, hút thuốc lá… là những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị bệnh tim mạch 'tấn công'.

'Quả bom' gây bùng phát bệnh tim

Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch (chiếm 30% số ca tử vong trên cả nước), gấp đôi số người tử vong do bệnh ung thư, trong đó có nhiều bệnh nhân chưa đến 20 tuổi.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình 10-20%/năm và ngày càng trẻ hóa. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch cũng tăng trung bình 15%/năm. 

Trước đây, chủ nhân các hồ sơ bệnh án cho nhóm bệnh về tim mạch, như: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, đột quỵ… chủ yếu là người tuổi ngoài 60, nhưng hiện nay có nhiều người trẻ nhập viện do các bệnh về tim mạch.

Khởi phát với các triệu chứng như: Đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần, nữ bệnh nhân Trịnh Thị Thanh T. (18 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ, liệt tứ chi... Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não, mạch não cho thấy, T. bị đột quỵ, nguy cơ tử vong rất cao. May mắn, do được đưa đến bệnh viện kịp thời nên bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Không may như T., bệnh nhân Nguyễn Ngọc D. (38 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) sau khi đau đầu dữ dội và bị ngất, chị được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Đáng tiếc là chị D. đã không qua khỏi do cơn suy tim cấp. Bố chồng chị D. kể, chị không có tiền sử bệnh tim, nhưng do công việc ở ngân hàng bận rộn, nhiều áp lực khiến chị thường xuyên bị stress kéo dài…

Đề cập đến sự chuyển hướng của bệnh tim mạch khi 'tấn công' người trẻ, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bệnh lý tim mạch có thể chia thành hai nhóm chính, đó là nhóm bệnh liên quan đến bệnh lý tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng… và nhóm bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến bệnh lý do xơ vữa động mạch. Hiện nay, nhóm bệnh lý thứ nhất có xu hướng giảm trong khi nhóm bệnh lý thứ hai đang trở thành nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ người mắc cũng như tử vong.

'Lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Thêm vào đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống, công việc… chính là 'quả bom' khiến bệnh nhân tim ngày càng trẻ hóa', PGS.TS Phạm Mạnh Hùng lý giải.

Thay đổi những thói quen gây hại

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Đáng lưu ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp - tác nhân chính dẫn tới các bệnh lý về tim mạch đang gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.

Theo khuyến nghị của WHO, chế độ ăn thừa muối tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch. Do đó, mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày. Tuy nhiên, người Việt đang tiêu thụ lượng muối trung bình lên tới 9,4g/ngày và khoảng 90% người dân ăn thừa muối.

Chị Nguyễn Quỳnh Nguyên, nhân viên kinh doanh (45 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) kể: 'Tôi vừa có chuyến du lịch đến Hàn Quốc và các món ăn ở đây đều rất nhạt để giúp người dân phòng bệnh tim mạch. Chính vì vậy, hướng dẫn viên của Việt Nam mỗi lần sang đây đều phải mang theo nước mắm để phục vụ thói quen ăn mặn của du khách Việt'.

Ngoài thói quen ăn mặn, bác sĩ Trần Thị Linh Tú, Trưởng phòng Khám đa khoa (Bệnh viện Tim Hà Nội) khẳng định, tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá đều tác động lớn đến tim mạch và ngưỡng huyết áp. Hơn nữa, kết hợp giữa hút thuốc lá và tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác so với những người không hút thuốc bị tăng huyết áp. Để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, tốt nhất không nên hút thuốc lá và uống rượu, bia vừa phải.

Nói về sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ, nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp nên nhiều trường hợp đột tử mà trước đó 1-2 phút họ vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Vì vậy, mỗi người nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp như nhớ tuổi của mình. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, như: Không ăn mặn, giảm mỡ động vật, hạn chế uống rượu, bia, giảm cân với người béo phì, nên đi bộ 30-45 phút/ngày, vận động thể lực 4-5 ngày/tuần…

Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh. Khi người bệnh có các biểu hiện bất thường, như: Khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực... cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh gây những hậu quả đáng tiếc. (1096 từ)

5. Ra mắt công cụ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường

Chiều 14-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ra mắt công cụ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường “Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường - Diabetes Journey”. Ứng dụng Diabetes Journey là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động (hoàn toàn miễn phí), được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan được Bộ Y tế phê duyệt (như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc…).

Ứng dụng đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán, đồng thời đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam để các cán bộ y tế quyết định lựa chọn. Đối tượng sử dụng là các cán bộ y tế đang tham gia công tác chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 ở các cơ sở y tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế cấp bách toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Trên toàn thế giới có 425 triệu người lớn (từ 20-79 tuổi) đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2017. Dự đoán con số này sẽ gia tăng tới khoảng 629 triệu người, hay nói cách khác cứ 10 người lớn thì sẽ có 1 người có bệnh đái tháo đường vào năm 2045.

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), tại Việt Nam, năm 2017 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu người vào năm 2045. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.

Trong đó, phần lớn bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng do đái tháo đường. Căn bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người Việt Nam hơn khi dân số già đi vì người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp hai lần so với những người ở độ tuổi thấp hơn  (473 từ)

6. Phẫu thuật thành công khối u hỗn hợp cho bệnh nhi

Ngày 14-11, tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe cũng như mọi sinh hoạt của bệnh nhi 4 tuổi, Huỳnh Hoàng Hiếu Ng., trú tại TP. Huế đã trở lại bình thường sau khi được các bác sĩ cắt bỏ khối u quái vùng má bên phải từ lúc 4 tháng tuổi. Trước đó, kết quả xét nghiệm khối u của cháu Ng. tại Bệnh viện Trung ương Huế, được kiểm chứng bởi các chuyên gia giải phẫu bệnh của Bệnh viện St. Jude – Mỹ, cho thấy đây là khối u quái dạng hỗn hợp, vừa có thành phần ác tính, vừa có thành phần lành tính.

Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động chủ trì hội chẩn đa chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi này. Bên cạnh đó, qua sự kết nối thường xuyên của bác sĩ Phan Cảnh Duy, Trung tâm Ung Bướu và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa – Trung tâm Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế với các chuyên gia nước ngoài, bệnh nhi này cũng được hội chẩn trực tuyến giữa đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế với Bệnh Viện Nhi ung thư nổi tiếng St Jude Children’s Reseach Hospital từ Mỹ, cũng như với các chuyên gia về u đặc trẻ em ở Viện Curie – Pháp.

Qua đó, phác đồ điều trị cho bệnh nhi được thống nhất bao gồm hóa trị để tiêu diệt phần u quái ác tính, và phẫu thuật cắt trọn khối u còn lại.

Sau khi hoàn tất liệu trình hóa trị kéo dài 5 tháng tại Trung tâm Nhi – Bệnh viện Trung ương Huế, khối u có đáp ứng một phần, tuy nhiên phần còn lại vẫn còn rất lớn. Khối u xâm lấn xương vùng mặt nên khả năng phẫu thuật cắt hết khối u vẫn rất khó khăn. Nếu cắt bỏ khối u thì cháu sẽ bị khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, rất khó tạo hình lại để đảm bảo chức năng nói, thở cũng như ăn uống.

Toàn bộ dữ liệu được gửi đến cho Giáo sư Bác sỹ McKay McKinnon, một phẫu thuật viên tạo hình nổi tiếng của bệnh viện Đại học Chicago – Mỹ, và ông đã đồng ý đến Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi này, cũng như  những ca bệnh phức tạp khác.

Vào ngày 25-10, trải qua 4 tiếng phẫu thuật, Giáo sư McKinnon với sự hỗ trợ của BS CKII Trần Xuân Phú cùng với các phẫu thuật viên của Trung tâm Răng Hàm Mặt Bệnh viện Trung ương Huế đã cắt trọn thành công khối u và ½ xương hàm dưới do u xâm lấn. Sau 12 ngày, bệnh nhi phục hồi nhanh chóng và được xuất viện.

Đến thời điểm này, liệu trình điều trị đã kết thúc một cách thuận lợi theo như dự kiến. Cháu bé trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường với sức khỏe hoàn toàn bình phục, có thể đi học trong 1-2 tháng tới (537 từ)

7. TPHCM xin gia hạn thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm

UBND TPHCM vừa có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng gia hạn thời gian thí điểm hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. 

Trong 3 năm qua, việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Việc kết hợp lực lượng quản lý từ Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN-PTNT về ban đã tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc mà không phải tăng biên chế. Ban là đầu mối thống nhất, tổng hợp tham mưu cho UBND TP xử lý kịp thời cũng như chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. UBND TPHCM đánh giá ban đã nâng vị thế của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân thành phố. 

Trên cơ sở những hiệu quả của quá trình vận hành mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP trong 3 năm thí điểm vừa qua, UBND TPHCM trình Thủ tướng cho phép gia hạn thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ ngày 6-12-2019 cho đến thời điểm Thủ tướng cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm, hoặc duy trì mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm (268 từ)

8. Số người nhiễm HIV tăng cao ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tính đến ngày 30/6/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống tại Việt Nam là 211.996 người, bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong là 103.053 người.

6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát hiện được 4.675 người nhiễm HIV, 759 người nhiễm HIV tử vong, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện 6 tháng đầu năm 2019 chủ yếu là nam giới 75%. Đường lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục đồng giới và khác giới là 68%.

Tại Hà Nội, đến hết tháng 9-2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống là hơn 22.200 người. 100% quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đều có người nhiễm HIV. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện 9 tháng đầu năm 2019 chủ yếu là nam giới; gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó độ tuổi 15-25 chiếm 18,9% tăng rất nhiều so với năm 2014 (8%). Hai nhóm phát hiện nhiều nhất năm 2019 là vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV và quan hệ tình dục đồng giới.

Đề cập đến những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho hay, đến 31-10-2019, toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị Methadone đang điều trị cho 4.974 bệnh nhân, tăng 122 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2018.

Từ ngày 1/1/2018 các cơ sở điều trị Methadone đã triển khai thu phí một phần dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thay thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Hầu hết các bệnh nhân và gia đình đều đồng thuận và đóng phí khá đầy đủ hàng tháng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả nhát định nhưng tình trạng kỳ thị đối với HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV.

Thông tin về các hoạt động chính trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ông Hoàng Đức Hạnh cho hay, ngoài việc tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Hà Nội cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, treo banner dọc theo các đường phố chính, phối hợp với các dự án thúc đẩy tăng trưởng thị trường tổ chức các sự kiện tại cộng đồng để tiếp cận đối tượng đích (456 từ)

9. Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30-9-2019, trên địa bàn Hà Nội có 22.221 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống.

Trong đó, 9 tháng năm 2019, Hà Nội phát hiện thêm 1.238 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 54,5% so với cùng kỳ 2018. Đặc biệt, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh (từ 36,2% năm 2014 lên 65,6% cuối năm 2018 và 72,4% vào tháng 9-2019). Dự phòng lây nhiễm HIV, 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã cấp phát gần 2,4 triệu bơm kim tiêm; hơn 1,7 triệu bao cao su miễn phí cho đối tượng có nguy cơ cao: Nghiện ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới... Đến ngày 31-10, toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Methadone đang điều trị cho 4.974 bệnh nhân. 

Về điều trị HIV/AIDS, đến 31-10, Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị thuốc kháng virus ARV cho 14.209 bệnh nhân, trong đó có 1.410 bệnh nhân mới được điều trị. 97% người bệnh điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV được xét nghiệm có tải lượng virus <1.000cp/ml máu. 

Trong năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV...

Thành phố tiếp tục mở rộng bao phủ khám chữa bệnh và cấp thuốc ARV qua bảo hiểm y tế; triển khai 6 cơ sở điều trị Methadone tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Oai, Sóc Sơn, Hoài Đức; xây dựng kế hoạch mở 2 cơ sở cấp phát thuốc tại xã, phường thuộc trung tâm y tế các huyện Chương Mỹ và Ba Vì (350 từ)

10. Tiêu hủy hơn 5 tạ thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc

Ngày 10-11, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết vừa kết hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy 58 bao tải thuốc đông dược, có trọng lượng hơn 5 tạ, thu giữ của Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường (địa chỉ tại thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), khi đang tổ chức hội thảo và khám chữa bệnh trái phép trên địa bàn quận Kiến An. Cụ thể vào ngày 23-9, Công an TP Hải Phòng phối hợp với Thanh tra sở Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất trung tâm tiệc cưới Thanh Bình (đường Lê Duẩn, phường Quán Trữ, quận Kiến An) diễn ra buổi “Hội thảo Lương y Nguyễn Thị Nghê chữa bệnh tiểu đường bằng thuốc nam kết hợp với tây y”. 

Buổi hội thảo và khám, chữa bệnh do dược sĩ Nguyễn Thị Nghê (SN 1985, ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), của Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường thuê địa điểm tổ chức để tuyên truyền, quảng bá thuốc nam chữa tiểu đường và bán thuốc nam cho người bệnh…

Tại thời điểm kiểm tra, có hơn 100 bệnh nhân ở Hải Phòng và các tỉnh thành phố khác, như Ninh Bình, Hà Nội đến dự hội thảo để được tư vấn, khám bệnh và mua thuốc. Khi cơ quan chức năng yêu cầu, bà Nghê không xuất trình các giấy tờ liên quan đến hoạt động hội thảo và khám bệnh, bán thuốc nam. Cơ sở này cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thuốc đông dược đựng trong 58 bao tải.

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 12-9, bà Nguyễn Thị Nghê cũng đã tổ chức hội thảo và bán thuốc tương tự tại số 246 đường Máng Nước, xã An Đồng, huyện An Dương, cùng TP Hải Phòng thu hút nhiều người bệnh đến mua thuốc nam điều trị tiểu đường mặc dù chưa có sự kiểm định về hiệu quả điều trị bệnh của cơ quan chuyên môn.

Cơ quan Công an cho biết thêm, trước các buổi hội thảo và khám, chữa bệnh tại Hải Phòng, trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết quảng cáo với nội dung: Lương y Nguyễn Thị Nghê có tổ chức 1 buổi khám tiểu đường duy nhất tại Hải Phòng, miễn phí cho bệnh nhân dưới 15 tuổi và người khuyết tật bẩm sinh… Trong khi Sở Y tế Hải Phòng khẳng định không cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức hội thảo của bà Nghê. 

Cơ quan chức năng xác định việc bà Nghê tổ chức hội thảo và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tiểu đường khi chưa được cấp phép là vi phạm Điều 20 Luật quảng cáo “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định pháp luật” và Điều 6 Luật khám bệnh về các hành vi bị cấm “cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động”.

Sau khi tự niêm phong toàn bộ số thuốc đông dược không, đại diện Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường vẫn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. 

Đáng chú ý, Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường đã bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc khám, chữa bệnh không đúng địa điểm, bán thuốc chưa được phép lưu hành, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị của thuốc không rõ ràng, thậm chí có thể gây nguy hại cho người dùng. 

Theo đó Thanh tra sở Y tế Hải Phòng đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc vi phạm các quy định pháp luật trong khám chữa bệnh. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, đưa đi tiêu hủy toàn bộ hơn 5 tạ thuốc đông dược không rõ nguồn gốc. (720 từ)

11. Bệnh bạch hầu nguy hiểm, không thể coi thường

Bệnh bệnh hầu đang quay trở lại tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk ...Các chuyên gia y tế cảnh báo đây là bệnh lý nguy hiểm tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát, vì vậy, người dân cần phải tiêm phòng đầy đủ và đến bệnh viện kịp thời khi có những biểu hiện nghi mắc bạch hầu.Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, cách phòng bệnh ra sao?

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, đó là lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho... bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti, khi người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em sẽ mắc bệnh bạch hầu, ngay cả người lớn. Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Nếu một trẻ mắc bệnh, dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, không khí trong nhà ở, lớp học (nếu trẻ đến lớp) sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó hoặc hít không khí trong phòng có lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ bị nhiễm bệnh.

Đối tượng dễ mắc

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm phòng vắc-xin gây miễn dịch đầy đủ dễ bị mắc bệnh. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài. Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Mắc bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn. Một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm là bạch hầu cấp gây viêm cơ tim cấp, suy tim cấp do độc tố của chúng, nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh bạch hầu có nhiều thể lâm sàng khác nhau, phổ biến nhất là bạch hầu họng với tỉ lệ 70%; bạch hầu thanh quản với tỉ lệ 20-30%; bạch hầu mũi với tỉ lệ 4%; bạch hầu mắt với tỉ lệ 3 - 8% và bạch hầu da ít gặp hơn.

Bạch hầu họng: Bạch hầu họng thể thông thường có thời kỳ ủ bệnh từ 2 - 5 ngày và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó bệnh khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ 37,5 - 38oC; trẻ khó chịu, quấy khóc, da xanh, sổ mũi một bên hoặc cả hai bên. Thời kỳ bệnh toàn phát xảy ra từ 2 - 3 ngày, ở họng màng giả lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên tuyến hạnh nhân; trong trường hợp nặng hơn, màng giả lan tỏa trùm lưỡi gà và màn hầu. Màng giả thường có màu trắng ngà, dính chặt vào mô ở dưới gây chảy máu khi bóc tách; sau khi bóc tách vài giờ màng lại mọc lại rất nhanh; đặc điểm là niêm mạc quanh màng giả vẫn bình thường. Khám thấy có hạch cứng ở cổ, sờ di động, không đau; sổ mũi nước màu trắng. Bệnh nhân sốt khoảng 38-38,5oC, nuốt đau, da xanh xao, người mệt mỏi; mạch nhanh... Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh có tiến triển tốt. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn; màng giả lan rộng xuống thanh quản hoặc chuyển biến nặng, bị triệu chứng nhiễm độc rõ như da xanh tái, mệt lả người, viêm cơ tim; từ ngày 10-15 xuất hiện dấu hiệu liệt hoặc chuyển sang thể bạch hầu ác tính thứ phát. Bạch hầu ác tính tiên phát xuất hiện vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai của bệnh. Bạch hầu ác tính thứ phát xuất hiện từ ngày 10-15 của bệnh hoặc có thể chậm hơn vào ngày 40-50. Bạch hầu ác tính tiên phát thường bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao, mệt lả người, da xanh tái, nôn, nuốt đau họng. Bạch hầu ác tính nặng có khả năng chữa khỏi khi được điều trị sớm và tích cực bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Bệnh có thể tiến triển xấu dưới các hình thái như: Thể tối cấp gây tử vong sau 24-36 giờ với các triệu chứng khó thở, tiêu chảy, xuất huyết, trụy mạch. Thể tiến triển bán cấp với hội chứng ác tính sớm, bệnh lúc đầu thuyên giảm, da xanh tái, tim đập nhanh; đến ngày thứ 5-6 của bệnh xuất hiện liệt màn hầu; ngày thứ 10-15 xuất hiện triệu chứng xuất huyết, nôn nhiều, viêm cơ tim; bệnh nhân bị tử vong đột ngột do trụy mạch không hồi phục. Bạch hầu thanh quản: Xảy ra sau bạch hầu họng, màng giả lan xuống thanh quản gây ra bạch hầu thanh quản. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi với 3 giai đoạn: Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng có triệu chứng sốt nhẹ 380C, mệt mỏi, giọng khàn và ho tiếng ông ổng đến ho khan và giọng khàn hơn; sau đó mất giọng, nói không ra tiếng và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Giai đoạn khó thở khi màng giả lan xuống làm hẹp thanh quản kết hợp với phù niêm mạc và co thắt các cơ ở họng dẫn đến khó thở từng cơn co rút dưới xương ức hoặc khó thở liên tục; đây là tình trạng khó thở chậm, khó thở kỳ hít vào, có tiếng rít, có co kéo trên và dưới xương ức, trên xương đòn và khoảng gian sườn; trẻ bị vật vã, giãy giụa, nếu được mở khí quản ngay thì hết khó thở nhưng nếu không mở khí quản thì vài giờ sau sẽ chuyển sang giai đoạn ngạt thở. Giai đoạn ngạt thở có biểu hiện trẻ bị xỉu dần, nằm yên, thở nhanh và cạn; môi và da tím tái, mạch nhanh nhỏ, mở khí quản ít có hiệu quả và trẻ thường bị tử vong trong tình trạng ngạt thở. Tất cả các giai đoạn đều diễn biến kéo dài từ 5-7 ngày. Bạch hầu mũi: Thường đi kèm với bạch hầu họng, trường hợp có biểu hiện bệnh riêng lẻ thì thấy màng giả ở mũi với tỉ lệ khoảng 1,5% và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh diễn biến âm ỉ, sốt nhẹ, da xanh tái, gầy còm, ăn hay bị nôn. Trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, nước mũi trắng đôi khi lẫn máu; bệnh nhân tử vong do suy mòn cơ thể hoặc bị biến chứng phổi.

Bạch hầu da: Đây là thể bệnh ít gặp, sau khi có tổn thương loét trợt ở ngoài da như chốc lở, chàm, xây xát... Biểu hiện bệnh lý ghi nhận thấy có màng giả hơi xám dính chặt vào niêm mạc, gây chảy máu khi bóc tách. Ngoài ra còn có bạch hầu ống tai ngoài, hậu môn, sinh dục là các hình thái của bạch hầu da và niêm mạc; chúng thường có tổn thương loét và có màng giả.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi nghi bị bạch hầu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị ngay, bởi kháng sinh còn có tác dụng tốt diệt vi khuẩn, nếu nặng có thể được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu (kháng thể trung hòa ngoại độc tố bạch hầu) và đo điện tim để theo dõi biến chứng suy tim cấp. Bạch hầu thanh quản có thể được mở khí quản để cấp cứu kịp thời tránh nghẹt thở gây suy hô hấp.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Những người tiếp xúc với trẻ mắc bệnh bạch hầu cũng cần tiêm vắc-xin bạch hầu và uống thuốc kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có người mắc bạch hầu cần cách ly không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc (bố mẹ, ông bà, cô nuôi dạy trẻ...). Cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên có chất sát khuẩn mạnh (cloraminB) tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo chăn, màn... của người bệnh. (1590 từ)

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến