Sự cần thiết ban hành Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế

01/01/2015 | 07:22 AM

 | 


I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, đã giao Chính phủ quy định chi tiết 5 nội dung, bao gồm: (1) quy định các đối tượng khác ngoài quy định của Luật; (2) mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT; (3) mức hưởng BHYT đối với một số trường hợp; (4) phân bổ sử dụng quỹ BHYT; (5) quy định lộ trình thực hiện BHYT, phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT, khám chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng phần kinh phí dành cho khám chữa bệnh BHYT, giám định BHYT, thanh toán, quyết toán BHYT đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Do tính chất đặt thù của lực lượng vũ trang, Quyết định số 1388/QĐ-TTg  ngày 11/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng riêng một Nghị định hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an.

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung là cần thiết để hướng dẫn các điều luật giao nêu trên, tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về BHYT, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế nói chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Căn cứ Luật BHYT năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì có 15/19 Điều của Nghị định số 62/2009/NĐ-CP không còn phù hợp (gồm các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 13, 16, 17 và 18).

Vì vậy, để bảo đảm việc triển khai thực hiện Luật đồng bộ, thống nhất, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế và thay thế cho Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009.

II. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

1. Về đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại khoản 6 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT

Điều 1 dự thảo Nghị định quy định 3 đối tượng, bao gồm:

a) Đối tượng “Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng: giữ nguyên theo Nghị định số 62/2009/NĐ-CP và thực hiện BHYT theo quy định tại khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

b) Đối tượng “Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình”, theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tiêu chí hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015; thực hiện BHYT theo quy định tại khoản 5 Điều 12 sửa đổi đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

c) Đối tượng “Các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo” quy định tại Điều 26 Luật cư trú và thực hiện BHYT theo quy định tại khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế.

2 Về mức đóng, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (Điều 2  và Điều 3):

Trên cơ sở phương án cân đối quỹ BHYT giai đoạn 2015-2020 do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán lộ trình điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHYT như sau:

a) Phương án 1. Mức đóng giữ nguyên 4,5% trong năm 2015-2016. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên từ năm 2015 điều chỉnh mức đóng BHYT từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%. Từ năm 2017-2020, mức đóng của các nhóm đối tượng hằng năm tăng 0,3%. Kết quả dự kiến:

- Với các chỉ tiêu nêu trên, số kết dư lũy kế đến cuối năm 2015 khoảng 28.081 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 20.356 tỷ đồng, năm 2017 khoảng 14.711 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 3.885 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 2.886 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 13.928 tỷ đồng.

- Về nguồn NSNN: hàng năm phải tăng chi để đóng, hỗ trợ đóng BHYT, đồng thời giảm chi do không phải cấp cho các bệnh viện (số giảm chi tính theo nguyên tắc bằng 70% đến 90% của số chi lương và chi phí khấu hao hàng năm kết cấu vào giá, không giảm phần chi phụ cấp đặc thù vào giá vì phần này Nhà nước không phải chi). Sau khi bù trừ số tăng chi và giảm chi NSNN, kết quả số giảm chi trong 6 năm (2015-2020) tổng số khoảng 3.116 tỷ đồng: năm 2015 giảm khoảng 3.443 tỷ đồng, năm 2016 giảm khoảng 3.641 tỷ đồng, năm 2017 giảm khoảng 702 tỷ đồng, năm 2018 giảm khoảng 1.721 tỷ đồng, năm 2019 tăng khoảng 797 tỷ đồng, năm 2020 tăng khoảng 5.595 tỷ đồng. (Số liệu chi tiết phụ lục 01)

b) Phương án 2. Từ năm 2017 mức đóng của các nhóm đối tượng điều chỉnh từ 4,5% lên 6% mức tối đa theo quy định của Luật BHYT. Kết quả dự kiến:

- Với các chỉ tiêu nêu trên, số kết dư lũy kế đến cuối năm 2015 khoảng 27.881 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 17.929 tỷ đồng, năm 2017 khoảng 22.935 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 18.286 tỷ đồng, Năm 2019 kết dư khoảng 14.771 tỷ đồng, năm 2020 kết dư khoảng 12.619 tỷ đồng.

- Về nguồn NSNN: hàng năm phải tăng chi để đóng, hỗ trợ đóng BHYT, đồng thời giảm chi do không phải cấp cho các bệnh viện (số giảm chi tính theo nguyên tắc bằng 70% đến 80% của số chi lương và chi phí khấu hao hàng năm kết cấu vào giá, không giảm phần chi phụ cấp đặc thù vào giá vì phần này Nhà nước không phải chi). Sau khi bù trừ số tăng chi và giảm chi NSNN, kết quả số giảm chi trong 6 năm (2015-2020) tổng số khoảng -20.136 tỷ đồng: năm 2015 giảm chi khoảng 3.443 tỷ đồng, năm 2016 giảm chi khoảng 5.194 tỷ đồng, năm 2017 tăng chi khoảng 381 tỷ đồng, năm 2018 giảm chi khoảng 2.430 tỷ đồng, năm 2019 giảm chi khoảng 4.428 tỷ đồng, năm 2020 giảm chi khoảng 5.020 tỷ đồng. (Số liệu chi tiết phụ lục 02)

c) Phương án 3. Mức đóng giữ nguyên 4,5%. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên từ năm 2015 điều chỉnh mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở. Kết quả dự kiến:

- Với các chỉ tiêu nêu trên, từ năm 2015, số thu không đủ chi; tuy nhiên do nguồn kết dư các năm trước lũy kế đến cuối năm 2014 khoảng 30.194 tỷ đồng, nên dự báo từ năm 2018 quỹ BHYT mới thực sự không có khả năng thanh toán: Đến năm 2018 thiếu hụt khoảng 27.015 tỷ đồng; đến năm 2019 thiếu hụt khoảng 57.948 tỷ đồng; đến cuối năm 2020 thiếu hụt khoảng 90.977 tỷ đồng.

- Về nguồn NSNN: hàng năm phải tăng chi để đóng, hỗ trợ đóng BHYT, đồng thời giảm chi do không phải cấp cho các bệnh viện (số giảm chi tính theo nguyên tắc bằng 70% đến 80% của số chi lương và chi phí khấu hao hàng năm kết cấu vào giá, không giảm phần chi phụ cấp đặc thù vào giá vì phần này Nhà nước không phải chi). Sau khi bù trừ số tăng chi và giảm chi NSNN, kết quả số giảm chi trong 6 năm (2015-2020) tổng số khoảng 55.388 tỷ đồng: năm 2015 giảm chi khoảng 3.443 tỷ đồng, năm 2016 giảm chi khoảng 5.194 tỷ đồng, năm 2017 giảm chi khoảng 8.091 tỷ đồng, năm 2018 khoảng giảm chi 11.398 tỷ đồng, năm 2019 giảm chi khoảng 13.353 tỷ đồng, năm 2020 giảm chi khoảng 13.905 tỷ đồng. (Số liệu chi tiết phụ lục 03 kèm theo)

d) Căn cứ kết quả các phương án tài chính cân đối quỹ BHYT (Bản thuyết minh các phương án cân đối quỹ BHYT giai đoạn 2015-2020 gửi kèm), Ban Soạn thảo lựa chọn phương án 1 và thể hiện tại dự thảo Nghị định như sau:

v Từ 1/1/2015 đến 31/12/2016: Mức đóng BHYT giữ nguyên 4,5% như quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP; mức ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP, Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ cận nghèo.

- Riêng đối tượng học sinh, sinh viên: Năm 2015 điều chỉnh mức đóng BHYT từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% để thống nhất trong tổ chức thực hiện,  đảm bảo bình đẳng về mức đóng BHYT với các đối tượng khác.

- Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước là 30% đối với đối tượng là Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình để khuyến khích các thành viên hộ gia đình tham gia BHYT, bảo đảm nguyên tắc bắt buộc và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

v Từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, mức đóng của các nhóm đối tượng hằng năm tăng 0,3%  mức tiền lương tháng, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Tối đa không vượt quá 6%.

3 Về mức hưởng BHYT và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT

a) Tại Điều 4 quy định cụ thể mức hưởng BHYT đối với một số trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 7 Điều 22 Luật BHYT:

- Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, chi phí của các dịch vụ kỹ thuật có trong danh mục, điều kiện và tỷ lệ thanh toán theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người thuộc hộ gia đình nghèo; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên. 

- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục tính đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm (số cùng chi trả lũy kế từ đầu năm đến khi kết thúc của lần khám bệnh, chữa bệnh đó trong năm) lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

- Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vùng giáp ranh của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 22 sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế và khoản 1 Điều này. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa bàn giáp ranh.

- Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (tự chọn bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, giường bệnh, thời gian khám bệnh chữa bệnh và các dịch vụ y tế khác) được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định; người bệnh tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi được hưởng.

b) Tại Điều … quy định áp dụng các phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo Điều 30 Luật BHYT: nội dung này được giữ nguyên như quy định tại Điều 9 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP.

4 Về quản lý và sử dụng quỹ BHYT

a) Tại Điều 6 quy định về phân bổ và sử dụng quỹ BHYT, trong đó quy định 90% số tiền đóng BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng cho các mục đích:

- Chi trả các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Điều 21 sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế.

- Chi cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên theo quy định của Bộ Y tế để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường, sơ cứu, cấp cứu tai nạn, thương tích,... Mức chi bằng 8% số thu BHYT tính trên tổng số trẻ em dưới 6 tuổi hoặc học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả số trẻ em dưới 6 tuổi hoặc học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác) và mức đóng tương ứng đối với từng đối tượng theo quy định.

- Chi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có tổ chức y tế cơ quan theo quy định của Bộ Y tế để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng tham gia BHYT do đơn vị quản lý. Mức chi tối đa bằng 1% số thu BHYT tính trên tổng số người tham gia và mức đóng tương ứng đối với từng đối tượng theo quy định của Luật. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động và sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả, Nghị định quy định Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về điều kiện, quy mô tổ chức; phương thức, quy định tỷ lệ trích chuyển, quản lý và thanh quyết toán nguồn kinh phí này.

b) Tại Điều 7 quy định về quản lý và sử dụng quỹ dự phòng trên cơ sở chỉnh sửa quy định tại Điều 12 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật BHYT. Đồng thời bổ sung quy định trong trường hợp quỹ dự phòng không đủ để bổ sung thì BHXH Việt Nam báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp giải quyết.

c) Để quy định cụ thể các khoản chi phí quản lý quỹ BHYT nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện cũng như việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, Điều 8 dự thảo Nghị định chỉ quy định mang tính nguyên tắc một số nội dung chi thường xuyên và chi đặc thù và không thường xuyên của tổ chức BHYT bao gồm: chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chi hỗ trợ Ủy ban nhân dân các xã để thực hiện lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn, chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu bảo hiểm y tế, chi phí làm thẻ bảo hiểm y tế, in, mua biểu mẫu, chứng từ, báo cáo dùng cho chuyên môn...

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể mức chi, nội dung chi đặc thù và không thường xuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo Nghị định để có cơ sở cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện.

d) Tại Điều 9 và 10 quy định về hoạt động đầu tư từ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ quỹ BHYT và kế hoạch tài chính: nội dung giữ nguyên như quy định tại Điều 13 và 14 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP.

5 Về điều khoản thi hành

Ngoài các nội dung quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành liên quan, gồm: Bộ Y tế chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung liên quan tới quyền lợi của người tham gia BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp như: trường hợp thẻ BHYT còn hạn sử dụng sau thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực, nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc thì thời gian học tập, công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu  được tính là thời gian có tham gia BHYT,…

III. MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU VÀ Ý KIẾN CỦA BỘ Y TẾ

Sau khi xin ý kiến, Bộ Y tế đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành về các nội dung quy định tại dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, còn hai nội dung chư­a thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, cụ thể như­­ sau:

1. Về xếp nhóm đối tượng đối với “Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình”

Trong quá trình soạn thảo, còn có 2 nhóm ý kiến khác nhau:

Nhóm ý kiến thứ nhất: Đối tượng này xếp vào nhóm 5 để thực hiện theo cơ chế hộ gia đình sẽ có lợi cho người dân vì vừa được ngân sách nhà nước hỗ trợ vừa được giảm trừ mức đóng, tạo cơ chế khuyến khích các thành viên của hộ gia đình trong việc tham gia BHYT, thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân và đảm bảo tránh sự lựa chọn bất lợi cho quỹ BHYT.

Nhóm ý kiến thứ hai: Đối tượng này xếp vào nhóm 4 vì theo quy định của Luật BHYT đối tượng này là đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng.

Bộ Y tế nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất và đã thể hiện trong dự thảo Nghị định

2. Về hỗ trợ 20% mức đóng đối với các hộ gia đình khác

Trong quá trình soạn thảo, còn có 2 nhóm ý kiến khác nhau:

Nhóm ý kiến thứ nhất: Áp dụng từ năm 2018 khi giá dịch vụ y tế khám bệnh, chữa bệnh được được điều chỉnh theo lộ trình quy định tại Nghi định 85/2012/NĐ-CP nhằm khuyến khích, động viên các hộ gia đình tham gia BHYT, thực hiện BHYT toàn dân theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia vì nhóm đối tượng này cũng tham gia đóng góp cho xã hội..

Nhóm ý kiến thứ hai: không nhất trí việc hỗ trợ mức đóng đối với nhóm đối tượng này vì đã được giảm trừ mức đóng khi tham gia theo hộ gia đình và    tạo gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước.

Bộ Y tế nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất và đã thể hiện trong dự thảo Nghị định.

3. Về quy định quyền lợi và trách nhiệm đóng đối với người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên

Nhóm ý kiến thứ nhất: đề nghị người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên thì vẫn được hưởng quyền lợi khi đi KCB BHYT nhưng không phải đóng BHYT vì trong thời gian này người lao động không được hưởng lương trong khi Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng BHYT của người lao động được tính trên tiền lương tháng. Nếu quy định phải đóng BHYT thì tạo gánh nặng tài chính cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Luật Bảo hiểm xã hội đang quy định không phải đóng BHXH trong thời gian nghỉ ốm đau. 

Nhóm ý kiến thứ hai: Giữ nguyên như hiện hành về mức đóng BHYT của người lao động trong thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên phải đóng BHYT bằng 4,5% lương tháng trước liền kề khi nghi ốm vì trong thời gian này họ đã được hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Bộ Y tế nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất và đã thể hiện trong dự thảo Nghị định.

Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật về Y tế số 04 tháng 12/2014​


Thăm dò ý kiến