Trả lời đối với một số đề nghị cụ thể

28/05/2014 | 00:00 AM

 | 

1. Về đề nghị Nhà nước ban hành chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn:

- Nhóm phụ nữ ở nông thôn hiện chưa nhận được sự ưu tiên từ chính sách thai sản, họ chưa được nghỉ sinh và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên cần xem xét và có quy định hỗ trợ nhóm này. Năm 2013, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ “Về một số chế độ đặc thù chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo, cư trú tại vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đã yêu cầu “hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách, chế độ mới (kể cả việc mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng các chính sách, chế độ an sinh xã hội đang thực hiện) làm tăng chi ngân sách nhà nước”. Do vậy Đề án trên tạm thời chưa được xem xét, phê duyệt. 

Để giảm bớt khó khăn, chị em phụ nữ nông thôn nên mua thẻ bảo hiểm y tế để được hỗ trợ khi sinh con.

2. Về chính sách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo:

Trong thời gian qua, nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ thuộc nhóm người nghèo (kể cả vùng nông thôn) đã được Nhà nước, Chính phủ đã ban hành, như:

 (1) Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009 và Nghị định 62/2009/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong đó bao gồm gần 15 triệu phụ nữ được Nhà nước bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT, với các quyền lợi được hưởng bao gồm:

- Phụ nữ có tham gia mua thẻ BHYT, đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương:

Được thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã.

Phụ nữ thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh (trong đó có khám thai, sinh đẻ cũng như sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao trừ thụ tinh trong ống nghiệm).

Phụ nữ thuộc hộ gia đình cận nghèo được thanh toán 80% chi phí KCB.

- Phụ nữ tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng là:

Phụ nữ thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được thanh toán 95% chi phí KCB nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.

Phụ nữ thuộc hộ gia đình cận nghèo được thanh toán 80% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.

- Phụ nữ tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB như sau:

70% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn;

50% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng II và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn;

30% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng I, hạng Đặc biệt và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

(2) Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT - BYT- BTC ngày 14/8/2009 về hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ bệnh viện tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú nhưng vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. 

(3) Quyết định 139/2002/QĐ-TTg và Quyết định 14/2012/QĐ-TTg về KCB cho người nghèo (trong đó có phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số) quy định phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng: Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo; Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về Dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên:

Dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên quy mô 800 giường bệnh được đưa vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tại Đề án 930. Giai đoạn 2009-2011 dự án đã được giao vốn 148 tỷ đồng/nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ 980 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2015 dự án được giao vốn trái phiếu Chính phủ 400 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016 dự kiến giao là 545 tỷ đồng đủ nhu cầu vốn để hoàn thành dự án trong năm 2015.

4. Về Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới:

Dự án Bệnh viện Việt Nam-Cu ba Đồng Hới Quảng Bình đã được Bộ Y tế quyết định đầu tư theo Quyết định phê duyệt số 4942/QĐ-BYT ngày 15/12/2009 với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn năm 2011, 2012 với tổng số 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg, dự án phải tạm dừng thực hiện (tạm dừng tại điểm dừng kỹ thuật).

Để tiếp tục triển khai Dự án, Bộ Y tế đã nhiều văn bản kiến nghị các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về việc bổ sung vốn để thực hiện dự án này. Đến nay, dự án đã được đưa vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 với số vốn là 315 tỷ đồng, đang chờ báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội quyết định với mục tiêu hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng trong giai đoạn 2014-2016.

5. Về Bệnh viện K- Bộ Y tế

Nhằm giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo Bệnh viện K nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Ngoài cơ sở 1 tại số 43 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và cơ sở 2 tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, năm 2012, Bộ Y tế đã đưa một phần cơ sở 3 của Bệnh viện tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vào hoạt động, với quy mô 300 giường bệnh, đã phần nào giảm áp lực quá tải tại bệnh viện K. Bệnh viện K cũng đã được cấp đủ vốn đầu tư để hoàn thành phần còn lại tại cơ sở 3. Dự kiến đến ngày 30/4/2014, toàn bộ cơ sở 3 với 1000 giường bệnh của Bệnh viện K ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất cho Bệnh viện K, Bộ Y tế hiện đang triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 (theo Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ),  Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư giai đoạn 2009-2020 (theo Quyết định số 4595/QĐ-BYT ngày 24/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế), đặc biệt là Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Theo đó chuyên khoa ung bướu là một trong 5 chuyên khoa có tình trạng quá tải trầm trọng được ưu tiên đầu tư để giảm tải; Bệnh viện K được giao làm nhiệm vụ bệnh viện hạt nhân (là  bệnh  viện  tuyến  trên  có  đủ năng lực,  được  giao  nhiệm  vụ  xây  dựng  và  phát  triển  mạng  lưới  bệnh viện  vệ  tinh  để  giúp bệnh  viện  tuyến  dưới  nâng  cao  chất  lượng  khám  bệnh, chữa bệnh) tại khu vực phía Bắc đối với 06 bệnh viện vệ tinh, gồm: Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy – tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Ung bướu tỉnh Nghệ An. Mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh đối với chuyên khoa ung bướu cho các bệnh viện vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế để có thể khám chữa bệnh và thực hiện được các kỹ thuật cao tại bệnh viện vệ tinh, giảm tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên không cần thiết.

6. Về đầu tư xây dựng các lò hỏa táng trong các chùa Khmer

a. Về các chính sách đầu tư của Nhà nước trong việc xây dựng các cơ sở hỏa táng trong chùa Khmer:

Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, bao gồm định hướng các nhóm cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, trong đó quy định “Xây dựng các chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng tại các vùng dân tộc thiểu số đã có truyền thống hỏa táng người chết (đồng bào Khmer, Chăm...)”; Nghị định số 04/2009/ NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục ngành, lĩnh vực được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ.

b. Về phân cấp quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng:

Căn cứ Điều 48 của Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005, các Điều 3 và Điều 8 của Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, Nhà nước quy định việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch, hỏa táng hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục mai táng gây ô nhiễm môi trường và phải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại Điều 3 của Nghị định số 35/2008/NĐ-CP cũng quy định “Trong trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Điều 24 của Nghị định này quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định phân cấp quản lý về nghĩa trang cho các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch địa điểm, quy hoạch xây dựng nghĩa trang; chỉ đạo lập kế hoạch, tổ chức xây dựng mới, cải tạo, đóng cửa và di chuyển nghĩa trang trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời theo Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ “Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương; Lập và tổ chức thực hiện dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương”. Bộ Y tế có nhiệm vụ đề xuất ban hành các quy định, hướng dẫn về vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng.

 Như vậy, hiện nay Chính phủ đã có các chủ trương, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng. Việc chấp thuận cũng như đầu tư xây dựng các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại tỉnh An Giang là thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang.​


Thăm dò ý kiến