Kiến nghị Bộ xem xét, sửa đổi các quy định hiện hành nhằm cho phép các Phòng khám đa khoa khu vực được phép lưu bệnh để điều trị đối với những bệnh nhẹ nhưng cần điều trị nội trú để giảm chi phí cho người bệnh và thân nhân cũng như tránh lãng phí trong đầu tư. Vì hiện nay, tại các Phòng khám đa khoa khu vực đều đã được trang bị nhiều loại máy móc chẩn đoán ban đầu, cũng như đầu tư trang bị các phòng lưu bệnh (Tiền Giang)

14/06/2021 | 14:30 PM

 | 

 

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Phòng khám đa khoa khu vực là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện được quy định tại điểm g, Khoản 4, Điều 3 của Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Bác sĩ phòng khám đa khoa khu vực chỉ được khám bệnh không được điều trị nội trú theo hướng dẫn tại Công văn số 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018 về việc khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực thì các Phòng khám  đa khoa khu vực có thể được điều trị nội trú nếu đã được bố trí theo một trong các phương án như sau:

- Phòng khám đa khoa khu vực đã đáp ứng điều kiện của Bệnh viện Đa khoa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà phù hợp với Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh của địa phương thì tiến hành thủ tục thẩm định và cấp giấy phép hoạt động bệnh viện theo Điều 23 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2106 Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh và thời hạn chuyển đổi đến hết 30/6/2018.

- Phòng khám đa khoa khu vực vẫn phải tồn tại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng thì Sở Y tế, Y tế các Bộ/ngành phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp và thẩm định phê duyệt chuyển đổi thành đơn nguyên điều trị nội trú của Bệnh viện Đa khoa khu vực của tỉnh, Bệnh viện huyện, Trung tâm y tế huyện và thời hạn chuyển đổi đến hết 30/6/2018.

Khi ban hành Công văn số 618/BYT-KCB, ngày 25/01/2018, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp với các bên liên quan (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số phòng khám đa khoa khu vực các tỉnh….) cùng thảo luận, phân tích các số liệu bảo hiểm y tế tại các Phòng khám đa khoa khu vực trên toàn quốc để đi đến thống nhất các nội dung. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai Công văn này tại một số địa phương đang gặp một số vướng mắc, khó khăn, vì vậy Bộ Y tế đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, theo đó tại Khoản 12, Điều 11, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP đã có sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có quy định “Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản.” Bộ Y tế xin cung cấp thông tin về quy định Phòng khám đa khoa khu vực được phép lưu bệnh để cử tri biết.

 


Thăm dò ý kiến